Sinh năm 1940, anh hơn tôi hai tuổi. Trước anh có hai người
chị, chị Hiệp và chị Tường. Chị Tường mất lúc nhỏ. Sau anh còn có Hậu, anh trước
tôi vì đuối nước mà mất. Chị Tường, anh Hậu hiện nằm trong lăng Thiên thần của
dòng họ (những người mất tuổi vị thành niên trở về trước). Ba tôi mất khi anh mới
bảy tuổi, tôi mới hơn hai tuổi. Mẹ tôi 35 tuổi ở vậy nuôi ba chị em. Ông nội
tôi giàu nhất vùng, đi xe kéo mặc áo dài đầu khăn đóng và uống rượu. Bà nội mất
mới hai nhăm, đẹp nổi tiếng. Ông bà già có quả bắp chuối nhỏ bằng vàng thường để
lăn lóc nơi đầu giường. Mộ bà nội được mấy chị em đắp to, gần nhà cũ tôi ở. Thực
ra ngôi mộ đã được cải táng lúc nào tôi không biết. Gần đây, khi đưa vào lăng
(sau lăng chung của họ), từ ông bà trở xuống, mộ bà nội được cải táng lại đàng
hoàng lần nữa. Ai cũng phán đoán hài cốt bà chẳng còn gì, thôi cứ vốc chín nắm
đất làm phép. Tôi thắp ba que hương, cắm vào chỗ đất, phảng phất trong ý nghĩ,
bà sẽ nằm ở đây. Thế là cuốc, xẻng thay nhau bới cát tìm. Chừng hơn mét rưỡi
chiều sâu, dừng cuốc xẻng. Mỗi mình tôi dùng tay nhẹ nhàng san đi từng lớp cát.
Đây rồi, bà nội nằm đó, một vệt cát nâu nhạt khác các lớp cát thông thường.
đúng như tôi phán đoán. Tôi khóc òa như trẻ nhỏ khi tìm thấy hai lóng xương
chân… Mẹ tôi, sau mười mấy năm cũng vậy, tôi lau từng chút móng tay, mái tóc
quánh lại từng mảng… Người mẹ một đời cay cực nuôi con.
Anh chị tôi học trường làng, thầy giáo là người do mẹ tôi thỉnh
về từ đâu bên Côộc. Lên tiểu học, anh tôi chuyển về thị xã tỉnh lỵ (thành phố Đồng
Hới bây giờ). Anh tôi đẹp, có nước da trắng hồng như con gái. Năm 1954, chiến
tranh tạm ngừng, giới tuyến quân sự thiết lập trên dòng Bến Hải. Anh tôi thôi học
về lại làng. Một cuộc di tản lẫn lộn, người Bắc kéo nhau vô Nam, người Nam tập
kết ra Bắc. Như nước một hồ bị khuấy lên xoay vòng quanh vậy. Tôi đã mười tuổi,
nhưng chưa hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra trên đất nước. Chỉ nghe bài hát như
nói: Đây xin kể chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ rõ hơn/ Xứ Bắc bộ quân
Pháp tâp trung lực lượng lượng đại hùng hồn/ Nào xe tăng, nào phi cơ hai mươi mốt
tiểu đoàn… Đồng thời một nghệ nhân khác, có tên ông Bơi lại đưa ra bài: Hoan
hô cụ Ngô Đình Diệm, đã về tại Sài Gòn… Dân chúng khác gì cái trống hai mặt
đều bị giáng những âm thanh náo loạn. Những ngày tháng đó làng quê không có
chính quyền. Anh Nguyễn Trâm, cháu rể gọi mẹ tôi bằng cô ruột, nửa đêm xuất hiện
như người vô hình trong phim chưởng bây giờ, bởi tại anh mặc quần áo màu đen với
những viền trắng ở những nơi có đường may đi qua. Anh thì thầm vào tai mẹ tôi,
sau hỏi tôi mới biết “Cô đừng vô Nam, có cháu bảo lãnh”. Bởi lúc đó mẹ tôi đã
đóng từng thùng hàng, chuẩn bị di cư theo chú tổng Đệ, anh em cùng chung cố nội
để xe tới đón vô Nam. Chú Đệ sau này bị chết oan trong trận Mậu Thân năm 1968.
Cùng lúc, anh tôi nhận lá thư một bạn gái viết từ Đồng Hới. Tôi nhớ mãi mấy câu
thơ tuổi học trò “Đường từ đây dài hai mươi ba cây số/ Chắc đường dài anh
cũng quên đi/ Nhớ bước chân trên đường sỏi đá/ Trao thầm nhau chiếc bánh mặn mà“.
Tôi ước một ngày nào đó được gặp chị, người bạn gái của anh để đọc lại mấy câu
trên. Khi thi vào trường cấp 3 Quảng Bình, đi lại trên những lối đất đá chưa rải
nhựa, tôi thầm mong mỏi như phép màu nhiệm, mà không có. Có thể bây giờ chị còn
đâu đây nơi thành phố nhỏ bé này. Nếu đọc, chị hãy tìm em, em rất trông chờ chị
ạ.
