Trong sự tĩnh lặng của núi rừng, tầm mắt của Hằng dường như
lúc nào cũng bị giới hạn vì những khúc quanh ngặt. Nếu muốn ngẫng lên để tìm bầu
trời, ánh mắt của Hằng cũng không thể vượt qua những đọt thông cao vút. Khi nào
đến được một khoảng trống, do khóm thông chết, ngã gục bên vệ đường và cây
thông non chưa lớn kịp, tầm mắt của Hằng mới phóng xa hơn được một tý để thấy từng
phiến đá được thời gian và lượng nước xoi mòn, nằm san sát nhau, bên dòng
Skymomish im lìm.
Như muốn tìm cội nguồn của dòng sông cạn Skymomish, Hằng
nhìn ngược lên dòng nước, nhưng rồi ánh mắt của Hằng chỉ bắt gặp những đỉnh núi
tuyết
Từng đỉnh núi tuyết trắng xoá tiếp nối nhau, chen chúc nhau
trong màu xanh ngút ngàn của rừng thông. Nếu không có màu nâu sậm của từng khóm
thông chết hoặc của những khoảng rừng bị cháy, có lẽ Hằng sẽ nghĩ nơi đây mùa Hạ
không bao giờ hiện diện.
Xe lên đến lưng đèo Stevens Pass ,
những ngọn núi tuyết thấy đã gần, nhưng dòng Skymomish đã quanh qua một lối
khác. Nhìn xuống thung lũng, điều tiết mắt thật kỹ, Hằng mới thấy được, xuyên
qua nhiều tầng lá thông, con đường số 2 và dòng Skymomish lặng lẽ song đôi,
xuôi về thác Sunset mịt mùng.
Khi lên đến một độ cao vừa phải, Hằng thấy những đỉnh núi
tuyết chập chùng giữa vùng núi đồi xanh thẫm và nhiều tầng mây trắng phau. Thỉnh
thoảng một cụm mây sà xuống, nằm lửng lơ giữa màu xanh bát ngát của núi rừng.
Và rồi, không hiểu từ đâu, gió ùa đến, rừng mây xôn xao, tản mạn khắp nơi. Nhiều
áng mây chờn vờn và cuối cùng vây phủ vài đỉnh núi tuyết. Nếu mây không di động,
Hằng có cảm tưởng rằng nơi đó là giáp giới giữa Trời và Ðất. Khi mây tan đi, dưới
ánh nắng chan hòa, những đỉnh núi tuyết trở nên lóng lánh như từng khối kim
cương.
Giữa sự hùng vĩ của thiên nhiên, Hằng cảm nhận được rằng đời
người hay là những biến động trong cuộc đời, dù có lớn lao đến đâu chăng nữa,
so ra cũng vô cùng nhỏ bé trước sự vô thường của vạn vật – huống chi căn bệnh
Huntington's disease trong cơ thể nàng! Nhận ra được điều ấy rồi, Hằng cảm thấy
như bao mối ưu tư, phiền muộn, sợ hãi trong nàng đang từ từ tan theo những giọt
nước long lanh trên đỉnh núi tuyết. Hồn nàng nhẹ tênh, thơ thới trong sự yên ắng,
bình lặng của Ðất, Trời.
Ðộ cao giảm dần. Từ hồ Wenatchee ,
mạch nước tuôn theo bờ đá cuội, tạo nên dòng Wenatchee róc rách, song đôi với con đường số
2 vắng lặng.
Ðến Leavenworth, Hằng cảm thấy vui tươi, rộn rã trong lòng
nhờ tiếng phong cầm vang xa từ công viên thành phố và những chậu hoa rực rỡ bên
khung cửa sổ của mỗi căn nhà cùng những giỏ hoa đủ màu treo lủng lẳng nơi mỗi
ngã đường. Nhìn quanh khu phố hẹp, Hằng nhận thấy lối kiến trúc ở đây mang nhiều
nét đặc thù của Âu-châu.
Rời Leavenworth, bỏ lại phía xa dòng sông sủi bọt trắng xoá
vì mái chèo của những người thích bơi thuyền trên những khúc sông cuồn cuộn
sóng, Hằng đến làng Cashmere nhỏ bé nhưng đầy
dấu vết của những cuộc Tây tiến thuở xưa. Vừa qua khỏi mấy cửa hàng trang trí
như trong phim xi-nê “Cao-bồi”, Hằng bỗng nhận ra nàng đang lạc vào thế giới của
cây táo (apple trees).
Dọc theo Columbia River và
giữa sự vây bọc của hai triền núi trọc, một ngôi làng nhỏ vươn mình trong những
vườn táo xanh um, xa tít tắp. Trên hai triền núi trọc, thỉnh thoảng, từng mảnh
vườn táo xanh rì nổi bật trên nền đất xám. Dọc theo tỉnh lộ, lác đác vài căn lều
bán trái cây tươi. Khi xe chạy gần vòng rào của một vườn táo, Hằng thấy trái
táo lủng lẳng đầy cành. Nước từ vòi tưới tự động làm cho da trái táo mởn, trông
dễ thương và gợi thèm.
Cảm giác này và cảnh trí này khiến Hằng nhớ đến những lần
đưa các con đi thăm Thuận – chồng của Hằng – ở miền Tây Nam Việt.
Những lần đi thăm Thuận, Hằng cũng cảm thấy thèm khi nhìn những
vườn cây oằn trái dọc hai bên đường; chỉ khác một điều, đó là những trái ổi dòn
rụm, những trái vú sữa vừa chín tới hoặc những trái xoài chín cây. Khi xe đến
Bac Mỹ-thuận, thế nào Hằng cũng lựa mua những trái tươi nhất, lớn nhất cho các
con ăn và cũng để Thuận biếu bạn bè. Bây giờ, giữa rừng táo mênh mông này, Hằng
cũng muốn mua một ít; nhưng Hằng lại nghĩ, mua để làm gì khi các con mỗi đứa một
nơi và Thuận không còn là Thuận của ngày cũ.
