Tượng Trần Hưng Đạo tại bến Bạch Đằng, Sài Gòn trước năm
1975
(Hình Internet)
Vào thế kỷ 13, trong lịch sử Đại Việt, xảy ra một cuộc đảo
chánh êm thắm bằng cuộc chuyển nhượng quyền hành giữa hai vợ chồng trẻ, từ họ
Lý qua họ Trần. Số là vào năm 1209, triều đình nhà Lý gặp loạn Quách Bốc. Vua Lý
Cao Tông (trị vì 1176-1210) cùng thái tử Sảm đi lánh nạn. Thái Tử Sảm chạy đến
Hải Ấp, Thái Bình và nhờ một người đánh cá giàu có giúp đỡ là Trần Lý. Thái tử
Sảm cưới con gái Trần Lý, thường được gọi là Trần thị.
Trần Lý giúp Cao Tông dẹp yên Quách Bốc. Cao Tông về lại
kinh đô, phong cho gia đình Trần Lý nắm giữ nhiều quyền lực trong triều. Chẳng
bao lâu, Cao Tông từ trần, con là thái tử Sảm lên nối ngôi tức Lý Huệ Tông (trị
vì 1211-1224). Huệ Tông cùng Trần thị không có con trai, chỉ có hai người con gái
là Lý Thuận Thiên và Lý Chiêu Thánh. Năm 1224, Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con
gái thứ hai mới 7 tuổi là công chúa Lý Chiêu Thánh. Chiêu Thánh lên làm vua tức
Lý Chiêu Hoàng. Lý Huệ Tông bị bệnh cuồng, khi tỉnh khi điên, nên bỏ đi tu.
Công việc triều chính do hoàng hậu Trần thị, mẹ của Chiêu Thánh, đảm trách.
Hoàng hậu Trần thị được một người anh họ, vừa là tình nhân là Trần Thủ Độ phụ
giúp.
Anh ruột của Trần thị là Trần Thừa cai quản mọi việc trong
cung vua. Con trai lớn của Trần Thừa là Trần Liễu kết hôn với công chúa Lý Thuận
Thiên, con gái đầu của Trần thị, nghĩa là anh em cô cậu ruột lập gia đình với
nhau. Trần thị cùng Trần Thủ Độ sắp đặt để con trai thứ của Trần Thừa là Trần Cảnh,
kết hôn với vua Lý Chiêu Hoàng, em của Lý Thuận Thiên, tức hai vợ chồng trẻ nầy
cũng anh em cô cậu kết hôn với nhau, giống như trường hợp anh chị của mình. Trần
Cảnh và Lý Chiêu Hoàng cùng tuổi với nhau.
Ngày 11 tháng 12 năm ất dậu (qua năm 1226), tại điện Thiên
An, Lý Chiêu Hoàng làm lễ nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, chấm dứt nhà Lý.
Nhà Lý trị vì được hai trăm mười sáu năm, truyền chín đời vua. Trần Cảnh lên
làm vua tức Trần Thái Tông (trị vì 1226-1258), lập ra nhà Trần
(1226-1400).
1.- Thù nhà
Trần Thái Tông và Lý Chiêu Hoàng sống với nhau được 8 năm
thì sinh một trai năm 1233, đặt tên là Trịnh. Chẳng may Trịnh bị yểu tử, có thể
từ trần ngay khi mới sinh. Thêm một thời gian nữa, Thái Tông vẫn chưa có con nối
dòng. Điều nầy làm cho Trần Thủ Độ cùng vợ là cựu thái hậu Trần thị, mẹ của Lý
Chiêu Hoàng và là cô ruột của Thái Tông, lo ngại cho tương lai của nhà Trần mới
thành lập. Cả hai liền yêu cầu vua Thái Tông truất phế hoàng hậu Chiêu Hoàng
vào đầu năm 1237 (đinh dậu), và đưa Lý Thuận Thiên, vợ của Trần Liễu, đang mang
thai 3 tháng, vào cung làm vợ Thái Tông. Nói cách khác, hai người thúc đẩy Thái
Tông lấy chị dâu của mình làm vợ, và lúc đó người chị dâu lại đang có mang với
người anh ruột của nhà vua.
