Đi suốt dọc quầy rau tươi, vẫn chưa tìm được bó rau tía tô nào. Có lẽ hôm
nay rau về chưa kịp. Tôi định chọn bó rau thơm nhưng nghĩ đến món bún bò Huế,
chắc chắn là rau tía tô sẽ thích hợp hơn. Món ăn có được hương vị đậm đà ngoài
việc gia giảm nêm nếm gia vị, còn tùy thuộc vào hương vị của từng loại rau. Ăn
phở, nhất định là phải có rau húng quế, ngò gai. Ăn bún riêu, không thể nào
quên mùi rau kinh giới. Còn món bún bò Huế, nhất định là phải có mùi hương của
tía tô và chút rau răm để tăng thêm phần hấp dẫn của tô bún đặc sản miền sông
Hương núi Ngự. Chưa nói tới là phải có vị nồng cay của ớt mới thật là đúng
điệu. Ông bà ta xưa rất cầu kỳ và có nhiều kinh nghiệm trong việc ăn uống, xem
đó như là một nghệ thuật cao. Nghệ thuật ăn uống đã đi vào đại chúng với vô số
những câu ca dao truyền khẩu có, thành văn có. Nhiều câu chúng ta hầu như đã
thuộc nằm lòng:
Con gà tục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng
Thế mới biết là món ăn cũng phải tùy thuộc vào từng hương vị của mỗi loại
rau là vậy.
Tôi cầm bó rau nhìn qua ngắm lại tần ngần. Cuối cùng tôi bỏ lại và quyết định
đến khu chợ Á đông khác. Để tô bún bò Huế mất đi hương vị đậm đà thì thật là
uổng công cho người nấu mà cũng phụ lòng người ăn. Thôi thì chịu khó mất công
một chút để được trọn vẹn cả đôi đường. Vừa dợm bước, tôi bỗng nghe tiếng chân
chạy lao xao và tiếng reo vui:
– Ồ, Ba ơi, có trái thù lù…
Câu nói bất ngờ chợt làm tôi xúc động, thoáng bâng khuâng nghĩ về một kỷ
niệm xưa. Tôi khẽ liếc lên hàng kệ trên cao, nơi bày bán loại trái Potomalis.
Đây là loại trái đặc biệt có lớp vỏ mỏng như giấy bao bọc phía ngoài. Khi lớp
vỏ giấy bên ngoài khô giòn đổi màu vàng úa thì trái bên trong đã đến độ chín.
Vỏ bọc càng khô, trái càng chín nẫu. Trái có vị ngọt đậm pha lẫn chua. Kết cấu
bên trong là nhiều hạt nhỏ như hạt cà chua nhưng vỏ của trái có độ dày hơn.
Loại trái này hầu như được bày bán rất nhiều tại các chợ Mỹ. Tôi hoàn toàn
không biết dùng để nấu món gì nhưng chắc chắn là không phải để ăn thường như
các loại táo, nho…
Mỗi lần thấy nó, tôi liên tưởng ngay đến trái thù lù ở quê nhà. Nếu gọi là
thù lù thì chính trái Potomalis ở đây mới đúng nghĩa, bởi vì nó to… thù lù. Còn
ở quê nhà, trái chỉ to bằng đầu ngón tay út. Họa hoằn lắm mới có một trái tạm
gọi là to, nhưng cũng chỉ nhỉnh hơn chút mà thôi.
Nhỏ như vậy sao lại gọi là trái thù lù? Hay là vì nó tròn vo, đầy đặn, bóng
lưởng lúc đến độ chín! Cũng có thể gọi như vậy từ một nghĩa khác. Tiếng gọi
nhân gian truyền khẩu, cũng có lý do và ý nghĩa riêng của nó. Định bụng hôm nào
rảnh rỗi ghé qua thư viện để tìm hiểu về loại trái cây này.
Vừa lúc đó, chú bé đã liến thoắng chạy đến bên cạnh tôi, nhón chân để nhìn
cho rõ mớ trái Potomalis chất đầy trên kệ. Tôi im lặng âm thầm theo dõi. Đôi
mắt chú sáng rực, không phải biểu lộ sự thèm thuồng mà là sự ngạc nhiên thích
thú. Chú rón rén cầm lấy một trái quan sát rất kỹ rồi buộc miệng:
– Chu cha, to quá!
