1.Hướng vọng về quê
hương
Nói về khát vọng quê hương hay tinh thần vọng quốc chắc
không nước nào qua mặt Do thái. Họ đã có hơn 2000 năm lưu vong biệt xứ trải qua
khắp chốn sơn hà và đã có lúc tưởng chừng như diệt chủng. Thế nhưng cuối thập
niên 1940 (1947) họ đã lập quốc. Nước Do thái bé nhỏ ở giữa một thế giới Ả rập
khổng lồ và dân số đông quá chừng. Do thái nhờ cái gì mà sống còn? Câu trả lời
chắc ai cũng thấy rõ: là tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc và còn hơn cái
đó một chút, nhưng thật quan trọng là tinh thần đoàn kết, đùm bọc lấy nhau. Cộng
đồng Do thái hay những doanh nghiệp, tài phiệt gốc Do thái giàu sụ tập trung ở
Mỹ như Washington DC, New York có thể khuynh đảo hay ảnh hưởng rất lớn đến
chính sách của Mỹ không vì thế mà bỏ rơi hay coi nhẹ những người Do thái gốc
Erictricia, Phi châu. Lâm nạn, những người nầy được lo liệu mọi cách để về cố
hương và cũng được đón nhận nồng hậu, ân tình.
Đã có một lúc người Việt nam hải ngoại được ví hay được so
sánh như người Do thái lưu vong. Không biết sự so sánh nầy có cao vọng, có tự tôn chăng? Có thích họp
và đúng chăng? Một đàng người Do thái đang khi “en diaspora” lưu lạc không có
quốc gia còn người Việt nam cũng tản mạn khắp nơi, có đất nước quê hương, nhưng
xem chừng không phải quê hương của mình. Một điều thật là lạ và nghịch thường!!
Phải chăng quê hương do một ý thức hệ xa rời với dân tộc? Tại sao vậy?
Chỉ một hình ảnh nhỏ, đơn sơ như chùm khế ngọt, con đường nhỏ,
chiếc cầu tre, con diều thả bay v.v…là đã mở rộng ra cả quê hương, cả một khung
trời kỷ niệm êm đềm, đầy ắp biết bao tình cảm yêu thương lẫn đau khổ mà tâm lý
thường tình những vết thương lòng, những phản bội, những đối xử tàn tệ, độc ác
với nhau dường như khó phai nhòa hơn trong cuộc đời. Quê hương có đó nhưng những
người lưu lạc xa xứ muốn về và về thăm cũng còn có cái sự canh chừng dù đã thay
bằng những từ ngữ mỹ miều, đánh bóng chút xíu chứ không còn mạt sát như thuở
nào. Những lãnh đạo trong nước dù ngoài mặt tỏ vẻ chiêu dụ, cởi mở nhưng con mắt
vẫn còn nhìn thấy đâu đó “diễn tiến hòa bình” nơi người phương xa trở về, còn
hoài nghi, còn đặt thành vấn đề. Do đó vẫn còn thấy đâu đó một vĩ tuyến 17 hay
con sông Bến hải thật to, thật rộng và cho dù ngày nay cây cầu Hiền Lương mới,
lớn hơn nhưng xem chừng vắng vẻ, thưa thớt người qua lại trong một ý nghĩa:
bang giao hòa đồng. Chuyện nầy còn dài lắm như chuyện phim tập Đại hàn ngày nay
để dành một lúc nào đó thuận tiện bàn rộng với nhiều khía cạnh hơn, tạm thời
coi như chuyện trong nhà, tính sau. Nhưng khổ nỗi, có người lại bảo: khôn nhà dại
chợ. Chuyện “dại chợ” nó mung lung quá biết đâu mà lường. Thôi thì giới hạn lại
trong lãnh vực quản lý, ứng xử xã hội, nghệ thuật quản trị, bảo vệ chủ quyền…
2. Cách quản lý đất
nước Việt nam: đối nội
Một bài thơ 11 câu chỉ với hai chữ chính Nhỏ và To đọc thấy
trên tờ Lao Động ngày 25.06.2014 mô tả phần nào cung cách hành xử, làm ăn quản
lý của các quan chức nhà nước:
Trong một đất
nước nhỏ có cái thủ đô to
Trong thủ
đô to có con đường nhỏ
Trên con đường
nhỏ có những biệt thự to
Trong biệt
thự to có cô vợ nhỏ
Cô vợ nhỏ
dành cho ông quan to
Ông quan to
xách cái cặp nhỏ
Trong cái cặp
nhỏ có dự án to
Dự án to
nhưng hiệu quả rất nhỏ
Hiệu quả nhỏ
vì thất thoát to
Thất thoát to nhưng chỉ là lỗi nhỏ
Lỗi rất nhỏ nhưng mất lòng tin to.
