Hỏi quý vị độc giả báo Người Việt câu trên, chắc 9 trên 10 người không biết
trả lời sao. Câu hỏi này được ứng cử viên tổng thống Mỹ Gary Johnson, thuộc
Ðảng Tự Do (Libertarian) nêu ra. Một nhà báo phỏng vấn: “Nếu đắc cử tổng thống
Mỹ, ông sẽ làm gì về Aleppo?” Johnson hỏi lại: “Aleppo là cái gì?” Nhà báo:
“Ông nói đùa?” “Không!”
Nhà báo phải giải thích: Aleppo là một địa điểm chiến lược ở Syria. Không
Quân Nga đang giúp chính quyền Bashar Assad chiếm lại, còn bên trong Aleppo là
nhiều đạo quân nổi dậy, trong đó có lực lượng IS và cả những dân quân được Mỹ
ủng hộ, các đám quân nổi dậy cũng đánh nhau. Trận Aleppo có thể quyết định
tương lai cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 5 năm. Ông Johnson cũng như đại đa số
độc giả không theo dõi tin tức ở Syria thường xuyên nên không biết những chi
tiết “nhỏ” này. Không thể trách ai được.
Ðầu tuần này, ngoại trưởng hai nước Mỹ và Nga đã ký một “thỏa hiệp đình
chiến” ở Syria mà mục tiêu đầu tiên là các bên đang đánh nhau sẽ ngưng bắn một
tuần lễ, mở một con đường cho đoàn xe tiếp tế của Liên Hiệp Quốc có thể đem
thực phẩm, thuốc men, vân vân, vào nuôi 300,000 người dân còn sống bên trong
thành phố. Hai cường quốc Nga Mỹ ký kết, nhưng cuộc đình chiến có thành hay
không còn tùy thuộc các nước Saudi Arabia, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) và dân
quân Kurds. Tất nhiên, lực lượng IS và Fath al-Sham, một hậu thân của al-Qaeda,
cũng phải ngưng bắn, mà họ đều chống tất cả các quốc gia trên, cũng như chính
quyền Assad. Một đoàn xe tải 20 chiếc chờ ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, khi nào thấy
ngưng bắn là sẽ lăn bánh trên quãng đường 40 cây số tới Aeppo.
Quân nổi dậy IS dùng Aleppo làm điểm dưỡng quân, chuyển tiếp tế vũ khí,
trong khi các lực lượng được Mỹ và Thổ hỗ trợ cũng làm chủ một phần thành phố.
Các lực lượng nổi dậy, quân IS và quân chính quyền Assad đánh lẫn nhau, dân
chúng chết oan. Máy bay Nga đã bỏ bom Aleppo giúp chính quyền Assad từ hai
tháng nay. Bom Nga tấn công cả quân IS lẫn các lực lượng nổi dậy khác chống
Assad; có lúc người ta tưởng Nga Assad sắp đại thắng.
Trước chiến tranh, thành phố Aleppo có hơn 2 triệu người, nay chỉ còn khoảng
300 ngàn dân sống trong những khu do đám quân này hay quân kia kiểm soát. Tính
ra có 700 thường dân đã chết oan, với 160 trẻ em trong vòng 40 ngày.
Một nạn nhân chết đầu Tháng Tám vừa qua là Qusai Abtini, không biết nên coi
là người lớn hay trẻ em. Cậu mới 14 tuổi, nhưng trong mấy năm qua đã trở thành
một tài tử truyền hình nổi tiếng. Lần đầu tiên tôi biết tên Qusai Abtini là
trong bản tin buồn (Obituary) trên tuần báo Economist, sau khi cậu qua đời vì
trúng hỏa tiễn của Nga, trong khi đang chạy khỏi Aleppo. Câu chuyện Abtini cho
thấy trong một thành phố bị chiến tranh tàn phá suốt năm năm, con người vẫn cố
sống một cuộc đời “bình thường.”
