27 September 2016

PHÂN CẢNH - Trương Đình Phượng


– Cắt. Tên đạo diễn cau có. Tôi yêu cầu em diễn xuất chân thật giùm tôi có được không. Đây là phim hài, chứ không phải là thứ phim tình cảm sướt mướt mì ăn liền. Tại sao em cứ đưa bộ mặt u ám lên phim trường vậy hả.
– Dạ em xin lỗi, tại gia đình em có chuyện buồn. Mỹ Hạnh nói.
Tên đạo diễn cười khỉnh:

– Bộ em nghĩ chỉ có gia đình em mới có chuyện buồn thôi đấy hả? Cuộc sống mà ai chẳng có chuyện phiền muộn, nhưng em nên nhớ mình là diễn viên thì phải sắm cho tròn vai, tuyệt đối đừng để thực tế chen lần vào nghệ thuật, còn nếu như em không chiến thắng được bản thân thì tốt nhất nên bỏ nghề ngay từ bây giờ.
– Xin anh cho em thử lại một lần nữa. Mỹ Hạnh giọng trầm buồn. Em sẽ cố gắng hết sức, nếu anh vẫn không hài lòng em sẽ bước ra khỏi trường quay này không bao giờ trở lại nữa.

– Thôi được rồi, tôi cho em thêm một cơ hội. Mọi người chuẩn bị quay lại phân cảnh lúc nãy nào. Bắt đầu…
Tên đạo diễn vỗ tay lên trán kêu trời:
– Cắt. Gã càu nhàu. Mỹ Hạnh tôi thật sự đã cho em quá nhiều cơ hội, nhưng xem ra em không hợp với nghề diễn viên, mà cho dù có hợp thì theo tôi em đóng các vai đau khổ có lẽ tốt hơn. Rất buồn khi phải nói lời chia tay em, nhưng tôi không còn cách nào hơn. Cái tôi cần ở một diễn viên là nghệ thuật nhập vai chứ không phải là sự nhiệt tình mà không đưa lại kết quả.
Mỹ Hạnh cố nở một nụ cười:
– Cảm ơn anh, em hiểu mà.
Những bước chân nặng nề đưa Mỹ Hạnh rời trường quay.
Chiều thành phố, nghẹn ngào xe cộ, tiếng còi, tiếng văng tục như dàn hợp âm hỗn tạp. Mỹ Hạnh như người đi trong hoang mê, xung quanh với cô dường như chỉ là bãi tha ma trống vắng. Cô nghĩ tới mẹ cô, giờ này đang nằm trong bệnh viện…
Chờ mẹ ngủ say, Mỹ Hạnh lặng lẽ rời phòng bệnh bước ra ngoài.
Hôm nay mẹ cô ăn hết một bát con cháo, khiến lòng cô rất vui.
Chiều bệnh viện thinh lặng quá. Mỗi bệnh nhân ngồi trên ghế đá theo đuổi một ý nghĩ riêng, trên khuôn mặt buồn vui lẫn lộn.
Cả tuần nay, Tuấn không ghé qua thăm mẹ cô. Thường thì hôm nào anh cũng đến, có khi là buổi sáng, có lúc là buổi đêm. Gần đây có lẽ anh bận công việc. Lúc nãy Mỹ Hạnh gọi nhưng Tuấn không nghe máy.
Hai người yêu nhau đã được ba năm. Khoảng thời gian đấy với cô thật sự quá dài, nhiều khi cô muốn về cùng Tuấn dưới một mái nhà, nhưng lần nào cô đưa ra ý kiến Tuấn cũng bác bỏ, anh nói:
– Chưa được đâu em ạ, cứ từ từ đã, em yên tâm, chắc chắn anh sẽ cưới em làm vợ.
Mỗi lần như vậy, nếu là những cô gái khác hẳn sẽ lồng lộn lên nhưng Mỹ Hạnh chỉ gật đầu, nuốt tiếng thở dài vào tâm trí. Cô yêu Tuấn và cô nghĩ tình cảm mà Tuấn dành cho cô cũng nhiều như cô, thế nhưng nhiều khi trong ý nghĩ mệt mỏi cô lại có cảm giác mối tình của hai đứa nó cứ mong manh, bấp bênh thế nào ấy. Tuấn, một chàng trai phong độ, làm trưởng phòng kinh doanh của một công ty lớn, còn cô chỉ là một diễn viên quèn mới ra trường, tài sản chỉ là mấy vai diễn phụ trong chưa đến mười bộ phim. Gia đình Tuấn là gia đình giàu có, bố là giám đốc công an tỉnh, mẹ là hiệu trưởng một trường đại học danh giá. Gia đình cô là gia đình nghèo mạt, bố tai nạn chết từ khi cô còn nhỏ, mẹ cô thì ốm yếu không còn khả năng lao động. Hai anh chị cô thì lập gia đình sinh sống tận miền Nam.
Dù rất yêu Tuấn nhưng cô không dám đặt niềm tin vào câu chuyện cổ tích tình yêu thời hiện đại…
Mẹ Mỹ Hạnh chết đã một tuần. Cuối cùng bà cũng được giải thoát khỏi những cơn hành hạ của căn bệnh ung thư quái ác. Tuấn vẫn không xuất hiện, ngay cả hôm đưa tang mẹ cô. Mỗi cuộc gọi đi đều được đáp lại bằng lời tổng đài viên “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau”.
Như vậy là Tuấn đã bỏ rơi cô, ngay trong lúc cô cần hắn nhất. Không một bờ vai nương tựa, không một lời an ủi chân thành của người yêu, Mỹ Hạnh thấy cuộc đời sao mà vô nghĩa quá.
Chiều nào cô cũng ra mộ mẹ. Thắp nhang, ngồi nhìn làn khói theo gió bay về trời. Cứ thế cho đến khi cô bị nhấn chìm vào bóng tối nghĩa trang.
Có tiếng ho. Mỹ Hạnh giật nảy mình. Lúc này trong nghĩa trang làm gì còn ai, ngoài cô, có lẽ nào là ma. Cô dáo dác nhìn quanh. Im lặng. “Mình thần hồn nát thần tính rồi, về thôi”. Cô đứng lên. Vừa ra đến cổng Mỹ Hạnh lại nghe thấy tiếng ho ấy. Đúng rồi, chắc chắn trong nghĩa trang còn có người nào đó. Tiếng rên hừ hừ, hình như người đấy đang bị bệnh.
Hay là linh hồn của mẹ. Mỹ Hạnh quay trở lại, chạy tìm khắp các ngôi mộ. Vắng tanh. Chỉ có tiếng côn trùng xoi xói gọi nhau.
