Một ngày hè như thế này 29 năm trước, người anh cùng sở làm
và cũng cùng quê Đà Nẵng ghé qua hỏi tôi có thích đi Côn Đảo một chuyến với
anh. Không giống như khi được các anh chị khác rủ đi thăm miền bắc trong những
lần họ nghỉ phép về thăm nhà mà tôi đã từ chối trước đây, Côn Đảo có một hấp lực
cực mạnh khiến tôi gật đầu không chút gì ngần ngại. Chiếc ghe vượt biên anh
đóng sắp hoàn tất và đã hứa dành cho tôi một chỗ. Nghĩ đến việc ra đi không hẹn
ngày trở lại, thăm Côn Đảo là dịp hiếm hoi không thể bỏ qua. Côn Đảo là đất lịch
sử của cách mạng Việt Nam, điểm hẹn của những tâm hồn yêu nước và cũng là nơi
nhà cách mạng Phan Chu Trinh từng tả “Bốn mặt dày vò oai sóng gió / Một mình
che chở tội non sông” trong bài thơ “Đập đá Côn Lôn” nổi tiếng của ông. Người
anh cùng sở làm lo hết các phương tiện cần thiết, và như thế chúng tôi đi. Anh
có vài việc phải đi, còn tôi chỉ đi theo cho biết chứ không làm gì cả.
Khi anh làm xong việc, thời gian còn lại anh em chúng tôi đi
vài nơi trên đảo. Côn Đảo ngày chúng tôi đến còn rất hoang vắng. Những khu tù
chính trị đã giải tán từ lâu. Tù chính trị mới không bị đưa ra đây mà vào Chí
Hòa, Phan Đăng Lưu hay các trại tù miền Bắc. Các khu trại giam Côn Đảo đã trở
thành một viện bảo tàng nhưng ít có người thăm. Bên cạnh những xà lim nơi các đảng
viên Cộng sản cấp trung ương từng bị giam giữ, Côn Đảo còn có những khu nổi tiếng
vì được báo chí phản chiến Mỹ và Việt khai thác tận tình như chuồng cọp, chuồng
bò. Khu chuồng cọp được xây từ thời thực dân, cũ kỹ, kích thước rộng bằng những
lớp học nối tiếp nhau. Đặc điểm của khu chuồng cọp là phòng giam không có mái
che mà chỉ có những bờ tường dày và thanh sắt lớn. Chị coi sóc ở đây, vốn là một
tù nhân Côn Đảo, cho biết trên bờ tường dựng sẵn nhiều thùng vôi bột, nếu tù
nhân la ó, phản đối, trật tự tù sẽ đổ vôi xuống.
Trên đường ra về chúng tôi đi theo chị coi sóc nhà tù đến
nghĩa địa Hàng Dương. Nắng đã dịu nhiều. Mặt trời đang xuống dần bên kia đỉnh
núi. Được gọi là Hàng Dương có lẽ vì chung quanh nghĩa địa có rất nhiều dương
liễu. Nghĩa địa có nhiều khu. Mỗi khu có vài trăm ngôi mộ. Chị trịnh trọng giới
thiệu một ngôi mộ mà chị gọi là rất linh thiêng: mộ chị Võ Thị Sáu. Tôi không
biết gì nhiều về chị Sáu ngoài bản nhạc bắt đầu với “Mùa lêkima nở, ở quê tôi
miền đất đỏ” và đọc đâu đó chuyện chị bị xử bắn khi còn trong tuổi vị thành
niên. Tấm bia trên mộ chị Sáu hướng về phía biển và nỗi bật lên vì ngày đó đã
được xây cao hơn các ngôi mộ khác. Phía sau mộ chị Sáu có một cây dương liễu cụt
ngọn, cằn cỗi, trên tàn cây có những chồi xanh nhú lên. Việc một cây bị chặt ngọn
nên sinh ra những nhánh non là chuyện bình thường nhưng qua lời giải thích của
chị hướng dẫn thì đó là một điều kỳ diệu, một dấu chứng linh thiêng, điềm báo của
một cái cũ tàn đi nhưng những cái mới ra đời. Ngay cả một cây dương liễu cũng
được giải thích bằng lý luận và niềm tin Cộng Sản.
