17 September 2016

TƯỜNG SẮT - Tru Sa

Cha tôi mất từ lâu và tôi không mấy quan trọng rằng ông đã từng có mặt trong đời mình. Tôi chưa một ngày sống cùng cha và ông ấy cũng chưa một lần bế ẵm, hay cựng nựng tôi. Như tôi nói, cha tôi mất sớm. Thế nên tôi được phép quên người cha này đi. Tuy nhiên trong lý lịch hoặc một lúc nào đấy, có thể là trong một bài tập làm văn cần đến bóng dáng người cha…Thì tôi có thể họa lại trong đầu gương mặt mà tôi đã từng thấy trong gian nhà thờ họ, rồi sau đó tôi sẽ phết lên lớp màu trầm đục do tôi nghĩ ra. Rằng cha tôi là người nhân hậu, rất hay cười, thường làm ngựa cho tôi ưỡi, dẫn tôi đi mua đồ chơi vào mỗi dịp trung thu…Chẳng khó gì.
Từ nhỏ tôi đã được nhiều người lớn yêu quý. Họ thường cho tôi bánh ăn, bế ẵm tôi trên tay và không tiếc lời khen với tôi. Thú thực, tôi không thích thú gì việc này, thậm chí còn kinh tởm lũ người đã bế, bẹo mặt, bóp mũi, rồi dốc tôi lên cao như một con búp bê. Mẹ tôi không thích thú gì nhưng lại hùa với họ bằng cách đi làm việc khác. Bánh kẹo họ tự bóc rồi nhét vào miệng tôi. Thật lòng khi đấy tôi đã muốn nhổ thẳng vào mặt họ nhưng vì lý do nào đấy tôi lại nhai sạch và toét miệng cười. Họ mến mộ nụ cười của tôi và hứa hẹn sẽ đến nữa.

“Ân sủng của loài người là nói và viết được…” – Kể từ khi tôi biết thạo bảng chữ cái, chính tả và các loại cú pháp thì tôi gần như quyên sinh vào các con chữ. Mỗi tuần mẹ đã phải mua cho tôi rất nhiều vở và giấy nháp. Ông nội tôi hoàn toàn vui vì sự tự giác của một đứa trẻ mới đi học. Còn mẹ tôi? Bà chẳng phàn nàn gì và còn lấy làm tự hào. Mỗi cuốn sổ chi chít những cái tên, một mẫu câu tôi sao chép lại trong sách báo hoặc từ một tấm băng rôn tôi nhìn thấy khi trên đường về nhà.
Một lần, tôi thấy ông đã dùng chiếc gậy ba toong gỗ đánh một con chó hoang. Lúc đấy tôi ở ngoài nhà. Con chó rất gầy, cái bụng lép kẹp, triệu chứng của một cơn đói từ nhiều tuần. Trên lưng, đầu và chân nó trầy trụa thương tật. Một vết thương khác đang rướm máu do cú đánh từ ông nội. Nó kêu ư ử, nghểnh đầu lên nhìn ông nội, rồi quẫy đuôi. Nhà tôi không nuôi chó, trước đấy tôi cũng không hề nghe mẹ hay ông nội nhắc về chó. Con vật này, chỉ đang xin ăn vì đói.
“Đồ súc vật!”
Ông nội vung chiếc ba toong. Một cú đánh, rồi cú nữa, thêm một cú nữa…Trong chớp mắt người con chó chi chít vết đánh. Máu văng be bét trên người con vật, trên batoong, dưới nền đất, trên mặt ông nội và mắt tôi nhức đỏ. Chỉ nghe tiếng ăng ẳng, rồi con chó lết đi mất. Không ai can ông nội, những kẻ ở gần đấy chỉ đứng nhìn, cười hoặc xót xa bằng thứ tình thương của kẻ thất phu. Ngày hôm sau, có người kháo nhau rằng con chó ông nội tôi đánh hôm qua đã chết. Một toán thợ xây đã phanh xác và nấu ăn. Tôi nói với ông nội về cái chết của con chó.
“Nó chết rồi cháu ạ.” – Ông nội nói.
“Ông đánh chết nó.”
“Ông không đánh chết nó.”
“Cháu đã thấy ông đánh nó.”
“Ông chỉ đuổi nó đi.”
“Nó đang đói mà ông.”
“Không nhà không cửa thì sống làm gì. Chết sẽ danh dự hơn.”
Ông nội nhìn tôi. Đôi mắt đấy tôi không dám nhìn vào. Trong cặp mắt ông nội tôi chỉ thấy một màn đen đang bao trùm, một sức nặng đè lên cổ tôi và cặp mắt từ từ hướng lên cao. Tôi như bị đè bẹp, và bé nhỏ như con thạch sùng. Lúc ông nội xoay cây batoong, tôi thấy một lớp máu khô bám mũi gậy.
“Cháu phải nhớ, ông đã giải thoát con vật đáng thương.”
“Vâng ạ, cháu nhớ.”
“Nhớ thế nào?”
“Ông đã đánh, để giải thoát con chó.”
“Ông đã giải thoát con vật đáng thương, nhắc lại ông nghe.”
“Ông đã giải thoát con vật đáng thương”
“Phải, chính thế. Ông là người giải thoát.”
Lên phòng, tôi mở giấy và tự tay tổ chức lễ tang cho con chó. Lúc đấy, tôi chỉ biết rằng một đám ma cần có quan tài và vòng hoa. Người đi viếng chính là tôi. Sợ rằng con chó sẽ lẻ loi, tôi đã tạo thêm nhiều con chó khác. Đầu mỗi con đều được buộc khăn trắng.“Mong mày siêu thoát.” – Tôi viết lên giấy. Từng con chó sủa thành tiếng người. Vài chữ bị nhòe. Tôi đã viết ra một bát cơm đầy với đủ thịt thăn, sườn và đốt trước mộ địa. Tôi, và những phần tôi mang hình chó cùng đào đất bằng tay. Một hố huyệt vừa đủ. Đám kẻ tôi chậm chạp hạ huyệt, vùi đất lấp lên, cũng bằng tay. Cỗ quan tài trôi xuống đất.
Mẹ tôi như một cái bóng trăng. Không cáu giận ai, không vui đùa, không tán phét, và không một lần nói về mình. Bà vẫn dành tình thương cho tôi. Mẹ tôi vẫn nấu nướng, dạy tôi lễ độ với người lớn, làm việc nhà, hỏi han về các quan hệ trong lớp…Kỳ lạ là tôi chẳng cảm thấy chút xúc động nào. Ngay cả khi ôm chặt mẹ, úp mặt vào bầu vú bà tôi vẫn thấy thiếu thốn. Hơi ấm của bà không làm tôi mãn nguyện và thú thực tôi còn không tin được rằng mình đã từng sống trong bụng bà.
Tôi rơi đi trong vòng tay mẹ – Đặt câu viết lên giấy, tôi thở phào. Trong đầu tôi lúc này đây chật cứng những chiếc quan tài bật nắp. Tình bạn, tình thầy trò, cái đẹp, cái tốt, tình thương…Tại sao bao lẽ phải mà tôi vẫn luôn nghe trên lớp lại không vào đầu. Trong lớp tôi là học sinh ngoan. Đi học đúng giờ, ghi bài đầy đủ và thân thiện với bạn cùng lớp. Ở nhà, tôi cũng là đứa con biết nghe lời. Tôi rất siêng đọc sách nhưng không phải sách học của nhà trường. Sách tôi đọc lấy từ nhà kho. Nhiều cuốn long bìa, rụng trang, bị mọt ăn thủng…Những cuốn sách và những cái tên lạ hoắc lần đầu tôi được biết. Đọc họ và tôi thấy huyết mạch tràn trề. Tôi thấy các vùng trời khô kiệt sắc nắng. Nhiều mầm cây đâm chồi từ xác người. Người ta cười ra máu, khóc ra bùn đen, và khi mở miệng tôi thấy trôi ra những bào thai không đầu, không tay chân đang giãy giụa. Chẳng có đạo đức sáng trong như pha lê, nhiều thứ còn đối nghịch với cái lẽ phải mà tôi biết đến. Đau đớn đến rã rời. Nhiều dòng viết còn thức tỉnh những cơn đau trong tôi. Chúng cứ thế chạy và khiến toàn thân tôi ê ẩm. Tôi tìm thấy nỗi thống khoái, sự mê đắm của một tâm hồn phục sinh từ những lần chết. Thứ sách này, tôi phải lén lút đọc, thậm chí che giấu bằng cách bọc lại bằng vỏ sách giáo khoa hoặc dán nhãn ngoài là sách tham khảo.
Mang chiếc đi-hia, tôi nương náu trong bóng Alice, chạy quanh các tầng nhà chật, rồi bị tống giam vào căn buồng số 6, gặp người gù treo cổ và đốt cháy mình trong chữ. Trong giấc mơ, tôi đi vào tầng tháp chật cứng những vỏ rượu và miểng chai, một cái xác ngồi gục đầu trong xó đang rữa từ từ, bầu trời lở loét nhiều vùng đen, đâu phải mây, chỉ là những bầy dơi, quạ đang bay toán loạn đấy thôi, ở nẻo phố nọ, một thằng nhóc đánh giầy bị giết nhiều lần (1), những kẻ đuôi lợn, ông cụ giáp chiến đàn cá mập bằng mái chèo (2), viên thẩm phán không hốc mắt…Nhiều lần tôi bị ngã bật khỏi giường. Một lần khác, tôi tỉnh dậy và thấy tay mình còn đang viết. Giấy lem nhem, một phần vì tôi tẩy xóa, hoặc do viết đè lên.
