– Chú kể hết cho Khanh nghe về chú đi.
Người con gái nắm lấy tay chàng, nói giọng nũng nịu. Chàng ngồi im, nhìn cô gái
22 tuổi. Mười năm ở Mỹ với cuộc sống đầy rẫy tiện nghi, với những hoang loạn
của xã hội không làm cô gái mất vẻ dễ thương của người thiếu nữ Việt Nam. Mái
tóc cắt ngắn. Đôi mắt to. Bờ môi cong lên, gợi cảm. Khanh đẹp. Một thứ nhan sắc
pha trộn giữa đông và tây đã cho Khanh vẻ quyến rũ đầy lửa cộng nét ngây thơ,
dịu ngọt. Chàng khẽ gỡ tay cô gái ra.
– Kể hết là sao? Đời chú chẳng có gì cả…
– Không được! Bố bảo chú sống cuộc sống… ly kỳ lắm.
Chàng lắc đầu nhìn cô bé thương hại. Ly kỳ? Là thế nào? Có phải là chuỗi ngày
chiến đấu? Có phải chuỗi ngày đắng cay tủi nhục, chui rúc để né tránh kẻ thù?
Có phải quá khứ với vùng hào quang nhỏ được Phan – bố của Khanh – người bạn gìa
của chàng vẫn kể cho con cái để tìm lại chút ấm êm trong đó, hòng khỏa lấp
những lo âu của đời sống tại đây? Và từ đó, Khanh, đứa con gái đầu lòng của
Phan – đã nghĩ về chàng qua một thứ lăng kính đẹp.
– Khanh lầm rồi. Đời chú cũng bình thường như trăm ngàn người khác. Đi học, lớn
lên đi lính, vào tù rồi trốn trại. Bây giờ thì ở đây.
– Nhưng mỗi đoạn đường chú qua không bình thường như những người khác.
– Ai bảo thế.
– Bố bảo và cháu nghĩ thế.
Lại bố bảo! Chàng ngán ngẩm nghĩ đến Phan. Sang Mỹ từ 75, Phan vẫn không bỏ
được những kỷ niệm cũ. Mười năm ở đây với Phan thoảng qua như cơn mộng. Làm.
Kiếm tiền. Sống với dĩ vãng. Nghĩ cũng tội, trên một mặt nào đó Phan là người
có tình, có nghĩa. Nhưng từ phía khác, Phan thành một kẻ đi lạc đường. Ngày
được tin chàng đến trại tỵ nạn, Phan cứ nằng nặc đòi bảo trợ. Dù sao chú cũng
phải sang với tôi. Chàng cảm động khi nhận được thư Phan. Và đồng ý.
Vừa đặt chân xuống phi trường, chàng đã được gia đình Phan đến đón. Đông đủ cả
và người thiếu nữ 22 tuổi với vẻ đẹp đông tây lẫn lộn nhìn chàng chăm chăm.
Chàng cười, chào cô gái và quay sang Phan.
– Ai đây?
– Con bé Khanh đấy.
– Con bé Khanh ngày xưa vẫn…
Cũng may chàng kịp ngừng ở đó. Con bé Khanh – đứa con gái ốm o, bé xíu vẫn đái
dầm hằng đêm và mỗi lần chàng đến hay bỏ chạy ra nhà sau vì xấu hổ. Chàng hình
dung lại căn nhà của Phan ở vùng Bà Quẹo. Ừ, qua khỏi ngã ba, vào một con đường
đất nhỏ, tận cuối dãy là căn nhà gỗ. Hai vợ chồng Phan sống tại đó. Âm thầm,
bình lặng như hầu hết cuộc sống của các nhà giáo. Chàng bấy giờ đang là một sĩ
quan trẻ của một đơn vị tác chiến. Đôi lần ngồi uống với nhau Phan đã ao ước có
cuộc sống như chàng. Lần nào cũng thế, chàng mỉm cười với bạn.Thôi ông, ông hãy
lo cho bà chị và mấy đứa bé. Nói thế như một lời an ủi người bạn hơn tuổi – đã
quen nhau từ Nha Trang – thuở còn học trường Võ Tánh. Mọi mơ ước của những ngày
ở vùng biển cũ đã tắt ngấm từ lâu trong Phan. Hạnh phúc còn lại với người vợ,
đàn con, một căn nhà nhỏ ở vùng ngoại ô Saigon, sự bình yên giữa cuộc chiến
đang bùng cháy là quá đủ. Phan biết những ao ước đó chỉ nhóm lên khi trà dư tửu
hậu. Nhưng vẫn nói. Để khỏi bị khuất lẫn vào giòng đời bình lặng. Cũng như
chàng, nghe bạn nói. Hiểu và mặc nhiên thốt ra những lời an ủi không thực tế nhưng
rất cần thiết cho những lần gặp lại. Căn nhà vùng Bà Quẹo đã thành nơi chốn trở
về cho chàng trong những lần về phép. Thân quen đến độ đứa con gái đầu lòng của
bạn, năm đó đâu như còn cởi truồng vẫn nhớ từng lần về của ông chú. Bây giờ là
cô gái đó,đang chăm chăm nhìn chàng. Như tìm một nét gì quen thuộc hơn mười năm
về trước. Bất giác chàng cảm thấy ngượng ngập. Những thứ tầm thường như quần
áo, đôi dép, chiếc sắc tay mà chàng vẫn coi thường nay trở thành vướng víu, khó
chịu trong ý nghĩ mang đầy mặc cảm thua kém.
