(Nguồn: Intrenet)
Gần nửa đời người lăn lóc đó đây trên nhiều khu khác biệt của đất Sài-gòn
vậy mà tôi chỉ thấy được hai mặt, hoặc tráng lệ nguy nga đè bẹp con người dưới
gông cùm kim tiền vật chất, hoặc bùn lầy nước đọng chết đuối con người bằng
những thứ tầm thường nhỏ mọn như miếng ăn chỗ ở. Không có bộ mặt nào khác hơn.
Sài-gòn đối với tôi, như vậy trên bản chất giống bất cứ một thành phố nào trên
thế giới, không thể tìm thấy tánh cách thuần túy Việt Nam. Tôi một thời lơ là
với Sài-gòn cũng vì lẽ đó. Thế nhưng có ai chơi cắc cớ hỏi tính chất Việt của
một thành phố là cái gì, nằm trong địa hạt nào của muôn ngàn dáng vẻ biểu hiện
từ văn minh đến văn hóa, chắc thế nào tôi cũng ậm ừ cho qua bởi không thể nào
vẽ lên, tả được những nét tận tường. Ổ chuột và những căn nhà chông chênh trên
mặt sông bùn lầy đen đúa thì hiện diện ở bất cứ thành phố nào của xã hội nghèo
nàn, nhất là vùng Ðông Nam Á. Xã hội tân tiến Tây phương ít xóm nghèo, ít hang
cùng ngõ hẻm hơn, ít nhưng không phải là không. Nhà lầu cao với những kiến trúc
tân kỳ càng ngạo nghễ, đẹp mắt càng không thể tượng trưng cho Việt chất. Chộp
nắm được phần nào dễ thương, là lạ trong kiến trúc, trong lối ăn nếp ở, trong
cách xử thế tiếp vật, trong một nghề nghiệp đặc biệt, tôi, lòng lúc đó đương
lạnh tanh, nôn nao sung sướng như hồi nhỏ được về quê thấy lại cái lò gạch cũ,
nghe được mùi thơm từ khu vườn mía Tây của người láng giềng, ngó mãn nhãn những
miếng ruộng lớn đại nối tiếp nhau chạy tới mút chân trời, hay thấy con sông
hiền hòa thỉnh thoảng có vài chiếc ghe lồng trôi chầm chậm…
Ðiều dễ thương đối với tôi cũng bình thường thôi. Thường là những căn nhà ở
vùng Bà Chiểu, Thủ Ðức, ba gian hai chái, vách bổ kho, mái ngói âm dương, cột
danh mộc tròn lên nước bóng lưỡng dựng chững chạc trên từng tảng đá xanh vuông
vức, trong nhà đối liễn vẫn còn treo trên những vị trí trang trọng. Hay một cái
bàn ‘ông thiên’ giữa trời thường thấy ở vùng Giồng Ông Tố với hình ảnh người
chủ gia đình, lúc vừa chụp tối, bận áo bà ba hai tay chấp nắm nhang xá xá bốn
phương trời. Hoặc một cái gáo dừa gắn cán dài úp trên lu nước dựng ngoài mái
hiên bắt gặp thường xuyên từ khoảng Cầu Hàn đổ ra đến nửa đường đi Nhà Bè hay từ
phía Phú Lâm đổ lên Gò Ðen. Có những hình ảnh nhỏ hơn và tầm thường hơn như
tiếng võng đưa kẽo-kẹt vào lúc giữa trưa trời đứng gió. Võng phải treo phía
trên một cái giường tre khập khễnh mới đúng điệu, hòa hợp vời cảnh trí xa xa là
một bụi tre mà ngọn và tất cả lá đều đương đứng im lìm trầm ngâm ngó trời như
thường thấy ở xóm Cầu Tre trước đây thì càng tốt.
Nhưng tôi chưa đủ thời giờ để nhìn cho thỏa mắt, chưa đủ lớn để chíp vô ký
ức cất làm kỷ niệm riêng cho đời mình thì các cảnh trí trên phần nhiều đã bị
sóng thời gian tàn nhẫn phủ lấp chìm hay bóp cho biến dạng theo sự đổi thay tất
nhiên của xã hội. Chúng mất hút đi mau chóng, tới khi tôi kịp rãnh rỗi ngó lại
thì còn chẳng thấy được bao nhiêu.
À, hình như là Sài-gòn phát triển theo tốc độ phi mã của thời đại tân tiến
nên tiêu diệt mất những vết tích nhà quê nghèo nàn nhưng dễ thương của một sinh
hoạt tiền đô thị mà trước đây tôi tưởng lầm là nét chấm phá nào đó của Việt
tính. Nhưng không sao, tôi biết được bịnh mình. Mình thèm, mình thiếu trong máu
huyết một mảnh trời quê và đương đòi Sài-gòn cung cấp cho một chút quê mùa đó.
Ðô thị vây hãm tầm mắt bằng nhà cao, hãng xưởng và xe bụi, Sài-gòn giới hạn tâm
hồn người bằng chuyện thành phố lẩm cẩm tình -tiền -thù không có gì đặc trưng,
tôi cảm thấy thiếu một khung trời khoáng đãng, thèm một chút hoàn cảnh thuận
tiện để buông thả tâm hồn, tôi thiếu tình người ở trạng thái sơ tâm…
Trong tâm thái hoài cổ nao nao của nỗi thèm khát đó tôi được nghe chuyện hai
vợ chồng chú Hai Một nhưng quan, khóc đám.