Trong nỗi xót xa, bùi ngùi, Hằng cho xe theo xa lộ 97, tiến
vào hồ Chelan, nơi dừng chân của dòng nước sậm màu từ Stehekin men theo chân
núi Chelan lan xuống.
Nhìn tàng thông xanh soi mình trên mặt nước và những chiếc
du thuyền nho nhỏ nằm cạnh nhau bên mấy chiếc cầu gỗ, Hằng chợt nhớ đến một
thành phố thân thương trên miền đất đỏ với mặt hồ câm nín, với đồi trà ngát
hương và với rừng thông bạt ngàn.
Bên rừng thông xanh biếc ấy, trong những lần trường tổ chức
cắm trại, Thuận và Hằng đã nói với nhau biết bao lời thương mến. Sau khi thành
hôn, không biết bao nhiêu buổi chiều, Thuận và Hằng đã lặng lẽ đi bên nhau
trong tiếng thông reo cùng tiếng lá khô xào xạc dưới chân hai người. Khi Thuận
đi tù được một thời gian, cũng chính nơi rừng thông vắng lặng ấy, các con của
Thuận và Hằng, vì cảnh sống cùng cực, đã thay phiên nhau đi nhặt nhánh thông
khô về cho Hằng làm củi.
Một buổi chiều, Thủy, đứa con gái thứ hai của Thuận và Hằng,
theo Phượng – chị của Thủy – đi lượm củi. Trên đường về Thủy bị một loại côn
trùng chích. Thấy vết chích không chảy máu, Phượng và Thủy nghĩ rằng không hại
gì nên chẳng cho Hằng biết. Ðến khuya, vết chích sưng lên và đau nhức, Thủy
khóc, Hằng mới biết.
Hằng đưa Thủy đến bệnh viện công cộng. Tại đây, không hiểu
vì lý do gì, y tá để mẹ con nàng đợi cho đến sáng mà vẫn không được đưa vào cho
bác sĩ chẩn bệnh.
Trời sáng hẳn. Thủy vẫn nằm thiêm thiếp trên chiếc băng nhớp
nhúa. Hằng sợ Thủy chết nên vừa khóc vừa nhìn quanh. Bác sĩ và y tá lục đục đổi
phiên. Tình cờ, bác sĩ Toàn đi ngang, Hằng nhào đại đến, khóc òa: “Bác sĩ! Làm ơn cứu con tôi”. Quá bất ngờ,
bác sĩ Toàn sững một giây rồi hỏi: “Con
chị đâu? Nó bị bệnh gì?” Người y tá bước nhanh đến, muốn nói gì với bác sĩ
Toàn; nhưng Hằng nhanh hơn, đáp: “Thưa
bác sĩ, cháu bị con chi cắn không biết, nhưng vết thương sưng tấy lên và đã trở
màu. Mẹ con tôi chờ từ tối hôm qua đến giờ. Bác sĩ làm ơn cứu con tôi. Tôi đội
ơn bác sĩ”. Toàn nhìn Hằng và thấy được tất cả nỗi đớn đau, đoài đoạn của
người Mẹ dâng lên trong mắt Hằng. Bác sĩ Toàn xoay sang y tá, nghiêm giọng: “Ðem con bé vào ngay”.
Hằng chịu ơn Toàn từ đó. Nhưng chị em Thủy lại tỏ thái độ chống
đối rất mạnh mẽ mỗi khi Toàn kiếm cớ ghé nhà thăm bệnh cho Thủy để được nói
chuyện với Hằng. Khi nào bị Hằng lừ mắt, bảo đi chỗ khác chơi, chị em Thủy lại
xúi cu út Huân chạy ra nhõng nhẽo, đòi được ngồi với mẹ.
Hằng không hiểu tại sao ngày ấy Huân thường ngồi trong lòng
mẹ, vòi vĩnh đủ điều để Toàn bực mình phải bỏ đi. Còn ngày nay, trước sự phản bội
của Thuận, Huân, trong lần từ đại học Texas A&M về thăm nhà, đã trả lời Hằng:
“Con nghĩ Ba có thể nghe lời con trong những
vấn đề khác. Còn vấn đề tình cảm của Ba, làm sao con có thể xen vào được?” Vì
lúc ấy Hằng chưa biết nàng mắc phải chứng Huntington's disease cho nên Hằng muốn
tìm mọi cách để giữ Thuận: “Nếu con không khuyên giải, rủi Ba mê bà Ngọc
rồi bỏ mẹ con mình, con nghĩ sao?” Huân đáp rất thật với ý nghĩ của Huân: “Ba mê bà Ngọc, đó là quyền của Ba. Ba bỏ mẹ
con mình, đó cũng là do ý của Ba, con đâu làm gì được! Con nghĩ đây là chuyện của
Ba Mẹ, Ba Mẹ nên giàn xếp với nhau. Trong đời con, chỉ có hai người thân yêu nhất
của con là Ba và Mẹ; con không thể bênh người này mà bỏ người kia.” Hằng thở
dài: “Biết Ba làm điều sai mà con không
bênh Mẹ được sao, Huân?” Nét mặt Huân cau lại: “Con không nói những gì Ba làm là đúng. Nhưng không phải vì những điều
không đúng đó rồi con không thương Ba. Mẹ hiểu con muốn nói gì không?”Hằng
yên lặng. Với số Việt ngữ ít oi mà Huân cố gắng pha trộn Anh ngữ để diễn đạt được
đến như vậy, Hằng nghĩ không thể nào nàng thuyết phục được Huân. Hằng bực dọc:
“Con nói vậy, nếu gia đình mình đổ vỡ,
con có vui không?” Huân đáp: “Dĩ
nhiên là con không vui. Nhưng con cũng đâu làm gì được, Mẹ!” Hằng lại hỏi:
“Tại sao con không làm gì được? Con tìm lời
khuyên Ba. Ba cưng chìu con, Ba sẽ nghe lời con. Ba sẽ vì các con mà trở về với
gia đình, để gia đình khỏi tan vỡ”. Huân lắt đầu: “Con nghĩ, phải vì Mẹ mà Ba trở về thì Ba Mẹ mới có hạnh phúc. Còn nếu
vì các con mà Ba trở về thì Ba Mẹ chỉ sống một đời gượng ép bên nhau thôi. Và
đó là điều chúng con không muốn.”. Hằng muốn cho Huân hiểu nỗi niềm của người
đàn bà Việt-Nam: “Con nên biết, người đàn
bà Việt-Nam chỉ cần người Cha của đàn con có mặt ở trong nhà để đàn con khỏi tủi
thân, chứ người đàn bà Việt-Nam ít khi đòi hỏi người đàn ông ấy phải thương yêu
họ.” Huân lại lắc đầu: “Quan niệm đó
không thực tiễn. Nếu cha mẹ không thương nhau nữa, hãy giải quyết với nhau một
cách công bằng và êm thắm. Ðừng vì đàn con mà sống như tù ngục. Như trường hợp
của Mẹ, Mẹ nên sống cho Mẹ, Mẹ không nên sống cho bất cứ người nào khác nữa”.