Thái độ tự nhiên – dĩ nhiên là phải có với người đã sống gần mười năm tại đây –
của Khanh,của vợ Phan và 2 đứa con nhỏ làm chàng chợt thấy lạ lùng. Những con
người lam lũ, quê mùa thay đổi đến thế sao? Duy nhất chỉ có Phan đứng nhìn
chàng thông cảm. Nhưng từ đôi mắt Phan,cũng thấy ánh lên một chút thương hại.
Cố nén tiếng thở dài,chàng quay lại bạn:
– Nhà có xa đây không?
– Gần thôi. Khoảng 15 miles.
Chàng làm một con tính thật nhanh trong đầu, 15 miles mà bảo gần thôi. Bất giác
chàng thấy mình… lạc hậu. Đất Mỹ với 15 miles. Chuyện thường. Nhưng từ đó chàng
chua xót nhận thấy thêm một điều: sự ngạc nhiên về 15 miles với giá trị xa gần.
Khác biệt với Phan. Sự khác biệt đã mặc nhiên xác nhận chàng đi sau thế giới
một khoảng cách lớn.
– Sao? Cháu Khanh học đến đâu rồi.
– Cháu đang theo năm thứ hai ở college.
– Mau quá nhỉ!
– Vâng. Chú sang đây có một mình, còn thím vẫn ở lại?
– Thím nào?
Chàng ngạc nhiên hỏi lại. Cô gái cười:
– Thì vợ chú.
– Chú vẫn còn độc thân.
Chàng trả lời thật nhanh. Như vẫn trả lời câu hỏi đó cho những người đã hỏi.
Cảm giác đau buốt chợt có trong tim. Hình ảnh người con gái nằm xõng xượt trên
đường. Mái tóc dài be bét, đẫm máu, đỏ quánh lại màu đỏ chết. Tiếng ồn ào của
đám đông vang lên. Chết rồi. Chết rồi. Chàng nhắm mắt lại gọi thầm một cái tên.
Lâu lắm rồi, đã 6 năm phải không Cát. Mãi cho đến giờ này anh vẫn nhớ. Nếu anh
đến sớm hơn vài phút. Phải rồi! Nếu anh đến sớm hơn vài phút…
– Chú đang nghĩ gì thế?
Tiếng Khanh vang lên. Chàng giật mình nhìn chung quanh. Mình đang ở đây mà. Ở
tại một quán cà phê của thị trấn này. Chàng gượng cười nhìn Khanh.
– Sao cháu thích – điều tra- chú thế?
Vẫn nụ cười đầy quyến rũ. Cô gái lại cầm tay chàng.
– Chú ngộ lắm!
– Ngộ thế nào?
– Quê không ra quê Tỉnh không ra tỉnh. Bạn bè Khanh thấy chú đi với Khanh bọn
nó – tức- lắm.
– Tức?
– Vâng. Có nhiều đứa để ý chú.
– Để ý đến chú?
– Vâng.
Chàng phì cười:
– Ai thế?
– Chú hỏi làm chi?
Giọng cô gái bực bội làm chàng ngạc nhiên. Ngước nhìn, chàng bắt gặp hình ảnh
thân quen. Thật thân quen với chàng. Mái tóc cắt ngắn xõa ngang tầm vai, khuôn
mắt trái soan, bờ môi cong. Cát của những năm Nha Trang trở về. Đã mất rồi một
thời mơ mộng cũ. Biển, gió, thành phố và tình yêu. Làm sao anh quên được em.
