Đặc sản Hà Nội?
Theo VTC14, 29.9.2016: “Mới đây, đầu bếp nổi tiếng người Mỹ
Anthony Bourdain - người từng ăn bún chả với Tổng thống Obama - đã không giấu nổi
sự ngạc nhiên khi lần đầu tiên đến ăn ở quán bún chửi Ngô Sỹ Liên. Ông đã đưa
trải nghiệm lạ lùng của mình vào chương trình Parts Unknown, vừa phát sóng trên
kênh CNN cách đây ít ngày”.
Trong chương trình truyền hình đó, đầu bếp này được một cô
gái Hà Nội đưa đến giới thiệu món “bún chửi”(BC) ở phố Ngô Sĩ Liên và nói rằng
đó là quán ăn yêu thích nhất của cô.
Ông Mỹ không cảm nhận được tiếng chửi và sự nhục mạ khách của
người bán hàng thì đã đành. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là thay vì bất bình với
thái độ bất lịch sự, bạo lực của người bán bún – vì chửi và miệt thị người khác
đương nhiên là một dạng bạo lực - cô gái lại đồng tình, biện hộ cho người “đàn
bà chửi” đó, coi như một đặc sản văn hóa ẩm thực VN.
Chương trình truyền hình nói trên quay trong bối cảnh quán
có đông người ăn. Bà chủ quán thấy ông Mỹ và truyền hình quay thì dịu giọng hơn
mọi ngày, nhưng chỉ trong khoảnh khắc đó, bà ta cũng đã kịp làm nhục một cô gái
trẻ khác trước đám đông.
Cô gái không có lỗi gì. Cô ăn mặc và nói năng lịch sự. Cô chỉ
hỏi mua một bán bún có mọc (thịt nạc giã nhuyễn viên thành viên, thường các
quán bán bún đều có).
Chỉ thế thôi mà bà chủ quán đã tạt vào mặt cô những lời mỉa
mai, xua đuổi cô trước mặt đám đông, trước cả ông đầu bếp Mỹ và ống kính truyền
hình, trong khi những khách hàng khác thản nhiên xì xụp, chăm chú vào bát bún,
coi việc chửi là chuyện đương nhiên.
Ông người Mỹ không biết tiếng Việt thì đã đành. Nhưng khách
ăn thì thấm thía tận ruột gan những cầu chửi bằng tiếng mẹ đẻ chứ không thể biện
hộ rằng không hiểu.
Khách ăn lần đầu bị chửi hoặc biết sẽ bị chửi mà vẫn ăn thì
chứng tỏ những người ăn đó đã chấp nhận và gián tiếp cổ vũ tính bạo lực và lưu
manh. Việc này càng được phổ biến rộng, chấp nhận rộng rãi thì càng gây hại cho
xã hội và động chạm đến nhân phẩm con người.
Vì sự chấp nhận đương nhiên, ngày càng nhiều quán và dịch vụ
các loại kèm “gia vị chửi- gia vị nhục” với khách hàng. Với thông tin BC lên
CNN thì e rằng món BC phát triển thêm rầm rộ và khách hàng đi đâu cũng dễ được
ăn kèm thứ “gia vị xú uế” đó.
Điều này tưởng vô hại, nhưng thực ra tiềm ẩn những nguy cơ
sâu xa.
Mùi xú uế của “gia vị nhục”
Khi ta chấp nhận, thậm chí vui chịu bị kẻ khác chửi bới xúc
phạm chỉ để mua được miếng ăn ngon, vậy ta có công bằng với chính mình không?
Xót xa thay là trong đám đông đó không thấy một tiếng nói
chính trực nào lên tiếng bênh vực cô gái bị nhục mạ và cảnh báo chủ quán BC như
nghĩa vụ của một con người cần làm khi thấy một người khác bị xúc phạm. Và ngay
cả việc họ phải ăn trong tiếng chửi, dù là chửi người khác- thì cũng đã là bị
xúc phạm lớn.
