04 October 2016

NHỮNG THÁNG NĂM CUỒNG NỘ (chương 7, 8, 9) - Khuất Đẩu

(xem Chương 1, 2, 3)
(xem Chương 4, 5, 6)

7.
Nói là nói vậy chứ cái cuộc chiến này không cho phép một ai đứng bên lề. Bom đạn vẫn liên tục trút xuống cái mảnh đất nghèo khổ này. Mà mỗi ngày mỗi tàn nhẫn khủng khiếp hơn. Không chỉ có bom văng mảnh mà còn có cả bom napan thường gọi là bom xăng đặc. Cái quầng lửa nó bùng lên đẹp đẽ bao nhiêu thì cũng tàn hại bấy nhiêu. Nhà ông tổng Bá giống như một kho thóc nên đã nhận lãnh trái bom napan đầu tiên. Cả cơ ngơi mấy đời chỉ trong chớp mắt đã cháy vèo vèo thành tro. Sức nóng khủng khiếp của nó làm cho mấy cây dừa cao vút ở tận góc vườn khô quắt quéo. Hai cái cối đạp bằng đá xanh trông hãy còn nguyên nhưng lấy tay bóp thử thì nát vụn như phấn.

Năm ngày sau đến lượt nhà ông Chánh nhạc. Ai cũng tưởng nhà ngói thì cháy sao nổi nhưng khi lửa tàn, những viên ngói được nung một lần nữa không cứng như sành mà vỡ ra thành những viên nhỏ như sỏi. Ngay cả cốc tách được đem chôn cũng chảy đóng cục. Đám dân quân, đám phụ nữ theo lệnh ông Khứ và cô Thảnh thúc hối đem gàu mo chổi dụi chạy tới cũng chỉ đứng từ xa mà nhìn.
Từ đây lửa hoành hoành khắp nơi. Những nhà to ở các làng đều bị đốt. Tuy chưa có ai bị cháy thui nhưng những đám cháy phừng phừng vẫn làm cho người ta kinh hoàng. Các cụ đồ Ngân và cụ cử Vân nói với nhau, lửa trên sông Xích Bích cũng chỉ khủng khiếp đến thế này là cùng.
Nhưng đó là lúc các cụ chưa thấy cái biển lửa ở làng An Định khi Pháp rải xăng đốt cả đồng lúa đang chín! Lửa ngụt trời. Khói đen mù mịt. Cả làng cùng kêu thét như thấy con mình bị ai ném vào lửa. Rồi như điên như dại, tất cả cùng lao vào giành giựt nhau với lửa những bông lúa tội nghiệp đang run lên vì quá nóng. Ai có liềm dùng liềm, ai có dao dùng dao, những ai không có gì thì dùng tay không. Nhưng lửa như những con rồng hung dữ chỉ trong chớp mắt đã nuốt trọn cả cánh đồng. Cả đồng lúa đang trĩu hạt giờ chỉ còn lại tro. Mùi lúa cháy không khét như mùi nhà cháy mà lại thơm đến nghẹn ngào! Mặt đầy bụi tro lem luốc, đầy mồ hôi và nước mắt, mỗi người nhìn lại trong tay mình chỉ có một vài bó lúa cỏn con, ngơ ngác tự hỏi không biết sống làm sao đây!
Lại đói!
Người ta kéo nhau đi mót mì mót khoai ở tận Phù Cát, Phù Mỹ. Những đoàn người lếch thếch hệt như đám ăn mày chỉ khác là không bó chân những đồ dơ bẩn và không còn chó để chọc cho cắn rồi nằm vạ. Nhưng chẳng còn thứ gì để mà mót. Cả vỏ mì vỏ khoai trước đây là cho không, giờ thì cũng phải mua. Khoai sùng khoai thối cũng bán. Những người nghèo lại đi thất thểu với cái bụng đói. Người ta cũng chẳng thèm sợ tàu bay và chúng cũng không thèm bắn vào họ nữa.
Chúng đi phá đập!
Nghe nói Mỹ viện trợ cho Pháp hàng ngàn quả bom có cánh. Khi rơi xuống sông chúng biết tìm đến cửa đập và đúng lúc đó chúng mới chịu nổ. Thế là cái đập lưng mai rùa làm đã từng làm trợt bao nhiêu bom nay ngờ nghệch hả họng ra để nuôt cái chết vào bụng
Đập Đá nổ tung !
Rồi đập Đồng Cam ở Phú Yên cũng không còn!
Giá lúa một ngày tăng đến năm lần. Một gánh lúa bằng cả một gánh tiền tín phiếu.
Đang giữa mùa hè. Gió nam thổi suốt ngày đêm như những bầy ngựa hoang cất tiếng hí đuổi nhau trên cánh đồng. Sông cạn khô như có cả trăm con rồng cùng kéo tới hút nước.
Ông Khứ lại hô hào chống hạn!
Hàng trăm cái giếng được đào giữa ruộng vừa mới cháy. Trước đây hàng ngàn cây cọc theo lệnh ông chỉa lên trời thì nay hàng trăm cây xà beng thọc sâu vào bụng đất. Những mạch nước hiếm hoi ri rỉ được những chiếc gàu mo cán dài múc lên vung vãi trên đồng. Đất bị nướng. Một vài gàu nước tạt lên chỉ nghe đánh xèo một tiếng, khói bốc lên khét lẹt. Đến cây xương rồng cũng không trồng được chứ nói gì đến lúa.
Đang lúc mọi người phải chiến đấu tuyệt vọng với đói khát, hạn hán thì đột nhiên có tin xử tử Việt gian ở gò Na.
Cái tin mới lạ lùng làm sao! Hả hê làm sao! Thế là tất cả chết chóc, thương tật, ốm đau, nhà cháy, đập lở, ngay cả những con chó bị giết, những ngày đêm ngứa ngáy vì bị chí rận… người ta đều trút lên đầu Việt gian.
Mọi người quên đói, quên ốm đau, quên những ngày sắp tới không biết sống bằng gì… để náo nức đợi chờ. Ai cũng muốn biết mồm ngang mũi dọc của thằng Việt gian nó ra làm sao. Chắc nó mặt xanh nanh vàng, vừa hung ác như thằng Năm Quầng mà cũng vừa quỷ quyệt như thằng Lý Thông. Người ta kháo nhau về những việc làm hèn hạ của nó. Nào là chỉ điểm kho lúa, trường học, nhà thương… chính nó đốt nhà ông tổng Bá, nhà ông Chánh nhạc, chính nó ác độc báo cho Pháp biết đồng lúa chín… chỉ cần một mảnh gương nhỏ dắt đâu đó để mặt trời nhấp nháy là máy bay biết chắc nơi nào cần trút bom xuống. Nó còn rải truyền đơn rầm rì tung tin xấu, đặt những câu thơ phản động như :
Chú phỉnh tôi rồi chính phủ ôi!
Chú khiêng lên hết chiến khu rồi
Thi đua sao cứ thua đi mãi?
Kháng chiến lâu dài khiến chán thôi!
Nói thế mà nghe được à? Ông Khứ nghiến răng trèo trẹo như thể sắp cắn vào cổ nó nếu nó dám nói trước mặt ông.
Gò Na, đó là một bãi tha ma lâu đời còn rộng hơn cả đồng cây Sanh nằm giữa hai thôn Yên Thới và Châu Liêm. Hãy còn sót lại những mả Hời đen lù lù bên cạnh những mồ mả của người đời sau, nằm rải rác giữa các bụi xương rồng và gai bàn chải. Những bụi duối cao to như những đụn rơm là hang ổ một thời của bọn giang hồ cướp giật Năm Quầng, Sáu Quẳng. Con sông Cái thỉnh thoảng lại nổi lên một cái xác chương phình mà dân làng này thường lén đẩy sang làng kia để khỏi lôi thôi với phủ huyện. Một con đường nhỏ mỏng manh như sợi chỉ nối hai làng lại với nhau, hoạ hoằn mới có người đi, trông bé nhỏ như những con rận trên một chiếc áo cũ.
