Chị Phúc xăn quần cao khỏi gối, lấy cái khăn vải đen, cột
trùm kín đầu tóc, kéo khăn phủ tới mang tai. Chị nhẹ nhàng bước xuống nhà dưới,
với tay lấy cái hái gặt lúa ngoắc ở giàn bếp, chị sè sẹ đi ra khỏi nhà.
Mùa tháng năm, ruộng lúa cánh đồng Cửu hạt đã giầy giầy chỉ
chờ thêm nửa tháng, hai mươi ngày nữa là chín tới, bắt đầu mùa gặt của xã viên
hợp tác xã. Đêm cuối tháng Tư không trăng. Ở một góc trời có ánh sáng sao hôm
nhấp nháy, chị nhìn thấy đám ruộng Mưng trước kia của gia đình chị, nay đã xung
vào hợp tác xã. Ruộng lúa của cả đồng nầy là của xã viên, của toàn bà con trong
cái thôn Tú Mỹ, chứ chẳng của riêng ai. Những mùa lúa thu hoạch đều đem cất vào
kho hợp tác. Xã viên làm ruộng được tính theo công điểm để lãnh lúa. Ngày mùa
chị Phúc tham gia đều đặn mọi khâu sản xuất nông nghiệp hợp tác. Mùa lúa trước,
dân chúng chưa làm kịp đập thủy lợi, lại thêm trời hạn hán, nên cánh đồng Cửu đến
mùa thu hoạch, mất trắng. Mùa lúa nầy, nhờ mưa thuận gió hòa nên được mùa. Đám
ruộng Mưng cấy sớm đã qua thời kỳ lúa con gái, lúa bắt đầu ươm ươm nặng hạt,
thân lúa cuối rạp.
Đứng trên bờ đám Mưng, chị Phúc nhìn chăm chăm về phía trước
mặt, xoay người nhìn lại phía sau, rồi ngó trái ngó phải. Trời đất đều yên vắng,
chẳng thấy một bóng người, riêng chị một cỏi. Chị Phúc đã tính và quyết làm một
việc mà từ trước chẳng bao giờ nghĩ đến hay nhúng tay vào; tối nay chị đi gặt
lúa trộm của hợp tác xã. Gia đình chị đã ba ngày rồi, chị và hai thằng con lớn
chỉ ăn vài khúc khoai sắn nấu trừ bữa, con Mến, đứa gái đẻ sau chỉ uống nước
cháo loãng cầm hơi. Nay gạo đã sạch trong hủ, ngoài vườn trong nhà khoai củ
cũng hết. Phải cứu ba đứa con, chị nghĩ, chúng nó phải được sống. Có rủi ro bị
bắt, bị xã viên phê bình phỉ báng, cùng lắm ở tù cải tạo, chị cũng cam đành.
Chị Phúc nhẹ nhàng bước xuống vạt ruộng
sát bên bụi dúi rậm rạp, chị khom người núp trong đám lúa. Chị nhanh nhẹn đưa
vòng hái quơ đùa từng nắm lúa lớn kéo gần sát người, xoay lưỡi hái cắt xoẹt, rồi
cầm nắm lúa cột thành lọn, đem để trên bờ. Chị lại vội vả cầm hái gặt tiếp. Chẳng
bao lâu được một bó lúa đội nặng đầu. Chị ngó trước nhìn sau, sè sẹ bước lên bờ,
men theo đường lối, đội lúa về nhà.
Giấu bó lúa trong khém nhà dưới, gần
bếp nấu cơm. Chị vội vàng chạy lên nhà trên thăm con. Bé Mến nằm thiêm thiếp
trong võng, khóc rưng rức yếu ớt. Anh kế nó, thằng Nghĩa nằm trên giường im lìm
không động đậy, chị lo quá, bèn cầm tay lay lay, nó mở mắt nhìn chị một lúc rồi
nhắm nghiền lại, nghiêng đầu vào mé giường bên trong, vẻ như giận dỗi. Thằng
Nhân, đứa con cả vừa đầy bảy tuổi, ngồi gục đầu lên thành giường, mê mệt. Nước
mắt chị chảy dòng. Chị thấy có lỗi với các con, làm mẹ sinh chúng ra mà
chẳng nuôi nổi, để con đói khát.
