30 August 2016

ĐỆ NHẤT PHU NHÂN - Thái Quốc Mưu

Nói đến bốn chữ “Đệ Nhất Phu Nhân”, người ta sẽ nghĩ ngay đó là người phụ nữ vợ của lãnh tụ một quốc gia. Chẳng hạn, phu nhân của Tổng Thống, của Quốc Trưởng, Quốc Vương,… Có nghĩa, họ là người “ăn theo” danh vị siêu quyền lực của đức ông chồng.

Trường hợp, người phụ nữ là công dân thượng đẳng, công dân số một, tức chính bản thân họ là lãnh tụ của quốc gia thì không ai gọi người phụ nữ đó bằng “Đệ Nhất Phu Nhân”. Tại sao? Vì trước chữ “Nhân” là chữ “Phu”, để chỉ “phu nhân” là người phụ nữ đã có chồng và danh vị của họ chỉ “ăn theo” chồng. Còn nếu tách rời chữ “Nhân” ra khỏi chữ “Phu” thì chữ “Nhân” ấy chỉ có nghĩa là “Người”

Về phương diện chữ nghĩa, “Đệ Nhất Phu Nhân” khác với cách đặt ngôi thứ bình thường. Thí dụ, cao hơn (hạng) Nhất có Thượng (hạng), dưới (hạng) Nhất có (hạng) Nhì. Còn trong một quốc gia “Đệ Nhất Phu Nhân” không có tên gọi nào cao hơn hoặc thấp hơn. Cho nên ta không nghe thấy: “Thượng Phu Nhân” để chỉ vợ của ông “siêu” đứng trên vị nguyên thủ lãnh đạo đất nước, hoặc “Đệ Nhị Phu Nhân” để chỉ vợ ông Phó của vị nguyên thủ quốc gia.

Đó là nói về các thể chế chánh trị ở đa số các quốc gia trên thế giới. Còn các nước Xã Hội Chủ Nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam,… thì thật là “khó hiểu, khó nói”.

Theo suy nghĩ bình thường thì vị Chủ Tịch Nước là ngôi vị cao nhất trong thể chế chánh trị, vợ của vị nầy tất nhiên là “Đệ Nhất Phu Nhân”. Khổ, vị Chủ Tịch Nước, trên thực tế nằm dưới quyền của vị Tổng Bí Thư, nếu gọi phu nhân Chủ Tịch Nước bằng “Đệ Nhất Phu Nhân” thì chúng ta gọi phu nhân của vị Tổng Bí Thư bằng gì đây? Chẳng lẽ “Thượng Phu Nhân?”

Nhưng, nếu gọi người phụ nữ nào đó bằng “Đệ Nhất Phu Nhân” thì cái Nhất của vị phu nhân ấy chỉ nằm gọn trong đất nước nào đó mà thôi. Vì, trên các quốc gia khác, mỗi nước đều có một “Đệ Nhất Phu Nhân”. Cho nên, trên thế giới có rất nhiểu phụ nữ có chồng là nguyên thủ quốc gia. Vì thế, trên bình diện quốc tế có RẤT NHIỀU đệ nhất phu nhân. Mà, khi CÁI NHẤT có QUÁ NHIỀU thì chẳng còn ai là NHẤT, nên tính cả thế giới thì không có ai là “Đệ Nhất Phu Nhân” cả.
Tóm lại, các bà, muốn có danh hiệu “Đệ Nhất Phu Nhân” trong một đất nước, thì, phải làm sao có đức ông chồng hét một tiếng thì cọp trong rừng cũng chạy té… cứt. Và, những ông chồng của vị “Đệ Nhất Phu Nhân” ấy phải nằm lòng câu châm ngôn, “dưới một bà để trên trăm họ.”

Đó là “lý luận ba xu, nói cho vui, nghe chơi rồi bỏ”. Bởi ở đời luôn có cái biến trong không biến thì cũng có cái không biến trong biến. Có thứ tưởng chừng đã “siêu” nhưng thực tế, “siêu” cũng có thứ “trên siêu” mới lạ!

Nhưng, có một người phụ nữ, có ông chồng bất tài, vô tướng, là phó thường dân chánh hiệu con nai vàng lại là “Đệ Nhất Phu Nhân” thứ thiệt. Thứ thiệt, vì, cả thế giới nầy chỉ có mỗi mình bà ta, xứng đáng với danh hiệu gồ ghề đó.

Người phụ nữ đó là ai?

***

Năm hai ngàn không trăm lẻ mấy…

Tôi đang nằm trên giường bệnh, bỗng nhiên như có một sức mạnh siêu hình nào đó thôi thúc, buộc tôi phải nghĩ đến cuộc đời phù du và quá khứ đời mình. Tôi có cảm giác, có lẽ mình sắp chết nên ơn trên soi rọi, giục thúc nhắc nhở tôi phải nhớ đến những người mình đã chịu ơn và phải trả ơn để khi nhắm mắt xuôi tay theo ông theo bà về nơi cõi vĩnh hằng thì tâm hồn mới được thanh thản.

Tôi ngồi dậy, lại bàn, lấy giấy bút ra viết thành một danh sách, đầy đủ chi tiết:

Sau 21-11-1975:

- Bị bắt vào tù… bị giam dưới hầm trong Mật Khu Đá Bàn, ở đó có bà Sáu Đèo - Người ta gọi bà Sáu bằng bà Sáu Đèo bởi vóc dáng bà nhỏ nhắn như đứa trẻ trên mười - Bà bị bắt, bị đưa đi “cải tạo” về tội tú bà, chứa gái mãi dâm. Trong trại giam ở mật khu Đá Bàn bà Sáu Đèo được cho ra nấu bếp cơ quan, mỗi lần nấu cơm cơ quan bà đều lén giấu trong túi áo trong (gọi là áo túi), một miếng cơm cháy chừng bằng 4 ngón tay để khi tới bữa ăn bà đem mì luộc ra hầm còng mà cho tôi miếng cơm cháy ấy.

- Khi tôi đau nặng, có một anh công an tên Trọng lén cho nửa tán đường, còn dặn: “Anh ăn đừng cho ai thấy!”

- Sau thời gian bị còng dưới hầm (trước kia dùng để tránh bom), tôi được đưa lên trại giam, một chiều công an ngoài thị trấn Xuân Lộc đem tử tội Lê Văn Ỵ vào tử hình, công an Nhân mở cửa trại giam, gọi, “Cần 4 người, xuống kho lấy dá, xẻng ra lao động!”

Để tránh cái không khí ngột ngạt trong trại giam, nhỏ hẹp, chật chội, tôi là tên tù giơ tay đầu tiên và nói to, “Tôi tình nguyện. Xin cán bộ cho tôi đi!”

Công an Nhân nhìn quanh, đếm, “một, hai, ba, bốn”. Rồi bỗng chỉ thẳng vào mặt tôi, “Anh kia ở lại, còn thiếu một người nữa, vậy ai tình nguyện?” Chẳng cần ai trả lời, anh ta liền chỉ, “Anh kia! Ra lao động!” Thế là ông chủ Nhà Phát Hành Sách Nam Cường vội vàng đi ra.

Sau đó, liên tiếp mấy tuần, trong giấc ngủ, ông Giám Đốc Nhà Phát Hành Sách Nam Cường đêm nào cũng thấy những cơn ác mộng. Giữa đêm ông la hét kinh hoàng.

Ở trong trại giam, “tình nguyện” ra lao động mà bị từ chối thì lo lắng vô cùng. Vì đi lao động là cách duy nhất hưởng được không khí trong lành, cơ thể có cơ hội hoạt động. Nếu xin lao động mà không cho thì ai nấy cũng tự hỏi, “Vì sao? Tại sao?” Nhiều khi, nằm lo cả đêm không ngủ được!