Ông nội quản lý một cửa hàng đồ cổ trên phố. Ông cũng là nhân vật chủ chốt trong nhiều phường hội. Trải qua nhiều năm, ông nội tôi già đi, tóc bạc nhiều và rụng nhiều hơn. Người cha ngủ say dưới mười tầng đất và không một lần tìm thăm tôi dù là trong giấc mơ, một thoáng ảo ảnh bắt gặp trên đường hay một sự trục vớt khi diễn cảnh tủi thân trước mặt người khác. Miệng tôi gọi tên cha, mô tả khuôn mặt, mái tóc cha, rồi một kỷ niệm không hề có để tôi nhắc đi nhắc lại nhằm họ tin tuyệt đối vai diễn của mình. Tôi là con rối trong bàn tay mình. Sẽ chẳng cây đũa phép nào bao dung với tôi. Ông nội tôi thường uống rượu, dạo phố một mình. Trong mọi cuộc họp tại nhà không ai dám chen lời khi ông nội nói. Họ chỉ biết tán dương, khúm núm và ra về. Ông nội độc thoại giữa đám đông, là con đại bàng già giữa bầy gà cụt chân. Áo cựu chiến binh với nghìn nghịt huân huy chương cắm khắp ngực ông như bằng chứng, và cái chân yếu, tấm lưng hơi còng, sẹo khắp mình mẩy sẽ thuyết phục mọi con dân về một huyền thoại đánh giặc cứu nước. Cây batoong vung có lực và sẵn sàng đập bể những cái đầu thất lễ, dám ngả nghiêng, ngáp ngủ trước diễn văn lịch sử. Ông nội thật quá cô đơn. Tuy vậy nỗi cô đơn này vẫn chưa uy hiếp được ông nội. Càng không thể làm đau ông nội đến mức phải mong ngóng một kì tích từ thằng người gỗ. “Ông nội em là người nhân hậu. Nếp nhăn trên mặt ông là nỗi nhọc nhằn, là tình thương dành cho em. Nội thường dỗ mỗi khi em khóc, đôi vai ông đã gánh hết sức nặng để lo cho em ăn học…” – Trong bài văn lớp ba yêu cầu tả ông nội tôi đã viết vậy. Cô giáo đã rất xúc động vì bài văn của tôi. Những ai biết gia cảnh nhà tôi sẽ dễ dàng bóc mẽ được lời bịp bợm nhưng tôi không ái ngại gì. Chỉ cần ôm mặt khóc, mếu máo trong nước mắt rồi nói to trên lớp rằng “Đấy là ước mơ về ông em, một lúc nào đó sẽ bớt nghiêm khắc.” – Để cái chứng cứ giả mạo tồn tại và bảo vệ cho tôi như cái mặt thiên thần, tôi nhắc đến cha. Thân phận mồ côi cha dễ lấy lòng tin hơn gì hết. Họ dành cho tôi sự an ủi và chẳng ai ghét tôi cả. Tôi trở thành người đặc biệt. Được họ yêu quý và không tiếc giúp đỡ nếu tôi có ý nhờ. Mọi thứ thật hoàn hảo. Cái lốt người này…
***
Tôi không thích truyện cổ tích. Suy nghĩ này có từ khi tôi còn rất bé. (Trước cả khi tôi tìm được số sách ở nhà kho.) Thế giới cổ tích chứa nhiều căn ác và sẽ dưỡng chết tuổi thần tiên. Những bài học về tính ác. Rằng muốn sống hạnh phúc phải biết đổ nước sôi và làm mắm thịt người, biết thao túng chim mổ mắt để chiếm ngôi hoàng hậu, phép thần chỉ đến với kẻ biếng lười nhưng giỏi ăn vạ thần tiên, mọi cuộc thi đều không công bằng và luôn có ưu tiên, tình yêu sẽ làm mù mắt và biến chúng ta thành bọt biển…Trong thế giới cổ tích, tôi chỉ thấy những cái sọ người bị chôn đang kêu khóc. Trước khi có phép màu ai cũng đều lương thiện. Cái ác sẽ bị giết bởi cái ác. Để sinh tồn và để chiến thắng thì phải ác hơn. Chân lí không thuộc về cái thiện, chân lí là ngai vàng của cái ác. Những điều này tôi ghi lại vào giấy và giấu thật kỹ.
Bài tập làm văn tôi đạt điểm tuyệt đối. Khi ấy tôi đã vắng mặt, và mấy kẻ tôi đang tranh nhau quyền sống trên thân xác tôi. Chúng ngấu nghiến não óc, hút hết huyết dịch và lùa rắn vào trong tôi. Mái tóc Gorgon phủ lên đầu tôi. Ngồi trên bàn, nọc rắn chảy qua ngòi bút, tôi thành kẻ mạo danh lẽ phải….
Mỗi khi ông nội hỏi tôi về lớp học, tôi đã nói rằng tất cả đều tốt. Rằng tôi ngồi cạnh bạn này, chơi với bạn này, rồi thì trò vật tay lúc nào tôi cũng được nhường…Sợ rằng ông nội phát giác ra cái mũi dài, tôi đã phải làm thân với hầu hết người trong lớp. Để họ chịu gọi điện, rủ đi chơi, đạp xe qua nhà chở tôi đi học. Tôi lấy lòng họ bằng quà vặt, học theo sở thích của họ, nếu một người sợ ếch thì không lý gì tôi lại hôn con vật đấy. Đây có thể là một tôi khác, lém lỉnh và dối trá. Nhìn thấy một người mù bị mất gậy đang loay hoay tìm đường, một tên trong nhóm cười. Một tên khác cười theo, thêm một tên nữa cười, chỉ trỏ tay. Người mù rõ ràng nghe thấy và đang chửi bới loạn lên. Đám bạn của tôi vẫn cười, trong tràng cười đấy có cả tiếng tôi. Người mù kia vấp ngã, cái mặt hắn ta mài xuống đường, dường như một vài cái răng đã gãy. “Crocuta crocuta” – Đó là chúng tôi, và một tôi đáng hổ thẹn đang giễu nhại chính tôi.
Không người lớn nào quanh tôi răn dạy rằng bọn tôi trẻ hư và cần đánh roi vào đít. Tôi muốn làm cây gậy để người mù kia có thể chống dậy. Tôi không thể. Họ còn ở đây. Lúc này, tôi đóng vai lạ với chính tôi.
Về nhà, tôi giả bệnh để tối không phải cùng ông nội vào nhà Vòng. Mẹ tôi lấy thuốc cảm và hỏi đau ở đâu. Trán tôi không hề nóng, mặt mũi còn khá tươi tỉnh. “Ọe, ọe…” – Mấy tiếng nôn này đã đánh lừa được mẹ. Sẽ không hay nếu ông nội tôi nhìn ra vai diễn của tôi. Và tôi đã phải tránh vào buồng tắm, lấy tay móc họng để tiếng nôn bật to hơn, đau đớn hơn. Chiếc batoong, thứ hung khí đã lấy nửa mạng con chó ngày nào gõ vài cái xuống đất. Tôi hoảng loạn, và suýt quên vai diễn…
“Cháu nghỉ ngơi đi. Nếu nặng, mai nghỉ học một hôm.”
Tiếng chiếc batoong lùi xa dần. Tôi thấy nhẹ nhõm hơn. Phòng học, cũng là buồng riêng của tôi là một căn xép chật chội. Phía dưới là một phòng để trống. Ngày trước đấy là chỗ ở của cha. Từ khi cha qua đời nó bị bỏ quên, trở thành nơi chất đồ cũ, hỏng hoặc đang chờ thanh lý. Mẹ và ông nội ở tầng dưới cùng. Nơi ở của họ sạch sẽ, sáng sủa và luôn nồng nặc hơi người.
Vị đắng ngấm vào lưỡi tôi và đang tan dần. Lúc mẹ đi khỏi, tôi nhổ mấy viên thuốc trong miệng ra. Sau đấy tôi súc miệng rồi lên gác. Số giấy được lôi ra và tôi mở bút. Trước hết tôi phải lấy chữ rèn thành một cây roi để quất vào mình. Quất thật đau để máu tôi bắn ra ngoài. “Đấy là sự trừng phạt. Vì vai diễn vô lại trước người mù…”
Trong các cuốn sách giáo khoa, từ lâu tôi chỉ ngửi ra mùi ẩm mốc. Mỗi khi giở trang sách, tôi luôn thấy các con chữ đang chuyển động. Một chữ cái, rồi một hàng chữ dài, ngay đến dấu phẩy cũng như đang chạy trên giấy. Những câu chữ bốc mùi và xám đen như những con gián…Tất cả chúng bò quanh trang giấy, thành từng đàn. Hàng chục cái râu nghoe nguẩy, rồi hếch lên như dò đường. Chúng bò lồm cồm quanh tôi và truyền đến tôi những cơn ngứa. Nếu tôi quăng cuốn sách lên cao chúng sẽ bay toán loạn, tạo thành một cơn mưa màu đen.
