Hàng trăm triệu người trên thế giới coi cuộc tranh luận truyền
hình đầu tiên giữa ông Donald Trump và bà Hilary Clinton, ứng cử viên tổng thống
Mỹ. Người ta theo dõi để đoán trước coi ai hy vọng đắc cử hơn. Chính sách kinh tế
của người đó chắc sẽ ảnh hưởng đến việc làm ăn buôn bán của mình trong bốn năm
tới, nên phải biết trước. Thí dụ, trong 90 phút Trump và Clinton nói để chinh
phục các cử tri ở Mỹ thì đồng peso của Mexico đã tăng giá thêm 2%. Tiền lên giá
cho thấy nhiều tay buôn tin rằng kinh tế Mexico sẽ vững! Cụ thể là hiệp ước tự
do mậu dịch (NAFTA) giữa Mỹ, Canada và Mexico vẫn còn. Và dân Mexico sẽ không
lo phải trả tiền cho bức tường mà ông Trump hứa sẽ dựng lên ngăn biên giới hai
nước!
Còn dân chúng Trung Quốc, họ không được phép coi trực tiếp
cuộc đấu khẩu trên truyền hình. Phòng Thương Mại Hoa Kỳ đã tổ chức chiếu trực
tiếp trong khách sạn JW Marriott Hotel tại Bắc Kinh. Họ bán vé cho người vô
tham dự, và bán hết rất nhanh; mặc dù cuộc tranh luận diễn ra lúc 9 giờ sáng Thứ
Ba, giờ đi làm. Chỉ có những khách sạn hàng 3 sao trở lên, cùng các khu gia cư
sang trọng mới được phép chiếu trực tiếp đài CNN của Mỹ. Một chủ quán rượu ở Bắc
Kinh đã thâu hình rồi đem chiếu lại vào lúc 7 giờ tối Thứ Ba để câu khách. Ðiều
đó chứng tỏ dân Trung Hoa có tiền trong lục địa cũng rất muốn coi chính trị nước
Mỹ. Riêng dân chúng Hồng Kông thì được tự do, coi trực tiếp. Không những thế,
ngày hôm trước, sinh viên Ðại Học Hồng Kông còn tổ chức một cuộc “tranh luận giả;”
có người đóng vai ông Trump, người đóng vai bà Clinton cãi nhau trước một số cử
tọa có học.
Dân Trung Hoa trong lục địa coi cuộc đấu khẩu hôm Thứ Hai chắc
thấy đáng tiền và bõ công bỏ thời giờ! Vì trong hơn một giờ, hai ứng cử viên tổng
thống Mỹ đã nói đến tên nước Tàu, China, tổng cộng 12 lần, gấp bốn lần kỳ trước!
Năm 2012, ông Mitt Romney, ứng cử viên đảng Cộng Hòa, chỉ nói đến chữ China ba
lần; còn ông Barack Obama không hề nhắc đến! Trong cuộc tranh luận năm 2008,
hai ứng cử viên Obama và John McCain nói chữ China tổng cộng 5 lần đề tài thu gọn
trong các vấn đề khiếm hụt mậu dịch và vay nợ.
Giống như hai cuộc tranh luận trước, năm nay, tên China được
nhắc tới khi hai ứng cử viên “chửi” các chính sách thương mại của Trung Cộng. Cạnh
tranh bất chính, hạ hối suất đồng nguyên và trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước để
bán hàng rẻ ra nước ngoài. Nhưng khi nghe cuộc tranh luận Trump-Clinton vừa
qua, người dân lục địa có thể hả hê vì tên China được nhắc tới trong các đề tài
lớn và “hiện đại” hơn kỳ trước. Chẳng hạn, trong vấn đề an toàn của dữ kiện máy
vi tính (cybersecurity), mối đe dọa bom hạt nhân của Bắc Hàn, chống khủng bố
toàn cầu, và quan hệ với Iran. Ðề tài mới cho thấy vai trò Bắc Kinh rất quan trọng
trên cả thế giới.