Mấy bữa sau đêm đó, tôi cùng anh Nguyễn Phát Phú, tù về tội Cảnh Sát Quốc Gia, đang cưa cây thì công an Nhân đến, bảo, “Anh Phú, lại chỗ Thổ Hồ (tên người tù sắc tộc thượng), lấy cây dũa đem lại đây”. Khi anh Phú đi rồi, công an Nhân đến bên tôi nói nhỏ, “Anh biết, vì sao tối hôm tử hình thằng Ỵ tôi không cho anh ra lao động không?” Tôi đáp, “Dạ! thưa cán bộ, sau nầy tôi nghĩ ra thì biết cán bộ thương nên không muốn tôi…”  Công an Nhân nói: “Thấy anh hiền lành, tôi không nở để anh nhìn…” Xong, công an Nhân bỏ đi, thì ra anh Nhân sai anh Phú đi lấy cái dũa chỉ là cách đuổi… đi.

Đó là ba người tôi chịu ơn trong khi bị giam ở mật khu Đá Bàn. Xin hiểu đó chỉ là vài ba chuyện điển hình,… Thực tế, còn nhiều, rất nhiều nữa.

Từ đó cho tôi học thêm bài học, ở đâu, nơi nào và nhất là trong bất cứ thể chế chánh trị nào cũng có những con người rất xứng đáng với tên gọi CON NGƯỜI.


Đầu năm 1976, sau khi kho đạn Long Khánh nổ, tôi cùng một số tù nhân khác, đang bị giam giữ tại K4 (Ty CSQG Long Khánh) bị chuyển đến trại Bàu Lâm, thuộc mật khu Hắc Dịch.

Khi mới đến nơi, một đại diện tù đứng ra lập danh sách nghề nghiệp, để công an căn cứ vào đó mà phân chia ra từng đội lao động, gọi là “C” (đọc là “Xê”). Tôi chờ đến khi Nguyễn Văn Út, người đại diện tù. lập xong rồi giục:

- Thái Quốc Mưu, nghề nghiệp gì nói đi để người ta còn đem nạp lên lãnh đạo.

Lúc ấy, tôi cố tình kéo dài thời gian, trước khi “thực thà khai báo”. Tôi nói:

- Tôi nhiều nghề lắm, chưa biết khai nghề nào đây? Ờ, trước kia tôi là đầu bếp nhà hàng Đại La Thiên! Thôi viết đại tôi là “đầu bếp” đi”

Do tù mới chuyển đến đông, nhà bếp cần thêm người, mà trong các danh sách nộp lên Ban Lãnh Đạo trại, chỉ mình tôi là “đầu bếp”, lại là “đầu bếp” nhà hàng “vĩ đại” nữa nên tôi được phân công về lao động tại nhà bếp tù.

Thế là, tự nhiên tôi phủi chân cái rụp, nhảy vào “nhà bếp” cái rầm, nơi mà người tù nào cũng mơ ước, vì được tránh mưa nắng, ít vất vả,… Vả lại, cũng được tiếng “giàu kho nó bếp!” (Nói cho vui, chứ mỗi buổi nấu ăn đều có ba, bốn người tù được cử xuống kiểm thực rất gay gắt).

Quản lý nhà bếp tù là “tù viên” (gọi là trại viên) Nguyễn văn Mạnh, hắn với tôi chẳng lạ gì. Trước kia, tôi cùng tên nầy học chung khóa Tông Đồ Giáo Dân, ngồi chung bàn Thánh Phê-Rô. Khi thấy tôi mới đến mà được Ban Lãnh Đạo trại chỉ thị xuống làm ở bộ phận bếp tù. Đây là một trường hợp ngoại lệ, vì trước nay, khi bộ phận bếp tù thiếu người, thì chính Nguyễn văn Mạnh xin Ban Lãnh Đại trại cho tăng cường người. Đương nhiên là hắn trực tiếp xin những ai từng quen biết hoặc đã “đặt hàng trước” với hắn.

Bữa đó, tự nhiên thấy tôi mới chuyển đến mà được phân công làm ở bếp, cho nên hắn và khoảng trên 40 “tù viên” khác run té… đái, vì họ tưởng tôi là “nhân viên công lực” được “đặc phái” xuống bếp để dòm ngó “mọi hoạt động tình báo”, nếu có. Cho nên, chẳng những Nguyễn văn Mạnh chất vấn mà hắn còn “chỉ thị” cho tất cả “tù viên” trong bộ phận bếp tù “xa luân chiến” tra vấn tôi ngày đêm.

Nguyễn văn Mạnh, “cai” bếp tù, phân công tôi vào tổ nấu ăn. Chiều hôm đó, nấu ăn cho sáng hôm sau, thường khi thì chỉ nấu nước muối pha với nước mắm, là xong. Thấy vậy, tôi đề nghị, nên làm nước mắm tỏi ớt để anh em tù dễ ăn. Không dè Nguyễn văn Mạnh đồng ý. Thế là, trên 12 ngàn tù viên trong trại, được bữa ăn sáng “ngon lành”. Do đó, tôi nổi tiếng như cồn, dư luận đồn ấm lên, “Tên đầu bếp mới đến chế biến nước mắm ngon quá!”

Ở nhà bếp, ba bốn ngày, chẳng thấy tên tù nào dám gần gũi tôi, họ sợ nên không muốn gần. Một hôm, tên Nguyễn văn Mạnh kêu tôi lại bàn “làm việc”. Hắn cứ hỏi:

- Anh nói thật cho tôi biết, anh bà con với Ban Lãnh Đạo thế nào, để tôi sắp xếp công việc nhẹ nhàng cho anh. Chứ ở tổ nấu ăn lửa củi nóng nảy lắm…

Tôi dấu cái mánh của mình, nên đáp dối:

- Tôi chẳng có bà con với ông bà nào hết. Có lẽ do tôi là đầu bếp hoặc hên mà thôi.

Hắn không tin, nói:

- Trước nay, ai muốn xuống bếp làm đều phải xin qua tôi. Trường hợp anh, tôi thấy lạ!

Tôi nói:

- Có gì lạ đâu anh! Tôi nghĩ là tôi hên mà thôi.

Thấy tôi đáp như vậy, hắn càng nghi, càng sợ. Nên Mạnh bảo hết người nầy hỏi, đến người kia hỏi. Họ theo hỏi như vậy cả tuần. Cuối cùng tôi phải nói thật cái “mánh” của mình. Không dè...! Tù quản lý Nguyễn Văn Mạnh nghĩ tôi qua mặt y.

Mỗi chiều tối các “Xê” (C) trưởng đi họp với Ban lãnh Đạo trại để nhận công tác được phân cho ngày hôm sau, Mạnh trình:

- Anh Thái Quốc Mưu mới xuống làm nhà bếp, nhờ chúng tôi xin Ban Lãnh Đạo cho ra lao động bên ngoài! Anh ấy nói không thích hợp phục vụ ở nhà bếp.

Thế là tôi “được” đưa ra tổ đào cột nhà. Vừa đào vừa khóc vì nghĩ mình “ma lanh” mà lại “NGU” nên nói thật với kẻ ác ôn, hẹp hòi.

Từ sự việc nầy, tôi nghiệm ra rằng, ở đời đừng nghĩ, đừng tưởng những kẻ sinh hoạt trong các đoàn thể tôn giáo đều có tinh thần bác ái, đạo đức. Trong số những kẻ ấy không thiếu những tên giả hình, ác ôn, hẹp hòi, ích kỷ,… dùng các tổ chức thánh thiện của tôn giáo làm bình phong để làm điều gian manh, dối trá.

Trong khi đào cột nhà, tôi có quen Hà Văn Cót, người có hai dòng máu Hoa Việt, anh là Thám Sát Tỉnh Bà Rịa. Trước khi đi lính, anh làm thợ bánh ngọt. Hà Văn Cót cho tôi biết, chừng tháng nữa, trong trại sẽ mở lò bánh kẹo, anh ta được chọn làm tổ trưởng, Hà Văn Cót hỏi tôi:

- Anh có muốn làm chung với tôi không?