Giờ Giáo Dục Công Dân, tôi được dạy về lòng nhân ái. Tất cả chúng tôi đều đọc đồng thanh. Tôi cũng đọc, nhưng một phút nào đó, khi cô giáo quay lên bảng và không ai nhìn sang tôi thì tôi sẽ tống khứ đi hết. Nhổ hết lẽ phải ra và mong đến một sự trừng trị nhưng bất thành. Chẳng đứa bạn nào của tôi là ghi nhớ bài học này. Chúng vẫn sẽ học thuộc vì đấy là trách nhiệm của học sinh. Trong vở nháp của tôi lúc nào cũng dày đặc chữ. Công thức toán, hình học, lịch học hoặc sinh hoạt lớp…Có đủ, và đấy chỉ là tấm vỏ cho các hình mà tôi vẽ lên. Mấy mẫu vẽ đè lên chữ. Đáng ra tôi muốn viết ra nhưng nếu để ai đọc thấy thì thật không hay. Mẫu hình này, tôi sẽ tái tạo lại khi trở về tòa án của mình.
***
Càng lên lớp cao, tôi càng căm ghét trường học. Mỗi năm tôi đều chuyển lớp. Tôi có thầy cô mới, bạn mới, và một vai mới để diễn. Như mọi năm, tôi thường lấy lòng tất cả bạn bè trong lớp. Ngoại hình tôi nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền lành và mọi lúc đều có thể cười nên dễ lừa được thiện cảm của người khác. Hội nhóm nào cũng có mặt tôi. Một nhóm nữ, được gọi là kiêu căng cũng dành một chỗ trống cho tôi. Trong nhiều trường hợp tôi đã phải cố gây rắc rối để họ thấy rằng tôi cũng như họ. Hiểu nhưng không nói và hành xử như một kẻ ngốc nhưng chân thành – Đấy là mã khóa để tôi có thể gia nhập và an toàn trong bọn họ. Từng năm trôi qua, tôi thấy mình phải viết ra nhiều thứ hơn. Đã có lúc tôi mất cả giờ để đọc, sửa lại những thứ mình viết lúc nhỏ. Ông nội không hề thích căn gác của tôi vì nó quá lộn xộn. Bàn ghế trong phòng đều cũ và bị mọt ăn, chưa kể phòng còn chật, trần thấp. Tôi luôn đóng nắp, rồi khóa lại để tránh mẹ trèo lên lúc tôi đi vắng. Sắp xếp lại mấy tờ giấy, tôi bắt đầu viết một trang mới. Lần này tôi muốn lập mộ cho mình. Những kẻ tôi mang một khuôn mặt với nhiều giọng nói. Chúng đều dí dỏm, ngoan ngoãn và nhiều khi ngờ ngệch tới mức không ai nỡ bắt tội nếu làm sai.
Tôi mặc chúng lên người.
Chúng trở thành vật sống, có tiếng nói khi tôi gặp gỡ con người. Khi còn lại một mình trên căn gác. Mở cây đèn bàn, tôi cầm lấy bút. Tôi trút bỏ những kẻ tôi khỏi mình, và sau đấy cố gắng không nhớ lại những gì đã xảy ra khi cho chúng thế chỗ mình. Tôi sẽ bật khóc, hoặc tự vả gãy răng mình vì quá nhục nhã. Tôi chặt đầu bọn chúng rồi táng xuống mộ. Không có hương. Cũng chẳng có một cái vái cung kính theo nghi lễ. Đất sẽ nuốt chửng chúng. Nhưng chẳng chắc đâu. Khi tôi rời khỏi đây và gặp người khác, chúng sẽ chiếm đoạt lại tôi. Không khác được nhưng chí ít lúc này chúng đang chết…
Chiếc batoong của ông nội đã từng làm mẹ bị thương. Đấy là chuyện từ lâu và không ai còn muốn nhắc lại. Hẳn là mẹ đã cãi lại ông nội, hoặc làm gì đấy khiến ông nội quá tức giận. Cha tôi có bảo vệ mẹ không? Tôi nghĩ có, hoặc có thể là không nếu cha chết rồi. Tôi gọi gian phòng thờ họ Tru là nhà Vòng. Mỗi tuần tôi phải vào đấy để thắp hương cho cha và đấng tổ tiên. Ông nội tôi cũng ở đấy. Trần gian nhà ám đen bởi khói hương tích tụ từ nhiều năm. Bát hương dày kín que hương. Những tàn hương đâm chĩa sang hai bên hoặc uốn cong, xếp cạnh nhau như những nan quạt. Các đấng tổ tiên, đều mang họ Tru. Chẳng một gương mặt nào giống tôi. Tất cả lạ hoắc và dường như đang nhạo báng tôi từ cõi mù khơi nơi địa đàng.
Tôi không hỏi về cha, cũng không hỏi về bất kỳ ai trong gian thờ họ Tru. Đấy là chuyện từ ngày xưa. Và không gì dối trá bằng việc nói về quá khứ. Mọi bào chữa nhằm trục vớt một chân lý bị nhuốm bẩn đều vô nghĩa. Trên hết, chúng ta sẽ thấy rõ các anh hùng khi họ được cân cùng chiếc lông vũ. Căn gác của tôi là nơi rửa tội. Một pháp trường với ghế xét xử còn trống. Tôi tự định đoạt hình phạt cho mình. Giấy bút. Những kẻ tôi tứ chi bị buộc vào tảng đá nghìn cân và đang giãy dụa dưới đáy sông, bị tống vào chuồng cọp, đang giật đùng đùng trên ghế điện, hoặc bị trói vào cột, chờ đội súng đến…Trên bàn viết, tôi thú tội với chính tôi. Nơi đây, linh hồn tôi được ân xá. Chiếc batoong sẽ không vươn đến được.
Tôi không mang một người bạn nào trong đầu. Sống cùng, các cuộc họp mặt, dã ngoại hay đúng hơn là sự lừa đảo lòng tin nhằm tạo ra một đường tắt để tôi không bị tách khỏi cộng đồng. Không ít lần tôi đã lấy xương máu mình nặn thành vài mẫu người. Sau khi thiết kế cho những mẫu hình đấy một thân phận, tôi kể với hội bạn. Họ tin sái cổ và còn có ý định tìm gặp người đó. Cặp mắt chăm chú, chốc chốc lấy tay chấm nước mắt không nói được gì đâu. Chỉ cần một sự kiện lạ. Ai đó thấy một món tiền vô chủ, một nhóm người đánh nhau, tai nạn xe, một xích mích từ trong nhóm và bắt buộc phải có sự thanh toán…Sẽ chia rẽ họ ngay tức khắc. Người cha đã nện vào mặt con mình khi bắt quả tang nó xem phim khiêu dâm ở tuổi dậy thì. Nhà thuyết pháp sẽ bị khâu miệng bằng dây thép nếu nói về một chủ nghĩa đói máu. Gặp một tội phạm trên đường, ai cũng có quyền cầm dao…
“Thoát khỏi vườn mù, loài người bị trục xuất vào trầm luân bởi đức cha đẻ toàn năng…” – Câu cuối cùng cho tối nay. Sau đấy tôi đọc 1984 (3).
***
Tôi đã nổi sát cơ trong đầu và muốn đâm chết ông nội bằng chiếc batoong ông vẫn mang bên mình.
“Dọn sạch sẽ, sạch sẽ…”
Tất cả sách ở nhà kho được chất đống và đang cháy đen trong ngọn lửa được đốt lên từ rác và lá cây.
“Ông làm gì thế này? Trời ơi! Sách của cháu…”
Tôi vứt cặp vào lao vào ngọn lửa đang bốc ngày một cao. Từng tầng sách rụng tả tơi trong lửa. Chữ bay biến thành tro đen. Tay tôi quờ vào ngọn lửa. Khói từ lá cây xông lòa mắt tôi. Tôi không cứu được cuốn nào, còn bàn tay thì đã bị lửa làm bỏng.
“Cháu yêu, ra đây với ông.”
Đầu chiếc batoong gõ cồng cộc xuống nền đất.
Tiêu biến cả. Tòa án của tôi. Sảnh đường của tôi. Vị thầy thuốc nông thôn bị thiêu sống rồi. Đóa hoa đỏ trong tay chàng cũng trụi từng cánh rồi…Ngọn lửa chó má, mày đốt sống hết giống người rồi…
Ông nội xách cổ tôi lên. Mắt tôi vẫn nhìn vào đám cháy. Mùi sách lẫn vào lá cây và khói. Nhiều nền Văn Minh bị lửa đốt mù hết. Tôi thấy những linh hồn chưa kịp xưng tội đã tiêu vong. Không rõ ông nội nói gì. Dường như ông nói rất to. Tai tôi chỉ nghe thấy tiếng lửa cháy. Khói ngùn ngụt thành từng tầng. Mắt tôi cay xè, ướt nhẹp đi và đỏ tới mức lúc nào cũng có thể bắn ra máu.
“Tru Sa. Nghe ông nói đây! Tru Sa!”
“Ông đốt cả cháu rồi…”
Mắt ông nội trợn trừng. Mái róc bạc rủ xuống, phất phơ từng lọn. Nhiều tro giấy bay lất phất. Mảnh to, mảnh nhỏ, mảnh vẫn còn cháy, bám vào áo quần, dính kẹt trong tóc, trên trán ông nội. Cây batoong của ông nội vung lên. Chỉ là cái đặt gậy lên vai nhưng tôi vẫn cảm thấy một sức nặng nghìn cân đang đè xuống. Năm quả núi, và một lá bùa. Tôi sụm xuống.