Chị Phúc vội vàng đi lấy một
cái nong đặt lên nền nhà dưới, chỗ cây cột săng, gần bếp lửa. Chị vác bó lúa đặt
bên cạnh nong, mở lấy từng lọn lúa một bỏ lên nong. Hai tay chị vịn vào cột,
hai chân đứng chần lên đầu lọn lúa, rồi xoay đạp liên hồi. Bông lúa giầy giầy,
ươm ươm, hột dai khó rụng, chị gắng hết sức lực, lâu lắc lúa mới được truốt rụng
sạch khỏi rạ. Chị lùa dồn lúa lại thành đống, lẹ làng lấy cái chảo lớn bắt lên
bếp, nhen lửa. Chị bỏ từng vài bụm tay lúa vào chảo, dùng đôi đủa bếp trộn đều,
lúa lộn lật trong lòng chảo nóng, đến khi nào vỏ lúa vừa khô khen khén, chị xúc
đổ vô cối giả. Rang lúa một lúc lâu, lúa rang đã đầy được lưng lưng cối. Chị dừng
tay, lắng nghe động tĩnh, cảnh vật vẫn im vắng, bên ngoài trời tối. Giờ nầy,
chị đoán mới già nửa đêm, chắc mọi người đang say ngủ.
Chị Phúc hai tay cầm chày ráng sức
giả lưng cối lúa. Tiếng bình bịch khi nặng khi nhẹ, lúc đầu nhặt rồi thưa dần rồi
im bặt; chị ngưng giả vừa thở hổn hển vừa cuối người xuống, đưa hai tay vúc lúa
trong cối trộn đều nhiều lần. Chị lại dừng tay, vừa nghỉ mệt vừa ngó ra sân ra
ngỏ, canh chừng. Cảnh nhà vẫn lặng yên, không bóng người, không tiếng động, làm
chị đở lo.
Mặc dầu gắng hết sức, nhưng đã ba
ngày thiếu ăn, nên ráng giả cối lúa thêm một lúc nữa, cả người chị vã mồ hôi mệt
lả, hơi thở đứt đoạn. Chị phải ngưng tay, ngồi nghỉ một đổi lấy lại sức, rồi chị
xúc gạo thóc đã giả đổ vào nia đứng sãy cho trấu càng bay hắt hết ra ngoài đất,
còn lại trong nia toàn lúa lẫn gạo. Chị dùng sàng, sàng để gạo lọt đổ xuống
nia, trên sàng còn lại lúa. Chị đổ lúa vào cối tiếp tục giả, rồi lại sãy, lại
sàng để lấy gạo...
Khi gà giậy gáy tàn canh ba, chị
Phúc làm đâu được bốn lon gạo. Chị vội nhóm bếp, đong nửa lon gạo nấu cháo cho
con Mến. Lúc nầy, giữa trời sao vượt đã lặn từ lâu, sao mai chưa mọc. Trong nhà
ngoài sân tối đen như mực. Nồi cơm gạo mới chị nấu đã cạn nước, chị nhấc nồi vần
trước cửa bếp than nóng cho chín già. Chị múc một chén cháo đầy, bưng lên
nhà trên đút từng muỗng cho con Mến, nó ăn không kịp nhai, nuốt cháo chưa qua
khỏi cổ, nó đã há miệng đòi chị đút tiếp, ăn một lúc hết cháo, no bụng, nó nằm
im một lúc, rồi nhắm mắt ngủ ngon.
Chị Phúc cùng hai thằng con ngồi
quanh rá cơm đặt ở nền nhà trên cạnh cửa hông. Đêm tối, ba mẹ con ăn mò, chị
bưng chén cơm ăn ít miếng cầm chừng, cho có lệ, nhường cơm cho hai con, thế mà
khi rá cơm hết sạch, chúng chỉ ăn được bữa cơm gạo mới lưng lửng bụng.
Khi các con ăn cơm xong, đi ngủ. Đất
trời hết canh ba, gà gáy xao xác sang canh tư. Chị Phúc vẫn nằm thao thức không
tài nào chợp mắt ngủ được. Chị nhớ thương anh Đoàn, chồng chị. Cách đây ba năm,
trong cuộc nội chiến Quốc Cọng, anh đi lính Quốc gia, bị tử thương. Mấy ngày
sau, từ khi anh chết, cọng sản miền Bắc đánh chiếm miền Nam; chị bồng con Mến,
dắt theo thằng Nghĩa đi tìm chồng, thấy anh nằm chết ở mé rừng Trẫm Cô dưới
chân hòn núi Gấu, xác anh đã rã rệu sình thúi... Chị lăn lộn vật vã khóc, đập đầu
xuống đất, muốn chết theo anh. Bỗng nghe tiếng khóc thét của thằng Nghĩa, chị
liền sực tỉnh, chị phải sống để nuôi nấng các con...Từ ngày ấy đến nay, chị chịu
đựng cuộc đời đầy chông chênh cực nhọc, trong cảnh mẹ góa con côi, giữa một xã
hội mới nhiều đổi thay khác lạ. Trăn trở dằn vặt cho số phận mình, nước mắt chị
Phúc chảy dài. Chị thầm nghĩ, làm kiếp người như mẹ con chị thật là khổ ải trầm
luân quá chừng.