Thực ra, ngày trước nó cũng không đến nỗi hoang vắng và đáng sợ đến như vậy, nhưng kể từ khi triều đình đem chém ba người học trò ở Châu Liêm và Yên Thới vì tội phá trường thi Bình Định, thì gò Na chẳng còn ai dám qua lại nữa. Đó là một buổi chiều đẫm máu và nước mắt. Pháp trường là một bãi cỏ giữa gò. Một bụi tre hoang được chặt tận gốc chỉ chừa lại ba cây tre đực. Ngọn tre được kéo xuống sát đất giữ chặt bằng những cái chảng ba. Tử tội bị xổ tóc buột vào ngọn tre còn thân thì bị trói vào cột. Khi đao phủ vung cái lưỡi dao bén và lạnh vào mỗi người thì, dù đã rời khỏi cổ, nhưng đầu vẫn chưa rơi xuống đất. Lại lia thêm một nhát nữa vào sợi dây buột ở chảng ba. Thế là ba cái đầu với sáu con mắt còn mở trừng trừng vì chưa hết bàng hoàng theo ngọn tre bay vút lên trời cao, rồi cứ thế đong đưa như những cái tổ chim giồng giộc. Lũ diều hâu và quạ quang quác bay đến tranh nhau róc rỉa cho đến khi chỉ còn là ba cái sọ trắng hếu, mỗi khi có gió thổi là khua lốc cốc.
Từ đó chẳng ai dám đi qua cái bụi tre oan nghiệt ấy. Chỉ có dân hai làng đến ngày giỗ thì tới sì sụp khóc than và rằm tháng bảy sư cụ bên kia sông dẫn đệ tử qua tụng cho một vài bài kinh siêu độ. Nhưng thỉnh thoảng, trong những đêm trăng mờ, người ta lại nghe có tiếng rì rầm bình thơ.
Đầu tiên dân làng ai cũng mong tới ngày xử bắn. Nhưng khi biết được trong số họ có Phùng văn Hiên con cụ đồ Ngân thì ai cũng ngơ ngác kinh hoàng. Không thể nào tin được một người tử tế như thầy Hiên lại đi làm cái việc hèn hạ là chỉ điểm cho giặc để chúng giết người đốt nhà. Cũng không thể tin được cụ đồ Ngân xúi con mình làm những việc phản động chỉ vì cái đình bị phá. Hay là chính thầy đã làm những câu thơ mỉa mai khiến ông Khứ tức ói máu?
Chẳng ai tin được những diều lạ lùng như thế. Bỡi vì tuy thầy không còn dạy bọn trẻ con nữa nhưng đêm nào thầy chẳng khản tiếng rát họng đọc I tờ, tờ I ti ở các lớp bình dân. Chính thầy được bình bầu là chiến sĩ thi đua diệt giặc dốt mấy năm liền kia mà. Chỉ mới đây nghe nói thầy ho lao phải ra Hội An chữa trị. Không ngờ thầy đã tìm cách trốn qua vùng địch. Cái tội ấy bị bắn là phải rồi, chỉ buồn là từ đây thầy bị gọi bằng thằng, thằng Việt gian Phùng văn Hiên! ông Khứ đã nói như thế trong buổi học tập kể tội thầy.
Ngày xử bắn, tuy chẳng còn ai náo nức đợi chờ nhưng cả làng cùng lặng lẽ kéo nhau lên gò Na, đứng sau lưng cụ đồ Ngân. Cụ chờ đợi cái phút giây cuối cùng của con trai mình với cái sĩ khí của một nhà nho. Cũng tại cái bụi tre oan nghiệt ấy, cũng một buổi chiều như buổi chiều năm ấy, chỉ khác là không có những cây tre đực bị kéo xuống sát đất, nhưng có bốn cái hòm trống hoác đang mở miệng chờ sẵn.
Thầy Hiên cùng với ba người nữa được một toán bộ đội đặc biệt đưa vào pháp trường. Bọn họ được hỏi ước nguyện cuối cùng. Có người xin điếu thuốc, có người xin ly rượu để có thêm can đảm, có người dặn vợ lấy chồng khác (ai mà dám lấy vợ Việt gian!) Thầy Hiên không xin gì chỉ lặng lẽ nhìn về phía cụ đồ. Có lẽ thầy thầm xin cha mình tha cho tội bất hiếu.
Sau khi các ước nguyện cuối cùng nhanh chóng được giải quyết, bọn họ bị trói vào cọc và bị bịt mắt. Tiểu đôi hành quyết tiến vào vị trí. Người chỉ huy hô: chuẩn bị! Súng được đưa lên vai, mũi súng hướng vào ngực tử tội. Rồi tiếp theo một tiếng đanh gọn như pháo lệnh: Bắn! Hàng chục tiếng đoàng vang lên. Cả bốn thân người rung lên dãy dụa. Người chỉ huy lạnh lùng đến kê súng lục vào đầu mỗi người bóp cò. Đó là những phát súng ân huệ!
Thôi thế là rồi đời thầy Hiên, người thầy giáo vỡ lòng của tôi và bao nhiêu học trò khác đang đi bộ đội hay làm dân quân du kích giữ làng. Cái chết của thầy mãi đến bây giờ vẫn còn là nột nghi án. Có thực thầy làm Việt gian hay thầy trả giá cho sự bội tình? Nghe nói thầy đã đi dạm hỏi cô Thảnh nhưng sau đó thầy nhất định không chịu cưới cô. Ở lại làng thì không thể không cưới. Chỉ còn một lối thoát duy nhất là phải đi vào vùng địch dù biết rằng đến chín phần là đi tìm cái chết.
Cũng may là thầy không bị bêu đầu như những sĩ tử năm xưa. Cụ đồ Ngân được phép nhận xác con về chôn. Mộ thầy nằm tận chân núi Mò O. Cô sáu và tôi đã hơn một lần lén đến thắp hương cho thầy. Cô tôi khóc y như hồi cô khóc cô Tâm. Một tháng sau, cụ đồ Ngân không chịu ăn uống gì trong suốt năm ngày để được chết theo con.
8.
Những tên Việt gian dù đã bị bắn nhưng cái đói, cái khổ và cái chết vẫn không vì thế mà giảm bớt. Giặc Pháp chẵng những không suy yếu mà còn mạnh hơn. Chúng đă vượt qua đèo Eo Gió, đổ bộ lên Đề Gi và cả Qui Nhơn. Vì chúng có thêm nhiều đại bác, nhiều tàu bay. Và tất cả là do thằng Mỹ!
Thế là người ta tổ chức những buổi mitting vĩ đại liên xã, những cuộc biểu tình liên thôn. Cô Thảnh và nhiều cán bộ khác thay nhau lên kể tội thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tiếng hô đả đảo chừng như vang dội đến tận sông Ngân. Trong những đêm hừng hực lòng căm thù ấy người ta quyết định phải làm một cái gì thật vĩ đại, thật kiêu hùng để chứng tỏ cho cả thế giới biết lòng căm thù của cả một dân tộc. Hai câu khẩu hiệu khổng lồ: ĐẢ ĐẢO CAN THIỆP MỸ và TÍCH CỰC CHUẨN BỊ TỔNG PHẢN CÔNG! được dựng lên, một ở gò Na, một ở đồng cây Sanh.
Bao nhiêu tre còn sót lại từ thời làm cọc phòng không đều được chặt sạch. Hàng trăm người cùng chẻ chẻ, vót vót, đào lỗ dựng trụ, lao động suốt ngày đêm. Chẳng bao lâu những con chữ to cao đến mấy thước ngạo nghễ đứng lên chạy dài đến cả cây số.
Từ khi bị đuổi khỏi hội Phụ nữ, cô Sáu thành người lêu bêu không đoàn thể. Nhưng như thế lại được tự do. Chẳng phải họp hành phê bình kiểm điểm, chẳng phải đi làm những chuyện không công để được tiếng thi đua. Cô không còn đi mót nữa vì chẳng ai bỏ sót một hạt lúa nào ở ruộng. Cũng không ai kêu cô đánh tranh giũ rạ. Người ta thà chịu dột còn hơn làm mồi cho lửa. Những nhà lá mái còn dỡ cả tranh cho bò ăn, chỉ để cái mái đất bên trong, trông xa cứ như những ụ gò mối.