Mỹ Hạnh để tay lên ngực, nén chặt trái tim. Cô hét lên :
– Ai, ai đấy, lên tiếng đi đừng dọa ma dọa quỷ nữa.
– Tôi ở đây, tôi mệt lắm.
Tiếng nói như tiếng yêu ma từ dưới đất vọng lên. Mỹ Hạnh bấn loạn tình thần.
– Á.
Mỹ Hạnh hét lên đầy hoảng sợ, trước mặt cô một cái đầu bù xù đang nhô lên từ sau ngôi mộ trắng. Chân tay run lẩy bẩy, toàn thân toát mồ hôi, Mỹ Hạnh khụy xuống. Tiếng kẻ đấy lại vang lên, uể oải rã rời :
– Cô đừng sợ…tôi…tôi không phải là ma.
Mỹ Hạnh lấy hết can đảm hỏi :
– Ông là …ai ?
– Tôi là kẻ hành khất. Nơi đây là chốn nương náu của tôi, xin lỗi đã khiến cô sợ.
Vừa nói gã vừa từ sau ngôi mộ bước ra. Chân gã bị thọt.Ánh đèn nghĩa trang chiếu lên khuôn mặt gã, một khuôn mặt đầy râu ria, nhưng đôi mắt trông thật đẹp.
Đôi mắt ấy làm tâm hồn Mỹ Hạnh bình tĩnh trở lại. Gã đưa bàn tay ra khẽ nói trong cơn ho :
– Để tôi giúp cô dứng dậy.
Không hiểu sao Mỹ Hạnh lại trao bàn tay mình cho gã đàn ông kỳ quái.
Vừa đứng dậy cô đã giật tay ra khỏi tay gã và đứng thụt lui ra một khoảng cách an toàn.
– Mẹ cô mới mất hơn tuần nay phải không. Gã nói.
– Đúng vậy. Mỹ Hạnh đáp.
– Chiều nào tôi cũng thấy cô ra đây.
– Anh theo dõi tôi sao?
– Không có, chỗ ở của tôi là trong nghĩa trang này mà, không muốn cũng phải nhìn thấy người ta thôi.
– Sao anh lại làm nghề này?
Gã thở dài:
– Quê tôi ở tận Miền Trung, tôi ra mưu sinh ngoài này cũng được gần chục năm nay, dạo trước tôi làm phụ hồ trong các công trình xây dựng, một lần bị sập giàn giáo, tôi bị thương nặng, ba người còn lại đều chết hết. Sau khi xuất viện tôi không còn cách nào đành đi ăn xin.
– Sao anh không mướn nhà mà ở, ở chi ngoài chốn mồ mả này.
Gã cười:
– Tôi cũng muốn tìm một chỗ trọ lắm chứ, nhưng giá thuê nhà ở thủ đô mắc quá, đành làm kẻ canh nghĩa trang bất đắc dĩ vậy.
Mỹ Hạnh ái ngại hỏi:
– Những ngày khô ráo thì không nói làm gì, còn những khi lạnh rét và mưa gió thì anh làm sao ở đây được?
– Bình thường thôi mà, cô có thấy mấy ngôi mộ to kia không, chúng đều có mái che cả đấy thôi, mưa thì tôi chui vào đấy, lạnh thì đã có chăn.
Gã lại ho, hai tay ôm lấy ngực, từng cơn ho dữ dội. Mỹ Hạnh thụt lùi thêm mấy bước. Hắn mà bị bệnh nan y thì …
Gã nhìn thấy biểu hiện của cô, liền cũng thụt lùi mấy bước.Run run nói:
– Cô yên tâm tôi chỉ bị cảm thôi, không có bị ho lao đâu mà cô sợ.
Hai má Mỹ Hạnh bất giác nóng bừng:
– Tôi xin lỗi anh.
Gã cười thiểu não:
– Không sao đâu cô, tôi bị người đời khinh rẻ quen rồi.
Tiếng đàn u thảm và tiếng ca não nề của người hát rong từ ngoài đường vẳng vào khiến khu nghĩa trang thêm phần thê lương.

“Cũng đành xin làm người hát rong
Chỉ mong đời không chê trách
Chỉ mong chuyến xe muộn màng
Không dừng sớm khi đang rong chơi
Cũng đành xin làm người đến sau
Để nghe niềm đau phía trước
Tình như chiếc môi dịu ngọt
Treo hờ hững trên cây hoang đường”

– Cô về đi, xin lỗi đã làm phí phạm thời gian của cô.
– Không có gì mà, xin lỗi đã làm tổn thương lòng tự trọng của anh.
Mỹ Hạnh rời nghĩa trang. Gã ăn mày trở vào phía sau ngôi mộ. Tiếng ho rũ rượi hòa trong gió đêm, đuổi theo bước chân của Mỹ Hạnh.
Mỹ Hạnh ngồi bên bàn thẫn thờ cả tiếng đồng hồ. Tâm hồn cô như bị ngàn vết chém. Sự thật đang hiện hữu ngay trước mặt mà cô vẫn không thể tin được. Tuấn sắp cưới vợ. Người con gái mà Tuấn sắp rước về lại chính là Lệ Thủy, con bạn thân của cô, người mà có lần Tuấn xì môi nói: “Gái gớm gì ăn chơi trác táng thế, loại đấy có rải vàng chắc cũng chả ma nào nó ngó ngàng tới”. Vậy mà bây giờ, đứa con gái đấy lại đánh gục Tuấn. Cuộc đời thật trớ trêu làm sao.
Mỹ Hạnh gục đầu lên tấm thiệp mời. Nước mắt cô dàn dụa, ướt đẫm.
Gần đây cô đã chuyển qua làm việc cho một hãng phim mới, đạo diễn giao cho cô đóng vai chính diện, nhân vật là một người con gái bị phụ tình, đau khổ quá cô ta bỏ nhà lang thang khắp thành phố, một buổi chiều tan tầm cô ta lao đầu vào chiếc ô tô đang chạy trên đường tìm đến cái chết. Xe cán, cô gái bị chấn thương sọ não, mất hết ý thức về quá khứ và sống như người thực vật trong một bệnh viện tâm thần….
Hiện tại Mỹ Hạnh không hề có ý định sẽ vứt bỏ sự sống của mình một cách ngu ngốc như nhân vật chính trong phim. Nhưng cô đang bị chính kẻ cô yêu rất mực chân thành phản bội, giữa phim ảnh và đời thường thật sự có mối tương quan sao?
