4.
Cái công cuộc phá đình và ăn ở theo
nếp sống mới, cho dù đã thành công nhưng cũng chỉ là việc nhỏ. Cái lo lớn nhât
là thằng Pháp kia. Nó đã chiếm Hà Nội khiến cụ Hồ phải chạy lên núi. Nó cũng đã
chiếm lại kinh thành Huế để đưa Bảo Đại về. Rối nó sẽ chiếm Qui Nhơn tất nhiên
là chiếm luôn thành Bình Định. Chừng đó nó ở trong bắn ra, tàu bay trên trời
bắn xuống thì làm sao mà đánh. Vậy là phải phá thành. Cả tỉnh cùng phá chứ
không riêng gì làng An Định. Cái việc đại sự này thì đố ai mà dám ca cẩm.
Mặc dù trước đây khi đi theo đoàn
hát, ông Khứ bị kép chính Tư Kỉnh cười nhạo hát như bò rống, sai bảo như đứa ở,
nhưng nay với chức chủ tịch Ủy ban, kép Tư Kỉnh đành phải nghe lời ông một
phép. Kể ra còn có chút tình nghĩa nên ông đã phong cho Tư Kỉnh cái chức Đại
đội trưởng dân quân to kềnh. Với nột cái xanh tuya rông bằng da bò và một cái
bao súng lục nhưng chưa có súng, kép Tư Kỉnh còn có vẻ oách hơn cả Lã Bố hí
Điêu Thuyền.
Nhận được lệnh hoả tốc đưa dân quân
đi phá thành, ông Khứ lệnh lại cho Tư Kỉnh lập tức động binh. Thế là tất cả
trai tráng trong làng, trong đó có các anh bạn tôi vừa nghỉ học cưới vợ và các
chị chưa chồng được lệnh tâp trung trước sân đình. Chế độ phong kiến không còn
nên trai gái được dịp gần nhau nói cười ầm ĩ. Ông Khứ chia làm hai, một nửa
theo Tư Kỉnh đi phá thành, một nửa cùng ông ở lại giữ làng. Đoàn người lên
đường trong tiếng hô đả đảo thực dân Pháp và trong nỗi lo mất chồng của các bà
vợ trẻ.
Nửa quân số còn lại với dây dừa, gậy
tre và dao găm, ông Khứ liền bắt tay vào việc tuần hành làm như thế quân Pháp
đang chực sẵn bên kia sông. Cả bọn vác gậy lên vai, chân dẫm lạch bạch miệng
hômột hai, một hai hùng dũng đi khắp làng, làm cho lũ chó khiếp sợ cúp đuôi
trốn biệt.
Đoàn người phá thành lên đường chưa
được năm hôm đã nghe có người bị thành sập đè chết. Đó là cậu Phú, con trai của
ông bà phó lý chưa kịp đi hỏi vợ đã bị dập nát như một con thằn lằn bị ép vào
kẹt cửa. Khi thấy xác con, bà đã ngã ra bất tỉnh.
Đám tang thời Cách mạng nên không có
cờ đuôi nheo, không trống kèn, chỉ có đám dân quân cầm gậy đi theo sau như lính
lệ ngày xưa áp tải những hòm đựng tiền. Bà phó lý không khóc nhưng giữa đêm
khuya bà gào lên ai oán khiến cả làng đau xé ruột.
Những ngày sau nhiều người bỏ về. Cả
làng chìm trong hoang mang lo sợ. Người ta xì xào với nhau rằng vì cái tội phá
đình nên các thần sẽ vật chết hết người này đến người khác. Ai cũng sợ sắp đến
lượt mình. Để giữ vững tinh thần ông Khứ quyết định tổ chức một buổi lễ truy
điệu. Bốn tấm phên bằng tre quét vôi trắng được dựng lên ở gò đình. Mặt trước
vẽ ngôi sao và bốn chữ Tổ Quốc Ghi Công bằng gạch nghiền nát trộn với hồ. Một
vòng hoa kết bằng lá dừa, bông trang đỏ và bông điệp vàng tượng trưng màu cờ tổ
quốc được hai nữ dân quân danh dự khiêng đặt dưới chân tháp.
Khi tất cả đều im lặng một cách
thành kính, kép Tư Kỉnh dõng dạc hô: Phút mặc niệm bắt đầu! Ai cũng cúi đầu
xuống nhưng vẫn lén dòm xem trong cái tháp bằng tre kia có con đom đóm nào bay
tới không. Nếu có tức là hồn của cậu Phú từ dưới chân thành Bình Định đã theo
về. Nhưng chỉ có gió hun hút thổi làm cho mấy cây đuốc cháy bùng lên như reo
mừng rồi tắt ngúm. Trong không khí mơ hồ nửa ma nửa quỷ ấy, ông Khứ thét lên
như có ai thọc dao vào họng.
– Đả đảo thực dân Pháp !
Lập tức bao nhiêu người cùng nhảy
dựng lên: Đả đảo! Đả đảo!
Tiếp theo, vẫn tiếng của ông nhưng
nhẹ nhàng hơn.
– Noi gương anh Trần văn Phú !
Nhưng vì không tâp trước nên có
người hô “noi gương” có người lúng túng hô “văn Phú ” và lũ trẻ con tưởng như
đùa cùng hùa theo hú hú …
Thế là buổi lễ chấm dứt trong tiếng
cười ồn ào và cái chết thê thảm của con trai bà phó lý chỉ còn có mỗi mình bà
là đau buồn cho đến suốt dời.
Từ đó ai có chết thì cũng mặc. Hơi
đâu mà làm lễ cho cả trăm cả ngàn. Vả lại, phải là người như thế nào mới được
truy điệu chứ. Con trai bà phó lý tức là con của đám chức dịch địa chủ phong
kiến sao lại đem ra cho cả làng noi gương? Để bắt chước cái thói bóc lột của nó
à? Ông Khứ sau đó bị đem lột da phê bình, bị phê phán là thiếu quan điểm lập
trường, chưa phân biệt đâu là bạn đâu là thù, chưa biết mình đứng ở chỗ nào của
nhân dân…Lẽ ra ông đã bị đá văng ra khỏi Uỷ ban, nhưng ông đã từng có công treo
cờ và vận chuyển truyền đơn, từng đi theo ông Chánh nhạc tức đi theo Cách mạng
nên ông vẫn được tiếp tục công việc. Vả lại trong làng chẳng có ai hăng say với
Cách mạng như ông, chẳng ai dám phá đình, phá thành và còn biết bao nhiêu việc
khác nữa phải cần đến ông.
Nhưng đó là, như ông phó Ba nói, cái
tội ấy chỉ xì ra sau này chứ lúc đó bất cứ việc gì ông Khứ làm cũng đều được
khen là tốt là đúng, là người có nhiều sáng kiến…như cái việc dùng cọc tre thọc
đít Pháp thì đến đời con đời cháu cũng khôhg thể nào quên. Ông nói, thằng Pháp
từ trên cao nhảy dù xuống, mình ở dưới đất dùng cây nhọn thọc lên, không thủng
bụng cũng lủng đít. Mà nếu có tránh được thì với cái dù to như cái nhà dây nhợ
lòng thòng, mình tới bắt thì chạy đâu cho thoát.
Vậy là trong làng có bao nhiêu bụi
tre cứ việc chặt sát gốc. Mỗi cây chẻ làm tư vót nhọn, cứ cách vài mét lại cắm
một cọc. Thế là chỉ trong một vài hôm, suốt cả ruộng đồng bờ bãi, hàng vạn cái
cọc tre trắng muốt chỉa thẳng lên trời, như có cả ngàn con nhím đang xù lông
chờ giặc. Cọc cắm cả trên mồ mả, trong sân nhà, trên đường làng. Đi đâu cũng
đụng phải cọc!
Lần này thì dường như cả tỉnh kéo
tới học tập. Và để chứng tỏ sự hiệu nghiệm của những cây cọc, ông Khứ liền tổ
chức biểu diễn cảnh bắt giặc. Trước đó ông bảo Tư Kỉnh sai dân quân cột cả chục
dây dừa trên cây xoài, lấy những chiếc mùng của ông tổng Bá làm dù, cho người
đeo râu bắp giả làm Tây. Khi cảnh nhảy dù diễn ra, cả bọn liền đeo dây nhảy
xuống. Đại đội trưởng Kỉnh hô xung phong, đám dân làng gồm ông già bà lão cả
trẻ con, cùng nhào tới trói nghiến trong tiếng trống thúc và tiếng reo hò!
