Từ trái: GS Nguyễn Thanh Liêm và tác giả
Mười ngày trước khi mất, GS Nguyễn Thanh Liêm có tổ chức Ra Mắt
quyển sách cuối đời của mình, và tôi có hân hạnh được mời làm diễn
giả cùng với Thẩm Phán Phạm Đình Hưng mà tôi từng quen biết khi làm
việc chung trong Quốc Hội Lập Hiến 1966-1967.
Một tuần sau, GS Liêm gọi tôi xin bài nói chuyện hôm đó, tôi thú
thiệt là mình đã ứng khẩu, vì ông ngồi khuất với chỗ tôi đứng nên
không thấy tôi nói cương và đã có vài lần ấp úng. Ông cười hiền như
thuở nào. Tôi hứa sẽ viết lại theo ý cũ và xin được trao cho ông vào
cuối tuần nầy với điều kiện ‘Anh kể cho tôi nghe về 20% sự thật mà anh
chưa viết trong sách như anh đã hóm hỉnh thú nhận hôm đó’. Ông hiền
lành nhỏ nhẹ: ‘Thôi mà, toa phá moa hoài’.
Nhưng chưa hết tuần ông đã ra đi, chưa kịp nhận bài viết về mình.
Giữ lời hứa với người đã khuất, tôi vẫn tiếp tục viết cho xong với
lòng buồn rười rượi như đương chịu đám tang một người thân trong gia
đình. Nhưng biết trao bài cho ai đây? Thôi thì bắt chước người xưa,
‘treo gươm trên mộ rồi ra đi’, cho lên các trang báo điện tử quen biết,
như là một nén nhang thắp thêm cho người đàn anh tôi quí trọng vì bây
giờ muốn phá anh cũng không còn có dịp nữa. (NVS)
QUYỂN SÁCH CHÂN THẬT VỀ BA GIAI ĐOẠN ĐỜI NGƯỜI.
Để cho bài nói chuyện được thân mật, tôi xin phép được gọi GS Liêm
bằng anh như thường dùng ở ngoài đời. Thêm vào đó anh Liêm là người
đàn anh luôn luôn đi trước tôi trong mọi lãnh vực.
Khi tôi vào học năm đầu tiên ở trường Petrus Ký thì anh Liêm đang
theo năm cuối để thi Tú Tài II chương trình Pháp. Khi anh hoàn tất
chương trình Cử Nhân Văn Chương Việt Hán của trường Đại học Văn Khoa
Sàigon thì tôi mới chập chửng vào năm Dự Bị của trường này. Khi anh
đã dạy vài năm ở trường Petrus Ký và đã đi khỏi trường thì tôi mới
lục đục về đây làm lính mới tò te.
Đặc biệt khi anh từ chối lời đề nghị của LM. Thanh Lãng về trường
Đại Học Văn Khoa làm Phụ Khảo trong Ban Văn Chương Việt Nam thì vị trí
đó rớt xuống tôi. Xin có lời cám ơn lần nữa dầu tôi thường nhắc
chuyện nầy với anh như là một sự biết ơn và may mắn cho tôi.
Khi anh sang Mỹ thì tôi còn lận đận ở quê nhà để nghe tiếng bấc
tiếng chì của ban quân quản trường về chuyện lưu dụng, lưu dung và
thanh lọc với những tháng ngày lê thê lơ láo vô trường nhưng không được
bước chưn vào lớp.
Có những điều tôi không bao giờ theo được bước chưn anh, dầu là sau
cả vạn dặm, đó là cái bằng cấp Tiến Sĩ và lòng thương mến thiệt
tình của tất cả những ai từng gặp anh. Tóm lại, anh là đàn anh đáng
quí của nhiều người và của riêng tôi, nên nói/viết những dòng nầy
là sự hân hạnh vô vàn…
Xin trở về quyển sách. Đó là một quyển hồi ký với ưu điểm là
tác giả không có ý định đánh bóng mình, ông chỉ kể lại, bằng sự
khiêm tốn và chơn thành, những sự kiện xảy ra trong đời mà ông còn
nhớ được với cái tuổi hơn tám mươi phải ra vô thường xuyên bịnh viện.
Vậy mà người đọc sẽ thấy, biết và học hỏi được nhiều điều trong
đó. Chắc chắn như vậy.
Sách gồm ba phần: Thời trẻ tuổi, lúc trưởng thành và những năm
trên nước Mỹ.