Chẳng có việc gì làm, nhưng chẳng lẽ ngồi không chịu chết đói. Cô tôi gom chút ít tiền tín phiếu dành dụm mở một ngôi hàng nước ở đầu cầu. Nói là hàng quán cho oai chứ thực ra chỉ một om nước chè vối, vài ba tán đường, năm bảy cây mía. Một đôi khi có thêm trái mít. Khi bán hết cô lại gom những hạt mít luộc chín xỏ năm hạt vào một que. Lũ trẻ con rất khoái những que hạt mít ấy. Chúng đứng nhìn say sưa. Có đứa bạo dạn chụp vèo một xâu chạy mất.
Nhưng cái quán lèo tèo ế ẩm quá. Mía để lâu khô xốp, đường chảy nước, mít bán xong thì hột đã mọc mầm!
Rất may là từ ngày dựng hai câu khẩu hiệu khổng lồ, cái ngã ba Trung Lương bỗng trở nên tấp nập. Xe bò chở tre cọc cạch, xe ngựa leng keng chở người, xe đạp của cán bộ tỉnh huyện qua cầu chuông reo kính coong. Người ta kéo đến trầm trồ chỉ trỏ. Ai cũng thấy mình trở nên cao lớn như những con chữ vĩ đại đang ưỡn ngực trong gió. Người ta nói, mình vẫn hơn thằng Mỹ chớ bộ. Nó làm gì có cái câu khẩu hiệu to như mình! Nói đă, người ta lại uống, lại ăn. Mà mía rẽ nhất, một cây đến mấy người cùng ăn. Cô tôi có ngày bán đến cả chục bó. Thế là cô cháu bàn nhau phải đi mua tận gốc ở các vùng trồng mía.
Hai cô cháu thức dậy lúc sao Cày vừa mới mọc. Trời đêm mát lạnh. Khi đi ngang qua gò Na, tôi nắm chặt tay cô còn cô như cũng đang run. Tôi sợ ma, cô sợ cướp. Cái bụi tre nơi các sĩ tử năm xưa bị bêu đầu và thầy giáo Hiên bị bắn như đang lặng lẽ theo cô cháu tôi. Chúng tôi đi nhanh nó theo nhanh và khi chúng tôi nhắm mắt mà chạy, nó cũng chạy theo. Bên tai tôi không ngớt vang lên tiếng khua lốc cốc của những cái sọ người. Cô tôi, mặc dù đã cột chặt những cục bạc tín phiếu dấu kín trong người, nhưng vẫn sợ không biết bè đảng của Năm Quầng Sáu Quẳng trốn núp ở đâu! Nếu từ trong những bụi cây quỷ quái ấy nhảy ra, thì chắc là cô cháu tôi phải giao hết cái cơ nghiệp bé nhỏ cho chúng.
Khi chúng tôi đên được chợ mía thì mặt trời đã lên khỏi ngọn tre. Chợ họp ngay trên bến sông, bán chỉ độc một mặt hàng là mía cây. Mía cột thành bó, mười hai cây là một chục. Cô Sáu tôi mua đến 50 bó, thuê một chiếc sõng theo sông Cái về nhà.
Về bằng đường sông rất thích. Nước sông mát, mặt sông êm, chiêc sõng nhẹ nhàng trôi. Người chủ chỉ thỉnh thoảng chống sào đẩy mạnh một cái là chiêc sõng lao tới như một chiếc tàu bay giấy. Gần trưa, cô tôi đem cơm vắt ra ăn. Lần này cơm không độn, xắt từng lát ăn với muối rang, nhai thật kỹ nghe ngòn ngọt. Cơm xong, tôi nghiêng đầu xuống sông uống nước, rồi nằm trên những bó mía ngửa mặt lên trời ngắm những đám mây đủ hình thù đang thong thả bay đi.
Sông vẫn trôi êm. Cô tôi ngồi tựa lưng vào mía như đang ngủ. Tôi nhìn những xóm làng hai bên sông. Những mái nhà thấp nhỏ chưa bị đốt lẫn trong hàng cây, những đứa bé chạy chơi trần truồng, những người đàn bà đang giặt…Tôi bỗng thấy đời sống trở nên êm dịu quá. Tôi đang được dòng sông nâng niu. Dù sao tôi cũng biết ơn mẹ tôi đã không thả tôi trên một dòng sông lạnh lẽo đầy sóng gió.
Khi sõng về tới chân cầu, cô tôi và người chủ sõng vác mía đem lên bờ. Tôi đứng bên cầu coi mía. Ông Khứ thấy cô tôi mua một sõng mía đầy nhíu mày hỏi: đầu cơ tích trử hả? Cô tôi im lặng không trả lời.
Sau vài chuyến đầu, cô tôi gửi tiền cho bác chủ sõng đi mua giùm. Cô tôi trở thành một bà chủ quán tuy không giàu có gì nhưng cũng tạm đủ nuôi hai cô cháu. Tôi không còn bị đói đến mờ mắt nữa.
Nhờ có đồng ra đồng vào, cô may cho tôi một chiếc áo cổ vuông là kiểu áo mới nhất lúc bấy giờ. Khi thấy tôi xúng xính trong chiếc áo còn cứng vì hồ, cô nói: mẹ mày chắc đẹp, mày lớn lên trông cũng lịch sự trai đấy! Tôi chẳng hiểu lịch sự trai là gì, nhưng tôi thấy mặt mình đã trỗ lang beng và có mấy cái mụn dễ ghét. Mẹ tôi đẹp, tôi nghĩ thầm, sao cha tôi lại bỏ mẹ tôi để bà phải đem tôi thả xuống sông? Cha tôi là người như thế nào? Chẳng lẽ như ông Khứ? Trời ơi! Tôi không muốn nghĩ tới nữa!
Lúc này, dân tản cư ở Tuy Phước đến che lều ở đồng cây Sanh ngày càng đông. Công cuộc bán buôn của cô tôi nhờ thế càng trở nên phát đạt. Cô tôi bán thêm kim chỉ mắm muối, lại có cả rượu lậu nữa. Cứ tưởng cuộc đời của cô cháu tôi khá lên, không ngờ một hôm ông Khứ cho dân quân đến tịch thu hết cả mía đem về trụ sở Uỷ ban vì tội đầu cơ! Mấy lít rượu bị đem đổ xuống sông cho cá uống! Cô tôi gần như trắng tay.
Mặc dù Pháp đổ bộ lên Qui Nhơn, nhưng người ta vẫn bảo là mình đang chiến thắng. Cả chục nghìn quân Pháp bị vây ở Điên Biên Phủ chỉ chờ ngày đầu hàng. Sắp tổng phản công rồi. Giờ chuyển sang cuộc chiến đấu mới. Đây là cuộc chiến mà ông Khứ và cô Thảnh bảo là gay go và khốc liệt hơn, cuộc chiến một mất một còn giữa giai cấp vô sản và giai cấp bóc lột.
Người ta chỉnh đốn lại hàng ngũ, rà soát lý lịch từng người một trong các đoàn thể ngay cả trong trường học. Người ta truy tận gốc từ đời ông đời cha, từ bên nội đến bên ngoại. Vì vậy trong lớp học xảy ra những cảnh tố lẫn nhau. Không còn chơi đùa phá phách như trước nữa mà bắt đầu xoi mói, bươi móc như những mụ hàng xóm nhỏ nhen. Những đứa con nhà phú nông địa chủ không dám đi học nữa. Chị Thảo cũng phải ở nhà vì cha chị là người Qui Nhơn lại làm nghề bán thuốc Bắc tức là thuộc thành phần tiểu tư sản. Mà tiểu tư sản và địa chủ là con đẻ của thực dân phong kiến. Tôi thì nghèo kiết các nhưng không phải vô sản vì nào ai biết gốc gác của cha mẹ tôi là người thế nào. Tôi vẫn còn đi học vật vờ vì nếu cho rằng nguồn gốc của tôi là do chó đẻ ra như người ta vẫn thường gọi thì quả thật cũng chẳng biễt xếp chó vào loại giai cấp nào!