*
Con Mến đói quá cứ khóc rấm rức, chị Phúc ẳm con vào lòng dỗ
dành. Con gái của chị ốm yếu quá chừng, người nó như chỉ còn có da bọc xương,
đít beo riết, đầu to sầm, tóc lưa thưa vài sợi. Nó chẳng thèm nói, chẳng muốn
đi đứng; suốt ngày chỉ nằm dán người trên võng hay đòi chị ẳm bồng. Chị
Phúc lẳng lặng ngồi khóc. Chị băn khoăn nghĩ ngợi, tình cảnh nầy chẳng lẽ bó
tay để cả nhà đành chịu chết!!!
Chị Phúc bồng con Mến chần chừ dợm bước vào cổng Cô Nhi Ngũ
Hành Viện. Đây là lần thứ hai chị quyết định làm những việc mà lòng dạ chị chẳng
muốn, ngược lại tâm can đau đớn xấu hổ như đần. Lần thứ nhất đành đi ăn trộm
lúa đem về cứu sống con. Lần nầy như cắt ruột, bấm bụng chị bồng con Mến đem
cho cô nhi viện để nó sống còn, và cũng để cứu hai thằng anh nó đang chờ mẹ về,
chạy vạy kiếm củ khoai hạt gạo đắp đổi nuôi sống chúng.
Khi được người đưa vào văn phòng gặp
người quản lý của viện, chị Phúc cố bình tỉnh, kèm giữ lòng mình để khỏi khóc.
Thế mà những giọt nước mắt cứ trào ra không sao ngăn nổi. Chị nói, tôi xin cho
con tôi sống nhờ ở đây, vì hoàn cảnh khó khăn túng bấn, tôi không còn cách nuôi
nổi nó... Người quản lý nhìn thấy đứa bé èo uột trên tay chị, ông lo lắng gọi
giật một nhân viên, dẫn chị bồng con xuống gấp bệnh xá để cấp cứu. Sau khi khám
nghiệm săn sóc, con Mến được uống sữa ăn bột no nê, nó tỉnh táo vui tươi thấy
rõ. Chị Phúc trở lại văn phòng, làm giấy tờ hiến con cho viện. Xong thủ tục, chị
vội vã đến bệnh xá để được gần gũi con lần cuối. Con Mến thấy chị tới gần, miệng
cười chúm chím, đưa hai tay đòi chị bồng. Chị Phúc ẳm con vào lòng, hai hàng nước
mắt chị chảy ướt cả tóc cả mặt con bé. Bổng giựt mình, nghe có tiếng người gọi
chị trở lại văn phòng. Chị nhẹ nhàng đặt con nằm xuống giường. Lấy tay kéo chéo
áo lên lau nước mắt. Lau đi lau lại, nước mắt chị cứ chãy mãi. Chị chăm chăm
nhìn con Mến, con bé cứ quơ tay múa chân, ray rức khóc đòi chị bồng. Chị Phúc bật
khóc, hình dáng con gái chị nhạt nhòa qua làn nước mắt. Chị cứ đứng chần chừ
bên giường. Tiếng người lại kêu thúc. Chị cố sức gắng gượng nói nhỏ với con mấy
lời, như nói để chính mình nghe:
- Con hãy ở lại đây, ở đây chắc đở khổ hơn ở với mẹ, với nhà mình, nghe con.
Chị Phúc bước lùi ra cửa, mắt chị
mãi miết nhìn con, một lần nữa, một lần cuối. Ở văn phòng chị được cấp một số
tiền về xe, và được mời ở nán lại viện ăn bữa cơm trưa. Chị Phúc nhận tiền đi
xe, còn cơm nước bữa ăn trưa, chị từ chối, chẳng còn lòng dạ nào ăn uống được
giữa lúc nầy. Vội vàng chị nói lời gởi gắm con lại cho viện và cảm ơn người quản
lý, rồi ra về. Chị đi như chạy ra khỏi cổng viện, không dám quay đầu
nhìn lại sau.