Lẽ nào họ không nhận ra chủ quán đã thêm vào món ăn của họ một
thứ “đặc sản” VN: “gia vị nhục”! Khách ăn có quyền từ chối gia vị nhục. Nhưng
không, họ vẫn ăn ngon. Vì sao? Họ đã nhờn trước mùi xú uế của thứ “gia vị nhục”,
coi đó là chuyện vặt, là đương nhiên và còn thú vị. Coi thế thì họ mới ăn tiếp
và còn đến ăn tiếp lần sau.
Chuyện BC và những món hàng bán kèm chửi mắng Hà Nội không
thể là chuyện đùa được nữa rồi. Khi chửi và văng tục đã trở thành đương nhiên,
ngay cả trong nhiều người có trình độ văn hóa và quan chức!
Sinh ra làm người, ai cũng có nhân phẩm, ai cũng cần được
tôn trọng. Văng tục và chửi người khác là muốn nô lệ hóa tha nhân, đồng thời
cũng hạ thấp nhân phẩm của chính mình. Ai cũng biết, mắng mỏ, đay nghiến, văng
tục vào mặt người khác là một cách giao tiếp bất lịch sự, áp đặt và bạo lực.
Văng tục, chửi bới tố cáo đẳng cấp văn hóa của chủ nhân. Một
xã hội lành mạnh không tạo cơ hội và đồng lõa với những cách hành xử bạo lực kể
cả trong hành động, lời nói cùng cung cách giao tiếp.
Trong hiện tượng tồn tại kéo dài “bún chửi cháo chửi” ở Hà Nội,
chúng ta không thể không thấy đau buồn thay cho thủ đô tự nhận mình là văn hiến
nhưng nhà chức trách cũng như người dân đã không làm gì đủ để chấm dứt tình trạng
đó.
Não trạng nô lệ
Không vặt vãnh chút nào vì tất cả những biểu hiện này xuất
hiện từ căn nguyên sâu xa của não trạng nô lệ.
Chỉ có trong xã hội này, thì bạo lực từ miệng của một người
đàn bà bán hàng tầm thường đã được nhân lên, quảng cáo thành một phương cách, một
thương hiệu bán hàng.
Qua hiện tượng này, ta có thể lý giải về sự thường xuyên
dùng bạo lực với phụ nữ, người già và trẻ em cùng những người yếu hơn mình của
người VN.
Tại sao ngoài xã hội nhiều cướp giết hiếp. Tại sao cơ quan
công quyền luôn nêu gương xấu, dùng đủ mọi hình thức bạo lực với dân để kiếm
chác không giới hạn, cũng như tâm lý chấp nhận bạo lực chỉ vì ngại dây dưa với
một kẻ ngoa ngoắt hoặc sợ hãi trước cường quyền của người VN?
Gần một thế kỷ cướp được và vận hành thể chế, nhà cầm quyền
độc tài cộng sản đã rất thành công trong việc biến não trạng của người dân VN tự
trọng thành não trạng sợ hãi và nô lệ. Và những nô lệ luôn khổ sở, không có lối
thoát thì tìm cách tận dụng mọi vị thế để bắt nạt kẻ khác. Và để đổi chác lấy một
miếng an toàn, người ta lại ngoan ngoãn chấp nhận làm nô lệ.
Não trạng nô lệ, thấm vào máu người VN, từng đường gân thớ
thịt thể hiện trong mỗi hành xử của con người, đã là lá chắn bền chắc cho những
kẻ độc tài.
Não trạng đó khiến cho cả trăm người, ngàn người, ngày này
qua ngày khác lũ lượt nhịn nhục trước một vài người bán đồ ăn tầm thường. Vậy
ta lấy đâu ra dũng khí phản đối những chà đạp lớn hơn lên quyền con người từ
các thế lực mạnh hơn?