Như bao nhiêu lần trước, Chú Hai Một khi vô tới hàng ba, dợm cẳng bước lên
ngạch cửa, thì quay về phía sau rầy dức vợ sao chậm lục còn hơn bà già đi âm
phủ rồi xăn xáy bước ào vô nhà như con trốt, bỏ mặc kệ thím Hai còn đủng đỉnh
đánh-đồng-xa đâu đó mút tí tè ngoài đầu ngõ.
Nhiều người ngưng chuyện trò len lén ngước lên quan sát người khách mới,
cách quan sát có chút tò mò đó, nhưng e dè, xa cách. Nhiều người, cử chỉ bỗng
nhiên chậm rãi hơn như đương bận dồn hết giác quan để bí mật theo dõi chuyện gì
đó xảy ra chung quanh. Có người còn liếc liếc rồi lại giả bộ cúi xuống hớp ly
nước dở dang nãy giờ để lơ là trước mặt. Không một câu hỏi nào được nói lên
thành lời, chỉ có những câu hỏi thầm ngầm chứa trong thái độ và cử chỉ. Chú Hai
Một tuy vậy cũng đã biết mình phải nói gì nên lên tiếng trước, chú nói trống
không nhưng thật ra là nói với toàn thể những người đương có mặt.
‘Ðược rồi, để đó tôi lo liệu cho. Bà con mình không chớ ai vô đây’, chú hỏi
tiếp theo sau khi dòm sơ qua một vòng từ những người ngồi ở cái bàn gần cửa tới
một số người trai trẻ ngồi bỏ chưn thòng xuống đất trên bộ ngựa rồi tới những
người hơi lạ lạ ngồi tuốt trong gần chỗ cái màn cửa ngăn với nhà trong. ‘Mà hồi
nào vậy? Hôm kia hôm kìa gì đây tôi còn thấy ảnh đi băng-xiên băng-nai, té lên
té xuống trước nhà tôi, quần ống cao ống thấp, lè nhè, con nít chạy theo coi
rùm trời. Gì mà mau vậy?’
Ba bốn tiếng giọng thanh niên, mau mắn tranh nhau nói với khách. ‘Chị Sáu
thấy xác ảnh nằm vắt vẻo nửa trên nửa dưới ở cái mương cá đằng nhà thằng cha Ba
Khìa hồi tưng bửng sáng….’
‘Chắc đâu hồi khuya….’
‘Trúng gió, té nước…’
Tiếng xì xào bàn góp thêm chi tiết như một thứ bịnh truyền nhiễm chuyền từ
nhóm nầy sang nhóm kia, phá tan bầu không khí lạnh nhạt e dè từ khi chú Hai Một
bước vô. Một tay tổ nào đó, ý chừng là bạn nhậu thân tình với nạn nhân, chêm vô
một câu diễu vô duyên ớn. ‘Chắc đâu cũng đốn hết mấy lít rồi nên nóng nảy trong
mình, về khuya gặp nước, tắm mát rồi khoái chí tử nằm ì ra đó không chịu lên.’
Những cặp mắt bây giờ đổ dồn về phía tay anh chị ăn nói bạt mạng đó. Trách
móc, khinh thị, bất bình. Biết mình nói hớ, anh ta cười cầu tài, sửa. ‘Ậy…. mà
sinh ký tử quy. Chết trẻ khoẻ ma, chết già lụm khụm. Anh Sáu thọ như vậy là
được rồi, năm mốt bước qua năm ba bước lợi đâu có bao nhiêu người qua khỏi cái
cầu nầy. Ậy… mà đời bây giờ còn sống là còn khổ. Chính tôi đây nè, nhiều khi
khổ quá mạng, cầu trời chết cho rảnh nợ mà không được.’
‘Con vợ thằng Sáu nóng ruột chồng đi cả đêm không về nên trời vừa hừng hừng
sáng là lo xách đèn đi kiếm, ai dè sự thể như vầy…’ một tiếng đàn bà nhỏ nhẹ,
nói với mọi người mà như nói với mình. ‘Í hị!’ Tiếng thở dài thương hại thay
cho cái chấm câu.
Chú Hai Một quay qua cúi đầu chào người đàn bà, bà vừa nói tiếp vừa gật đầu
chào lại, giọng nho nhỏ pha một chút mủi lòng.
‘Tội nghiệp, cái thằng say sưa vậy mà cũng biết lo tưởng tới vợ con, trên bờ
mương còn hai xâu thịt heo quay với một mớ bánh bò trắng nằm lăn lóc. Tao tiếc
quá lượm đem về bỏ trong gạt-măng-giê… Cái số con vợ nó không được ăn heo quay,
chồng đem về chưa tới ngõ đã lăn đùng ra theo ông theo bà.’
‘Tuần rồi ảnh với tôi còn leo lên nóc nhà lợp lại cái mái lá dột phía trước
hết một buổi trời,’ người đàn ông hồi nãy cũng cái mửng cũ vừa nói vừa khoe.
‘Thiệt anh Sáu khỏe còn hơn tiên, hồi nào tới giờ ở nhà quê mà sống theo kiểu dân
cậu, đâu cần động tới móng tay…..’ Anh ta đổi giọng vui vui. ‘Chắc biết mình
sắp đi nên bữa đó mới chịu khó trả nghĩa vợ lần chót.’
Nhiều tiếng cười tán thưởng ở phía đám thanh niên hòa chung với vài cái hứ
bất bình từ đám đàn bà.
Chú Hai Một bây giờ mới quay về phía người đàn ông nọ. Chú biết là ai nhưng
cũng không thèm để ý tới chuyện chào hỏi, cũng không thèm cười góp mà chỉ hất
hàm một cách trống không về phía buồng.
‘Ờ, ở trong đó đó,’ Bà già vừa nói hồi nãy hiểu ý trả lời hớt mọi người.