Ở trong làng, ngày trước mặc dù có chiếu trên chiếu dưới, có kẻ địa chủ phú hào, có người cùng đinh mạt hạng, nhưng nếu không tranh nhau một miếng thịt ở đình thì chẳng việc gì phải sợ ai cả. Bây giờ, cái cách xếp hạng mới này lại chia ra nhiều tầng nấc một cách hết sức chi li.
Không có lấy một cục đất ném chó ỉa như thằng thủ ngữ Đực là cố nông. Có một rẻo vườn và một cái nhà nát là bần nông. Có thêm năm ba sào ruộng là trung nông. Mà trung nông lại chia ra bậc trên và bậc dưới, tức là cái anh tạm đủ ăn và cái anh chưa đủ ăn. Có chừng vài mẫu ruộng và đôi trâu là phú nông. Có ruộng mà phát canh thu tô tức là không làm mà vẫn dư ăn dư để là địa chủ. Nếu đă từng giữ một chức dịch nào đó như chánh tổng, lý trưởng là địa chủ ác ôn. Nhưng có công với cách mạng như ông Chánh nhạc là địa chủ tiến bộ. Tuy không niêm yết danh sách từng người một nhưng cứ theo cái khung ấy mà tự xếp mình vào. Nếu anh muốn hạ thành phần xuống một bậc thì lập tức người ta cũng lôi anh lên như một con vật đã bị đóng dấu.
Những đêm học tập mãi tận sáng, cán bộ ra sức mổ xẻ nhồi nhét chỉ để cho cả làng dòm ngó lẫn nhau cái thành phần. Ngày trước người ta tranh nhau từng chức nhỏ như câu, biện để khỏi bị gọi bằng thằng. Bây giờ người ta cố lột bỏ những gì mà xã hội cũ vì tiền hay vì nịnh nọt đã được ban cho. Nếu ai trơ khất như thằng thủ ngữ Đực thì được trịnh trọng gọi là đồng chí bần cố nông. Ngược lại ruộng sâu trâu nái chức tước một thời như cụ cử Vân, ông tổng Bá thì bị gọi là thằng quan, thằng địa chủ. Ngoài hai cái thành phần cực cao và cực thấp không dễ ai muốn chui vào hay thoát ra, thì cái đám đông nhất, là trung nông lại kèn cựa không lúc nào yên như một đàn dê quá đông trong một cái chuồng quá hẹp.
Người ta xỉa xói, nhà đó mà trung nông thôi à? Có ruộng có bò mà không dư ăn à? Phải đưa lên bậc trên chứ. Chỉ cần cái đàn bò ấy đẻ thêm vài lứa là có thua gì địa chủ. Các bà đi chợ thì dòm lom lom vào thúng rổ của nhau. Họ nói, cái con mẹ đó mà bần nông à? Chính mắt tôi trông thấy nó mua cả ký thịt. Ai cũng cố tìm cách hạ cái thành phần của mình xuống và đẩy thành phần của người khác lên. Tuy nhiên chẳng ai dám kình cãi chửi bới, nhất là những người thành phần trên lúc nào cũng nhín nhịn những người thành phần dưới. Đám địa chủ phú nông thì ngồi im hơi lặng tiếng để mặc cho người ta mổ xẻ cái thành phần của mình ra như bị cưa xương róc thịt ở nhà thương.
Nếu Cách mạng là thay cũ đổi mới thì cái việc xác định thành phần là một cuộc cách mạng thật sự. Nó lay chuyển tận gốc rễ cả nền móng xã hội. Lúc này không ai vênh váo sung sướng hơn thằng thủ ngữ Đực vì nó là cố nông đến mấy đời. Người ta nói nó đã trơ khất tận từ đời ông cố nội. Không ai nhớ lúc nào nó sinh ra, chỉ thấy nó lê lết từ nhà này sang nhà nọ, bạ cái gì cũng bỏ vào miệng nhai. Nó cứ tồng ngỗng mà đi khắp nơi cho đến khi bà phó lý thấy mắc cỡ giùm. Bà thương tình ném cho nó một cái quần cũ của cậu Phú rồi bảo nó ra sông tắm rửa mà mặc vào. Nó được ông tổng Bá đem về chăn trâu nhưng chỉ được mấy hôm thì bị đuổi vì để trâu đi lạc mất. Từ đó nó chỉ còn một cách để sống là bẻ bí trộm gà. Cái việc ấy thì nó giỏi hơn chồn cáo. Ai mất của cũng nghi cho nó nhưng chưa ai bắt được nó bao giờ.
Những buổi học tâp làm người ta sáng mắt ra. Rằng nó sống lêu bêu khổ cực cho dù có bẻ bí trộm gà cũng là do cái xã hội cũ đầy dẫy bọn tham quan ô lại cấu kết với địa chủ bóc lột tận xương tuỷ nó. Rằng cách mạng sẽ làm cho nó nên người bỡi nó là thành phần cốt cán trong sạch nhất. Ngay cả ông Khứ cũng phải học tập nó vì cái cơ ngơi bề thế của nhà ông trên ruộng dưới vườn, bò heo lúc nhúc đầy chuồng, dù có hạ cái thành phần xuống cho hợp với chức vụ của ông thì thấp nhất cũng là trung nông bậc trên. Còn cô Thảnh và cả nhà cô tuy được hai chữ tiến bộ nhưng lại đi kèm với cái tiếng địa chủ nên cũng không hơn được nó.
Giữa lúc cái thành phần ụp xuống xóm làng một cách nặng nề ngột ngạt thì cũng có kẻ luồn lách hết sức tài tình giúp cho ông phó Ba độc diễn những màn kịch mà không sợ đụng đến chính sách. Một buổi sáng ông lại ỏn ẻn nói bằng giọng mũi và ông uốn éo thế nào không biết mà người ta tưởng như có một con rắn đang trườn ra khỏi cổ họng. Ông để một ngón tay lên má, nháy con mắt bên phải mấy cái ra cái điều mắc cỡ thẹn thùng. Rồi ông khuỵu xuống một chân chống tay trên gối lê bước như một con vịt què là ai cũng biết ông đang đóng giả con Liễu dẹo. Nó cũng như thằng thủ ngữ Đực, đúng là cố nông đến mấy đời. Nó sống lây lất với một cái mẹt đựng kim chỉ và những viên mực tím bán cho học trò. Vậy mà nó đã có chồng như một người danh giá được chính cô Thảnh hội trưởng hội Phụ nữ đứng ra chủ hôn. Chồng nó là con trai ông phó tuần, người đã cho ông Tư Kỉnh mượn hai con trâu đực giả làm xe tăng. Chính vì có cả một bầy trâu và vì chịu khó đi cày thuê cho nhiều người nên ông tậu được ruộng. Giờ ông đang nơm nớp lo sợ bị đẩy lên bậc cao hơn tức là phú nông. Ông nói gần như lạy cho thằng con ông chịu lấy con Liễu dẹo để may ra được hạ xuống cái thành phần.
Nhưng bất ngờ đến nỗi khó tin là ngay cả ông hương kiểm nổi tiếng yêu chó hơn cả vợ con, cũng đã tiến bộ kịp thời khi gả con gái út cho thằng thủ ngữ Đực. Thế là cái anh chàng trước đây ai cũng gọi bằng thằng một cách khinh miệt, thì từ nay đàng hoàng bước vào một ngôi nhà lá mái hai chái ba gian, được cô vợ lặng lẽ kỳ cọ cho bao nhiêu là cáu ghét, được mặc quần áo bằng đũi và ba ngày sau bữa tân hôn được ông Khứ tươi cười đên bắt tay chúc mừng.
Tuy nhiên, trước đó nó cũng phải một phen sợ thót tim vì bị cái đám dân quân ôn dịch phá đám. Số là để cho cuộc đổi đời thực sự có ý nghĩa, ông Khứ bảo bọn họ làm cho nó một cái nhà bên cạnh trụ sở. Nhà vách đất lợp tranh. Có lẽ vì làm nhanh cho kịp ngày cưới và vì làm ẩu nên trong đêm tân hôn, một tấm vách đã ngã nhào suýt đè chết cả vợ lẫn chồng.