Cái sáng kiến của ông vì vậy được
nhiều làng xã bắt chước. Cả một cánh đồng An Định, Kim Lăng, Kim Ngãi chạy
thẳng đến tháp Bánh Ít, không chỗ nào là không có cọc. Đi giữa đồng như lạc vào
một khu rừng lau đang trỗ bông. Ông Khứ nhìn cánh đồng cọc thích chí cười lớn:
Có giỏi thì nhảy xuống đi! Có mà lủng đít! Chưa bao giờ ông thấy thắng lợi như
lúc này. Ông dường như mê cuồng những cây cọc. Suốt ngày ông đi tới đi lui,
dựng dậy những cây xiên xẹo, vuốt ve nựng nịu còn hơn cả vợ con. Và ông thực sự
phẩn nộ đau xót khi thấy có cây bị nhổ trộm. Ông tưởng chừng kẻ địch đang nắm
tóc trên đầu ông mà nhổ. Nhưng tóc ông dẫu có nhổ sạch cũng chẳng chết nào, chỉ
lo là cái cánh đồng cọc kia không còn nữa thì thử hỏi ông còn gì!
Tin chắc là có kẻ địch đang âm thầm
phá hoại, ông lẩn lút suốt đêm đi rình. Ông thề sẽ bắt cho bằng được cái quân
phản động, cái bọn Việt gian như rắn rít đang luồn lách trong làng. Nhưng rất
tiếc lời thề ấy không trọn vì một con rắn gian ác tiếp tay cho giặc đã cắn vào
chân ông. Trong khi nọc độc làm cho cái chân sưng phù lên đau nhức không chịu
nổi, ông vẫn không quên ra lệnh cho Tư Kỉnh bảo dân phải nhốt trâu bò và ra sức
canh phòng cẩn mật. Nhưng các anh chị dân quân đâu có nghĩ xa như ông. Tối đến
bọn họ đi một vòng cho có lệ rồi kéo nhau ra ngồi trên cầu hát hò tán tỉnh, mặc
cho ai muốn lấy trộm cứ lấy. Ở cái xứ toàn là ruộng đồng, củi còn quý hơn cả
cơm ăn nước uống nên chẳng dại gì mà người ta không lấy để đun. Bọn trẻ con lại
lấy cắp làm kiếm đánh nhau, trâu bò cạ lưng cho đã ngứa… Đến khi ông đi lại
được thì cả cánh đồng cọc bị lấy cắp gần hết. Xui hơn nữa, mùa lụt lại đến sớm
hơn mọi năm, mà lụt rất to vì từ hạ lưu đến thượng nguồn, bao nhiêu tre ven
sông đèu bị đốn ngã nên mênh mông nước lũ cứ tràn về. Cây sống mà chưa đứng nổi
huống hồ là cây chết! Sau trận lụt ông chẳng còn lòng dạ nào mà nghĩ tới chuyện
thọc đít thằng Pháp nữa. Các làng xã khác cũng vậy. Cũng may là thằng Pháp nó
không nhảy dù.
Bọn phản động lại được dịp mỉa mai
chế nhạo. Chúng nó bảo cả cái làng An Định rộng mênh mông chứ đâu phải cái
giường của vợ mà dễ dàng thọc đít đứa nào dám mò vào. Ông khó chịu xấu hổ như
một con gà cồ đã bị vặt trụi lông, có muốn cất tiếng gáy cũng không gáy nổi.
Đang lúc mất dần uy quyền thì cái
lệnh hoả tốc từ trên đưa xuống làm cho ông trở nên mạnh mẽ khác thường. Giết
chó! Giết chó! Quả là cái lệnh nghe mới sướng tai làm sao! Bỡi vì thằng Pháp nó
đánh ta đủ vành đủ kiểu. Ta chận ngõ này nó vào ngõ khác. Không thể đan lưới mà
che cả bầu trời, không thể dùng cọc mà cắm hết cả núi rừng. Lại càng không thể
dùng gậy mà đập nát xe tăng, không thể dùng dây dừa mà trói trong khi chúng có
súng ngắn súng dài. Trên bảo phải lui về phòng ngự, lấy ít đánh nhiều lấy yếu
đánh mạnh. Phải đánh du kích, phải núp trong hầm, phải trốn trong bụi, phải
rình rập từng ngày từng đêm chờ nó sơ hở đánh úp. Vậy mà có đứa cứ nghếch mũi
đi tìm, đông một tí là sủa um lên. Đó là lũ chó không khác gì bọn Việt gian
phản động. Phải giết sạch chúng đi mới mong thắng được giặc.
Ông Khứ lại hăm hở và yêu Cách mạng
hơn, nhưng lần này ông cố nén không để cho cái sự hăng say trào ra miệng thành
tiếng thét gào như trước nữa. Sau khi nhận lệnh ông chỉ bàn với Tư Kỉnh và một
số dân quân tín cẩn. Đây là một chiến dịch lớn nên cần phải tuyệt đối giữ bí
mật.
Tờ mờ sáng hôm sau, cả bọn trang bị
gậy tre và thòng lọng lặng lẽ tiến vào những nhà nuôi chó. Lũ chó tuy bất ngờ
nhưng vẫn biết đón chào bọn họ theo cách chó tức là cùng hếch mỏ lên mà sủa.
Chỉ cần một con lên tiếng là cả lũ hùa theo. Vì vậy không cần điểm danh cũng
thấy đủ mặt cả vàng, vện, mực, đốm, non già, đực cái, tất cả cùng gâu gâu nhặng
cả lên. Bọn chó ngu dại cứ tưởng là đạo tặc, không ngờ trước mặt chúng là những
kẻ không biết sợ bất cứ kẻ thù nào huống hồ là chó.
Có lẽ linh cảm được cái chết sắp ụp
xuống, lũ chó rít lên những tiếng hoảng hốt rồi vùng chạy tán loạn khi nghe một
tiếng “ẳng” của con chó đực bị thòng lọng siết cổ. Rồi tiếp theo là những tiếng
tru thảm thiết, tiếng ư ử cầu cứu chủ, tiếng ằng ặc khi bị trấn nước, tiếng trẻ
con khóc vì bị mất chó, tiếng đàn bà chửi, cả tiếng van xin năn nỉ gần như lạy
lục.
Nhà ông Hương mục có một con chó mẹ
với bốn con chó con. Bà hương lấy vải bọc bốn con chó nhỏ mới sinh chưa mở mắt
ôm ghì trước ngực. Con chó cái ngày thường nổi tiếng rất dữ, nhưng lúc này chỉ
biết quẩn dưới chân bà, mắt không rời cái bọc đang ngọ ngoạy. Nhưng chỉ loáng
một cái là thòng lọng đã vòng qua cổ nó. Ông Khứ liền giật mạnh lôi đi làm cho
mấy cái vú tia sữa lên nền nhà. Bà hương nói như khóc: thôi tha cho mây con chó
con, nó còn nhỏ quá mà! Một gã nhanh như cắt đưa tay tóm cái bọc miệng cười
nham nhở: Sao lại tha? Của đại bổ đó bà ơi! Rồi gã vác lên vai bước đi nghễu
nghện.
Con chó cái nhà ông Hương bộ thì rất
ư là dũng cảm. Nó không cần chui vào gầm giường mà cứ đứng nghểnh mỏ nhe răng
ra chờ đợi. Chiếc thòng lọng chưa kịp quăng ra nó đã lao tới đớp một phát vào
đùi thằng thủ ngữ Đực. Mặc cho hàng chục cây gậy đập vào đầu vào lưng, nó vẫn
ngoạm chặt chịu đánh cho đến chết chứ không nhả ra. Phải cắt đầu nó đưa thằng
trộm chó tới nhà thương mới lấy ra được cả hàm răng cắm sâu vào đùi. Cũng may
là nó không bị dại, nếu không thì thằng khốn đó cũng tru lên rồi chết như chó
chết.