‘Tội nghiệp, sớm tới giờ hai mẹ con nó xà quần trong đó. Bây giờ chắc là đương
lo thay quần áo cho ‘thẳng’. Bùn đất không… Hồi mới đem về…. ướt mèm ướt mẹp
nên tụi nó xót ruột. Nhà không có đàn ông con trai để lo mấy chuyện đó nên tụi
nó phải làm. Ðâu thằng Hai mầy vô coi coi, liệu giúp đỡ gì được mẹ con nó thì
giúp.’
Thím Hai Một tới bây giờ mới vô tới hàng ba. Khác với chồng, thím thủng
thẳng bước nhích nhích từng bước một, đầu cúi xuống, hai đầu khăn rằn hết đầu
nầy đưa lên chùi nước mắt tới đầu kia đưa lên chùi nước miếng nước mũi. Người
trong nhà chưa ai thấy mặt mày thím nhưng tiếng khóc xụt xùi hòa với tiếng hít
khịt mũi đã nghe rõ ràng, nức nở đứt ruột đứt gan, lâm li như tiếng khóc dễ mủi
lòng của bà con ruột thịt khi mất người thân thương.
Không mấy ai ngạc nhiên trước cảnh nầy. Chuyện thím khéo dư nước mắt khóc
người ‘thân sơ’ dân làng Bình An đâu ai lạ lùng gì. Nghề nghiệp. Nghề nghiệp ít
người theo như vợ chồng thím. Hai ông bà đã từ bao lâu nay trở thành một cặp
bài trùng không thể thiếu trong mấy đám ma chẳng những quanh quẩn trong mấy cái
cù lao giữa kinh Ruột Ngựa và kinh Tàu Hủ mà nhiều khi còn có người rước lên
tới Chợ Ðệm, Bình Ðiền, Gò Ðen nữa. Một vài người khách ngạc nhiên quan sát,
sao trên đời lại có người lạ lùng như vậy cà, mau nước mắt đã đành lại còn
không biết mắc cở khi làm chuyện trên đời chỉ có một mình mình. Thím Hai Một
khóc ngọt ngào, bất tận. Nước mắt như mưa tuông trào đầy mặt. Não can tràng hơn
tiếng than của đào thương trong gánh hát. Khóc đã đời thím cất giọng kể lể.
‘Sáu ơi là Sáu, chú bỏ vợ yếu con thơ chú vội vàng đi đâu. Bao nhiêu người
thương chú trên đời sao không ở lại. Âm phủ dương gian hai đàng cách trở, từ
nay vợ con chú biết trông cậy vô ai? Sáu ơi là Sáu ơi. Ngày trước chú giúp
người cô quả, chú thân thiện xóm làng, đầu trên chợ dưới, người dưng họ hàng,
ai có chuyện gì chú không nề hà giúp đỡ. Sao người như chú mà trời bắt đi cho
nỡ, còn những kẻ lỗi đạo vô nghì lại sống chật trời chật đất, tốn gạo tốn cơm…
Sáu ơi là Sáu ơi.’
Chú Hai Một quay mặt ra cửa, ngó mau về phía vợ, nhăn mày tỏ ý không bằng
lòng — quá lố rồi đó, quá trong nước mắt thì còn chấp nhận được, quá trong lời
than thì chạm tới biết bao nhiêu người, ăn của chủ nhà bao nhiêu mà đưa lưng
mang tiếng oán. Tuy nghĩ bụng như vậy nhưng chú không nói gì, chỉ vén màn bước
thẳng vô phòng trong.
Bóng tối âm u của ngọn đèn dầu phọng tim se bằng một miếng vải trắng bỏ
trong cái dĩa dầu để dưới gầm giường và cây đèn cầy nhỏ đặt phía dưới chưn
người chết chập chờn leo lét, không giúp cho đôi mắt quen với ánh sáng của chú Hai
thấy gì hơn là một cụm tối dầy đặc, khổng lồ. Chú đứng định thần một hồi hèn
lâu mới quen mắt lần. Con nhỏ Huê đương quay lưng về phía chú, mặt quay vô
vách, đương giơ cao lên xăm xoi một cách dềnh dàng bộ đồ bà ba hàng màu hột gà
của ba nó đâu như là mới vừa được lấy từ trong tủ ra, còn đầy những lằn xếp.
Chị Sáu đương rờ rờ nắn nắn hai cánh tay co rút của người chết mà mấy ngón tay
cong lại như đương thủ thế để cào cấu ai. Gương mặt chị thểu não pha lẫn nét
chán chường. Chị biết bổn phận mình phải làm gì nhưng không biết bắt đầu từ đâu
và bằng cách nào. Trong lòng chị đương có một sự tương tranh dữ dội giữa hai
mặt sợ-thương. Thấy ánh sáng và đã đoán được ai bước vô, chị ngước mắt lên chờ
đợi một mệnh lịnh, mệnh lịnh dưới hình thức đề nghị thiệt bình thường nhưng
giúp chị ra khỏi cảnh bối rối hiện tại không biết mình phải làm gì mới đúng
cách và trọn đạo.