Giữa cuộc sống quay cuồng đến chóng mặt của xã hội này anh vẫn còn những phút
sống riêng cho anh. Thật an bình. Thật dịu ngọt với vùng biển cũ. Cát ơi, nếu
anh đến sớm vài phút. Hẳn bây giờ ta đã có nhau… Anh nhớ đón em. Yên chí cô bé.
Thôi em về. Chưa về được. Còn gì nữa? Một nụ hôn. Mẩu đối thoại cuối cùng sau
buổi họp tràn đầy yêu thương. Nụ hôn cuối cùng trước thềm nhà, dưới dàn thiên
lý. Chút nắng trưa qua khe lá lấp lánh trên gương mặt em. Đôi mắt to tròn như
chứa đầy mơ ước. Thế mà mãi mãi không còn. Vào cuộc,anh đã có cái để mất. Cuộc
đời. Qúa khứ sĩ quan. Gia đình thượng lưu. Còn em. Em đâu có gì để mất với chế
độ. Vậy mà vẫn căm thù, vẫn đấu tranh. Tình yêu cho anh chăng? Đâu phải thế, có
bao giờ loài người lấy tình yêu làm động lực đấu tranh đâu. Tương lai ư? Em có
chứ – nếu chấp nhận xã hội… Phải. Mãi đến giờ này anh vẫn chưa hiểu được tại
sao em lao vào đấu tranh. Với anh. Với bạn bè anh. Đầy lửa,đầy đam mệ Hẳn những
kẻ giết em cũng phải ngạc nhiên. Làm sao hiểu nổi. Cát ơi! Hình ảnh cuối cùng
của mái tóc dài be bét máu, chiếc cặp da bật nắp, đống truyền đơn tung toé trên
mặt đường. Chết rồi! Chết rồi! Những tiếng nói của đám đông ồn ào. Vẫn còn
trong anh. Như một lời buộc tội đeo đẳng theo anh trong cuộc sống. Sáu năm mà
tưởng như hôm qua.
Bây giờ chiều đã xuống, quán bắt đầu đông khách. Hai người vẫn ngồi yên. Từ góc
phòng tiếng hát Khánh Ly vang lên trong một bản tình ca cũ. Chuỗi kỷ niệm lại
quay về. Khẽ gỡ tay cô gái ra, chàng ôm mặt. Hai bàn tay chà sát thật mạnh trên
vùng thái dương. Tiếng nói của Khanh đến mơ hồ như từ xa lắm. Nghe ngắt quãng, chìm
khuất từng đoạn, lẫn vào tiếng hát. Cảm giác nhức nhối lại có. Chàng bàng hoàng
mở mắt. Qua khe của những ngón tay, khuôn mặt cô gái đầm đìa nước mắt.
– Khanh.
– Dạ.
– Sao cháu khóc.
– Chú lại nhớ dì Cát phải không?
Chàng gật đầu thay cho câu trả lời. Sự im lặng đến giữa hai người. Biết nói thế
nào? Chú biết nói thế nào đây Khanh. Vùng trời cũ sống mãi trong chú. Hình ảnh
của Cát mãi sống trong chú. Đã thành máu. Đã thành tim. Như một phần thân thể.
Qua khuôn mặt đầm đìa nước mắt của cô gái, chàng bàng hoàng nhận thấy một điều
từ lâu chàng đã bỏ quên: Khanh đã làm sống lại hình ảnh của Cát. Phải. Sự liên
hệ huyết thống giữa hai dì cháu đã cho Khanh những nét của Cát năm 18 tuổi. Và
những lần ngồi quán cà phê, những buổi đón chàng tan học, những chiều kể chuyện
Việt Nam bên giòng sông Sunvalley đã thành thân quen. Thân quen đến độ cần
thiết.
– Nín đi cháu.
– Sao lúc nào chú cũng nghĩ đến dì Cát. Dì chết rồi. Đã sáu năm…
– Cháu làm sao hiểu được? Chú đã có lỗi rất nhiều với dì Cát.
– Dì Cát bị bọn công an Việt cộng bắn. Đâu liên quan gì đến chú.