Tôi suýt phì cười. Câu nói đó tôi cũng đã có lần buộc miệng khi lần đầu tiên
nhìn thấy những trái Potomalis, những ngày chân ướt chân ráo đến định cư tại
đây. Vẻ mặt chú rạng rỡ. Chú nâng niu trái Potomalis trên tay rồi dáo dác nhìn
quanh, ý chừng tìm kiếm người Cha để chia xẻ niềm vui bất chợt. Vừa lúc đó, có
tiếng chân phía sau tôi và tiếng nói, giọng miền Trung:
– Con đang tìm chi đó, Cu Tí?
Chú bé có tên là cu Tí, chắc chắn chỉ là tên gọi thường ngày trong nhà, vừa
thấy Cha, chú mừng rỡ:
– Trái thù lù nè Ba!
Người Cha bước tới, nhìn trái Potomalis trong lòng bàn tay nhỏ nhắn của con.
Ông có vẻ ngạc nhiên:
– Phải không đó? Sao mà hắn to dữ ri?
Cu Tí nhà ta làm ra vẻ sành sỏi:
– Phải mà, Ba. Trái thù lù đó. Bộ Ba không thấy ở Mỹ cái chi cũng to hết.
Người Mỹ, hắn cũng to gấp mấy người mình..
Người Cha vẫn chưa hết ngạc nhiên:
– Đâu? Con đưa Ba coi thử.
Ông ta vội vàng cầm trái Potomalis từ tay thằng Tí, mân mê lớp vỏ bên ngoài
rồi ngắm nhìn kỹ cái trái vàng bóng bên trong. Cuối cùng ông gật gù:
– Đúng là trái thù lù rồi. Mà sao hắn to dữ hè?
Cu Tí nhìn ông, cười sảng khoái:
– Ở Mỹ mà Ba.
Ông ta không nói gì, bỏ trái lại chỗ cũ. Thằng Cu Tí thấy vậy, vội vàng nói:
– Lát nữa Ba mua cho con mấy trái ăn thử, nghe Ba!
Tôi thấy ông ta ngần ngừ một thoáng rồi mới nói với con:
– Thôi, để Ba mua táo với nho con ăn cho “đã”. Mấy loại trái ni bên nhà có
khi mô mà con được rớ tới. Ăn trái thù lù ngon lành chi! Ở bên nhà con ăn hoài
rồi…
Tôi thấy mặt Cu Tí phụng phịu, nó nắm lấy tay áo của Cha giật nhẹ, mặt ngước
nhìn lên, nài nỉ:
– Đi Ba! Mua cho con đi. Con thèm lắm!
Trong ánh nhìn thơ trẻ đó, tôi hình như thấy một nét buồn xa vắng. Không
phải là nét buồn vì không thỏa mãn được lòng mong muốn. Nó còn hơn thế nữa. Vời
vợi đến nao lòng. Tôi chỉ cảm nhận mà không diễn tả được.
Người Cha vẫn chưa thấy trả lời. Cu Tí lại nài nỉ:
– Mấy trái thù lù mọc trên mộ Mạ con, ăn ngọt lắm. Con muốn ăn lại trái thù
lù, con nhớ …
Tự nhiên tôi sững người. “Mấy trái thù lù mọc trên mộ Mạ con, ăn ngọt
lắm”. Những tiếng nói đó như xoáy vào tim tôi, đau nhói. Câu nói này tôi
cũng đã có lần nói với anh tôi, từ gần bốn mươi năm trước, khi hai anh em trên
đường về xóm nhỏ “Mấy trái thù lù mọc trên mộ Mạ, ăn ngọt thiệt ”.
Ngày đó, tôi cũng trạc tuổi như Cu Tí bây giờ..
Tôi thẩn thờ bỏ bó rau xuống và quày quả ra xe. Hình ảnh và câu nói trùng
hợp đã làm tôi xúc động đến nghẹn ngào. Tôi muốn ngồi yên lặng một mình để dịu
bớt nỗi buồn chợt đến từ một câu nói trùng hợp vô tình đã khơi dậy trong tôi
những kỷ niệm buồn về những ngày thơ ấu. Những trái thù lù vàng bóng nằm bên
trong lớp vỏ lụa mỏng khô đã cho tôi niềm vui thơ dại.