Ông Hương kiểm thì cầm sẵn cây rựa
bén ngót trên tay, đòi chém tuốt những ai dám động đến chó nhà ông. Ngày thường
ông lặng lẽ ít nói nhưng lúc này ông gào lên: Ai cho phép giết chó? Ai? Thử
đụng vào đây coi nào! Ông vung cái rựa múa một đường như Trương Phi diệu võ
giương oai với hai con mắt trợn ngược như muốn lồi ra. Rồi ông ngồi xuống ôm
lấy con chó yêu có bộ lông óng mượt, bốn chân cao, bụng thon và cái ngực nở.
Đúng là một con chó nòi rất quý, nó thường theo ông đi săn chồn và lần nào cũng
mang về ít ra là một con chồn đèn. Ông cứ ôm mãi con chó như thế như cha ôm
con, không một anh dân quân nào dám đến gần kể cả ông Khứ. Mãi cho đến tối, may
có ông Chánh nhạc từ Bồng Sơn vừa về năn nỉ dỗ dành, ông mới chịu để cho đem
đi. Nhưng ông nói, đem đâu xa chứ đừng có giết nó trước mặt tôi! Rồi ông vào
nhà nằm vật lên giường mà khóc.
Chưa bao giờ cả làng no say đến thế.
Những con chó dù còi cọc ghẻ lở lông rụng từng mảng trông gờm ghiếc nhưng khi
đem thui vẫn căng phồng tươm mỡ vàng hực. Thôi thì người ta bày ra đủ món! Nào
nướng, nào dồi, nào rựa mận… nhanh nhất là luộc xắt phay, chấm nước mắm. Nhiều
anh chơi nguyên một cái đầu ngồi gặm thoã thích, răng chó và răng anh ta va vào
nhau kêu lộp cộp.
Chiến dịch đại sát cẩu ấy thành công
hơn cả việc chui vào mùng ăn cơm hay lấy cọc đâm thủng đít thằng Pháp. Không
chỉ riêng làng An Định mà diễn ra khắp nơi. An Đông, Yên Thới, Châu Liêm cũng
ra quân cùng một ngày. Bao nhiêu con chó đều kéo ra sông trấn nước, rồi cạo
lông mổ ruột, nên suốt cả tháng mặt sông váng mỡ nổi lều bều tanh đến lợm
giọng. Cô Sáu tôi phải vào tận đình để lấy nước ăn uống và tắm giặt.
Thế là xong đời lũ chó. Ông Khứ mặc
sức đi ngang về tắt. Cái thói ưa rình mò của ông không còn bị lũ chó phá bỉnh
nữa. Nhưng hãy còn một con, ông Khứ ạ!
Đó là con Mực của cậu Phú, một con
chó ít ra cũng làm vẻ vang cho nòi giống chó vì lòng trung thành. Gần như không
lúc nào nó chịu rời xa cậu chủ. Ngay khi cậu theo đoàn quân đi phá thành nó
cũng bỏ nhà chạy theo. Suốt ngày nó lẩn quẩn bên cậu. Khi thấy một tảng đá lớn
lao xuống, nó liền phóng mình tới cứu cậu nhưng không kịp. Nó cuống quít cào
đất kéo cậu ra, rồi chính nó chạy về nhà tru lên như khóc báo cho bà phó lý
biết con bà đã chết. Khi cậu nằm yên trong lòng đất nó ở luôn bên mộ, bà phó lý
phải đem cơm lên cho nó ăn.
Khi lũ chó ở xóm Miễu bị giết bà Phó
lý đến nhờ cô Sáu tôi tìm cách đưa nó về. Cô tôi chất rơm vào thúng giả cách
như đi mót, dụ mãi nó mới chịu nằm trong thúng. Cô tôi phủ rơm lên mình nó đợi đến
tối mới dám đưa về. Bà Phó lý dấu nó trong buồng riêng, âm thầm nuôi nó như
trước đây người ta nuôi những người trong hội kín. Con Mực tinh khôn như hiểu
được cái vận hạn đen tối của giống nòi nên ngoan ngoản nằm im. Chỉ đến khuya nó
mới theo bà phó ra sau vườn làm cái việc đái ỉa.
Nhưng một đêm, nó bỗng chạy thẳng
lên mộ chủ tru lên từng hồi ai oán. Nghe tiếng tru, thằng thủ ngữ Đực biết ngay
là con chó của bà Phó lý. Mặc dù hãy còn đi cà nhắc nhưng nó vẫn tìm ông Khứ.
Hai thầy trò xách cuốc lên ngay mộ. Chỉ một đai cuốc là con chó cuối cùng của
làng An Định gục xuống. Bà Phó lý đau xót như vừa mất thêm một đứa con. Bà phải
đổi một cây cau đẹp nhất trong vườn cho ông Khứ làm trụ cờ ở uỷ ban, mới xin
lại được cái đầu của nó để đem chôn cạnh mộ con trai.
Giờ thì ai cũng phải tin là tuyệt
hẳn nòi giống chó. Cô Sáu tôi bảo, may mà mày không phải sinh ra vào lúc này,
chó đâu còn nữa mà cho mày bú. Xóm làng từ nay không còn tiếng chó sủa trở nên
lạnh lẽo. Chỉ còn lũ mèo, một đôi lúc gào lên não nùng, càng làm cho đêm tối
trở nên ma quái rờn rợn như thể là làng đang có dịch.
5.
Sau những bữa thịt chó no say đám
dân quân bước vào những ngày học quân sự mới lạ. Họ tập chạy, tập nhảy, tâp bò
rắn mối, tập ném lựu đạn và đánh xáp lá cà.
Một ông từng đi lính Tây được mời ra
chỉ dạy những bài tập cơ bản. Ông tên Hồng, run bắn lên khi ông Khứ cho người
gọi lên Uỷ ban. Vợ con ông đều khóc tưởng ông sắp phải đi tù vì đã từng đi lính
cho Pháp. Nhưng ông Khứ cười bảo chẳng tù tội gì đâu, Cách mạng chỉ nhờ ông
giúp cho một tay. Cả đám dân quân nào đã ai biết tập tành là gì. Chỉ có mỗi một
việc đứng nghiêm mà cũng không biết đứng ra làm sao. Không khéo Tây nó cười
cho! Ông Hồng mừng như được sống lại. Không ngại nắng mưa, ông dạy cho đám dân
quân biết sắp hàng, biết nghiêm nghỉ, biết đằng trước bước đằng sau quay. Cực
nhất là tập bò rắn mối. Nhiều anh cứ ngóc đầu hoặc chổng mông lên. Ông cầm một
cái roi quất nhẹ lên mông bảo với họ là đạn nó không nương nhẹ như thế này đâu.
Ít lâu sau huyện đội cử xuống hai
người. Họ bảo mỗi anh phải đẽo một cây súng gỗ và lấy đất sét nắn thành lựu
đạn. Họ chỉ cách cầm súng, cách ngắm đầu ruồi. Khi trúng đích họ hô bắn thì cứ
việc kêu một tiếng đoàng. Ném lựu đạn thì khó hơn vì phải dùng răng cắn chốt,
phải giữ kíp cho thật chặt và khi ném xong phải nhớ nằm xuống sát đất và cũng
kêu một tiếng đùng.
Bắn mãi bằng mồm cũng chán nên ai
cũng mong đợi cái ngày tập đánh xáp lá cà. Nhưng đâu phải đánh lung tung như
đánh lộn hay đánh ghen. Phải tập tành bài bản. Và người đứng ra tập các thế võ
tự vệ lại là một người đàn bà. Có chuyện lạ như thế vì bà ta có võ con nhà nòi.
Bà là vợ ông biện Ngũ, không đẹp
cũng không xấu, một người đàn bà lam lũ như bao nhiêu người đàn bà khác trong
làng. Nếu cái buổi chiều hôm ấy ông biện Ngũ không ỷ mình là chồng, không hạnh
họẹ chuyện cơm nước, không lên giọng mắng chửi và nhất là không bưng cả cái mâm
cơm đập lên đầu bà thì đố ai biết được bà giỏi võ. Lúc thấy người chồng hùng hổ
bưng cái mâm lên, bà chỉ nghiêng người một chút là tránh được. Một tay bà đỡ
cái mâm, một tay nắm áo xách anh chồng lên như xách tai một con mèo và không
một chút thương tiếc, bà ném ông ta đang trợn mắt vì kinh ngạc rơi tòm xuống
cái giếng gần đó. Bà mẹ chồng một mặt réo ba hồn chín vía anh con trai, một mặt
kêu trời để làng nước tới cứu. Từ đó chẳng còn ai nghe tiếng quát tháo ở nhà
ông biện Ngũ nữa.
