01 October 2016

NHẠC TÍNH VẦN TRẮC CỦA THANH TÂM TUYỀN VÀ TỪ NGỮ MA LỰC CỦA TÔ THÙY YÊN - Trần Văn Nam

I. Nhạc tính vần trắc trong thơ Thanh Tâm Tuyền

Thanh Tâm Tuyền
dinhcuong


Lý thuyết về Thơ Tự Do của Thanh Tâm Tuyền đã được đúc kết trong bài “Trèo Lên Cây Bưởi Hái Hoa” đăng trong tạp chí Sáng Tạo vào năm 1956 tại Sài Gòn. Bài ấy tác giả đăng đã lâu, không có sẵn tài liệu để nhớ hết, ta chỉ mang máng hiểu là ông đề ra lý thuyết sáng tạo tứ thơ và nhạc tính. Nhạc tính này do tổng hợp liên kết cả một đoạn thơ, không phải chỉ lộ ra ngay từ hai câu thơ như thường thấy trong luật thơ. Và tứ thơ cũng do tập hợp như vậy qua nhiều hình tượng tưởng như rời rạc không ăn nhập gì với nhau. Giống như trong ca dao với những câu: “Trèo lên cây bưởi hái hoa/Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc…”, những câu này dường như không liên hệ gì với ý tưởng trong các câu kế tiếp: “Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay/Ba đồng một mớ trầu cay/Sao anh không hỏi những ngày còn không…”.
Bàn về ca dao, sách giáo khoa thời trước cho biết đoạn thơ trên là “Hứng”, không cần phải liên hệ gì đến đoạn dưới. Bằng cái nhìn kết hợp, ta phát hiện ra việc “hái hoa, hái nụ tầm xuân” có liên hệ ý nghĩa với việc “hái một cuộc tình”, nên hai đoạn thơ không phải là rời rạc. Thơ Thanh Tâm Tuyền tất nhiên phải “mờ mịt” nếu ta không chịu nhìn liên kết những điều tưởng như riêng lẻ. “Thơ hũ nút”, một số người tranh luận về thơ đã gán cho thơ ông vào thuở đó ở Việt Nam. Ông đã có nhiều bài như vậy, nghĩa là theo đúng lý thuyết đã đề ra: rời rạc mà liên đới hình tựợng, vần phối âm từ những câu ở cách khoảng khá xa trong đoạn thơ. Bài thơ dưới đây, nghiêng về chính trị nói về cuộc trấn áp của Liên Xô đối với biến cố nổi dậy ở Budapest. Ðó là một dạng thơ khác của Thanh Tâm Tuyền, tứ thơ sáng sủa trong từng câu, nên dường như không liên hệ với lý thuyết thơ tự do “phối hợp những điều rời rạc”:


Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim, em một trái tim
Chúng kéo đầy đường xe tăng đại bác.


… Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mưa bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai.


… Hãy cho anh chết bằng da em
Trong dây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp

Ba mươi lăm năm sau kể từ 1956, trên tạp chí Văn ở hải ngoại, số báo 109 phát hành vào tháng 7 năm 1991, ta gặp lại một bài thơ của Thanh Tâm Tuyền mà theo thiển ý rất khớp với lý thuyết ông đã đề ra. Ðó là bài “Chia Tay”, đúng là tứ thơ được gói ghém tổng hợp trong từng đoạn rồi cho cả toàn bài, đúng là nhạc tính được phối âm cộng hưởng do những chữ có vần trắc lạ tai ở trong mỗi câu, hoặc liên đới nhiều câu. Nghe như nghịch tai: nắng quái hoặc cỏ lá úa mỏi, vũng hão ngút, gió hỗn lộng rợ trí, giọt sáng rơi kiệt. Nhạc tính vần trắc này song hành với những hư huyền của một cõi nào không thực sự hiện hữu, có một chút dư vang của Nam Hoa Kinh Trang Tử:

Nắng quái hoặc soi dốc núi
Rừng cây nội cỏ lá úa mỏi
Phất phơ đám cháy muộn chiều hôm
Có nghe lòng đá héo mòn
Về. Phải đó ngọn Rượu Cô Dịch
Ẩn tùng trong đài hoa huyền tích
Phải người trú ngụ Hang Cồn Mây
Trông trời thẳm Vũng hão ngút
Trong gió hỗn lộng rợ trí
Ðắm giạt làng-quê-không-có đâu
Ðâu chốn đợi riêng mình. Nhớ
Giọt sáng rơi kiệt cùng cõi hư

Tuy vần ở cuối mỗi câu vẫn hiện diện, nhưng nhạc tính vần trắc phối hợp trong toàn bài mới là nghệ thuật mà Thanh Tâm Tuyền dành cho bài thơ. Ta có cảm tưởng bài này tác giả viết từ bối cảnh ngày được thả ra khỏi nơi giam cầm, giã từ các bạn còn lại trong trại cải tạo vùng núi non Việt Bắc, và đang lững thững xuống núi trở về với cuộc đời. Tuy bối cảnh thực tại ê ẩm như vậy, nhưng tác giả thoát đi để hòa nhập vào siêu hình, không nói đến thời thế  Hình như đường về gần cuối đời của mỗi người là đường về với vắng không.
II. Từ Ngữ Ma Lực Trong Thơ Tô Thùy Yên

