15 October 2016

CÁI QUẦN - Nguyễn Thụy Long

Trời chiều nhọ mặt người. Khi đôi mắt già nua không còn nhìn rõ lỗ mọt ở cái ruột xe đạp khách đưa vá nữa.
Chúng tôi dẹp hàng. Nói là cửa hàng xe đạp thì hơi quá, một trạm hay một điểm sửa xe thô sơ dọc đường thì đúng hơn. Chúng tôi, tôi và người bạn già, ngang nhiên chiếm một khoảng lòng lề đường để hành nghề sửa xe đạp kiếm chác qua ngày.
Tôi cũng như anh bạn đều không phải thợ chuyên nghiệp. Chúng tôi là những tay ngang, đói đầu gối phải bò, bỗng nhiên một ngày nào đó thấy mình trở thành thợ, kiếm ra đồng tiền nuôi sống bản thân bằng chính mồ hôi, sức lao động chân chính của mình. Điếu đó đủ mãn nguyện rồi.

Tôi không phải người đầu tiên hành nghề ở chỗ này, chính anh bạn già của tôi, cũng là bạn cải tạo ngày nào.
Anh đã ngồi một mình ở lề đường một thời gian dài rồi tôi mới vô tình ngang qua. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, ngồi với nhau, uống với nhau ly nước, hút điếu thuốc lào, hàn huyên kỷ niệm tù cải tạo. Khi biết tôi vẫn thất nghiệp, không nhà cửa, không gia đình, không hộ khẩu, nghèo kiết xác anh đề nghị tôi hợp tác với anh.
Đúng khi đó có người đến bơm xe đạp, tôi ra bơm thay bạn, nhận tiền khách đưa anh. Anh đề nghị:
- Bây giờ cậu ở đây sửa xe với tôi, đừng ngại, rồi nghề dạy nghề thôi, chúng ta cùng chia nhau mà sống. Chịu không nào? Chịu quá đi thôi. Từ ngày ấy, tôi trở thành anh thợ phụ, có thể thay anh trong những lúc anh phải vắng mặt. Buổi trưa tôi có cơm ăn, dù đạm bạc và không no lắm, đủ cho thể lực cầm được cái kìm vặn con bù loong. Buổi sáng là ly cà phê đen hạng bét, bảnh thì thêm điếu thuốc lá làm thơm râu, nếu không, điếu thuốc lào cũng xong thôi. Tôi được cái nết chịu thương chịu khó, thật thà như đếm nên bạn thương quí. Chập tối như bây giờ, bạn già gom những đồng tiền kiếm được suốt ngày, đếm chia cho tôi một phần ba số tiền đó.
Rất sòng phẳng, nhưng tôi vẫn thấy nét áy náy trong mắt anh:
- Đáng nhẽ tớ phải chia đôi với cậu, nhưng vì tớ còn phải nuôi mẹ tớ và thằng cu, cậu chỉ có một thân một mình, thông cảm nhé!
Tôi cười, nghĩ thật nhanh, thời buổi này trên đời dễ gì đã có người tốt với mình. Tôi có máu quân tử Tàu, bạn bè cần phải gìn vàng giữ ngọc cho nhau, bèn làm mặt giận, nói dỗi:
- Biết rồi, khổ lắm nói mãi! Mai mà cụ còn phát ngôn cái kiểu ấy là tôi bỏ cụ cô đơn, tôi lại đi bụi...
Nụ cười của người bạn hiền lành, anh dẹp đồ chất lên xe đạp, dặn với tôi:
- Mai nhớ đến sớm, mình kiếm tiền uống cà phê.
Tôi khoác túi lên vai, lững thững quay đi. Tất cả cơ nghiệp tôi trong cái túi này. Một bộ quần áo cải tạo tương đối lành lặn, hai chiếc quần đùi, một đang mặc, một để "sơ cua", khăn mặt rách ngang ngửa cái giẻ lau nhà, kem và bàn chải cùn đánh răng mang nhãn hiệu Cà Là Mèng, một cái ca nhựa mẻ miệng, một cái ve
đựng đúng một xị rượu, một miếng ni lông nham nhở thay chiếu, một cái mền rách bươm mà ấm áp vì đụp vá lia chia.