Anh tôi không thích cảnh nghĩa trang buồn tẻ nên đã đi dạo
nơi khác. Cả chị hướng dẫn cũng đi ra ngoài. Tôi ngồi một mình nhìn mấy trăm
ngôi mộ, có tên và không tên, được đắp và không được đắp, cao thấp không đều.
Bên cạnh một số mộ có bia, tên tuổi và vừa được chỉnh trang, hẳn là của các đảng
viên Cộng sản cao cấp, rất nhiều ngôi mộ không có ngay cả tấm thẻ gỗ ghi tên, cỏ
mọc đầy sau nhiều năm chưa được một lần chăm sóc. Phần lớn các ngôi mộ trong
nghĩa địa Hàng Dương là dấu tích tàn ác của thực dân Pháp. Thời Việt Nam Cộng
hòa, chuyện ở tù Côn Đảo cho đến chết là chuyện hiếm hoi. Hầu hết tù chính trị
chỉ ở một thời gian ngắn trước khi được đưa ra Thạch Hản, Thiện Ngôn, Lộc Ninh,
Bồng Sơn để trao trả về phía bên kia như đã ghi lại một cách chi tiết trong tác
phẩm ký sự Tù binh và hòa bình của nhà văn Phan Nhật Nam.
Hôm qua, khi bắt đầu viết bài này tôi vào Google tìm mộ chị
Võ Thị Sáu. Cây dương liễu đã chết và được thay vào đó bằng cây phượng đỏ. Ngôi
mộ của chị cũng được xây bằng đá đen, cao hơn ngôi mộ cũ nhiều và không phải
sơn màu vôi trắng như lần tôi đến. Nghĩa địa Hàng Dương bây giờ là một trung
tâm du lịch, màu sắc lòe loẹt, không còn những mộ cỏ hoang vu, những con đường
đất hẹp và những hàng dương cằn cỗi chung quanh. Tôi không cảm thấy chút nào
xúc động khi nhìn lại cảnh nghĩa địa Hàng Dương mà chỉ tội nghiệp cho các em học
sinh đang sắp hàng vào xem các di tích được gọi là cách mạng ở Côn Đảo. Các em
đi xem kịch mà tưởng mình đang tìm về lịch sử cha ông.
Một trong những đặc điểm của chế độ Cộng sản là lừa dối.
Không phải chỉ Việt Nam mà mọi quốc gia Cộng sản đều như thế. Khi chế độ Cộng sản
Đông Đức sụp đổ, báo chí khám phá trong cơ sở dữ liệu của cơ quan an ninh Stasi
một hệ thống lừa dối có tầm vóc quy mô ngoài giới hạn đạo đức của con người. Việc
nghi kỵ, lừa dối không chỉ ở nằm trong hệ thống đảng, các cơ quan nhà nước, mà
cả trong mỗi gia đình ruột thịt, máu mủ thân yêu. Anh lừa dối em. Vợ lừa dối chồng.
Cha mẹ lừa dối con cái. Cháu chắt lừa dối ông bà. Lừa dối là phương tiện duy nhất
để tồn tại trong xã hội Cộng Sản.
Tại Việt Nam cũng thế. Vở kịch tuyên truyền mà Đảng đã đóng
suốt mấy chục năm qua làm thui chột nhận thức của nhiều thế hệ Việt Nam. Từ
chuyện Lê Văn Tám lấy thân mình làm đuốc đến chuyện Tôn Đức Thắng kéo cờ Cộng sản
trên Hắc Hải đều là những chuyện hoang đường nhưng nghe riết cũng quen tai,
nghe riết nên tin là chuyện thật.
Có một thời không ít người dân miền bắc còn tin rằng những
khẩu CKC, AK47 của mấy chị dân quân đã từng bắn hạ những F-4 Fantom, F-111 của
Mỹ. Theo lời kể của cựu Thiếu Tướng
Yevgeni Antonov, nguyên trưởng đoàn cố vấn quân sự của Liên Xô tại Việt Nam
trong một bài báo trên tờ Pravda nhân dịp đánh dấu 30 năm cuộc chiến Việt Nam
chấm dứt, Liên Xô đã gởi nguyên một trung đoàn phòng không với đầy đủ vũ khí và
trang bị sang Việt Nam tham chiến và 13 người lính phòng không Liên Xô đã chết trên
đất bắc. Những chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, kể cả
chiếc chiến đấu cơ F4
Fantom của Thượng Nghị Sĩ John McCain (đúng ra là A-4 Skyhawk theo tiểu sử
của Thượng Nghị Sĩ John McCain), cũng từ hỏa tiễn của các đơn vị Hồng quân Liên
Xô chứ không phải từ “Bộ đội phòng không anh hùng”, nói chi là các chị dân quân
núp bên bờ ruộng như trong mấy bức ảnh tuyên truyền của đảng.