‘Chị Sáu với con Huê ‘quá bộ’ ra ngoài nhà tiếp khách đi,’ chú Hai Một nói
như ra lịnh, nói lựa chữ văn hoa một cách ăn trét. ‘Bà con lối xóm nghe tin hồi
nào không biết mà đã kéo tới chia buồn coi bộ hơi bộn rồi đó. Ðầy nhà! Mà tôi
thấy có ai ở ngoài đó lo trầu cau nước nôi gì cho khách đâu,’ Chú ngừng một
chút ngó vô con Huê bây giờ mới day mặt lại phía ánh sáng. ‘Với lại ba cái
chuyện nầy nên để tôi. Nghề nghiệp ai người nấy làm. Chuyện nầy đâu phải ai
cũng mó tay mó chưn vô được.’ Một lần nữa chú ngó về phía con Huê. ‘Ðàn bà con
gái gần hơi người mới đi không nên đâu. Ðộc lắm. Về sau bị bịnh hậu
khó lòng.’ Mặt con Huê, nãy giờ nước mắt đã lăn rơi, buồn lâm ly, đổi sắc liền,
mừng thấy rõ, nó bỏ bộ quần áo xuống rồi đi vòng về phía đầu giường của ba nó,
sẵn sàng bước ra. Chị Sáu trái lại chỉ hơi khựng lại một chút khi nghe nhắc tới
mấy tiếng không nên nhưng rồi cũng tiếp tục cố gắng tuột tay áo của chồng ra.
Cái áo đã được mở nút cẩn thận, phơi màu da ngực xám ngắt của xác chết dưới ánh
đèn. Cánh tay cứng đơ, cà huynh cà hoang, tay áo dính một lớp bùn mỏng thêm
phần trở ngại. Chị bậm môi hè hụi giựt mạnh nhưng cũng không ích lợi gì, chỉ
làm rớt lộp độp lớp bùn khô xuống giường như bánh tráng nướng bể. Bộ mặt người
chết nhăn nhăn với cặp môi đã bắt đầu rút, lòi răng ra cười ngạo cảnh tượng.
Cánh tay thây ma cứng cong, trì lại phản đối không cho thay bộ quần áo cuối
cùng trong đời mình. Chú đánh thêm một đòn tâm lý trong khi thong thả cho tay
vô túi trong lục kiến gói thuốc Job đỏ lận theo từ đằng nhà.
‘Chết bất đắc kỳ tử linh lắm. Ngày giờ trùng thì chuyện gì cũng có thể xảy
ra. Tránh trước thì hơn. Trùng tang liên táng xui mấy đời chớ không ít đâu. Chị
với con Huê làm ơn dang ra cho tôi.’
Chú ngừng nói, đứng yên, điếu thuốc đã an vị trên môi, tay mặt cầm sẵn diêm
quẹt nhưng chưa quẹt lửa, cố ý đợi hai người phụ nữ bước ra. Thân nhân nào cũng
sẽ khó chịu khi thấy xác của người thân bị kéo nắn mạnh tay, mười người như
một, ai cũng năn nỉ nầy nọ, xin xỏ vầy khác. Khó lòng. Chú thấy công việc mình
làm phải mang tính cách thiêng liêng, bí mật, càng ít người biết mình làm gì
với cái xác chết càng tốt. Chú đưa tay rờ rờ cái mặt lạnh tanh của thây ma, rồi
bằng một cử chỉ thiệt nghề nghiệp chú đưa hai ngón tay cái-trỏ ra kéo kéo hai
môi người chết lại cho khít khao hơn như ngầm nói tôi đã sẵn sàng rồi, mời bà
con nhường chỗ cho tôi. Tay chú đụng vô chỗ lạnh hơn mình tưởng, chú chửi thầm
trong bụng cái thằng nhậu nhẹt chết bờ chết buội, ngâm nước cả đêm để cho cái
mặt lạnh còn hơn đá cẩm thạch ướp nước đá. Chú đưa mắt ngó con Huê rồi đão qua
má nó. Thường thường mời thân nhân của người quá cố ra khỏi buồng chú chỉ cần
xài tới mấy tiếng không nên đã là quá đủ, họa hoằn lắm mới phải xài tới mấy
điều dọa dẫm về chuyện bệnh hậu, trùng tang liên táng mà chú học lóm, khi đi
đám đó đây, từ mấy bô lão biết chút ít bói toán thuốc men.
Người đàn bà bỏ cánh tay chồng xuống với một tiếng thở thiệt dài như là bà
nín hơi từ lâu lắm bây giờ mới được phép thở. Cách bỏ xuống cũng nhẹ nhàng, ẩn
chứa trong đó cả một trời thương yêu. Nhè nhẹ, chầm chậm bước lần về phía cữa.