Tôi có thể nằm ngủ ở bất cứ lề đường, hàng hiên nào, đúng cảnh màn trời chiếu đất mà chẳng sợ trộm cắp.
Còn có gì đáng giá đâu mà sợ mất. Tôi, một người vô sản chân chính sống trong "thành phố mang tên Bác". Tôi mở to mắt nhìn thành phố ban đêm, ánh sáng chan hòa khắp nơi. Những công viên, những cửa hàng ăn uống, những xe cộ đời cũ được tân trang đẹp đẽ nối đuôi nhau, những lời ca tiếng hát rộn lên từ những quán cà phê, quán bia ôm. Thành phố thời gian này đang ở cuối thời điểm đỉnh cao của bao cấp, sửa soạn đổi mới, rập rình mở cưa bước sang kinh tế thị trường.
Tôi giống như một hạt bụi lãng đãng bay trong cảnh thanh bình. Tôi bay theo một anh bạn bán kẹo kéo, quần áo xanh đỏ "mô đen" chợ trời, nơi bán toàn những tàn dư Mỹ Ngụy, chiếc xe đạp chở quầy kẹo kéo có máy cát sét phát luồng âm nhạc chói tai. Hình như điệu nhạc Lămbađa thì phải, đèn âm thanh chớp chớp nháy nháy xanh đỏ. Tôi bay theo cặp nhân ảnh vào công viên lén nghe những lời tỏ tình lãng nhách nhạt phèo. Tôi bay theo những vị giám đốc đầy quyền uy khạc ra lửa mửa ra tiền vào nhà hàng uống bia lon, nhậu đặc sản rắn chuột, có người đẹp son phấn phục vụ hẩu hạ đến nơi dện chốn. Hạt bụi tôi vật vờ lãng đãng dạo chơi khắp chốn khắp nơi như hồn ma quên siêu thoát.
Cuối cùng thì hạt bụi tôi đậu lại một quán cóc quen thuộc của bà già trầu mắt toét ngồi sau cái bàn bầy lổn nhổn nghêu sò ốc hến và những con khô đủ loại. Cái lò than nhỏ xíu bốc mùi thơm con khô đang nướng. Cái bàn nhỏ gần đó có mấy anh em vô sản ngồi nhậu la hét chẳng văn hóa tí nào: "Dô! Dô! Trăm phần trăm", chén tình chén nghĩa. Tôi đưa cái ve không cho bà chủ quán, khi bà ta đang đập chí chát con khô cá thiều trên cục đá:
- Đế nếp Gò Đen nhé! Trăm bạc đậu phong đưa cay.
- Một xị thôi hả chú?
Bà già hỏi tôi câu thường lệ, tôi chẳng buồn trả lời Cái ve của tôi cũng chẳng thể đựng được hai xị. Có một cơn gió mát nào đó vừa thổi đến, cơn gió lành lạnh hơi nước. à, thì ra trời sắp mưa. Một tia chớp nháy lên ở cuối trời. 
Cầm xị rượu và gói đậu phong mà tôi thấy sảng khoái. Tôi sẽ đỡ chán đời, rồi ngày mai ra sao thì hãy hay. Tôi giống như một đứa trẻ ăn tham, phải tìm một xó xỉnh kín đáo, riêng biệt để chẳng ai làm phiền mình. Rượu dứt khoát tôi phải uống một mình. Cha mẹ ơi? Những lúc ấy tôi lại thích làm thơ, nếu nhớ không lầm tôi cũng có tí ti tâm hồn thơ, nhưng nhiều năm rồi tôi vẫn không răn được một câu nào ra hồn, đành phải đọc thơ người khác vậy, mà chỉ nhớ lõm bõm. Rồi thời gian cũng qua đi.
Tôi trở về nơi quen thuộc, nơi đó một mình tôi một cõi, không một tên ă n mày, đui què mẻ sứt, một tay bụi đời chán đời hành nghề nhặt bao ny lông. Tôi dừng bước giang hồ dưới hàng hiên một cửa hàng thương nghiệp lớn nào đó, tôi chẳng cần biết, chẳng thèm để ý đến bảng hiệu nó mang tên gì. Tôi trải tấm ny lông, vậy là thành cái chiếu. Cái túi xách để lên đầu làm gối, cái mền vá chằng vá đụp chống được muỗi mòng.