Chiều tàn. Thành phố xác xao buồn, dù dòng người đông đúc. Mỹ Hạnh lặng lẽ cho xe chạy chầm chậm trên con đường về.
Chiều nay trái tim cô chất đầy cay đắng, cuộc sống xung quanh với cô như bãi sa mạc hoang vu, cô bỏ ngoài tai mọi âm thanh, với cô lúc này chỉ cô đơn là tri kỷ.
Mỹ Hạnh cứ đi như vậy trong vô thức cho đến khi choàng tỉnh thì cô đã đến nghĩa trang thành phố. Hơn tuần rồi cô không ghé qua mộ mẹ, chiều nay mẹ cô dẫn dắt cô đến đây chăng?
Mỹ Hạnh chạy vội ra quán mua thẻ nhang và gói kẹo. Thắp nhang xong cô quỳ xuống trước mộ mẹ rung rức khấn:
– Mẹ ơi, con khổ lắm mẹ ơi. Tại sao hạnh phúc với con nó xa vời đến thế. Tuấn đã bỏ rơi con rồi mẹ à. Nghèo là cái tội phải không mẹ!
Trong làn khói bảng lảng, cô như nhìn thấy khuôn mặt mẹ cô, vẫn cái cười hiền hậu, ánh mắt đượm nỗi đời. Thoảng trong gió cô nghe lời khuyên của mẹ trìu mến dịu dàng:
– Con gái của mẹ, mạnh mẽ lên con, rồi tất cả sẽ qua con à. Sống phải có niềm tin chứ con, mọi thứ trên đời đều có cái giá của nó. Đừng khóc nữa con gái ngốc nghếch của mẹ.
Mỹ Hạnh vuốt nước mắt:
– Mẹ ơi, con không khóc nữa đâu mẹ à. Dù người ta có phụ bạc con con cũng không đau khổ đâu mẹ. Mẹ hãy tin vào con gái của mẹ, mẹ nhé. Có một ngày con sẽ cho kẻ đấy nhìn thấy bản lĩnh thật sự của con mẹ ạ.
Làn gió chiều tà, heo hắt lướt qua từng ngôi mộ. Mỹ Hạnh khẽ rùng mình. Cô đơn đan đặc.
Lá mùa thu rụng đầy những lối nhỏ nghĩa trang gợi lên sự thê thiết khôn cùng.
Khuôn mặt mẹ cô tan loãng vào làn khói hương hư ảo. Cô ngồi chìm giữa bơ vơ.
– Chào cô.
Mỹ Hạnh giật mình quay lại. Gã ăn mày, tên canh gác nghĩa trang bất đắc dĩ. Mỹ Hạnh nhoẻn cười:
– Chào anh.
Gã ngồi bệt xuống đám cỏ thở dốc:
– Lâu lắm không thấy cô ghé qua.
Mỹ Hạnh buồn buồn đáp:
– Gần đây tôi bận rộn với bộ phim mới nên không có ghé qua được. Rồi cô dịu dàng nói.Cảm ơn anh vì thời gian qua đã chăm sóc mộ mẹ tôi.
Những ngày vừa qua gã ăn mày thường xuyên hương khói cho mẹ Hạnh, mỗi ngày gã đều mua bánh kẹo hoặc trái cây tươi dâng cúng bà. Khi nãy Hạnh đến trên mộ vẫn còn nguyên nải chuối.
Gã nói:
– Có gì đâu, tôi xem mẹ cô cũng như mẹ tôi vậy mà. Mẹ tôi cũng mất hơn ba năm nay rồi, giọng gã bỗng chùng đi, tôi là một thằng con bất hiếu, ngày đưa tang mẹ tôi tôi không dám mò mặt về cô ạ. Tôi sợ xóm làng nhìn tôi bằng ánh mắt khinh thường, mang tiếng ra thành phố tìm tương lai mà lê tấm thân tàn tật về chỉ tổ cho thiên hạ phỉ nhổ. Con người Việt nam mình nơi đâu cũng vậy đó cô, họ suy nghĩ hời hợt lắm, nên chẳng bao giờ họ thấu hiểu được nỗi đau của kẻ sa cơ lỡ vận, họ chỉ biết nhìn vào thực tế của những kẻ thành đạt mà thôi.
Mỹ Hạnh cũng ngồi bệt luôn xuống bãi cỏ. Cô đan hai bàn tay vào nhau, ái ngại nói:
– Vậy anh định cứ sống mãi thế này sao. Rồi một lúc nào đó anh cũng phải về quê chứ?
Gã ngẩng nhìn bầu trời sắp tàn chiều, thở dài :
– Tôi cũng không biết nữa, có khi tôi sẽ chôn vùi thân xác ở cái thủ đô hoa lệ này cũng nên. Một sớm mai nào đó nếu tôi tàn hơi kiệt sức mà nằm trút linh hồn ngay trong nghĩa trang này cũng là một vinh hạnh đấy chứ cô nhỉ.Kiểu gì người ta cũng phải mua quan tài chôn tôi chứ, còn hơn là chết vật vờ ngoài lề đường như những mảnh đời vô gia cư không ai chôn cất.
Mỹ Hạnh trách khẽ:
– Anh nói nghe ghê chết. Sống phải có ước mơ tươi sáng chứ. Cứ suy nghĩ tiêu cực như anh thì làm sao mà khá lên được.
Gã cười chua chát:
– Ước mơ hả, ai mà chả có ước muốn về tương lai đẹp hả cô, trước đây tôi cũng là kẻ hay mơ mộng lắm đấy, nhưng càng trải qua nhiều ngày tháng bụi bặm, cuộc sống dạy cho tôi nhận thức ra thực tế không như là mơ cô ơi.
Phải rồi, cuộc sống muôn đời không như là mơ. Mỹ Hạnh nhìn gã ăn mày, tiếng cô nghèn nghẹn:
– Tôi hiểu ý anh, tôi cũng đang trải qua những ngày sống trong đau khổ.
Mỹ Hạnh kể hết những điều đang xảy đến cho cô. Nghe xong gã đấm tay xuống đất văng tục:
– Đúng là chó chết. Lẽ ra trong những ngày này hắn phải ở bên giúp cô thoát khỏi nỗi buồn đau chứ. Tại sao hắn lại đang tâm rời bỏ cô để đi tìm hạnh phúc riêng tư. Tôi mà gặp hắn tôi thề sẽ đấm bể cái bản mặt khốn kiếp của hắn.
Mỹ Hạnh bất giác rùng mình dù cô biết sẽ chẳng bao giờ có cái ngày Tuấn và gã ăn mày này gặp nhau.