Cũng theo lời kể của cựu trung tướng
Liên Xô Yevgeni Antonov, chỉ huy lực lượng phòng không Liên Xô tại Việt Nam
từ 1969 đến 1970, Việt Nam chỉ là một phòng thí nghiệm cho vũ khí Liên Xô. Họ
muốn đích thân xử dụng vũ khí để chuẩn bị cho việc máy bay Mỹ và NATO oanh tạc
vào nội địa Liên Xô trong trường hợp có chiến tranh giữa hai khối sau này. Cuộc
chiến đã tàn, chế độ cũng đã tan, ngọn đèn đời sắp tắt, những người lính già
Nga chẳng bị áp lực nào để phải nói dối, để tuyên truyền, để bảo vệ cho đảng,
hay cho cả chính mình. Họ chỉ còn kỷ niệm, và kỷ niệm của tuổi về chiều thường
thành thật, trong sáng như những ngày mới lớn.
Bên cạnh Liên-Xô, vào thời điểm 1967 ngoài hàng vạn tấn đạn
dược, vũ khí, đã có 16 sư đoàn với 170 ngàn quân Trung Quốc tại miền Bắc Việt
Nam để yểm trợ cho đảng Cộng sản Việt Nam nhưng đồng thời để bảo vệ vòng đai an
ninh của Trung Quốc. Tội ác của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với dân tộc Việt
Nam, từ các tư tưởng độc hại đến võ khí giết người, từ cải cách ruộng đất đến đến
Hoàng Sa, Trường Sa, từ chiến tranh biên giới đến trận chiến Lão Sơn, không thể
viết hết trong một bài, trong một cuốn sách mà phải xây dựng một trung tâm dữ
kiện.
Máu đổ, thây rơi, nhà tan, cửa nát ở Hà Nội, Hải Phòng là điều
có thật. Những mất mát đau thương vô cùng to lớn của đồng bào miền Bắc đã chịu
đựng dưới đạn bom Mỹ là điều có thật. Căm thù, phẫn uất vì thế là những phản ứng
tự nhiên. Tuy nhiên không phải chỉ vì đế quốc Mỹ đã đơn phương xâm lược Việt
Nam như các thế hệ sinh viên học sinh đã và đang được dạy. Hơn ba mươi năm là một
thời gian đủ dài để đồng bào miền bắc, các thế hệ trẻ miền bắc có gia đình chịu
đựng đau thương bất hạnh trong chiến tranh, nhìn lại cuộc chiến một cách khách
quan và so sánh với thực tế đất nước để qua đó biết rõ những ai và học thuyết
nào chính là nguyên nhân của chiến tranh, độc tài và chậm tiến hôm nay.
Đảng Cộng sản có thể tùy thích tạo ra hàng trăm đảng viên cỡ
Lê Văn Tám, Tôn Đức Thắng. Đó là chuyện nội bộ của đảng nhưng họ không có quyền
biến Côn Đảo thành tài sản riêng của đảng, không có quyền mê hoặc của các thế hệ
trẻ Việt Nam bằng các mẫu chuyện hoang đường kiểu Lê Văn Tám như bộ máy tuyên
truyền Liên Xô đã từng tô điểm lên một cậu bé nhà nông Pavlik Morozov bất hiếu
trước đây. Côn Đảo cũng không phải là đất hương hỏa của Marx, Lenin để lại cho
đảng Cộng sản Việt Nam mà là đất thiêng của cách mạng Việt Nam nơi nhiều thế hệ
đã lấy xương thịt mình làm phân bón cho mầm xanh tương lai dân tộc.