Từ ngày bồng con Mến cho cô nhi viện,
chị Phúc rảnh rỗi tay chân, chị tất bật chạy vạy kiếm miếng ăn, ra sức cật lực
đi làm cho hợp tác xã nông nghiệp. Sau những vụ mùa thu hoạch, chị lãnh lúa
khoai công điểm. Ba mẹ con chị tạm sống đắp đổi qua ngày đoạn tháng. Ở nhà chị
nuôi một con heo nái, mỗi năm đẻ cho chị một lứa, đem bán heo con, có món tiền,
chị sửa sang lại cái nhà tranh cho khỏi nắng dọi mưa dột gió luồn, cho hai thằng
con đến trường học hành. Nhưng rồi, trời đất không chìu lòng người, số chị
Phúc lại gặp bất hạnh. Thằng Nghĩa, đứa con thứ hai của chị, một hôm theo
bạn bè lối xóm, tìm ra một quả đạn pháo rớt nằm ở rẫy tranh ông cả Điệt, trong
thời kỳ còn chiến tranh. Bọn trẻ tin là đạn thúi không nổ, nên xúm nhau kéo xuống
giữa đám đất thổ, tìm cách cưa hai quả pháo, lấy thuốc đạn bên trong, đem đi
thuốc cá ở sông Ghềnh Ráng. Khi chúng đang hè nhau cưa nửa chừng thì quả đạn
phát nổ một tiếng dữ dội. Cả năm đứa trong đó có thằng Nghĩa đều chết tức tưởi
ngay tại chỗ. Chị Phúc lại lần nữa mất thêm một đứa con. Chị buồn khổ khôn tả.
Những năm tháng nhọc nhằn dằng dặc
chị phải nếm trải, chồng chất những lo toan và cam chịu những đớn đau khôn
cùng. Chị Phúc ngã bệnh từ khi thằng Nghĩa chết đạn. Sau gần ba tháng đau yếu
không dứt, chị Phúc lìa đời, hưởng dương mới có ba mươi bảy tuổi.
*
Một hôm Nhân đi làm ngoài đồng về lại nhà, lấy làm lạ, thấy ở
ngoài đường trước ngõ, đậu một chiếc xe du lịch. Những người bà con cùng xóm
đang ngồi tụ ba tụm bốn bàn góp nho nhỏ, đám con nít nhanh nhẩu chạy vô sân rồi
lộn ra ngõ chỉ trỏ nói cười rộn rã. Khi thấy Nhân vừa bước tới, bà Cựu Bốn liền
lên tiếng:
- "Có một cô ở Mỹ về tìm nhà mẹ cháu, cô ta đang đứng
chờ trong sân. Cháu vô xem thử."
Khi thấy Nhân đi đến chỗ mình đứng, cô gái nghi ngại, không
biết anh ta có phải người nhà hay không, nên lên tiếng ướm hỏi:
- "Xin lỗi, đây có phải nhà mẹ Phúc?"
- "Đúng vậy." Nhân trả lời. Ngưng một lúc, một
thoáng nhìn cô ta, Nhân ngập ngừng nói:
- "Còn cô là...là ai, tìm nhà mẹ Phúc?"
Cô gái nét mặt rạng rỡ, hớn hở trả lời:
- "Em là con gái mẹ Phúc. Lúc còn ở với mẹ, tên
em là con Mến. Còn anh... là anh...?"
Nhân hết sức ngạc nhiên, trong lòng nghi nghi ngờ ngờ, cô
gái sang trọng đẹp đẻ đang đứng trước mặt lẽ nào là con Mến, em ruột mình
chăng. Nhân đứng im như trời trồng, chẳng nói thêm được lời nào - Đây là cảnh
thực hay mơ, mình đang thức hay nằm ngủ thấy chiêm bao mộng mỵ - Để định thần,
Nhân cắn môi thật mạnh, nghe đau, mới tin em gái về thăm nhà là có thật. Nhưng
rồi, dường như có một khoảng cách vô hình nào giữ Nhân im bặt, đứng sửng tại chỗ.
Chờ lâu không nghe Nhân trả lời, Mến lên tiếng nhắc lại:
- "Có phải anh là con mẹ Phúc, là anh của em phải
không?"
- "Phải, anh là anh cả Nhân đây."
- "Còn mẹ và anh hai đi đâu vắng nhà hả anh?"
- "Em ơi! Mẹ và chú hai Nghĩa chết kể đến nay đã gần mười
năm rồi."
- "Tại sao phải gặp cảnh thế này, hả anh."
Mến chạy ào tới ôm chầm anh mình. Cả hai nước mắt dàn dụa.
Bà con lối xóm đứng vây quanh Nhân và Mến, ai nấy đều mũi lòng, có người cầm
lòng không đậu khóc theo hai anh em nhà mẹ Phúc.
Từ Lam