Họ đã như những cái xác còn sống. Tôi than khóc Họ bằng một bên mắt. Tôi
không mù hoặc bị tật ở mắt. Như mọi người, tôi đủ cả mắt. Tôi cận, nhưng hai
mắt tôi vẫn nhìn được. Mắt tôi loạn thị, nhưng tôi vẫn nhìn được. Con mắt trái
của tôi đã rớm máu vì họ. Tiếng khóc này, không hoàn toàn là sự đau đớn, nỗi
buồn hay tuyệt vọng. Đấy là sự chảy nước mắt trái. Dòng nước chẳng còn trắng
như sương sớm mà nhợt đỏ như máu chảy trong người lúc nào cũng hôi hổi. Lúc thơ
bé tôi từng ngã vào chảo sôi và bỏng nửa cánh tay. Một trong số Họ thấy tôi.
Một câu hỏi khẽ, và có chút luống cuống. Người đấy nói sẽ đi tìm bác sỹ cho
tôi. Từng tíc tắc trôi đi thành nhiều giây, nhiều phút, nhiều giờ. Không có bác
sỹ, cũng không nghe thấy còi xe cứu thương. Tôi nằm đó cùng cái chảo sôi. Bởi
tôi phải đợi quá lâu nên tôi đã quen với cơn đau từ vết bỏng. Tôi chẳng rõ do
vết bỏng đã dịu đau hay vì tay tôi đã bại hết cảm giác. Một người khác trong Họ
thấy tôi và đưa tôi lên nhà. Sau khi sát trùng vết thương, ông ấy gọi điện cho
bác sỹ đến tận nhà để chữa lành cho tôi. Trong số Họ ông ấy là duy nhất tôi
nhận mặt. Ông ấy chết rồi. Cái chết từ rất lâu, hệt như vết bỏng trên tay tôi,
có từ rất lâu. Giờ vết bỏng không còn nữa, và không ai trong nhà tôi nhắc về
việc tôi từng bị bỏng. Họ, những người tôi muốn quên vẫn ở đây. Đã không ít lần
tôi cố trục xuất Họ khỏi đầu, vậy mà Họ vẫn trở lại. Tiếng chân Họ bước gần kề
phía tôi và tôi buộc phải đối diện, bằng cả hai mắt. Giọt huyết thống đã trói
tôi với Họ. Tôi bị cầm tù và khổ sai trong dòng máu ruột thịt đáng nguyền rủa.
Giọt máu đào đã lạnh toát như nước lã và uế tạp trong màu đỏ diệt chủng. Tôi có
thể ngồi đây, trong cái lô cốt được xây cất lên từ sách và bản thảo. Trang sách
được đánh lửa bởi những linh hồn bất tử cả nghìn năm. Đấy những hiền triết,
đấng thượng thần đứng cao hơn vũ trụ. Bên dưới, kẻ tận tụy mài mực bằng ngón
tay để thảo lên giấy trắng lá tâm thư của máu và hồn, là tôi đây.
Việc tôi ra đời đã đánh dấu kết thúc cho nòi giống tôi buộc phải kế thừa. Một
bệnh xá tồi tàn. Trong một năm 89 mù sương. Không đèn, không nến, không trăng.
Còn tôi, lặng lẽ chui ra đời sau một cú rặn quá mạnh từ mẹ mình. Theo tôi biết,
mẹ tôi sinh tôi khó. Một điều nữa. Thời khắc tôi đòi chào đời đã có tiếng cú
lợn. Con cú lợn đứng đâu khi trên cây, sau góc khuất trên cây, mái bệnh viện,
trên nóc một ngôi nhà nhìn hướng sang cửa sổ phòng đẻ, hay chăng nó núp sau
cánh cửa kính, lặng lẽ quan sát ca đẻ? Con cú lợn rống tiếng kêu đầu. Và mẹ tôi
đau đẻ. Các hộ tá chuẩn bị nước sôi và khăn. Một tiếng éc. Rồi một tiếng éc.