Giới trẻ Trung Quốc cảm thấy tự tôn – mặc dù họ vẫn tức giận
vì hai ứng cử viên vẫn “đả Tàu” như thường lệ! Một người ký tên “Huamuxiaoyang”
bàn rằng sự kiện Trump và Clinton đả kích Tàu cho thấy “Trung Quốc rất mạnh,
không ai có lờ đi được.” Sau khi nghe ông Trump “chửi” Trung Quốc, trong bài tường
thuật trên Hoàn Cầu Thời Báo (một tạp chí của báo Nhân Dân), một người trẻ viết
trên mạng Weibo rằng, “Trung Quốc vĩ đại, gây ảnh hưởng trên cả cuộc bầu cử tổng
thống Mỹ. Tôi rất hãnh diện!”
Weibo tức là Vi Bác, một công ty bắt chước Twitter của Mỹ, tạo
diễn đàn cho các người dùng Internet chuyển những thông điệp ngắn cho nhau trên
mạng. Tất nhiên công ty Twitter ở Mỹ cũng chuyển những thông điệp bàn về cuộc đấu
khẩu Clinton-Trump. Số người bình luận về ông Trump nhiều hơn (62%), so với bà
Clinton. Cũng vậy, trên các trang Facebook, ông Trump được nhắc tới 79%, số
khen và số chê bằng nhau; còn bà Clinton được 21%, khen nhiều hơn chê.
Trong cuộc tranh luận vừa qua, Donald Trump phát pháo đả
Tàu, “Quý vị hãy nhìn coi nước Tàu đang làm gì nước ta (Mỹ)… họ hạ giá đồng tiền
của họ, mà chính phủ nước ta không chống lại! Họ dùng nước Mỹ mình như một ‘con
heo đất’ để rút tiền ra xây dựng nước họ, mà nhiều quốc gia khác cũng (lợi dụng
nước Mỹ) giống như vậy!” Bàn tới vụ bom nguyên tử của Bắc Hàn, ông Trump bảo:
“Nhìn Bắc Hàn kìa, (chính phủ) nước ta không làm gì cả! Ðáng lẽ Trung Quốc phải
giải quyết vụ đó cho chúng ta. Trung Quốc phải tiến qua Bắc Hàn! Trung Quốc mạnh
hoàn toàn trong quan hệ với Bắc Hàn!” Nghe ông Trump nói về vai trò của nước
Tàu phải làm tại Bắc Hàn, người ta phải nhớ đến một chủ trương khác của ông:
Xây tường ngăn biên giới với Mexico và bắt chính phủ nước đó trả tiền.
Ông Trump nhắc đến tên nước Tàu 9 lần, bà Clinton chỉ có 3 lần.
Nói về an ninh mạng, bà nêu tên ba nước, Nga, Iran và Tàu, “Chúng ta sẽ không
ngồi yên cho những kẻ được nhà nước của họ cho phép đi ăn cắp các thông tin điện
tử của chúng ta, các thông tin trong lãnh vực công cũng như trong lãnh vực tư
doanh.” Bà Clinton cũng nhắc đến China khi chỉ trích quan điểm của ông Trump về
tình trạng khí hậu thay đổi do loài người gây ra. Bà Clinton nói: “Ông Trump bảo
rằng hiện tượng khí quyển nóng hơn trước là một vụ lừa gạt do người Tàu tạo
ra!” Ông Trump phản ứng ngay: “Tôi không nói! Tôi không nói vậy!”
Sau đó, giới truyền thông đã tìm ra một thông điệp do ông
Trump viết, ngày 6 tháng 11 năm 2012, lúc 11 giờ 25 sáng, ông viết rằng, “Khái
niệm khí hậu toàn cầu nóng lên là do người Tàu tạo ra làm lợi cho nước Tàu, để
các nhà sản xuất của Mỹ không thể cạnh tranh được với họ” (vì phải chi tiêu
thêm trong việc giảm bớt chất thải trong kỹ nghệ).