Đêm buông nhanh. Những ngọn đèn ngoài đường đã được bật lên, chiếu vào khu nghĩa trang, khiến cho những ngôi mộ thêm phần rùng rợn. Nếu là trước đây có lẽ Mỹ Hạnh đã vắt chân lên cổ chạy thục mạng nhưng bây giờ tiếp xúc với gã ăn mày này, lòng cô bỗng chốc không còn cảm giác sợ hãi vớ vẩn nữa, người chết họ cũng như mình vậy thôi, mình không làm điều xấu với họ thì chẳng phải lo họ đối xử tệ với mình.
Gã ăn mày châm thêm hương, cắm vào chiếc bình trên mộ mẹ Mỹ Hạnh, lâm râm khấn.
Mỹ Hạnh chợt ứa nước mắt trước sự chân thành của gã. Trong một phút cô bỗng muốn lao ngay tới ôm chầm lấy gã để gục đầu lên vai gã mà khóc cho nguôi khuây nối u uất trong lòng, và cũng để cảm tạ tấm lòng của gã đối với linh hồn mẹ cô. Nhưng rốt cuộc cô kiềm chế lại. Không phải cô ghê tởm sự bẩn thủi của gã, mà cô ngại.
Trong một thoáng những luồng tư tưởng lao qua đầu cô, Mỹ Hạnh nghĩ, hay là mình trao tình cảm yêu thương cho gã ăn mày này. Không yêu được kẻ giàu thì mình yêu kẻ bần cùng nhất xã hội vậy.
Ở cái dân tộc Việt này vĩnh viễn còn tồn tại quan niệm môn đăng hộ đối, chính điều ấy là chiếc còng thít chặt cuống họng của hạnh phúc lứa đôi, làm cho nền văn hóa cũng như nhận thức của bấy nhiêu con người chỉ quẩn quanh trong ao tù.
Tuấn, anh phụ bạc tôi, anh tưởng tôi sẽ đau khổ và tuyệt vọng lắm nhỉ. Anh nhầm rồi, Mỹ Hạnh này không dễ gì gục ngã đâu. Anh cứ vui say trong men nồng hạnh phúc của anh và Bích Thủy đi, riêng tôi, tôi sẽ tìm đến hạnh phúc theo cách của tôi.
Mỹ Hạnh bước đến bên cạnh gã ăn mày, giọng quan hoài:
– Anh ăn tối chưa vậy. Hay là anh cùng tôi đi ăn cơm quán nhé.
Gã ăn mày lắc đầu:
– Thôi không cần đâu, tôi có mua một suất cơm bình dân đây rồi, cô là người sang trọng, tôi là kẻ dơ dáy cùng cô vào nhà hàng không tiện mắt đâu.
Giọng Mỹ Hạnh hơi bất mãn:
– Anh nói vậy là không coi tôi là bạn anh rồi. Từ nay tôi mong anh đừng giữ khoảng cách quá xa vời với tôi như thế. Bản thân tôi cũng chỉ là đứa con gái nhà nghèo thôi.
Gã gật đầu:
– Tôi biết rồi, xin lỗi cô.
– Mà quên đi mất, anh tên gì nhỉ.
– Tôi tên Đức. Gã đáp. Ngày trước bố tôi đặt tôi cái tên đấy là mong muốn sau này tôi trở thành một người đàn ông đức độ đó cô. Gã cười ha hả.
Mỹ Hạnh cũng cười theo:
– Đấy lúc nào anh cũng vui vẻ thế có tốt hơn không?
Đêm nghĩa trang bỗng tràn đầy không khí ấm áp, sự ấm áp của tình giao ngộ. Hạnh nhìn ra đường. Trong tâm trí cô xuất hiện một cánh cổng dẫn đến ngày mai sáng lạn. Gã ăn mày cũng đang nhìn Mỹ Hạnh chăm chú, ánh mắt gã ngập tràn thứ xúc cảm vừa ngọt ngào vừa chát đắng. Hình như gã đã yêu.
Bộ phim ‘Những họng gió biết đùa’ đã quay xong phân cảnh cuối cùng. Tay đạo diễn Long Tu Hút cầm tay Mỹ Hạnh, xúc động nói:
– Cảm ơn em, em chính là linh hồn của bộ phim. Em diễn xuất tuyệt vời lắm. Rồi đây em chắc chắn còn tiến xa trong sự nghiệp diễn viên. Tôi đã nhìn thấy tương lai rạng rỡ của em.
Mỹ Hạnh cảm động đến nghẹn ngào:
– Em phải là người cảm ơn anh mới đúng, trong lúc em đang ngơ ngác giữa dòng đời thì anh là người ra tay cứu vớt em, cho em được sống tiếp với niềm đam mê của mình. Anh là một đạo diễn vừa có tài vừa có tâm.
– Này này, hai người tâng bốc nhau vừa thôi nhá. Tung qua hứng lại thế đủ rồi đó. Đạo diễn xuất sắc, diễn viên đỉnh cao cái con khỉ mốc, không có thằng biên kịch thì các người lấy quái gì mà dựng phim hả!
Một gã đàn ông gầy đét, tóc hói gần trụi đầu, đang lựng khựng tiến về phía hai người. Long cười giả lả:
– Gớm chưa kìa, nhà biên kịch tài ba Trịnh Can của chúng ta phật ý rồi cơ đấy.
Trịnh Can đưa tay nâng cặp mắt kính dày cộm cười nham nhở:
– Ái chà, chửi xéo nhau đấy hử? Gã đã đến gần, đưa mắt nhìn Mỹ Hạnh như tay đầu bếp xăm xoi con cá, chép miệng. Đẹp, đẹp thật. Bữa giờ mải mê với bộ phim bây giờ có thời gian rảnh ngắm mới thấy cô em có một sức hấp dẫn ‘Nguy Hiểm’ chưa từng thấy. Nhìn cô em khiến cho anh nảy sinh ý tưởng về một tác phẩm cổ trang đình đám . Hiện nay đề tài phim cổ trang đang cực kỳ khan hiếm trong nền điện ảnh nước nhà. Phong thái của cô em rất phù hợp cho các vai diễn mỹ nhân thuở xưa.
Gã quay sang Long, tiếp. Ông bạn, ông có dám cùng tôi thực hiện một dự án kinh thiên động địa không hả? Bao nhiêu năm nay tôi ấp ủ về một kiệt tác phim lịch sử nhưng tìm mãi chưa thấy diễn viên nào xứng tầm nay có cô em đây quả là món quà ông trời ban cho, nếu chúng ta thực hiện được bộ phim này tôi đảm bảo danh tiếng của cả ba chúng ta sẽ nổi lên như cồn.