Không có gì khó hiểu và cần giải thích thêm bài thơ nầy. Đọc
lên ai cũng biết nó nói cái gì, nó chỉ cái gì. Cho dù “mất lòng tin to”, biết vậy,
nhưng “don’t care, đường ta ta cứ đi cho nên qua những biến cố lớn của đất nước
như việc đón tiếp tổng thống Obama, vụ cá chết Formosa, ngư trường Hoàng-Trường
sa…ngày càng phô bày tinh thần dân tộc, thể diện quốc gia, chủ quyền đối với
người dân và ưu, khuyết điểm của các vị lãnh đạo.
Tổng thống một nước qua nước mình dù lớn hay nhỏ với danh nghĩa
là quốc khách mà mình tiếp rước không theo đúng lễ nghi ước lệ là mình đã dở,
là coi thướng quốc khách. Sự mất mặt ấy không phải ở nơi quốc khách mà chính là
ở nước chủ nhà vì muốn giao du theo lối tiểu nhân, phường bát nháo. Sau chuyến
viếng thăm của tổng thống Obama đến Việt nam đã có biết bao lời bình về chuyện
nầy khi người ta so sánh với việc tiếp đón Tập cận Bình trước đó vài tháng nào
là cấp thứ trưởng ra đón, không có 21 phát súng đại bác, trình diễn mấy cô ả mặc
yếm hở lưng v.v… Cho dù truyền thông nhà nước như muốn ‘hạ thấp nhiệt độ” của
cuộc tiếp rước, nhưng người dân đã tràn ra ngoài đường để chỉ nhìn mặt, thấy
ông Obama đi ngang qua và có khi cũng chẳng kịp thấy nữa!! Obama có gì hấp dẫn?
Cái khát khao người dân thấy nơi Obama là tự do, dân chủ, nhân quyền, chủ quyền.
Bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, Kiều của Nguyễn Du, khúc nhạc của Văn Cao từ
lâu nằm đâu đó, chìm lặng trong tâm thức nay bỗng bừng sáng, nghe Obama nhắc lại
nghe sao hay quá! Nghe sao ông ta biết Việt nam hết trơn. Còn mình thì sao? Trớt
quớt, tiếng bình dân diễn tả như vậy.
-
Trớt quớt ở chỗ tàu, ghe của mình bị đâm chìm, bị
bắt, bị đòi tiền chuộc mà không biết là ai vì gọi là “tàu lạ”, vô tới nhà thấy
số hiệu mà vẫn kiêng kỵ, không dám nêu tên.
-
Trớt quớt ở chỗ bao nhiêu hóa chất “không rõ nguồn
gốc, chữ lạ”, hàng hóa dưới tiêu chuẩn vẫn ồ ạt, vẫn luân lưu xài, mua bán tự
nhiên, thoải mái ở các cửa tiệm. Trong tháng 7.2016 mới đây Kampuchia cho đốt
thiêu rụi đồ dổm, đồ quá hạn mang nhãn hiệu Việt nam, đồ dổm, đồ độc hại hóa chất
qua Việt nam không biết bao nhiêu cửa?
-
Trớt quớt ở chỗ bảo ngư dân bám biển, ra biển nước
mình hành nghề thì bị nước lạ cấm, không thấy ai bảo vệ, cứu giúp ngoài đồng bạn
cùng hội cùng thuyền.