Ngày đó, vì sống trong một xã hội đầy nhiễu nhương, lắm bất
trắc, trên tay ba đứa con dại và Thuận đi tù chưa biết ngày nào ra, Hằng đã vì
sinh kế, có những liên hệ lén lút với Toàn. Ðến khi được thư Thuận với những lời
kết tội nặng nề, Hằng cho rằng không ai chịu hiểu nàng, Hằng hận, muốn liều, chấp
nhận cuộc sống vĩnh viễn với Toàn. Nhưng khi thấy gương mặt buồn xo của các con
mỗi khi Toàn hiện diện, Hằng đổi ý. Bây giờ, tuy không luyến tiếc chi Toàn, Hằng
vẫn muốn Huân hiểu nỗi lòng của nàng: “Nếu
Mẹ quan niệm như vậy thì ngày đó, sau khi Ba miệt thị Mẹ không tiếc lời, Mẹ đã
chấp nhận bác Toàn là chồng rồi. Con nhớ không? Chính con không chấp nhận sự hiện
diện của bác Toàn mà”. Huân nhìn mẹ: “Con
biết. Và con nhớ. Nhưng dạo đó con chỉ là đứa bé con, sống trong một môi trường
khác cho nên quan niệm nhân sinh của con tuỳ thuộc vào bối cảnh chung quanh.
Bây giờ con hấp thụ nếp sống ở đây, lối suy nghĩ và cách hành xử của con linh động
và thực tế hơn”. Giọng Hằng khổ sở: “Hay
là con giận Mẹ vì chuyện bác Toàn?” Huân đáp rất thật lòng: “Dạ không, Mẹ”. Huân nhíu mày như cố ôn
lại tình cảm của mình, rồi tiếp: “Thật
ra, dạo đó chị em con có buồn và giận Mẹ về việc bác Toàn. Nhưng, sau này nghĩ lại, chúng con thấy
chúng con bất công đối với Mẹ. Giữa một xã hội mà người đàn bà, nhất là những
người đàn bà thuộc vào những gia đình khuê các như Mẹ, lúc nào cũng bị đặt vào
vị thế thụ động và không bao giờ hấp thụ được tinh thần tự lập thì người đàn bà
đó làm được gì để nuôi con và nuôi thân khi bất ngờ người đàn ông trong gia
đình không còn hiện diện? Vì vậy, con nghĩ, những người đàn bà rơi vào tình cảnh
như Mẹ đáng thương hơn đáng trách”.
Không phải chỉ có Huân mới suy luận và phân tích vấn đề một
cách vô tư và rộng lượng, mà ngay cả Phượng cũng có những ý nghĩ rất mới, rất
thực tế, như hầu hết những người trẻ lớn lên nơi vùng trời Âu-Mỹ.
Thật vậy, hôm đó, trong người không được khỏe, Hằng xin về sớm.
Vào nhà bằng cửa sau, Hằng vô tình nghe tiếng Phượng từ trên lầu: “Không phải con ăn hạt cơm do đồng tiền ông
Toàn cho rồi con bênh Mẹ hay bênh ông Toàn. Nhưng ba nghĩ đi, Mẹ lấy ông Toàn để
có tiền nuôi Ba trong tù, nuôi chúng con ăn học đầy đủ và dành dụm tiền đưa
chúng con vượt biên, ai nỡ kết tội Mẹ?” Tiếng Thuận: “Ba không dính dấp gì đến đồng tiền thối tha, nhơ nhớp đó”. Mấy tiếng
sau cùng của Thuận làm tim Hằng thắt lại. Có phải vì vậy mà Thuận san sẻ tình
yêu cho Ngọc không? Giữa khi Hằng bị tình cảm chi phối, tiếng Phượng nghe rõ mồn
một: “Ba nhầm. Ông Toàn si mê Mẹ ngay sau
khi Ba bị chuyển ra Bắc. Ba ở ngoài Bắc bao lâu và Mẹ đi thăm nuôi Ba bao nhiêu
lần trước khi cô Hai viết thư mách Ba?” Thuận hét lên: “Khốn nạn! Nếu biết vậy, tao thà chết chứ
không thèm nhận một xu!” Phượng từ tốn: “Ba nói như vậy là Ba chỉ nói về phần Ba. Còn Mẹ và chúng con thì sao?” Giọng
Thuận gần như gào lên: “Thiếu gì bà phải
buôn gánh bán bưng mà vẫn nuôi chồng trong tù và nuôi con đi học”. Phượng dịu
giọng: “Thưa Ba! Con biết có những người
đàn bà Việt-Nam đáng qúy như vậy. Nhưng không phải bất cứ người đàn bà Việt-Nam
nào cũng có thể gồng, gánh, lao lực chân tay được. Mẹ là một trong những người
rơi vào vị thế đó. Nhưng cái vị thế đó không phải do Mẹ tạo nên mà là do hoàn cảnh
xã hội và cái quan niệm sống thời bấy giờ đã tạo nên. Ba nghĩ lại đi. Những người
trí thức như ba có bao giờ muốn, hoặc được Cha Mẹ chấp thuận, thành hôn với một
cô gái ít học, lam lũ, con nhà nghèo hay không? Không! Lúc nào những người như
Ba cũng muốn, hoặc bị gia đình ép buộc, thành hôn với những cô con nhà quyền thế,
giàu sang, càng trưởng giả càng tăng phẩm giá. Trong những gia đình như vậy,
người con gái thường ỷ lại, thiếu tinh thần tự lập và đôi khi thiếu tự tin, vì
lúc nào cũng có người khác để sai bảo, để nhờ cậy. Ðến khi lấy chồng, người chồng
vì tự ái, vì muốn nắm quyền trong gia đình nên không cho vợ đi làm. Như vậy,
người đàn bà có được chuẩn bị để đối phó với những bất trắc khi người đàn ông bất
ngờ khuất bóng hay không?”. Im lặng. Hằng hồi hộp chờ tiếng quát tháo của
Thuận, nhưng tiếng Phượng lại vang lên: “Thưa
Ba! Mỗi khi Ba gặp mấy bác, Ba thường khoe sự thành công của chúng con. Những
lúc đó, có bao giờ Ba nghĩ đến sự hy sinh và sự chịu đựng của Mẹ không?” Giọng
Thuận đầy đau đớn: “Con thử đi hỏi tất cả
người Việt-Nam xem có ai nói người vợ ngoại tình trong khi chồng ngồi tù mà lại
được gọi là hy sinh thì con sẽ có câu trả lời!”Ï Phượng hỏi một câu mà
chính Hằng cũng không ngờ: “Ba! Hồi đó Ba
đi cưới Mẹ là Ba cưới vợ cho Ba hay là Ba cưới vợ cho người Việt-Nam?” Thuận
gay gắt: “Ba tiêm nhiễm tư tưởng Khổng Mạnh.