Thực ra như ông phó Ba nói, cả chục đứa tranh nhau dòm qua cái cửa sổ không có màn che đã làm cho bức vách bằng đất trộn rơm còn nhão bấy không chịu nổi sức nặng của cả lũ. Một tiếng rầm giữa đêm khuya khiến hai vợ chồng tưởng như trời sập. Cô vợ, cũng may là hãy còn mặc đủ quần áo, đã chạy như ma đuổi về phía nhà ông hương kiểm, theo sau là thằng thủ ngữ Đực vưà chạy vừa chửi lũ dân quân không tiếc lời. Ông phó Ba đã không quên diễn lại cái cảnh có một không hai ấy và dân xóm Miễu lại được một trận cười no bụng để quên đói.
Trong những buổi học tập chuẩn bị phóng tay phát đông quần chúng, cô Thảnh là người thể hiện mối căm thù giai cấp mãnh liệt và sâu sắc nhất. Cô nói tới cảnh lấn bờ lấn ruộng của địa chủ, cảnh tá điền bị bóc lột phải bán vợ đợ con, cảnh cho vay nặng lãi cắt cổ, cảnh mùng một Tết có người tới dọn bàn thờ ông bà ông vải…Cô nói suốt từ đêm này qua đêm khác, từ chuyện của làng An Định, An Đông đến chuyện các làng trong huyện trong tỉnh, từ chuyện nước ta đến chuyện nước bạn Trung Hoa. Cô kể lại câu chuyện của Bạch Mao Nữ mà nước mắt lúc nào cũng ràn rụa. Đó là một cô gái bị chủ bóc lột hành hạ thậm tệ phải trốn vào trong hang. Lâu ngày không có ánh mặt trời nên lông tóc đều trắng. Những người đi săn đã tưởng cô là vượn bạch…suýt bắn chết đem về nấu cao!
Có người nhẹ nhàng vặn lại, nhà cô cũng là địa chủ, trong nhà chưa ai đụng tới cái cày cây cuốc mà vẫn ăn sung mặc sướng no đủ quanh năm, thì cô lồng lộn chống chế rằng, khi đi theo Cách mạng là gia đình cô đã từ bỏ giai cấp phản động rồi, đã đứng hẳn về phía nhân dân tiến bộ. Nếu bảo vẫn còn phát canh thu tô, vẫn còn nuôi trai bạn trong nhà (người làm công) thì đó không phải là bóc lột mà tự nguyện. Tuy họ làm giúp việc cho nhà cô nhưng chính họ là những người làm chủ. Không bị ai la mắng đánh đập, ruông lúa làm ra họ được lấy trước phần mình rồi mới đến phần nhà cô. Vả lại nhà cô ai cũng làm Cách mạng nên phải có người giúp đỡ Cách mạng chớ.
Đúng là không ai cãi được và cũng không ai dám cãi. Cái mũ Việt gian phản động sẵn sàng chụp lên đầu bất cứ ai dám chống lại. Đó là chưa nói tới cái thòng lọng “khả năng” ném vào cổ anh không biết lúc nào. Trong các vụ bình bầu về thuế nông nghiệp, nếu anh ở các thành phần bậc trên thì dù có bay lên trời hay chui xuống đất, cũng không cách gì thoát khỏi cái dây thòng lọng ấy. Như nhà ông hương kiểm, thuế được tính theo ruộng và theo khẩu là 500 ký, nhưng khả năng tức là cái nguồn lương thực tiền bạc có thể đóng là 5 tấn. Ông tổng Bá thì khả năng gần như vô tận. Khi ông Khứ hỏi: 5 tấn được chưa? Không ai trả lời thì ông nói: chưa hả? Vậy thì 10? Cũng chưa hả? 15? cũng chưa à? Thôi thì 20 cho chẵn! Có đồng ý không? Nhiều tiếng rời rạc. Ông bảo: to lên để ghi vào biên bản chứ! Thế là người ta cùng gào: Đồng ý! Có mất mát gì của mình đâu mà lo!
Cứ tung dây thòng lọng ra như thế, rốt cuộc địa chủ phú nông phải nộp thuế cả trăm tấn trong khi cả làng thu hoạch chưa được vài chục. Từ đấy, một đội thiếu niên với thùng thiết mõ tre và phèng la kéo tới các nhà phú nông địa chủ hò hét vang trời, kêu cả tên họ ra mà chửi là ù lì, ngoan cố ! Chỉ với một trò ấy thôi cũng đủ làm cho hương kiểm hương bộ, chánh tổng, lý trưởng phải chạy đôn chạy đáo từ họ hàng bên nội bên ngoại, từ bên nhà vợ nhà chồng cho đến người quen bất kể thân sơ, sống chết gì cũng phải đóng cho đủ. Thiếu 1 ký cũng không xong. Mà đóng đủ rồi vẫn còn sợ tái bình bầu, tức là nâng khả năng lên thêm nữa. Nói tới “khả năng” nhiều người đến tận bây giờ vẫn còn sợ run.
Dĩ nhiên những ai là bần cố nông chẳng những đã khỏi đóng thuế mà còn góp phần đẩy khả năng của địa chủ lên tận trời. Họ chính là quyền uy của Cách mạng. Khi nói tới hai tiếng nhân dân tức là nói tới họ. Nhân dân căm thù tức là họ căm thù. Nhân dân hành động tức là họ hành động. Tùy theo từng chiến dịch phong trào mà người ta cho phép các thành phần trung nông được dự phần. Còn địa chủ và phú nông thì không.
Phóng tay phát động quần chúng tức là liên kết các thành phần nhân dân lại để cô lập, bao vây và tiêu diệt giai cấp bóc lột. Nhà ông tổng Bá đương nhiên là cái đích ngắm đầu tiên. Chẳng những đưa ông lên ngồi trên cái mức thuế cao chót vót mà còn tung ra tấm lưới liên quan để không một ai dám giao tiếp. Ai giúp nhà ông cày bừa, gặt hái, mua bán đổi chác, ngay cả chào hỏi cũng bị kết tội là liên quan với địa chủ. Vì vậy chẳng ai dám tới gần đến nỗi cũng không dám đi ngang trước ngõ nhà ông.
Suốt nhiều đời ky cóp được hai mươi mẫu ruộng, ông cho những người làm rẽ ăn chia gọi là tá điền. Ngày trước bọn họ mang ơn ông. Còn bây giờ ông là kẻ thù, chẳng ai dám làm tay sai nô lệ cho ông nữa. Ông xin hiến tất cả, nhưng ông Khứ bảo của nhân dân chứ của gì ông mà hiến. Ông xin được tịch thu thì ông Khứ lại bảo chưa có lệnh, khi nào cải cách ruộng đất không cần đợi xin cũng cứ tịch! Hai mươi mẫu ruộng mà không được thuê mướn thì biết đến bao giờ mới làm xong! Mà làm không xong thì lại mang tội bỏ ruộng hoang, tức là phá hoại kinh tế, không thua gì tội Việt gian phản động. Ông như ngồi trên lửa. Chưa bao giờ ông thấy sợ ruộng đất như lúc này. Thế là ông treo cổ lên xà nhà. Nhưng cái xà như cũng sợ “liên quan” nên gãy làm đôi, ném ông rớt xuống đất. Vợ con ông chỉ sụp xuống lạy xin ông ráng sống chứ không dám khóc.
Cũng may bà vợ ông là một người vừa gan dạ vừa mưu trí. Bà kéo cả dòng họ và cả thuê mướn những người ở Phú Phong xuống cày cấy giúp. Lúc đầu họ làm ban đêm trốn núp thụt thò vì ông Khứ cho dân quân đuổi bắt. Nhưng sau bà nhờ những người An Vinh, An Thái võ nghệ đầy mình thì ông Khứ và đám dân quân lặn mất. Nhờ vậy, hai mươi mẫu ruộng cũng đã được cày cấy xong. Nhưng cũng chỉ cứu được cái tội bỏ ruộng hoang chứ không cứu được cái tội thiếu thuế!
