Chế độ này thế nào cũng sụp đổ.
Nhưng không biết nó sẽ sụp đổ theo kịch bản nào? - Nguyên
Ngọc
Tôi vốn hay lo nên cứ chần chừ mãi mà vẫn chưa lần
nào (dám) ghé thăm Hà Nội. Đường thì xa, vé tầu thì mắc, thực phẩm
thì không an toàn, và lỡ hành lý lại bị mất ráo ở phi trường (Nội
Bài) thì thấy mẹ!
Đã thế, nhà cửa Hà Nội lại còn hay bị sập. Khoảng
giờ này năm ngoái, ngày 23 tháng 9 năm 2015, báo Ngày
Nay buồn bã loan tin: “Sập nhà 107 Trần Hưng Đạo khiến hai người
chết.”
Ngày 4 tháng 8 năm nay, báo Thanh
Niên lại ái ngại cho hay: “Một ngôi nhà 4 tầng tại phố Cửa Bắc, Hà Nội...
bị sập trong đêm, đã có nạn nhân thiệt mạng... Theo báo cáo nhanh của Công an
quận Ba Đình nguyên nhân khiến ngôi nhà số 43 phố Cửa Bắc bị sập là do xây dựng
đã lâu, móng hầu như không có."
Báo cáo này lại khiến cho tôi có (thêm) một nỗi lo
lắng khác: nhà đương cuộc Hà Nội cũng có nền móng khỉ mốc gì đâu!
Bằng giờ này hơn 70 năm trước, hôm 19 tháng 8 năm 1945, những người
cộng sản đã (tay không) cướp được quyền bính ở Hà Nội.
Sau đó, cũng chỉ bằng mồm mà họ chiếm luôn thêm
được Sài Gòn rồi ngồi riết trên đâu trên cổ nhân dân – của cả hai
miền – không qua một cuộc trưng cầu dân ý hay bầu bán gì ráo trọi.
Chế độ hiện hành vừa không chính danh, vừa không chính đáng nên cũng
có nền móng gì đâu. Bởi thế, với thời gian, tiếng báo động (nghe như
tiếng cú) mỗi lúc một nhiều và càng thêm rõ:
Việt Nam không chỉ chỉ cạn kiệt về tài chính mà
còn khánh kiệt về niềm tin. Không còn ai cảm thấy an toàn ở xứ sở
này, mọi người đều chỉ nhấp nhổm muốn đi – theo lời than phiền của
nhà thơ Thái
Bá Tân:
Trẻ, đua nhau du học.
Học xong không quay về,
Bỏ lại cánh đồng cháy,
Tiêu điều những làng quê.
Quan, những người cách mạng,
Lặng lẽ tích đô-la
Để thành công dân Mỹ,
Tây Âu, Canada.
Doanh nhân, chưa bị giết
Bằng sưu thuế nhiễu nhương,
Cũng lặng lẽ chuẩn bị
Để mai mốt lên đường.
Vậy là đi, đi hết,
Những người có thể đi...
Nhà ngoại giao Nguyễn
Quang Dy coi đây như là “dấu hiệu của một cơn bão tố.” Bài
viết của ông (trên trang BBC, hôm 15/06/16) mở đầu bằng một câu danh ngôn
của thiền sư Osho: “Cuộc sống bắt đầu khi nỗi sợ kết thúc - Life begins
where fear ends.”
Đúng hai tháng sau, từ Việt Nam, blogger Paulus Lê Sơn
gửi bài tường thuật (“Giáo
Dân Vinh Biểu Dương Sức Mạnh Oai Phong Triệt Hạ Phường Tự Đắc”) đến
trang Dân Luận:
Sáng 15.8.2016, vào lúc 6 giờ 45 có khoảng 30.000 người
tham dự thánh lễ “Đức Mẹ Hồn và Xác Lên Trời,” quan thầy của giáo Phận Vinh tại
trung tâm Xã Đoài, đồng thời tuần hành với những biểu ngữ đồng hành lên tiếng
cho thảm họa môi trường Biển miền Trung.