Tiếng nữa. Thêm một tiếng nữa. Sau bảy tiếng, tôi chào đời. Còn con cú lợn bay
vụt đi. Không ai nhìn thấy nó. Đặc trưng của mọi con cú lợn là bộ lông trắng
cùng khuôn mặt lạnh lẽo, trắng muốt như tường vôi nhà xác. Con cú lợn trong ngày
tôi ra đời có lẽ cũng màu trắng. Tôi chưa từng thấy con cú lợn nào màu đen,
nhưng tôi nghĩ có: Con cú lợn lông đen. Giống như lúc tôi chào đời. Trời mây,
các khuôn mặt người, đều ngấm vào màu đen. Tôi bật tiếng khóc. Rồi người quanh
đấy cười, nói, rằng tôi là con trai. Những tiếng đấy cũng vọng vào màu thui đen
của phòng đỡ đẻ. Lúc sau trời sáng lại. Mây mù bị một trận gió quá lớn thổi bạt
đi. Hoặc người trong bệnh xá đã thắp đủ mọi loại đèn, hòng tạo thành một thánh
đường của ánh sáng. Tôi, kẻ không nương náu. Tôi là thất bại của cha mẹ tôi.
Đúng hơn, người con mà cha mẹ tôi yêu quý vốn chết rồi. Năm thứ nhất đại học
xác hắn đã chôn vùi dưới đầm đen. Những năm đại học tiếp theo, tinh thần hắn đã
băng hoại và lở loét bởi tiếng hát của những Siren. Một bàn tiệc lớn, chỉ với
một món cá sống là hắn ta. Thực khách gồm giáo vụ, chủ nhiệm và ba mươi sáu con
quỷ mặc da người. Chúng chen chúc trên bàn tiệc, xé thịt và nuốt chẳng nhè
xương. Tam anh kết nghĩa vườn đào đều chết ngoài sa trường. Còn hắn, kẻ điên đã
kết nghĩa không tại vườn đào đã bị chính anh, chị (kết nghĩa) của mình ăn nhẵn
chẳng chừa dù là cái răng khôn mới nhú. Cuối cùng thì tôi thay thế hắn. Hàng
ngày, tôi luôn thấy Họ. Những người này đã tự nguyện ngã xuống để được tái sinh
thành Zombie. Những cái dép kêu loẹt xoẹt và từng cẳng chân tụt xuống cỗ quan
tài số 24. Tôi trong đó, và cũng không trong đó. Cỗ áo quan có nắp trong suốt
như một phiến băng trong. Tôi có thể đứng trên mà quan sát Họ. Như một tấm
gương, tôi có thể ngó lên để nhìn thấy mình, và thấy Họ. Cỗ quan tài này rất
rộng và không bằng phẳng. Từng người đang đào xới bên trong bằng tay. Họ an vị
ở chỗ của mình, nhưng bằng nhiều cách khác nhau Họ xâm nhập vào nhà nhau. Những
tiệc rượu dài lê thê. Những mẩu chuyện qua loa, và nghĩ rằng đấy là sum họp.