-
Trớt quớt ở chỗ cá chết hàng loạt khắp bốn tỉnh
miền trung: Hà tĩnh, Quảng bình, Quảng trị, Thừa thiên-Huế, môi trường thiệt hại
vô số kể, biết bao thế hệ mà lại đi mặc cả với Formosa đền bù 500 triệu Mỹ kim
sau gần ba tháng dân kêu trời, kêu đất mà vẫn không cho dân quyền bày tỏ tâm tư
của mình. Vụ đổ dầu ở vịnh Mexico phải ra tòa và công ty bồi thưởng 20 tỷ Mỹ
kim. Sinh mạng và nghề nghiệp dân Việt nam bị đánh giá quá thấp bỡi vậy mới đây
bộ Thương binh xã hội Việt nam đề nghị được gọi là “ưu tiên” cho những vùng ngư
dân bị nạn đi “xuất khẩu lao động’. Thê thảm!! Người dân bây giờ như món hàng
buôn bán, xuất cảng như vậy có phải là buôn dân chăng?
3.Cách quản lý đất nước
Việt nam: bang giao
Sau khi rời Việt nam, tổng thống Obama đến Mie, Japan ngày
26-27/05/2016 dự hội nghị thượng đỉnh khối G7. Chắc chắn ban nghi lễ Nhật bản
đã tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia theo nghi thức quốc khách. Du khách đến
Nhật còn được tiếp đón nồng hậu, lịch sự huống hồ chi là quốc khách? Nhưng
chúng ta thử coi thủ tướng Nhật bản quan tâm đến MỘT sinh mạng của người dân họ
như thế nào để so sánh với RẤT NHIỀU sinh mạng người dân Việt mình và thật khôi
hài, chuyện nầy xảy ra rất thường hằng tháng, hằng năm ở vùng biển Việt nam!!
Khoản cuối tháng 4.2016, giới chức địa phương Okinawa đã tìm
thấy một thi thể phụ nữ Nhật bị mất tích và sau nầy biết được do một cựu lính
thủy quân lục chiến Mỹ, Kenneth Franklin Shinzato, 32 tuổi, sát hại. Thủ tướng
Nhật Shinzo Abe đã thắng thắn yêu cầu tổng thống Obama có những biện pháp hữu
hiệu đối với sự việc. Ông nói như sau:
“Với tư cách là thủ tướng Nhật bản, tôi đã mạnh mẽ phản khán
với tổng thống Obama về sự việc xảy ra gần đây ở Okinawa. Tôi cảm thấy rất phẩn
nộ trước tội ác hết sức hèn hạ nầy”.
Đối lại, Obama cam kết họp tác về phía Hoa kỳ và làm những
gì có thể làm được:
“Tôi xin bày tỏ lời chia buồn chân thành nhất và sự thương
tiếc sâu xa nhất đến gia đình nạn nhân. Hoa kỳ sẽ tiếp tục họp tác trọn vẹn
trong cuộc điều tra và bảo đảm công lý sẽ được thực thi theo đúng luật pháp của
Nhật bản”.
Trước đó, bộ ngoại giao Nhật đã triệu đại sứ Mỹ Caroline
Kennedy tới trụ sở để phản đối. Bộ quốc phòng cũng làm tương tự với chỉ huy trưởng
quân đội Mỹ đóng ở Okinawa. Bà đại sứ Kennedy và trung tướng John Dolan, tư lệnh
quân sự Hoa kỳ ở Nhật thay mặt chính phủ Mỹ ngõ lời chia buồn và xin lỗi dân
Okinawa.
Tại sao thủ tướng Nhật lại dám mạnh miệng với tổng thống
Obama như vậy? Không riêng gì thủ tướng mà cả bộ ngoai giao cũng lên tiếng mạnh
mẽ, nghiêm chỉnh và đúng đường lối ngoai giao. Dù không có lời xin lỗi chính thức,
Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên đến viếng Hiroshima, nơi thả bom nguyên tử và
ông ta đã bày tỏ lòng kính trọng đối với nạn nhân và thân nhân của thảm họa.