Qusai Abtini đã đi biểu tình chống Assad ngay từ ngày đầu tiên dân Syria nổi
lên đòi chống chế độ độc tài khát máu, khi đó mới 8 tuổi, còn ngồi trên vai ông
anh. Chiến tranh nổ ra, gia đình cậu vẫn sống trong thành phố vì không biết
chạy đi đâu. Nhưng một ông thầy giáo đã khám phá ra khả năng đóng kịch của cậu
bé 13 tuổi, giới thiệu cậu với một nhà đạo diễn ti vi. Cậu được cả thành phố
biết đến trong vai trò một ông chồng, mà vai bà vợ do Rasha, một cô gái 11 tuổi
đóng. Ông chồng thường đi làm về, ném cái túi xuống đất rồi ngả mình trên sofa
nằm phưỡn bụng, xỉa răng trong khi bà vợ bưng cà phê đến. Vở tuồng diễn hàng
tuần trên đài Halab Today TV, của quân nổi dậy. Tuồng mang tên bà vợ, Umm Abou,
cho dân chúng ở Aleppo những giờ phút cười cợt giải trí, trong tiếng súng.
Nhiều khi tuồng đang diễn xuất thì có tiếng bom nổ, các diễn viên vội chạy tìm
chỗ ẩn.
Một màn trong chương trình có cảnh bà vợ Umm Abou tuyên bố bà sẽ lập một đội
nữ binh cách mạng, toàn phụ nữ. Ông chồng Abu Abdou, do Abtini thủ vai, chê bà
vợ: “Bà tính ra mặt trận hả? Ðến mấy con gián bà cũng sợ kìa!” Nói xong, ông
chồng chỉ tay: “Kìa, có con chuột kìa!” Thế là bà Umm Abou hét to, nhảy tót lên
ghế. Khán giả nổ ra cười, quên cảnh bom đạn chung quanh. Trong một cảnh khác,
có một bà mối đến xin hỏi một cô con gái của Umm Abou cho một “chiến sĩ” chống
Assad. Trong khi mời bà mối uống trà, Umm Abou nói, các con gái bà đều lấy các
chiến sĩ Dân Quân Tự Do (một đội quân do Saudi và các nước Tây phương yểm trợ.)
Bà mối tiết lộ chú rể tương lai là dân quân Hồi Giáo cực đoan. Bà mẹ vợ tương
lai bèn đòi một khoản tiền thách cưới khổng lồ, bà mối phải rút lui. Trong một
màn khác, ông chồng Abu Abdou lên đường theo đội quân nổi dậy để tập kích quân
chính quyền Assad. Bà vợ thì thào kể với các bà láng giềng. Sau đó Abu Abdou
trở về, đầu băng bó vì vết thương. Băn khoăn hỏi: “Không biết tại sao quân
Assad nó lại biết tụi tôi tập kích nó!”
Ngày 8 Tháng Bảy vừa qua, ông bố của Abtini tìm được đường dây “vượt biên”
cho các con ra đi khỏi Aleppo. Một hỏa tiễn Nga đã bắn trúng chiếc xe. Dân
chúng Aleppo đã làm một đám tang giả, đưa chiếc quan tài trên các con đường hai
bên nhà cửa tan hoang. Cậu được gọi là Người Anh Hùng Tí Hon.
Câu chuyện “cậu bé” Qusai Abtini cho chúng ta nhìn thấy một “bộ mặt người”
giữa cuộc nội chiến rối tung ở Syria.
Thứ Tư vừa rồi, hai tháng sau khi Abtini chết, hai ngoại trưởng Nga và Mỹ
họp báo loan tin họ đã ký một thỏa hiệp đình chiến, để dân Aleppo được tiếp tế.
Chắc các đám quân nổi dậy chống cả Nga lẫn Mỹ cũng đồng ý, vì chính họ cũng cần
nghỉ ngơi, cần thức ăn và thuốc men.