Cụng chén, rồi lại cụng chén. Tàn tiệc, Họ trở về hang của mình. Như tôi nói,
Họ thường xuyên xâm nhập vào chỗ của nhau, và cũng rất thường xuyên, Họ ngăn
chặn nhau bước vào chỗ của mình. Nếu có, họ sẽ để người khách lạ trong nhà và
đi đâu đấy cho đến khi kẻ lạ chịu rời đi. Chỗ của tôi luôn có tiếng sôi sục của
những cái bụng đói. Tiếng “ọt, ọt” vang đến lô cốt của tôi. Cha mẹ tôi tiếp tế,
rồi thu dọn những xương xẩu họ để chừa. Tôi từng thấy nhiều cuộc đi lại ồn ào
ngay nơi đây. Những bộ xương tuột hết khớp. Họ đi qua, va quyệt và hằn học với
những tiếng trong đầu. Chỉ một tiếng súng hoặc tấm mù soa rơi chạm đất là họ sẽ
gằm ghè như loài sói đói. Họ sẵn sàng xù lông, bật những lưỡi dao từ lâu vẫn
giấu trong miệng ra và xâu xé mối thù địch bằng mọi giá. Chỉ ở cỗ quan tài này
thôi. Không ai bước trở ra cả. Chỉ một màu nhập nhoạng phủ tứ phía như hàng rào
mắt cáo. Ván cá ngựa bắt đầu bằng đổ xúc xắc để quyết định ngựa ra chuồng. Mọi
con ngựa đều đã xuất chuồng, chưa con nào về chuồng và đang lang thang khắp ván
cờ như những con thú mù. Lũ ngựa đến chuồng và đi qua chuồng một cách dửng
dưng. Đây này, Họ đã như bầy ngựa thiến chỉ biết gặm cỏ và nhàn nhã tảo vó
quanh trang trại. Những con chim gãy cánh giờ đây chỉ biết nhảy lăng xăng nghĩ
rằng mình là gà lôi. Họ sợ ánh sáng còn tôi thì kị ánh sáng. Họ sẽ co rúm lại
nếu mặt trời chiếu đến. Lớp hóa trang sẽ rụng nát, cái mặt thực sự của Họ sẽ lộ
tẩy như cái đuôi Hồ Ly. Còn gì hãi hùng bằng việc họ bị chọn ra để đơn phương
đi ra ngoài. Phía ngoài cỗ quan tài số 24, là một chốn khác. Đáng nhẽ tất cả
chúng tôi phải ở đấy. Chưa ai có cuốc, xẻng, hoặc búa tạ để đập cỗ quan tài
này. Họ không có, không muốn có hoặc đã tự vứt bỏ để quy phục. Con mắt trái.
Một tấm kính con con, cái giếng nước đục nhưng vẫn còn trong trẻo vì chút cảm
tình nhân hậu. Nước đỏ không dẫn từ máu, đấy chỉ là sự ra màu từ vết thương.
Tôi nghĩ đỏ là màu độc nhưng tôi cũng đã nghĩ đỏ là màu chữa độc. Mưa tiếp sức
sống cho cây cỏ và mưa cũng sẽ cuốn trôi mọi cỏ cây trong biển nước dâng nghìn
trượng. Thời gian trôi xoẹt như cây tre đổ rạp sau một nhát rìu. Những cái mặt
cũ, có thể là mặt thật của Họ bị chính Họ khai tử. Họ chường ra một cái mặt
khác. Cái mặt nửa như hóa trang, nửa để trần nhưng hoàn toàn không phải mặt
người. Nó già nua, lộ vẻ yếu nhược nhưng gói nhiều ngạ quỷ. Kí ức ngày xưa, tôi
được cưng chiều như báu vật. Tôi được đãi ngộ, ưu tiên như thái tử. Một giây
nhớ lại, tôi bị lừa ngay giữa ban ngày. Như bộ phim trinh thám biết trước hung
thủ, cách gây án, sẽ không ai muốn xem lại lần thứ hai. Thời bé con, Họ đối đãi
với tôi chu đáo như chăm một con vật. Nếu tôi nghe lời, Họ nâng niu tôi như quả
trứng vàng. Nếu tôi ương bướng, Họ sẽ xử phạt tôi bằng một cuộc họp gia đình.
Khi tôi tháo lục lạc cổ, thì Họ sẽ tẩy lớp phấn hóa trang, phơi ra bộ mặt Ba Bị
Chín Quai Mười Hai Con Mắt. Cha mẹ không đứng về phía Họ cũng chẳng đứng về
phía tôi. Hai người quay lưng và bỏ rơi tôi bằng vai người qua đường. Kí ức là
những trò lừa. Nhìn về sau sẽ hạnh phúc. Nhìn về trước sẽ đau đớn. Cách tốt
nhất là phải quên đi để bắt đầu lại. Thế nhưng nếu sự lãng quên vốn dĩ cũng là
một trò lừa ngoạn mục khác của số phận… Cỗ quan tài đang tụt dần xuống đất.
Không hề có một sự rung chuyển nào bên trong. Mọi thứ êm đềm quá. Nhưng tôi…Có
lẽ, chỉ mình tôi là nghe thấy tiếng chìm vào đất. Những con giun béo ngậy, bầy
lươn vàng sống bằng bùn thối hầm mộ đang trườn bò quanh quan tài. Một tiếng hét
của tôi bất quá chỉ làm họ ngoái cổ rồi lại quay đi vì nghĩ rằng tôi nằm mộng.