Ông phó Ba đã diễn đi diễn lại cái
trò ấy đến cả chục lần bằng cách méo miệng trợn mắt, bằng tiếng kêu eo éo như
nhái trong miệng rắn và lần nào cũng làm cho mọi người cười đến nỗi không sao
đứng lên được.
Bấy giờ người ta mới biết được bà là
dân An Vinh, đúng như câu Trai An Thái, gái An Vinh cực kỳ giỏi võ. Người ta
bảo ở làng ấy, những người con gái trước khi đi lấy chồng đều được cha hay anh
bí mật dạy cho những ngón gia truyền. Chỉ một vài chiêu đơn giản thôi nhưng có
thể tránh được cơn hung bạo của chồng, có khi là mẹ chồng và cả đám em chồng
nữa.
Lúc đầu bà nhất định không chịu. Bà
bảo một vài miếng để phòng thân là bí mật của dòng họ không được phép dạy cho
ai kể cả chồng con. Nhưng ông Khứ bảo dạy cho Cách mạng mà, dạy họ đánh Pháp
giành độc lập chứ có đánh giết ai đâu. Rồi cô Thảnh thay mặt Hội Phụ Nữ đứng ra
mời, chồng con hảnh diện nói vào, sau cùng bà bằng lòng nhưng nói trước: Học võ
là phải nghiêm, ai đùa giỡn là bị phạt đó. Cả đám dân quân vui vẻ hô”nghiêm“và
bà bắt đầu dạy họ cách đứng tấn, cách né đòn và phản đòn. Bà dạy họ đến cả
tháng. Có lẽ không ở đâu dân quân được học võ một cách bài bản và nghiêm túc
như ở làng An Định.
Đến lúc khoá huấn luyện bế mạc, ông
Khứ và đại đội trưởng Kỉnh tổ chức một buổi diễn tập. Laị có những anh to lớn
giả làm Tây đen mình bôi đầy lọ nghẹ, những anh du kích mặt trét bùn, mình cắm
đầy lá nguỵ trang. Lại có cả nữ cứu thương và ngộ nhất là có hai con trâu đực
thật to giả làm xe tăng, trên lưng có hai đứa đứng cầm ống tre giả làm đại bác.
Đám giặc từ ngã ba Trung Lương vượt
sông tiến vào làng An Định (coi như từ biển đổ bộ lên). Lũ Tây đen xí xô xí xà,
chúng nó lia súng máy tạch tạch bằng cách gõ mõ tre. Hai cái xe tăng đủng đỉnh
mồm không ngớt nhai rơm phèo bọt trắng. Đám du kích vượt qua lằn đạn bằng cách
bò rắn mối. Có tiếng ông Khứ quát: Hạ thấp xuống đi, đạn nó bắn lủng đít bây
giờ! Nhiều tiếng cười nổi lên. Ông Khứ lại bảo: Sao không xung phong? còn chờ
gì nữa!
Thế là hàng trăm tiếng hô xung
phong! Xung phong! Du kích lao lên với súng gỗ miệng hét đùng đùng. Lựu đạn
bằng đất ném tới tấp. Lũ Tây đen cũng không vừa, chúng lao tới và hai bên liền
thực tập bài đánh xáp lá cà. Bao nhiêu miếng võ gia truyền của bà biện Ngũ đều
được đem ra sử dụng. Họ đánh nhau cứ như thật, hăng máu đến nỗi ông Khứ mấy lần
phất cờ bảo thôi nhưng chẳng bên nào chịu dừng. Cả hai con trâu giả làm xe tăng
cũng bất ngờ quay ra húc nhau, hất văng hai đứa cầm ống tre xuống đất, thiếu
chút nữa là bị nó đạp cho lòi ruột. Đến lúc này mọi người bỏ chạy tán loạn. Hai
con trâu mắt đỏ ngầu, miệng sùi bọt cứ đứng ghim sừng vào nhau. Chủ trâu là phó
tuần Nghinh đến trước mặt ông Khứ gào lên: Đánh giặc kiểu gì mà ngu dữ vậy? nó
mà chết là tui bắt đền. Ông Khứ ê mặt chẳng biết nói sao. Bỗng dưng một con
chịu thua bỏ chạy. Con kia nghểnh cổ lên đắc thắng. Buổi diễn tập chấm dứt bằng
cách cả ta và địch cùng chạy ùa xuống sông tắm.
Buổi chiều hôm ấy trên cái tháp
thông tin dựng bằng bốn cây cau, ông Tư Alô lại chõ miệng vào cái loa thiếc gào
lên cho cả làng cùng biết: buổi diễn tập thành công! Hoan hô các chiến sĩ dân
quân anh dũng làng An Định !
Như thế đấy, công cuộc chuẫn bị
kháng chiến chống Pháp đã sẵn sàng, nhưng thằng Pháp vẫn chưa tới hay nói một
cách tự hào là nó không dám tới. Nó chỉ thập thò ở đèo Eo Gió hay biển Đề Gi mà
ở đó bộ đội ta với dúng thật và đạn thật đang chờ sẵn.
Nói tới bộ đội là ai cũng nghĩ họ
dũng cảm mưu trí. Các cô gái thì tin chắc họ đẹp trai học giỏi, vì nghe đâu lúc
toàn quốc kháng chiến nổ ra họ liền bỏ học kéo nhau đi cả lớp. Chắc chắn là họ
dễ thương hơn các anh dân quân vừa học xong lớp bình dân học vụ chỉ được cái
tài trét bùn lên nón trắng hay vạch tóc ra để xem cái kẹp có bọc chỉ hay không
(để tránh máy bay). Vì vậy khi phát động phong trào hũ gạo nuôi quân là ai cũng
rộn ràng hăng hái. Cô Thảnh nói, nào có khó khăn gì đâu mà cũng chẳng tốn kém
gì mấy! Mỗi bữa chỉ bớt đi một nắm gạo cho vào hũ, tức là ăn đói một chút để bộ
đội được no hơn. Có ăn no mới đánh được giặc chứ! Nghe xót xa dễ thương quá! Cứ
như mẹ nhường cơm cho con, chị nhường cơm cho em.
Những ngày đầu nhà nào cũng đều góp
đầy góp đủ. Các bà trong hội Phụ nữ trong đó có cô Sáu tôi, lần nào đi thu gạo
chỉ mới bước chân vào ngõ đã thấy cả nhà rối rít đem hũ gạo ra khoe. Ai cũng
muốn gửi một chút tình cho bộ đội. Nhưng lâu ngày người ta cảm thấy phiền phức
nhàm chán. Có người bỏ đại vài nắm vào hũ cho lấy có. Có người thảy gạo vào
thúng như bố thí cho ăn xin ăn mày. Có người rỉa rói: thu gì mà thu lắm thế? Có
thấy bộ đội nào ăn đâu, các người ăn thì có! Có người than: nhà tui ăn toàn
rau, có hột gạo nào đâu mà nộp! Cái gánh gạo nuôi quân mọi hôm oằn cả vai cô
Sáu tôi, giờ nhẹ tênh như giấy.
Cứ tình hình này thì mất điểm thi
đua nên người ta qui định mỗi tuần vào chiều thứ năm phải ăn cháo thay cơm. Số
gạo thừa dùng để nuôi quân. Dĩ nhiên những ngày đầu mọi người thấy rất hay, cái
sáng kiến này tiện lợi vô cùng. Thay một bữa cơm bằng một bữa cháo được quá đi
chứ, vừa nhẹ bụng vừa đỡ phải lắc nhắc hôm nào cũng phải nhớ mà bỏ. Nhưng những
ngày sau đó thì thực vô cùng khó chịu, lúc nào cũng nghe cồn cào trong bụng như
có kiến bò. Nhất là những khi làm việc nặng. Đi cấy đi cày mà không có hột cơm
trong bụng thì không cách gì cày cấy được. Thế là cháo nấu thì cứ nấu, cơm ăn
vẫn cứ ăn, gạo nộp vẫn cứ nộp. Hoá ra chẳng tiết kiệm được tí nào. Chiều thứ
năm nhà nào cũng bày ra mâm bát với một nồi cháo loãng, chờ đội kiểm tra đi
khỏi là cơm canh như thường lệ. Cô Thảnh cay lắm, nhất định phải bắt cho được
một người để trị tội làm gương.