Trong nghĩa địa Hàng Dương, bên chiếc cầu đá phía bên phải dinh
chúa đảo, trước những xà lim chật hẹp, một ngày không xa, các thế hệ Việt Nam sẽ
đến đó, không phải để nghe kể công, nghe tuyên truyền mà đến để im lặng cúi đầu
tưởng niệm các anh hùng dân tộc.
Họ là ai? Họ là những đảng viên Việt Nam Quang Phục Hội, Phong
trào Đông Du, Phong trào Duy Tân, Tân Việt Cách mạng Đảng, Việt Nam Quốc dân Đảng,
Đại Việt Quốc dân Đảng, Đại Việt Dân chính, Dân Xã Đảng, Đảng Lập hiến, Đại Việt
Duy dân và nhiều tổ chức, phong trào không Cộng sản khác.
Họ là ai? Họ là tín đồ các tôn giáo, nhất là Cao Đài và Hòa
Hảo, hai tôn giáo được ra đời tại miền Nam, có truyền thống kiên quyết chống cả
thực dân lẫn Cộng sản.
Nếu họ đã từng là đảng viên Cộng sản thì sao? Không sao cả.
Như tôi đã có dịp viết vài lần trên diễn đàn này, việc tham gia vào đảng Cộng sản
của một số người Việt Nam, chủ yếu là để được tổ chức hóa nhằm mục đích hợp đồng
chiến đấu, đạt đến chiến thắng dễ dàng hơn chứ không phải vì tin vào chủ nghĩa
Cộng Sản. Ngày đó, vì điều kiện giao thông khó khăn, núi non cách trở, sự phát
triển của các đảng phái chống thực dân ít nhiều bị giới hạn bởi các đặc tính địa
phương, bà con giòng họ, hoàn cảnh trưởng thành. Nếu họ sinh ra ở Quảng Nam họ
sẽ gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng, sinh ra ở Quảng Trị họ sẽ gia nhập Đại Việt,
sinh ra ở Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang họ sẽ gia nhập Dân xã Đảng. Đó là trọng
điểm của các đảng phái chống Pháp trong những thập niên đầu của thế kỷ 20. Ông
bà chúng ta có súng dùng súng, có gậy dùng gậy, và trong nhiều trường hợp chỉ
là những bàn tay không gầy yếu.
Những người Việt yêu nước thời đó chọn lựa đảng phái như chọn
một chiếc phao để đưa dân tộc sang bờ độc lập. Những nông dân hiền hòa chất
phác , nhưng công nhân đầu tắt mặt tối làm sao biết được con đường họ đi không
dẫn đến độc lập, tự do, hạnh phúc mà dẫn đến nghèo nàn, lạc hậu, độc tài và làm
sao biết được chiếc phao họ bám cũng là chiếc bẫy buộc chặt chẳng những cuộc đời
họ mà còn gây hệ lụy cho cả dân tộc đến ngày nay.
Tôi tin, phần lớn những người yêu nước đã chết trong giấc mơ
về một Việt Nam hòa bình, độc lập chứ không phải trong giấc mơ về một xã hội Cộng
sản đại đồng. Người yêu nước bằng tình yêu trong sáng, không đánh thuê, đánh mướn
cho một chủ nghĩa, một ý thức hệ ngoại lai vong bản hay cho một quyền lợi đế quốc
nào sẽ không bao giờ chết, không bao giờ bị lãng quên. Lịch sử sẽ đánh giá, dân
tộc sẽ ghi ơn họ một cách công bằng.
Tôi tin, cuộc chiến chống thực dân Pháp là cuộc chiến chính
nghĩa. Đó là cuộc đấu tranh đầy gian khổ nhưng anh hùng của một dân tộc bị nô lệ
đã đứng lên chống lại một thực dân tàn bạo. Trong suốt gần một thế kỷ trong
bóng tối thực dân, hàng vạn đồng bào thuộc nhiều thế hệ Việt Nam đã bị bắt, tra
tấn và đã hy sinh trên Côn Đảo. Ngoài một Nguyễn An Ninh để lại thịt xương, một
Trần Cao Vân, một Phan Chu Trinh để lại những bài thơ viết bằng máu và mồ hôi
trong những ngày đập đá, còn có hàng ngàn, hàng vạn đồng bào đã chết trong âm
thầm, không để lại họ tên.