Theo lịch sử, Mỹ là bên thắng cuộc và Nhật là bên thua cuộc
cơ mà? Lẽ nào bên thua cuộc lại có quyền
làm eo, làm sách, lên mặt với bên thắng cuộc được sao? Tại Việt nam, cứ xem
cách đối xử của bên thắng cuộc đối với bên thua cuộc dù cùng trong một nước, một
dân tộc, một tiếng nói làm sao? Tình người ở chỗ nào? Hàn gắn vết thương làm
sao? Có gì là hòa họp hòa giải trong cuộc sống? Và ngay cả trong ngôn ngữ lối
dùng hàng ngày cũng phản phất khá nhiều sự tỵ hiềm? Đến Hiroshima người ta
không thấy cảnh “trưng bày tội ác’ của bên nào. Nếu rảo quanh bảo tàng viện,
người ta thấy nhiều di tích đáng sợ của bom nguyên tử từ nhỏ đến lớn đã thu góp
lại; còn bên ngoài không kể cái nhà vòm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt với thời
gian, khó có thể tìm thấy sự hận thù, khích động hay tự kiêu tự mãn, hiềm
khích. Chữ hòa bình là nổi bật nhất như Hiroshima National Peace memorial Hall
for the Atomic Bomb Victim, Cenotaph for the A-Bomb Victims, Hiroshima Peace
Memorial Museum v.v… Nhìn bất cứ chỗ nào: công viên, hàng cây bên đường, cây vườn
sau, trước nhà, tất cả đều là dáng bonsai. Thật êm đềm, thật thanh bình. Người
Nhật có biết bao cái tự hào mà người ta không rêu rao, tự kiêu tự mãn như nhất
Đông Nam Á, ghi vào sách kỷ lục v.v…Đi dọc dài nước Nhật, không biết bao nhiêu
cái đường hầm, cầu treo, cái nào cũng đẹp, đầy kỷ thuật hiện đại.Có ai biết cầu
Akashi Kaikyo bên Nhật là cầu treo dài nhất thế giới hơn cả Golden Gate ở San
Francisco không? Mà thật vậy chỉ cẩn thấy Made in Japan là đã yên tâm và không
sợ đồ dỏm nữa rồi.
Lần nọ một tổng giám đốc Nhật trong một cuộc hội thảo tại một
khách sạn 5 sao ở Việt nam trước hàng chục quan khách Việt nam, không biết ông
có nghe đâu đó hiệp ước Thành đô hoặc muốn nói khích hay trao đổi tâm tình chân
thành của mình, ông nói: tôi nghĩ nước Việt nam là thuộc địa của Trung quốc.
Nghe xong hầu như mọi người đều sững sờ, không biết có ai tức giận thấy mất mặt
không. Thế rồi ông chậm rải giải thích. Ông chỉ vào màn ảnh máy chiếu, cặp đèn
trên trần nhà, bộ quần áo một số người đang mặc, giấy bút họ đang xài đều Made
in China.
Ông nói Việt nam giỏi lắm, thông minh lắm, kiên cường lắm,
Việt nam nào thắng Pháp, thắng Mỹ, người Nhật đầu hàng Mỹ, thua trận ê chề,
nhưng sau hai mươi năm Nhật bản có
Toyota, có Honda, Mitsubishi,Yamaha…Việt nam có gì? Rồi Đại hàn cũng thua Nhật,
nhưng rồi họ có Huyndai, Samsung, LG… Việt nam có gì?? Chẳng biết ông Nhật có
muốn “nổ như tạc đạn” không chứ Việt nam có nhiều phụ nữ đẹp !! (theo chủ tịch
Nguyễn minh Triết nói ở Mỹ), đánh thắng 3 đế quốc!! (chủ tịch Võ văn Kiệt nói ở
Thái lan), xuất cảng gạo, cà phê đứng hàng thứ hai, thứ ba thế giới đấy? [gạo
Việt nam đạt về lượng chứ về phẩm thì thua gạo Cambodge/Kampuchia, gạo Cambodge
bán ít nhưng giá tiền có thể gần bằng Việt nam]. Đại hàn và Việt nam đều có những
bối cảnh lịch sử giống nhau như sự chia cắt đất nước. Cả Nhật, Đại hàn và
Taiwan đều chịu sự chèn ép, cạnh tranh to lớn từ Trung quốc, chiến tranh đã qua
rồi lấy gì biện hộ, làm bình phong đây?