Con ảnh hưởng lối suy nghĩ của người Tây phương. Cha con mình không nên bàn luận
vấn đề này nữa”. Phượng kiên nhẫn: “Con
nghĩ, thà là mổ xẻ vấn đề để đi đến một kết luận chứ Ba tìm cách tránh né như vậy
không tốt”. Thuận gằn giọng;”Vấn đề
con muốn mổ xẻ là vấn đề gì?” Phượng
đáp: “Vấn đề giữa Ba, Mẹ và bà Ngọc. Con
nghĩ, giữa hai người đàn bà Ba chỉ có quyền chọn một, để người kia còn lo liệu
lấy tương lai. Ba không nên áp dụng câu châm ngôn lỗi thời ‘Trai năm thê, bảy
thiếp; gái chính chuyên một chồng', để cùng một lúc, làm khổ hai người đàn bà”.
Im lặng. Lúc đó, căn bệnh của Hằng chưa được khám phá cho
nên Hằng cứ thầm mong Phượng gây được áp lực để Thuận quay về với Hằng. Riêng
Thuận, đã bao lần Thuận cố né tránh nhưng cuối cùng, hôm nay, cũng bị Phượng dẫn
đến đề tài mà Thuận không dám thẳng thắn bàn cãi cùng các con. Trước kia, khi
Thuận chưa có Ngọc – dù câu chuyện giữa Hằng và Toàn lúc nào cũng là vết đau
không bao giờ lành trong lòng Thuận –
Thuận cũng chỉ đem tội
lỗi của Hằng ra làm khổ Hằng vào những lúc Thuận và Hằng bất hoà mà thôi. Nhưng
kể từ khi ngoại tình với Ngọc, Thuận cố tự bào chữa cho hành động phản trắc của
chàng bằng cách tìm mọi cơ hội để khơi lại dĩ vãng không đẹp của Hằng. Và Hằng,
vì mặc cảm tội lỗi, chỉ nhẫn nhục, câm lặng. Ðến khi biết được Thuận chia xẻ
tình yêu cho Ngọc, Hằng chỉ tâm sự với con, rồi bất cần, buông xuôi. Trước phản
ứng tiêu cực của Hằng, dù không muốn xen vào “chuyện của người lớn”, Phượng và
Thủy đều nhận thấy rằng cả hai nên truyền đạt đến Thuận những suy tư, những
trăn trở, những xáo trộn ở vị thế của người đàn bà trong xã hội hôm nay. Vì vậy,
cả hai chị em thường tìm cách nói chuyện với Thuận. Và Thuận, phần vì mặc cảm với
con, phần vì không thể dùng quyền làm cha để đàn áp thái độ thẳng thắn và lời
nói cương trực của các con nên Thuận không muốn tranh luận.
Không nghe Thuận nói gì, Phượng tiếp: “Ba! Ba không thể thương yêu Mẹ được nữa vì một người đàn ông khác đã đi
qua đời của Mẹ, đúng không, thưa Ba?” Thuận gật đầu. Phượng tiếp: “Vậy, Ba cho con hỏi, bà Ngọc đến với Ba
trong tư thế nào? Bà Ngọc cũng đã có
chồng có con, nghĩa là cũng đã có một người đàn ông đi qua cuộc đời bà ấy, tại
sao Ba lại chấp nhận?” Thuận bào chữa: “Ông
bà mình có câu: ‘Lấy đĩ về làm vợ; không ai lấy vợ về làm đĩ' con biết chưa?” Phượng
vẫn chưa đuối lý: “Con thiển nghĩ, nếu
trong khi đang sống yên ấm với chồng con mà người đàn bà lan chạ thì nên lên
án. Còn nếu, ngoài lũ con dại, người chồng không để lại cho vợ bất cứ điều chi
khác, người vợ phải chịu làm đĩ nuôi con ăn học thành tài thì đó là người đàn
bà biết hy sinh, biết sống cho người khác. Ba không nên quan niệm rằng người
đàn bà được sinh ra chỉ để sống và chết cho một người đàn ông!” Thuận lại
thở dài, im lặng. Thấy bóng Phượng nơi đầu cầu thang, Hằng hoảng, lẫn ngay vào
phòng giặt đồ. Nhưng Phượng quay lại, kết luận: “Thưa ba! Ba đừng giận con. Con chỉ nói những gì con nghĩ chứ không phải
con cố tình nói để Ba tha thứ cho Mẹ; vì Mẹ chẳng có lỗi gì để Ba phải tha thứ.