Nhưng cho dù họ có để lại đủ họ tên đi nữa, các thế hệ Việt
Nam sau 1975 cũng không có quyền biết đến họ, không có cơ hội để cám ơn họ, để
thắp một nén hương, và phần mộ họ một mai có thể sẽ bị san bằng theo mưa nắng.
Đảng Cộng sản không chỉ nhuộm đỏ miền Nam, nhuộm đỏ Việt Nam mà còn cố tình nhuộm
đỏ cả lịch sử.
Côn Đảo ngày nay gắn liền với tên tuổi của các đảng viên Cộng
sản trung ương Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Hà Huy Tập, Phạm Văn Đồng,
Nguyễn Văn Linh, Lê Quang Vịnh v.v. Các em học sinh đang sắp hàng chờ vào xem
những xà lim kia làm sao biết được, với số đảng viên vỏn vẹn 5 ngàn vào mùa thu
1945, đảng Cộng Sản, dù bị bỏ tù và chết gấp mười lần trong hai cuộc chiến,
cũng không thể bằng với con số khoảng 200 ngàn người Việt Nam yêu nước đã từng ở
tù Côn Đảo theo nhiều nguồn ước lượng.
Các em cũng không biết rằng hàng trăm lãnh tụ cách mạng
không Cộng sản mà đức độ và tài năng bao trùm nhiều lãnh vực như Đức Huỳnh Giáo
Chủ, Trương Tử Anh, Phạm Quỳnh, Khái Hưng, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Bùi
Quang Chiêu, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Thế Nghiệp v.v., đã không ở tù hay chết ngoài
Côn Đảo chỉ vì họ bị Cộng sản thủ tiêu ngay tại đất liền.
Khác với đảng Cộng sản được thành lập từ nước ngoài theo chỉ
thị của quốc tế Cộng sản và nhiều đảng viên được đưa sang Trung Quốc, Liên Xô
huấn luyện một cách bài bản nhằm thực hiện các mục tiêu ngắn hạn cũng như dài hạn
của trung ương đảng đề ra, phần lớn đảng phái không Cộng sản đã sinh ra và lớn
lên ngay trong lòng dân tộc với tất cả khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt. Họ
không chỉ bị chết dưới lưỡi đao phong kiến, máy chém thực dân mà còn chết trong
bàn tay của những người cùng máu mủ với mình.
Đọc lại diễn tiến của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, quá trình
thành lập các đảng phái không Cộng sản và lắng nghe các nhà cách mạng trải lòng
qua thơ văn đẫm đầy máu lệ, mới cảm thấy lòng yêu nước của thế hệ cha ông thật
vô bờ bến.
Bằng hành trang duy nhất trên vai là lòng yêu nước, các nhà
cách mạng không Cộng sản dấn thân vào con đường giải phóng dân tộc trên chuyến
xe chạy bằng máu của chính mình.
Chiều mùa hè năm đó, lần đầu tiên trong đời tôi xúc động đứng
im lặng trước anh linh của những anh hùng đã ngã xuống cho độc lập tự do thật sự
của dân tộc. Xương thịt của những người đã hy sinh từ phong trào kháng thuế miền
Trung, Hà Thành đầu độc, khởi nghĩa Duy Tân, Thái Nguyên, Yên Bái hẳn đã hòa
tan vào lòng đất mẹ nhưng anh linh họ vẫn là ngọn đuốc soi sáng giấc mơ Việt
Nam độc lập, tự chủ của dân tộc.
Như tôi có lần đã viết. Giấc của họ là giấc mơ của những người
để lưng trần, tóc cắt ngắn, đóng khố che thân, dắt bầy con, vượt bao nhiêu núi
rừng ghềnh thác trong cuộc nam tiến đầy gian nan nhưng vô cùng hiển hách, từ dọc
bờ Dương Tử di dân xuống lưu vực sông Hồng cách đây gần 50 thế kỷ. Trong lúc
bao nhiêu bộ tộc Bách Việt khác đã hoàn toàn bị tiêu diệt hay đồng hóa vào những
tỉnh, những huyện như Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Phúc Kiến của
Trung Quốc ngày nay, giòng giống Lạc Việt qua bao độ thăng trầm, vẫn tồn tại và
trưởng thành như một nước Việt Nam.