Tôi đáp:

- Tôi có biết làm gì đâu anh!

Cót nói:

- Anh chụm lửa, dọn dẹp là được rồi, tất cả tôi làm hết! Để khi nào Ban Lãnh Đạo kêu lên, tôi sẽ đề nghị xin anh với Phan Tấn Đức (Chỉ huy Phó Cảnh Sát Quốc Gia Quận Phước Lễ, Bà Rịa) là đủ rồi!

Thế là tôi mới bị ác quỷ sa tăng Nguyễn văn Mạnh hãm hại, liền gặp ngay Phật cứu tinh Hà Văn Cót (Cót đạo Phật).

Trong bất cứ trại tù nào cũng có chó săn và bọn trật tự hung thần. Bọn hung thần trại tù Bàu Lâm không đến đổi mất tính người như tên Bùi Đình Thi, nhưng chúng hãm hại người bị cùm không ít. Do đó, tôi luôn nghĩ cách đối phó.

Khi lò bánh kẹo bắt đầu “khai trương”, ba anh em chúng tôi (Hà Văn Cót, Phan Tấn Đức và tôi) lên làm và được ăn, ở, ngủ luôn tại đó, được tự do đi lại hơn ở trong khu trại lớn. Không phải lãnh cơm từng bữa mà lãnh lương thực hàng tháng, tự nấu ăn. Ngày bắt đầu làm, công an trại tù thấy lạ, họ kéo nhau xuống coi. Trong đó có cô công an Quản Lý Lương Thực Trại và Quản Lý Căntin tên Võ Thị Tím. Họ chỉ chúng tôi từng người hỏi tên. Đến khi hỏi tôi, tôi đáp:

- Thưa các anh chị cán bộ, tên tôi kỳ lắm!

Họ cùng nói:

- Gì mà kỳ? Anh cứ nói đi!

- Dạ tôi sẽ nói, nhưng xin để chị cán bộ nầy đi rồi tôi nói.

Chị cán bộ Tím cười nói:

- Thì anh cứ nói đi, có tôi thì có, chẳng sao đâu!

- Dạ tôi tên...

Rồi tôi cố ý ngần ngại đợi họ giục, thay vì MƯU, tôi nói lớn và nhanh:

- Dạ! Tôi tên MU.

Tôi có ý nói chữ MU lớn, họ thi nhau cười cái rần, cán bộ Tím đỏ mặt, che miệng cười, rồi nói:

- Tên anh kỳ thiệt! Vậy anh thứ mấy?

- Thưa chị, tôi thứ Bảy!

Tím nói:

- À, thôi mình gọi ảnh bằng anh Bảy đi! Chứ gọi tên nghe kỳ quá!

Thế là chỉ cần “mánh” một chút, cả trại, từ anh em bạn tù đến công an, gia đình công an đều gọi tôi bằng “anh Bảy” ngon lành. Bọn hung thần trật tự cũng không ngoại lệ. Chúng cứ nghĩ tôi là thân nhân của Ban Lãnh Đạo trại. Ngoại trừ bạn bè tri kỷ trong tù biết “mánh”, họ gọi tôi bằng “Cậu Bảy!” để vừa đùa, vừa “phục”, vừa “nâng cao uy thế” cái mánh của tôi.

Nhờ cái “mánh” đó tôi yên ổn suốt thời gian trong tù. Sau đó, tù quản lý bếp Nguyễn văn Mạnh gặp tôi cũng “chịu phép!” Có lẽ hắn nghĩ, khi làm ở nhà bếp tù tôi nói dối!

Làm ở lò bánh kẹo một thời gian, ông Búi Tấn Công (thường gọi là Tám Công), Thủ Trưởng Lãnh Đạo Trại, thấy công an, viên chức cứ xuống lò bánh kẹo hoài, ông sợ họ lợi dụng lấy bánh kẹo ăn, nên cho viết tấm bản lớn chà bá treo trong lò bánh kẹo, “Cấm Nhân Viên, Cán Bộ Xuống Lò Bánh Kẹo”. Thế là chẳng ai còn bén mảng tới. Thật ra, trước đó họ xuống cũng có lén ăn chút chút. Ở trong rừng ai cũng thèm khát, đâu phải chỉ riêng tù nhân.

Thú thật, sau lệnh cấm, thấy họ thèm mà tôi động lòng. Tôi bèn nghĩ cách cho họ.

Mỗi khi làm kẹo đậu phộng tôi gom hết rìa vụn sau khi cắt, cho vào nhiều túi nilon nhỏ, chôn giấu trong thùng bột mì lớn. Mỗi chiều, thấy công an nào đi tắm về ngang (giếng sau nhà Thủ Trưởng), tôi đứng nép vào mé cửa, vẫy vào, đưa cho họ bịch rìa kẹo vụn và nói:

- Tôi lén giấu cái nầy để cho anh!

Họ cám ơn lia lịa. Và ngày nào cũng vậy, hết anh công an nầy đến anh công an khác. Vì vậy, hơn trăm công an coi tù ai cũng thương tôi.

Có lần, công an Nguyễn văn Phú hỏi tôi:

- Anh Bảy uống rượu hôn, sẵn tôi ra ngoài làng tôi mua giùm anh một bi-đông!

Tôi đáp:

- Dạ, cám ơn cán bộ, tôi không biết uống rượu! (Công an Phú có người em tên Vinh, cũng là công an, làm chung trong trại, một đêm đói quá, anh công an nầy lén vô kho dự trữ lương thực ăn cắp gạo, bị phát hiện, đưa ra sinh hoạt nặng nề. Do xấu hổ, anh tự tử chết tại trại. Tôi kể rõ như vậy để quý độc giả biết rằng thời đó, ai cũng đói chứ chẳng riêng gì giới tù cải tạo chúng tôi bị đói không đâu!)

Nghe tôi từ chối việc công an Phú muốn mua giùm rượu, Hà Văn Cót, Phan Tấn Đức chửi tôi quá chừng:

- Ông ngu quá, không uống thì tụi tôi uống!

Tôi đáp:

- Ai biết, thấy cấm uống rượu làm sao tôi dám nói với mất cha?

- Ông thật thà quá, hóa ngu! Tối làm một ngụm, vô mùng ngủ, ai biết?

Ở lò bánh kẹo lâu, gần gũi công an nhiều nên tôi cũng có cảm tình với họ. Khi họ đi săn về, đều kêu tôi lên bếp cơ quan làm thịt thú và nấu nướng (họ vẫn tin tôi là đầu bếp!) Việc làm thịt thú vật, tôi không rành, nên xin thêm một người giúp và tôi đề nghị Trần văn Độ, vì tôi biết, trước khi đi Cảnh Sát Quốc Gia, Độ chuyên hạ thịt heo bán. Lúc đó anh làm tổ trưởng tổ nấu thức ăn bếp tù.

Sau mỗi lần thịt được làm sạch sẽ, đem lên bàn, ông Sáu Minh, là một trong những vị nằm trong Ban Lãnh Đạo trại, ra lệnh cho Độ với tôi:

- Tôi giao hai anh chia thịt, nếu mất một miếng là tôi còng hai anh!

Tôi biết chẳng phải ông tin tưởng gì chúng tôi, nhưng tự nghĩ ông khôn đáo để, vì nếu giao cho các chị nuôi (những người phụ trách bếp) công an, cán bộ còn xuống xin xỏ ăn riêng được, giao cho tôi với Độ là “chắc ăn như bắp”. Anh công an nào muốn lấy chút thịt ăn thêm, tôi (hay Độ) liền năn nỉ:

- Nếu cán bộ lấy chúng tôi sẽ bị Ban (tức là gọi tắt Ban Lãnh Đạo) Sáu Minh còng tụi tôi liền!

Lời của chúng tôi được bảo kê bằng lời của các chị nuôi:

- Ông Sáu Minh mới nói đó, ai lấy là còng mấy ảnh đó!