Lỗi là lỗi ở xã hội và lỗi ở Ba; vì không ai trang bị cho những người đàn bà
như Mẹ số hành trang cần thiết trước khi thảy họ vào đời!”
Nhớ lại những lời chí tình của Phượng, Hằng cảm thấy ấm
lòng. Nhưng chỉ một lúc sau, Hằng lại tự trách mình và ước chi sự việc giữa
nàng và Toàn đừng xảy ra thì gia đình nàng hạnh phúc, yên ấm biết bao nhiêu! Cụm
từ “hạnh phúc và yên ấm” vừa thoáng qua trong trí, Hằng bỗng giật mình, nhói
đau trong lồng ngực. Làm sao Thuận và Hằng có thể sống hạnh phúc và yên ấm được
khi mà Thuận có Ngọc và Hằng mang căn bệnh quái ác này!
Kể từ hôm bác sĩ cho biết kết quả thử nghiệm, không biết bao
nhiêu đêm Hằng khóc một mình và cũng không biết bao nhiêu lần Hằng muốn nói với
Thuận. Nhưng nghĩ lại, Hằng đã gây ra một ấn tượng nhơ nhớp trong lòng Thuận,
nay Hằng không muốn Thuận thấy cơ thể nàng tàn lụn vì sự hủy diệt khủng khiếp của
căn bệnh này! Và Hằng cũng không dám nói với các con; vì Hằng cảm thấy như Hằng
có lỗi với các con, dù rằng Hằng chưa biết các con có nhận từ Hằng những mầm mống
của căn bệnh này hay không! Và đó là điều xâu xé tâm hồn Hằng nhiều nhất.
Mỗi khi tâm hồn quằn quại trong nỗi đớn đau vì thấy cái chết
cận kề, Hằng thường lâm râm nguyện cầu Ðức Quán-Thế-Âm. Sau một lúc niệm kinh,
Hằng cảm thấy bình tâm, nỗi đau cùng niềm sợ hãi dịu dàng lắng xuống, vì Hằng
cho rằng cái chết chỉ là giấc ngủ dài.
Nhìn mặt hồ xanh thẫm và phẳng lặng bên eo núi Chelan, hồn
nàng trầm hẳn để bao nhiêu sợ hãi, bon chen, khổ lụy không còn khuấy động nàng
được nữa.
Hằng tiếp tục cuộc ngoạn cảnh bằng tỉnh lộ 13, rồi quẹo
trái, vào xa lộ 153. Nơi đây, con sông Methow lượn mình bên xa lộ, giữa những
cánh đồng cỏ mênh mông của thung lũng Mê-Hồn (Methow). Cỏ đã được cắt, bó lại từng
phiến vuông vắn. Vài chú ngựa già đứng nhơi cỏ khi ánh nắng chiều hơi chếch về
phía khóm rừng hoang.
Những đỉnh núi tuyết vẫn chập chờn phía xa, sau những ngọn
núi chưa già và rừng thông chưa kịp lớn. Từ đây, vết tích của những cuộc Tây tiến
bắt đầu hiện rõ bằng những khoảng sông hẹp, đầy đá cuội và gốc cây mục. Lác đác
bên đường, Hằng thấy vài ngôi nhà gỗ cũ kỹ. Trước hàng hiên, cũng bằng gỗ, của
mỗi ngôi nhà, Hằng thấy trên mỗi cột chống đỡ mái hiên được gắn nửa vòng tròn của
bánh xe ngựa bằng gỗ.
Càng gần Winthrop
bao nhiêu Hằng càng thấy nhiều ngôi nhà cố tình giữ lại nét hoang sơ của thời lập
quốc bấy nhiêu. Cuối cùng, Hằng dừng xe ngay giữa làng Winthrop xinh xắn. Nơi đây, du khách và người
địa phương, trong những chiếc quần jeans bó sát hoặc cắt ngắn và những đôi dày
cao cổ, cứ thư thái đi lại hoặc đứng hoặc ngồi ngay trên vỉa hè bằng gỗ. Âm
vang những bản dân ca được ban nhạc sống trình bày thoát ra từ một saloon như
làm sống lại những nét hào hùng của đoàn người đi chinh phục miền viễn Tây.
Rời Winthrop, Hằng theo xa lộ 20, tiến về núi Liberty Bell.
Lên đến một độ cao trùng trùng, đôi khi Hằng có cảm tưởng như chỉ vươn tay ra
khỏi kính xe, nàng có thể “sờ” được mây. Trong tầm mắt của Hằng mây cứ lặng lờ
trôi; giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng, đỉnh núi tuyết như những con sóng bạc
đầu, cứ nhấp nhô, nhấp nhô mãi cho đến cuối trời.
Khi xa lộ vòng qua một đỉnh núi tuyết, Hằng thấy một mảng
tuyết đã rời khỏi đỉnh cao, nằm “nhỏ lệ” ven đường. Hằng dừng xe lại, thấy dòng
nước trong veo đang âm thầm men theo kẻ đá, tìm đường về với dòng suối cuối
chân đèo.
Ðộ cao giảm dần nhưng dòng Granite vẫn còn thăm thẳm dưới
xa. Chưa đến sườn núi Ruby, Hằng đã thấy mặt hồ Ross xanh đậm như màu biển
khơi, ẩn hiện lờ mờ giữa ba triền núi Fury, Ruby và Jack. Hằng dừng xe nơi mõm
núi đá. Ánh nắng nghiêng nghiêng của buổi chiều như dừng lại trên đỉnh núi
Jack. Mặt hồ Ross đậm cho đến nổi phải khó khăn lắm Hằng mới thấy được bóng cây
phản chiếu trên mặt nước, quanh bờ hồ. Gió chiều gây gây lạnh. Trong một phút bồng
bột, Hằng chỉ muốn được ở lại đây, sống nốt những ngày còn lại trong sự kỳ bí của
thiên nhiên.
Vừa xa hồ Ross bằng một khúc quanh, Hằng bỗng bàng hoàng trước
màu xanh lạ lùng của mặt hồ Diablo phía dưới xa. Hằng ngẩn ngơ nhìn lên đập
Ross. Từ hồ Ross đến hồ Diablo chỉ qua một cái đập, hóa chất nào đã biến dòng
nước xanh như đại dương thành dòng nước xanh như ngọc thạch?