Đi du lịch qua Nhật, đa số xe hơi chạy trên đường là của Nhật
đủ loại Toyota, Honda, Lexus, Mitsubishi v.v..rất ít và khó tìm thấy những xe
ngoại nhập như Mercedes, BMW, Ferrari…Người Nhật xài đồ Nhật vì họ hãnh diện và
yêu quê hương đất nước của họ. Người Nhật biết tiếng Anh nhưng ít nói tiếng
Anh. Vào khu China town ở Nhật, họ nói tiếng gì? Dạ thưa, tiếng Nhật, tiếng tàu
cũng có nhưng không rào rào, ồn ào như ở Sydney chẳng hạn. Chính phủ Nhật khi
muốn mở rộng phi trường Narito ở Tokyo đã phải điều đình rất khó khăn với những
chủ nhân đất vườn người Nhật cho dù đền bù gấp năm (5) lần giá cả thị trường.
Cuối cùng vì lợi ích quốc gia, tòa án cho chính phủ quyền ưu tiên mở rộng phi
trường. Nghe nói cho tới bây giờ sau hơn 50 năm có một số người vẫn còn biểu
tình ở phi trường và một số người không thèm đụng tới tiền bồi thường dù chính
phủ đã bỏ tiền vào trương mục ngân hàng của người đó. Việt nam ta cưỡng chế đất
đai, bồi thường dưới mức thị trường, lấy đất để mờ sân golf, khu du lịch sinh
thái, cho công ty ngoại quốc mở hãng xưởng v.v…dân oan kêu trời không thấu, hết
năm nầy qua tháng kia!!!
4. Tìm một lối giải
thích
Lý giải cho những điều trên xin mượn lời của Lương Khải Siêu
khuyên Phan Bội Châu khi bôn ba đây đó vận động cho tương lai Việt nam độc lập:
“Quí quốc chớ lo không có ngày độc lập, mà chỉ nên lo quốc dân không đủ tư cách
độc lập”, nghĩa là phải biết tôi luyện chí khí tinh thần. Nỗ lực có thể thay đổi
thiên mệnh.Theo Fukuzawa Yukichi nêu ra ba lý do:
4.1 Quốc dân không có tính độc lập thì lòng yêu nước cũng
hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm. Độc lập là tự mình biết phân biệt, phán đoán
phải trái, không bị chi phối hay chịu ảnh hưởng của người khác, hay không dựa dẫm,
ỷ lại vào người khác. Việc của mình, mình phải tự lo giải quyết và chịu trách
nhiệm về việc làm của mình. Đối với vận mệnh đất nước, toàn thể quốc dân phải ý
thức được tinh thần độc lập và tự do trên dưới một lòng đem hết tinh thần và
trách nhiệm ra phục vụ đất nước như đối với vận mệnh bản thân. Chính phủ hay
nhân dân chỉ là sự phân chia vai trò, vị trí để mỗi bên chu toàn trách nhiệm
chu đáo.
4.2 Tự bản thân không lĩnh hội rõ về tính độc lập thì khi
thương lượng với ngoại bang, người khác cũng không thể tranh đấu cho quyền lợi
của mình được. Không có tính độc lập thì phải dựa dẫm vào ngườu khác, do vậy
lúc nào cũng phải thăm dò ý tứ, coi chừng phản ứng của người khác. Luôn phải lấy
lòng thành ra chịu ơn lâu dần trở thành nịnh bợ và luồn cúi, gặp ai cũng phải
xum xoe, khúm na khúm núm. Do đó mỗi người chúng ta không có tính độc lập thì
cũng không thễ dành độc lập với nước ngoài.
4.3 Người không có tính độc lập là người dựa dẫm vào quyền lực
của người khác, chạy theo cái xấu. Lợi dụng người có quyền thế để chèn ép người
khác hay cấu kết với ngoại quốc, mượn danh họ để làm những chuyện có hại hay
bao che, dung dưỡng những hành động bất chính.
Vậy thì Việt nam nằm ở chặng đường nào?
Thời bà Trưng, bà Triệu, Đinh bộ Lĩnh?
Hay thời các vua nhà Lê, nhà Trần như Lê Thánh Tôn, Trần Anh
Tôn?
Hay lịch sử hào hùng như Nguyễn Huệ-Quang Trung hoặc đẫm máu
nhưng cũng thành nhân
như Nguyễn Thái Học cùng các liệt sĩ Yên bái?
Nhưng xin đừng bao giờ ở hay lập lại chặng đường Lê chiêu Thống
và Dương văn Minh.
Sydney, July 2016
Nguyễn Thanh Huân