Lịch sử sẽ lên án chúng mày, cả một chế độ thối nát, từ trên xuống dưới!
(Trần Thị Thảo)
Phần lớn những vị lãnh đạo của ĐCSVN đều rất quan tâm đến việc
trồng trọt và chăn nuôi. Trồng cây gì hay nuôi con gì là hai câu hỏi
đầu môi của họ.
Tôi nhớ, vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi tổng bí thư (TBT) Lê
Duẩn vô thăm tỉnh Tiền Giang. Ban thường vụ tỉnh ủy lúc đó đứng đầu là bí thư
tỉnh ủy Chín Hải (tức Lê Văn Phẩm), và chủ tịch tỉnh Sáu Bình (Nguyễn Công
Bình) dẫn TBT Lê Duẩn vô thăm vùng Đồng Tháp Mười thuộc địa phận Tiền Giang
(90.000 ha). Đứng trước cánh đồng bao la bát ngát của vùng Đồng Tháp Mười, TBT
Lê Duẩn chỉ tay về cánh đồng trước mặt, hỏi:
– Trồng những cây gì thế kia?
Bí thư tỉnh ủy Chín Hải lễ phép trả lời:
– Thưa tổng bí thư, đó là rừng tràm ạ. Bỗng mọi người sửng sốt khi nghe
TBT quát:
Trước cơn giận dữ của TBT vì sao tỉnh lại không trồng lúa ở Đồng Tháp Mười
mà lại trồng tràm… thì mọi người chỉ còn biết chết lặng mà thôi. Ai dám cãi
lại? Ai dám cả gan giải thích cho đồng chí TBT rằng, đất Đồng Tháp Mười là đất
phèn nặng, chỉ trồng tràm là hợp nhất mà thôi. Từ lúc TBT quát tháo như thế,
không khí của đoàn trầm lặng. Hầu như không ai nói gì cả. (Lê Phú Khải. Lời Ai Điếu, Westminster, CA: Người Việt,
2016).
Đồng chí TBT đã “quát” như thế thì mọi người đều im thin thít là
phải. Im lặng là vàng. Loại vàng này được xử dụng ở mọi
cấp, và mọi nơi, từ Nam chí Bắc:
Một chiều, Duẩn phàn nàn rằng ông đã bảo Thành uỷ Hà Nội làm bàn ghế,
giường tủ bán chịu cho công nhân viên, trừ lương hàng tháng hay trả dần nhưng
họ không nghe. Duẩn nói: Tôi hỏi thì nói không có tiền. Kìa, không có thì in
ra! In ra! Không sợ lạm phát! Tư bản đế quốc in tiền mới lạm phát chứ ta,
chuyên chính vô sản thì sao lại là lạm phát mà sợ? (Trần Đĩnh. Đèn Cù, Westminster, CA: Người Việt, 2014).
Thảo nào mà báo Tuổi Trẻ không tiếc lời ca ngợi rằng “anh Ba là ngọn
đèn sáng hai trăm nến … là biểu tượng sáng ngời của sự lãnh đạo tài tình
của Đảng.” Quyền lực cùng hào quang của ông Lê Duẩn không chỉ làm cho
đất nước “sáng ngời” mà còn là niềm ước ao, và khát khao của rất
nhiều đồng chí khác.
Ai vào Đảng mà không mong (thầm) có ngày được trở thành TBT? Chức
vụ cao cả này, tiếc thay, chỉ do một người nắm giữ; do đó, mỗi
nhiệm kỳ, trong số vài triệu đảng viên mới có một người được may
mắn ở vào vị trí này. Ông Nguyễn Phú Trọng hiện là kẻ … đang may.
Chỉ có điều không may là hào quang quyền lực của chức vụ TBT,
hiện nay, không còn được “rực rỡ” như xưa nữa. Miệng người sang đã
hết gang/hết thép, đã đành; chính bản thân “người” vẫn thường bị
chúng chửi như tát nước:
Từ ông thôn ông ấy bảo thằng xã nó ăn được thì tại sao tao không ăn được
? Thằng xã bảo thằng huyện nó ăn được thì tại sao tao không ăn được ? Thằng
huyện bảo thằng tỉnh nó ăn được thì tại sao tao không ăn được ? Thằng tỉnh bảo
Bộ chính trị nó còn ăn, thằng Tổng bí thư nó còn ăn tại sao tao không ăn… cái
đó nó trở thành một nỗi nhục nhã, đó là một sự thật nhưng mà khinh bỉ tham
nhũng không thì đấy là đánh chuột nhưng đánh vuốt đuôi và là lời nói mị dân.
Ủa, ai mà bảnh dữ vậy cà? Dám gọi đồng chí TBT là “thằng” tỉnh
queo vậy sao?
G.S. Tương Lai chớ ai!
Chuyện đâu đuôi như vầy: Ngày 17 tháng 9 năm 2016 vừa rồi, biên tập
viên Mặc Lâm – RFA – có bài viết liên quan đến lời phát biểu
(“Phải xây dựng văn hoá khinh bỉ”) của ông Đinh Thế Huynh, Ủy Viên Bộ
Chính Trị, Thường Trực Ban Bí Thư Trung Ương Đảng Cộng Sản, nguyên Trưởng Ban
Tuyên Giáo Trung Ương, nguyên Chủ Tịch Hội Nhà Báo Việt Nam.
Theo nhận xét của Mặc Lâm thì đây “là câu nói đang nhận được rất nhiều
cười cợt từ người dân trên trang mạng xã hội lẫn bên ngoài đời sống.” Để rộng
đường dư luận, họ Mặc còn “có cuộc trao đổi ngắn với G. S. Tương Lai –
nguyên Viện Trưởng Viện Xã Hội Học Việt Nam, kiêm nhiệm Tổng Biên Tập Tạp Chí
Xã Hội Học – về lời phát biểu thượng dẫn.