Ảnh: Dũng
Mai
Tôi cứ ngỡ là người bạn trẻ viết lộn (chắc chỉ
chừng ba ngàn là quá xá rồi) nhưng khi nhìn thấy một biển người
tuần hành ở thành phố Vinh thì không khỏi thất kinh hồn vía; tự
dưng, lại thốt nhớ đến lời tiên đoán của nhà văn Nguyên
Ngọc: “Chế độ này thế nào cũng sụp đổ. Nhưng không biết nó sẽ sụp đổ
theo kịch bản nào?”
Nó sụp đổ theo kịch bản nào thì cũng có cả
trăm triệu người vui, và (cỡ) một triệu kẻ buồn. Riêng tôi thì chỉ
thấy lo thôi, và lo lắm!
Nó sập rồi sao nữa?
What’s next?
Cách đây chưa lâu, có bữa, tôi nghe nhà văn Phạm Thị Hoài hỏi nhỏ:
Chúng ta thử hình dung, một ngày nào đó không xa, trong
vòng một thập niên tới, Việt Nam sẽ chuyển thành công từ thể chế độc quyền dưới
sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam sang dân chủ đa nguyên, với
nhà nước pháp quyền dựa trên tam quyền phân lập, với tự do tư tưởng và ngôn luận,
tự do hội họp và xã hội dân sự.
Khi đó, cái di sản kéo dài gần ba phần tư thế kỉ ở miền Bắc
và gần một nửa thế kỉ trên toàn quốc đó sẽ đặt chế độ mới trước những thử thách
nào?
Một “chế độ mới” với “nền dân chủ đa nguyên, với nhà
nước pháp quyền dựa trên tam quyền phân lập, với tự do tư tưởng và ngôn luận, tự
do hội họp và xã hội dân sự” để có thể đối phó với những thử thách”
mai hậu – tất nhiên – không thể hình thành qua đêm, và dường như (cho
đến nay) vẫn chưa có ai chuẩn bị cho những điều “phiền phức” và “xa
xôi” đến thế.
Mà dân Việt thì lúc lại chả thế. Chả chờ cho nước
đến chân, hay tới cổ luôn. Hồi ký (Việt Nam, Một Thế Kỷ Qua)
của bác sĩ Nguyễn
Tường Bách có những dòng chữ “ngơ ngác” đọc mà muốn ứa nước
mắt:
Thời thế biến chuyển nhanh hơn là người ta tưởng.
Đầu tháng 8, 1945. Chúng tôi vẫn miệt mài làm báo. Tờ
Ngày Nay vẫn bán rất chạy, tuy những tin tức dồn dập khiến mọi người hoang
mang.
Một buổi chiều, công việc xong, tôi đương ngồi uống cà
phê, bỗng thấy Khái Hưng từ ngoài vội vã bước vào trong tòa soạn:
- Mỹ ném bom nguyên tử! - anh nói.
- Xuống đâu? - tôi vội hỏi.
- Hiroshima... mấy mươi vạn người đã ra tro...
Ngày hôm sau, 16 tháng 8, 1945. Chín giờ sáng, tôi đạp xe
từ nhà đến tòa báo. Mọi người đều có vẻ phấn khởi, đồng thời cũng tỏ ra thắc mắc
về tương lai. Pháp đã chạy, Nhật đầu hàng. Vậy thì, cục thế sẽ đi tới đâu?
Giữa lúc “mọi người hoang mang” không biết “cục thế”
sẽ “tới đâu” thì ông Hồ
Chí Minh đã có ngay một bức thư, không biết thằng chả thủ sẵn
trong túi áo (đại cán) từ đời thưở nào rồi:
“Hỡi đồng bào yêu quí! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc
ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta… Tiến
lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên.”
Cờ quạt cũng vậy, cũng đã dấu sẵn (đâu đó) cả
rồi, theo Tạp
Chí Xây Đựng Đảng:
“Sáng 19-8-1945, Thủ đô Hà Nội ngập tràn cờ đỏ sao vàng.