Long nhíu mày suy nghĩ một lát, thận trọng nói:
– Dự định của anh nghe cũng hấp dẫn phết đấy. Nhưng tôi thấy nó có vẻ mạo hiểm quá.
Những năm qua bao nhiêu tay đầu tư cả trăm tỷ thuê cả phim trường Trung Quốc, mướn cả đạo diễn diễn viên của họ, cuối cùng còn bị ném gạch đá tơi tả đấy. Tụi mình làm gì cũng nên tình toán, không khéo là chết cả đám.
Trịnh Can cười hô hố:
– Tụi kia chết là chết vì ngu chứ không phải do tài năng không đủ. Phim cổ trang của Việt Nam mà làm theo phong cách Tàu thì có mà ăn cứt. Tay biên kịch của những tác phẩm đấy thật sự có tài đấy, nhưng mấy tên thiết kế trang phục thì ngu như bò, chẳng chịu tìm hiểu về lịch sử thì lấy đâu tư liệu mà thiết kế cho đúng trang phục thời xưa. Ai đời phụ nữ sống cách đây hàng ngàn năm mà dùng đồ trang sức của thế kỷ hai mốt, son hàn quốc, hoa tai nhật bản, rồi còn cái khoản săm môi săm mắt, ghép lông mi, tệ hơn nữa là còn cho mấy ả diễn viên mặc coocxe thời thượng, mấy tay nam nhân đi giày da, mặc áo phông xi teen…báng bổ lịch sử quá. Bây giờ chúng ta mà làm là phải việt cổ hóa hết mọi thứ, từ phong cảnh tới phục trang, đạo cụ không được để bất cứ chút mùi hiện đại nào chen lẫn vào.
Long gãi đầu:
– Như vậy thì tốn kém lắm nhỉ?
Trịnh Can văng tục:
– Ông chán bỏ mẹ. Đã làm thì việc đếch gì phải sợ. Thiếu tiền thì đệ đơn lên cơ quan có thẩm quyền mà xin kinh phí.
Nãy giờ nghe hai người nói chuyện hăng hái quá Mỹ Hạnh nín thinh đứng ngoài cuộc. Trịnh Can lúc này mới sực nhớ còn có mặt cô vội vã nói:
– Hê hê xin lỗi cô em nhé. Tụi anh bàn bạc hăng máu quá, quên mất cô em đang ở đây, nên ăn nói xỗ sàng quá. Gã châm thuốc rít một hơi. Mà anh nói thật lòng nhé, cô em cũng nên học dần cách ăn nói cá chợ đi, làm nghệ thuật là phải biết chửi bậy chơi tục.
Long gắt nhẹ:
– Ông đi hơi quá xa rồi đấy.
Trịnh Can cười khoe hàm răng ám khói:
– Cái đéo, ông bạn bày đặt văn minh trước người đẹp hả.
Mỹ Hạnh chen vào:
– Không sao đâu, em không thấy phiền vì điều đó thì các anh bận tâm làm gì.
Trịnh Can vỗ tay:
– Thú vị, thú vị ghê, anh thích cô em lắm rồi đấy nhé.
Ánh mắt gã thoáng mùi dâm đãng. Long huýt cùi trỏ vào mạng sườn gã:
– Phỡn vậy đủ rồi cha nội. Bây giờ công việc cần thiết là lo cho xong khâu chỉnh sửa để bộ phim ra rạp đúng dự kiến chứ không phải đứng đây mà khua môi múa mép đâu.
Trịnh Can búng điếu thuốc dở, xì xằng:
– Biết rồi thưa bố. Gã quay lưng bước đi, một đoạn gã quay lại nhấp nháy mắt. Nè nhớ dự định về bộ phim cổ trang tôi nói nhé. Nhìn Mỹ Hạnh gã cười. Cô em cũng suy nghĩ xem sao nhé.
Mỹ Hạnh nhoẻn cười gật đầu:
– Dạ em sẽ suy nghĩ.
Long giật phăng chiếc giày dưới chân ném theo Trịnh Can:
– Thằng cha lắm mồm.
Trịnh Can ngoắng đít chạy, miệng cười hố hố.
Đêm nghĩa trang mưa lất phất. Từng hạt mưa mang theo mùi ẩm mốc khiến cho không khí đượm nỗi buồn. Mỹ Hạnh và Vũ Đức ngồi sát nhau dưới mái hiên của ngôi mộ. Mỹ Hạnh khá tự nhiên, nhưng Vũ Đức có vẻ hơi khó xử, gã cố ngồi thu mình lại như con tôm luộc, hình như gã tự cảm thấy “bản thân mình không xứng ngồi ngang hàng với người đẹp’’.
Mỹ Hạnh giơ tay hứng những hạt mưa, từng hạt xuyên qua kẽ tay lành lạnh, cô vui vẻ nói:
– Ngày còn nhỏ mỗi khi trời mưa bố mẹ em thì lo ngoắng lên còn em thi vui ơi là vui. Nhà dột tứ tung mẹ em phải lấy những cái thau cái chậu thậm chí là xoong nồi ra để hứng,trong khi đó em lại ra rả hát theo tiếng những giọt nước nhỏ xuống các dụng cụ ấy. Nằm trên giường em hay cho chân ra ngoài cửa sổ và vui thích cảm nhận cảm giác mát mát lạnh lạnh của những hạt mưa. Hồi đấy em hồn nhiên biết bao chả khi nào buồn.
Vũ Đức nói, giọng gã như gió thoảng:
– Hồi nhỏ ai cũng vậy mà, ngây thơ lắm nào có biết gì đến chuyện buồn đau nhân thế. Lớn lên trải qua bao nhiêu sóng gió trường đời đã gieo vào tâm tưởng chúng ta những suy nghĩ úa tàn.
Mỹ Hạnh quay sang nhìn Vũ Đức, dưới ánh đèn đường từ ngoài hắt vào, cô thấy ánh mắt gã ngập một trời bi thiết.
– Anh hứa với em từ nay không được nhắc tới chuyện phiền muộn nữa có được không? Từ nay em hi vọng chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua tất cả.
Vũ Đức nói:
– Cảm ơn em đã đồng cảm với hoàn cảnh của anh, nhưng dù sao em cũng là một diễn viên đang trên đà có tiếng tăm, anh không muốn vì anh mà em bị ảnh hưởng.