Tôi không biết tự lúc nào, cây thù lù đã mọc bên cạnh mộ Mẹ tôi. Lứa trái
bói đầu tiên tôi được ăn là những ngày tôi còn học ở trường tiểu học Đa Nghĩa
rồi chuyển lên trường Bạch Đằng. Ngay cả khi tôi vào trung học Trần Hưng Đạo,
những trái thù lù vàng óng vẫn là niềm vui khi tôi ghé thăm mộ Mẹ. Sau này, khi
đã vào đời , những trái thù lù vẫn mãi là niềm vui đối với tôi. Tuy ở vào mỗi
thời điểm, niềm vui có những trạng thái khác, nhưng vẫn là niềm vui mà tôi
không thể nào quên được. Nó gắn liền vào cuộc đời tôi về hình ảnh người Mẹ đã
bỏ tôi đi khi tôi còn quá nhỏ.
Nhưng có lẽ, kỷ niệm về trái thù lù mà tôi nhớ nhất là những tháng, năm trải
dài tuổi thơ của tôi trong cái xóm đình Đa Cát, một khu xóm nghèo cùng cực.
Người lớn thì lam lũ suốt ngày lo thắt ruột vì miếng ăn. Trẻ con thì đầu trần
chân đất quanh năm suốt tháng. Chính cái vị ngọt chua đằm thắm của từng trái
thù lù chín mọng đã là niềm vui lớn của tôi. Đúng, phải nói là một niềm vui
lớn. Bởi vì tuổi thơ của tôi là những chuỗi ngày dài ăn chưa đủ no, thèm mà
không có. Cảnh đói nghèo mà cái xóm đình Đa Cát của tôi phải triền miên chịu
đựng đã là nguyên do để cho những người trong xóm phải tha phương cầu thực.
Người đi xa khuất nẻo thì không biết thế nào nhưng những người còn lại thì
quanh năm suốt tháng vẫn cứ ôm cảnh đói nghèo. Và thèm, thèm đủ thứ.
Vì thế cho nên khi phát hiện cây thù lù mọc gần mộ Mẹ tôi có những trái mọng
vàng ngọt chua đến lịm cả lưỡi thì làm sao tôi không vui cho được! Cứ tưởng
tượng khi ngậm trái thù mát rượi vào miệng rồi cắn nhẹ. Cảm giác đầu tiên là
chất nước ngọt ngào ứa ra rồi sau đó là những hạt nhỏ khi nhai có vị chua làm
tê đầu lưỡi. Vị ngọt và chua hòa quyện lẫn nhau tạo nên một cảm giác thật khó
mà diễn tả. Nó làm dịu lại những thèm khát lâu ngày. Mỗi lần lên thăm mộ Mẹ trúng
mùa trĩu quả, tôi thật không thấy niềm vui sướng nào bằng. Trong trí tưởng
tượng của tôi ngày đó, tôi cứ nghĩ là Mẹ đã trồng cây thù lù này dành cho anh
em tôi. Bởi vì, trải dài qua hai ngọn đồi rộng lớn của khu Mả Thánh chỉ toàn là
loại cỏ tranh và cây ngũ sắc. Thưa thớt, có vài lùm bụi sim rừng và những cụm
bông vạn thọ, loại bông vạn thọ núi hoa nhỏ có màu vàng pha đỏ sặc sỡ và lá nhỏ
màu xanh đen đến mùa nắng trở màu vàng cháy.. Vậy mà, bên cạnh mộ Mẹ tôi lại có
cây thù lù quanh năm tranh sống với loài cỏ tranh, một loại cỏ không chịu chung
chạ với bất cứ loại cây cỏ nào. Như một phép lạ, cây thù lù vẫn cứ vươn mình
ngạo nghễ và cứ vẫn đều đặn ra hoa đậu quả. Teo tóp khô cằn trong mùa Đông
nghiệt ngã rồi lại đâm chồi nẩy lộc vào độ Xuân qua để kịp cho những quả mọng
vàng bóng lưởng vào mùa Hè.