Vì thế, VN hiếm những người chính trực. Người chính trực
luôn giữ mình tự trọng và ngay thẳng không chỉ trước cường quyền, mà còn trong
tất cả mọi tình huống hàng ngày. Người chính trực tự thấy mình có đủ bổn phận
vào dũng khí để bênh vực người khác khi họ gặp bất công.
Tâm lý dễ dàng chấp nhận bạo lực ở VN, sẵn sàng “nuốt gia vị
nhục” để đổi lấy những chút lợi ích tầm thường, ấy là tâm lý nô lệ. Tâm lý này
đã là mảnh đất màu mỡ nuôi đau thương lâu dài cho người VN và khiến người VN
hăm hở tự hại chính mình.
Khi không thể làm gì trước những bất công xẩy ra với mình,
những người nô lệ có khuynh hướng bắt nạt những kẻ lệ thuộc mình bằng bạo lực vật
chất và tinh thần.
Vô số người VN dồn sự phẫn uất với nhà cầm quyền và những kẻ
tham nhũng, cướp bóc của họ vào trong tiếng chửi thề, văng tục để họ khỏi nổ
tung ra vì căm giận.
Họ cho rằng mình không thể làm gì nhà cầm quyền. Họ được cộng
sản truyền đời báo kiếp cho sự sợ hãi chính trị và coi chính trị là lĩnh vực
thường dân không được quyền bàn tới. Họ xả tức giận vào những tiếng chửi và
văng tục, với những ai mà họ biết rằng không chấp hoặc không làm hại họ.
Và thế là năng lượng tốt của con người: biết phẫn nộ trước bất
công - đã được biến hóa thành năng lượng xấu: hạ nhục kẻ vô tội khác để xả
phẫn uất. Khi xả phẫn uất không đúng thủ phạm, thì thủ phạm được yên ổn, được
khuyến khích.
Đó là vòng luẩn quẩn của não trạng nô lệ.
Nhận biết và khước từ “gia vị xú uế”
Một vài người bán hàng chỉ vì nấu được bát cháo miếng bún
ngon mà cũng tận dụng vị thế để nô dịch người khác dễ dàng vậy sao? Một phần là
lỗi ở chúng ta. Và chúng ta cười nhăn nhở trước tiếng chửi và thâm tâm còn bắt
chước vì thấy nô dịch người khác dễ quá, tội gì không chửi trước, chửi bậy bạ bất
kỳ đâu, bất kỳ ai để giành ưu thế.
Chúng ta phải đòi lại quyền được tôn trọng, quyền làm người
chính trực.
Vì sao chúng ta úp mặt vào miếng ăn , sụp soạp húp khoái trá
trong tiếng chửi?! Ta xứng đáng được tôn trọng và không bất kỳ ai được xúc phạm
ta. Ăn trong tiếng chửi mà thấy ngon ư? Khứu giác và vị giác người VN vì sao đổ
đốn thế này?!
Con người bình thường phải cảm nhận ngay được mùi tanh lợm
xú uế đã đổ vào bát ăn qua tiếng chửi và phải hắt cái bát ăn đó đi, thậm chí phải
đưa kẻ chửi, kẻ dám nhục mạ khách hàng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Khốn khổ quá! Từ bao giờ mà người VN đã trở thành như vậy? Vậy
còn lĩnh vực nào ở VN không bị nô dịch hóa? Vì sao nô lệ hóa người VN dễ dàng đến
thế?
Nếu chúng ta không dám tỏ thái độ phản đối một kẻ bán hàng tầm
thường dám nhục mạ ta, thì sao ta còn dám đòi quyền con người và tự do của ta,
còn nói gì đến việc bênh vực người khác trước hoạn nạn và bảo vệ đất nước?
Cải tạo não trạng nô lệ, giành lại quyền làm người chính trực
là để cứu lấy người VN. Đó là một việc làm cấp bách, cần bền bỉ, lâu dài, cần
thể hiện, cần kiểm soát mình để khước từ nhai nuốt “gia vị nhục” trong mọi trường
hợp.
Võ
Thị Hảo