Trần Thái Tông còn trẻ, khoảng 20 tuổi (tuổi ta), bị chú họ
là Trần Thủ Độ và cô ruột là Trần thị áp lực, nên phải nghe theo, nhưng trong
lòng phân vân, áy náy. Ông liền bỏ kinh thành, đang đêm lên núi Yên Tử (giữa Bắc
Giang và Quảng Ninh ngày nay), nơi quốc sư Phù Vân trụ trì.
Trần Thủ Độ là người quyết đoán, đã làm việc gì thì đi tới
cùng. Được tin vua lên chùa Phù Vân, núi Yên Tử, Trần Thủ Độ tự thân hành dẫn
người lên đón vua về triều. Trần Thái Tông buồn rầu nói: "Trẫm hãy còn
thơ ấu, chưa đảm đang được việc trọng đại, vua cha [Trần Thừa] lại vội từ trần,
thành ra Trẫm mất người nương tựa, không dám để nhơ nhuốc đến xã tắc." Thủ
Độ nài nĩ mời vua trở về, nhưng Thái Tông dùng dằng không chịu. Thủ Độ liền
quay qua nói với các quan rằng: "Xa giá vua ở đâu, tức triều đình ở đấy."
Ông ra lệnh chuẩn bị xây dựng cung điện để biến Yên Tử thành kinh đô. Quốc sư
Phù Vân lo ngại, thưa với vua Thái Tông: "Bệ hạ nên sớm quay loan giá về
kinh thành, không nên để họ làm hại đến núi rừng của đệ tử nầy." Nhà
vua bất đắc dĩ phải hồi kinh. Tuy lúc đầu Trần Thái Tông tỏ ý không vui về việc
gán ghép của Thủ Độ và Trần thị, nhưng sau đó, nhà vua vẫn sống với Lý Thuận
Thiên.
Trần Liễu rất tức giận vì mất vợ, liền họp quân dưới trướng,
nổi lên chống lại triều đình. Tuy nhiên lực lượng Trần Liễu quá yếu, không làm
gì được. Ông liền thay đổi kế hoạch. Nhân khi vua Thái Tông ngự thuyền du ngoạn
trên sông, Trần Liễu dùng thuyền nhỏ, giả làm người đánh cá, đến chỗ nhà vua
xin hàng.
Anh em ôm nhau cùng khóc. Trần Thủ Độ được mật báo, liền đi
thẳng đến thuyền vua, rút gươm hô lớn: "Giết thằng giặc Liễu."
Nhà vua liền đẩy Trần Liễu trốn vào trong khoang thuyền, rồi nói với Thủ Độ: "Phụng
Càn Vương [chỉ Trần Liễu] đến xin hàng đấy." Thấy nhà vua che chở Trần
Liễu, Thủ Độ giận lắm, vất gươm xuống sông nói rằng: "Tao thật là con
chó săn, biết đâu anh em mầy hòa thuận với nhau hay trái ý nhau." Trần
Thái Tông đứng ra hòa giải hai bên, vỗ về Trần Liễu lui binh, lấy đất An Phụ,
An Dưỡng, An Sinh, và An Bang (vùng Hải Dương ngày nay) giao cho Trần Liễu làm
thực ấp, ăn bổng lộc, rồi nhân đó phong Trần Liễu tước An Sinh Vương.
An Sinh Vương Trần Liễu đành thủ phận, ôm mối hận lòng chờ đợi
thời cơ kiếm cách phục thù. Chưa thực hiện được việc nầy thì hoàng hậu Lý Thuận
Thiên từ trần năm 1248 (mậu thân), còn Trần Liễu từ trần năm 1251. Trần Liễu biểu
lộ ý chí phục thù rõ nét trong việc ông chuẩn bị tương lai cho người con thứ của
ông là Trần Quốc Tuấn (1226-1300). Khi Quốc Tuấn mới sinh ra, một thầy tướng
tiên đoán: "Người nầy ngày sau có thể giúp đời." Đến khi Quốc
Tuấn lớn lên, Trần Liễu tìm rước những người tài giỏi về dạy Quốc Tuấn. Lúc sắp
mất, Trần Liễu trối trăng với Quốc Tuấn tâm sự của mình và kết luận:
"Con mà không vì cha lấy được thiên hạ [đất nước], thì cha chết dưới suối
vàng cũng không nhắm mắt được." Trần Quốc Tuấn ghi nhận di huấn của
cha, nhưng không có phản ứng cụ thể.