Mỹ Hạnh cầm tay Vũ Đức, giọng dứt khoát:
– Em thây kệ sự nổi tiếng ấy. Chúng ta chân thật quan tâm tới nhau thì có gì sai cơ chứ. Hoàn cảnh hai chúng ta đều nghèo khổ như nhau sao anh cứ phải phân biệt vai vế như thế, anh có biết điều đấy khiến em buồn lắm không?
Cái cầm tay bất ngờ của Mỹ Hạnh khiến Vũ Đức như người đang đứng dưới đất bỗng chốc được bốc lên tận trời xanh, tâm trí gã chao đảo, tim gã đập thình thịch. Bàn tay gã run lên trong tay Mỹ Hạnh, gã nói, cố nén mà hơi thở vẫn hồi hộp:
– Anh, anh hiểu tấm lòng của em đối với anh, nhưng xin em hãy để thời gian trả lời có được không, trước mắt anh nghĩ là em nên để tâm nhiều tới nghiệp diễn.
Mỹ Hạnh buông tay gã, cô bất giác thở dài:
– Ở trong chăn mới biết chăn có rận anh ạ, người ngoài nhìn vào cứ nghĩ là tụi diễn viên bọn em chắc hẳn sướng lắm nhưng thật ra thì nhục hơn cả con chó. Vì sự ưu ái của đạo diễn mà đấu đá nhau, nói xấu lẫn nhau, rồi bôi tro trát trấu vào mặt nhau. Rồi những tên đạo diễn biên kịch nữa, chúng tự cho chúng cái quyền sinh sát, điều khiển mình phải chiều theo ý chúng nếu muốn có vai diễn ‘đắt’. Để được đóng vai chính nhiều cô gái đã phải hy sinh thân xác mình đấy anh.
Vũ Đức rùng mình, gã bỗng thấy lo lắng cho Mỹ Hạnh, gã nói:
– Em hãy cẩn thận giữ mình nhé.
Mỹ Hạnh nói:
– Em biết mà anh, em sẽ không bao giờ để danh dự của mình bị xúc phạm chỉ vì một muốn có một chỗ đứng trong cái nghề nhiều trớ trêu này đâu.
Trời đã tạnh mưa, gió đêm dìu dịu. Những luồng ý nghĩ thay phiên nhau vần vũ trong tâm hồn Vũ Đức, không biết từ khi nào gã đã chủ động ngồi xích lại gần Mỹ Hạnh, và hai người đang nắm lấy tay nhau, lặng im nghe hơi thở của đối phương và mình hòa trộn.
– Tuần sau em sẽ đi Ninh Bình anh ạ.
– Vậy hả.
– Dạ, lần này em sẽ tham gia đóng phim cổ trang.
– Ồ hi vọng em sẽ làm tốt.
– Em cũng chưa biết nữa, vai diễn em đảm nhiệm là một cung phi có dã tâm, nhiều mưu mô xảo trá.
Vũ Đức đùa:
– Chuẩn với em rồi còn gì.
Mỹ Hạnh giả to tiếng:
– Á à, ý anh là bản chất em vốn xấu xa chứ gì?
Vũ Đức vội vã phân bua:
– Không, ý anh không phải như vậy, anh chỉ tiện miệng đùa vui thôi.
Mỹ Hạnh cười xòa:
– Em biết mà, hi hi, em ghẹo lại anh đấy.
Vũ Đức thở phào nhẹ nhõm:
– Vậy mà anh cứ tưởng em hiểu lầm ý anh.
Mỹ Hạng lè lưỡi nhát ma:
– Lêu lêu đàn ông gì mà nhát cáy thế.
Vũ Đức giơ tay nhéo Mỹ Hạnh:
– Hơi quá rùi nhé cô nàng.
Mỹ Hạnh vùng đứng dậy chạy đi :
– Thách anh đuổi kịp em đấy.
Hai người như hai đứa trẻ con chạy quanh trong nghĩa trang. Tiếng cười tươi vui hòa theo làn gió đêm. Đôi chân của Vũ Đức vẫn chưa bình phục nên gã bị Mỹ Hạnh bỏ lại một quãng xa. Mỹ Hạnh mải mê chạy, đến khi ngoảnh lại thấy Vũ Đức đã dừng lại, và ngồi thụp xuống, cô mới chợt nhớ ra chân gã bị thương tật, liền quay lại, ngồi xuống cạnh gã, cúi đầu nói, giọng ân hận :
– Em xin lỗi, em vô ý quá.
Bất ngờ Vũ Đức chộp lấy tay Mỹ Hạnh, gã cười đắc thắng :
– Ha ha em mắc bẫy anh rồi.
Mỹ Hạnh vùng ra, kéo theo cả Vũ Đức, cả hai ngã nhào, như có sự sắp xếp của ông trời, bờ môi hai người chạm vào nhau… Vũ Đức vội vã chống tay ngồi dậy, rối rít :
– Xin lỗi em, anh không cố ý.
Mỹ Hạnh cười tươi :
– Không có gì đâu anh.
Bốn mắt giao nhau, trong phút giây ấy mọi sự xung quanh như ngừng chuyển động. Những nhịp sóng tình yêu nhẹ nhẹ len lỏi vào từng tế bào cảm xúc. Họ chầm chậm xích vào gần nhau, rồi đôi bờ môi từ từ tìm đến đối phương, nóng bỏng, đê mê. Lần đầu tiên trong đời Vũ Đức thấy tâm hồn mình bão nổi. Còn với Mỹ Hạnh, cô bỗng cảm nhận được từ bờ môi Vũ Đức một cảm giác chân thành, rạo rực khác xa với nụ hôn mà trước đây Tuấn đã trao cho cô cả trăm lần.
Cô thầm nghĩ, có lẽ nào đây mới là tình cảm xuất phát từ sự cảm luyến trái tim ?
Đêm khuya dần, tiếng côn trùng bắt đầu thi nhau hòa thành dàn hợp âm của cõi khác. Mỹ Hạnh nói :
– Em về đây, hẹn gặp lại anh nhé.
Vũ Đức nói :
– Chúc em có một chuyến đi thành công.
Mỹ Hạnh rời nghĩa trang, Vũ Đức đứng nhìn theo, lòng ngổn ngang bao suy nghĩ. Gã vừa trở về sau một giấc mơ tuyệt đẹp, một giấc mơ mà từ xưa đến nay gã không bao giờ dám nghĩ đến. Lúc này gã chẳng khác gì tên nhà nghèo vô tình nhặt được xấp dolad, ngu ngơ không biết nên xử trí thế nào.