Tôi náu mình trong lô cốt của sự viết. Trận khóc cuối cùng đã biến đỏ con mắt
trái của tôi. Lúc đầu màu đỏ loang ngắn như trăng liềm, tràn nửa con mắt rồi
chiếm lĩnh hết mắt trái. Sau này tôi chẳng biết mình có để rơi giọt lệ nào
không. Con mắt trái, giờ chỉ là một cục đỏ hình mắt. Nếu con mắt này là một hòn
đảo thì tôi đã mất chủ quyền bởi lũ yêu ma tôi nuôi trong vô thức. Thế là tôi
thảo lá thư này.
Họ sợ ma. Họ bật đèn thật sáng, thắp đến chục bó hương. Chẳng có ma. Chỉ có
Họ, và cái bóng của bọn Họ. Tên tôi chết rồi kia ơi! Khi trước ngươi có hiểu
cha mẹ không? Ngươi nghĩ họ khát khao thứ gì? Cha mẹ khóc thế nào, cười ra sao?
Hay ngươi chẳng hiểu cha mẹ cũng như cha mẹ chẳng hiểu ngươi, ngay đến việc
ngươi chết oan hai người cũng chẳng hay biết? Tôi, một thiên thần bé bỏng. Đấy
là điều cha mẹ tôi nghĩ. Tôi, kẻ chết không thành xác. Đấy là điều tôi nghĩ,
cũng là điều tôi tin. Chưa một lần cha mẹ tôi thổ lộ nỗi lòng mình. Hai người
rất kín tiếng, giỏi im lặng và giỏi chịu đựng. Cha mẹ từng nhắc nhở tôi “Sống
phải biết giấu mặt. Mặt thật của người giống như trái tim trong lồng ngực, lấy
ra con sẽ chết.” Cha mẹ tôi giấu mặt sau cái mặt nạ. Cái mặt nạ chia đôi, cha
một nửa, mẹ một nửa. Hai người không định ghép hoàn chỉnh mặt nạ để trao tặng
tôi. Cha mẹ tôi bảo “Nếu chịu giấu mặt con sẽ cô đơn. Nếu không giấu mặt, con
sẽ cô độc.” Tôi chẳng muốn giấu gì, cũng không muốn để lộ gì. Lúc này, tôi muốn
tìm một thứ để đập. Cỗ quan tài đã ngập sâu quá rồi. Tôi phải căng mắt để thấy
chút nắng ít ỏi hãn hữu phảng phất trên nắp quan tài. Họ. Chà, nói vậy là tôi
đã thống nhất từng người rồi. Bởi cái khối thịt này không có nơ-ron liên kết.
Họ, cũng là ai đấy, và ai đấy cũng là bọn họ, những con quạ lạc bầy. Trong lúc
Họ ngồi vòng tròn, ráng sức để đốt nóng lửa gia đình, tôi lại thấy nụ cười đắc
thắng của Satan. Họ chỉ đang cố nói to, gắng gượng hỏi han nhau cốt cho xong
màn kịch ngày sum họp. Tôi cố gắng quên đi những bóng ảnh nhòa thân quen. Máu
tôi lại rỉ. Không phải con mắt nữa. Mỗi sợi lông trên người tôi giờ đều dính
chất đỏ. Từng đêm dài, tôi gục trên bàn viết. Cái lô cốt của tôi không đủ vững
trãi để ngăn tiếng, cũng như những cẳng chân, tay đang leo lên. Tôi cố thủ trên
này để viết lá thư. Máu tôi trào ra, tưới xuống hàng chữ. Họng tôi luôn rát,
và, chỉ cần một tiếng ho là mọi đờm dãi sẽ phun hết ra. Chúng cũng màu đỏ, và đặc,
hệt như những mẩu tiết trong các quán cháo lòng. Ngòi bút vẫn chạy trên trang
giấy. Hết trang, tôi lật trang mới. Máu lại rướm trong họng và trườn đến từng
kẽ chân răng. Miệng tôi tanh lòm. Từng cái răng đỏ ngòm như được quét sơn.