Khoảng cách chỉ vài bước mà như xa thăm thẳm, vừa bước đi vừa ngó ngoái lại như
không muốn mất những phút giây chót với chồng. Ra khỏi đây rồi, lúc trở vô
người chồng đầu ấp tay gối — người mới hôm qua còn gây gổ với chị — một sự gây
gổ nhẹ nhàng càm ràm, quen thuộc trong bao nhiêu năm trời, khiến chị cảm thấy
mình hiện diện và là một thứ gì khác với những đồ vật vô tri trong nhà — bấy
giờ sẽ thật sự trở thành một cái xác chết đúng nghĩa, hoàn toàn là một cái thây
ma lạnh lẽo chờ tới giờ để được bỏ vô hòm đem chôn. Hư vô, mất tuyệt từ đấy. Xa
cách đời đời, thật sự, tuyệt đối từ đây. Một xa cách mặc dầu không hình dung
được, mới chỉ lắp ló trước mặt đã cắt đứt ruột gan, khiến chị chưa gì đã thấy
mình bơ vơ, nhỏ nhoi lạc lõng hơn. Chị bật khóc thành tiếng, nấc nghẹn, mặc dầu
đã cố dằn xuống ngay từ hồi thấy xác chồng nằm úp mặt nửa trên nửa dưới ở bờ
mương — sợ nước mắt nhểu xuống mặt ổng ổng khó đi đầu thai. Chị bỗng nhiên thấy
tức mình tại sao bữa hổm ổng đòi uống thêm xị nữa chị tiếc tiền và sợ ổng bịnh
không cho con đi mua lại còn biểu nó dấu cái chai đi. Phải dè sớm như vậy ổng
muốn uống mấy ghe tàu cũng bán nhà mua cho ổng không tiếc tiền. Chị cũng tức
mình là tại sao mấy năm trước nghe phong thanh ổng mèo mỡ chị đã làm quá mạng,
cằn nhằn cưỡi nhưỡi, cắn xé. Phải dè… Phải dè… Chị kêu tên chồng, cách thân mến
rất ít khi sử dụng từ ngày có đứa con đầu tiên. Con Huê áy náy nắm cánh tay mẹ,
chỗ con chuột, mà nó có cảm giác là đầy xương, dẫn ra cửa. Mắt ngập nước, nó
cũng ngó ngoái lại lần chót ba nó, vẫn còn nằm trong một vị thế lạ lùng, một
cẳng co vô bụng, một cẳng thẳng ra luôn cả bàn chưn, như người đương kiếm cách
leo lên khỏi mương nước, hai bàn tay quắp cứng ngắc hai nắm bùn bây giờ đã khô,
mấy chỗ tứ chi ló ra khỏi quần áo bao trùm một màu xanh xám đen đen lạnh lẽo
khiến nó bắt rùng mình. Chị vợ ngó lại lần nữa thi thể người chồng, gật đầu
chào chú Hai Một, rồi như len lén giở màn bước ra. Những giọt nước mắt được kềm
giữ quá lâu thong thả bò trên gương mặt chị, nhểu xuống ngực áo khi chị bắt gặp
những ánh mắt thân tình chia xẻ niềm đau xót của bà con lối xóm bây giờ tới đã
tới ngồi đứng chật nhà.
Chú Hai Một nao nao theo dõi hai mẹ con lúp xúp đi trong tiếng thút thít,
ánh mắt chú đậu lại trên cái lưng đầy sức sống và bộ hậu láng o của đứa con gái
— được ôm bằng cái áo bà ba bó sát và cái quần vải đen dầy ủi thẳng thớm. Chú
nheo mắt với mình và cười cười…
Ngoài kia chú nghe rõ tiếng chào của chị Sáu với bà vợ mình. Tiếng khóc của
bà ta nín bặt ngang xương. Chú nghe loáng thoáng câu trả lời của vợ: ‘… Ừ… Kể
từ trưa mai cho tới giờ hạ huyệt tôi sẽ ở đây… Ừ.. tiền bạc gì. Ðừng có lo chạy
cho mất công. Bà con mình không, ai cũng nghèo chứ đâu có dư dả gì.. Nói nào
ngay, tôi cũng đâu giàu có gì hơn với mớ đó’. Tiếng khóc lại nổi lên, bi thương
thập bội hơn giọng tỉ tê nhè nhè của vợ người quá cố. Dòm qua chỗ hở do tấm màn
bị vướng, chú Hai Một thấy vợ mình đầu bù tóc rối dụi dụi mắt khóc kể như chết
cha chết mẹ. Bà ta nhảy từ nhân vật nầy qua nhân vật kia. Ban đầu là bà mẹ vợ.
‘…. Sáu ơi là Sáu ơi, nhà nầy một mình mầy lo từ trong ra ngoài. Vợ con mầy giờ
đây làm sao đủ sức chống chỏi với đời. Ði đâu thấy món ngon vật lạ mầy cũng mua
về cho tao, bây giờ mỗi khi thấy quán thấy hàng làm sao tao không khóc được,
Sáu ơi là Sáu ơi.’ Rồi tới vợ, tới con gái, mỗi người thím đều sáng tác giùm
một bài văn tế bình dân nôm na như vậy, kể công đức người chết, vài phần thiệt,
vài phần phóng đại những hành trạng mà nếu nghe được chắc người chết cũng phải
hổ ngươi. Chỉ có một điều là giọng kể lể của thím lâm ly quá, nước mắt của thím
sụt sùi quá khiến người nghe không còn đủ bình tỉnh tâm trí để phân biệt đâu
thiệt đâu ngoa. Một cảm giác xấu hổ mà chú thường có khi vợ khóc đám người quen
như kiểu thằng cha Sáu Say nầy len lỏi vô tim chú. Chú ngờ- ngợ như vợ mình làm
điều gì sái quấy, quá đáng, hơn sự phải có của điều bình thường, hơn sự bắt
buộc của nghề nghiệp. Vừa lúc đó con Huê quay lại, đưa tay kéo cái chéo tấm vải
màn xuống cho kín cửa buồng. Chú dòm lom lom bàn tay tròn trịa của con nhỏ cho
tới khi ánh sáng trong phòng trở thành lù mù. Chú đốt điếu thuốc, dựa vách ngó
xác chết, thong thả hít từng ngụm khói say sưa. Mỗi khi trong người có chuyện
buồn vui lẫn lộn, những hơi đầu tiên của điếu thuốc vẫn là một thứ thần dược
giúp chú tỉnh táo trở về thực tại với một tinh thần sáng suốt vô biên. Chú vạch
màn dòm ra ngoài nhà trên như là tìm kiếm ai, ánh mắt chú đậu lại phía có con
Huê đương đứng. Nghĩ sao không biết chú bước hẳn ra ngoài tới một bàn, cầm lấy
chai rượu đế rót đầy một ly lớn, mỉm cười chào mấy người ngồi ở bàn đó rồi quày
quả bước vô. Chú cẩn thận bỏ màn xuống, kéo mí lại như ngại ánh sáng bên ngoài
có thể chui vô phòng. Tới bên xác chết, chú thiệt sự bắt tay vô công việc: phun
phun, bóp bóp sửa nắn lại cho vào vị thế bình thường bộ tứ chi trước đây đã
cứng đơ cứng còng. Chú cắt rách tay áo và ống quần của xác chết bằng cái kéo
nhỏ, vật liệu độc nhứt chú mang theo mình như một thứ dụng cụ nghề nghiệp.