Phía bên kia đường lại đông đảo rộn rịp. ớ đó là một mái hiên rộng, dài nếu tôi nhớ không lầm thì nơi đó là cửa hàng ăn uống La Pagode xưa kia, nơi các anh nhà báo thường ngồi trao đổi tin tức cho nhau, mà họ dịch nôm ra là quán Cái Chùa. Nay tên La Pagode không còn nữa. Những khách hàng xưa đã biến, như biến khỏi thế gian. Có một sự liên kết bất thành văn, hay hẹn ước bằng mồm, người về trước hay sau đều giữ "nhà" cho nhau, không cho bất cứ kẻ "lạ mặt" nào chiếm "nhà" của hàng xóm mình. Cái đó gọi là tình làng nghĩa xóm cửa tầng lớp người ở đáy tận cùng xã hội.
Cho dù tôi ở bên này đường, chưa bao giờ liên hệ với họ. Từ khi tôi đến ngủ, cho tới nay, chưa có ai xí chỗ của tôi, dù ban đêm nhiều khi tôi về muộn. Một luật hè phố cho những khách bụi đời, trong đó có tôi. Tôi có tính xấu ít ai chịu nổi, khi uống rượu là rống lên đọc thơ. Tôi nói là đọc thơ, chứ không phải ngâm thơ, có rống lên thì cũng tiếng được tiếng không, tiếng còn tiếng mất.
Ba bài thơ tôi thường rống lên là bài Hồ Trường, Tây Tiến, Hành Phương Nam, đôi khi bài Tống Biệt Hành mà tôi quên tiệt tên tác giả. Tôi cảm khái lố lăng đến độ tưởng mình là hiệp sĩ, kiếm sĩ, hay cái con khỉ khô gì của thuở xa xưa.
" Vỗ gươm mà hát... nghiêng bầu mà hỏi... Trời đất mênh mang ai người tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường... ý... a... "
Thối không chê được, khi tỉnh rượu, lúc tàn canh tôi mới nhận ra điều ấy. Khốn nạn thân tôi, một thằng già keo bẩn, rượu chỉ uống một mình mà chỉ có một xị, lấy đâu ra vò ra hồ trường để mời khách thập phương. Chẳng ai thèm để ý đến làm gì.
Biên giới của sự sống là cái chết. một bậc hiền nhân chán đời nào đã nói như thế. Tôi thấy có lý. Cái thân khốn khổ của tôi sống muốn không nổi nữa thì chết có nhằm nhỏ gì. Nhưng còn ở lại thế gian ngày nào tôi vẫn phải sống cho ra trò. Tuy cái miệng tôi có láo lếu như ng tôi tự biết mình là người hiền, nên sẽ được hưởng phúc.
Tôi vẫn nghĩ đến một đêm nào, một làn gió độc vô anh dạo chơi, trúng ngay tôi, thế là ngủ luôn giấc ngàn thu, hồn phiêu diêu miền cực lạc, hoặc Chúa đứng ở cửa Thiên Đàng vẫy gọi, thế là tôi bèn trút bỏ cái thân xác thối tha cho cát bụi lại trở về với cát bụi...
Tôi tợp một miếng đế cười khà khà, ném hạt đậu phọng vào miệng đưa cay. Bữa cơm chiều của tôi có thế. Trời bây giờ mới lất phất mưa. Tôi nhìn sang bên kia đường, nghiêng người hàng xóm của tôi lác đác tụ về.
Qua màn mưa, tôi vẫn quan sát được họ: ông già cô đơn nằm cuối hàng hiên, gia đinh mẹ mìn nằm kế, có anh chồng đui què mẻ sứt. Tôi nghĩ gia đình ấy hành nghề mẹ mìn vì có cả "cô lếch xông" con nít san sát tuổi nhau, mỗi sáng tôi thấy có người tới lãnh đi suốt ngày, tối trả về cho chị ta, tiền thuê mướn sòng phẳng, đôi khi còn kèm theo quà cáp. Tối, chị điểm danh con, đếm như đếm vịt. Tối nay tôi nghe chị la lên:
- Còn đứa vắt chân lên cổ nữa, sao giờ này nó chưa trả tao? Trời ơi, muộn chút nữa là nó phải trả thêm tôi hai ngàn, không thì tôi...