Đó cũng là lý do tôi thường lên thăm mộ Mẹ vào mùa Hè. Khu nghĩa trang vắng
lặng vàng hoe dưới ánh nắng. Những lùm cỏ tranh đã đến kỳ vàng cháy, ngả
nghiêng xơ xác. Cây thù lù bên cạnh mộ Mẹ tôi vẫn giữ nét phong độ của những
ngày Xuân. Lá tuy thưa thớt ngả vàng nhưng thân mộc vẫn sung mãn vươn lên oằn
sai những quả. Lớp thì đang vàng chín trên cây, lớp thì chín muồi rụng xuống.
Mỗi lần lên thăm mộ, hai anh em tôi tranh nhau lượm quả chín. Anh tôi thì lúc
nào cũng có vẻ chậm chạp (sau nay tôi mới nghĩ ra là anh có ý nhường nhịn cho
tôi) nên phần anh giành được rất ít. Lượm trái rụng xong lại giành nhau hái
những trái chín vàng trên cây, Sau đó, hai anh em nằm ngả ra đám cỏ tranh khô,
vàng cháy nheo mắt nhìn những đám mây trời và bắt đầu nhâm nhi từng trái thù
lù. Mây trời khi tụ khi tan, biến dạng thành những hình thù quái dị theo trí
tưởng tượng của chúng tôi.
Khi tôi vào Trung học thì anh tôi đã vào đời rất sớm và không còn ở bên
cạnh. Cây thù lù đã trở thành vật sở hữu riêng tôi. Những lần lên thăm mộ vào
mùa Hè cây oằn sai những trái chín nhưng sao lòng tôi không còn háo hức như
ngày nào. Vị ngọt ngào chua thanh vẫn tê lịm đầu lưỡi làm dịu những cơn thèm
khát nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn, một nỗi buồn không diễn tả được. Chỉ cảm nhận
như có một sự trống vắng, hụt hẫng. Thường thì tôi ngủ thiếp đi cho đến lúc cảm
thấy lành lạnh mới chợt giật mình thức giấc. Và buồn bã ra về dưới bầu trời bắt
đầu thỏang mù hơi sương…
Sau này, khi khôn lớn vào đời, hình ảnh cây thù lù và những trái chín vàng
bóng lưởng vẫn theo tôi mãi không rời. Thời gian này tôi không còn có dịp tìm
lại được vị ngọt ngào chua thanh của trái đang vào mùa chín rộ. Cuộc sống rày
đây mai đó đã đẩy xa tôi những cảm giác ngày xưa và lại càng không có dịp tìm
lại hương vị của những giờ phút nằm ngắm mây trời, nhâm nhi từng trái ngọt. Thi
thoảng, có về thăm nhưng vào những dịp trái mùa. Theo thời gian, thân gốc tuy
đã già nua cằn cỗi nhưng vẫn tranh sống với loài cỏ tranh, vẫn xanh tốt xum
xuê.
Những ngày xa quê, tôi vẫn còn giữ những kỷ niệm thời thơ ấu với vị ngọt
ngào chua thanh của trái thù lù chín tới. Mãi mãi trong đời, tôi chẳng thể nào
quên được…
“Cu Tí! Khi anh viết câu chuyện này chắc chắn là em đã trưởng thành.
Thành phố nhỏ bé này ngó vậy mà rộng lớn bởi vì anh có ý tìm em mà không hề
gặp. Có thể là từ sau lần giáp mặt lần đầu tiên trong khu chợ Á Đông, gia đình
em lại dời qua nơi khác. Cũng có thể duyên may chỉ đến với anh em mình một lần
duy nhất đó. Nhưng dầu thế nào đi chăng nữa, anh cũng mong rằng em có dịp đọc
được câu chuyện này để chia sẻ cùng anh một cảnh đời trùng hợp.
Được sống lại những cảm giác bồi hồi, dù chỉ là giây phút, về một kỷ
niệm xưa cũng là niềm hạnh phúc trong đời.”
Anh gởi đến em, Cu Tí, niềm hạnh phúc nhỏ nhoi này để nhớ về một tình cờ
giáp mặt…
Viết dưới hiên trăng
Trần Huy Sao