2.- Nợ nước
Khi Trần Quốc Tuấn lớn lên là lúc nước nhà bị người Mông Cổ
đe dọa. Quân Mông Cổ tấn công nước ta ba lần:
Lần thứ nhứt: Năm đinh tỵ (1257), quân Mông Cổ
tấn công Đại Việt do tướng Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangqadai) chỉ huy. Quân
Mông Cổ từ hướng Vân Nam tiến vào Đại Việt theo đường sông Thao, xuống Hưng
Hóa, đe dọa Thăng Long. Vua Trần Thái Tông sai cháu là Trần Quốc Tuấn lãnh đạo
nhóm tiền quân ra kháng cự. Trần Quốc Tuấn là con Trần Liễu, và là cháu gọi vua
Thái Tông là chú ruột.
Trần Quốc Tuấn quân ít, phải lui về Sơn Tây. Vua Thái Tông tự
cầm quân đánh trận, cũng thua phải bỏ Thăng Long về Hưng Yên. Thái Tông lo ngại,
nhưng thái sư Trần Thủ Độ cương quyết thưa với vua: "Đầu thần chưa rơi
xuống đất, xin Bệ hạ đừng lo!" Quân Mông Cổ không hạp thủy thổ, lâu
ngày tỏ dấu hiệu mỏi mệt. Thái Tông liền phản công. Quân Mông Cổ thất bại, phải
rút lui.
Trong thời gian nầy, người Mông Cổ xâm chiếm Trung Hoa. Năm
1264, Hốt Tất Liệt (Qubilai) tức Nguyên Thế Tổ (trị vì 1260-1294), đổi quốc hiệu
là Nguyên, dời đô đến Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) năm 1264. Nhà Tống tiếp tục
chống cự đến năm 1279 thì nhà Tống mất hẳn.
Dầu đã chiếm toàn cõi Trung Hoa,vua Nguyên vẫn tiếp tục tham
vọng đánh chiếm Đại Việt... Về phía Đại Việt, vua Trần Thái Tông lên làm thái
thuợng hoàng năm 1258, nhường ngôi cho con là Trần Thánh Tông (trị vị
1258-1278). Khi thượng hoàng Thái Tông từ trần, vua Thánh Tông thế chỗ thượng
hoàng và nhường ngôi vua cho con là Trần Nhân Tông (trị vì 1279-1293).
Để bảo vệ quyền lợi dòng họ, nhà Trần cho phép bà con anh em
trong hoàng tộc thành hôn với nhau. Vợ vua Trần Thánh Tông, hoàng hậu Thiên Cảm,
là con gái của Trần Liễu và là em của Trần Quốc Tuấn, tức Thiên Cảm là chị con
bác ruột nhà vua,. Việc Thánh Tông phong Thiên Cảm làm hoàng hậu ngay khi vừa
lên ngôi năm mậu ngọ (1258) có thể để hòa giải với gia đình Trần Liễu. Nói cách
khác, Trần Nhân Tông gọi Trần Quốc Tuấn vừa là bác họ, vừa là cậu ruột. Hơn thế
nữa, khi vừa lên ngôi vua năm 1279, Trần Nhân Tông liền sách lập con gái lớn của
Trần Quốc Tuấn làm hoàng hậu tức Khâm Từ hoàng hậu, nghĩa là Trần Quốc Tuấn còn
là nhạc gia của vua Trần Nhân Tông.
Lần thứ hai: Tình hình giao thiệp giữa Đại Việt
và Trung Hoa càng ngày càng căng thẳng vì nhà Nguyên hạch sách khó khăn. Nhà Trần
chịu triều cống, nhưng vẫn cương quyết bảo vệ nền độc lập nước nhà. Năm 1282
(nhâm ngọ), Hốt Tất Liệt sai Toa Đô (Sogatu) cầm quân đi đường biển xuống đánh
Chiêm Thành, và dòm ngó Đại Việt.