“Mấy thứ sách thế này nên đốt từ lâu.” – Ông nội nói.
“Người viết đều là những vĩ nhân. Cô giáo cháu vẫn dạy phải đọc các nhân vật tầm cỡ.”
Ông nội bật cười, cây gậy đè nặng hơn.
“Một đứa trẻ ngoan sẽ không cãi người lớn. Cháu sao thế này. Cháu mang họ Tru, là cháu ta.”
Tôi rất muốn cướp lấy cây batoong và đâm nhiều nhát lên ông mình. Ý nghĩ cháy rực lên và hoàn toàn tôi sẽ làm thế. Tiếng gằn giọng của ông, cái nhìn cau có, gằm ghè khiến tôi nổi gai ốc. Tuồng như ông nội đã đọc ra sát niệm của tôi nên đã nắm chặt cây batoong bằng hai tay. Nhìn số sách rữa thành vụn tro, tôi nghĩ đến phòng viết của mình. Căn gác riêng, phòng sám hối, là tường diện bích của tôi…Không xong rồi. Sách ở nhà kho tôi đã chuyển lên gác. Số nhét trong ngăn kéo, số đặt ở giá học tập, số kê làm gối, số thì được chồng thành tầng và nằm trên mặt bàn. Nếu chúng được chất hết ở đây nghĩa là ông nội tôi đã lên được căn gác. Mọi ổ khóa trong nhà trước khi đánh chìa đều phải hỏi qua ông nội. Không lạ nếu ông nội có một chìa dự phòng. Mọi giấy tờ của tôi. Trong vở ghi chép, sổ nhật ký. Trên kệ giá, trong hộc kéo, rồi thì nhiều tờ còn chưa xếp lại hẵng bừa bộn trên bàn…Lời than vãn, huyệt mộ của hàng chục kẻ tôi sẽ bị xới hết lên. Sẽ không gì cứu vãn được nếu ông nội mở chúng ra đọc. Một que diêm đánh xòe, và nơi nương thân cuối cùng, chốn rửa tội để tôi được làm người sẽ không còn nữa. Mồ hôi tôi túa nhễ nhại, từng đốt tay tê dần dần. Tôi thấy thở khó.
Lúc này đây tôi phải diễn trò. Tiêu hủy nỗi uất hận sâu trong mình bằng cách khoanh tay lại, cúi đầu thấp xuống, không quên sụt sịt cái mũi. Tôi vào với ông và nói rằng mình làm thế chỉ vì quá tiếc chỗ sách đấy. Ông nội đi một bước, tôi đi một bước. Ông nội đi hai bước, tôi đi hai bước. Tôi rót nước cho ông nội, tự nhận sai. Cái mặt tôi trông thật hướng thiện. Tôi còn gãi gãi đầu, cười hề hề để làm ông dịu xuống.
“Chỗ sách đấy là của cha cháu. Giờ thì ông đốt nó cho cha cháu.”
“Sao ông không giữ lại…Ý cháu là để làm kỷ niệm, sinh tiền chắc cha cháu quý chúng lắm.”
“Khỉ gió. Ông đã đọc một vài cuốn rồi. Ba lăng nhăng cả. Làm gì có đứa trẻ nào lại không muốn lớn, rồi kẻ thấy mình không bằng cả chó, rồi lại cả chuyện súc vật nổi loạn nữa…Độc hại, quá độc hại…”
“Ông không biết trong mỗi một người có bao nhiêu túi nọc đâu…” – Tôi muốn hét to như thế vào mặt ông nội. Chiếc batoong vẫn trên tay ông. Khuôn mặt héo quắt, những nốt tàn nhang lõm sâu như ăn vào tận xương. Bởi tuổi tác, mắt ông nội mờ đục, nhưng không có nghĩa là nó kém tinh tường và dễ thỏa hiệp. Tôi cược rằng cả tuổi trẻ ông nội tôi đã uy hiếp người khác bằng việc nhìn chằm chằm họ.
“Ông ơi, ông lấy sách ở phòng cháu ra thì…Thì…” – Tôi dịu giọng, vờ như ấp úng để dò xét ông nội.
“Buồng học của cháu…” – Tôi rùng mình – “Nó…”- Mồ hôi bắt đầu rịn, tôi cố làm vẻ tỉnh bơ – “Tối, chật nữa…” – Tôi nuốt khan cả tiếng thở của mình – “Nhưng được cái gọn gàng.” – Tôi thở phào. Tiếng thở tôi đã cố không để lọt ra ngoài bằng cách nén lại trong họng rồi nuốt ngược. Rất có thể ông nội sẽ phát giác tôi đã không thành thật.
Giấy tờ của tôi đã được an toàn. “Gượm đã.”- Một nỗi lo sợ khác ló dần ra. Rõ ràng hiếm khi tôi dọn phòng. Trên bàn luôn vung vãi giấy nháp. Chưa kể là tối qua tôi viết đến mờ sáng, lúc đi học vẫn chưa kịp cất bản viết đi.
Lên trên phòng, tôi quên cả việc bật đèn khiến mình bị vấp ngã trong bóng tối. Tôi hối hả leo lên căn gác. Đèn bật sáng. Quả như lời ông nội, căn gác gọn gàng đến khó tin. Bụi bặm, mạng nhện đều được quét hết. Sàn nhà bóng loáng. Mùi thuốc diệt côn trùng vẫn còn nồng nặc. Tôi gần như ngã gục khi lỡ hít thở quá sâu. Lũ mối, gián, kiến hẳn đã chết sạch. Ra giường, gối cũng được thay mới. Sự sáng sủa, ngăn nắp trái lại khiến tôi thấy chơi vơi. Vở ở kia, bút ở kia. Những bản xưng tội mà tôi quên cất đều trong hộc kéo. Tôi mở ra, đọc rồi xem đã đủ chưa. Ơn trời là tất cả còn nguyên.
Không một ai trong số những khách khứa lui tới nhà tôi biết về căn gác. Khách của ông nội, mấy người hàng xóm chẳng một lần vào quá phòng khách. Không phải ông nội. Là mẹ. Hẳn mẹ đã quét dọn, rồi cất giấy tờ của tôi đi. Mẹ biết về những gì tôi viết ngoài bài học trên trường ư? Từ bao giờ? Mẹ có đọc chúng không? Hay mẹ chỉ lên dọn thôi? Mẹ…Tôi muốn ngừng mọi câu hỏi lại. Tẩy trắng mọi ngờ vực bằng niềm hân hoan được bảo vệ. Những bản viết vẫn chưa thất thoát ra ngoài. Với tôi thế là đủ.
6h chiều, cả nhà tôi ngồi ăn cơm. Mẹ không nói gì với tôi ngoài hỏi chuyện học. Ông nội chỉ ăn lưng bát con rồi kết thúc bữa ăn bằng nửa cốc rượu cùng ít tôm khô, lạc sống. Xong bữa, mẹ bưng mâm xuống bếp. Tôi xuống bếp cùng mẹ. “Mẹ dọn gác của con phải không?” – Tôi hỏi mẹ. Mẹ không đáp, chỉ gật.
“Lần sau con sẽ tự giác. Mẹ không cần phải lên dọn nữa đâu.”
“Đừng bao giờ để đồ đạc bừa bãi nữa.” – Mẹ tôi nói.
“Mẹ, tại sao ông nội lại đốt sách của cha?”
“Mẹ không biết.”
“Mẹ có đọc chỗ sách đấy không?”
“Mẹ không đọc.”
“Mẹ không thích đọc sách à.”
“Chắc vậy…”
Sáng chủ nhật, ông nội dẫn tôi đi mua sách. Sách do ông nội chỉ định và tôi bắt buộc phải đọc. Hạt Giống Tâm Hồn, Đường Kách Mệnh, Tư Tưởng Mác-Lenin, một loạt những đầu sách tham khảo nhà trường. Tôi vẫn đọc chúng, như một bài tập thuộc lòng để lấy điểm mỗi khi ông nội đột xuất hỏi.
***
Một năm nữa trôi qua, tôi lớn thêm một tuổi. Tôi học trường khác. Lễ bế giảng mỗi năm tôi thường tỏ ra tiếc nuối và còn òa khóc khi ôm lấy mỗi người bạn. Tôi không nghĩ mình lại là đứa mau nước mắt nhưng ngày hôm đấy hễ tôi muốn là khóc được. Ai nấy đều tin nước mắt tôi là thật lòng. Nhiều lời khen tặng, nhiều vòng ôm dành cho tôi. Có kẻ đã tặng hết phần thưởng cuối năm cho tôi. Cô nàng hoa khôi của lớp đã hiến tặng tôi nụ hôn đầu đời. Hình ảnh tôi trong họ còn quá trong sáng, và họ sẽ giữ lấy nó cho tới ngày hội ngộ. (Dù chẳng bao giờ có ngày đó.)