Gã có nên vô tư dang vòng tay đón nhận tình yêu của Mỹ Hạnh hay là chạy trốn khỏi cuộc tình này. Tự sâu thẳm trái tim trong những ngày qua gã nhận thấy tình yêu mà gã dành cho cô ấy đã và đang lớn dần, nhưng một mặt lương tâm gã lại bảo với gã, đừng nên tiến xa hơn vì như vậy chỉ khiến Mỹ Hạnh vì gã mà bị liên lụy tới sự nghiệp đang nở rộ của cô ấy. Nhưng đêm nay sau khi trải qua những việc vừa rồi, tâm hồn gã đã hoàn toàn bị đánh gục.
‘Mỹ Hạnh, liệu rằng em có thật sự yêu anh hay không, hay chỉ vì cảm hoài trước sự quan tâm chăm sóc ngôi mộ mẹ em của anh nên em mới làm như vậy ?’. Câu hỏi của Vũ Đức lặng lẽ chìm vào màn đêm thăm thẳm…
Sau ba tháng vật lộn trên phim trường, bất kể mưa nắng, phân cảnh cuối cùng của bộ phim cổ trang ‘Thay Triều Đổi Đại’’ đã đóng máy. Mỹ Hạnh cùng đoàn làm phim quay trở lại Hà Nội. Việc đầu tiên ngay hôm vừa về cô phóng xe ra nghĩa trang, ý định sẽ khoe với Vũ Đức về bộ phim. Nghĩa trang vẫn như cũ, đìu hiu buồn. Xung quanh vắng vẻ. Mỹ Hạnh bước đến ngôi mộ mẹ, những que chân hương đã cũ. Hình như từ hôm cô đi mộ mẹ cô vắng hẳn mùi nhang khói. Mỹ Hạnh hốt hoảng nhìn quanh tìm kiếm. Vũ Đức đã đi đâu ? Có lẽ nào ? Hạnh không dám nghĩ tiếp.
Có tiếng bước chân vang lên phía sau, Hạnh vui mừng quay lại, định hét lên, nhưng lời chưa ra khỏi bờ môi Hạnh đã phải nuốt trở vào. Người đến là một ông già, không phải Đức.
– Chào cô, cô có phải là diễn viên Mỹ Hạnh chăng ?
– Dạ, đúng rồi. Bác là ai ạ ?
– Tôi là người canh gác nghĩa trang này, tôi mới nhận công việc được hai tháng. Vừa nói ông ta vừa móc trong túi ra một mảnh giấy. Cậu bạn cô đã đi đến một nơi xa rồi, trước khi đi cậu ta có gửi cho tôi lá thư này bảo rằng khi nào gặp cô hãy trao lại cho cô.
“Mỹ Hạnh em !
Khi em nhận được lá thư này thì anh đã đi đến một nơi rất xa em. Anh xin lỗi đã không ở lại nơi này để chờ em quay về. Hãy thứ lỗi cho anh. Anh biết trong trái tim em đã dành cho anh một vị trí quan trọng, nhưng anh không thể đón nhận tấm chân tình của em được Hạnh ạ.
Tương lai rạng rỡ đang chờ em ở phía trước, anh chỉ là tên phế nhân, anh không muốn vì anh mà làm ảnh hưởng đến sự nghiệp của em.
Từ khi có mặt trên cõi đời này, anh chỉ toàn gặp chuyện phiền muộn mà thôi, cho đến khi gặp em anh mới cảm nhận được thế nào là tình cảm chân thật giữa con người với nhau. Anh vô cùng biết ơn em đã cho anh cảm giác được yêu thương, anh sẽ mãi nhớ và trân trọng những phút giây đó.
Hãy vững vàng lên em nhé, anh tin rồi một ngày không xa em sẽ thành công.
Mãi nhớ và yêu em !
VŨ ĐỨC”
Hạnh buông thõng tay, nước mắt trào ra khóe mi cô. Đến bây giờ cô mới nhận ra tình yêu mà cô dành cho Đức sâu sắc đến thế nào. Những ngày ở Ninh Bình mỗi đêm từ trường quay về cô luôn nghĩ đến Đức, trong giấc ngủ cô thường mơ thấy cô và hắn cầm tay nhau bước vào nhà thờ, làm lễ cưới. Tỉnh dậy Hạnh bỗng nghe tâm tư ngọt ngào lạ thường. Sự chân thành, thật thà của Đức đã đánh gục trái tim Hạnh từ bao giờ.
Hạnh quỳ xuống trước mộ mẹ khấn thầm :
– Mẹ ơi, mẹ có linh thiêng hãy phụ hộ cho con gặp lại anh ấy mẹ nhé. Với con chỉ cần trái tim chân thật của anh ấy mà thôi, còn dị tật của anh ấy con không quan trọng đâu mẹ. Cuối cùng con cũng đã hiểu ra tình yêu chân chính là gì. Con gái mẹ đã lớn rồi đúng không mẹ !
Sau nhiều lần chỉnh sửa cắt tỉa theo ý của các cơ quan thẩm quyền, và những thủ tục xin giấy phép lễ ra mắt bộ phim Thay Triều Đổi Đại được tổ chức tại trung tâm văn hóa thành phố.
Long Tu Hút thay mặt đoàn làm phim dõng dạc phát biểu :
– Kính thưa các vị khách qúy, cùng các anh chị em trong nghề. Sau những ngày lao động cật lực cuối cùng chúng tôi đã hoàn thành tác phẩm cổ trang được đầu tư kỹ lượng nhất từ trước đến nay. Hi vọng với tác phẩm này sẽ đưa nền điện ảnh nước nhà vượt lên một tầm cao mới.
Gã cho tay lên vai Mỹ Hạnh nhẹ ôm lấy cô, tươi cười tiếp. Để góp phần làm nên thành công của bộ phim không thể không nhắc tới diễn viên xinh đẹp Mỹ Hạnh đây, có thể nói với sự thể hiện hoàn hảo vai diễn thái hậu cô chính là linh hồn của bộ phim.
Mỹ Hạnh cúi đầu chào mọi người. Long giơ chén rượu ngoại mời mọi người :
– Chúng ta hãy cạn chén chúc mừng sự thành công của bộ phim, cảm ơn mọi người đã tới dự lễ ra mắt hôm nay.
Gã uống cạn chén rượu hào hứng tiếp :
– Nhân đây cũng xin thông báo với mọi người sắp tới tôi sẽ cưới vợ và người mà tôi chọn là người cùng tôi đi trọn cuộc đời chính là người đẹp Mỹ Hạnh đây.