Dường như một số răng đang lung lay và dần trượt khỏi lợi. Để tránh làm nhơ
trang thư, tôi nhổ chúng ra ngoài. Một cái răng tuột ra cùng vũng máu. Tôi rửa
sạch miệng rồi quay lại bàn viết. Tôi không muốn cắt cơn đau của mình dù có lúc
nó quặn lại và bào hoại hết gan ruột tôi. “Này cháu, xuống đây với chúng ta.” –
Ai đấy gọi tôi. Cha mẹ tôi cũng lặp lại tiếng này và bằng đúng cái giọng này.
Tiếng đã gần lắm rồi. Sẽ có bàn tay bám lên tường lô cốt. Họ sẽ thấy tôi. Kẻ
đang ngồi trong những chồng sách, bản thảo, trên một cái bàn gập và viết lá thư
về Họ. “Đừng như thế!” – Lại tiếng họ gọi về từ sâu hoắm trong đầu tôi. Thế là
tôi đi xuống. Tôi đứng cùng hàng ngũ họ và choáng váng vì hơi độc thổi ra từ
chính những ruột thịt của mình. Cỗ quan tài lại chìm sâu hơn rồi. Tôi hô hoán
về một cây búa. Họ lờ mất rồi xâu xé cái bàn tiệc vừa dọn ra. Đâu phải rằm
tháng bảy. Hôm nay là tất niên. Con số 24 in vào trán Họ. Tôi cũng bắt gặp con
số đấy trên trán mình lúc soi gương. Tôi lau, gãi, xối nước lạnh. Số 24 không
đi, và dường như đang đóng dấu vào tôi. Mắt trái. Một viên máu đóng ngọc. Cỗ
quan tài chui xuống. Mặt trời đã vỗ cánh về triền núi hay chúng tôi đã mù cả
trong ánh mặt trời. Chúng tôi lay lắt trong bao tử con cá voi nghìn năm tuổi.
Đêm lại qua. Tôi sẽ đợi thêm 24 giờ nữa. Tôi nghe thấy tiếng eng éc. Tiếng lợn
bị chọc tiết ăn mừng, hay tiếng con cú lợn thuở nào réo gọi tôi. Sau bảy tiếng
éc, mọi thứ im lìm rồi xáo động như mọi ngày.
Sau bảy tiếng cú lợn, tôi tỉnh vào cõi người. Sau bảy tiếng cú lợn, tôi tỉnh
và nối mình vào lá thư. Căn gác là chốn nương náu của tôi. Một lô cốt được rào
chặt chẽ và cẩn mật như thành trì. Kẻ không nương náu đã có chốn ở. Tôi nương
náu không để ẩn thân, tôi nương náu để đối đầu. Cây kiếm của tôi đây. Lá chắn
của tôi đây. Con mắt đã đã đục mờ trong màu đỏ vì toàn thân tôi đã sánh thành
màu máu. Dường như máu ngấm từ trong ra, nhuộm phủ bất cứ nơi nào tôi đi qua.
Cái bóng của tôi không màu đen, nó màu đỏ. Một sự lạ như một cái đổ bóng ngược,
tôi ở dưới còn bóng tôi ở trên. Dù tôi hay cái bóng giắt sau lưng thì cũng là
tôi. Tên tôi thứ ba lộ diện khi tôi nhìn vào gương. Màu đỏ trước mặt, đấy chỉ
là màu đỏ đơn thuần hoặc là máu. Thứ màu này không lem nhem, chẳng ướt át như
kinh nguyệt đàn bà. Một màu đỏ đậm, rực và chói đến mức như một ngọn lửa con
con nhưng đủ lóe sáng để rạch nát cõi Tà Ba, bắc đến Cực Lạc. Đây là viên thuốc
được luyện từ nỗi thống điên, cũng là viên thuốc chữa đau khổ bằng cơn đau đớn
trút bỏ. Tại đây, tôi khóa hết cửa, chặt cầu thang lên xuống để tìm một lối ra
từ sâu thẳm bóng tối. Viết.
Tru Sa