Anh chồng chột mắt, cụt giò đang gầy bếp lửa nấu nướng chi đó, gắt lên:
- Làm chi mà ồn vậy, con nhỏ mới ra nghề nhưng coi bộ cũng đàng "giàng", mày thiệt... Chị vợ lồng lên với cơn ghen, chửi chồng không thiếu một câu tục tĩu nào. Đổ thừa cho thằng chồng mê con ăn mày mới. Anh chồng cho con vợ lắm mồm một cái bạt tai, xàng luôn một cây nạng gỗ, rồi mọi chuyện êm ru. Anh chồng uống rượu, cuối cùng chui vào chiếu làm gì lục đục trong đó (tôi không biết). Dăm phút sau anh ta chui ra chửi thề một câu:
- Lần này mà mày không đẻ thêm đứa nữa thì chết mẹ với tao nghen. Nhớ lúc nào cũng phải khai là mới sanh lần đầu, đừng quờ quạng khai đã sanh nhiều lần, nó đè ra đoạn sản là mất giống. Tao sẽ bỏ mày, tao lấy con khác liền một khi. Đ.M coi đứa nào hận đứa nào.
Mụ mẹ mìn nằm trong chiếu, thò đầu ra quác lên:
- Giỏi thì vô đây thằng đui què kia, đừng đổ thừa tao, tưởng bảnh hả?
Cùng lúc đó chị ăn mày bế thằng bé vắt chân lên cổ về. Chị ta moi tiền ra trả, nhưng mụ mẹ mìn không chịu:
- Đâu được mày, giờ này mày mới đưa con tao về dễ gì... Đưa thêm tao, chớ không mai mày đi mướn chỗ khác nghen...
- Thì em đưa thêm chị một ngàn rồi.
Anh chồng tật nguyền đĩnh đạc ra vẻ một đàn anh đầu nậu chủ gia đình:
- Đâu được, tao không binh vợ, nhưng bà ấy nói có lý. Vì thương mày mới ra nghề, vợ chồng tao giao "cục vàng " cho mày. Mày phải biết làm cái chân nó vắt lên cổ nghệ thuật được như thế không phải dễ. Tao mất bao nhiêu công phu uốn nắn còn hơn mấy cha nghệ nhân uốn cây kiểng. Khai đi, khai thiệt đi, mày trúng mánh ở "tác phẩm" này phải không? Biết điều mai tao lại cho bế cây vàng của tao đi nữa, còn không thì biến đi nghe mậy.
Con ăn mày mới lưỡng lự:
- Em có trúng mánh, nhưng không nhiều nhặn gì, thằng nhỏ và em có được đĩa thịt bò lúc lắc thừa, chút xíu tiền bố thí mà. Thằng què la lên:
- Ở đâu? Ai?
- Dạ nhà hàng nổi ngoài bờ sông!
- Việt kiều hay du khách nước ngoài?
- Hổng biết nữa, họ đều là người...
- Thôi mày ơi, đúng là Việt kiều rồi, mày trúng mánh rồi, đưa đây, đưa thêm cho tao vài đô thôi.
- Anh chị xử ép em quá, nhưng thôi cũng được, anh chị lên giá "goài" thì em cũng chết. Bộ dễ gì, em cũng phải "ca" chớ bộ...
Thằng què cười hô hố, nhét tiền vào cạp quần, hỏi tiếp:
- Mày ca sao, có thảm không, nói nghe coi!
- Dạ, em ca thằng bé bị "chất độc màu da cam" nên chân nó vắt lên cổ.
Bên này đường, tôi cười bò lăn bò càng. Đến bây giờ nhớ lại, tôi còn cười. Tôi nghĩ ngay đến bài hát gì đó có câu chất độc màu da cam mà tôi không nhớ hết nội dung. Quả thật con nhỏ ăn mày là thiên tài, có đấu óc sáng tạo.
Cuối hàng hiên bên kia đường, chỗ khuất nhất, bóng đèn đường chỉ rọi tới lờ mờ là "nhà" của em. Nhưng tới giờ này em chưa về.
Tôi vốn là kẻ nòi tình nên thương người đồng điệu. Em bận bon chen kiếm khứa ở công viên nào đó, hoặc một khúc đường vắng nào chăng?
Đêm mưa buồn lê thê như vầy có mấy ai ra đường, vui chơi, gái đứng đường ế độ, cho dù đóng vai con nhà lành, ngây thơ khờ dại lỡ độ đường hay gì đi nữa khứa vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Nhiều đêm tôi thấy thương cô ta. Chờ mãi chẳng thấy nàng về, tôi tưởng tượng ra đủ thứ, dù tôi chưa một lần nhìn rõ mặt nàng, không biết tên nàng. Tôi thấy mình là một tay chơi. Một tay chơi gặp khó khăn ở giữa thành phố sa hoa, nhưng lại gặp nàng ở một nơi khuất tất nhất, đèn đường bị lưu manh đập bể, tối đến độ không nhìn rõ mặt người con gái đối diện với mình, như trong một bài thơ của Jacques Prévert, mà tôi được đọc qua bản dịch, dùng làm giấy gói đậu phọng: Ba que diêm trong đêm đánh từng que một:
Que thứ nhất nhìn trọn một em
Que thứ hai nhìn đôi mắt
Que cuối nhìn miệng em
Rồi tối hẳn cho anh nhớ lại
Tất cả nét yêu khi xiết chặt em vào lòng.
Một con điếm đứng đường được thăng hoa do một tay chơi có máu thi sĩ. Nhưng điều đó quan trọng gì, tôi thấy hồn tôi bay bổng nghĩ đến nàng, khi tôi cô đơn, tàn xị rượu mỗi đêm thay cơm chiều.
Tôi ngả người nằm xuống, giấc ngủ chập chờn và hình như nghe thấy cả tiếng bước chân em về.
Lãng mạn ra phết. Tưởng tượng ra cái lưng ong thon thả của em ngả xuống vỉa hè.
Mưa rả rích, những hạt mưa loang loáng qua ánh đèn đường. Tôi kéo cái mền phủ lên đầu. Tôi thiếp đi trong giấc ngủ bốc hơi men. 
Tôi thức giấc không biết lúc ấy là mấy giờ đêm, mưa vẫn còn rả rích. Trong giấc ngủ vừa rồi tôi mơ thấy nàng, giấc mơ đẹp. Tôi và nàng cùng dạo chơi trong công viên và nói lời yêu đương chân thật, nhưng lời lẽ thế nào tôi đã quên ráo.
Bây giờ thì tôi tỉnh ngủ hẳn, tôi lại nghĩ đế n nàng. Thế nằm của tôi xoay mặt vào tường, tôi muốn quay mặt trở ra. Nhưng hãy gượm nào, yêu mà, đi đâu mà vội. Con người như tôi chẳng nên làm chuyện gì hấp tấp, cứ từ từ rồi cũng có đêm tôi bò được qua bên kia đường.
Cũng một đêm mưa gió như đêm nay... Nghĩ đến mà tôi thấy nóng bừng cả mặt. Xây mộng đẹp mà nghĩ đến toàn chuyện ma bùn ma tịt thì thật chẳng còn ra làm sao nữa, nghiêm chỉnh chút coi. "Nhưng không, nàng phải bỏ ngay cái nghề đứng đường, phải sống trong sạch và lương thiện kia". Khi tôi xoay được nửa người, tôi cũng đã xây được nửa giấc mộng. Nàng là bà chủ một hàng. Bán nước trà nóng ở ga xe lửa. Một cái điếu cày hút thuốc lào kêu thật giòn, trên một cái chiếu nàng ngồi giữa róc nước trà cho khách giang hồ. Ở một góc gần đó, tôi đun nước cho nàng. Tiếng điếu thuốc lào rít lên xoe xoè, chuyện giang hồ nam bắc nổ như pháo rang. Quanh chúng tôi. Tiếng còi tàu khởi hành rúc trong đêm. "Ôi chao, đời sống tuyệt vời và đơn giản biết bao".
Tiếng gió thổi vù vù, hình như có một vài giọt mưa hắt vào chỗ tôi nằm. Không biết giờ này nàng về chưa?
Tôi xót sa và quay hẳn người hướng mặt sang bên kia đường. Tim tôi muốn đứng lại đập thình thinh. Rồi tôi thở, rồi vã mồ hôi.
Tôi chớp chớp mắt, banh to mắt ra mà nhìn. Giấc mơ đẹp được thành hình bây giờ như một làn khói thuốc lào tan loãng vào không khí. Tụ lại phía bên kia đường, ngay tại chỗ "con điếm" nằm. Nó nằm chình ình thõng thượt. Dáng điệu mời gọi cho hai bàn tay nhớp nhúa của gã cỡn trai ngồi cạnh lần mò. Con nhỏ ngủ say quá chăng, đến độ để cho tên lưu manh quờ quạng làm chuyện đồi bại? Hay nàng làm "ca đêm" bắt khứa về ổ kiếm chác ngoài giờ?
Những lời dự đoán xoay mòng mòng trong đầu tôi như dự đoán thời tiết.
Bên kia đường mọi chuyện cứ diễn ra nhịp nhàng. Một pha gay cấn sẽ xây ra trong ít phút nữa thôi. Tôi là người chứng kiến trọn vẹn.
Hai bàn tay nhớp nhúa của thằng khốn nạn "xoạng" loạn cào cào, thế mà con đượi vẫn ngủ say như chết.
Hay là mỗi tối khi nàng hành nghề xong nàng nốc vài viên "xì chọc xì kéo" hay "nốc tan nốc tiếc" gì đó, em "xỉn" nên không biết con mẹ gì nữa. Nếu quả vậy thì nàng đáng thương làm sao, ôi người tình một đời hư đốn.
Mắt tôi càng mở to hơn để nhìn rõ, quân khốn nạn kia bây giờ lần mò phần dưới thân thể nàng. Và rồi rất từ từ, rất thận trọng, hai bàn tay ma mãnh đụng vào dây lưng quần nàng. Cái quần được rút ra từ từ. Tôi quết nước bọt, tôi thấy hết. Đến đoạn nào đây, chắc sẽ tới ngay bây giờ. Ơ kìa, gã tuổi trẻ ấy thật từ tốn nắn vuốt cái quần vừa lột được gấp lại, lịch sự như Tây.
Rồi, thoắt một cái và nhanh như con sóc, gã co giò phóng. Nhanh hơn cả tiếng la của cô gái vừa nhỏm dậy.
Gã đã biến dạng sau màn mưa bụi cuối đường. Cả khu xóm bên kia đường thức giấc, lao nhao. Chỉ riêng tôi còn nằm lặng người vì cảnh tượng vừa xảy ra. Cô gái bu lu ba loa chữi bới thằng khốn nạn. Rồi tiếng cười hô hố, khăng khắc của thằng chột què:
- Mẹ kiếp, ớ thúi, ngủ đến bị lột quần mà cũng không biết.
Con vợ mẹ mìn dài cái mỏ, luận điệu "giậu đổ bìm leo, cây cứt chó cũng leo theo":
- Đĩ gặp điếm rồi, con ơi? ủa mà sao nó không biết gì vậy. Còn thằng đui què kia không nhìn nó nữa, tao thì móc luôn tròng mắt kia của mày bây giờ.
Thằng chột què vẫn cười ngặt nghẽo. Cô gái tức tưởi khóc phân bua:
- Tôi biết chớ sao không, biết ngay từ lúc đầu lận, nhưng...
- Nhưng mụ nội mày, vậy mà để...
- Tôi đâu có dè nó đểu như vậy.
Mụ mẹ mìn chửi toáng, ra vẻ hiểu đời:
- A thôi, tao hiểu rồi, mày là đồ "nứng" bậy.