Đâu liên quan gì đến chú. Gật đầu công nhận là xong, là quên hết những dằn vặt
từ mặc cảm chạy trốn, phản bội nhau. Sự trốn chạy là hành động cần thiết, anh
không thể ở lại để bị bắt. Nhưng quay lưng. Gạt đám đông. Len lỏi bỏ đi. Những
động tác dập dờ vô thức – bỏ em nằm xõng xượt trên mặt đường với vết máu đẫm
loang mái tóc. Anh đã làm điều đó. Sự trừng phạt chỉ nằm trong tâm thức. Một
mình anh biết. Không nói, chẳng ai biết. Như anh đã giữ kín sáu năm naỵ Tự mình
chịu đựng và lơ là với những an ủi chung quanh. Tất cả chỉ là lời an ủi có tính
cách giải thoát. Cậu làm thế là đúng, ở lại bị bắt ngaỵ Bạn bè, đồng đội nói
thế. Công an Việt cộng bắn chứ chú đâu liên quan gì. Khanh – cháu của em cũng
nói thế. Nhưng Cát ơi! Chỉ là lối giải quyết của mọi người – để chọn cuộc sống.
Chẳng hiểu giữa chúng ta còn những thứ khác biệt. Đó là tình yêu. Đó là buổi
trưa ngập nắng dưới giàn thiên lý. Đó là những môi hôn vội vã từ ngày trung
học. Mười năm cho một tình yêu. Nuôi dưỡng,chắt chiu. Vậy mà anh bỏ em ở lại.
– Chú.
– Sao Khanh?
– Cháu…
Cô gái ngập ngừng. Bàn tay bóp nhẹ trên tay chàng. Chàng ngại ngùng nhìn vào
mắt Khanh. Có thoáng lửa bối rối lẫn âu yếm trong đó.
– Cháu phải nhớ. Chú là bạn của bố cháu và chú yêu dì Cát.
– Nhưng…
– Mình về.
Chàng thở dài đứng dậy. Thoáng gió lạnh hắt vào mặt khi chàng bước vội ra cửa.
Hệt như lần trốn chạy sáu năm trước tại Sàigòn.
Hai người bạn ngồi tại một góc của quán ăn dưới núi. Phía trước mặt họ là dãy
cọc dẫn dài theo sườn núi, cao vút và khuất lẫn vào tuyết. Đã bắt đầu mùa đông.
Cái lạnh cùng khắp, se sắt với từng cơn gió trôi đến. Phan cười với chàng:
– Lạnh quá nhỉ.
– Ừ. Giống như Đà lạt năm 69.
– Lại thèm một tô phở Tùng.
– Chàng mỉm cười nhìn bạn. Mười năm vẫn thế. Vẫn ước ao. Vẫn thèm khát những
điều bình thường trong cuộc sống,bằng tình cảm. Mặc những xô bồ, chen chúc
chung quanh. Phan sống bình yên. Saigon cũng vậy. Sunvalley cũng thế. Đâu có gì
khác biệt. Hình như tự Phan đã chọn lựa lối sống. Và an tâm với chính mình.
Chàng nói ý nghĩ đó với Phan. Trong nụ cười hiền hậu, Phan choàng tay qua vai
chàng:
– Tại sao phải thay đổi? Hội nhập ư? Mười năm ở đây, làm việc, sống, và sống
riêng mình. Chẳng chết…
– Thì đâu chết. Nhưng có vẻ như lạc hậu.
– Lạc hậu?
– Phải.
– Thì đã sao? Đất Mỹ này có phải quê mình đâu. Tại sao ngoài những tiện nghi
vật chất và văn minh quá mức này mình không tìm riêng cho mình một cuộc sống?
Chàng im lặng nhìn khoảng không gian trước mặt. Dãy núi ngập tuyết ánh lên màu
trắng loé. Gây cảm giác gai lạnh từ cái nhìn. Lại cô đơn hơn với hàng cọc sắt
trải dài. Một cành cây khô, chơ vơ bật lên giữa khoảng trắng xoá đó. Cô đơn,
lạc lõng. Như Phan và cuộc sống mười năm ở Mỹ.
– Này cậu.
– Sao.
Phan ngập ngừng, cầm ly nước lên, rồi nói thật nhanh.
– Cậu nghĩ sao về con bé Khanh?
– Khanh?
Chàng giật mình nhìn bạn. Nét mặt Phan vẫn hiền hoà, nhưng nụ cười không còn.
Vẻ nghiêm trang hiện rõ.
– Phải.
– Nghĩ gì là nghĩ gì?
– Về nó.
– Tôi làm sao biết được. Khanh là con của cậu…
– Cậu không thành thật.