Vai diễn thằng ngốc lừa được tình cảm nhiều người hơn tôi nghĩ. “Học sinh ngoan, hiền lành, hòa đồng dù nhiều lúc hơi hiếu động…” – Đấy là cát-xê diễn của tôi. Nó quá hậu hĩnh. Và như thế, trong mấy chục năm không ai thù hằn với tôi cả. Nhiều đứa coi tôi như tri kỷ và đấy là một thành công khác, cho vai diễn quá sức xuất thần. Vòng nguyệt quế kết bằng lông nhím này, nó dành cho ngươi, và chỉ chính ngươi…
Những bạn hữu mà tôi luôn muốn bầu bạn đã chết. Ông nội tôi đã đại đồ sát họ bằng ngọn lửa Ares. Giờ đây tôi chỉ biết ngồi viết. Tôi để tang cho sách bằng chữ của mình. Cả buổi tối tôi không làm bài tập, không học bài, thậm chí còn chẳng thèm soạn sách vở cho ngày hôm sau. Tôi ngồi viết, chữ đổ kín trang viết. Hồ như tôi không để mình nghỉ tay. Chỉ viết, và viết. Mong linh hồn của họ sẽ xá tội cho ông tôi. Tôi sẵn sàng lấy hồn mình để trả tội. Trên căn gác chỉ có tôi. Sách. Thứ Đạo dẫn lối đã không còn. Lũ hề đang tạm chết. Tôi ngồi dựa vào cây thánh giá và viết tội trạng của mình.
Nghe thấy tiếng cộc cộc của đầu gậy, tôi giật nảy người. Trên bàn viết bừa bộn giấy và vở ghi. Không có lấy một cuốn vở học hay sách giáo khoa. Tôi đọc thật to các công thức, định nghĩa, phương trình toán, cuống quýt đọc cả sáu điều Bác Hồ dạy. Sáu điều được tôi nhại theo trật tự, có lúc đọc xuôi, đọc ngược, đọc ngâu nghiến các như cửu chương. Vừa đọc tôi vừa run rẩy nhưng cố không để cảm xúc làm loãng tiếng đọc vạm vỡ. Chiếc batoong đã rời đi. Tôi ngã vật xuống bàn và thở phào.
Những ngày sau tôi cẩn thận hơn. Trên mặt bàn lúc nào cũng có sách giáo khoa, vở ghi trên lớp. Thế nhưng rắc rối lại có ngay.
“Chẳng có hơn mười nghìn.”- Túi tôi rỗng tuếch trong khi tôi luôn thiếu giấy bút.
Tôi xin tiền mẹ, chỉ phần nào đó vì rất có thể ông nội sẽ bắt gặp. Những đứa bạn cùng lớp sẵn sàng bỏ tiền túi để mua cho tôi sách bút. Để họ tự nguyện thế thì tôi đã phải hạ mình. Làm họ vui bằng cách học biết sở trường của họ, nhưng rõ ràng tôi không được trội hơn. Tôi biết hút thuốc từ lâu nhưng vẫn phải vờ như mình chưa ngậm điếu thuốc trong miệng bao giờ. Để họ phấn khích, tôi chối đây đẩy rằng sợ bị cô giáo bắt, chưa đến tuổi hút…Họ nào để tôi yên và đấy cũng là điều tôi chờ. Tôi rít thuốc, ho sặc sụa, giẫy chân giẫy tay. Cái điệu bộ của tôi làm họ thích chí và cười hô hố cùng nhau. Trò họ chơi, tôi cũng chơi. Món họ ăn, tôi cũng nghiền. Họ uống rượu và xem phim khiêu dâm cùng nhau, tôi cũng xin nhập hội. Vai khỉ của tôi tới giờ vẫn chưa lỗi thời.
Tôi đối đãi người đời bằng thân phận không phải là tôi. Những kẻ tôi mà chưa một lần tôi muốn nhận mặt. Vứt bỏ chúng. Tôi không làm được. Chỉ cần thiếu chúng, dù nửa ngày tôi không biết làm sao để bảo vệ mình. Đấy đã là thứ trang phục tối thiểu nhất tôi bắt buộc phải mặc để không bị trần truồng…
Tôi chết từ trong trứng mẹ. Máu trong người tôi từ lâu đã khô kiệt. Tôi là kẻ có tội và cuộc đời tôi chỉ là sự xưng tội.
***
“Cháu muốn theo nghề gì?” – Ông nội gọi tôi lại hỏi khi tôi đi học về.
“Cháu còn đang đi học mà ông.” – Tôi đáp lời, không quên nở nụ cười.
“Không lâu nữa cháu sẽ học xong, sẽ phải tìm việc cho mình.”
“Cháu muốn sưu tập sách.”
“Ồ, cháu yêu, đấy không thể coi là nghề.”
“Viết sách thì sao hả ông.”
“Ý cháu là trở thành nhà văn. Cháu vẫn thường viết cái gì sao?”
“Dạ không…Viết gì được chứ…Chỉ là cháu thấy nhà văn thường được công chúng ngưỡng mộ. Sẽ làm rạng danh dòng họ Tru.”
“Nghĩ hay lắm cháu yêu. Nhưng này cháu…” – Ông nội gõ cây batoong xuống đất. – “Dòng họ ta không cần nhà văn. Nghệ sỹ là lũ cứng đầu…”
“Họ hiểu quá cái thế nhân này rồi. Này ông! Họ sống mái vì thứ gọi là Người. Đấy là những Uriel.” – Tôi hét vang trong đầu mình. Cái tiếng nói này đây, đang muốn phá nát tôi để thoát ra ngoài. Cơn giận của gió, là cuồng phong. Tôi muốn người ông mang trong mình chữ thập ngoặc này nghe thấy. Ông chẳng biết được tội lỗi của mình lớn nhường nào. Thiêu đốt sách, chỉ có loài Satan.
“…” – Tôi câm bặt. Tôi nhường xác mình cho những kẻ vẫn luôn chầu trực trong tôi. Bọn ngươi thèm khát thân xác này lắm đây, giờ thì ta thí nó cho lũ ngươi, chỉ đổi lại các ngươi hãy giúp ta qua mặt ông nội mình, hãy làm ơn.
“Học viện G. rất tốt đấy. Cháu nên theo khoa Sử hoặc Luật.” – Ông nội vừa nói vừa xoay đầu gậy batoong.
“Học viện G. Dạ vâng, học viện G.”
Tôi bổ trợ sự thiếu thốn về sách bằng cách tìm đến những cửa hàng sách cũ. Đọc ké và không mua lấy một cuốn dù được giảm giá tới mức cho không. Ông nội tôi còn đấy và ai mà biết ông ấy sẽ làm gì nếu bắt quả tang tôi. Mẹ không bao giờ hỏi tôi tại sao mua nhiều giấy bút. Bà luôn hờ hững như một mảnh sương đi lạc. Miễn là bà chịu tiếp tế tôi bằng cách cung cấp tiền để mua giấy bút là tôi đã phải mang ơn bà. Những bản viết của tôi ngày một nhiều. Ngoài các cáo trạng tôi viết cho mình, tôi còn ghi lại một thứ bỗng chốc nảy từ đầu mình. Cũng có thể tôi chợt nhớ đến một cuốn sách ngày trước và ghi đôi điều xúc cảm. Cho đến nay chưa một ai biết về hồ sơ mật của tôi. Bẵng đi một thời gian, căn gác của tôi trở lại với sự lộn xộn, bẩn thỉu vốn có. Đám côn trùng sinh sôi trở lại. Ruồi muỗi bay vèo vèo. Mạng nhện chằng chịt trần nhà. Nếu rọi đèn lên trần, sẽ thấy hằng hà xác bướm dính trên lưới nhện. Một căn gác luôn tối, chật chội, bừa bãi và nhiều gián, mối chẳng thể gọi là chỗ ở của người. Nhưng chỉ cái môi trường này mới phù hợp và dành cho tôi. Đây là nhà ngục của tôi, cũng là Nghiệt Kính Đài (4) của riêng tôi. Tôi là tù phạm và kiêm luôn cai ngục. Kẻ tôi ở đây thành khẩn cung khai. Nhà tù, cũng là chỗ nương thân của tôi, đến nay vẫn chưa bị ai phát giác.
Nhà Vòng vẫn là nơi tôi sợ phải vào nhất. Ngày giỗ, tết hoặc một ngày nào đấy do ông nội bắt buộc tôi đều phải vào thắp hương. Quỳ dưới điện thờ, cúng vái trong khi tôi còn chẳng hiểu họ thế nào. Ông nội cung kính với các vị tằng tổ và thường xuyên nhang khói. Chỉ riêng cha là ít được nhắc đến. Còn việc hương đèn thì ông nội chỉ đốt vào ngày giỗ, duy nhất vào ngày đấy. Tại sao ư? Vì cha chỉ là rể. Mẹ tôi mới thực sự là người họ Tru. Cha tôi mang dòng máu lạ và để hoàn toàn được bên mẹ cha đã phải mang họ Tru. Dòng giống của cha được nối tiếp bằng tôi nhưng thứ hạt giống đó bị tước quyền nảy mầm trên đất tiên tổ. Ông nội họ Tru, mẹ họ Tru, cha tôi họ Tru và tôi cũng là người họ Tru.
“Những năm…Trên chiến trận miền Nam…” – Một loạt những chuyện hiển hách của tổ tiên được kể ra. Đáng ra tôi không hề muốn nghe nhưng vì e sợ cây batoong sẽ gõ lên đầu mình tôi phải ngồi đấy. Thành khẩn. Lắng nghe. Cặp mắt chăm chú, hồ hởi và tỏ ra nôn nóng mỗi khi ông nội ngừng kể vì một cơn ho.