Cuộc di chuyển vô Nam coi như cắt đứt, mẹ tôi ở lại làng.
Gia đình chú tôi đi với những người khác cùng làng. Anh Trâm lúc ấy là cán bộ
Việt Minh, làm chức gì cũng to. Anh rất giỏi võ lại nhanh trí, khó ai bằng. Chữ
viết của anh thì khỏi nói, không chê vào đâu được, xiên mà ngay ngắn, quả là
người có học. Nhưng than ôi, năm 56, anh bị quy kết Quốc dân đảng, những từ lạ
hoắc dường như mới nghe lần đầu. Những người khác bị trói dẫn đi, riêng anh với
chiếc còng số 8 khóa hai tay sau lưng. Mẹ tôi bị quy địa chủ, đêm nào cũng bị
lôi đi đấu tố. Trên bãi cát rộng dân làng tập trung đông nghịt. Ai không đi coi
như chưa căm thù địa chủ. Trên cùng là khán đài dành cho đội cải cách. Địa chủ
hay phản động được dẫn đến và phải quỳ xuống, quay mặt phía dân chúng. Thế là…
Mỗi lần về mặt mày sưng vù, bầm tím tôi hỏi mẹ trả lời, mẹ bị ngã. Một hôm,
không thấy mẹ về, tôi đi tìm. Lúc ấy tôi mới vỡ lẽ, từ trên chiếc đòn tay mẹ buộc
sợi dây thắt nút cẩn thận. Một chiếc ghế bên cạnh… Có lẽ mẹ tôi dằn vặt đau khổ
đã ngồi đây mấy tiếng đồng hồ. Người đã nghĩ gì về sự bảo lãnh của đứa cháu rể?
Nếu mẹ tôi ra đi thì sao? Bao nhiêu câu hỏi ngổn ngang không lời đáp. Trong
khi, anh Trâm thuộc diện tử hình, theo chỉ tiêu ấy đã định đoạt. Anh khổ sở hơn
cả mẹ tôi. Anh bị giam giữ nơi phòng đặc biệt vì sự giỏi võ của mình. Sau này
anh thoát chết, bởi họ tìm được một ông thầy tu thay thế. Ông có tên là thầy
Hèn, người điềm đạm, thương lũ trẻ chúng tôi hơn ai hết. Ông hay phát kẹo và
bánh in nho nhỏ. Miếng bánh thơm ngọt rã ra trong miệng như đến tận bây giờ.
Ông đã bị bắn với tội danh gián điệp. Tôi kéo mẹ về giường, nước mắt người tuôn
như suối. Tôi ôm chặt mẹ, sợ mẹ lại đi. Nhưng tôi ngủ lúc nào không biết. Có những
đêm tôi giật bắn người khi không thấy mẹ. Tôi đành nói ra câu mà tưởng không phải
miệng của một đứa trẻ: “Mẹ đi con ở với ai. Thím lấy chú ruột tôi được gọi là
gián điệp, trong khi chú tôi hy sinh tại chiến khu Bang, trận lính Pháp càn năm
49. Thằng em tên là Hợp, con thím, bị nhốt trong cái nơm trùng (loại nơm to gấp
bốn năm lần nơm thông thường, người ta phải chui qua miệng nơm vào trong bắt
cá) vừa được thả chạy về nhà đã thấy mẹ đứng cạnh cối xay người lơ lửng. Nó vội
hỏi, mẹ xay lúa hả mẹ? Khi biết mẹ đã thắt cổ, nó khóc không thành tiếng. Ông
Nguyễn Hữu Tạo lấy cô ruột tôi, dòng dõi rất gần Nguyễn Hữu Cảnh người đi mở
cõi, bị bắn, bởi gia đình địa chủ. Mẹ tôi phải lên vốc từng vốc óc bị chảy ra
vương vãi trên cát…
Cái tiểu sử đớn đau kinh hoàng ấy như sợi dây cùm trói những
người thân trong đại gia đình tôi. Một sợi dây oan nghiệt hữu hình mà vô hình.
Lên mười tám đôi mươi, anh tôi làm giáo viên không chuyên dạy
cho các em mù chữ. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Liễn, cũng con một gia đình địa chủ.
Ông bố hàm cửu di cư vô Nam. Hầu hết con cái gặp hoàn cảnh lấy nhau, không thì ở
vậy. Làm sao có được tấm lý lịch bần cố nông, có lẽ hơn tấm bằng đại học bây giờ.
Bần cố nông là vàng. Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ mà. Tôi lẽo đẽo
khó nhọc xã mới được cho thi vào sư phạm 10+2. Thầy Nguyễn Lê Thiệu, hiệu trưởng
nhìn tôi và nói, cậu hiền lắm, ở đây lý lịch như thế cả. Các em toàn con tư sản
và địa chủ, thành ra trường chúng ta như trường Hoàng Thôn nơi Puskin học vậy.