Nhờ lũ chó bị giết sạch nên cô có
thể sộc vào bất cứ nhà ai. Nhưng không còn chó thì người ta thay bằng một đứa
bé ngồi canh cửa. Khi thấy ông Khứ hay cô Thảnh là chúng nó kêu lên: bà ơi! mẹ
ơi! thế là nồi cơm lập tức được đem đi dấu biến. Chỉ tội cho bà hương bộ, nhà
không có cháu nhỏ mắt lại kém, nên khi cô Thảnh vào tận nhà bà mới hay. Lúc ấy
nồi cơm chưa kịp chín, bà vội ôm vào lòng dù bỏng rát. Bà giật đại một cái mền
trùm lên. Khi cô Thảnh hỏi làm sao mà trùm mền, bà giả bộ rét run nói: tôi bị
sốt rét cô à! Cô Thảnh ngồi xuống bên cạnh cũng giã bộ tử tế dịu dàng nói: tôi
đưa bà đi nằm nghe. Sốt rét mà ngồi gần lửa thì đau đầu lắm đấy! Được thôi mà,
bà hương bộ nói như khóc. Bỗng cô Thảnh cười nhẹ rồi giật tung cái mền lên.
– À, sốt rét của bà đây hả ? Thôi
mời bà đi theo tôi.
Bà hương bộ phải bưng cái nồi cơm
chưa chín khốn khổ trước ngực đi khắp làng để mọi người đổ ra xem. Cô còn xúi
tụi trẻ con chạy theo lêu lêu, có đứa còn hô đả đảo! Sau này, trước khi chết bà
trăn trối với con cháu, đó là cái nhục lớn nhất trong đời!
Từ đó mọi người đều răm rắp ăn cháo
chiều thứ năm. Rồi sau đó, ăn cháo luôn cả tuần, chẳng phải để góp nhiều gạo mà
vì không đủ gạo để nấu cơm. Năm đó không biết lũ chuột từ đâu kéo tới cắn nát
cả cánh đồng rồi tràn vào mọi nhà. Chuột nhiều đến nỗi chúng cắn đuôi nhau leo
tận lên ngọn cau, làm tổ trong từng bụi chuối. Dĩ nhiên đội kiểm tra không còn
việc gì để làm và những hũ gạo nuôi quân bị bỏ nằm chỏng chơ trong góc nhà.
Đói gần như cả làng!
Hồi đó, nhờ làm cấp dưỡng, cô tôi có
nuôi một con heo nhỏ như con chuột. Ít lâu sau đội dân quân nghỉ ăn tập, cô tôi
xin nước cơm trộn tí cám cho nó ăn. Sau không ai cho nữa vì chẳng ai còn gạo để
vo, cô tôi phải cho nó ăn lá cây. Hết lá tảo nhơn đến lá dâm bụt, lá mì lá
khoai. Sau cùng không kiếm đủ lá đành làm thịt. Cả xương lẫn da không được năm
ký. Ông phó Ba cười, ai đời thịt heo mà phải mua mỡ về xào! Đó là con heo duy
nhất mà cô cháu tôi ăn hết trong đời vì không dám cho ai. Thịt của nó nghe toàn
mùi lá. Thịt của chúng tôi chắc cũng chẳng hơn gì!
Khổ nhất là những lúc bụng đói mà
phải nghe mùi thịt dê nướng của nhà ông Chánh nhạc. Mỗi khi ông từ tỉnh về thế
nào cũng có một con dê bị giết thịt để đãi bạn bè. Nó được hai anh trai cày lên
núi bắt về. Suốt đêm nó kêu be be thê thiết như mẹ gọi con, con gọi mẹ. Sáng ra
hai anh dùng roi mây mà quất cho đến khi mồ hôi nó tuôn ra như tắm. Lúc ấy các
anh mới đè cổ thọc dao vào họng lấy tiết để pha rượu. Nhiều người cho là ác
nhưng hai anh bảo không đánh cho ra hết mùi hôi thì ăn sao được !
Chẳng ai hiểu tại sao mới đó mà có
người chỉ mong được chút gì bỏ vào miệng, có người phải đúng mùi vị mới ăn!
Nhà cô Thảnh lâu nay vẫn được tiếng
ăn sang như Tây. Không phải như những nhà khác chui rúc trong bếp đầy lọ nghẹ
và bồ hóng hay ngồi chò hỏ quanh một cái nong mà mỗi người mỗi ghế quanh một cái
bàn có trải khăn và cắm hoa. Một đôi khi, những người bạn của anh cả Định từ
Qui Nhơn lên chơi, cả nhà lại bày ra ăn cơm Tây với dao muổng lách cách. Cô
Thảnh lại bận đồ đầm, ngồi lên ghế phô tơi hai chân bắc chéo lên nhau trò
chuyện với các chàng cũng ăn mặc y như Tây, lúc nào cũng đeo cà ra oách và kè
kè một cây ba toong chẳng biết để làm gì!
Nhà cô lại có cả buồng tắm và cũng
chính từ cái buồng tắm ấy mà ông phó Ba có cả một câu chuyện động trời để chọc
cười thiên hạ. Vẫn con mắt có thể giả bộ lé, giả bộ mù, vẫn cái miệng muốn méo
kiểu gì cũng được, vẫn cái mũi chun chun và hai bàn tay vặn vẹo, ông diẽn tả
cái cảnh cô Thảnh sợ đến lé mắt, hai tay vừa che trên vừa bụm dưới chạy ra khỏi
cái buồng tắm vì có một thằng phải gió đang nằm trên mái nhìn trộm. Trong khi
mọi người lăn ra cười bò thì ông tỉnh như sáo phán: thằng phải gió đó là thằng
thủ ngữ Đực. Nhưng bà vợ ông thì đay nghiến: thằng đó chính là ông chứ ai! Mọi
ngưòi lại được dịp bò ra mà cười một lần nữa.
Tuy có một dạo nhà cô ăn ở như Tây,
nhưng không một ai dám nghi ngờ nhà cô theo Tây. Ngược lại, cả nhà cô đều theo
Cách mạng. Ông Chánh nhạc và anh cả Định làm ở tỉnh, bà chánh nhạc làm hội
trưởng hội phụ lão, cô Thảnh làm hội trưởng hội phụ nữ. Quả thực không có nhà
ai danh giá vẻ vang bằng. Vì theo Cách mạng nên cuộc sống cũng phải đơn giản,
dao muổng cốc tách đều đem cất kỹ trong tủ. Mặc dù có nhiều lời ra tiếng vào,
nhưng cô bảo dê là của nhà cô nuôi, nếp lúa là của nhà cô trồng, đánh Pháp là
đánh cái thực dân của nó chứ đâu đánh cái văn minh.
Sau khi bà hương bộ bị cô bắt mang
nồi cơm đi khắp làng, mọi người đâm ra sợ cô hơn cả ông Khứ. Mặc dù cô không
quát nạt, không doạ đưa đi cải tạo, nhưng ở cô vẫn toát ra cái quyền uy lặng lẽ
ngay cả lúc cô ăn nói nhỏ nhẻ dịu dàng. Trong những buổi mitting cô thường lên
kể tội thực dân Pháp. Những cảnh đốt nhà hãm hiếp giết người, dĩ nhiên là cô
chưa hề thấy, nhưng cái cách cô kể nó sôi nổi tàn bạo làm sao! Cứ như cô vừa
chạy thoát một trận càn của địch và đang hổn hển kể cho mọi người nghe.