Trong khi tôi lo chia thịt cho từng gia đình, tùy theo mỗi lần có thịt nhiều hay ít và tùy theo đầu người ở mỗi gia binh - thì Trần Văn Độ lo làm tiết canh, xào nấu món nhậu... (Trần văn Độ nấu ăn ngon lắm!)

Tôi có “biệt tài”, khi cắt thịt cân chia, là cân “đúng y” số lượng, không thêm không bớt! Cân xong, lấy lá chuối gói lại và khi giao cho vợ các ông có gia đình, tôi nhấn mạnh gói thịt vào tay họ. Họ ra về ngay! (họ biết tôi luôn cân dư, chớ làm sao tôi cắt đúng ngay được!) Việc đó chẳng thiệt thòi gì cho những người chưa có gia đình, ăn tập thể, vì họ cũng được khẩu phần theo số thịt còn lại. Nhờ vậy, từ đó tôi lại “nổi tiếng”, “Anh Bảy cắt thịt thật hay!” Còn các chị nuôi làm ở bếp đều bảo tôi chia những loại thịt thú ngon như nhím, heo rừng, nai,... Trần Văn Độ thật thà, anh chỉ “ăn theo mánh” của tôi.

Mỗi khi hạ thịt heo, các chị nuôi đều lén cho chúng tôi ít thịt. Có lần, con heo làm xong, chị Thu bếp trưởng, nói:

- Hai anh coi cắt trước chỗ nào mà lát nữa ông Sáu Minh xuống không biết dấu, đưa tôi đem vô phòng (ngủ) cất, chừng hai anh làm xong lấy.

Trần văn Độ cầm dao, suy nghĩ hoài chẳng biết cắt chỗ nào mà không để lại dấu cắt. Tôi nói:

- “Mi ngu” quá! (chúng tôi thân thiết nên luôn nói với nhau như vậy), để “cậu Bảy” cắt cho!

Tôi cầm dao, cắt một khoanh dày chừng 5 ly, ngay chỗ cổ heo mà cái đầu mới cắt ra! Chỉ có Trời mới biết!

Trên đường vô trại, Độ xách thùng nước cơm vo, trên đậy lá chuối, đem vô cho trại heo ở phía sau nhà bếp tù, trong đó có khoanh thịt cổ heo. Những phần “quà” như thế tôi đều dành hết cho Độ. Còn tôi thì có phần khác. Xin kể sau!

Có lần tổ trác, khi Trần văn Độ đem “quà tặng” vào trại, bị trật tự chận lại không cho đem vô trại. Từ lò kẹo, nhìn sang, tôi thấy đám trật tự bu quanh cổng vào, coi lăng xăng, ghê gớm lắm! Tôi biết Độ đang “có chuyện”, nên vội chạy sang Căntin (trước cửa lò kẹo), cầu cứu cán bộ Võ thị Tím (quản lý lương thực trại và Căntin). Chị vội ra chỗ cổng, nói:

- Dượng Năm (tức Thủ Trưởng, vợ ông là Dì ruột của Tím) dặn mỗi khi làm xong thịt cho hai ảnh một ít. Từ nay mấy người không được xét nữa!

Từ đó, Độ ngang nhiên mang “hàng” vào!

Lần khác, làm thịt một con bò, ông Sáu Minh bảo:

- Hai anh nấu nước sôi, cạo lấy luôn da!

Tôi cầu cứu chị Thu, trưởng bếp, chị vội chạy xuống nhà Thủ Trưởng trình bày (Chị Thu cũng là cháu gọi vợ Thủ Trưởng Bùi Tấn Công bằng Dì, chị là con người thứ Hai, còn Tím là con của người thứ Ba, vợ Thủ Trưởng thứ Năm, về vai vế trong gia đình chị Thu ở trên Tím).

Ông Bùi Tấn Công nói:

- Ông Sáu Minh bày đặt, thuở nay, ai làm bò mà cạo lông. Mầy bảo tụi nó cứ lột da, bộ da cho hết tụi nó, với cho thêm một ký thịt!

Chị Thu mừng quýnh về nhà bếp “sao chép nguyên văn!” cho tụi tôi nghe!

Xong việc, tôi giúp Độ khiêng nguyên bộ da bò vô trại, đến cổng trật tự không cho tôi vào, vì nói tôi bị cách ly như ba vị Linh mục ở đối diện lò kẹo (5, 6 linh mục khác ở trong vòng rào). Thực tế thì không! Tôi chỉ được phân công làm lao động ở lò bánh kẹo.

Vào trại, Độ cắt chia bộ da bò cho mỗi người - nhất là những người không có thăm nuôi - một miếng bằng bàn tay. Ai nấy cũng mừng. Chia hết cả, Độ còn nửa ký thịt bò.

Hà Văn Cót, Phan Tấn Đức ăn chung với tôi, thấy tôi đem nửa ký thịt bò về lò kẹo, mắt hai “thằng” sáng rực!

Khi “làm thịt cơ quan” tôi thợ vịn, Độ vai chính, làm thịt xong tôi chịu trách nhiệm chia thịt, Độ lo nấu nướng. Mỗi lần như vậy, nếu nhu cầu tiết canh, thịt nướng hay luộc mỗi thứ 10 dĩa, ông Bùi Tấn Công bảo làm mỗi thứ 11 dĩa. Ông cho các chị nuôi và chúng tôi mỗi thứ một dĩa. Chúng tôi ăn tại chỗ một phần, phần còn dư các chị cho chúng tôi đem về. Thường thì “hàng sống” tôi luôn nhường hết cho Độ. Ngoại trừ những khi đặc biệt.

Trần Văn Độ nấu ăn rất ngon! nhưng không có tiếng, còn tôi không biết nấu ăn, nhưng rất nổi tiếng, vì tôi là “đầu bếp nhà hàng Đại La Thiên” mà!

Tôi làm ở lò bánh kẹo gần ba năm, rất thoải mái và đầy đủ. Phần do “làm thịt cơ quan”, phần do Võ thị Tím mỗi lần đi Bà Rịa mua thức ăn về, đều “nhém” cho tôi đủ thứ, nào cá tươi, cá khô, trái cây... tuần nầy ba đứa tôi ăn chưa hết thì tới “quà” tuần sau. Ngoài ra, khi “làm thịt cơ quan” tôi cũng có “hàng”!

Hà Văn Cót, mỗi tháng đều có vợ đến thăm nuôi đầy đủ. Còn Phan Tấn Đức nhờ có tiệm vải lớn, có xe đò lớn, chở khách thăm nuôi mỗi tuần, nên tuần nào anh cũng có quà gia đình, mỗi lần như vậy Đức gánh một gánh nặng. Tôi thì vợ có chồng khác, nên bị mồ côi trong tù. May được những tấm lòng vĩ đại thương yêu!

Có lần Phan Tấn Đức nói chơi với tôi, một cách rất nghiệt ngã

- Ông ăn ở thế nào nên vợ mới bỏ, còn tôi sao vợ không bỏ!

Tôi lặng thinh, ngậm ngùi! Còn Hà Văn Cót nghe Đức nói vậy, y chửi Phan Tấn Đức:

- Đ. Mẹ! hết chuyện nói chơi sao mà nói vậy? Nhè nổi đau đớn của anh em mà bươi móc ra! Mầy có điên không?

Phan Tấn Đức biết lỗi, không dám trả lời.

Vài năm sau, trại cho phép những tù nhân “lao động tốt” được về thăm nhà, mỗi người có một công an trại đi theo. Phan Tấn Đức, Hà văn Cót đều đi, cho tôi đi nhưng tôi ở lại, vì tôi sợ nếu về chứng kiến hoàn cảnh khó nghèo, con cái ở với nội nheo nhóc, không kềm lòng được trốn luôn thì nguy hiểm khôn lường.

Trưa hôm ấy, Phan Tấn Đức về trại, mặt anh buồn so, hỏi gì cũng không đáp. Chiều hôm đó Hà Văn Cót mới về! Mùi rượu bừng mặt (chính cái ân huệ về phép nầy, mà sau nầy một số anh em đi diện HO bị rắc rối vì sao ở trong tù mà vợ có thai?)