Vua Trần Nhân Tông liền họp các vương hầu và tướng lãnh ở
Bình Than (Chí Linh, Hải Dương) để tìm kế chống Nguyên. Cuối năm sau (1283), Trần
Nhân Tông bổ nhiệm Trần Quốc Tuấn làm quốc công, tiết chế thống lĩnh chư quân.
Năm 1284 (giáp thân), Hốt Tất Liệt sai một cánh quân khác do thái tử là Trấn
Nam Vương Thoát Hoan (Togan) tiến xuống bằng đường bộ, nhắm trực chỉ Đại Việt.
Trong khi đó, Toa Đô ở phía nam (Chiêm Thành) đánh bọc lên. Đây là lần thứ hai
quân Nguyên sang xâm lăng nước ta (1284-1285). Được tin nầy, nhà vua ra lệnh Trần
Quốc Tuấn tổ chức cuộc duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu (bến Đông Tân sông Hồng
ngày nay), chuẩn bị chống xâm lăng.
Lúc đó, chẳng những nắm binh quyền, Trần Quốc Tuấn còn ảnh
hưởng rất lớn về chính trị, vì ngoài thế lực bản thân của ông, ông còn là anh của
hoàng thái hậu và là cha của hoàng hậu đương triều. Đây chính là cơ hội thuận
tiện để Trần Quốc Tuấn thực hành di mệnh của phụ thân. Di mệnh nầy là mối hận
thù và hoài bảo lớn lao suốt đời Trần Liễu ấp ủ. Trần Quốc Tuấn đã hành xử như
thế nào trong hoàn cảnh nầy?
Chính sử kể lại rằng khi quân Nguyên sang xâm lăng, Trần Quốc
Tuấn lúc đó đã nắm hết binh quyền trong tay, đem di mệnh của phụ thân hỏi hai
người gia nô thân tín và trung thành là Yết Kiêu và Dã Tượng. Hai người can
ngăn: "Nếu thi hành kế ấy, dầu có giàu sang được một lúc, mà tiếng xấu
để mãi đến ngàn đời. Đại Vương bây giờ chả phải đã giàu sang rồi ư? Chúng tôi
tình nguyện chết già làm người nô bộc, mà được như người mổ dê tên Duyệt ở thời
Xuân Thu ngày trước, chứ không muốn làm sự bất trung bất hiếu để cầu may."
Quốc Tuấn nghe những lời nầy, cảm động ứa nước mắt.
Một lần khác, Trần Quốc Tuấn dò ý con là Hưng Vũ Vương Trần
Quốc Nghiện: "Cổ nhân giàu có cả thiên hạ [ý nói làm vua], để truyền
cho con cháu về sau, việc ấy con nghĩ thế nào?" Quốc Nghiện thưa rằng:
"Việc ấy đối với người khác họ cũng không nên làm, huống chi là cùng một
họ." Trần Quốc Tuấn rất bằng lòng, lại cũng dùng câu trên để hỏi người
con thứ là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Quốc Tảng hăng hái: "Tống
Thái Tổ là một người làm ruộng, chỉ nhờ gặp thời vận mà lấy được thiên hạ."
Trần Quốc Tuấn giận quá, kể tội Quốc Tảng: "Những người bầy tôi phản loạn
chính là do những đứa con bất hiếu mà ra." Ông rút gươm định giết Quốc
Tảng, may nhờ Quốc Nghiện can thiệp, xin tha tội.
Những giai thoại trên đây do chính sử của các triều đại kể lại.
Chính sử thường vinh danh những hành động và ngôn ngữ trung quân, vì ông vua
nào, triều đại nào, cũng đều quý trọng và khuyến khích những kẻ trung thành với
chính thể quân chủ. Do đó, cũng có thể chính sử đã thậm khen Trần Quốc Tuấn
trong việc hành xử trong gia đình của ông.