Hằng rẽ vào hồ Diablo. Quanh bờ hồ có những khoảng đất chài,
cây thông non mọc chồm lên mặt nước; từ xa Hằng không thể phân biệt được màu
xanh của mặt hồ và màu xanh của lá thông non.
Xuôi theo triền núi, từ đập Diablo, sông Skagit
hiền hoà men theo bờ đá cuội, xuôi ra biển. Nhìn theo dòng nước xanh màu lá mạ,
Hằng chợt nghĩ đến một ngày nào đó sẽ được như cỏ cây, nằm im lìm ven bờ Skagit , để lắng hồn theo những biến động âm thầm trong
lòng những đỉnh núi tuyết.
Nhìn mấy đỉnh núi tuyết vây quanh hồ Diablo, Hằng bỗng lặng
người khi thấy tuyết trên đỉnh Pyramid mang tất cả góc cạnh của khuôn mặt một
người da đỏ đang ngẩng mặt nhìn trời. Nghĩ rằng mình giàu tưởng tượng, Hằng đổi
vị trí trong khi một áng mây mỏng sà xuống đỉnh Pyramid. Khi Hằng nhìn đỉnh
Pyramid từ vị trí mới thì chính áng mây mờ lại tạo những đường nét thống hận, uất
hờn trên khuôn mặt và ánh mắt của người đàn ông da đỏ!
*
* *
Ðang ngồi trong nhà tắm, vừa đọc báo vừa nghỉ ngơi trước khi
bước vào bồn tắm, Thuận nghe tiếng T.V. phát ra từ phòng gia đình. Thuận không
ngạc nhiên, hỏi vọng ra:
- Ðứa nào về vậy, con?
- Dạ, con, ba.
Nhận ra giọng Thủy, Thuận đưa tay nhấn nút cho nước rút đi rồi
khoát lại chiếc sơ-mi bẩn, bước ra. Thủy bấm remote tắt T.V., hỏi:
- Dạ, Mẹ đâu, ba?
- Mẹ đi ngoạn cảnh vài hôm.
- Trời! Mẹ ngon vậy? Sao Ba không cùng đi cho vui?
- Mẹ thích đi một mình.
Thủy không tin lời Thuận. Thủy nghĩ rằng Thuận tạo điều kiện
cho Hằng đi vắng để Thuận được tự do với Ngọc. Tuy nghĩ như vậy, Thủy không nói
ra, lại hỏi sang chuyện khác:
- Tuần này chị Phượng và Huân có về không, thưa ba?
- Ba không biết, con.
Thuận ngồi vào ghế dựa, duỗi thẳng hai chân, đưa tay bật tấm
bững phía dưới ghế rồi gác chân lên. Thuận nằm dài thoải mái, tiếp:
- Con có gì lạ không, Thủy?
- Dạ không. A, dạ có. Chúng con làm bích báo.
- Bích báo Việt ngữ hả, con?
Thủy “da”. Thuận
tiếp:
- Tốt. Ráng học tiếng Việt đi, con.
- Các anh chị chủ trương tờ báo của trường bảo con viết về
“Người phụ nữ Việt-Nam gương mẫu”, nhưng con không biết tìm tài liệu ở đâu cả.
Ba biết không, Ba?
- Việt-Nam có nhiều phụ nữ oanh liệt lắm, con. Nhưng phụ nữ
gương mẫu thì...để ba nghĩ xem.
Thủy nhìn Thuận, chờ đợi. Sau một cái nhíu mày, Thuận tươi
ngay nét mặt:
- Phải rồi. Con hãy viết về “Thiếu phụ Nam-Xương”.
- Chuyện như thế nào, thưa Ba?
Thuận hắng giọng, bắt đầu kể...
Nghe xong, Thủy gật gù:
- Câu chuyện thậy hay, thật cảm động, nhưng không thực tế.
- Chi tiết nào con cho là không thực tế?
- Minh oan với chồng thì thiếu chi cách; chuyện chi phải tự
hủy mình!
- Ông bà mình có câu: “Ra đường hỏi người già; về nhà hỏi
con nít”. Vì vậy người chồng chỉ tin con. Ngày xưa, dù chỉ mới bị chồng nghi
oan thôi, người đàn bà tiết hạnh cũng cho là nhục nhã, phải trầm mình. Còn ngày
nay...
Như một thói quen, Thuận muốn nhân cơ hội này lên án Hằng;
nhưng chợt nhớ Hằng vắng nhà nên thôi. Thủy đáp tỉnh bơ:
- Con nghĩ là...stupid! Mình không làm mà chồng không tin
thì thôi. Mình có cuộc đời của mình, mình sống. Mình sống cho mình và mình sống
cho những người nào thương mình, cần mình. Tại sao phải chết vì một người đàn
ông không tin mình? Kỳ cục!
Thuận cảm thấy da mặt chàng giật giật vì tức giận:
- Cái quan niệm đó của con có phải do Mẹ truyền lại cho con
không?
- Tại sao lại có Mẹ trong câu chuyện này?
- Tại vì quan niệm của con rất phù hợp với hành động của Mẹ
ngày trước.
- Ba bị mặc cảm nặng nề nên lúc nào Ba cũng tìm cách lên án
Mẹ. Ba đối xử với Mẹ như vậy hèn chi Mẹ thường bảo, sau khi chúng con trở lại
trường, cái nhà này là địa ngục.
- Ðúng! Ðối với Ba, cái nhà này cũng là địa ngục. Còn việc
làm của Mẹ, đó là sự thật, Ba không hề lên án oan.
- Nếu cả Ba lẫn Mẹ đều không còn tình nghĩa chi với nhau nữa
thì Ba Mẹ nên giải quyết dứt khoát. Quãng đời tráng kiện của Ba Mẹ đâu còn bao
nhiêu, vì sao lại cứ phải chịu đựng và làm khổ nhau?
- Vì các con chứ vì sao.