Chẳng bao lâu cái công việc mà người vợ nạn nhân loay quay hàng giờ không thực
hiện được đã được chú hoàn thành mỹ mãn. Anh Sáu Say bây giờ đã thiệt sự ngủ
say trong một tư thế thoải mái, thanh thản. Chú Hai Một bước lùi một bước, ngắm
nghía công trình mình, chú mỉm cười hài lòng và tự thưởng bằng chút cặn rượu
còn sót lại trong ly…
Tôi náo nức thiệt tình! Tôi sẽ gặp được cặp vợ chồng truyền nhân chánh của
một nghề đang sắp biến mất trong một xã hội trên đà chuyển mình Âu hóa như cái
thành phố Sài-gòn nầy. Ðường có xa, có lạ cũng chỉ là dịp để mở rộng nhãn quan
thôi… Chúng tôi đi qua cầu chữ U ở bến Thuyền Buồm (Quai des Jonques), một cái
cầu tuy lót cây nhưng cao chưa từng thấy. Chiếc mô-bi-lết già chạy tới đâu đà
cây lót cầu rung rinh nhúc nhích la hét ầm ầm tới đó, những chiếc bù lon sắt
khổng lồ đưa lên như hàm răng con quái vật cầu sẵn sàng cắn vô vỏ bánh xe. Cây
ván trơn chao đảo tay lái, tôi phải kềm thật vững.
Ðã hết đâu. Lại còn qua một cái cầu chữ U khác y hịt như vậy ở ngay trước chợ
Bình Ðông. Sao vùng nầy lạ lùng vậy, cầu cao không tráng xi-măng hay trãi nhựa,
chỉ lót bằng cây mà lại lót xuôi theo đường xe cộ chạy?
Người dẫn đường như đoán được ý tôi, giải thích ba hoa. ‘Vùng nầy không có
thế để làm dốc nên cầu phải xây hình chữ U, cũng không thể xây bằng vật liệu
nặng vì bờ kinh hẹp, đất hai bên lại mềm, không có chỗ đúc móng chưn cầu. Phải
xây cao cho ghe chài qua lại bỏ lúa vô chành hay lấy lúa từ trong chành ra chở
đi Lục tỉnh, lên Nam Vang… Ngày trước ghe chài ra vô khúc kinh nầy liền liền,
bây giờ có thêm kho chứa ở Bến Tàu nên ít đi đó chớ.
Tuy không biết rõ ràng danh từ chành là gì nhưng tôi cũng mường tượng đoán
được đó là một thứ kho chứa trữ nên mần thinh không hỏi như mọi khi. Cảnh tượng
quê nhiều hơn tỉnh của vùng nầy trở thành một thứ loại ven biên đô thị mới ngó
qua đã bắt mắt nên tôi cũng làm biếng nghe thêm. Cái thằng cha nầy có khả năng
nói chuyện nầy qua chuyện kia lòng vòng ba bốn ngày không hết, đừng nên khươi
cho nó nói không nhằm lúc.
‘Gần tới chưa?’ Tôi hỏi cũng là cách dẫn anh ta vô chuyện chánh. ‘Sao chưa
thấy cái đình anh nói?’
‘Ði đò qua bên bờ kia. Ðó là làng Bình An, đình Bình An cách bến đò chừng
một cây số ngàn,’ hắn trả lời rành rọt. ‘qua đò rồi lội một đổi nữa thì tới nhà
họ. Không xa đâu.’
Lại còn thêm chuyện đò! Ánh mặt trời chói chang trên đỉnh đầu. Coi bộ hơi
trưa. Sài-gòn lẩm rẩm mà rộng thinh thang, đi nửa ngày từ trung tâm chưa ra tới
ven biên.
Con đò ngang đưa khách qua bên đình do một cô gái trắng trẻo độ mười sáu
mười bảy tuổi thong thả đẩy đưa mái chèo. Những nhịp đẩy-kéo căng lên căng
xuống bộ ngực tròn mạnh thiếu nữ. Nàng thành thạo, không tỏ vẻ gì tốn sức tốn
công. Tôi chợt nhớ tới chuyện thơ nàng Tiên Bửu xinh đẹp, thông minh chèo đò.
Chỉ tiếc mình không có bộ râu dài phất phơ và tài đối đáp như ông Trượng.
Cảnh vật hai bên bờ kinh hiền hòa. Nhà cửa khang trang của một vùng quê trù
phú. Mạ non xanh mởn. Sóng lụa rung rinh trên đầu lúa. Gió mát thơm mùi hạt lúa
còn đương ngậm sữa. Vài căn nhà lá ẩn hiện sau những tàn cây mít, vú sữa xum
xuê. Nét thanh bình có thể cảm thấy vương vương lãng đãng cùng khắp không khí.
Trong khung cảnh như vậy mà gặp được một cái đám ma để quan sát luôn tài nghệ
của vợ chồng Hai Một ‘ra đám’, ‘khóc đám’ thì còn gì thích thú bằng. Một công
hai ba việc. Khỏi phải đi về chờ đợi lôi thôi.
Tôi mừng rỡ khi nghe tiếng kèn đám ma văng vẳng từ xa xa khuất đâu trong
xóm. Trúng mối rồi. Mấy thuở trời chìu lòng người, cầu được ước thấy.