Tô Thùy Yên
dinhcuong

Bài thơ ‘Trường Sa Hành” của Tô Thùy Yên rất đặc sắc. Tác giả đã thi hóa thật tài tình một tạo vật thiên nhiên, thi hóa một quần đảo hoang vu bằng những từ ngữ sáng tạo tân kỳ độc đáo. Thi-hóa rộng nghĩa hơn thơ-mộng-hóa. Thơ mộng hóa chỉ là một khía cạnh của thi hóa: khía cạnh làm đẹp, hoặc làm huyền ảo lãng mạn. Còn thi hóa có thể còn thêm khía cạnh thần bí, siêu hình. Nhưng thần bí siêu hình hơi nghiêng về khuynh hướng tôn giáo, nên thiết nghĩ dùng từ ngữ hoang-vu-hóa xác đáng hơn với chủ đích của tác giả là làm tăng thêm vẻ quạnh hiu của thiên nhiên. Tức là tác giả muốn hoang vu hóa một quần đảo vốn đã quạnh hiu. Vốn quạnh hiu, vì hầu như từ tiền bán-thế-kỷ 20 trở về trước, người ta đã lãng quên nó ngoài Biển Ðông. Lúc bấy giờ chắc chưa có thăm dò trữ lượng dầu chất chứa dưới đáy biển sâu của vùng quần đảo này.
Hoang vu hoá một tạo vật vốn đã hoang vu, vậy coi như vô tình tác giả ngược dòng với thời thế đang có cuộc tranh chấp chủ quyền của vùng đảo Trường Sa. Các nước Việt Nam, Mã Lai, Phi Luật Tân, Brunei, Trung Quốc, Ðài Loan… đang tranh chấp để trong tương lai xóa bỏ hoang vu của nó bằng những căn cứ hải quân, phi trường, giàn khoan dầu, cơ xưởng chế biến. Ngược lại, hoang vu hóa chính là đưa tạo vật trở về thiên nhiên nguyên thủy, hoặc làm cho nó càng thêm hiu quạnh:

Trường Sa! Trường Sa! Ðảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi


Mùa Ðông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh lớn
Mà Hiu Quạnh lớn vẫn làm ngơ


Ðảo hoang, vắng cả hồn ma quỉ
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên.

Nhà văn Tchya Ðái Ðức Tuấn đã hiển linh hóa Thần Hổ, nhà văn Herman Melville đã thần bí hóa cá voi trắng Moby Dick, nhưng thi sĩ Tô Thùy Yên thì chỉ tăng cường hoang vu cho hiu quạnh. Công việc đó rất gần với “sa mạc lan dần” (Bùi Giáng), với “Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất” (Phạm Công Thiện). Thần Hổ đi đâu cũng có những bóng ma nạn nhân theo hầu cận để tìm kẻ thay thế cho oan hồn mình được siêu thoát, cá voi trắng Moby Dick lặn nơi nào dưới đại dương cũng có bầy chim linh hộ vệ bay quần ở trên không. Ðảo hiu quạnh của Tô Thùy Yên cũng có những vầng khói đen của bầy chim biển như đã ở đó từ thời tiền sử, và những người lính thú đến đây như cũng muốn sống lại đời sống nguyên thủy:

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
Kinh động đất trời như cháy đảo
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân
Ta ngồi bên đống lửa man rợ
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi…

Nhưng tại sao tác giả hoang vu hóa một tạo vật thiên nhiên vốn đã quạnh hiu ngoài đại dương? Vì hiu quạnh hoang vu nhỏ nhoi ấy chính là hóa thân của kiếp người hữu hạn đối diện với mênh mông:

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng duơng khóc trắng trời.

Thay vì đưa chính trị vào thi ca viết về đề tài đang có sự tranh chấp chủ quyền, hay có cái nhìn quân-sự-hóa đối với một quần đảo chiến lược, Tô Thùy Yên đã thi hóa bằng cách cho sa mạc lan dần, hiu quạnh lớn thêm. Nội ý hướng ấy cũng đã là thi ca, huống chi bài thơ này là một điển hình về sáng tạo ma lực ngôn ngữ, một đặc điểm nổi bật trong toàn bộ sự nghiệp thi ca của tác giả Tô Thùy Yên. Cần phải nói thêm: nội dung bài thơ tuy có vẻ nằm ngoài chính trị và thời thế, nhưng Tô thùy Yên đã làm cho quần đảo thật ấn tượng bằng ngôn ngữ thơ tân kỳ, vậy cũng đã là cách gợi cho chúng ta thêm đậm tình để ghi nhớ nơi đó mãi mãi là một phần hồn của Tổ Quốc.

Trần Văn Nam
City of Walnut, California