Trời u ám, mây như tấm màn xám bọc lấy khoảng không gian, gió vần vũ, xác lá
vàng rơi ngập đường. Nguyễn Du ngồi bên ấm trà nóng, mắt mơ màng nhìn vào cõi
thinh không. Hình ảnh những phận người trong cõi trần gió bụi lần lượt lướt qua
tâm trí Du.
Cuộc đời Du trải qua bao thăng trầm biến thiên, nay đã ngán ngẩm bả phù danh.
Du chỉ muốn an nhiên tự tại thả hồn vào mây trời trăng nước, nhưng lòng Du cứ
luôn đau đáu về số phận những kẻ thấp cổ bé họng trong cõi nhân thế này.
Du nâng chén trà uống một ngụm, vị trà sen thơm ngát lan tỏa, xông lên mũi làm
tâm trí Du khoan khoái. Du như bồng bềnh trong cõi hư huyễn.
Du đang miên man trôi trong giấc mơ thì tiếng người nô bộc bất ngờ vang lên bên
cạnh:
-Dạ bẩm ông.
Du giật mình choàng tỉnh quay lại hỏi khẽ:
-Có chuyện gì vậy?
Nô bộc đáp:
-Dạ thưa nhà cái Xoan cho người sang nhờ ông viết giúp bài văn tế ạ.
-Nhà Xoan ai vừa chết vậy?
-Dạ bẩm chồng thị đi tìm trầm trong rừng bị ngã xuống vực mà chết.
Toàn thân Du rúng động. Nhà cái Xoan hoàn cảnh bần hàn, Trần Chung chồng thị
trước đây cũng là một tay học trò có tiếng nhưng vì đường công danh trắc trở
đành gác việc bút nghiên, lao vào dòng đời kiếm miếng cơm manh áo.
Cha Trần Chung đã chết vì bị triều đình xử chém trong một vụ án văn. Nhà hắn
còn mẹ già hơn tám mươi tuổi, một vợ và ba đứa con nhỏ.
Hai mắt Du rơm rớm lệ, khẽ nói:
-Ngươi vào mài mực rồi đưa giấy bút ra đây cho ta.
Người nô bộc đưa giấy bút ra. Du chấm mực viết một mạch xong bài văn tế , trao
cho người nô bộc nói:
-Ngươi đưa sang cho nhà Xoan, à nhớ mưa ít đồ hương vàng thay ta sang thắp cho
Trần Chung vài nén nhang nhé.
Người nô bộc dạ khẽ rồi cúi mình chào Du. Còn lại một mình Du lại chìm vào suy
tưởng. Trên ngọn cau đầu hồi tiếng con cú rúc lên từng nhịp buồn thảm. Dưới
mảnh sân rêu con chó co ro thu mình trong ổ rơm, ư ử rên vì lạnh. Du bất giác
thở dài….
Mấy tháng nay Nguyễn Huệ đem quân ra thăng Long với danh nghĩa phò Lê diệt
Trịnh. Kẻ sỹ khắp nơi tìm đến đầu quân cho Huệ. Khản bảo Du:
-Chú có tài sao không theo Huệ cống hiến vì dân vì nước.
Du lơ đãng nhìn đám mây cháy cuối trời khẽ nói:
-Ai cũng bảo Huệ là tay dũng tướng tài năng xuất chúng, có tấm lòng quảng đại,
tài trí hơn người riêng em lại nghĩ khác.
Khản hỏi:
-Ý chú thế nào?
Du đáp:
-Anh chờ rồi sẽ thấy.
Dứt lời quay đi, im lặng. Khản lắc đầu, rời gót.
Đêm thu không khí êm như nhung. Du ngồi dưới ngọn đèn dầu lạc, tâm trí để cả
vào ngòi bút, mỗi chữ như tút từ gan ruột, nước mắt Du lặng lẽ rơi.