Tháng 12 năm giáp thân (qua năm 1285), thái tử nhà Nguyên là
Thoát Hoan dẫn quân qua ải Chi Lăng (Lạng Sơn), nhắm Thăng Long trực chỉ. Trần
Quốc Tuấn lui về Vạn Kiếp (vùng sông Lục Nam gặp sông Thương). Vua Trần Nhân
Tông được tin nầy, dùng thuyền nhỏ qua Hải Đông (Hải Dương), cho người vời Trần
Quốc Tuấn đến bảo: "Thế giặc mạnh như vậy, ta hãy chịu hàng để cứu muôn
dân." Trần Quốc Tuấn khẳng khái trả lời: "Nếu bệ hạ muốn hàng,
xin hãy chém đầu thần trước rồi hãy hàng."
Quân Nguyên tiến chiếm Thăng Long. Trần Quốc Tuấn rước vua
và thượng hoàng chạy vào Thanh Hoa (sau nầy đổi thành Thanh Hóa). Khi đi theo
phò tá vua, Trần Quốc Tuấn thường cầm cây trượng bằng gỗ, đầu trượng có cắm mũi
sắt nhọn, nên nhiều người liếc mắt trông chừng Trần Quốc Tuấn. Người ta nghi ngờ
ông có thể sát hại vua. Ông hiểu ý, bỏ mũi sắt nhọn, chỉ cầm cái trượng gỗ để mọi
người yên tâm.
Cuối cùng, sau các chiến thắng lẫy lừng của quân dân nhà Trần
ở Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết (cả ba đều trên song Hồng, phía nam Thăng
Long), Vạn Kiếp (giao lưu sông Lục Nam và sông Thương) vào giữa năm 1285, Thoát
Hoan trốn trong ống đồng, đặt lên xe cho quân sĩ đẩy về Trung Hoa. Vua Trần
Nhân Tông cùng thượng hoàng Thánh Tông trở về Thăng Long. Nước ta được thái
bình trở lại, nhưng chỉ một thời gian sau, quân Nguyên lại xâm lăng lần thứ ba.
Lần thứ ba: Quyết tâm trả thù, cuối năm 1287,
quân Nguyên tràn vào nước ta vừa bằng đường bộ, vừa bằng đường biển. Trên bộ,
quân Nguyên chia làm hai cánh, Thoát Hoan tiến qua ải Nam Quan, còn Áo Lỗ
(Aruq) từ Vân Nam theo đường sông Hồng tiến xuống. Trên biển, bằng đường sông Bạch
Đằng, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đi trước và Trương Văn Hổ tải lương theo sau
Thoát Hoan chiếm Vạn Kiếp, tấn công Thăng Long. Vua Nhân
Tông và thượng hoàng Thánh Tông chạy vào nam. Quân Nguyên đóng ở Thăng Long lâu
ngày thiếu lương thực. Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi trở ra biển đón đoàn thuyền
lương của Trương Văn Hổ. Khi qua cửa Vân Đồn, Ô Mã Nhi thắng quân của Trần
Khánh Dư. Sau khi gặp Trương Văn Hổ, cả hai đi vào. Trần Khánh Dư để cho Ô Mã
Nhi di qua, và chận đánh tan tành đoàn thuyền tải lương của Hổ.
Lâu ngày hết lương, Thoát Hoan phải lui binh. Ông Mã Nhi dẫn
thủy quân trở ra biển, bị chận đánh ở sông Bạch Đằng. Còn Thoát Hoan theo đường
bộ trở về Tàu, bị phục binh chận đánh ở Lạng Sơn. Quân Nguyên thua to, Thoát
Hoan một lần nữa trốn về Trung Hoa. Đất nước chúng ta lại thanh bình nhờ quân
dân hết lòng đoản kết chiến đấu chống ngoại xâm dưới sự lãnh đạo của các vua đầu
đời nhà Trần, với sự giúp đỡ đắc lực của danh tướng Trần Hưng Đạo.