Một buổi chiều, trước sân trường bình dân, nhiều anh chị dân quân ngồi đập mảnh chai trộn với đá ong, rải đầy trên hai cái vòng tròn to hơn mặt thúng. Một cái chạc tre đỡ một cái nắp vung để ngửa đựng đầy dầu với những cái tiêm bông chờ sẵn. Phía sau là cái bục cao cho chủ tịch đoàn.
Đêm nay là đêm đầu tiên phóng tay phát động quần chúng để hỏi tội thiếu thuế của vợ chồng ông tổng Bá. Không cần ông Tư Alô chõ miệng vào cái loa thiết mà gào, cũng không cần đánh kiểng. Ngay khi mặt trời vừa lặn là cả làng đã kéo tới đông đủ. Chỉ có trẻ con chạy giỡn lăng quăng còn người lớn thì ngồi yên lặng. Mùi thuốc lá nồng nặc. Những đóm lửa sáng lên liên tục.
Một lúc sau vợ chồng ông tổng Bá bị đưa tới quỳ trên hai cái tấm thảm mẻ chai đã được các anh dân quân làm sẵn. Lập tức tiếng rào rào nổi lên như sóng. Người ta tưởng đêm nay hai vợ chồng ông sẽ bị giết
Chủ tịch đoàn gồm một anh trai cày một bà bếp và một anh thợ rèn đại diện cho giai cấp công nhân. Mọi người ồ lên chưa hết ngạc nhiên thì ông Khứ đã trịnh trọng giới thiệu:
– Kính mời đồng chí chủ tịch của chủ tịch đoàn lên chủ toạ!
Đầu tóc được húi ngắn gần như cạo trọc, áo bốn túi như các đồng chí Trung Quốc, thủ ngữ Đực xuất hiện trước dân làng như từ trên trời rơi xuống. Cả làng đang ngẩn ngơ thì ông Khứ hô to: Hoan hô chủ tịch đoàn và mọi người cùng thét lên hoan hô như một bầy ngựa đã được kéo dây cương. Đợi cho tiếng hoan hô lắng xuống, ông Khứ tuyên bố Toà án nhân dân được lập ra để xử tội những kẻ chống lại nhân dân. “Thưa chủ tịch của chủ tịch đoàn, ông Khứ nói, đây là hai kẻ ù lì ngoan cố. Còn những 15 tấn lúa chưa chịu đóng. Xin Toà hãy ra một bản án nghiêm khắc để chứng tỏ sức mạnh của nhân dân.”
Đồng chí thủ ngữ Đực liền hắn giọng nói như quát:
– Thằng tổng Bá kia, sao mày chưa chịu đóng thuế ?
– Dạ thưa thuế cao quá đóng không nổi!
– Hai mươi tấn mà cao à ? của cải nhà mày có cả trăm tấn. Không lúa thì vàng. Số vàng bòn rút của nhân dân từ đời ông đời cha giờ mày chôn dấu ở đâu ?
– Dạ thưa cúng hết trong Tuần lễ vàng rồi!
– Mấy chiếc kiềng, mấy chiếc cong mà hết à?
– Dạ thưa hết thiệt rồi!
Đột nhiên có tiếng hô: Đả đảo địa chủ ù lì ngoan cố! Cả làng đáp lại: Đả đảo! Tiếng hô mạnh như tiếng gầm của hàng trăm con sư tử. Dường như ai cũng cố gào thật to, nhất là những người mà số phận của mình có thể sẽ bị quỳ trên đống mẻ chai như thế.
Đồng chí thủ ngữ Đực liền ra lệnh :
– Về nhà nó tìm vàng!
Thế là cả làng rùng rùng kéo nhau đi.
Nhà ông tổng Bá trước kia to như cái đình sau khi bị Pháp đốt chỉ còn trơ lại cái mái đất. Ông lại dùng đất đắp thêm bên ngoài, chỉ chừa một cái lỗ chun ra chun vào như cái hang. Ông Khứ liền hô: Tiến lên anh em như hồi phá đình. Chính ông đập vỡ cái lỗ cho rộng ra rồi cầm đuốc chui vào trước. Ông nghi ngờ trong các bức vách bằng đât có dấu vàng và mọi người không một chút ngại ngùng liền đâp ra nát vụn. Rồi họ phá cả cái chõng tre vì nghi ngờ dấu vàng trong ruột. Tìm mãi không có gì người ta bèn cạy nhũ vàng trên các bức hoành phi! Nhưng cũng chẳng phải là vàng thật.
Đồng chí thủ ngữ Đực liền tuyên án:
– Không có vàng, vậy là tẩu tán hết rồi. Chính cái bọn xuống làm ruộng ở Phú Phong đã đem đi. Cái tội này là do con vợ của thằng tổng Bá. Toà quyết định, vợ chồng nó phải nộp gấp đôi tức là 40 tấn! Được chưa? Lại một tiếng gầm: Được rồi!
Đoàn người kéo đi bỏ lại bà tổng Bá gào lên trong nước mắt và máu chảy ra từ hai cái đầu gối bị quỳ :
– Trời ơi! Sao mà oan nghiệt như thế này!
9.
Cuộc chiến chống giai cấp bóc lột được tiến hành theo hai bước. Bước thứ nhất là đấu lý tức là hỏi tội địa chủ. Bước thứ hai là đấu lực tức là bắt chúng đền tội.
Năm ngày sau cái đêm tìm vàng không có, người ta đem hai cái giỏ bội mạ xung quanh lót đầy gai bàn chải đến xúc hai vợ chồng ông tổng Bá khiêng đi như khiêng heo. Vẫn hai tấm thảm mẻ chai hãy còn những giọt máu khô đang chờ đợi họ. Lại thêm có hai cái hố tròn và trên cây xoài có hai cái thòng lọng.
Mấy cán bộ chẳng biết ở cấp nào đều mặc áo đại cán bốn túi. Hoá ra họ là những người đã giác ngộ đồng chí thủ ngữ Đực. Họ chỉ thiếu cái mũ cát két là giống hệt các đồng chí Trung Quốc anh em. Thủ ngữ Đực vẫn được ngồi bảnh choẹ trên ghế chủ tịch đoàn. Cả chục cây đuốc được các anh dân quân đứng cầm oai vệ. Lửa cháy phập phù. Vợ chồng ông tổng Bá như hai tội nhân ở cửa thứ mười của thập điên Diêm vương. Trong không khí nghiêm trang sặc mùi chết chóc ấy, bỗng dưng tên tôi được kêu lên:
– Lê văn Được , Lê văn Được đâu lên sân khấu có việc cần!
Lần đầu tiên tôi được gọi đích danh chứ không phải thằng Chó Đẻ như mọi khi. Tôi run bắn người, chẳng hiểu mình có tội gì. Tôi định chạy trốn thì có người nắm áo lôi lên. Tôi được đưa tới ngồi bên cạnh cô Thảnh và mấy cán bộ mặc áo đại cán. Mọi người há hốc miệng ra nhìn tôi, nhất là lũ trẻ con chẳng hiểu nổi vì sao một thằng phải bú sữa chó như tôi lại được ngồi bên cạnh những người mà mỗi lời nói của họ là một mệnh lệnh. Cả tôi cũng vậy, suýt đái ra quần vì sợ và kinh ngạc.
Đêm đấu lý bắt đầu.
Sau khi ông Khứ khúm núm xin ý kiến và được các cán bộ gật đầu, ông liền dõng dạc nói:
– Rõ ràng là vợ chồng thằng tổng Bá này quá ù lỳ ngoan cố. Năm ngày qua không nộp được một cân lúa. Tội của chúng mày là phải chết
Ông ngước nhìn cái thòng lọng, mọi người hồi hộp nhìn theo tưởng chừng như có hai cái xác đang treo lủng lẳng trên đó. Đợi cho nỗi khiếp sợ ngấm sâu vào mọi người, ông Khứ lại nói tiếp:
– Tội chết đã rõ rồi phải không, thưa nhân dân ?
– R….õ…
Một tiếng gầm đáp lại. Ông Khứ hả hê nói tiếp :
– Nhưng chúng mày chưa được phép chết. Chúng mày phải trả lời những tội ác của chúng mày trước nhân dân. Xin Toà hãy cho phép những ai đã từng bị nó hành hạ, áp bức bóc lột lên hỏi tội và được quyền trả thù.