Giấc mơ của họ là giấc mơ của những người đã tạo nên nền văn
minh Việt Nam rất sớm. Nơi đó, từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên, tổ tiên chúng
ta đã biết trồng cây ăn trái, biết làm đồ gốm, biết đẽo đá thành những lưỡi cuốc
nhọn, biết đắp đất ngăn bờ để đưa nước sông vào ruộng. Tổ tiên chúng ta đã biết
xây dựng các cơ xấu xã hội, lấy thôn làng làm căn bản, lấy nông nghiệp làm nền
tảng kinh tế, lấy tình nghĩa đồng bào làm sức mạnh, lấy nguồn gốc tổ tiên (một
mẹ trăm con, chung cùng bọc trứng) làm nơi nương tựa tinh thần. Những hình ảnh
thân thương quen thuộc của cây đa, bến nước, sân đình gắn liền trong tâm thức của
mỗi người Việt Nam. Những chiếc trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ được chạm trổ tinh
vi đánh dấu một thời đại vàng son trong tiến trình phát triển văn minh nhân loại.
Chính tinh thần văn hóa Hòa Bình, Đông Sơn đã hun đúc thành sức mạnh dân tộc, để
các thế kỷ sau đó, đủ sức đối kháng với sự xâm lăng thô bạo của các nguồn văn
hóa mang ý đồ đồng hóa phát xuất từ phương Bắc.
Giấc mơ của họ là giấc mơ của một dân tộc hơn một ngàn năm
trong bóng đêm nô lệ nhà Hán, nhà Ngô, nhà Đường, nhà Minh qua bốn lần bắc thuộc
với bao nhiêu cực hình đày đọa, sáng xuống bể tìm ngọc châu, chiều lên non săn
ngà voi, trầm hương, châu báu, dân tộc Việt vẫn bảo vệ được tính độc lập, vẫn
giữ được bản sắc văn hóa Việt trong sáng và thuần nhất.
Đất nước chúng ta đã hơn một lần bị mất đi và giành lại được
nhưng chúng ta hãnh diện nói lớn rằng dân tộc Việt Nam chưa bao giờ bị mất gốc.
Hình ảnh những chiếc búa, những chiếc rìu, những mũi thương, mũi đao, mũi tên bằng
đồng đào được ở vùng Trung Châu, Bắc Việt, ở sông Bạch Đằng, dọc Ải Nam Quan
không chỉ là những cổ vật mà còn là chứng tích của bao nhiêu trận mạc, bao
nhiêu cuộc chiến đấu, bao nhiêu máu xương và nước mắt của tổ tiên đã đổ xuống
trước các cuộc xâm lăng của các triều đại Bắc phương khác.
Lịch sử bao giờ cũng mang tính kế tục nhưng trước hết là lịch
sử của thời đại. Mỗi thế hệ có một trách nhiệm để hoàn thành những trách nhiệm
mà lịch sử giao phó cho thời đại của họ nhưng dù không hoàn thành, ngọn đuốc lịch
sử vẫn phải được chuyển sang bàn tay thế hệ khác. Giấc mơ về Việt Nam tự do,
dân chủ và giàu mạnh dù sớm hay muộn sẽ phải thành hiện thực.
Thời gian gần đây, tôi có dịp đọc nhiều bài viết từ những tấm
lòng đang băn khoăn vì đất nước. Phần lớn bắt đầu bằng nhóm chữ “chưa bao giờ
…như hôm nay”. Chưa bao giờ con người Việt Nam bị khinh thường như hôm nay.
Chưa bao giờ lãnh thổ Việt Nam bị chiếm đoạt trắng trợn như hôm nay. Chưa bao
giờ chủ quyền đất nước bị đe dọa như hôm nay. Chưa bao giờ tài nguyên thiên
nhiên bị thất thoát như hôm nay. Tất cả đều đúng cả. Tôi chỉ muốn thêm vào một
“chưa bao giờ” nữa, đó là, chưa bao giờ ranh giới giữa dân tộc và phản dân tộc
rõ ràng như hôm nay. Biên giới đó rõ ràng đến mức một người Việt Nam có thể chọn
lựa đứng về phía chính nghĩa, phía dân tộc mà không phải lo lầm lỡ về sau.
Giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn một con đường
riêng của họ. Con đường đảng chọn cũng rất rõ ràng: phát triển đất nước theo định
hướng Trung Quốc và cùng lúc bằng mọi giá duy trì chế độ độc tài toàn trị tại
Việt Nam.
Bộ chính trị trung ương đảng Cộng sản Việt Nam không phải là
những người không biết suy nghĩ, không thấy đúng, thấy sai và thậm chí có rất
nhiều cơ hội để sửa sai nhưng quyền lợi cá nhân, phe nhóm và đảng đã che khuất
sự sống còn và tương lai đất nước.
Nhân dân Việt Nam chịu đựng quá nhiều rồi, nhượng bộ quá nhiều
rồi, lùi bước quá nhiều rồi. Từ xâm lăng Hoàng Sa đến chiến tranh biên giới,
các trận đánh khu vực Lão Sơn, lấn chiếm Trường Sa, bắn chết ngư dân Thanh Hóa
và hôm nay Bauxite. Chỉ một thời gian ngắn thôi mà nhìn ra biển, nhìn lên núi,
nhìn xuống phố, nhìn qua sông, đâu đâu cũng thấy hàng Trung Quốc, đất Trung Quốc,
đảo Trung Quốc, người Trung Quốc, vài chục năm nữa đất nước sẽ ra sao?
Tại sao Trung Quốc không bắn thủng tàu, không ăn cướp tài sản,
đất đai của Thái Lan, Philippines hay ngay cả của đàn em Bắc Hàn một cách công
khai, lộ liễu như họ đã và đang làm đối với Việt Nam? Một người có ý thức nào
cũng biết, đơn giản bởi vì giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc sống trong gan ruột
của giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam những kẻ không còn một chọn lựa nào
khác ngoài việc núp dưới chiếc dù Trung Quốc.
Như tôi có lần mách nước cho bà con ngư dân trong bài “Ai giết
9 ngư dân Thanh Hóa”, cách hay nhất để khỏi bị hải quân Trung Quốc bắn chết là
khi tàu đánh cá vừa ra khỏi cửa biển thì xin các bác làm ơn hạ cái lá cờ gọi là
“cờ tổ quốc” xuống dùm. Nếu phải treo thì treo đại một lá cờ Phi, cờ Thái Lan,
cờ Nhật lên mũi tàu. Nói ra thì cho là phản động nhưng tin tôi đi, làm như thế
bà con ngư dân mới hy vọng còn đường trở về với vợ con.
Thời điểm 1958, Pháp đã rút đi và Mỹ thì chưa đến mà Phạm
Văn Đồng, còn có thể thay mặt cho 11 ủy viên bộ chính tri, hạ bút ký một văn kiện
nhục nhã như thế thì với hoàn cảnh phe Cộng sản chỉ còn lại năm anh em trên một
chiếc xe tang, trong đó có đến bốn em đang lâm cảnh hàn vi đói khát, thì chuyện
gì mà họ không dám làm. Lê Khả Phiêu, trong giai đoạn tìm về chủ cũ năm 1991,
cũng có thể đã ký những văn bản tương tự như văn bản của Phạm Văn Đồng, khác
chăng, “đồng chí Phạm Văn Đồng bị lộ” và “đồng chí Lê Khả Phiêu chưa bị lộ” mà
thôi.
Người Do Thái nguyền rủa Hitler, nhân loại kết án Hitler,
nhưng nhân dân Đức trước khi có thái độ tương tự, họ phải biết trách các thế hệ
Đức trong thập niên 30 của thế kỷ 20, bởi vì chính dân Đức thời đó bằng con đường
bầu cử hợp pháp đã đồng ý đặt mình dưới sự lãnh đạo của Hitler và đảng Quốc Xã.
Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ bầu đảng Cộng sản để lãnh đạo nhưng chắc chắn
cũng sẽ phải trả lời cho các thế hệ mai sau về thái độ thờ ơ, thỏa hiệp, yếu
hèn của các thế hệ hôm nay trước tình trạng băng hoại đạo đức, lạc hậu kinh tế,
thất thoát tài nguyên, mất mát lãnh thổ và suy yếu chủ quyền đất nước.
Trần Trung Đạo