- Chị em con đã khuyên Ba Mẹ nhiều lần rồi. Ba Mẹ không nên
vì chúng con mà phải sống trong địa ngục. Ba Mẹ nên giải quyết vấn đề của Ba Mẹ
đi.
- Không dễ như con nghĩ đâu.
Thủy bộc lộ cá tính thẳng thắn của nàng ngay:
- Hiện tại, vật chất, Ba đầy đủ; tương lai Ba không đến nỗi
tệ; chỉ có vấn đề tình cảm giữa Ba, Mẹ và bà Ngọc mà Ba còn cho là không dễ. Ba
thử nghĩ, ngày trước, Mẹ không có một đồng, trên tay ba đứa con dại mà một đứa
vừa thoát chết, và Ba đi tù không biết ngày nào ra, thì sự chọn lựa của Mẹ có dễ
hay không?
- Con thấy chị em con thiếu công bằng hay không? Tại sao
không đứa nào chịu thấy hành động thối tha của Mẹ mà cứ lo bênh Mẹ?
- Con không bênh Mẹ. Con không nói với mục đích đẩy ba về lại
với mẹ. Con chỉ nói lên sự việc ở góc cạnh mà con thấy được.
- Con thấy gì? Thằng Toàn nó cứu con sống nên con mang ơn
nó, phải không?
- Con chịu ơn ông Toàn, đúng. Nhưng không phải vì cái ơn đó
mà con có thể xem ông Toàn hơn Ba được. Mẹ và ông Toàn có những liên hệ mật thiết.
Ðó là sự thật. Nhưng nếu Ba cứ mặc cảm, cứ lăng mạ Mẹ thì sẽ không bao giờ Ba
nhận ra được những khía cạnh tốt nơi hành động của Mẹ.
Thuận bậm tay đập lên thành ghế:
- Cha đi tù, Mẹ lấy trai mà con còn bảo Mẹ có những khía cạnh
tốt. Thôi, dẹp đi, con.
- Thưa Ba, không bao giờ con muốn nói ra điều này, nhưng vì
Ba cứ mạt xát Mẹ cho nên con phải nói. Nếu Mẹ muốn ăn đời ở kiếp với ông Toàn
thì, hoặc là Mẹ rủ ông Toàn cùng vượt biên, hoặc là Mẹ ở lại Việt-Nam với ông
Toàn, vì ông Toàn có bằng cấp, có tiền. Ðằng này Mẹ trốn ông Toàn để ra đi với
chúng con. Ðã vậy Mẹ còn làm hồ sơ bảo lãnh Ba ngay sau khi biết Ba được tha về.
- Thủy! Con nên nhớ, nếu Mẹ không bảo lãnh Ba, Ba vẫn được
sang Mỹ theo diện H.O. kia mà.
- Ba không cho con nói hết. Chương trình H.O. chỉ mới có sau
này. Lúc Ba được tha chỉ có chương trình O.D.P. thôi. Con nói như vậy chỉ với mục
đích cho Ba thấy, vì hoàn cảnh Mẹ mới cam tâm phụ Ba. Và Mẹ bảo lãnh Ba sang
đây vì Mẹ còn nghĩ đến Ba, còn thương Ba. Ba thử tưởng tượng, nếu hồi đó Mẹ nhục
nhã vì những lời trách cứ nặng nề trong thư của Ba và những lời độc ác từ phía
Nội rồi Mẹ tự tủ chết – như thiếu phụ Nam-Xương – thì chị em con sẽ ra sao? Ðồng
ý rằng nếu chị em con lây lất sống được cho đến ngày Ba ra tù thì chị em con
cũng được sang Mỹ theo diện H.O. Nhưng, như Ba thấy, mấy “bác H.O.” đem vợ con
sang đây, gia đình mấy bác ra sao? Những người con của mấy bác tội nghiệp đến
dường nào! Ðằng này, Ba sang đây, cơ ngơi Mẹ đã tạo dựng, nhờ mẹ đi làm hai ba
việc, các con học hành đến nơi đến chốn. Ba thấy được sự khác biệt đó chứ?
Không phải Thuận không thấy được những điều đó; và cũng
không phải Thuận không vui sướng vì những điều đó; nhưng Thuận ước chi bên cạnh
những điều may mắn ấy, Hằng vẫn một lòng trung trinh với chàng!
Qua bao cuộc nói chuyện với các con, Thuận biết chàng không
thể nào hòa nhập theo chiều xoay của cơn lốc, đồng thời Thuận cũng hiểu rằng
Thuận không thể đi ngược lại được!
*
* *
Bên khóm thông già nơi khúc quanh của dòng Skagit
êm đềm, Thuận và Hằng yên lặng ngồi bên nhau, trên bậc cấp bằng đá, phía sau
căn nhà Hằng thuê. Hằng chăm chú nhìn chú chim mõ dài, thân nhỏ xíu như thân
chim sâu bên mình. Thấy chú chim vỗ cánh thật nhanh mà vẫn giữ nguyên vị trí lơ
lững trong không gian chứ không bay, Hằng lấy làm lạ. Nhưng khi thấy màu đỏ nơi
vùng dưới cổ của chú chim phản chiếu trong ánh nắng mai, Hằng mới nhận ra đó là
chú Hummingbird, loài chim có khả năng bay lui, bay ngửa, bay xéo hoặc chờn vờn
một chỗ mà các loài chim khác không thể làm được.
Biết Hằng đang ngắm chú Hummingbird vờn quanh đóa hoa dại
màu đỏ chứ chẳng để ý chi đến chàng, Thuận thở dài, trầm ngâm. Từ hôm qua đến
giờ, đầu óc Thuận quay cuồng với không biết bao nhiêu điều khó nghĩ.
Lúc đầu, nghe Hằng bảo nàng muốn dùng hai tuần phép để đi
chơi xa một mình, Thuận rất hài lòng; vì Thuận nghĩ Thuận sẽ được tự do vui thú
với Ngọc. Vài hôm sau Hằng điện thoại về, bảo Hằng thích ở lại Newhalem, Thuận
cứ đinh ninh rằng Hằng ghen, giận, bỏ đi xa, nay gọi về làm “nư”, dọa Thuận.