Có một lần, cô kéo một người đang
bụng mang dạ chửa bước lên bục. Trong khi mọi người đang ngẩn ngơ và người đàn
bà chửa đang đỏ mặt mắc cỡ vì cái bụng to kềnh của mình thì cô nghiêng bàn tay
như một cái dao kéo từ ngực kéo xuống. Cô nói, nó mổ bụng lôi đứa nhỏ trong này
ra! Tức thì có nhiều tiếng rú thất thanh, nhiều người đưa tay ôm mặt không dám
nhìn. Người đàn bà chửa thì ngất xỉu tự bao giờ, chân tay lạnh ngắt. Một giọng
ai đó thét lên: Đủ rồi! Đừng nói nữa, sợ quá!
Đợi cho người đàn bà chửa tỉnh lại,
cô bắt đầu cao giọng: Giặc Pháp tàn ác dã man như thế đó. Phải đánh đuổi nó đi,
phải biến căm thù thành hành động, tức là phải góp gạo nuôi quân, phải đóng
thuế nông nghiệp, phải đi dân công, phải…Đêm càng khuya cô nói càng nhiều và
cái đám đông đói khát sau một ngày mệt mỏi đang vật vờ ngủ gục thỉnh thoảng lại
được dựng dậy vì những tiếng hô đả đảo. Trên đường về các bà nói thầm với nhau:
ai mà dám lấy cô ta làm vợ!
Đúng là mọi người đều sợ cô. Cô Sáu
tôi chẳng những sợ mà còn hận cô nữa. Chuyện đó như thế này. Cái dạo cô tôi làm
cấp dưỡng, ông Tư Kỉnh vẫn thường gặp cô ở bếp đình để bảo ban dặn dò, đưa tiền
gạo cho cô nuôi ăn mấy chục người. Đôi lúc ông nán lại ngồi nói chuyện này
chuyện nọ, có khi ông đùa không chừng thằng Được chính là con cô. Cô tôi chỉ
nhỏ nhẹ bảo ông hãy ăn nói cẩn thận. Nhiều người liền nhạo ông có vợ hai.. Thế
là từ chỗ đùa chơi câu chuyện đến tai vợ ông.
Ngày trước bà là cô đào nhan sắc của
Thanh Bình Ban, ông bầu Kiên phải mua đến cả trăm bạc. Cả làng ai chẳng rơi
nước mắt khi cô vừa hát vừa cầm dao cắt thịt mình cho mẹ chồng ăn trong vai
Xuân Nương. Nhưng thời gian đã tàn phá hết nhan sắc của cô. Giờ cô bạc phếch vì
thiếu phấn son, trông trắng dã lạnh ngắt như vừa vớt từ dưới sông lên. Dĩ nhiên
nghe đồn thổi như thế bà ghen lồng ghen lộn vì cô Sáu tôi tuy không đẹp nhưng
trẻ hơn bà.
Một tối nọ chúng tôi đang chơi trò
xử tử Việt gian bỗng nghe léo nhéo: Xử tử con mẹ này cho tao! Cả bọn ngừng
chơi. Trước mặt chúng tôi là một người đàn bà hung dữ đang nắm tóc một người
thấp nhỏ lôi từ trong bếp đình ra. Khi nghe tiếng: tôi làm gì mà bà đánh tôi!
thì tôi hiểu người đàn bà đó chính là cô Sáu tôi. Tôi lao thẳng vào người bà ta
cắn một miếng vào tay. Tôi cắn mạnh đến nỗi nghe như có mùi máu tanh và mặn
đang chảy trong miệng. Bà ta rú lên: Trời ơi, thằng chó đẻ mày dám cắn tao hả!
Thế là cô tôi được cứu thoát. Nếu không, có lẽ bà ta đã lôi cô tôi đi khắp làng
như bà hương bộ.
Chuyện đó, người thì bảo do lão Tư
Kỉnh, người thì bảo không có lửa sao có khói, cô Sáu tôi rất khổ nhục.
Ông Tư Kỉnh tối hôm đó quả có tới
cười cợt gì đó với cô tôi. Khi bà vợ xông vào thì ông nhanh chân chạy thoát.
Không bắt được chồng, bà Tư Kỉnh liền chộp lấy cô tôi. Vây mà trong buổi họp
phụ nữ, cô Thảnh chẳng những đã không đả động gì đến vợ chồng lão Tư Kỉnh,
không bênh vực an ủi cô tôi lấy một lời, lại còn kết tội làm hại đên uy tín của
cán bộ, xúc phạm đên danh dự của phụ nữ. Cô còn đem chuyện cô Sáu tôi lội qua
sông để cho mấy thằng Nhật lội theo và được nó cho tiền ra xỉa xói rằng, như
thế là làm tay sai cho giặc, đáng đem bắn bỏ như tụi Việt gian. Với những tội
lỗi xấu xa ấy, cô tôi không còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ phụ nữ yêu nước
nữa. Cô Thảnh tuyên bố cô tôi như một con chiên ghẻ cần phải khai trừ ra khỏi
hội.
Vẫn biết như thế cô khỏi phải đóng
hội phí, khỏi phải họp hành gì nhưng cô rất xấu hổ. Kể từ đó nói tới cô Thảnh
là cô bịt tai lại chẳng muốn nghe. Cô tôi ghét cô Thảnh còn hơn ghét bà Tư
Kỉnh.
Mấy tháng sau cái ngày diễn tập
thành công, bụng của cô Tâm nữ du kích cứu thương càng ngày càng phễnh to ra.
Chả hiểu hội phụ nữ tra hỏi thế nào mà buổi sáng hôm sau người ta thấy cô treo
cổ dưới cầu. Xác của mẹ con cô vẫn cứ phải treo tòn teng đến mấy ngày để đợi
công an huyện xuống khám vì người ta nghi ngờ kẻ địch đã giết cô rồi đem xác
treo lên. Nhưng cả làng An Định nhất là các bà phó lý, bà hương bộ đều nói như
đinh đóng cột rằng chính cái miệng có gang có thép của bà Hội trưởng đã giết cô
Tâm tội nghiệp chứ kẻ địch kẻ điếc nào đâu. Ngày chôn cất cô, các bà khóc than
kể lể cứ như là con đẻ rứt ruột của mình. Cô Thảnh cho rằng cô ta làm nhục hội
Phụ nữ nên chẳng thèm đưa tang.
Cô Sáu nói, với bao nhiêu oan nghiệt
như thế, oan hồn của hai mẹ con cô nhất định hãy còn lảng vảng trên cầu. Tối
nào cô cũng đem một vắt cơm, một cây nhang ra cầu và lần nào cô cũng ngồi khóc
lặng lẽ
6.
Mặc dù thằng Pháp chưa đổ bộ hay
nhảy dù xuống làng An Định, nhưng mỗi buổi sáng người ta thấy chúng quần đảo
trên bầu trời Đập Đá. Chúng đi trên hai chiếc khu trục, không biết là từ biển
vào hay từ Nha Trang ra. Hai chiếc máy bay như hai con đại bàng sắt khổng lồ,
bay lượn, gầm thét rồi trút bom xuống cái đập mà ngày trước tụi Pháp phải tốn
khá nhiều công của mới xây được.
Phải bảo vệ đập bằng mọi giá! Người
ta bèn đem cả tấn dây dừa bện thành những tấm lưói rộng đến cả mẫu ruộng để che
chắn cho đập. Người ta định hứng bom như hứng dừa rồi sẽ tháo ngòi nổ lấy thuốc
làm lựu đạn. Người ta sẽ lấy của chúng đánh lại chúng như lấy gậy ông đập lưng
ông. Nhưng cái tấm lưới ấy chỉ hứng được có mỗi một trái bom liền ngã sụp xuống
sông. Không cây cọc nào chịu nổi sức nặng của nó. Ngưòi ta đành để mặc chúng
muốn thả bao nhiêu thì cứ thả. Kháng chiến trường kỳ mà. Trong khi đó dường như
thằng Pháp cũng trường kỳ tấn công, mỗi sáng chúng chỉ mang theo có hai trái
bom, mỗi chiếc thả một trái, bắn tạch tạch một vài viên rồi lặn mất. Chúng cứ
đều đặn như thế, nhởn nhơ như thế, thả thoải mái như thế nên cái đập như trêu
ngươi cũng không thèm chịu vỡ !