Phan buông lời trách móc. Chàng ngượng ngập nhìn bạn.
– Khanh nó yêu cậu. Hôm qua nó nói với tôi.
Phan nói với giọng đều đều. Chàng ngạc nhiên, cố tìm một nét giận dữ hay khó
chịu trên khuôn mặt bạn. Nhưng tuyệt nhiên không có.
Vẫn bình thường và thản nhiên. Như đang nói đến chuyện của người khác.
– Khanh nói thế nào?
– Thì như cậu biết. Nó yêu cậu và…
– Nhưng tôi… còn Cát…
– Cát đã chết! Gia đình tôi cảm ơn cậu về tình yêu cho Cát. Nhưng Cát đã chết,
tôi nhắc lại. Cậu còn trẻ, phải có cuộc sống khác. Không thể ôm hoài một kỷ
niệm được…
Cát đã chết. Chàng xót xa nhìn Phan. Thế đấy, trong ý nghĩ của mọi người em đã
chết. Cả Phan – anh của em cũng khuyên anh nên chọn cuộc sống khác. Dĩ nhiên
phải thế… Nhưng với anh đâu được. Còn tình yêu, còn chuỗi ngày quá khứ, còn sự
ăn năn trải dài. Em đã theo anh, theo bạn bè anh trong cuộc đấu tranh thầm lặng
của tuổi trẻ Saigon sau 75. Không có gì để mất. Không có gì để đòi hỏi cho
riêng bản thân. Làm sao giải thích được. Chính anh cũng không hiểu được động
lực nào thúc đẩy em có hành động phản kháng chế độ. Đã có lần anh bắt gặp những
con người như em trong cuốn truyện của một nhà văn viết cho tuổi trẻ. Cảm thông
được tuổi trẻ. Ông ta đã viết về những người trẻ như em. Không có gì để mất.
Không có gì để đòi hỏi. Đã đứng dậy trong âm thầm của Saigon những năm cuối
thập niên 70. Anh mừng rỡ. Đọc. Lấn lướt từng trang để tìm nguyên dọ Mà chính
anh, kẻ trong cuộc, cũng chưa hiểu được. Vẫn không giải thích ở phần cuối
truyện. Chỉ nhắc đến. Chỉ ghi nhận thái độ. Một thái độ thách đố mà lịch sử
không có quyền lãng quên. Một thách đố dành cho Cộng sản. Đêm đó anh chợt hiểu.
Em và những người như em còn sống. Mãi sống. Lại nữa… Làm sao anh quên được.
Chàng thú nhận với Phan:
– Phải! Cát đã chết. Nhưng chỉ với cuộc sống. Còn với tôi, Cát vẫn còn… Tôi có
lỗi với Cát.
– Cậu hãy quên đi. Mình biết nhau gần hai mươi năm naỵ Đâu như lúc đó cậu còn
cởi trần đạp xe khắp phố đi đá bóng. Sự thân thiết như ruột thịt. Có cậu thêm
vào gia đình là điều tốt. Đừng nghĩ gì cả.
Chàng nhìn Phan cảm động. hai mươi năm với tình bạn đã cho Phan những lời nói
hôm naỵ Còn chàng, cũng với tình bạn đó thì thế nào? Chàng bối rối, gượng đùa:
– Vậy tôi gọi ông là gì? Bố hả? Chịu thôi.
– Ai bảo cậu gọi tôi là bố.
Chàng phì cười. Phan cũng bật cười theo. Cả hai đều nhận thấy điều ngớ ngẩn vừa
có. Rồi im lặng. Sau cùng Phan vỗ vai bạn:
– Cậu suy nghĩ đi. Vợ chồng mình đã bàn với nhau. Cậu đã thành một người của
gia đình mình từ lâu. Bây giờ thành… rể thì đã sao.
Chàng mỉm cười nhìn về phía sườn núi. Chiều đã xuống, đổ dài theo hướng nắng
bóng gốc cây khô kéo thành một vệt đen trên mặt tuyết. Lung linh và chơ vơ.
Sáng hôm sau, trên chiếc xe bus Trailsway màu đỏ từ Sunvalley về một thành phố
trung Mỹ. Chàng bùi ngùi nhìn lại bóng cây khô lần chót. Đi theo chàng, vẫn chỉ
có chiếc sắc tay cũ. Hệt như khi chàng đến nửa năm về trước.
Nguyễn Ý Thuần