Khoảng hơn một tuần sau, Hằng lại gọi về, bảo đã tìm được việc làm và có chỗ ở
tốt, Thuận cảm thấy hụt hẩng như chàng vừa mất một cái gì! “Cái gì” đó không phải
là cái Thuận yêu thương, nay vuột mất; mà “cái gì” đó chính là đối tượng Thuận
thường đay nghiếng, đày đọa tâm hồn, nay không còn nữa. Thuận bàn với các con đến
năn nỉ Hằng về. Và Thuận tự tin rằng Hằng sẽ cảm động và vui sướng trở về, vì
được Thuận xuống nước năn nỉ. Ðến khi Hằng từ chối mà không viện dẫn lý do
chính đáng, các con không thắc mắc, vì thấy quả thật Hằng có việc làm tốt, nơi
trọ an ninh. Và điều quan trọng nhất đối với các con là các con thấy Hằng rất happy.
Thuận lại khác. Chàng đâm ra tự ái, mặc cảm. Sau nhiều lần
thuyết phục Hằng không được, hôm nay Thuận chẳng biết phải nói gì, làm gì để Hằng
đổi ý trước khi Thuận đưa các con trở về để kịp sáng mai các con trở lại trường.
Thuận hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, dáng nghĩ ngợi, đăm chiêu.
Trong khi Thuận và Hằng ngồi bên nhau như hai pho tượng thì,
nơi khúc sông cạn, Thủy và Huân – với chân trần và quần jeans xắn cao – đang bước
nhè nhẹ, tìm nhặt những viên đá cuội nhỏ xíu, hình tròn. Và bên kia bờ, trên
phiến đá phẳng, Phượng ngồi đọc sách, chân đong đưa trong dòng nước.
Lâu thật lâu, Thuận quay sang Hằng, vẫn thấy Hằng theo dõi chú
Hummingbird. Thuận gọi “Hằng!” Hằng
nhìn Thuận. Thuận tiếp:
- Anh đồng ý với em rằng khung cảnh nơi đây rất thích hợp với
những người thích thiên nhiên và ưa sự trầm tĩnh, như em. Nhưng làm thế nào
dòng sông đầy đá cuội và mấy đỉnh núi tuyết vô hồn kia lại có thể thay thế được
anh và các con, trong lòng em?
Hằng cố nén xúc động:
- Em đã giải thích tất cả với anh và các con rồi. Các con đã
chấp nhận một cách dễ dàng và bình thản, tại sao bây giờ anh lại cố tình làm
cho em áy náy?
Trong một phút bồng bột, giọng Thuận nghẹn ngào:
- Anh còn thương em, Hằng ạ! Nhưng anh không ngờ, đối với
em, anh không còn là gì cả!
Hằng không còn trầm tĩnh được nữa, vội cắn môi, cúi mặt để
khỏi bật khóc. Khuya hôm qua, trong căn nhà trọ một phòng ngủ, lúc rón rén xuống
bếp uống nước, Hằng thấy Thuận nằm đâu chân với Huân trên chiếc xa-lông hình chữ
“L”. Hằng kéo mền đắp cho Huân và Thuận. Chính lúc đó Hằng thấy thương Thuận vô
cùng, chỉ muốn ôm Thuận mà khóc, mà san sẻ niềm sợ hãi, nỗi đau thương nàng
đang âm thầm gánh chịu. Nhưng chợt nhớ đến Ngọc, lòng Hằng bỗng lạnh băng. Hằng
lủi thủi trở vào phòng nằm với hai đứa con gái. Bây giờ nghe giọng Thuận như
than van, trách móc, Hằng lại mềm lòng, muốn thố lộ, nhưng kịp suy nghĩ, Hằng
im.
Một lúc sau Thuận lại lên tiếng:
- Hằng! Em biết tính anh. Chưa bao giờ anh năn nỉ ai, vậy mà
anh đã năn nỉ em hết lời rồi. Bây giờ, em hãy trả lời dứt khoát: Em có còn tý
tình cảm nào cho anh và các con không?
Hằng cúi xuống, kín đáo chậm nước mắt. Hằng biết nếu nàng
thua cuộc bây giờ thì bao nhiêu ước muốn, bao nhiêu dự tính của nàng từ bấy lâu
nay cũng sẽ vỡ tan! Và trong tương lai gần, với căn bệnh bất trị của nàng, nàng
cũng sẽ là kẻ bại trận trong cuộc chạy đua với Ngọc để giành tình yêu của Thuận.
Thôi, chi bằng nàng can đảm thêm tý nữa để sau này khỏi phiền lụy các con và
cũng để giữ mãi trong lòng Thuận hình ảnh chưa bị tàn phá của nàng. Hằng quyết
liệt:
- Em phải sống cho em nữa, anh ạ!
Thuận hoàn toàn bất ngờ! Chỉ một thoáng thôi, Thuận đứng
lên, gằn giọng:
- Phải rồi! Qua đây học đòi theo cá nhân chủ nghĩa của Mỹ,
bà nào cũng đòi sống cho mình. Hèn chi đàn ông Việt-Nam về xứ cưới vợ rần rần!
Nói xong Thuận giận dữ bỏ đi về phía dòng sông, gọi các con
ra xe, chuẩn bị đi về.
Nhìn theo Thuận, Hằng không giận cho sự hiểu lầm của Thuận
mà Hằng lại cảm thấy tái tê trong hồn, rồi nước mắt cứ lặng lẽ rơi. Nhưng, chỉ
một chốc sau, những xúc động lắng xuống, Hằng lau nhanh nước mắt, cảm thấy nhẹ
nhõm trong lòng; bởi vì, nếu Thuận cứ tiếp tục năn nỉ, ngọt ngào, Hằng không hiểu
nàng có thể ôm kín nỗi đau được bao lâu nữa!
Xa xa, Phượng, Thủy và Huân vừa bước lui vào bờ theo tiếng gọi
của Thuận vừa nhìn lại dòng Skagit lặng lờ như
còn luyến tiếc niềm vui riêng!
Điệp Mỹ Linh
http://www.diepmylinh.com/