Có lẽ dân Trung Hoa lục địa hài lòng nhất khi nghe ứng cử
viên Donald Trump khen ngợi nước Tàu! Chuyện lạ nhưng có thật! Ðó là lúc ông
Trump đả kích các chính phủ Mỹ, từ trước đến nay, không xây dựng những phi trường
mới… đẹp như bên Tầu! Ông nói, “Quý vị hạ cánh xuống các phi trường Laguardia,
Newark, L.A.X, sau khi cất cánh từ các xứ Dubai, Qatar, và Trung Quốc, quý vị
thấy những phi trường của người ta lộng lẫy, còn nước (Mỹ) mình thì (như một nước
nghèo) thuộc “thế giới thứ ba!” Ông Trump đã cho dân Tàu lục địa một dịp cười
sung sướng, hả dạ. Họ quên rằng các phi trường mới xây, ở bất cứ nước nào, bao
giờ cũng rộng, sang, đẹp hơn các phi trường xây dựng trước đây… hơn nửa thế kỷ,
như ở London, Paris, New York, Los Angeles. Và tại Trung Quốc, có rất nhiều phi
trường được xây dựng chỉ để cho các quan rút ruột, chứ không do nhu cầu kinh tế
nào cả. Càng chi nhiều tiền càng rút được nhiều. Có phi trường xây tốn hàng tỷ
Mỹ kim xong rồi mỗi tháng chỉ có năm, bảy chuyến máy bay lên xuống.
Cuối cùng, dân Trung Quốc được coi Clinton và Trump tranh luận
có thể sẽ tủi thân! Tại sao dân Mỹ được nghe các ứng cử viên cãi nhau công khai
trên đài như vậy, trước khi họ đi bỏ phiếu; còn ở nước Tàu thì ông nào lên bà
nào xuống hoàn toàn diễn ra trong vòng bí mật! Người dân Trung Hoa không được
biết, không được bàn, và chắc chắn không được dùng lá phiếu quyết định!
Không những thế, dân lục địa muốn “coi ké” cảnh vận động bàu
cử ở nước Mỹ cũng bị hạn chế. Facebook, YouTube và Twitter và các mạng xã hội lớn
đều bị phong tỏa. không cho dân Trung Hoa lục địa chạm tới những tin tức “nhạy
cảm.” Người chủ trương một mạng chuyên về tin tức nói, “Các mạng thông tin
không được chạm tới tin chính trị!” Những cuộc tranh luận trong cuộc bầu cử tổng
thống Mỹ thuộc loại nhạy cảm nhất. Không phải vì các ứng cử viên nói đụng tới
nước Tàu (ai cũng biết thế nào họ cũng đụng); nhưng vì các khán giả bên Tàu sẽ
được coi cảnh các ứng cử viên phê bình các chính sách, chủ trương của nhau, để
dân chúng nghe và phê phán, chọn lựa! Rồi đến cảnh các nhà báo chuyên nghiệp chất
vấn các ứng cử viên, một người trong số đó sẽ là vị tổng thống tương lai! Họ đặt
những câu hỏi hóc búa mà không sợ ông hay bà tổng thống để tâm trả thù sau này!
Nhưng các người Trung Hoa trong lục địa có trả tiền vào
khách sạn JW Marriott Hotel tại Bắc Kinh coi Trump và Clinton tranh luận thì họ
cũng không hiểu hết các câu chuyện. Có những vấn đề trong nội bộ nước Mỹ chỉ
người Mỹ hiểu, người nước ngoài nghe như vịt nghe sấm. Khi Clinton và Trump lời
qua tiếng lại về “bản khai thuế” thì người Tàu chẳng biết họ nói chuyện gì. Vì
các đại gia nước Tàu có phải khai thuế hay không? Cuối cùng, người Trung Hoa
thưởng thức được nhiều nhất là những đoạn hai ứng cử viên Mỹ đả Tàu! Họ có thể
hãnh diện khoe rằng: Chính trị gia Mỹ chỉ chửi chúng tôi thôi! Chửi 12 lần lận!
Ấn Ðộ được tha, vì không phải là cường quốc! Nga, Nhật Bản, thì xuống cấp rồi,
mỗi nước chỉ bị chửi có một lần!
Các ông A.Q., Chí Phèo của nước Tàu, chắc chắn đồng quan điểm!
Ngô Nhân
Dụng