3.- Thượng phụ của vua Trần
Sau khi công cuộc kháng Nguyên thành công, triều đình xét định
công trạng. Năm 1289 vua Trần Nhân Tông (trị vì 1279-1293) gia phong Trần Quốc
Tuấn làm Đại Vương. Cuối cùng, khi hết làm quan dưới triều Trần Anh Tông (trị
vì 1293-1314), Trần Quốc Tuấn lui về trí sĩ ở Vạn Kiếp.
Tại Vạn Kiếp, sau cuộc kháng Nguyên, vua Trần Nhân Tông ra lệnh
xây dựng sinh từ cho Trần Quốc Tuấn, tức đền thờ ông khi ông còn sống. Khi soạn
bài văn bia đặt tại sinh từ của Trần Quốc Tuấn, thượng hoàng Trần Thánh Tông
(cha của Nhân Tông) đã kính cẩn gọi Trần Quốc Tuấn là "Thượng phụ".
Trong lịch sử Việt Nam, Trần Quốc Tuấn là người duy nhứt được vua của ông tôn
vinh là "Thượng phụ". (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, bản
dịch Nxb. Khoa Học Xã Hội, tập II, Hà Nội: 1998, tr. 80.)
Trần Quốc Tuấn rất quý trọng nhân tài. Ông đã tiến cử nhiều
người tài ba để phụng sự đất nước như Phạm Ngũ Lão, Trần Trì Kiến, Trương Hán
Siêu, Yết Kiêu, Dã Tượng... Bên cạnh khả năng dụng nhân trong nghệ thuật chỉ
huy, Trần Quốc Tuấn rất có biệt tài về dụng binh, tự mình soạn bộ Binh gia
diệu lý yếu lược (bốn quyển nói về lý thuyết mầu nhiệm và phương lược cốt yếu
của nhà binh) để dạy tướng sĩ, và viết bài "Hịch tướng sĩ văn",
lời văn rất hùng tráng để kích thích lòng quân. Ngoài ra, Trần Quốc Tuấn còn soạn
bộ binh thư Vạn Kiếp tông bí truyền nay đã bị thất lạc. Ông là một nhà
tướng văn võ toàn tài.
Chính nhờ vừa có tài dụng binh, vừa có tài dùng người, vừa sống
hài hòa với cấp dưới, vừa trung thành với vua, với nước, Trần Quốc Tuấn đã giúp
nhà Trần chiến đấu kháng Nguyên thành công rực rỡ. Lúc đầu, trong triều đình
nhà Trần có nhiều nghi kỵ đối với Trần Quốc Tuấn vì vấn đề Trần Liễu, nhưng dần
dần cung cách xử sự của ông đã thuyết phục được mọi người.
Trần Quốc Tuấn đã tách bạch giữa những người lãnh đạo quốc
gia và lý tưởng cao cả của kẻ sĩ là phục vụ đại cuộc quốc gia. Những người lãnh
đạo có thể sai lầm, nhưng kẻ sĩ không thể vì thế mà bỏ đi lý tưởng của riêng
mình. Vào thời đại Trần Quốc Tuấn, lý tưởng đó là lòng trung quân ái quốc,
khuông phò xã tắc chống ngoại xâm. Lòng ông thẳng thắn, không gợn một chút manh
tâm phản trắc, ông chỉ một mực trung thành với vua với nước. Ông dứt khoát bỏ
qua thù riêng, tránh hẳn sự cám dỗ của quyền lực.
Trần Quốc Tuấn xử sự quang minh chính đại đối với các vua
nhà Trần tuy là bà con nhưng cũng là cựu thù của cha ông, và xử sự ngay thẳng với
tất cả mọi người. Điều nầy là một tấm gương sáng về tình gia đình, về tinh thần
đoàn kết quốc gia, khiến cho sĩ chúng thời Trần trên dưới một lòng, cùng nhau
sát cánh tạo sức mạnh tổng lực chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập quốc
gia. Vì lẽ đó, mà ngay khi Trần Quốc Tuấn còn sống, ông đã được vua Trần gọi là
thượng phụ, kính trọng như cha. Khi Trần Quốc Tuấn từ trần tại Vạn Kiếp ngày
20-8 năm canh tý (1300), ông được vua Trần Anh Tông tặng tước Thái sư Thượng phụ
Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Riêng việc phong tước "Hưng Đạo
Đại vương", tức vị đại vương đã chấn hưng đạo làm người, cho thấy nhà vua
và triều đình lúc bấy giờ nêu cao tinh tuý ý nghĩa công nghiệp của Trần Quốc Tuấn,
một tướng lãnh đức độ, tài ba, văn võ song toàn.