Đồng chí thủ ngữ Đực nói như học thuộc lòng :
– Tòa đồng ý !
Lập tức có người bước tới trước mặt vợ chồng tổng Bá đang gục đầu chờ đợi. Đó là bà Năm hàng xáo (buôn gạo). Bà nói:
– Nó ác lắm. Khi bán lúa nó biểu tôi leo lên lẫm xúc lúa. Lẫm cao quá phải leo thang. Khi tôi leo lên được thì ở dưới nó cất thang. Nó ép tôi phải mua với giá thật cao, nếu không nó kêu chánh tuần tới bắt vì cái tội ăn trộm lúa.
Nói xong bà phun một bãi nước trầu vào giữa mặt. Nước trầu đỏ như máu chảy ngoằn ngoèo.
Người thứ hai là bà Dĩa. Từ trên ghế chủ tịch đoàn bước xuống. Bà vừa nghiến răng vừa dí tay vào trán bà tổng Bá :
– Con mẹ này ghen đáo để. Nó nghi chồng nó lấy tui. Lúc tui đang nấu cơm, nó lấy đũa bếp nóng dí vào háng.
– Thì bây giờ đè nó ra mà dí lại đi! Một kẻ nào đó nói xỏ xiên làm cho mọi người cùng cười ồ. Không khí bớt căng thẳng. Có tiếng của đồng chí thủ ngữ Đực :
– Tội của vợ chồng nó nhiều lắm. Chỉ có mấy chuyện vặt vãnh này thôi sao?
Trong khi mọi người nhìn nhau chẳng biết phải kể tội lão tổng Bá như thế nào để chứng tỏ là đã thấm nhuần chính sách, thì cô Thảnh đứng lên. Miệng cô nói: còn chớ, tay cô bất ngờ nắm lấy tay tôi dắt tới trước mặt ông tổng Bá. Cô nói:
– Hãy mở mắt to ra mà nhìn cho kỹ. Mày có biết thằng này là thằng nào không?
– Chó đẻ ! Chó đẻ !
Lũ trẻ con được dịp hò reo thích thú. Nhưng cô quát:
– Nó là con của mày. Tội ác của mày sờ sờ ra đấy. Mày chối tội à? Chị Chén đâu, mời chị ra đây.
Từ trong đám đông một người được đẩy ra. Đó là một người đàn bà chừng 40 tuổi. Bà ta thâp nhỏ và dường như nỗi sợ hãi trước đám đông làm cho bà ta loắt choắt như một đứa bé.
– Chị biết Lê văn Được chớ?
– Dạ biết.
– Chính chị đẻ nó ra?
– Dạ!
– Tại sao chị thả nó xuống sông?
– Dạ sợ làng bắt tội!
– Ai là cha nó?
– Dạ…
– Trước nhân dân chị cứ nói đi, chẳng việc gì phải sợ
– Dạ thưa ông tổng Bá!
– Sao chị lại có con với nó?
– Dạ …
– Sao?
– Dạ bị hiếp!
Vậy đó! Ai mà ngờ được ông tổng Bá là cha tôi và cái bà Chén em bà Dĩa kia lại là mẹ tôi! Cả làng như hoá câm trước cái sự thực quá bất ngờ. Người ta hết nhìn tôi đến nhìn ông tổng Bá rồi nhìn bà Chén. Nhiều người lắc đầu nghiêng tai nói thầm với nhau. Trước sự im lặng đầy ngờ vực ông Khứ lại gào lên :
– Đả đảo địa chủ! Và cả làng như nhảy dựng lên cùng hô: Đả đảo! Đả đảo!
Như thế ngoài cái tội trốn thuế, ông tổng Bá còn thêm cái tội hãm hiếp. Ông tổng Bá thề có trời đất chứng giám, ông không làm cái chuyện bậy bạ ấy. Nhưng cũng như cái khả năng về thuế nông nghiệp, người ta bảo ông có tội là phải có tội. Có điều cái tội của ông không phải là tội dâm ô ác đức như người ta thường nói mà là xúc phạm đến giai cấp đáng kính của bần cố nông. Bỡi vì hai chị em bà Dĩa chỉ có một cái nhà nhỏ như lỗ mũi và cả đời chỉ thay nhau làm bếp cho nhà ông.
Ngay khi biết được cái mầm sống của giai cấp bị bóc lột suýt bị chết đói nếu không có một con chó cái hy sinh lũ con để cứu sống, các vị cán bộ mặc áo đại cán đang ngồi lơ mơ vặt lông mũi bỗng vây lấy tôi rồi nâng lên khỏi đầu, hét lên như bắt được vàng:
– Hoan hô giai cấp vô sản!
– Hoan hô em bé dũng cảm!
– Đả đảo địa chủ gian ác!
Nhưng cô Sáu tôi bất ngờ từ trong đám đông lao ra như con chó cái của nhà ông hương bộ. Cô nói như ra lệnh:
– Thả nó ra! Chính nó là con tôi!
Cùng lúc cô tát như té nước vào mặt bà Chén. Cô gào lên:
– Mày là đồ rắn rít! Đồ cứt đái!
Chưa bao giờ tôi thấy cô hung dữ như lúc ấy. Ngay cả khi ông Khứ cho dân quân đến tịch thu mía, cô cũng không quyết liệt đến như vậy.
Cái màn đấu tố ông tổng Bá coi như bị bể dĩa. Cái mũ “hiếp dâm“ mà người ta định chụp lên đầu ông đã bị cô Sáu tôi lật ra ném xuống đất. Người ta liền dựng lên một màn khác. Lần này là cụ cử Vân. Cụ là người thực sự danh giá vì cụ đã đậu cử nhân, đã từng làm quan. Nhưng người ta bảo cái danh giá đó chính là tội ác. Tội của cụ là làm tay sai cho giặc và cho cả phong kiến.
Lần này là đấu lực. Đó là một đêm tháng mười một. Trời lạnh như cắt. Mưa lay bay nên càng lạnh thêm. Người ta không bỏ cụ vào bội mạ nhét đầy gai như vợ chồng ông tổng Bá mà để một người nắm chòm râu bạc dài tới ngực của cụ lôi đi như lôi một con trâu đã xỏ mũi. Đường đất trơn trượt, mấy lần cụ té ngã, nhưng không ai dám nâng dậy. Chẳng những thế ông Khứ còn kéo ngược cụ lên như nhổ một bụi mì.
Ra tới sông, người ta nhét cụ vào giỏ, từ trên cầu thả xuống nước. Đợi nước ngập tới cổ người ta kéo lên. Rồi lại thả xuống. Lại kéo lên. Cứ thế có đến chục lần. Trong ánh đuốc lập loè và trong gió bấc hun hút, cụ run lên bần bật giống như mấy con chó trong trận đại sát cẩu.
Rồi người ta lôi cụ ra khỏi giỏ. Cái quần sũng nước đứt dây tuột xuống. Cụ xấu hổ đưa tay định kéo lên nhưng một gã dân quân liền xỏ cây gậy vào giữa, nên cụ đành gục đầu mà đứng trần truồng trong tiếng cười ầm ĩ của bọn trẻ con. Thực khác xa với cảnh đăng khoa ngày nào. Sau khi nhận áo mũ của vua ban, cụ được hai hàng cờ lọng rước về làng trong tiếng trống nhạc tưng bừng. Giờ cụ bị điệu về không có lấy một miếng vải để che những chỗ đáng che, run rẩy bước đi giữa hai hàng gậy gộc của đám dân quân và giữa tiếng thét gào đả đảo.
Về đến nhà, cụ bị bắt quỳ giữa sân. Người ta hỏi trong bao nhiêu năm làm quan vơ vét của cải để ở đâu. Cụ không nói được và người ta cũng chẳng thèm nghe cụ nói, liền xông vào nhà. Ngưòi ta lục tung gối mền, đập vỡ các chậu cây cảnh, xé nát những cuốn sách mà cụ quý còn hơn vàng. Ngưòi ta lục lọi gần như suốt đêm thỉnh thoảng lại đến nắm chòm râu của cụ giựt ngược lên hỏi để đâu? Khi dã chán chê định bỏ về, thấy cụ nằm còng queo trên đất, ông Khứ liền đá một cái vào cái mông teo tốp, cụ vẫn nằm im. Ông ta lại nắm râu lôi dậy nhưng cụ vẫn quặt quẹo như bún. Lúc ấy người ta mới biết là cụ đã chết tự bao giờ!