Người nô bộc mỗi lần mở hé cửa ra nhìn thấy Du đang say sưa đưa bút, lắc đầu,
đóng cửa lại. Du buông bút. Cho tay vào miệng, nghiến chặt. Năm đầu ngón tay
bật máu. Du lẩm bẩm:
-Thế sự đa đoan, ta biết làm gì. Dòng sông đục ngầu ta chỉ là con cá nhỏ biết
phương nào mà bơi về đây.
…
Sáng sớm mưa như trút. Du ngồi bên mái hiên ngắm mưa rơi. Lòng ngổn ngang trăm
mối.
Thời gian này Du vẫn để tâm nghe tin tức ngoài Thăng Long. Huệ đã tiêu diệt bọn
phản loạn và trao lại quyền bính cho vua Lê. Tuy nhiên đó chỉ là vẻ bề ngoài.
Thực sự Huệ vẫn nắm toàn bộ quyền chính trong tay. Hôm qua Khản lại sang. Khản
nói:
-Chú nói đúng, Huệ là tên khốn nạn. Hắn thừa nước đục thả câu, lần này hắn đem
quân ra Hà Bắc thực chất là muốn chiếm đoạt giang san của nhà Lê chứ đâu phải
có bụng tốt giúp dẹp phản loạn. Anh tính tập hợp kẻ sỹ kéo quân ra Bắc sống mái
với Huệ một phen. Chú có ý kiến gì chăng?
Du nói:
-Anh đừng nên vọng động. Thời thế bây giờ đang hỗn loạn như canh hẹ. Nhà Lê
cũng chả tốt đẹp gì. Cứ để cho Huệ và vua Lê đấu đá với nhau.
Khản nói:
-Thiên hạ nói chú là kẻ bạc nhược thật chả sai. Anh đã nhìn lầm chú.
Du nhìn theo dáng Khản lắc đầu. Khản cũng như mọi người vĩnh viễn không hiểu
được tâm can của Du.
Mưa mỗi lúc một dữ dằn. Du tựa đầu lên tay, chập chờn đi vào giấc ngủ.
Thăng Long thành. Đêm mùa xuân. Du ngồi bên bàn, ngọn đèn dầu lạc khi mờ khi
tỏ. Tiếng đàn nguyệt cầm như từng sợi tơ xuyên vào tâm hồn Du.
Mọi âm thanh cuộc sống lúc này dường như không còn tồn tại, chỉ có người con
gái mảnh mai ngồi trước Du từng ngón tay thon mềm đang lướt trên những cung đàn
ma mị.
Khuôn mặt người đẹp sầu như cánh hoa chiều muộn. Du lặng lẽ quan sát, lòng như
không uống rượu mà say.
Trời khuya dần. Ngoài phố lác đác bước chân của những kẻ lang bạt. Du bước lại
mở hé khung cửa sổ. Ánh trăng nhờn nhợt chiếu vào gian lầu nhỏ, không khí khăm
khẳm.
Người đẹp đã dừng đàn, đang lặng lẽ nhìn Du. Du nói, âm thanh như vẳng về từ
cõi xa xăm nào đó:
-Mai ta đi rồi, chả nhẽ nàng không có gì muốn nói cùng ta sao?
Bàn tay người đẹp khẽ vòng qua tấm thân gió bụi của Du, một cảm giác dịu dàng
ấm áp. Tâm hồn Du chao đảo. Gió xuân như chiếc lưỡi tình nhân lả lướt trên
khuôn mặt rám mùi dâu bể. Du cầm lấy bàn tay bé nhỏ của người đẹp.
-Lần này chia tay không biết có còn ngày gặp lại, nàng hãy vì ta mà sống cho
thật tốt nhé.
Người đẹp tựa đầu vào vai Du, giọng oanh đượm nỗi thê lệ:
-Chàng không thể nán lại cùng thiếp thêm dù chỉ một ngày thôi sao?
-Đời kẻ nam nhi lấy gian nan làm thuyền, lấy đường xa gió bụi làm nhà, lấy khát
vọng thay trời đổi đất làm chí hướng, nàng hiểu không?