Hương cháy và tôi để mặc mình tan rữa theo màn hương.
Anh hùng. Thế nào mới là anh hùng đây? Xông pha chiến trường cứu lấy chủ tướng…Chặt đầu tướng giặc…Lấy xác giữ thẳng lá quốc kì…Hiến mình thành mồi lửa để đốt sạch chiến trường…Hay…Thế này, thế kia…Trên hết, một người hùng thì phải biết giết người và không ngại giết người. Không ai định tội sát nhân cho người hùng cả. Chiến tranh, đấy chỉ là sự suy vong của tính người. Họ thỏa sức bắn giết, chẻ xác nhau, để máu ngấm đỏ đất mẹ. Lựu đạn giã con dân da vàng thành thịt nhầy. Tổ Quốc chia đôi và hàn gắn bằng cuộc tắm máu không nương tay. Nỗi ăn năn của mỗi người họ là cái chết của những đồng chí, sự lở lét của giống nòi bởi ác nghiệp họ chuốc từ chiến tranh, hoặc rằng họ ngã xuống khi mà tính ác chưa nguôi và còn muốn giết người… Mọi trang sử đều là máu, bức họa đồ khuyết gốc, và là con cá chép hóa rồng từ thịt người. Thánh Phù Đổng, là anh hùng lịch sử cũng là nạn nhân của lịch sử. Một đứa trẻ bị ăn thịt tuổi thơ. Chiến thắng, cũng chỉ là Linh Sơn của Quỷ. Bọn họ giết nhau thê thảm để rồi điên loạn tìm xương cốt đồng bào trên bãi rác xương người. Vậy sao nhiều người vẫn luôn nhắc về những thứ tàn khốc với sự ngạo nghễ…Tôi quá xa thời đại của họ hay tôi không hiểu được họ…
Cái mẫu từ “Ngày xưa…” luôn làm tôi run sợ, như huyết thống dòng họ Tru mà tôi là kẻ phải kế thừa.
Giờ đây tôi muốn kết thúc trang viết của mình. Căn gác chật chội, cây đèn bàn luôn được tôi vặn nhỏ tới mức chỉ đủ nhìn. Ở đây. Tiếng sục sạo của một con chuột đói, tiếng quẫy mình của một con muỗi bay lạc vào lưới nhện, nhưng rõ ràng nhất vẫn là tiếng thì thầm của chính tôi với trang viết. Tôi chưa bao giờ mở đèn quá sáng. Ngay từ nhỏ tôi đã không ưa mặt trời rồi. Mỗi khi cúp điện, bóng đèn chợt tắt vì đứt dây tóc, nổ cầu chì hay gì đấy miễn là trong một khoảnh khắc nhỏ ánh sáng bị mất đi thì tôi là người vui nhất. Những kẻ quanh tôi, phần lớn là thế thường la toáng lên, rồi loay hoay gọi nhau như sợ rằng mình sẽ lạc mất khỏi thế gian. Riêng tôi ngồi (hoặc đứng) một chỗ, và thấy thanh thản. Tôi tạm vắng khỏi bọn họ trong lúc đấy. Vầng thái dương không mang đến tôi sự tin tưởng. Chính thứ ánh sáng rực rỡ từ cánh chim lửa làm hết thảy chúng ta nhầm lẫn. Chẳng gì quang vinh khi rèm tối buông dày, bình minh còn tàn chết chừng nào xác chết còn thống trị cõi trần gian. Thứ vây bám quanh mỗi người chỉ là một bó chỉ bùng nhùng với một đầu được gắn với cổ tay. Đầu còn lại không rõ nơi đâu. Loại chỉ này mỏng lắm, và trong suốt, có đứt cũng chẳng ai biết. Tự thao túng mình. Tôi căm thù chính tôi. Sẽ nhiều người còn ghi nhớ một tôi trong quá khứ là đứa trẻ ngoan, dễ bảo, chăm học và có nhiều bạn. Vài cô bạn học còn tỏ vẻ ngượng nghịu khi nhớ lại từng bị tôi bẹo má, đét mông. Những bức thư tình của tôi hẳn là họ còn giữ và cất cẩn thận trong cái hộc kéo mà chỉ họ có chìa khóa. Thật quá đỗi đẹp đẽ cho một ký ức tuổi hồng. Màn ảo thuật của tôi quá điêu luyện và các khán giả đều mắc lỡm. Tôi tủi nhục, mắc tội với chính tôi vì đã lừa dối quá nhiều người. Sẽ không hay gì nếu tôi tiết lộ cái tôi gốc của mình với họ. Không một ai tin rằng đấy là tôi. Họ sẽ pha trò với nhau và còn nghĩ rằng tôi có tố chất của một đạo diễn tiềm năng. Thôi nào, để yên thế đi. Gánh xiếc sẽ bị người ta ném trứng thối, bị dỡ đi, bị tẩy chay nếu không thể mua vui. Cây thánh giá nào sẽ xá tội cho tôi. Quờ quạng, cố tìm lấy một cuốn sách để tự trấn an mình, tôi trống rỗng hoàn toàn. Không còn sách nữa, chỉ có những bản án ghi tội mình. Tôi cầm bút lên và viết tiếp…
***
Tôi đỗ tốt nghiệp như bao đứa học sinh bình thường khác. Giờ đây, tôi phải thi đại học. Học viện G., nơi ông nội đã nghía từ trước. Chẳng lý do gì mà tôi lại từ chối nộp hồ sơ để thi vào đấy. Tôi thi khoa Lí Luận Chính Trị-Giáo Dục Công Dân. Tôi không chọn ngành này, đấy là chỉ thị trước mắt của ông nội. Tôi hoàn toàn nghe, hoàn toàn gật và hoàn toàn làm theo như đấy là kim chỉ Nam.
Thời gian này tôi viết ít hơn. Một phần vì lý do thi cử, mặt khác tôi bắt đầu e dè mẹ. Bà đã bắt đầu quan sát nhiều đến hoạt động của tôi. Phía dưới căn gác vốn rất lộn xộn bởi bàn ghế cũ, giường chiếu…Nhưng nay thì nó đã được sửa chữa lại. Mấy món đồ được dọn đi hết. Nơi đấy được kê tủ bàn mới, trở thành phòng riêng của tôi. Rõ ràng mẹ đã không nói trước với tôi ông nội sẽ sửa lại phòng. Ngày hôm đấy bà nhờ tôi chuyển quà cho một người họ hàng. Đường xa nên tôi phải đi từ sớm. Người họ hàng giữ tôi lại dùng bữa nên phải tối mịt tôi mới về đến nhà. Lúc trở về mọi thứ xong xuôi cả.
Căn gác vẫn còn. Tôi tỏ ra hạnh phúc vì sự quan tâm từ ông và mẹ. Diễn comedy thì quá đơn giản. Ông nội và mẹ là các khán giả mà rất khó để tôi có thể chọc cười chỉ bằng điệu bộ hay giọng nói. Ông nội lúc vui lắm chỉ nhếch miệng cười. Thế nhưng tôi lại không nghĩ họ có thể nhìn ra vai diễn của mình, bởi họ đã gật gù rồi nói sang chuyện khác. Tôi được an toàn.
Khách nhà tôi gần đây rất nhiều. Hầu hết đều là người đến mua bình gốm của ông nội. Số còn lại thì là hàng xóm, hoặc một ai đấy từ quê lên chơi. Nhiều người là bạn đồng cốt của ông nội. Mùi người nồng nặc quanh nhà. Điều tôi khó chịu hơn là họ còn mang theo con cháu của mình và để mặc chúng chạy nhảy quanh nhà. Tôi chưa bao giờ sống như một đứa trẻ và có lẽ vì thế mà tôi không ưa gì trẻ con. Mấy trò đùa nghịch, sự hồn nhiên của chúng làm tôi nhớ đến những trò ma của tên chín đuôi, và chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ để tôi thấy ê chề, kinh tởm chính tôi và không cách nào khác tôi phải trốn lên căn gác, viết…
“Học viện G. rất danh giá. Cháu phải vào bằng được.” – Không biết đã bao nhiêu lần ông nội nói với tôi như vậy. Sau đấy ông nội lại nhắc về tằng tổ họ Tru. Tôi họ Tru. Và người họ Tru…
Trong những ngày ôn thi, ông nội ngồi dưới căn gác, vừa đi vừa gõ batoong xuống đất. Mẹ tôi cũng hay lên phòng với lý do là mang hoa quả hoặc súp để tôi bồi bổ. Họ không nói chuyện ồn ào, thậm chí chẳng nói lời nào với nhau. Những gì họ làm chỉ là đi lại. Những tiếng động nhỏ, và tôi nghe thấy hết. Mỗi bước chân dường như lúc nào cũng có thể đặt lên cầu thang, rồi chầm chậm leo lên từng bậc. Tiếng gậy batoong luôn báo trước với tôi rằng ông nội còn dưới đó. Cái nắp căn gác chẳng đủ chắc chắn để cản nổi ai đâu. Vai tôi trĩu nặng. Cuốn sách tham khảo, bài tập toán, tài liệu lịch sử, đề thi năm…Tôi muốn vứt béng mấy thứ này đi để cầm lấy cây bút và viết. Đầu gậy batoong, và ông nội…Ngón tay cầm bút không nghe theo lời tôi nữa. Chúng phản trắc lại tôi bằng cách ghi ra lời giải của bài toán. “Ông nội sẽ lên, bất cứ lúc nào đấy…” – Tiếng nói thì thầm bên tai. Thật đúng là một chuyện đùa.