Mãi về sau, công an Long, người dẫn Phan Tấn Đức về nhà, tiết lộ với Cót và tôi:

- Khi Phan Tấn Đức vô nhà thì nghe trong buồng có tiếng con nít khóc, anh vào phòng thấy vợ đang ru con đỏ. Đức quay lưng ra luôn, yêu cầu cán bộ “dẫn độ” trở về trại.

Tôi nghe bạn bè nói lại, sau khi được trả tự do, Phan Tấn Đức được gia đình bên vợ tổ chức cho anh vượt biên. Hiện anh đang định cư ở Pháp.

Cho tới bây giờ, gọi phone nhau, nhắc lại chuyện cũ, Trần văn Độ vẫn nói: “Cậu Bảy” khôn quá chừng, nên ở đâu cũng sướng!” Tôi cười nói, “Sướng sao bằng bây giờ nằm với các bà?”

Ở lò bánh kẹo, tôi có một kỷ niệm quý vô vàn, hôm đó, giáo sư Đặng Thị Thúy, dạy Trung Học Ngô Quyền, Vũng Tàu (hay Biên Hòa, tôi quên), tù vượt biên, từ trại nữ sang xin bình nước uống - Lò bánh kẹo dùng nước bơm từ giếng lên (hầu hết dùng nước ở suối). Đặng Thị Thúy mặc chiếc áo rộng cổ, nhấn nước đầy bình rồi để bình xuống đất, hướng về tôi, đứng khom khom cứ loay hoay vặn ra, vặn vào cái nắp bình bốn lít, cổ áo trệ xuống, tôi thấy rõ hai gò ngực không nịt, tròn đầy, trắng muốt, lòng tôi rạo rực, khát thèm...! Lát sau, Thúy nhìn lên nói nhỏ:

- Thúy biết anh thèm lắm, cho anh nhìn đỡ thèm!

Nghe Thúy nói, tôi “muốn chết được!” Bạn như thế trên đời mấy ai? Trong tù chúng tôi hay làm thơ Đường xướng họa với nhau! Sau ba, bốn năm thì lò bánh kẹo giải thể, Thủ Trưởng Bùi Tấn Công, hỏi:

- Tụi bây (xin hiểu đây là cách nói thân thiện của người miền Nam) muốn về đâu, nói tao biết!

Hà Văn Cót, Phan Tấn Đức xin về tổ đi rừng hạ cây. Tôi xin về lại nhà bếp vừa nhẹ nhàng vừa tránh mưa nắng.

Trở lại nhà bếp tù, tôi bị Nguyễn văn Mạnh sắp ở tổ ra rừng vác củi. Nhưng mỗi khi công an đi săn về thì loa cứ gọi:

- Anh Bảy Lò Kẹo lên làm thịt cơ quan!

Do đó, Mạnh quản lý bếp tù, đem tôi vào đốt lửa nấu cơm, việc nầy nóng lắm. Trần văn Độ xin tôi về tổ nấu ăn, Mạnh không chấp thuận. Nó ghét tôi!

Có một hôm ông Thủ Trưởng Tám Công xuống bếp, đi vòng vòng, thấy tôi đang cào lửa nấu cơm ra, ông đứng lại hỏi:

- Sao, dạo nầy gia đình mầy có ai tới thăm không?

Tôi đáp:

- Dạ thưa Ban Tám, không!

Ông hỏi cho có hỏi, rồi bỏ đi!

Chụp thời cơ, tôi liền gọi Trần văn Độ lại, nói nhỏ:

- Nếu thằng Mạnh, hỏi Ban Tám nói chuyện gì với ta, thì mi đáp, ổng bảo ta phải coi nấu thức ăn cho anh em đàng hoàng nha!

Trần văn Độ hiểu ý tôi!

Quả nhiên, Nguyễn văn Mạnh không hỏi tôi mà hỏi Trần văn Độ, Độ theo đúng lời tôi, thuật lại cho Mạnh nghe. Nguyễn văn Mạnh hoảng quá, vội đưa tôi sang tổ nấu ăn. Nguyễn văn Mạnh đúng là thằng ngu chánh hiệu!

Trần văn Độ “ăn rơ” với tôi, đề nghị với Mạnh

- “Cậu Bảy” ngoài đời là “đầu bếp” nên để làm tổ trưởng, tớ làm tổ viên.

Nguyễn văn Mạnh đồng ý liền.

Ở nhà bếp thời gian, một trưa buồn quá, tôi nói với Trần văn Độ:

- Mi dám cởi áo quần, chạy một vòng quanh nhà bếp (Nhà bếp tù rộng bằng nửa chợ Sàigòn) ta thua mi năm đồng (năm đồng những năm đó còn khá lớn).

Trần văn Độ biết tôi không có tiền, nhưng được dịp giỡn cho vui. Thế là anh cởi quần (chúng tôi luôn ở trần) cầm tay chạy liền, tôi, Út (Lê văn Út), và vài anh em nữa vỗ tay cười ầm lên vì thấy con... của Độ tha hồ quật lên quật xuống. Chạy giáp một vòng, Độ giơ tay cao lên nói, “Tặng các bạn thêm một vòng”, rồi anh chạy tiếp, lúc nầy con.... của Độ thụt đâu mất tiêu.

Ngay khi ấy công an quản giáo Vạn bước tới, thấy Trần văn Độ đang trần truồng, tay còn cầm quần. Cán bộ Vạn hất mặt, hỏi Độ:

- Anh làm gì vậy?

Độ thản nhiên, cười đáp:

- Ở lâu quá, hóa điên anh cán bộ ơi!

Tôi thấy mặt cán bộ Vạn có nét cười nhưng y cố nín, làm bộ nghiêm:

- Anh bận quần vô, từ rày không được làm như vậy nữa.”

Nói xong anh ta bỏ đi.

Tôi, Trần văn Độ, Nguyễn Tiến Long, Lê văn Út cùng làm tổ nấu ăn đang vui vẻ. Bỗng một hôm công an Châu, xuống nhà bếp tù, gọi tôi, Trần văn Độ, Lê văn Út đem đồ cá nhân vô biệt giam. Vì khi làm thịt con heo xong, Út, Độ lặt mót mở dính ở ruột heo, dự định thắng ra để cho các người tù bị ghẻ lở, bọn trật tự kiểm thực tố cáo Độ, Út ăn cắp thịt làm cho tù ăn Tết. Tôi là tổ trưởng không kiểm soát cũng bị vạ lây. Đôi khi thương người cũng hại mình!

Trong khi công an Châu đang chú tâm mở khóa nhà biệt giam, Lê Văn Út nói nhanh, vừa đủ để tôi nghe:

- Anh nói với anh Độ, nếu họ cố ý buộc tội, hai anh đừng nhận gì hết, cứ đổ cho em (Út nhỏ hơn tôi nhiều tuổi), hai anh có vợ con lại là Ngụy, “nhớ là Ngụy nghe hôn!” có gì phải ở lâu lắm. Em còn độc thân, tù vượt biên chẳng sao hết, cứ đổ tội cho em.

Vào trong, ba đứa tôi bị xiềng chân bằng còng chữ “U”, mỗi đứa một góc. Chờ cán bộ Châu ra ngoài, nghe tiếng dây xích kéo khóa cửa xong, tôi nói với Độ:

- Độ ơi, mi nhớ thằng Út làm, cứ để mình nó chịu nha!

Trần văn Độ hiểu ý, liền đáp:

- Nó làm nó chịu, chẳng ai dại gì nhận đâu!

Dân Cảnh Sát Quốc Gia thông minh đáo để.

Ban Lãnh Đạo xem tang vật, đúng là mở ruột heo thúi ình, thấy lời tố cáo của trật tự không đúng. Hôm sau chúng tôi ra còng.