Dân các làng chung quanh dường như
cũng đoán được thói quen của chúng. Lúc đầu người ta kêu réo, gào khóc, chạy trốn
như chuột. Hầm gia đình, hầm cá nhân, hầm cho học trò, hầm cho người đi đường…
chỗ nào cũng hầm. Nhiều người chạy chưa kịp tới hầm đã lăn ra bất tỉnh. Cái
tiếng thét gào của lũ máy bay sao mà kinh. Cứ như không cần tới đạn bom, chỉ
cần nghe tiếng gầm rú của chúng cũng đã thấy đầu óc như sắp phọt ra ngoài.
Nhưng lâu dần người ta không còn sợ cái tiếng quát nạt đó nữa, nhất là người ta
biết chúng chỉ thả khơi khơi cho hết bom thì về. Mặc cho tiếng kẻng báo động
người ta vẫn chống cuốc đứng xem. Một vài người còn khen nó bay lượn đẹp quá!
Một buổi sáng tháng chạp, người ta
làm sạch đường để ăn Tết. Cả trăm người lố nhố cào cuốc quét dọn, lại đốt rác
cho khói um lên. Hai chiếc máy bay sau khi thả hai trái bom xuống sông như
thường lệ, bất ngờ bay vút qua đầu, cứ tưởng là chúng doạ chơi vẫn ngước mặt
lên mà cười. Không ngờ chúng quần lại hạ thấp hơn, rồi một tràng đạn nóng bỏng
xé gió găm thẳng vào lưng vào đầu. Hơn năm người chết và cả chục người bị
thương. Những chiếc võng dây dừa được những người dân khốn khổ khiêng chạy qua
các làng để đến nhà thương. Những giọt máu thiếu ăn trộn với bụi đường thành
những hạt bắp nâu khô cứng.
Gọi là nhà thương nhưng chỉ có vài
gian nhà nhỏ nằm bên cạnh một cái miễu hoang nép dưới bóng một cây sung già ở
thôn An Dân mà đêm đêm thường nghe tiếng cú rúc đến lạnh mình. Một vài chiếc
giường tre nằm dọc theo hàng cây rù rì. Những người bệnh thường là những người
sắp chết lúc nào cũng thấy những chiếc lá rơi xuống trên mình như những lá vàng
mã. Ở đây chỉ có độc một thứ thuốc đỏ và băng vải cắt ra từ những tấm vải mùng.
Những người bị thương ở đầu ở ngực
thường chết ngay trên đường đi tới nhà thương. Chỉ những ai bị thương ở chân ở
tay mới thấy được cảnh cưa xương róc thịt. Ai đã từng trông thấy một lần trong
đời khi nhớ lại đều cảm thấy rợn người. Dầu không muốn, người ta vẫn phải cột
người bệnh vào gốc cây. Một miếng vải đen bịt ngang mắt. Một miếng giẻ nhét vào
miệng. Trông cứ như tội nhân sắp bị tra khảo. Cưa và dao được nướng trên lò
than rồi nhúng vào nước kêu đánh xèo. Bác sĩ cầm dao ướm một ngón tay thử đã
nguội chưa như một anh đồ tể thử xem dao có bén không. Thể rồi thịt ở bắp tay
hay bắp chân được róc cho đến khi xương trắng lòi ra. Bệnh nhân kêu ú ớ qua nắm
giẻ như bị mộc đè. Hai người y tá cầm cưa kéo qua kéo lại như cưa tre. Xương
trắng thành bột rơi xuống đất. Khi cái phần thân thể bị dập nát và hôi thối
được cắt rời thì bệnh nhân đã ngất xỉu rừ lâu rồi. Khúc xương vô dụng được ném
cái bịch vào thùng mạt cưa. Một vài con dòi với hàng lông thưa và trắng từ
trong ống xương lây nhầy bò ra. Một nắm bông tẩm thuốc đỏ như máu ấn vào chỗ
mới cắt. Những khoanh vải mùng được đem ra quấn nhiều vòng. Thế là xong, bệnh
nhân được đưa vào lán trại, vài hôm sau thì chết. Ai chưa chết thì lại phải
chịu đựng một lần nữa cảnh cưa xẻ, rồi cũng chết vì đuối sức và bị nhiễm trùng.
Rất nhiều cái xác không thân nhân.
Hoặc là dân tản cư, hoặc là do quá nghèo đành để mặc cho nhà thương lo liệu
việc chôn cất. Mà nhà thương thì đâu giàu có gì. Chỉ có mỗi cái hòm gô sung xộc
xệch cho hằng bao nhiêu xác. Vì vậy xác bị bỏ nằm sấp không cần đậy nắp được
hai người khiêng đi lúc la lúc lắc. Đến đồng cây Sanh hai người không cần đào
huyệt cũng không nói gì với nhau, chỉ cùng hự lên một tiếng rồi lật úp cái hòm
xuống cát. Thế là người chết được ngửa mặt lên nhìn trời một lần nữa nếu có thể
nhìn được. Một chiếc chiếu rách hay một một vài quần áo cũ được phủ lên, cát
vun thành mồ. Hai người lặng lẽ khiêng cái hòm không trở về để chiều hay mai
lại khiêng cái xác khác.
Cả cánh đồng cây Sanh trở thành một
cái nghĩa địa nhưng chỉ một mùa lụt là chẳng biết mồ mả đâu mà tìm. Xương trắng
lại trôi tấp vào các khu vườn hoang và nhà chùa Thiên An cũng không còn đủ sư
sãi để thu nhặt nữa. Bọn trẻ chăn bò buồn buồn lấy những ống xương làm kiếm
đánh nhau. Mỗi khi nhặt được cái đầu lâu, chúng lại chuyền nhau như trái banh.
Trong số những người bị thương có
một cô gái nghe đâu là người trong hoàng tộc, Công Tằng Tôn Nữ thị gì đó. Chắc
là khi Bảo Đại tuyên bố thoái vị trao ấn kiếm cho Cách mạng, cả nhà cô sợ quá
bỏ kinh thành mà đi, rồi xiêu tán thất lạc, chết vì đói vì bệnh tật, giờ chỉ
còn mỗi mình cô. Cô đẹp lắm, đẹp đến nỗi khi thấy cô mọi người trong nhà thương
đều đứng ngẩn ra mà nhìn. Tóc cô dài, da cô trắng muốt, hai con mắt sâu và đen
như chất chứa bao nhiêu nỗi đau của kiếp người.
Cô bị thương cả hai chân và những
con vi trùng tai quái không thèm nể nang gì đến người đẹp cứ việc đục khoét làm
cho vết thương sưng phù lên. Đành phải cưa bỏ. Buổi chiều cưa chân cô người ta
đứng chật vòng trong vòng ngoài. Cô được đặt trên một tấm ván. Khi người ta
định lấy dây cột và nhét giẻ vào miệng, cô xua tay không chịu. Dù vây bác sĩ
vẫn cho người giữ chặt. Dao đã được đốt, cưa đã được nung. Bác sĩ dù đã hết sức
cẩn thận vãn có vẻ không tin cái việc cưa xẻ có thể cứu được cô. Khi cái lưỡi
dao rạch một đường trên làn da trắng, mọi người cảm thấy đau nhói tưởng như
đang rạch vào chính thịt da của mình. Những miếng thịt được bóc dần để lộ ống
xương thanh mảnh. Và sau cùng là cái giây phút đau buốt tận óc khi lưỡi cưa
nghiến rào rạo qua xương. Lúc này nhiều người bưng mặt không dám nhìn, nhưng cô
không kêu. Cô vẫn nằm yên, chỉ để nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt đẹp như
Phật bà Quan Âm. Hai cánh môi be bé của cô bật máu.
Cho dù có người hào hiệp tặng cô một
lọ pênĩxilin là thứ thuốc quý hơn vàng và các bác sĩ hết lòng chăm sóc, nhưng
chỉ đến ngày thứ ba là cô qua đời. Nấm mồ của cô được vun to nhất, nhưng khi
mùa lụt tới, xương thịt của cô chắc cũng phải trôi đến chùa Thiên An để nương
nhờ cửa Phật.