4.- Kế sách chống quân xâm lược Trung Hoa
Dưới chế độ quân chủ, những tước vương, công, hầu, bá, tử,
nam không phải là tên. Người Việt thường gọi Trần Quốc Tuấn là Trần Hưng Đạo,
Hưng Đạo Vương hay Hưng Đạo Đại Vương, nhưng hầu như người ta không biết cụ thể
khi nào Trần Quốc Tuấn được phong tước “vương”? Ngay cả sử sách cũng không viết
điều nầy, mà luôn quen gọi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hay Trần Hưng Đạo mà
thôi.
Theo hai bộ cổ sử là Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô
Sĩ Liên và Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán nhà
Nguyễn, thì vào năm 1257, lần đầu tiên, quân Mông Cổ đe dọa nước ta ở biên giới
phía bắc. Vua Trần Thái Tông “hạ mệnh lệnh cho Quốc Tuấn đem quân trấn ngự
biên thùy phía bắc.” Trong câu văn nầy của sử xưa, rõ ràng chữ “Quốc Tuấn”
trống không, không có tước hiệu.
Năm 1283, có tin từ biên giới quân Nguyên đang tiến sang nước
ta, vua Trần Nhân Tông “hạ lệnh cho Quốc Tuấn làm Quốc công, tiết chế thống
lĩnh các sắc quân…” Như thế, năm 1283 Trần Quốc Tuấn mới được phong tước
“công”, mà chưa được phong tước “vương”. Tước “công” đứng đầu trong ngũ đẳng là
“công, hầu, bá, tử, nam”.Vì sách xưa, quá tôn sùng Trần Quốc Tuấn, khi nào cũng
viết “Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn”, nên không biết ông được phong tước vương
khi nào, nhưng chắc chắn sau tước “công”, tức sau năm 1283, thì ông được phong
“Hưng Đạo Vương” vì tước “vương” trên tước “công” một bậc.
Chẳng những là một tướng lãnh có tài dụng binh và dùng người,
Trần Hưng Đạo còn là nhà chính trị có tầm nhìn chiến lược rất sâu sắc. Khi Trần
Hưng Đạo sắp từ trần, vua Trần Anh Tông đến thăm và hỏi Trần Hưng Đạo: "Thượng
phụ một mai khuất núi, phỏng có quân bắc lại sang thì làm thế nào?"
Trần Hưng Đạo trả lời: "Đại để, kẻ kia cậy có tràng
[trường] trận, mà ta thì cậy có đoản binh; lấy đoản chống nhau với tràng, phép
dùng binh thường vẫn phải thế. Còn như khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm, như
gió, như lửa, thế ấy lại dễ chống. Nếu nó dùng cách dần dà, như tằm ăn lá,
thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị, thì
ta nên kén dùng người giỏi, liệu xem quyền biến, ví như đánh cờ, phải tuỳ cơ mà
ứng biến, dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được.
Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc,
đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả." (Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm
định Việt sử thông giám cương mục, Hà Nội: Nxb. Giáo Dục, 1998, bản dịch tập
1, tt. 558-559.)
Kế sách của Trân Hưng Đạo rất rõ ràng, cụ thể. Nếu quân
Trung Hoa ỷ mạnh, kéo quân tấn công ào ạt, thì người Việt dùng đoản binh đẩy
lui dần dần. Trái lại nếu quân Trung Hoa xâm nhập từ từ, theo thế tầm ăn dâu,
thì nước ta phải làm thế nào tạo sự đoàn kết toàn dân như cha con một nhà thì mới
chống trả được giặc. Đọc đến đây, có lẽ ai cũng nghĩ đến tình hình Việt Nam hiện
nay.