Nhân kể chuyện nầy, tôi nhớ hồi làm lò bánh kẹo, có lần một công an xuống lân la, tổ trưởng lò kẹo Hà Văn Cót đưa tay chỉ tấm bảng “Cấm Nhân viên, Cán Bộ, ...” Người công an giận tái mặt, trở ra, lát sau, dẫn xuống gần hai chục công an khác. Vừa vào, họ hỏi to:

- Thằng Cót đâu?

Cót đáp:

- Dạ, tôi đây!

Họ ùa vào, chửi:

- Đ. Mẹ, mầy là thằng tù chớ là cái thớ gì mà dám bỉ mặt anh em tao?

Rồi hùng hổ xấn tới làm như định đánh Hà văn Cót. Tôi biết chắc chắn là họ chỉ hù thôi (vì trước đó có người đánh tù nhân bị ông Tám Công đưa vào trại giam, ở Biên Hòa, còng). Tuy nghĩ như vậy, nhưng tôi cũng sợ họ giận quá sanh liều, nên vội vàng đứng án trước mặt Hà văn Cót, năn nỉ:

- Xin quý anh cán bộ bớt nóng, anh Cót là người Hoa, không nói rành tiếng Việt (tôi nói như thế để lấy cớ làm lắng dịu tình hình, thực tế, Cót chỉ dính dáng với Tàu qua cái họ Hà mà thôi) nên chỉ tay như vậy chớ ảnh không có ý xúc phạm, xin quý anh rộng lòng bỏ qua!

Một, trong đám ấy, nghe tôi nói vậy liền chụp cơ hội:

- Đ. Mẹ, không có anh Bảy, tụi tao đánh chết mẹ mầy. Mầy liệu giữ hồn đó! Thôi về các đồng chí!

Họ vin vào tôi để “rút lui trong vinh dự”, chớ tôi là thằng tù chớ là cái chó gì mà họ vị nể tôi. Có điều, trong đám đông ấy, chẳng có người nào mà không ăn rìa kẹo đậu phộng do tôi lén cho. Sau đó, tôi nói với Hà văn Cót và Phan Tấn Đức: “Tên Cót nầy muốn làm anh hùng nhưng quá ngu!” Đức tiếp, “Đại ngu mới đúng!” Cót thở dài!

Năm tù thứ Năm, một sáng Hà văn Cót, Phan Tấn Đức và tôi cùng khoảng hai trăm tù nhân khác nghe loa kêu tên ở lại trại chuẩn bị đồ đạt cá nhân, không được ra lao động. Chúng tôi âm thầm biết sẽ bị chuyển trại, nhưng chẳng biết đi đâu? Ai nấy đều hồi hộp, lo lắng! Khi công an kêu tên từng người tù lên xe chuyển trại thì không có gọi tên tôi. Thế là, tôi “bị” ở lại.

Đến quý hai (mỗi quý ba tháng) năm đó, Ban Lương Thực kiểm tra nhân số tù thấy nhà bếp tù báo cơm dư một tên. Họ cho đánh kẻng tổng điểm danh, tất cả tù ra sân điểm sắp hàng theo “C”. Cán bộ văn phòng cầm giấy gọi tên từng người, thay vì chỉ giơ cao tay hô to, “Có!”, hôm ấy họ bắt rời hàng, đi qua sắp hàng bên ngoài. Kêu xong hết, chỉ có mình tôi ngồi lại.

Công an văn phòng gọi tôi lên hỏi,

- Anh được đưa ra Bắc rồi, sao còn ở đây?

Tôi đáp,

- Thưa cán bộ, tôi không biết!

Lục lạo một hồi, anh ta đưa ra một danh sách, nói:

- Nè! nè, anh thấy tên anh bôi trong danh sách nầy không?

- Dạ thấy, nhưng tôi không biết gì hết!

Thế là gần ba tháng “ăn nhờ, ở lậu” trại Bàu Lâm mà tôi chẳng biết. Giả sử, trong thời gian đó tôi trốn thoát khỏi trại, họ cũng đinh ninh tôi đang ở một trại nào đó ngoài miền Bắc.

Trong bếp tù có anh Nguyễn văn Bông, làm tổ củi, vài tháng vợ anh từ miền Tây đến thăm một lần, mỗi lần cho anh một nải chuối xiêm. Chị Bông thăm chồng chỉ để nhìn mặt và để biết còn sống hay chết, chớ nghèo lắm, chạy đủ tiền đi xe thăm chồng là may lắm rồi!

Ở nhà bếp, tôi với Trần văn Độ ăn chung, mỗi lần vợ Độ đến thăm nuôi cho anh một ký gạo. Với ký gạo vợ cho, mỗi lần lãnh khoai mì, Trần văn Độ bào thành sợi và nắm chặt nắm gạo lại rồi giũ mạnh để hột nào còn dính kẽ tay rơi xuống để ... dành lại cho lần ăn sau.

Chúng tôi sống chung trại gần tám năm. Tết năm ấy, Trần văn Độ, tôi được gọi tên trả tự do. Nhưng khi kêu tên chuẩn bị đồ đạc cá nhân ra về không có gọi tên tôi và Trần văn Độ. Chúng tôi ngơ ngác, lo buồn nhìn nhau lo lắng mất ăn, mất ngủ.

Đến ngày 30 tháng 4 năm ấy, chúng tôi được gọi lên “làm thịt cơ quan”. Chị Thu bếp trưởng cơ quan nói, hai anh đừng buồn, vài ngày nữa hai anh được về. Ban Lãnh Đạo giữ hai anh lại là để hôm nay nấu chiêu đãi Ban Lãnh Đạo Tỉnh.

Trời! Thì ra “gậy ông đập lưng ông”, cái “danh đầu bếp nhà hàng Đại La Thiên” (Trần văn Độ gọi châm biếm tôi “Đầu bếp nhà hàng Đại La HIÊN”) của tôi và tài nấu ăn ngon của Trần Văn Độ đã giúp chúng tôi được no bụng trong tù nhưng đã hại chúng tôi ngày ra tù.

Hôm ấy, khi làm thịt heo, Trần văn Độ thọc tiết, tôi có trách nhiệm quậy tiết cho không đặc để Độ làm tiết canh. Con heo bữa đó chết, lưỡi nó thè ra, hai hàm răng cắn chặt cái lưỡi. Trần văn Độ bủn rủn buông dao xuống đất, giọng muốn khóc:

- Thôi cậu Bảy về, tớ chẳng được về đâu!

Tôi hỏi mãi, Trần văn Độ tiết lộ, khi hạ thịt mà con heo cắn lưỡi chết như vầy xui lắm! Kinh nghiệm nghề nghiệp báo cho Độ biết trước một điềm không may rất chính xác! Mãi đến sau ngày 2 tháng 9 năm ấy Trần Văn Độ mới được ra về. (Trước đó một thời gian, Độ kể với tôi, “Hồi đêm qua, đang ngủ ta mơ thấy một con heo về gọi ta dậy rồi nói, “Tôi với ông không có thù oán gì sao ông lại giết tôi? Dù là người Công Giáo dòng, nhưng từ đó, mỗi lần giết heo Độ đều khấn vái, “Chúng tôi là kẻ tội tù, chỉ làm theo lệnh người ta, xin đừng thù hận chúng tôi.” Bây giờ, khi phone nhau, Độ nói, “nhớ lại giấc mơ hôm ấy, tớ còn lạnh xương sống.”)

Xế chiều mấy hôm sau, loa kêu Thái Quốc Mưu, Nguyễn văn Mão (bán Căntin), chuẩn bị đồ cá nhân ra trại. Tôi, Trần văn Độ nhìn nhau rơi nước mắt, tôi rất thương anh! 