Bây giờ người ta mới thấy thấm thía
chiến tranh là đổ nát chết chóc, là bệnh tật đói nghèo. Con chim bồ câu không
thể bay mau hơn máy bay oanh tạc. Những câu khẩu hiệu dù cả vạn người hô cũng
không át được tiếng bom. Mọi người vưà phải bươi chải kiếm ăn vừa tự cứu chữa
bệnh tật để mà sống tiếp những ngày dài mệt mỏi với bao công việc đào hầm vót
chông, những đêm dài chuyển lúa từ kho này đến kho khác, những tháng ngày lạc
trong rừng sâu vì nghĩa vụ dân công…
Đã là nghĩa vụ thì không trốn tránh
vào đâu được. Nếu không phải là bộ đội, không phải dân quân thì cứ đến mười tám
tuổi là anh phải mất ba tháng trong một năm để đi tải đạn hay gánh gạo tiếp tế
cho chiến trường. Đối với một người nông dân thì cái công việc ấy cũng không
lấy gì làm nặng nhọc. Nhưng phải luồn lách trong rừng sâu, phải chạy bán sống
bán chết vì địch truy đuổi, rồi lam sơn chướng khí, ăn uống kham khổ, hễ có
được chút máu tươi nào thì muỗi mòng và vắt thi nhau hút mất… nên người nào
cũng lo sợ khi đến lượt phải đi.
Cô Sáu tôi chưa đến năm muơi nên
phải mất một tháng ròng đi gánh muối. Cô bảo chỉ có chục ký muối thôi, nhưng
phải mang theo cả gạo, cọng với áo quần và phải mang cái gánh ấy trên vai suốt
ngày trèo đèo lội suối, đâu có nhẹ nhàng gì. Đó là chưa kể tới cái khổ của đàn
bà con gái. Đi qua những vùng toàn cỏ tranh, nước uống tìm không ra nói gì đến
tắm giặt. Ngày trở về trông cô như một bà lão sáu mươi!
Người nào cũng mang một nỗi lo,
nhưng không phải như ngày xưa, lo sao cho có lúa đầy bồ, có áo mới cho con ngày
Tết, có tiền cúng giỗ ông bà. Giờ còn lo một cái gì to tát hơn, rất vĩ đại và
cũng rất mơ hồ: Lo cho kháng chiến thành công! cô Sáu nói, cỡ trôi sông lạc chợ
như tao với mày mà cũng phải lo những việc bằng trời thì lo sao cho nổi!
Dĩ nhiên, những việc bằng trời thì
có những người có đầu óc cũng bằng trời lo. Không thể đem cả trăm cả vạn con
người ra mà phơi dưới thanh thiên bạch nhật để bọn chúng muốn bắn giết thế nào
thì cư bắn giết. Chui vào đất không được thì chui vào đêm tối mênh mông. Vì vậy
chợ không họp ngày mà họp đêm. Trường học, học từ đầu hôm hay từ nửa đêm về
sáng.
Cuộc sống thay đổi lề lối sinh hoạt
thì lũ trẻ chúng tôi lại càng có nhiều trò vui. Những buổi học đêm đối với
chúng tôi là những cuộc vui không bao giờ dứt. Không như các buổi mitting ngồi
đập muỗi mỏi tay chỉ để nghe hết ông này bà nọ thét gào, không như các buổi
biểu tình rầm rộ đi khắp làng trong bụi đường mù mịt. Đi học đêm là nghịch phá
và đôi khi hái trộm trái cây. Có đến mười ông Khứ cũng không sao ngăn được.
Chúng tôi mỗi đứa mang theo một cái
đèn thắp bằng dầu dừa như những Phật tử trong lễ hội phóng đăng. Trước bảng,
một sợi dây dừa chăng ngang treo lủng lẳng cả chục chiếc đèn. Lớp học không có
cánh cửa nên bốn bề lộng gió. Đèn nhảy múa, bóng thầy bóng trò cũng chập chờn
múa theo. Tù xa trông vào cứ như một lũ âm binh.
Lớp học bắt đầu bằng một cái lệ kỳ
dị. Thầy giáo bí ẩn như một đạo sĩ cất tiếng hỏi: Học để làm gì? cả lớp trả
lời: Học để phục vụ nhân dân và kháng chiến. Rồi thầy bắt đầu giảng: nước đá
cứng như đá nhưng tan ra dưới ánh mặt trời. Ammôniắc có mùi hôi như nước đái
bò! Chẳng đứa nào hiểu được tại sao cứng như đá lại có thể tan ra được, cũng
như nước đái bò sao lại là chất hoá học và với những điều như thế thì làm sao
phục vụ nhân dân và kháng chiến? Nhưng cũng chẳng có đứa nào buồn đưa tay lên
hỏi. Một nửa lớp thì buồn ngủ, một nửa lớp thì đói và đầu óc thì đang nghĩ tới
những trái ổi, trái sabôchê ở chùa Thiên An.
Trong cảnh yên lặng buồn buồn ấy đột
nhiên có tiếng kẻng báo động. Như thế là tàu bay đi săn đêm. Đèn phụt tắt. Thầy
và trò lao ra các hầm đầy nươc, đầy cóc nhái và rắn rít. Một lúc sau tiếng động
cơ xa dần. Lớp học lại ầm ĩ tiếng cười đùa. Khi đèn được thắp lên, thầy bảo:
muốn học nữa hay về? Cả lớp nhao nhao: Về! Về!
Cả làng An Định chỉ có một người con
gái đi học. Chị là con một ông thầy thuốc từ Quy Nhơn tản cư lên. Chị tên Thảo
hơn tôi đến bốn tuổi nhưng lại học cùng lớp với tôi. Là gái, nên chị không dám
đi đêm một mình. Tôi được cả nhà ông thầy thuốc tin cậy để cùng đi với chị. Ông
thường cho tôi một vài cọng cam thảo tẩm mật ong và chị thường dúi vào tay tôi
khi cái bánh in khi trái chuối.
Một đêm tháng mười, trời mưa và
lạnh. Khi tôi chợt thức giấc cứ tưởng là quá muộn nên vội vàng đến rủ chị đi.
Đường đất trơn trượt, mây lần chị suýt ngã. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tới
được trường. Giữa lùm cây tối đen chẳng thấy một ánh đèn nào. Hoá ra là còn rất
sớm. Hai chị em kiếm giấy và rác đốt cho đỡ lạnh. Một lúc sau lửa tắt, hai chị
em ngồi tựa lưng vào vách nói chuyện vu vơ. Gió lùa qua lớp đuổi nhau trong đêm
tối sâu hun hút. Trong gió như có tiếng thét gào, rền rĩ, đôi lúc như có tiếng
cười của những hồn ma ở đồng cây Sanh. Chị có vẻ sợ, mỗi lúc một nép sát vào
tôi, sau cùng gần như chen hẳn vào giữa để cho tôi ôm vào lòng. Một cảm giác là
lạ nhưng hết sức êm ái diệu kỳ. Tôi ngồi yên nghe tiếng mưa rơi, tiếng giọt
tranh tí tách, tiếng gió xào xạc trên hàng tre và tiếng đập nôn nao trong lồng
ngực chị. Dường như chị đang thiếp ngủ vì tôi nghe tiếng thở sâu dài và đều đều
của chị.
Có thể chị chẳng mơ thấy gì và sau
này chị cũng chẳng nhớ gì đên cái đêm mưa hôm ấy, nhưng tôi không bao giờ quên
được cái khoảng ngực tôi áp sát vào lưng chị, lần đâu tiên tôi cảm nhận được
cái làn hơi ấm áp ngọt ngào trong thịt da của một người con gái.
Những buổi học đêm trong chiến tranh không ngờ
đối với chúng tôi lại là những phút giờ bình yên tươi đẹp nhất. Có thể chúng
tôi chẳng học được gì nhiều ở những người thầy, nhưng chúng tôi đã học lẫn
nhau, đã nương tựa để mà lớn lên. Mặc dù sống thiếu thốn khổ cực chúng tôi vẫn
thấy vui, vẫn không có những nỗi lo âu sợ hãi như người lớn. Như thể chúng tôi
đang đứng bên lề của cuộc chiến tranh.
(còn tiếp)
Khuất Đẩu