Từ mọi ngả đường nhân dân cuồn cuộn đổ về Quảng trường Nhà hát lớn để tham gia
cuộc mít tinh do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Cuộc mít tinh với trên mười vạn
người đã nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình vũ trang chiếm Phủ Khâm sai, Sở
Cảnh sát, Sở Bưu điện… Chỉ trong chốc lát hầu hết các công sở của chính quyền địch
đã thuộc về nhân dân. Cơn bão cách mạng thành công ở Hà Nội đã tràn khắp cả nước
thúc đẩy nhân dân đứng lên tổng khởi nghĩa. Chỉ trong vòng 15 ngày chúng ta đã
giành thắng lợi hoàn toàn.”
Người cộng sản quả là những thiên tài. Họ cũng đâu
biết “cục thế” ra sao nhưng vẫn chuẩn bị rất kỹ việc cướp chính
quyền, và đã thành công. Chỉ có điều là cướp xong được quyền bính
thì họ lại biến thành thiên tai, và đại hoạ – theo như lời phàn nàn
của nhà báo Bùi
Tín:
“Nhà nước cộng sản trong hơn 70 năm qua đã phá nhiều hơn
xây, mang lại bất công vượt xa thời Pháp thuộc, nhà tù nhiều hơn trường đại học,
y tế suy đồi, giáo dục lạc hậu, nợ quốc gia chồng chất, biên giới bị xâm phạm,
tham nhũng càng chống càng tràn lan. Có thể nói tòa nhà cộng sản đã bị dột nát,
xiêu vẹo, sâu mọt ăn từ mái đến móng nhà, các cột trụ đều mọt ruỗng ...”
Trời, nói gì nghe thấy ghê vậy cha? Ngó bộ nó muốn
sụp tới nơi... nhưng (lỡ) nó đổ thì rồi sao nữa?
Nếu ngày mai CNXH ở Venezuela đội mũ ra đi, xứ sở
này đã có sẵn phe đối lập Mesa de la
Unidad Democrática (MUD) gồm nhiều đảng phái và tổ chức xã hội dân
sự. Họ đã giành được quyền kiểm soát quốc hội, sau cuộc bầu cử vào
tháng 6 năm 2015.
Nếu ngày mốt Bắc Hàn sập tiệm thì dân Nam Hàn buộc
sẽ phải “hứng” lấy nửa phần quê hương và đồng bào (không may) của họ
thôi.
Nếu ngày kia Trung Cộng đổ thì hơn tỉ dân Trung Hoa
vẫn có thể trông cậy ít nhiều vào Trung Hoa
Dân Quốc, như khuôn mẫu có sẵn cho một nhà nước dân chủ và pháp
trị.
Thái Anh Văn, Tổng Thống Đương Nhiệm của T.H.D.Q.
Ảnh: Wikipedia
Còn lỡ ngày kìa mà Hà Nội sập thì ngay cả ông
Trời cũng chưa chắc đã biết chuyện gì rồi sẽ xẩy ra cho đất nước
Việt Nam! Dựa vào đâu, và làm cách nào để có thể chuyển sang “nền
dân chủ đa nguyên, với nhà nước pháp quyền dựa trên tam quyền phân lập, với tự
do tư tưởng và ngôn luận, tự do hội họp và xã hội dân sự”?
Tôi nhìn quanh chỉ thấy vài ba nhóm nhỏ (trong cũng
như ngoài nước) những kẻ “rất quan tâm, và rất có lòng với quê
hương dân tộc” và... chỉ có thế thôi. Xa hơn là vài ông thủ tướng
lưu vong, cùng mấy đảng phái chính trị chỉ được công luận biết đến
vì nhờ vào... tai tiếng! Tất cả đều là sản phẩm của Cộng Đồng Người
Việt Hải Ngoại, một cái cộng đồng (coi như) hết thuốc!
Không lẽ, thêm một lần nữa, vận mệnh phận đất lại
được sắp xếp bởi ở những hội nghị quốc tế (không biết rồi sẽ nhóm
họp ở phương trời nào) và số phận dân tộc này lại sẽ rơi vào một
“đám thiên tai” nào khác?
Chúng ta không có thói quen chuẩn bị cho tương lai. Lý
do, tôi trộm nghĩ, có lẽ vì người mình lỡ quen với mì (gói) ăn liền
rồi!
Tưởng Năng
Tiến