Khi Nguyễn văn Mão với tôi ra khỏi cổng rào, tiến đến văn phòng trại lấy giấy trả tự do, các công an có mặt ở đó đều nói với chúng tôi, “hai anh về mạnh giỏi, nhớ đừng có nhận thư từ của ai đem về nha!” Họ nói lấy lệ, nhưng không ai xét đồ cá nhân chúng tôi. Vì tôi, anh Nguyễn văn Mão có thời gian lao động gần gũi với họ hằng ngày nên ít nhiều cũng có cảm tình.

Chúng tôi thả bộ trên đường đất đỏ dài hơn chục cây số, giữa đường gặp người đánh xe bò cho quá giang, khi tới Ngả Ba Bà Tô trời tối, anh Mão đón xe đi về nhà thân nhân ở Bà Rịa. Một bác tài xe lam, thấy tôi đứng xớ rớ liền hỏi:

- Anh về đâu?

Tôi thành thật trả lời. Bác tài nói:

- Giờ nầy không còn xe đi Ngã Ba Vũng Tàu nữa, anh có quen ai ở Long Điền không?

Tôi đáp:

- Tôi có anh bạn mới ra trại hôm Tết, ảnh nói đến An Nhứt hỏi Tư Khỏe Re (Bùi Văn Tư) ai cũng biết.

Bác tài mừng ra mặt:

- Tôi biết Tư Khỏe Re, chờ chút tôi kiếm vài người (khách) rồi tôi chở anh tới đó!

Tôi ngần ngại:

- Thú thật anh, tôi không có tiền!

Bác tài khoác tay lia lịa:

- Biết mà, biết mà! Đừng lo, đừng lo gì hết! Anh mới ra tù làm gì có tiền.

Khi xe đến An Nhứt, ông tài xế cho xe đậu trước quán bánh hỏi thịt quay rồi nói

- Anh vô đi, quán nầy của vợ “Tư Khỏe Re”.

Tôi vào, chị Tư Khỏe Re thấy tôi biết tù mới ra, không cần hỏi, chị nói liền:

- Anh chờ một chút để tôi biểu mấy đứa nhỏ dẫn anh vô nhà!

Người dân thời đó, rất thương tù cải tạo.

Tối đó, tôi được đãi bánh hỏi thịt quay và ngủ tại nhà anh Bùi văn Tư. Khi ăn, tôi bạo miệng nói:

- Tôi ghé anh xin chút đỉnh tiền về xe.

Bùi Văn Tư hăm hở:

- Khỏe re, anh đừng lo gì hết!

Mọi người gọi Bùi Văn Tư là Tư Khỏe Re, chỉ vì anh có “tật”, trước mỗi câu anh nói đều dùng hai tiếng “Khỏe re” rồi sau mới tiếp tục. Thời quân ngũ, anh chơi bài thua sặc máu, vậy mà có ai hỏi thắng bại, anh vẫn, “Khỏe re, đứt hết tháng lương!”

Sáng hôm sau, Bùi văn Tư dẫn tôi ra quán uống café, trên đường, anh nhét vào túi tôi năm chục đồng (thời đó, số tiền nầy khá lớn). Xong cử café, anh dẫn về quán của anh đãi tôi thêm lần bánh hỏi heo quay. Tôi chưa kịp nói lời chia tay, thì Tư Khỏe Re giúp tôi đón xe đi Ngã Ba Vũng Tàu, chờ xe chạy anh mới trở vô nhà. Đến Ngã Ba Vũng Tàu, tôi đón xe ngược về Long Khánh.

Thuở ấy, xe chạy bằng than củi, bụi mù trời, ngồi gần bình chứa than nóng rát da. Trên xe về Long Khánh, tôi hỏi giá tiền, cháu lơ xe nói:

- Chú mới ra tù, chủ dặn không được lấy tiền xe.

Thấy đầu băng giữa còn trống, tôi ghé mông ngồi tạm. Lát sau, xe đậu rước thêm khách, tôi vội vàng ngồi xuống sàn xe, lơ xe không cho, nói:

- Chú cứ ngồi đi, họ lên sau thì họ đeo!

Thì ra, ở bất cứ nơi nào cũng có những tấm lòng cao quý!

***

Năm ấy đang đau nặng, nằm trên giường bệnh, tôi kiểm điểm lại đời mình xem còn thọ ơn ai mà chưa trả. Kiểm đi, kiểm lại nhiều lần, chợt nhớ ra còn công an Võ thị Tím từng lén lút nuôi tôi trong tù, gọi về Việt Nam, tôi bảo con tôi đến trại tù Bàu Lâm tìm Võ thị Tím. Mấy ngày sau, nó trả lời trại Bàu Lâm giải thể lâu rồi!

Tôi lại bảo, các con cố gắng đi dò hỏi xem có ai từng làm công an hồi hưu mà gia đình còn ở đó, hỏi thì biết ngay. May! nó vào ngay nhà con của Thủ Trưởng Bùi Tấn Công, thế là ra đầu mối, xin số phone Võ thị Tím.

Tôi gọi về Võ thị Tím, nàng mừng rơn, nói liền một loạt:

- Anh là anh Bảy Lò Kẹo phải không? Anh ở đâu, em chờ anh mấy chục năm nay rồi anh biết không? Sao anh không tìm em?

Tôi quen ngôn ngữ trong tù, nói:

- Dạ thưa, chị Năm khỏe không, hiện giờ chị làm gì, ở đâu, cho tôi xin địa chỉ.

- Khoan nói chuyện đó hả, anh cho em biết anh ở đâu, khỏe không? Anh làm gì? Anh biết Dượng Năm (Thủ Trưởng Bùi Tấn Công) với chị Thu chết rồi hôn? Giờ nầy mà còn gọi em bằng chị Năm nữa...

Nàng tía lia một loạt câu hỏi. Không cần nghe tôi trả lời.

Cuối cùng, tôi cho nàng biết tôi gọi xin địa chỉ nàng để gởi tặng nàng chút quà. Tôi dự định sẽ tặng nàng ít tiền để tạ ơn, người mà khi còn trong tù tôi vẫn thường bảo với Hà Văn  Cót với Phan Tấn Đức, “Chẳng biết con Tím là con nhà ai mà đạo đức quá, thấy mình “mồ côi vợ” cho đồ ăn hoài!” 

Nghe tôi gởi quà tặng, Tím giãy nảy:

- Không! Em không cần gì hết, em chỉ cần anh, anh không biết em yêu anh sao? Em chờ anh mấy chục năm nay rồi! Nếu không yêu anh làm sao em lo nuôi anh, anh phải biết cán bộ, công an quan hệ với tù cũng bị còng rồi bị sa thải chớ...

Tôi nói:

- Chị Năm ơi, xin chị đừng nói đùa, tôi đã già, ngoài sáu chục rồi chị ơi!

Nàng quả quyết:

- Em chẳng biết già trẻ gì hết, em chỉ nói yêu anh, anh phải về với em, dù gặp một lần, rồi chết em cũng chịu!

Đúng là “Đồ điên!”

Năm 2005, tôi về nước gặp Võ thị Tím, lúc đó nàng 44 tuổi. Hỏi ra mới biết, nàng đã âm thầm yêu tôi khi tôi đang trong tù, lúc ấy nàng mới mười bảy cái xuân xanh, còn tôi gần bốn chục. Gặp nhau chúng tôi mừng mừng tủi tủi, song chẳng chút ngại ngần. Đêm ấy, chúng nhắc lại những ngày trong tù, nàng hết lòng lo lắng giúp đỡ tôi và rồi chúng tôi cũng… không quên “quậy nhau mút mùa Lệ Thủy”. Thời gian đó, nàng vừa Bác sĩ Trưởng Phòng Y Tế Trung Tâm Điện Lực Bình Phú, TP/HCM. Hiện nay ở Bỉ Quốc.

***

Tôi kể những điều sau đây, có thể một số vị nguyên là tù cải tạo không bằng lòng, nhưng là sự thật 100%. Trại tù Bàu Lâm, may mắn đặt dưới sự điều hành bởi một Ban Lãnh Đạo trại giàu tính nhân bản và lòng đạo đức,... Bản chất họ thật thà, chất phát như tính tình của người dân Nam Việt.