“Lúc nào cũng có thể lên…Lúc nào cũng có thể lên…”
Tôi ngồi trên gác thâu đêm để giữ lấy án đường của mình. Hôm sau, tôi rời phòng cùng cái quần nhem nhuốc cứt đái.
Khách khứa vẫn lui tới nhà tôi. Tôi viện cớ ôn thi để không phải xuống gặp họ. Ông nội không phàn nàn, nhưng không có nghĩa ông sẽ để tôi yên thân. Buồng dưới căn gác không lúc nào vắng đi tiếng người. Đèn sáng choang. Trên căn gác của tôi thì ảm đạm ánh sáng. Ở đấy, không ông nội thì là mẹ. Họ thay trực luân phiên và chỉ đợi một phút sơ sảy của tôi…
Những ngày ôn thi đằng đẵng kéo dài như thế. Sau cùng tôi cũng hoàn thành việc thi cử. Thời gian tiếp theo chỉ là chờ đợi.
***
Một thời gian dài chờ kết quả, không gặp gỡ ai và chỉ la cà các hiệu sách cũ tôi thấy thật thanh thản. Mấy đứa bạn vẫn thường lui tới nhà tôi nhưng thật may rằng tôi luôn vắng nhà. Đời người sẽ bi thảm đến đâu nếu không có lấy một người bạn. Ngay đến Yozo còn cần Horiki (5). Tôi thì không. Tôi không mong đợi gì dù một miếng nhỏ của quả đào tiên. Bạn. Tôi không thiếu, thậm chí còn nhiều. Tôi sợ họ. Thực sự thế. Mỗi khi đi ngòai đường, ngồi trên xe Bus, đứng ở quầy sách cũ, mua đồ trong siêu thị…Tôi luôn đội mũ và đeo khẩu trang như cách để không ai nhận ra mình. Khi nhìn thấy một người quen, ở đây là bạn cũ, tôi thường hốt hoảng. Sợ rằng kẻ đó sẽ nhận ra dù là cái vẫy tay chào theo lối người qua đường. Còn gì khiếp đảm bằng việc kẻ đó sẽ gọi những bạn bè của mình mà tôi cũng quen lại. Lôi kéo tôi lại. Quàng vai, chào hỏi rồi với sự hồ hởi từng đứa bắt tôi phải chường mặt ra ngoài. Tôi nào biết phải chào đón họ thế nào. Ngay đến việc nhớ ra họ là ai tôi đã phải vắt óc rồi. Mỗi cuộc gặp như vậy tôi thường chào lại họ, rồi thì họ làm gì tôi nhái theo. Sau đấy tôi vờ sửng sốt vì một sự kiện đằng xa để họ tập trung về đó. Cũng có khi tôi tự làm rơi đồ, buộc lại dây giầy. Chỉ cần họ tạm quên tôi đi một lúc, tôi sẽ có thời gian để nhớ lại họ. Tên của họ, thói quen, gia cảnh, câu cửa miệng, cái vảy ngược… Tôi chưa nghĩ mình sẽ thực sự kết bạn với ai ngoài những cuốn sách. Nhưng đấy phải là sách của những người đã chết hàng thế kỉ.
Sách của người chết, đấy mới là điều tôi cần. Công tội của họ đã được định đoạt chán chê. Họ là tri kỉ, cũng là ân sư của tôi. Để đến được với họ tôi cần một cây bút để viết. Con người sinh ra từ đất, và sẽ thành đất. Những cái chết bất tử. Kafka, Doxtoevxki, Joyce, Michelet, Blake…Họ không sống như một con người. Đấy là những linh hồn còn nặng lòng với loài người. Mang cái xác dễ hoại thư, họ cầm lấy bút và dốc kiệt máu mình, xối thành thứ mực thiêng. Họ liều mạng để viết. Liều mạng để hoàn thành sứ mệnh đời mình. Những hình thái mê cung, một thực thể sương mù, con đường muôn lối cụt, dải khăn tang bằng văn tự, loài người trong khán phòng không con người hay chăng mọi điều đấy chỉ là sự gột rửa lại chân lý. Không thứ minh triết nào sáng suốt bằng sự đọa đày trong tội lỗi. Đừng nhắc về ánh sáng hay tối tăm vì ngày tạo dựng đầu tiên đã qua rồi. Vừa đi, tôi vừa lẩm bẩm :
“Nhà tu hành không mặc áo.”
“Nhà tu hành không mặc quần.”
“Nhà tu hành đang xấu hổ…”

Về đến nhà, tôi thấy cửa mở. Như thường lệ, tôi nói to để ông nội và mẹ biết mình đã về. Nhà cửa từ trong ra ngoài vẫn sáng sủa bởi nhiều ngọn đèn. Sàn nhà sạch, bếp sạch, một mảnh rác cũng chẳng thấy. Trong nhà không có người nhưng phòng nào cũng sáng đèn. Cửa mọi gian buồng cũng mở toang như có khách. Phòng ông nội, phòng mẹ, rồi thì nhà tắm, buồng khách…đều như vậy. Điều này thật không đúng. Ông nội dù thích sự sáng sủa nhưng chưa bao giờ rời khỏi phòng mà vẫn để đèn. Đi trong màn ánh sáng dày thành từng lớp, tôi đi lên phòng mình. Đứng trước cửa, tôi sững sờ vì ngọn đèn sáng rực tỏa từ căn gác của mình. Ông nội ngồi ở dưới nhà. Dường như vừa tan cuộc họp trên phường nên ông vẫn khoác trang phục cựu chiến binh. Những huân chương đánh Mỹ hạng nhất lập lòe ngực áo như đèn đom đóm. Cây batoong được nắm chặt lại khi ông nhìn thấy tôi. Ông gọi tôi vào. Cái khuôn mặt già nua, mốc meo dần đi vì tuổi tác này luôn khiến tôi phải nhìn tránh đi giờ đây còn gớm ghiếc hơn khi giận giữ.
“Cháu đã trượt …” – Ông nội nói thế.
“Cháu xin lỗ…” – “ Không.” – Ông nội cắt ngang lời tôi – “Đây không còn là việc ai có lỗi nữa rồi.”
“Cháu đang toan tính cái quái gì vậy…”
Tiếng quát kéo dài. Chưa bao giờ tôi thấy ông giận dữ như vậy. Con mắt ông đục ngầu, trợn trừng như muốn trút mọi thịnh nộ lên tôi. Trong những trường hợp thế này, tôi sẽ phải cầu cạnh đến lũ kẻ tôi. Một vai diễn lãng tử hồi đầu và tôi sẽ thoát nạn. Cùng lắm chỉ bị quát mắng vài ngày hoặc cấm túc một tuần. Lời khẩn cầu của tôi bị chặn ngang và đứt đoạn hoàn toàn. Ông nội lấy ra nhiều mảnh giấy nhàu nát, ghi chằng chịt chữ. Những dấu gạch xóa lem nhem, chữ nọ đè lên chữ kia, các gạch đầu dòng, rồi một chữ thật lớn chồi lên, in đậm như vào trang giấy. Chữ của tôi. Đúng là thế. Những bản án tôi viết cho mình, giờ đây đều lộ ra ngoài. Ông nội đọc từng chữ trên giấy bằng ngữ giọng giận dữ đến khàn đặc. Đâu chỉ vài trang giấy. Ông nội lấy từ dưới bàn một quyển vở A4 khổ 200 trang. Và cũng như vậy, ông nội đọc chúng lên. Những lời đọc như hóa thép và vang ồ ồ.
Còn gì thê thảm hơn lúc này. Tay chân tôi tê cứng và chôn lại một chỗ. Những thứ này dù đã có lúc tôi muốn công khai ra để một ai đấy biết được tôi đã thống khổ thế nào khi trót mang kiếp người. Nhưng không phải thế này. Tiếng đọc của ông nội chứa đầy phẫn uất, chữ bị bẻ gãy, bị nát nhừ trong họng ông nội. Và khi ông nội nhả thành tiếng đọc. tôi quên khuấy đi mình đang ở đâu. Giờ đây, đầu óc tôi quay cuồng cả lên. Mấy tiếng nghe như vạn quả Đại Hồng Chung được đánh cùng lúc, như tiếng niệm Định Tâm Chú. Quỷ Môn Quan được khai mở và hàng vạn ác hồn tìm đến tôi để thỏa lòng khát máu…Người ông này không chịu dừng, và tiếp tục đọc bằng hết tội trạng của tôi. Tiếng đọc lớn, và thật vang hệt như ông muốn ai cũng nghe thấy được. Từng trang cứ thế mở. Giấy đơn, giấy đúp, vở ô ly, vở kẻ ngang, sổ nhật kí. Chữ được quật từ giấy và đốt kiệt quệ. Tiếng đọc dồn nhau không ngắt không nghỉ tiếng tràn lên tiếng ồ ạt đè nghiến rồi lại ồ ạt từng lớp từng lớp một như đội quân Nam Hán. Chiếc ghế tam cấp bị đá đổ, và tôi đang chới với dưới sợi thòng lọng…
“Dừng lại đi…Dừng lại đi…” – Tôi nói lớn. Và quỳ mọp xuống.