Thời tuổi trẻ của anh là những ngày cơ cực khó khăn
vì cuộc chiến trong vùng. Cuộc chiến mà cái chết vô lý và tàn nhẫn
rót lên đầu người dân vô tội, hằn sâu vô ký ức non nớt của một đứa
trẻ của tuổi mười một mười hai. Cuộc chiến mà những người nhơn danh
cách mạng coi mạng sống thường dân trong vùng nhỏ hơn bọt bèo. Anh kể
chuyện về cái chết đau thương của người đàn bà trẻ, đã từng ôm ẳm
săn sóc anh khi anh còn nhỏ chỉ vì chị ta hay đi về Mỹtho để mua bán
lặt vặt kiếm sống trong hoàn cảnh khó khăn. Anh nói về những thằng
chõng chết trôi thường thấy, những con người bất hạnh biến thành
thằng chõng bị họ cho đi mò tôm vì những hành vi vô tình nào đó tôi
biết chắc rằng chẳng qua một cuộc xét xử công bình nào.
Anh kể về bọn cướp lộng hành trên sông, về những nguy nan của
người dân trong vùng khi nhận thấy mình sống bên cái chết nên bất
chấp nguy hiễm cố gắng để vượt thoát ra vùng yên ổn.
Phần nầy là tài liệu quí giá cho người đọc biết sinh hoạt thôn
quê thời khói lửa vừa qua cũng như lòng ác độc của những người lợi
dụng thời cơ. Phần nầy người đọc nên đọc giữa những hàng chữ.
Phần nói về giai đoạn trưởng thành, anh viết về những hoạt
động đổi mới trong ngành giáo dục, có thể nói là giai đoạn
hanh thông trong đời anh. Ra trường đậu cao, về trường lớn nhưng anh
không chạy theo chuyện kiếm ra tiền thiệt nhiều mà đi về phía cải tổ
giáo dục, tổ chức soạn đề thi sao cho nghiêm minh, không lộ đề đã
đành, mà còn thực hiện việc cải tổ kỳ thi sao cho hợp lý. Phần này
cho thấy những đóng góp cụ thể của anh trong ngành, tôi nghĩ cái giá
trị con người anh phát huy từ giai đoạn nầy.
Phần nói về thời gian ở Mỹ, anh cho biết những phấn đấu của mình
khi đã hơn nửa đời người mà bị thảy vô vùng đất mới. Rồi vừa học
vừa làm trong chật vật anh thành công về mặt học vấn nhưng thất bại
ở mặt gia đình cũng như tài chánh. Đến tuổi về hưu anh quyết định dấn
thân vào lãnh vực bảo tồn và phát huy văn hóa của cộng đồng VN ở
ngoài nước. Từ quan niệm nầy, anh chủ trương tập san Đồng Nai
Cửu Long, anh thành lập Lê Văn Duyệt Foundation, anh làm cố vấn cho các
hội đoàn hoạt động về văn hóa, anh đứng ra tổ chức truy điệu những
người có công với chánh thể VNCH… Và đặc biệt nhứt, anh nêu cao
gương sáng làm người yêu quí những giá trị tinh thần của người Việt
hải ngoại, trong đó có sự chân thành và đoàn kết.
Con người của anh Liêm là con người trí thức có thủy chung do đó ta
không lạ khi anh dâng sách của mình cho ông bà nội
ngoại, cho cha mẹ và gởi người trước, tặng
người sau…
Nếu có ai hỏi tôi trong sách Sự Thật Đời Tôi, câu nào,
đoạn nào đáng chú ý nhứt, tôi sẽ không ngần ngại nói đó là mười
sáu trang Lời Nói Đầu, mười sáu trang rất trí thức, bộc lộ
rõ ràng con người thật của GS Nguyễn Thanh Liêm, một con người dễ
thương có tâm hồn và thấu hiểu lẽ sinh hóa của cuộc sống.
Và câu chót của quyển sách ‘những phút cuối cùng của tôi sẽ
chấm dứt bài viết nơi đây’. Câu chót nầy như một lời tiên đoán
đồng thời là một lời than chấp nhận cái chết sắp tới của anh.
Nhưng anh Liêm ơi, nếu cuộc đời anh viết đơn giản lại là Nguyễn
Thanh Liêm (1933-2016) thì với mọi người cái gạch nối – nầy
mới quan trọng, đó là thời gian cống hiến của anh cho văn hóa, cho giáo
dục, cho cộng đồng và cho từng cá nhân biết hay từng nghe tiếng anh.
Tôi tự an ủi khi nghe tin dữ về sự ra đi của anh rằng anh bây giờ
thong dong trở về cõi Trời, vì đã đến trần gian của nước VN đau khổ
với nhiệm vụ gì đó phải thực hiện, anh đã làm xong, tới lúc trở
về Trời như những danh nhân, những anh hùng liệt nữ VN trước đây trong
lịch sử.
Anh Liêm, anh tin tôi đi, sự nghiệp của anh sẽ còn được biết đến lâu
dài….
Nguyễn Văn Sâm
Tháng 8, ngày buồn 23, 2016