Thế đấy, hết những đêm đấu lý là những đêm đấu lực. Sẽ không còn chửi rủa hỏi tới hỏi lui mà là đấm, là đá, là thoi, là đạp, là nện vào lưng vào đầu những gốc tre chẻ làm tư như cọc phòng không. Mỗi làng không chỉ một đứa mà hết đứa này đến đứa khác. Hết địa chủ thì đôn phú nông lên. Hết phú nông thì đôn trung nông bậc trên. Triệt hạ tất như xén hàng rào. Khi đó xã hội sẽ công bằng vì chỉ còn một giai cấp duy nhất là quần chúng lao động. Y như một sân đá bóng, chỉ trồng một thứ cỏ duy nhất và luôn luôn được cắt xén cẩn thận. Người ta tính ra trong làng có đến vài chục người. Thế là đạt và vượt chỉ tiêu!
Nhưng bỗng có lệnh: Dừng!
Chẳng phải vì thương địa chủ mà vì tập kết.
Đúng như ông Khứ và cô Thảnh nói, ta đã hoàn toàn chiến thắng. Cái chiến dịch Điên Biên Phủ xa xôi ở tận miền Bắc đã kết thúc trong thắng lợi. Thằng Pháp và Mỹ đã phải ngồi vào bàn hội nghị Giơneo và đã phải chia cho ta một nửa nước. Có điều cái phần được chia nằm ở phía bên kia sông Bến Hải nên bộ đội và cán bộ phải tập kết ra Bắc. Dĩ nhiên là tạm thời thôi vì hai năm sau có bầu cử và ta nhất định sẽ bầu cho cụ Hồ, tức là nhất định thắng!
Thế là người ta xoay ra dỗ dành. Nào là tuy hai năm nhưng chỉ có 14 tháng. Cán bộ đi rồi cán bộ sẽ về. Vì vậy phải kiên định lập trường. Không được mềm yếu ngã theo giặc. Không nộp thuế. Không đi lính. Không họp chợ. Không đi học. Khác hẳn với những đêm học tập phóng tay phát động quần chúng để đấu tố, cả ông Khứ và cô Thảnh đều ăn nói nhỏ nhẹ dịu dàng. Các vị lại ân cần trả lời những câu hỏi xóc họng mà trước đây dẫu có cho vàng cũng không dám. Chẳng hạn: Ai được đi? Ai phải ở lại? Tại sao được đi và tai sao phải ở lại? Hoặc là: thằng Tây có súng ngắn súng dài, có xe tăng đại bác còn nhân dân chỉ trơ khất có mỗi hàm răng… thì làm sao đấu tranh? Đấu tranh như thế thì biết tránh đâu!
Cả làng ai cũng cười vì ông phó Ba chêm vào một tiếng nói lái. Nhưng sau đó ai cũng hoang mang lo sợ. Suốt chín năm đả đảo, đánh trộm đánh lén. Giờ phải chường mặt ra với thằng Pháp thì biết sống làm sao đây? ai cũng mệt mỏi bơ phờ. Các anh dân quân ném gậy vào bếp làm củi đun. Cái loa thiết ông Tư Alô chẳng hơi sức đâu mà chỏ miệng vào. Ông phó Ba nói, tình trạng này giống như một đứa con gái lỡ dại, bụng đã phễnh ra rồi mà cái thằng xỏ lá quất ngựa chạy mất.
Nhà ông chánh nhạc tức cụ bầu Kiên là một nhà Cách mạng nên được đi cả nhà ngay cả thằng cu Thắng mới sinh. Mấy con dê không thể đem theo được thì giết thịt cho cả xóm coi như đãi một bữa cuối cùng. Ông Khứ được đem theo đứa con 10 tuổi, nhưng bà vợ phải ở lại vì cái bụng mang thai lặc lè. Bà vợ ông sợ xanh mặt mỗi khi nghĩ tới cái cảnh Tây nó thọc dao vào bụng lôi đứa nhỏ ra ngoài.
Nhưng tội nghiệp và buồn cười nhất là các vị đã được mời lên ngồi trên ghế chủ tịch đoàn. Ông phó Ba nói rõ ràng là ngồi chưa nóng cái đít chớ có lâu la gì mà giờ đây cũng phải són đái trong quần. Đồng chí thủ ngữ Đực dớn dác chạy đôn chạy đáo, quắn quít như chó lạc mất chủ. Gặp ông Khứ hỏi :
– Sao tôi không được đi?
– Trên bảo ở lại
– Trên là ai?
– Là cấp trên chứ là ai
– Đ … mẹ mấy thằng cấp trên!
Gặp cô Thảnh cũng hỏi :
– Sao dồng chí được đi mà tôi không được đi?
– Đồng chí phải ở lại.
– Để Tây nó cắt cổ à!
– Có nhân dân sợ gì!
– Đ … mẹ, tao đái vào cái nhân dân đó!
Còn hai chị em bà Dĩa thì thẫn thờ ngồi ôm nhau mà khóc. Hai bà không sợ thằng Pháp mà sợ vợ chồng ông tổng Bá. Ước gì chui được xuống đất!
Không còn ông Khứ. Không còn cô Thảnh. Không học tập. Không biểu tình. Không hoan hô đả đảo… quang cảnh trong làng buồn như cái bến sông lúc cô tôi sống một mình.
Sau những năm tháng làm quần quật, nào đào hầm vót chông, nào bắt sâu diệt chuột, nào dân công tải đạn, nào chống cái này diệt cái kia…Giờ người ta lại không biết việc gì làm cho hết ngày. Đàn ông sáng ra đồng rảo một vòng rồi xách cuốc về nhà vun mấy cái gốc mì sau đó lên võng nằm thở ra. Đàn bà sau bữa cơm khoai nhiều hơn gạo lại ngồi bắt chí cho nhau. Thỉnh thoảng đưa con chí đực lên miệng cắn nghe cái cốc. Đứa nhỏ lê la sau lưng kéo cái vú teo nhách dài thòng của mẹ ra, cố kiếm vài giọt sữa.
Ai cũng lóng ngóng lờ khờ, tóc xơ xơ, mặt tai tái, mắt vàng vàng. Cả làng như một dàn bò ngần ấy năm bị đét vào đít, chạy và chạy mịt mù nhưng vẫn không tìm ta đồng cỏ. Tối đến không nhà nào đỏ đèn ngay cả những nhà tạm gọi là giàu. Người ta thu mình trong bóng tối như những con vật bé nhỏ thu mình trong hang. Giặc Pháp chưa tới nhưng cái bóng hung ác của nó được ông Khứ và cô Thảnh tô đậm suốt chín năm làm cho mọi người ai cũng khiếp sợ. Giống như những đứa trẻ bị dụ vào rừng rồi bỏ mặc, một tiếng động nhỏ trong đêm tối cũng làm cho chúng khóc thét lên.
Những cành tre kẽo kẹt cọ vào nhau nghe như tiếng xích sắt của xe tăng. Gió hất cái vạt áo trên bụng, ai đó trrong đêm giật mình rú lên, cứ tưởng là bàn tay lông lá của giặc chạm vào. Không biết khi một tử tội chìa cái cổ ra chờ cái lưỡi dao có giống như những đêm ở làng lúc này không?
Đợi chờ! Đợi chờ! Đâu có phảỉ chỉ mấy trăm dân ở An Định mà còn cả triệu người của bốn tình Nam, Ngãi, Bình, Phú đếu sống trong thấp thỏm hãi hùng. Trong khi đó, ông Khứ và cô Thảnh cùng những đứa con ưu tú của Cách mạng đang đứng trên boong tàu Ba Lan thở phào nhẹ nhõm.
(còn tiếp)

Khuất Đẩu