Mỹ Hạnh gạt nhẹ tay Long, lên tiếng phân trần :
– Thưa mọi người, anh Long chỉ nói đùa vậy thôi chứ hiện tại chúng tôi vẫn chỉ ở mức độ đồng nghiệp. Cô trầm giọng tiếp, bản thân tôi đã có người yêu từ lâu, hiện nay anh ấy đang ở một nơi xa, tôi đang chờ đợi sự trở về của anh ấy. Người đàn ông ấy chỉ là một người đàn ông bình thường, không có bất cứ địa vị gì trong xã hội, nhưng bù lại anh ấy có một trái tim rất mực chân thành cùng một tình yêu cao quý.
Mọi người nghe Mỹ Hạnh nói vậy lập tức xôn xao bàn tán. Long tức nổ đom đóm mắt. Gã nhìn Mỹ Hạnh hậm hực. Mỹ Hạnh đưa mắt nhìn quanh. Phía cửa ra vào có một người đàn ông ăn mặc đơn giản, đầu đội chiếc mũ của dân lao động, kéo xuống che khuất nửa khuôn mặt. Hạnh ngờ ngợ một lát rồi bất chợt reo lên trong lòng. Người đó đích xác là Đức.
Sau hôm Hạnh đi Ninh Bình, Vũ Đức đã suy nghĩ rất nhiều, gã không muốn vì mình mà làm ảnh hưởng tương lai của Hạnh, gã rời nghĩa trang với ý định tìm vào Sài Gòn sống một cuộc sống lang bạt.
Nhưng đúng thời gian đó có một sự việc diễn ra đã thay đổi đường đi của Đức. Qua hai ngày lang thang trong thành phố làm hành khất xin xỏ thiên hạ kiếm chút tiền lộ phí, một sáng đang quanh quẩn nơi bờ hồ Gươm, Đức vô tình gặp được một lão thầy lang người dân tộc, thấy tình cảnh của Đức đáng thương, sau khi hỏi han nguyên nhân bệnh tình ông ta đã giúp Đức chữa trị vết thương nơi chân. Thật là kỳ diệu chỉ sau nửa tháng Đức đã đi lại bình thường.
Đức bỏ ý định rời thủ đô. Gã đi tìm việc làm. Chạy qua nhiều nơi cuối cùng Đức cũng được nhận vào làm người cắt tỉa cảnh trong trung tâm văn hóa thành phố. Trước đây Đức đã từng phụ giúp cho một tay chuyên gia chơi cây cảnh.
Như một sự dun dủi của số phận hôm nay đoàn phim của Mỹ Hạnh lại chọn nơi này để làm địa điểm ra mắt tác phẩm mới.
Từ đầu đến giờ Đức đứng quan sát mọi cử chỉ của Mỹ Hạnh, khi nghe cô nhắc đến người đàn ông mà cô đang chờ đợi, Đức vô cùng xúc động, gã biết người đó chính là gã.
Hạnh vội vã rời vị trí chạy lại phía Đức, biết Hạnh đã nhận ra mình, Đức hốt hoảng quay người lao ra khỏi cửa. Gã chạy nhanh vào bóng tối. Mỹ Hạnh chạy theo. Tiếng nhạc du dương từ khán phòng theo gió đêm đuổi theo hai người.
– Anh Đức có phải là anh không, dừng lại đi anh, đừng bỏ rơi em, em xin anh, hãy dừng lại đi.
Lời của Hạnh như những sợi tơ len lỏi vào trái tim Đức, tâm hồn gã rung lên như từng cơn sóng biển ào ạt vỗ bờ.
Bước chân gã chậm dần. Mỹ Hạnh đuổi kịp, hai tay cô ôm chầm lấy phía sau Đức, cô khóc nấc lên :
– Em ghét anh, anh là kẻ xấu, tại sao anh lại bắt em phải sống trong sự day dứt chờ đợi suốt một thời gian dài đằng đẵng vậy hả. Anh ác lắm anh biết không, em yêu anh,Đức ạ. Với em chỉ cần tình yêu của anh là đủ, em không quan trọng thiên hạ nghĩ gì, địa vị xã hội có là gì đối với tình yêu chân thành đâu anh.
Đức đưa tay nắm lấy hai bàn tay nhỏ bé đang run lên của Hạnh :
– Anh xin lỗi em, cảm ơn em đã không xem thường anh, Hạnh ạ, suốt mấy tháng qua không phút giây nào nỗi nhớ em nguôi ngoai trong lòng anh.
Đức quay lại ôm chặt Hạnh vào lòng. Họ cứ đứng im như thế, xung quanh tất cả dường như ngừng hoạt động. Hạnh sực nghĩ ra lúc nãy Đức chạy trốn cô chân anh dường như đã bình thường trở lại, cô dịu dàng hỏi :
– Chân anh đã khỏi hẳn rồi sao ?
– Ừ anh đã gặp được người tốt em ạ.
Đức kể sơ qua cho Hạnh nghe về cuộc tương ngộ với ông thầy lang dân tộc.
Hạnh tựa đầu vào ngực Đức lòng ngập tràn hạnh phúc :
– Tuyệt vời quá anh nhỉ, đúng là người tốt sẽ được trời cao phụ hộ. Từ nay anh sẽ ở bên em mãi mãi chứ ? Hạnh ngẩng lên, bàn tay cô vuốt nhè nhẹ trên khuôn mặt Đức, hứa với em dù có bất cứ điều gì xảy ra anh cũng không được bỏ rơi em lần nữa đâu nhé. Chúng ta sẽ cùng sống chung dưới một mái nhà, sẽ cùng nhau chăm sóc mộ của mẹ anh nhé.
– Còn nghề diễn của em thì sao, anh sợ họ sẽ sa thải em Hạnh ạ.
– Kệ họ, em có quyền lựa chọn lối đi cho mình, nếu họ không muốn hợp tác với em nữa em sẵn sàng rời bỏ đoàn phim. Thiếu gì những đoàn phim khác hả anh, nhưng tình yêu chân chính thì chỉ có một thôi đấy, chàng khờ ạ !
Đức khẽ đặt lên trán Hạnh một chiếc hôn. Đêm tan loãng, và trái tim Hạnh cũng như loãng tan ra trong vòng tay của Đức !
Trên con đường đêm, dưới ánh sáng lung linh huyền ảo của những ngọn đèn đôi tình nhân cầm tay nhau đi trong điệu nhạc tình yêu êm ái. Họ đang đi đến ngày mai, ít hôm nữa sẽ là mùa xuân!

Trương Đình Phượng