Xin nghe thêm vài câu hỏi/đáp nữa giữa hai nhân vật này:
Mặc Lâm: “Người dân thì rõ ràng là nạn nhân tuy có ý kiến nói là không đưa
thì làm sao có tham nhũng. Thế nhưng nhìn vào những sự việc xảy ra hàng ngày
ngay trước mắt mọi người trên đường phố thì hình như đâu đâu cũng thể hiện sự
khinh bỉ đến tận cùng ý thức của dân chúng. Chẳng hạn như cảnh sát giao thông
thổi phạt thì người dân chỉ biết móc tiền ra là xong mặc dù họ không vi phạm
điều gì. Bài học khinh bỉ chắc đâu cần phải học cho thành cái văn hóa mà ông
Đinh Thế Huynh phát động phải không thưa Giáo sư ?”
Giáo sư Tương Lai: “Tôi cho đó là câu nói ngu xuẩn, bởi vì sao? Thực ra việc
gì mà phải kêu gọi nền văn hóa khinh bỉ. Bản thân người ta đã khinh bỉ lắm rồi.
Cái người phải móc tiền ra khi đi trên đường để dúi cho công an thì người ta đã
coi cái đối tượng mà mình ném đồng tiền vào mặt hắn hay dúi vào tay hắn với một
thái độ cung kính hay sợ sệt chăng nữa nhưng thằng nhận cũng như người ném ra
đều biết rằng ‘khinh nhau như mẻ”.
Úy trời, đất, qủi, thần ơi! Cái ông giáo sư này gan còn hơn Nhựt
Bổn nữa à nha. Hết kêu đồng chí TBT bằng “thằng,” rồi lại mắng ông
Ủy Viên Bộ Chính Trị (Thường Trực Ban Bí Thư Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam,
nguyên Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương) là … “ngu xuẩn” nữa.
Nhớ cái đận mà Tố Hữu làm Trưởng Ban Tuyên Huấn Trung Ương coi.
“Bọn Nhân Văn” có ai dám mắng ông ta (ngu) đâu mà cả đám đều bị hành
cho tới bến.
Thưở đó đúng là thời hoàng kim của Đảng. Thời này, tiếc thay, nay
không còn nữa. Giờ thì chả còn “triều đình áo mão” gì ráo. Lỡ mà
G.S. Tương Lai có gọi bác Hồ bằng “thằng” thì chắc cũng huề luôn, xá
chi mấy chú (lắt nhắt) cỡ như Đinh Thế Huynh hay Nguyễn Phú Trọng!
Mà chả cần tới bằng cấp tiến sĩ hay tước vị giáo sư/viện trưởng
mới dậy dỗ được chúng nó đâu, thường dân Trần Thị Thảo vẫn có thể lớn tiếng thoá mạ “từ
sáng cho tới trưa luôn” mới thôi:
“Tiên sư cha chúng mày chứ! Về già rồi thì ở nhà với con với cháu, tìm những
việc làm chính đáng, để phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc, đây chỉ toàn đi bám
theo cái lũ bán nước! … Tiên sư cha chúng mày! Ngày hôm nay tao không đi ra
được Bờ Hồ biểu tình chống TQ xâm lược, tao chửi chúng mày từ giờ đến trưa
luôn!
Là người dân VN phải hiểu và phải biết nhục chứ! Cam tâm làm nô lệ cho
Tàu mà không biết nhục? Cả thế giới người ta lên án, cả Tòa án Trọng tài Quốc
tế người ta lên án… mà đến bây giờ chỉ có một lũ tay sai VN đi bênh cho Tàu.
Không biết nhục! Tiên sư cha chúng này! Bà không sợ đâu.
Lịch sử sẽ lên án chúng mày, cả một chế độ thối nát, từ trên xuống
dưới!”
Trần Thị Thảo mắng không sót một thằng: từ thằng công an đứng
đường kiếm thêm chút cháo đến thằng TBT ngồi nhận quà cáp thay cho
tiền hối lộ. Ngày hôm sau, sau hôm chửi (như hát) bà chia sẻ “một
chút tâm sự” như sau:
“Như thường lệ, sáng nào tôi cũng ghé qua hàng thịt ở chợ Bách Khoa để mua
thức ăn. Đến trước tôi có một cô gái trẻ, cô đang chờ anh hàng thịt tính tiền.
Thấy tôi đến, anh hàng thịt cười rất tươi và đon đả:
– Bà mua thịt gà hay thịt lợn ạ ? …và thế là anh ta bỏ mặc cô khách
hàng trẻ đứng chờ .
Thấy vậy , tôi nói ngay:
– Bà đến sau, cháu cứ cân và tính tiền cho cô gái này đi, bà chờ cũng
được.
Nghe tiếng tôi nói, cô vợ anh hàng thịt từ quầy bên vội chạy sang cân hàng
cho tôi. Vừa làm cô vừa nói :
– Bà ơi, bà chửi hay quá (có lẽ cô tránh nói từ cộng sản), hôm
nay thịt gà ngon bà ăn nhiều vào cho ngọt giọng rồi chửi tiếp nha…
Mặc dù là một chuyện rất nhỏ, nhưng đã làm tôi vui suốt từ sáng cho đến tận
bây giờ các bạn ạ.”
Thái độ của vợ chồng cái anh hàng thịt này lại khiến tôi nhớ
đến sự bất nhẫn của G.S Tương Lai: “Thực ra việc gì mà phải kêu gọi nền văn hóa
khinh bỉ. Bản thân người ta đã khinh bỉ lắm rồi.”
Tưởng Năng Tiến