Vậy mà tôi không được chứng kiến gì hết những điều cần chứng kiến, mặc dầu
kèn đám ma đương ò-e ngay tại nhà ông Hai Một. Tôi không gặp một ông ‘nhưng
quan’ tài nghệ đặc biệt, điều khiển mọi chuyện liên quan đến động quan, di quan
bằng nhạc của hai khúc tre. Tôi không gặp một người đàn bà bán nước mắt, khóc
mướn trong mấy đám ma, ré lên từng hồi cắt dạ rồi xuống giọng tỉ tê bi thảm đau
thương, kéo dài ngày nầy qua ngày khác từ lúc tẩn liệm cho tới khi hạ huyệt.
Những hình ảnh lạ lùng tôi có trong trí vẽ ra do người dẫn đường khi giới thiệu
về cặp kỳ nhân nầy không thấy đâu nữa. Còn lại chăng là một cặp vợ chồng già
héo úa từ sâu thẳm trong lòng héo ra, một thứ cây chết rũ, một loại người bị
chấn thương do Tây tà tra tấn bằng bàn tay sắt bọc vải, bầm nát ngũ phủ lục
tạng tuy bên ngoài vẫn còn chút nào đó dáng vẻ bình thường.
Người đàn ông ngồi đó, mặt co rúm nhăn nheo của một thứ trái chín héo vì quá
nắng, mắt ơ hờ ngó ra con đường đất đỏ bụi mù trước mặt, bất động tới cả từng
thớ thịt mặt. Tôi biết chắc chắn cái hàng rào bông bụp đầy bông nở đỏ thắm
ngoài kia, cái hàng rào đặc biệt được đóng cột bằng mấy cây so đũa trái lòng
thòng và sợi dây kẽm giăng kế đó, nơi con gái ông phơi quần áo hằng ngày, không
lọt vào trong giác trường của ông. Kể cả những người học trò đạo tỳ mặc quần áo
đen viền trắng lăn xăn lít xít vì chuyện của thầy cũng vậy thôi, không có. Thời
gian và hoạt cảnh trên cõi đời nầy hình như đối với ông không còn nữa. Dàn đờn
trổi ò-e ngưng trổi không biết bao nhiêu chập, tôi để ý nhưng không thấy vợ
chồng ông Hai Một nhúc nhích cục kịt gì, ngay cả khi một người đệ tử tới trước
mặt ông cung kính xin phép cho mình được thay ông điều khiển cuộc ‘di quan’,
ông cũng không trả lời hay hạ cái màn vô hồn trước ánh mắt mình xuống, mặc cho
đám đệ tử và ông Hòa Thượng già điều khiển việc khiêng cái hàng ra khỏi khung
cửa chật hẹp của căn nhà. Hai chung rượu để trên nắp hàng sóng sánh rồi tràn ra
vài giọt do sự điều khiển không thành thạo của người đệ tử trẻ ông cũng không
thấy, không biết. Hồn ông đương ở trong một cảnh giới ta-bà nào đó xa xăm, chỉ
cái thân xác ngủ uẫn hiện diện mà thôi.
Ðám ma ra tới đầu ngõ, ông Hai Một mới choàng tỉnh khỏi cơn mộng du, đứng
dậy bước chậm rãi theo vài ba người đi chót sau khi đã ngó bà vợ và lắc đầu
trong tiếng thở dài. Người đàn bà ngồi trên cái ghế dựa, mắt vô hồn ngó tôi khi
tôi tới kế bên nói mấy lời chia buồn cho phải phép. Không có một giọt nước mắt
nào trên khóe mắt của người đàn bà suối lệ dễ tuông này. Không có cả một hít,
khịt mũi nhỏ nhoi. Không có cả chuyện đỏ hoe hai mắt hay tiếng kể lể phân bua.
Vậy đó. Một sự im lặng tuyệt đối của môi trường chân không. Vô lý tới khó tin.
Tôi ngó lại lần nữa tấm hình người quá cố. Cô gái có nụ cười thật buồn nhưng
vẻ trẻ trung làm nao nao lòng người. Ðôi mắt sâu thăm thẳm của cô khiến ai nấy
dòm qua một lần cũng phải ngó lại một lần nữa. Cái đẹp man dại và lôi cuốn. Cái
đẹp của một cánh đồng đầy hoa thắm bên triền núi rộng cao. Có thể hình ảnh cô
gái trẻ mới chết có sức mạnh tạo xúc động cho người sống –và một chút bằng lòng
vì sự bất hạnh giáng xuống người khác chớ không phải mình — khiến phải ngó
thêm. Tôi thấy trí mình coi bộ cải lương khi bỗng nhớ tới câu thơ có mấy chữ
‘hồng nhan bạc mệnh.’
‘Vợ chồng họ làm nghề thất đức nên bây giờ như vậy đó,’ người dẫn đường kéo
tôi về thực tế khi anh bấm tay tôi nói nhỏ. ‘Cha tẩn liệm, di quan người khác
lôi thôi, nên Trời khiến tới phiên con mình thì sững sờ muốn tự tay săn sóc
cũng không làm được. Tụi học trò đạo tỳ nó làm đâu có đúng lễ. Hồn ma trước đây
họ về trả thù đó. Biết bao nhiêu lần ổng bẻ tay bẻ chưn thiên hạ mạnh tay hay
làm ẩu xị cho qua. Biết bao nhiêu lần ổng thay áo thay quần hay tẩn liệm dụt
chạc, nhứt là người nghèo… Ðể rồi coi, hồn cô ta còn lẩn quất nhiều ngày trên
trần thế chưa xuống dưới đó liền được đâu. Thiếu lễ đi đâu có xuôi chèo mát
mái. Nhiều khi nó về nó phá nữa là khác.’