-Thiếp hiểu. Những ngày qua ở bên nhau những tâm sự của chàng khiến thiếp thêm
hổ thẹn bởi mình chỉ là gái giang hồ, phận liễu bồ mềm yếu không thể cùng chàng
xông pha gió bụi cùng tạo nên nghiệp lớn.
Du thở dài:
-Trai thời loạn da ngựa bọc thây, gái thời loạn lênh đênh bể khổ. Thật đúng lắm
thay!
Du quay lại, hai bàn tay đặt lên bờ vai thon của người đẹp. Hai đôi mắt nhìn
nhau vừa đắm đuối thiết tha vừa trăm mối tơ vò.Người đẹp khẽ tựa vào ngực Du
từng lời nói như bàn tay mượt mà xoa dịu trái tim Du:
-Chàng hãy ôm thiếp cho thật chặt có được không? Sao đêm nay thiếp thấy thân thể
thiếp lạnh lẽo quá. Hãy sưởi ấm tâm hồn kẻ hèn mọn này trong những giây phút
sau cùng để mai này hai ngả biệt ly mỗi khi mưa khóc sương hờn thiếp nhớ về
đấng trượng phu để cõi lòng cô độc tìm thấy sự ấm áp.
Du ôm chặt người đẹp. Gió đêm lẻn qua khung cửa sổ đùa giỡn ngọn đèn dầu lạc
chập chờn chực tắt.
Bên ngoài tất cả đã chìm vào sự im lặng muôn đời của đêm khuya. Du khép cửa sổ
lại, dìu người đẹp đến bên giường….
Trái tim hai người tăng nhịp theo từng cung bậc cảm xúc. Du nói:
-Ta và nàng chỉ là hai kẻ lưu lãng giang hồ gặp gỡ nhau là duyên phận ly biệt
cũng là duyên phận, xin nàng hãy nhận của Du này một lạy gọi là sự cảm tạ nàng
bấy nay đã cho ta nương náu chốn này.
Người đẹp giơ tay ngăn cản:
-Đừng chàng đừng làm thế.
Tiếng dế buồn thảm thả vào màn đêm thăm thẳm. Bàn tay Du lần theo từng cúc áo
của người đẹp…Hơi thở của người đẹp dồn dập.
-Không, ta không thể…
Du vùng đứng dậy. Chạy lại mở tung cửa sổ. Ngoài trời đang mưa. Từng giọt nước
thi nhau bắn vào thân thể Du. Khuôn mặt Du ướt đẫm. Du thấy lòng mình ngập tràn
sự thống khổ. Du yêu nàng nhưng Du không thể…
Người đẹp gài lại áo, lặng lẽ ngồi xuống bàn, những giọt lệ âm thầm rơi. Họ cứ
như thế kẻ ngồi người đứng, mà trong tâm hồn đang từng cơn bão giông vần vũ…
…
Du tỉnh dậy chiều đã buông đầy mảnh sân gạch. Người nô bộc đặt ấm trà trước mặt
Du nói khẽ:
-Dạ mời ông dùng trà.
Du quay lại nhìn người nô bộc cười, nụ cười của người bạn dành cho người bạn.
Du nói:
-Ngươi vào thu xếp hành trang, mai chúng ta lên kinh.
…
Đã gần bảy năm trôi qua, kể từ độ Du rời Thăng Long, bao nhiêu mong nhớ Du cất
giữ dưới đáy lòng. Lần này quân Tây Sơn kéo ra Bắc , lòng Du bỗng trào dâng
niềm lo lắng cho người con gái năm xưa. Du từng nghe người ta nói về Huệ. Huệ
là tay kiêu hùng, sức vóc như mãnh hổ, trí tuệ hơn người nhưng Huệ lại là tay
thô lậu trong lối hành xử với đàn bà. Những kẻ đi theo Huệ bảo rằng Huệ là kẻ
háo sắc, thấy gái đẹp như chim ưng thấy gà con. Đã có biết bao nhiêu dân nữ bị
chứng dâm cuồng của Huệ làm cho “nát liễu tan đào”. