Sử gia Trần Trọng
Kim có nhận xét về đặc tính của người Việt Nam như sau: “…hay khoe khoang và ưa
trương hoàng bề ngoài…” Nhận xét này có phần đúng nếu chúng ta chịu khó quan
sát ngay trong đời sống cộng đồng của người Việt chúng ta. Có người khoe cá lạ
đắt tiền trong hồ, người lại thích khoe chim quý trong lồng, người thì khoe vườn
cây cảnh, không có những điều này thì khoe gia thế, địa vị, con cái, nhà cửa,
xe cộ, tiền của… Các bạn có quan sát ở ngoài đường, những người có bắp thịt thì
thích mặc áo ba lỗ không?
Khoe cái mình có đã
không ai thích, vin vào cái bóng râm của người khác để khoe mình, kiểu “tiêu bạc
giả” lại là một điều tệ hại. Một ông nhà văn kể chuyện ở tù mà cũng dẫn ra là
ông chung trại với nhà văn này hay ông họa sĩ kia, hay một thời đã chơi thân với
cô ca sĩ nổi tiếng này, uống rượu với nhạc sĩ lừng danh nọ.
Ông bạn viết lách của
tôi có kể câu chuyện một người, trong lúc có chuyện đụng chạm với người lạ, cao
hứng đã vỗ ngực hỏi người kia: “Ông có biết tôi là ai không?” Sau này hỏi ra mới
biết ông ấy là chuyên viên hộ tống, theo xách cặp cho một ông tướng.
Chuyện khoe khoang rất
dễ thấy nếu bạn ở xa mới lại. Trừ khi là người cần bán ngôi nhà đang ở hay đang
làm công việc môi giới bán nhà, còn thì đừng bao giờ khoe nhà với bất cứ ai cả.
Ngày nọ, một người mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, gặp một ông bạn trên phố
Bolsa, khẩn khoản mời về nhà, không phải là để dùng bữa tối hay hàn huyên tâm sự,
mà là để “xem nhà cho biết!” Ông chủ nhà sợ bạn từ chối nên nói nhà ông cách
đây có năm mười phút, nhưng đến ngôi nhà đẹp đẽ này, họ phải mất gần nửa giờ.
Người bạn mới gặp được
yêu cầu cởi giày trước bậc cửa, và theo sự hướng dẫn của chủ nhà, lần lượt đi từ
phòng khách, phòng gia đình đến nhà bếp, từ phòng ngủ lớn đến phòng ngủ nhỏ và
mấy cái nhà cầu. Khi khoe nhà, người chủ dùng mấy chữ tiếng Anh để chỉ các loại
phòng, khiến người mới đến cũng ngẩn ra. Ở mỗi nơi khách cũng lịch sự ghé đầu
vào một tí, mà chủ nhà cũng không muốn cho khách vào sâu hơn, chỉ đủ cho người
xem gật gù, chậc lưỡi hay xuýt xoa để làm vừa lòng bạn.
Đương nhiên, trong một
ngôi nhà sang trọng phải có những vật dụng quí giá, đó là mức “tra tấn” tiếp
theo về giá trị của mấy bức tượng mua từ Thái Lan trong chuyến du lịch 10 năm về
trước hay một bức tranh thủy mặc được đem từ Đài Loan về. Tất cả đều xa lạ và
làm buồn lòng cho khách viếng. Người vui và thỏa mãn trong buổi chiều hôm nay
chính là người chủ của ngôi nhà lộng lẫy này, kiếm được người khoe nhà đâu phải
chuyện dễ.
Những người Việt Nam
mới sang, thường là những ngày đầu còn bị chao đảo vì múi giờ khác nhau, nhưng
được bà con chở đi thăm một vài gia đình quen biết, mà đáng lý ra người mới
sang là người được thăm viếng mới phải. Chủ nhà sau khi trà nước, đem một DVD
cuốn phim đám cưới cô con gái đầu ra, bỏ vào máy cho phát hình, gọi là “để chú
thím xem cho biết, kẻo hồi đám cưới cháu, chú thím ở xa.” Những hoạt cảnh của một
buổi tiếp tân trong một nhà hàng Tàu với những ông bà áo quần lượt là, những lời
chúc tụng được lặp đi lặp lại nhiều lần, MC nói chuyện nham nhở cùng với những
trò chơi sàm sỡ lai căng, kèm theo lời thuyết giảng của ông bà chủ nhà là những
gì rất xa lạ, mà khách buồn ngủ cũng phải lịch sự mở mắt xem. Không là phim đám
cưới thì cũng là phim quay trong một chuyến du lịch, hay sinh nhật đứa cháu. Những
cuốn phim này thường thường bỏ xó tủ, không có khán giả nên cần người xem.
Nhiều người thường
đang ngồi trên ghế trong một tiệm hớt tóc hay uốn tóc, tay chân không động đậy
được thì phải mở miệng, thường cao hứng đem hết chuyện gia đình, con cái ra
khoe. Cũng tại nơi này, thỉnh thoảng đi hớt tóc, tôi lại bị một ông khách đang
ngồi ghế bên cạnh tra tấn khi kể chuyện du lịch phương xa mới về, thường là Việt
Nam mới có cái để nói, huênh hoang với số tiền đã tiêu. Thường thì khoe khoang
hay đi đôi với khoác lác. Có những người phụ nữ, chỉ sau mấy phút sơ giao,
không ai đánh đập, tra hỏi, cũng đã cung khai hết sự thành đạt của các con bà:
bao nhiêu bác sĩ, nha sĩ, bao nhiêu ngôi nhà bạc triệu ngoài biển hay trên đồi.
Nhiều ông bà muốn khoe con vừa tốt nghiệp, phải dùng lối quảng cáo bằng cách
đăng một cột báo cha mẹ chúc mừng con (!), không chúc mừng kiểu này thì ai biết
đến phúc nhà.
Trong đám cưới, khi
giới thiệu anh em cô dâu chú rể cũng không quên kèm theo văn bằng. Có gia đình
gặp cảnh tang tóc, cũng ráng ghi chức tước bằng cấp của con cái người chết trên
trang cáo phó, một công đôi việc, không ghi thì ai biết con cái làm rạng rỡ
tông môn.
Nếu hai người cùng
khoe cái mình có như nhau thì không ai nghe ai, nên thường người ta muốn khoe
cái mình có trước mặt những người thiệt thòi hơn mình. Vì vậy nên có những người
vụng về không có ý tứ, khoe nhà trước mặt người suốt đời ở nhà thuê, khoe con
thành đạt với những gia đình có con chỉ làm thợ hay thất bại trong học vấn. Đã
có lần giữa bạn bè, tại Sài Gòn, trong thời điểm có nhiều người vượt biên, một
người bạn có con vượt biển, khoe con vừa được tàu Hòa Lan vớt trên Biển Đông,
được nữ hoàng xứ này tiếp đón, được trợ cấp nhà cửa và tiền bạc, trước mặt một
người bạn có con mới tử nạn trên biển cách đó không lâu. Khi người ta hứng khởi,
sung sướng bởi cái mình có, khó mà giấu kín trong lòng.
Được khoe khoang nhiều
nhất là chức tước và học vị. Nhiều khi tước vị không xứng với kiến thức và tài
năng. Trên truyền hình có người để luôn hai tước vị giáo sư (!) và nhà văn cùng
một lúc, nhưng khi nghe ông này giải thích với người nghe và người xem rằng Bộ
Lại là… Bộ Học (dưới triều Nguyễn), nghĩa là Bộ Nội Vụ là… Bộ Giáo Dục thì xem
chừng ông bà xưa có câu “dốt hay khoe chữ” quả không sai. Trong cộng đồng này
nhiều người chưa đến tuổi sắp chết đã làm tổng kết tự khen mình với những tác
phẩm kiểu “Vừa Đi Vừa Kể Chuyện” của “bác” như “60 Năm Viết Văn,” “50 Năm Sân
Khấu,” “40 Năm Hoạt Động Cộng Đồng,” “20 Năm Làm Truyền Thông.”
Có nhà thơ dùng thêm
một bút hiệu khác để tiện cho việc…tâng bốc mình.
Trong 10 cuốn hồi ký
xuất bản ở hải ngoại thì đã có tám cuốn viết ra để kể công trận, khoe tài, chứ
không thấy ai đấm ngực nhận lỗi mình hay sám hối.
Một bác sĩ tâm thần
người Pháp, Dominique Esquirol, đã ví von một câu nghe thấm thía: “Con người
cũng như bông lúa: Khi không hạt, nó ngẩng cao đầu, khi trĩu hạt, nó cúi mình
xuống!”
Huy Phương