Nhưng rồi cuộc nội chiến có thể chấm dứt hay sẽ còn tiếp diễn? Không ai biết
được. Vì Syria đã trở thành một “mớ bòng bong rối rít” người ngoài không biết
đâu là lần. Ðó là kết quả của cuộc phân chia vùng đất do Ðế quốc Ottoman kiểm
soát, sau cuộc Chiến Tranh Thứ Nhất kết thúc, năm 1918. Gia đình Assad đã làm
chủ nước Syria, trước do Pháp cai trị, dựa vào một thiểu số người theo giáo
phái Shi A, trong khi đa số dân theo phái Sun Ni. Dân nổi lên biểu tình ôn hòa
chống chế độ độc tài vào năm 2011 và bị đàn áp tàn nhẫn. Quân Sun Ni từ Iraq,
đa số do các sĩ quan cũ của Saddam Hussein chỉ huy, đã được nhiều người Syria
ủng hộ, lập thành lực lượng IS. Những đám quân nổi dậy khác được Á Rập Saudi,
Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Anh, Pháp giúp, chống cả chính quyền Assad và IS. Lực lượng
người Syria gốc Kurd mạnh lên, muốn thành lập một vùng tự trị. Nga nhảy vào
giúp chính quyền Assad bằng không quân, Iran cũng giúp Assad để bảo vệ một vòng
đai Shi A giữa các nước Sun Ni gốc Á Rập. Nga và Iran nói họ chỉ đánh quân IS
và Mặt trận Nusra, đám tàn quân của al-Qaeda; nhưng trong thực tế đã bỏ bom cả
những lực lượng khác chống Assad.
Ðầu Tháng Chín, Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria, lần đầu tiên, ngoài mặt là để
giúp một lực lượng chống IS, nhưng mục đích chính là ngăn không cho quân người
Kurd chiếm mấy thành phố sát biên giới Thổ. Họ có lý do, vì nếu người Kurd mở
rộng vùng tự trị của mình ở Syria, thì sẽ giúp cho 4 triệu “đồng bào” gốc Kurd
sống trong nước Thổ cũng đòi hỏi được tự trị. Quân Kurd là lực lượng đánh IS
hiệu quả nhất, nhưng cũng chỉ lo cho tương lai của chính họ. Họ chống chính
quyền Assad, cho nên có khi cũng bị Nga ném bom. Chính phủ Mỹ vẫn ủng hộ các
lực lượng quân Kurd ở Iraq và Syria, bây giờ phải đóng vai trung gian giữa
người Kurd và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Bây giờ Nga và Mỹ ký thỏa ước đình chiến,
nếu tiếng súng im được trong một tuần ở Aleppo thì có thể sẽ tiến tới các thỏa
ước lâu dài hơn.
Nhưng thỏa ước mới, nếu có, được thi hành hay không, còn tùy thuộc bao nhiêu
quốc gia khác. Những người dân còn sống trong thành phố Aleppo đang chờ những
chuyến xe tải đầu tiên tiếp tế dưới lá cờ Liên Hiệp Quốc.
Nhưng ai đọc lịch sử đều biết Aleppo là một địa danh nổi tiếng từ hai ngàn
năm trước. Quân đội quân Ba Tư, quân La Mã đã giành nhau đánh chiếm Aleppo, Ðại
Ðế Alexander đã tới trước đó. Thập Tự Quân và quân Hồi Giáo đã tử chiến nhiều
lần giành giật địa điểm trọng yếu này. Quân Thành Cát Tư Hãn và hậu duệ của ông
là Tamerlane cũng vây rồi chiếm Aleppo. Ðó là một trong ba thành phố lớn nhất
của Ðế quốc Ottoman, cùng với Istanbul (Constantinople) và Cairo. Khi các nước
Anh, Pháp chia nhau tài sản của Ðế quốc Ottoman, Aleppo được trao cho Syria.
Các đế quốc tới rồi đi, nhưng người dân Aleppo vẫn sống ở đó. Họ sắp được sống
một ít ngày im tiếng súng. Họ sẽ tưởng nhớ Qusai Abtini, cậu bé đã tặng cho bà
con cô bác những nụ cười hồn nhiên trong khi súng nổ chung quanh. Loài người
cần những anh hùng tí hon như cậu.
Ngô Nhân
Dụng