Con nhỏ la lên vì bị xỉ vả chạm tự ái:
- Nói cho các người hay, con này kinh nghiệm đầy mình không có nứng bậy đâu, hôm nay trời mưa nên ế độ, về đây đang nằm thì thằng khốn nạn kia nhảy a thần phù vô, tưởng nó biết thông cảm sau khi xong chuyện, ai dè... Trời đất ơi, cái quần của tôi.
Cô gái lại khóc nức lên. Lão già cô đơn cũng bò dậy, chép miệng chán cho tình đời đen bạc:
- Thời buổi làm ăn khó khăn, nói chuyện giá cả đàng hoàng chớ con, ủa mà quần gì vậy nhỏ?
Cô gái càng trở nên uất ức, tức tưởi:
- Cha mẹ ơi, cái quần của tôi là quần "mô đen" mới, có nhiều "li", nhiều túi, ống túm, dây nhợ tùm lum chớ đâu phải quần thường.
Gã chột què thôi cười:
- A, tao thấy thứ quần đó, bây giờ ở thành phố này mặc thiếu gì, nội hay "ngoại", mà sao mày có được?
Cô gái gào lên:
- "Ngoại", quần "ngoại" đàng hoàng, mà tôi có đâu, tôi theo chị em đi mướn của người ta mới chết chứ. Làm sao mai tôi đền cho người ta đây, cả trăm ngàn...
Cô gái ở truồng ngồi bó gối khóc hu hu. Đám con mẹ mìn cũng thức giấc bò lổm ngổm như cua. Thằng bé vắt chân lên cổ, lết đến cạnh cô gái, thao láo mắt nhìn, thò tay gãi đít xành xạch. Nó cũng đang ở truồng, chỉ khác một điều là nó vắt chân lên cổ. Những ngón chân dị dạng quặp lấy một bên vành tai vít nghiêng cái đầu.
Vợ chồng mẹ mìn, lão già cô đơn không còn để ý gì đến cô gái bị cởi truồng nữa.
Họ quay ra tranh cãi nhau về giá cả cái quần "mô đen". Ai cũng tự cho mình là người nắm vững giá thị trường. Giá trị cái quần, chỉ giá trị cái quần thôi mới là đáng kể.
Cô gái giẫy đành đạch khi thằng bé vắt chân lên cổ mất thăng bằng ngã lăn kềnh ra ngay dưới chân cô ta.
Mẹ mìn chồm lên xoe xoè chửi:
- A con đĩ thối không đáng một xu kia, mày kẹp đầu con tao hả, tao thì xé xác mày ra.
Thằng vắt chân lên cổ được mẹ nó xách lên như xách một gốc củi khô, liệng lại vào chỗ nằm cùng đám con nít bò lổn nhổn.
Một thằng bé trong đám con mẹ mìn, vỗ tay nhảy tưng tưng hát:
- á li ba ba... cái quần rách làm ba... á li ba ba...
Cô gái bị trấn lột quần khóc vang cả một góc phố đêm. Đã đến lúc tôi trở dậy ra đi, vì muốn ngủ tiếp cũng chẳng được.
Trời vẫn còn tối, cô gái vẫn ngồi đó, rúc vào một xó tối nhất. Nhưng đêm sẽ không dài mãi để che chở cho thân xác trần truồng của nàng.
Còn một chút xíu nhân tính sót lại trong người, tôi không đành lòng khi thấy một người gặp chuyện khó khăn. Tôi hy sinh chiếc mền rách quàng lại cho nàng. Tôi ra đi, không nghĩ ngợi gì nữa và quên luôn chuyện ấy.

*

Thời gian sau, tôi nghe có người nói. Thấy một cô gái nhem nhuốc, cởi truồng đi rong vỗ tay hát như điên:
- A li ba ba... cái quần Hara mất đêm qua...
Tôi thầm nghĩ, chẳng biết có phải nàng không?
Tự nhiên tôi thấy xót xa. Lại thêm một dạng điên, một hình thức điên nữa. Điên phải bị một cú "sốc" nặng, và quan trọng nhất là phải có thì giờ hành nghề điên, không thì người ta nói là điên giả vờ. Khối kẻ muốn điên mà không được.

Nguyễn Thụy Long