Các ông, Tám Công, Tám Đức, Mười Cao, Sáu Minh, Ba Minh, Ba Cương..., thật sự hiền lành. Họ là con số rất ít, hiếm hoi còn sót lại trong guồng máy của chánh quyền. Họ không đánh mất nhân tính, và hoàn toàn khác xa rất nhiều tên khác.

Nhắc tới Ba Minh tôi chợt nhớ, có lần tôi cùng Độ làm thịt thú ở nhà ông, khi chúng tôi ra về, ông ta đang ngồi nhậu, kêu tôi lại rồi đưa ly rượu ép tôi uống, tôi từ chối. Ông nói, “Mấy người kia cầu có rượu để uống, còn “cha” biểu uống khó khăn quá! Uống đi!”

Tôi nể sợ nhấp môi, ông nói, “cha” uống rồi ai uống? Uống hết đi!” Uống xong, ra tới cửa tôi ói liền. Vợ ông la, “người ta không biết uống ông bắt uống làm chi!” Chị đến bên tôi hỏi, “Anh Bảy có sao không?” Tôi lắc đầu, nước mắt dầm dề, đứng lên đi xiểng niểng.

Một lần, tôi bệnh rất nặng, bệnh xá tù chỉ cho uống Xuyên Tâm Liên và ba thứ lá cây rừng. Một hôm, chị Ba Cương gặp tôi thấy vậy, chị trở về lấy và lén cho tôi mấy viên thuốc rồi nói: “Anh Bảy uống hai lần, nhớ đừng cho ai biết”. Nhờ vậy tôi hết bệnh. Chị làm y tá trại, là vợ ông Ba Cương, người chỉ huy trực tiếp tất cả công an trong tù.

Bất cứ trong chế độ nào cũng có người tốt kẻ xấu, người hiền, kẻ ác. Tôi không thể xếp họ “cá mè một lứa”. Khi biết tin ông Bùi Tấn Công chết - dù ông là người cộng sản, nhưng tôi không thể chẳng ngậm ngùi thương cảm, nuối tiếc.

Khi con tôi gọi qua Mỹ cho biết, nó đi Bàu Lâm tìm Võ thị Tím vô tình vào ngay nhà ông Thủ trưởng Bùi Tấn Công, lúc nó về, tôi bảo con tôi, “ Con đặt một con heo quay đem đến nhà ông Tám rồi xin gia đình ra cúng tại mộ ông Tám và thay mặt ba lạy tạ để nhớ ơn lòng nhân đức của ông đã dành cho ba và anh em cùng tù với ba trong trại cải tạo Bàu Lâm.”

Sau nầy tôi được biết, nhiều anh em bạn tù định cư ở California khi về nước, rất nhiều người đến viếng mộ phần của ông. Thì ra, đạo đức không có giới ranh! Nếu Tư Ninh làm thủ trưởng trại, có lẽ chúng tôi ít người còn sống trở về với gia đình.

Trong kỳ Đại Hội Thi Ca Quốc Tế ở California. Tôi mua một bàn, dành hội ngộ với anh em bạn tù. Dịp đó, Trần Đình Nhung vừa cười, vừa nhắc:

- Ở trong tù cậu Bảy quá khôn!

Tôi đáp: 

- Mi phải nói ta quá “ma lanh” mới đúng!

Các bạn ơi! Tôi viết lại những kỷ niệm nầy để nhớ lại thời gian chúng ta cùng chung đau khổ, và để nhớ nhau luôn! Thời ấy, chúng ta còn trẻ. Nhung, Út, Hà đẹp như các cậu sinh viên.

Đời người như cơn sóng, lớp sau đùa lớp trước... Thoắt cái bây giờ chúng ta đã thành Cụ hết rồi các bạn ơi!

Nếu ai hỏi, chuyện như vậy có liên quan gì đến “Đệ Nhất Phu Nhân” ta?

Xin thưa như vầy.

Trước khi tôi về gặp Võ thị Tím, có người bạn về trước tôi, tôi gởi anh ấy một cái “cặp táp” đem về cho nàng Tím, dụng ý để nàng đựng dụng cụ y khoa. Tất nhiên, tôi phải cho địa chỉ và số phone.

Mấy tháng sau tôi về, ở nhà của nàng Tím. Một buổi trưa, người làm của nàng chạy lên lầu báo cho tôi biết tôi có người đến tìm.

Tôi cùng vội Tím xuống lầu. Vừa bước ra cửa, tôi thấy một đám “lâu la” con của chị vợ và có cả bà chị của vợ (vợ sau) tôi. Tôi còn đang ngạc nhiên thì bỗng có người nắm chặt tay tôi, rồi nói lớn:

- Tôi tìm được chồng tôi rồi! - Rồi quay sang đám “lâu la” ra lệnh:

- Về! Về hết ngay! Tao cấm không đứa nào được đụng đậy gì người ta hết nha! Về! Về hết!

Trong khi đám lâu la tiu nguỷu thì chị vợ tôi phân bua với “quan khách” đang vây quanh:

- Bà con coi chịu nổi không? Ở Mỹ nó gọi về biểu tôi cho mấy đứa nhỏ đi rình rập cả mấy tuần nay, giờ nó về bắt gặp tại trận mà nó không cho đụng đến con ngựa nầy bà con coi có tức không?

Rồi chị ngoe nguẩy, ra lệnh đám lâu la:

- Thôi về tụi bây. Để đó mặc nó lo…

***
Sau khi trở qua Mỹ, chẳng biết vì sao, câu chuyện tình ái lăng nhăng giữa tôi và Tím đến tai vài người. Một hôm có bà bạn của vợ tôi đến nhà chơi với ý “khai thác” thêm.

Bà ta mở màn bằng cách hết sức ca tụng ông chồng của bà rằng thì là “… từ khi lấy nhau đến giờ tụi tôi có bảy tám mặt con mà ông nhà tôi chưa khi nào lén phén với con nào. Nhờ vậy tôi chưa hề biết ghen ra lam sao, còn ông của bà như vậy sao mà bà chịu nổi. Thiệt tôi phục bà sát đất!”

Nghe bà ta nói tôi nóng mặt, muốn tống cho bà ta một đá dính vô tường luôn. May, ngay khi đó, vợ tôi cười, nói:

- Cám ơn chị chia sẻ, thôi cứ cho là mỗi người có một số phần. Nhưng tôi nói thật với chị, thà là tôi ghen chứ thứ hạng đàn ông như củi mục chỉ biết cơm nhà gạo vợ, chằng bà nàothèm tới như ông chồng của chị thì… cho tôi chùi đít, tôi cũng chả thèm!

Bà bạn vợ tôi nghe vậy, trợn hai con mắt nhìn vợ tôi trừng trừng rồi vụt đừng phắt dậy, nguýt một cái, phủi đít cái rột lẹt đẹt đi nhanh ra cửa.

Tôi quá bất ngờ, vội đứng thẳng người lên, nhập hai chân cái rụp, giơ tay lên chào đúng theo quân cách:

- Kính chào Đệ Nhất Phu Nhân.

Vợ tôi cười nói:

- Bộ em nói hổng phải sao? Thứ đàn ông ra đường mà chẳng con mẹ thèm ngó tới là thứ đàn ông nến vứt đi. Vì vậy, nên em chấp nhận thà mình ghen…

***
Cuối cùng xin hỏi:

- Trên trên đời nầy có người đàn bà nào bay nửa vòng trái đất về nước bắt ghen, mà khi bắt gặp rồi hành xử như vợ tôi không? Và, có người phụ nữ nào dám nói thà ghen chứ chã thèm loại đàn ông chỉ là thứ “củi mục” như vợ tôi không?

Chắc chắn là không?

- Vậy, tôi tặng danh hiệu Đệ Nhất Phu Nhân cho vợ thật là chính đáng. Đúng không?

Atlanta, April 10, 2016
Thái Quốc Mưu