“Những thứ này là gì….”
Tôi im lặng.
“Ông không thể hiểu nổi cháu đang làm cái quái gì. Mấy thứ này đều từ phòng cháu, có đúng là nét chữ của cháu…”
“Chính là chữ của cháu.” – Tôi bật khỏi thế quỳ và đứng ngay ngắn trước mặt ông. Lần đầu tiên tôi đứng vững được như thế trước ông mình.
“Ai đã bắt cháu làm thế này.”
“Không ai cả.”
“Nói thật với ông.”
“Chính cháu đã viết. Phải, chính là cháu!”
“Đống giấy lộn này chỉ toàn cặn bã. Một con người, theo đúng nghĩa không thể thế này được. Nói với ông. Tru Sa! Thành thật với ông…”
“Cháu chỉ đang tự cứu mình và cứu cả ông nữa.”
“Cứu ư? Vết xe đã đổ thì đừng đạp lên.”
“Cha cháu là ai?”
“Là con của ta, chồng mẹ cháu và là cha cháu.”
“Cha cháu họ gì?”
“Họ Tru.”
“Cha cháu, không họ Tru và không họ gì hết. Kẻ không nương náu!”
“Không. Không tốt tí nào, người đã chết từ lâu lắm rồi…Lâu lắm rồi…”
“Cháu sẽ viết, và sẽ còn viết…”
Miệng ông nội mở ngoác ra. Răng ông còn đầy đủ, và đều xỉn vàng, ố đen. Dường như ông nội muốn cười lên, nhưng không thành tiếng. Hàm răng nghiến lại ken két. Có cái nào vỡ không. Chịu. Sau một câu nói mà tôi nghe không rõ, ông nội giơ cao cây ba toong. Một cú đánh ngay đỉnh đầu tôi. Câu hỏi của ông nội vẫn vậy và tôi tiếp tục chọc điên ông bằng câu trả lời của mình. Đây là lần đầu tiên ông nội đánh tôi mạnh và túi bụi đến như vậy. Mồ hôi ông vã ra, chảy cả xuống mặt tôi. Một vài tấm huân chương sút khỏi ngực và rơi xuống đầu tôi. Vừa nói, tôi vừa cười “Huân chương đánh người hạng nhất, sao vàng, anh hùng lao động ha…ha…” Gậy giáng mạnh thêm một lực. Gậy be bét máu. Cả máu tươi lẫn máu khô. Nhìn ra ngoài cửa, tôi thấy mẹ đứng đấy. Bà nép vào một bên cánh và len lén nhìn tôi.
Một tiếng “Rắc…” vang lên. Cây batoong gẫy làm hai. Tôi lịm đi.
***
Sau trận đòn nhừ tử tôi được đưa vào nhà Vòng để sám lỗi với tổ tiên. Trận đòn không để lại thương tật gì trầm trọng dù tôi đã bị đánh ngất. Người tôi chỉ hơi ê ẩm. Tôi bị bỏ đói và chỉ được uống nước. Nước rất lạnh và buốt. Tôi nghĩ chúng được rót ra từ một chai nước trong tủ lạnh. Các ngọn đèn trong nhà Vòng đều được bật sáng. Từ lúc tôi vào đây chúng đã bật, và giờ vẫn thế. Khác với mọi khi, mấy cái bóng đèn được thay mới. Loại bóng đèn vàng, với công suất lớn tới mức tôi luôn bị đổ mồ hôi và mất nước.
Cửa nhà Vòng bị khóa nhiều lớp. Ông nội là người giữ chìa. Hàng ngày ông vẫn vào nhà Vòng, nhưng không vào trong. Chỉ đi lại bên ngoài rồi hỏi vọng vào. Cây ba toong của ông được nối dài lại bằng một đoạn thép ruột đặc. Tiếng batoong gõ xuống đất nghe bong bong, hệt như người ta đánh cồng. Ông nội vẫn mong đợi một lời nhận lỗi từ tôi. Có lẽ rằng đây là hiện thực dối trá nhất mà chưa bao giờ ông nghĩ mình sẽ vướng vào. Tôi đây, một sự ngoại lệ của dòng họ Tru. Như ông nội nói, cha tôi đã mắc tội với tiên tổ vì chết quá trẻ. Bây giờ thì là tôi. Có lẽ rằng, khi mẹ thụ thai tôi, bà đã mang trong mình những quả trứng định mệnh (6).
Tôi đã có giấy báo từ học viện G. Nghĩa là tôi đã đỗ, nhưng điều gì đã khiến ông nội nghĩ rằng tôi đã thất bại trong kì thi này. Mẹ nói tôi phải nghe lời ông nội.
“Ông nội đang giận lắm. Con phải ngoan vào.” – Mẹ nói thế đấy.
“Cha con ngoan lắm phải không?”
Mẹ không nói và tôi cũng không nghĩ bà sẽ thành thật.
“Cha không ngoan đâu. Con tin chắc. Cha đã chết.”
Mẹ tránh ánh nhìn của tôi. Lời bà nói vẫn chỉ thế. Tôi không hỏi về chuyện căn gác nữa, giờ đây nó không quan trọng. Diễn trò, điều này cũng vô nghĩa rồi. Các khuôn mặt già cỗi đang nhìn tôi qua khung ảnh. Họ giận dữ, họ trợn trừng, họ muốn xin Ngọc Đế cấp phép để được hiện hữu trên trần gian giáng cơn thịnh thộ xuống đứa nghịch tổ là tôi. Tôi sẽ không tránh họ. Quỳ mọp giữa nhà Vòng, tôi nhìn vào gian thờ. Gương mặt cha lẻ loi. Tôi cũng lẻ loi. Tôi và cha, đều là kẻ không nương náu.
Mấy ngày sau. Tôi nghe thấy tiếng ầm ĩ bên ngoài. Có vẻ như rất nhiều người đến nhà tôi. Rồi sau đấy tôi nghe thấy tiếng búa, đục, máy khoan, rồi tiếng hô hào chuyển đồ đạc. Khi im ắng hơn tôi nghe thấy tiếng mặc cả của một bà đồng nát. Tôi chưa kịp nghe họ kì kèo thế nào thì tiếng búa, đục, máy khoan lại vang lên và trấn áp tất cả. Mấy người thợ đi lại rầm rầm và đang khiêng theo thứ gì đấy.
***
Ông nội khóa thêm một lớp khóa phía ngoài. Tiếng đấm cửa vẫn bình bịch, tôi đòi ra. Sau ổ khóa mới, ông bảo mẹ mang xích cùng một ổ khóa khác để xiết chặt cách cửa. Những quả đấm không hiệu lực, tiếng đói tự do, hoặc chỉ là một cấp bách khi quá mót tiểu. Mẹ tôi truyền hơi mình qua kẽ cửa, bảo rằng tôi phải ngoan, phải biết nghe lời. Ông nội đập đầu batoong vào mặt cửa, quát lớn như tiếng hành quân lịch sử. Tôi húc đầu vào cánh cửa, vết thương chưa lành khạc máu và phủ đỏ băng ca.
Ở yên đấy, nhốt nó vào trong. Chưa phải lúc này, đồ con vật khó thuần. Tiếng ông nội nói với mẹ. Tôi bớt hung hăng, cái nóng của chục ngọn đèn làm tôi kiệt sức. Muốn vớ cây bút và giấy, tôi vô vọng, đạp quẫy như ăn vạ những bóng ma trong nhà thờ. Chiều tối, mẹ tôi vào và tiếp tục răn đe tôi phải ngoan, nhận lỗi rằng mình hư và bị bạn xấu lôi kéo, đầu độc. Tôi hỏi mẹ rằng thế nào là lẽ phải. Mẹ ngần ngừ, đôi mắt bà ngần ngại. Trong lúc nhìn tôi, quãng nửa giây, mẹ định đánh động gì đấy nhưng tiếng batoong gõ xuống nền đất đã khiến bà sực tỉnh. Cái mỉm cười, mẹ nhắn tôi “Quay đầu là bờ.” Tôi hỏi mẹ “Tại sao thế này?” Mẹ đã khuất sau cánh cửa. Tiếng tra khóa, xiếng xích lẻng xẻng. Mẹ theo ông nội lên gác, tôi đoán thế. Nếu ông nội đợi mẹ ở lối cầu thang.
***
Viết. Giờ đây tôi muốn viết.
Cây diêm cuối cùng trong đêm giáng sinh. Tôi cần viết ra. Trước khi những tội chứng bị cháy đen và tiêu biến khỏi hồng trần.
Tôi đã tìm thấy cây bút. Tôi cắn nát đầu bút để thấy được ngòi. Mực đổ ra. Mực tươi nóng. Tôi sẽ không lãng phí giọt nào.

Tru Sa
Hà Nội 2014

(1) Chi tiết trong tiểu thuyết Đi Tìm Nhân Vật của Tạ Duy Anh
(2) Trong tiểu thuyết Ông Già Và Biển Cả của Hemingway
(3) Tiểu thuyết của George Orwel
(4) Nơi các oan hồn sau khi chết bị giải đến và soi chiếu tội lỗi lúc còn sống.
(5) Nhân vật trong tiểu thuyết Mất Tư Cách Làm Người của Dazai Osamu
(6) Tiểu thuyết của Mikhail Bulgakov