Tôi đã biết Puskin là ai rồi. Tốt nghiệp, hơn nửa tháng đi bộ về Quảng Bình, tôi
ốm, nằm mơ chỉ toàn tiếng súng. Khắp nơi đều nghe súng nổ. Hôm qua ga Đò Lèn chạm
phải máy bay, bom, đất đá. Trong đêm tối bạn tôi, Trần Viết Triển nói to, các bạn
ơi cất giấy tờ cẩn thận, tan xác người ta còn biết mình là ai. Không biết bao
nhiêu lần như vậy, vùi dập, đứng lên, lại vùi dập như cái lý lịch giẻ rách
không ai ngó tới. Tấm thân tôi khác nào ghẻ lở. Tôi tỉnh dậy hỏi mẹ, mẹ bảo anh
con đi bộ đội rồi. Có cái gì đó vừa buồn vừa vui. Sau vài ngày tôi tìm đơn vị tới
thăm anh. Anh bảo, họ cho phục viên vì có con thứ ba. Lúc ấy ngoài Nga, Tuân,
chị dâu tôi đang mang thai Hằng, bé sau cùng. Nhưng anh xin ở lại, gia đình
mình như thế, phải có lý lịch hơn chút em hí. Tôi trả lời, tùy anh. Sau này tôi
ân hận câu nói đó. Sao mình không nói anh về, lý lịch răng cũng được, có vợ có
chồng, có anh có em. Chiến tranh là của cả dân tộc, anh đi chừng ấy vừa đủ. Ân
hận vì sau Hiệp định Paris ngừng bắn, mẹ tôi ngày nào cũng ra ngõ hỏi với lên từng
chiếc xe qua (xe chở lính và những người về vì bị đối phương bắt, gọi là đoàn
quân chiến thắng), các chú ơi, có thằng Thuần không đó? Bao nhiêu câu trả lời dở
chừng. Có người nói, anh ấy đi chuyến sau mẹ ạ. Cả tháng như thế, mấy tháng như
thế. Cuộc chiến tất có bên được bên mất, nhưng hóa ra là đồng bào cả. Người
vui, kẻ cười giống giàn đồng ca vừa bi vừa hài, đủ cung bậc và giọng điệu. Chỉ
mẹ tôi là một dòng nước mắt chảy dài từ hòa bình này đến hòa bình khác.
Tuân, con thứ anh tôi, tôi cùng chàng rể đầu đi tìm mộ. Hang
Dơi, Điện Bàn của Quảng Nam là nơi chúng tôi tìm đến nhiều nhất. Chúng tôi dựa
vào ngoại cảm của đất trời. Chúng tôi tin đất trời này hơn ai cả. Khi đưa hài cốt
anh tôi về, bình hương tự hỏa, bốc cháy dữ dội. Đêm đó mấy mẹ con chị dâu tôi
và tôi nằm cạnh hài cốt anh tôi trong căn nhà được xây lại thành ngôi từ đường
dòng họ. Chớp mắt, chị dâu tôi thấy có người đi lại quanh bàn thờ. Chị ngủ hay
không, không biết nữa. Nhưng ngôi nhà trở nên ấm áp. Một cõi đi về! Trịnh đã
giãi bày lòng mình cho tất cả. Hình bóng con người. Hình bóng anh tôi!
10h30 đêm trước ngày 27/7/2016
*Tôi xin đưa lên fb bài viết này và bài thơ LAU TRẮNG, đúng
ngày này gia đình tôi nhận được giấy báo tử. Trong giấy ghi anh tôi mất
27/7/1968.
LAU TRẮNG
Nhớ anh tôi – Hoàng Vũ Thuần đã hy sinh
Giã từ mưa lũ miền Trung
Lạ thay đất đá nở bùng lau bay
Thiên nhiên trong trẻo phô bày
Miên man gió nắng lấp lay bốn bề
Người đi, đi mãi chưa về
Ngàn lau xào xạc nói gì hỡi lau
Trắng từ xưa tới mai sau
Thời gian không tuổi nên lau không già
Núi ngồi núi đứng gần xa
Núi con núi cháu núi bà núi ông
Qua trảng bom lại trảng bom
Diết da màu trắng không mòn người ơi
Cái màu trắng tựa mây trôi
Bồng bềnh trên đất cuối thời chiến tranh
Ở đâu đồng bãi biếc thanh
Ở đâu ngọn khói chiều xanh với chiều
Đâu con đường của tình yêu
Tím màu hoa tím rất nhiều là đâu
Mà đây lau nối mùa lau
Ứa từ sông thấp núi cao chẳng ngừng
Cầm nhành lau trắng rưng rưng
Nhớ con sông lạ cánh rừng chưa quen
Bao người xuôi ngược không tên
Dấu chân như nấm mọc lên tới giờ
Để thành lau trắng ngẩn ngơ
Ngày đêm óng ánh xa mờ vậy thôi.
1985
Hoàng Vũ Thuật