Hiện nay, Việt Nam đang bị Trung Cộng đe dọa trầm trọng. Ở
bên ngoài Việt Nam, Trung Cộng đang mở một gọng kềm rộng lớn kẹp Việt Nam vào
giữa. Trung Cộng dàn quân áp lực dọc biên giới phía bắc, giữa hai nước Hoa Việt.
Ở phía tay trái (từ nam nhìn về bắc), tức phía tây Việt Nam, Trung Cộng viện trợ,
giúp đỡ Lào và Cao Miên. Với sự giúp đỡ của Trung Cộng, hai nước nầy sẵn sàng
gây hấn, quấy rối vùng biên giới phía tây Việt Nam. Ở phía tay mặt (từ nam nhìn
về bắc), tức phía đông Việt Nam, Trung Cộng hiện đang thao túng biển Đông, thiết
lập căn cứ quân sự trên Hoàng Sa và Trường Sa cướp được của Việt Nam, đe dọa hải
phận Việt Nam. Như thế Trung Cộng bao vây cả ba mặt bắc, tây và đông, như hai
cánh tay giương ra, bao vây và ôm trọn Việt Nam vào giữa.
Ở bên trong Việt Nam, Trung Cộng thâm nhập dần dần bằng nhiều
cách, từ văn hóa, chính trị, khoa học, đến kinh tế, tài chánh, đầu tư... Trung
Cộng đưa ra những đòn phép rất tiểu xảo, từ thuê rừng, khai thác bauxite, thuê
biển, phá hoại môi trường. phá hoại kinh tế, lủng đoạn hệ thống đảng cộng sản…
Tuy nhiên, khác với nhà Trần vào thế kỷ 13, trước đại họa
Trung Cộng hiện nay, đảng cộng sản Việt Nam (CSVN) một mặt qụy lụy Trung Cộng để
tồn tại, tiếp tục nắm giữ quyền lực, một mặt đàn áp dân chúng, không “khoan
sức cho dân” tý nào, không vỗ về giúp đỡ dân, không tạo điều kiện cho dân
phát triển sinh sống, bóp nghẹt tự do tôn giáo, tự do chính trị, và cộng sản lại
áp đặt kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tàn hại sức dân, quá tham
nhũng, ra sức bóc lột, cướp đất, cướp nhà của dân, đàn áp tàn nhẫn những người
oan ức đi khiếu nại và kiện tụng (khiếu kiện). Những người yêu nước phản đối một
cách bất bạo động ý đồ xâm lăng của Trung Cộng, thì bị nhà nước CSVN tấn công,
đánh đập, bắt giam, tù đày…
Kết luận
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là một tướng lãnh tài ba,
và là một nhà chính trị khôn ngoan, đức độ, dùng nhân nghĩa để hòa giải gia
đình, đoàn kết quân đội và quần chúng, tạo sức mạnh tổng lực dân tộc, ba lần đẩy
lui quân Nguyên, là một đạo quân hùng mạnh vào bậc nhất thế giới lúc bấy giờ.
Kinh nghiệm chiến thắng ngoại xâm đã được Trần Hưng Đạo tóm
lược trong lời dặn dò vua Trần Anh Tông năm 1300, có thể được xem là chúc thư
chính trị của danh tướng Trần Hưng Đạo, để lại cho tất cả những nhà cầm quyền hậu
thế trong công cuộc bảo vệ đất nước.
Đảng CSVN hiện nay không theo chúc thư nầy, mà làm ngược lại,
ký kết hiệp ước nhượng bộ Trung Cộng để nhờ Trung Cộng bảo vệ quyền lực, và đảng
CSVN luôn tìm cách vơ vét của dân, rồi cách tẩu tán ra nước ngoài. Như thế hiểm
họa bắc thuộc một lần nữa đang chờ đợi dân tộc Việt Nam.
Vậy chỉ còn con đường duy nhứt là phải tranh đấu giải thể chế
độ cộng sản Việt Nam hiện nay, mới có thể thực hiện chúc thư chính trị của danh
tướng Trần Hưng Đạo, nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi cảnh bắc thuộc lần nữa.
06.09.2016
Trần Gia Phụng