Không đồng ý với nhận xét nầy, nhưng tôi không cãi. Con người ta sinh ra vốn
là mục tiêu cho những tấn kích cách nầy cách nọ của tất cả ai khác trên đời,
huống gì chú Hai Một làm một nghề thiên hạ chỉ thấy sợ hải và xa cách.
Không muốn khơi mào một cuộc đấu khẩu vô ích, tôi chỉ qua thím Hai Một, chưa
kịp nói gì thì người dẫn đường đã lên tiếng, lần này pha một chút giọng thầy
đời.
‘Thói thường thương vay khóc mướn tới khi cần khóc cho mình thì hết nước
mắt.’
Phải, điều gì xài quá thì mau hết, cái lý đó cũng đâu có gì là khó hiểu. Nói
một cách trừu tượng, cái tình thương bà ta xài cho thiên hạ trong bao nhiêu năm
trường ‘khóc đám’ khiến cho bà ta cạn tuyệt tình thương đối với con gái mình.
Suối lệ cạn nguồn người ta thường nói vậy hoài.
Vâng, lý luận này có vẻ hữu lý nếu — và nếu, và nếu — tình thương là một
dạng của vật chất cụ thể. Con người ta thường tỏ ra mình thông thái, mình phải,
mình hay như cái anh chàng nói nhiều nầy. Mấy ai biết được và thông cảm được
với vợ chồng ông nhưng quan Hai Một. Tình thương con biển trời lai láng của họ
khiến tất cả những biểu lộ bình thường khác đã trở thành vô nghĩa, không phù
hợp. Với người sơ tôi đã khóc, và đã khóc mùi mẫn, với con gái cưng của tôi,
tôi cũng khóc như vậy hay thôi sao? Tại sao tôi phải giống thiên hạ biểu lộ
tình thương bằng nước mắt kia chứ? Có sự khác biệt giữa con gái tôi và người
thiên hạ chứ? Nếu khóc đám làm xôm đám chớ không biểu lộ tình yêu thương chân
thật thì cái gì mới diễn tả được lòng thương con của tôi đây. Con ơi, con nỡ bỏ
cha mẹ già một mình ra đi sao con…
Tôi dòm lại dáng thất thểu của chú Hai Một sau đuôi đoàn người. Bước thấp
bước cao, hụt hẫng như một hình nộm được điều khiển vụng về. Tôi ngó lại thím
Hai Một, cũng dáng ngồi đó không biết bao lâu rồi, hai tay buông xuôi trên vế,
bất động của một pho tượng đất sét, thểu não của một thứ người tuyết đương tan
rã từ từ. Thím sẽ ngã xuống. Chắc chắn như vậy.
Tôi bỏ ra về, không dám ngó lại một tấm hình khác ở trên bàn thờ. Cuộc đời
người con gái đó bình thường, cái chết cũng có thể rất bình thường nhưng một
nhân duyên đặc biệt đã hé mở cho tôi một cánh cửa để nhận thấy rõ ràng về tấm
lòng nhỏ nhen, ganh ghét của người đời nói chung và nỗi đau đớn khôn cùng của
cặp vợ chồng già mất con trẻ nói riêng.
Trên đường về không khí bỗng nhiên nặng nề u ám ngang. Tôi ngậm câm cho tới
lúc chia tay.
Tại sao?
Tôi xúc động vì lòng thương con trời biển bao la đến nỗi mất hồn của cặp vợ
chồng nhưng quan – khóc đám Hai Một. Mà cũng có lẽ là do tình cảm trân trọng
đối với một cánh rừng đang chứa chấp một loài trân cầm dị điểu kỳ hoa hiếm hoi
đang trên đà tuyệt chủng.
Sau nầy lắm lúc ngồi ôm súng ở một vùng đồi núi cao nguyên, đêm về bốn bề
tĩnh mịch, giữa cảnh trùng trùng của bóng tối bao la, trí nhớ bình bồng trôi về
quá khứ, tôi ngạc nhiên thấy kỷ niệm của mình về Sàigòn không chỉ nằm trong chỗ
những sinh hoạt ồn ào tục tằn ở các khu ổ bùn lầy nước đọng từng sống một thời
gian dài lúc trẻ, và những nơi có kiến trúc nguy nga tráng lệ có dịp đặt chơn
tới sau nầy khi đã thành nhơn, mà còn nằm ở cảnh trí đơn giản của một buổi sáng
ven đô nơi ít người biết tới là làng Bình An bên kinh Ruột Ngựa, chỗ căn nhà có
hàng rào bông bụp, xen kẻ bằng hàng cây so đũa lòng thòng trái…
Không ai chịu mất thì giờ đào sâu vào chốn tận cùng tâm hồn mình để tìm hiểu
những yếu tố cụ thể nào khiến mình yêu đậm đà quê hương xứ sở, thân mến tuyệt
cùng với nơi mình lớn lên trong buổi đầu đời.
Mà cần gì tìm hiểu nguyên nhân?
Sàigòn cũng vậy, đối với tôi thân thiết, đáng nhớ, xa trong thực thức nhưng
tiềm thức không bao giờ xa. Bao nhiêu đó đã là quá đủ. Một vài chi tiết cụ thể
về nơi nầy nơi nọ, người nầy người kia, nói cho cùng, cũng chỉ như một nhúm sao
nhỏ nhoi trong vũ trụ bao la của triệu triệu dãy Ngân Hà.
Nguyễn Văn Sâm
(Port Arthur, Texas, 3- 1992, những ngày dạy học trầm buồn ở quê người.)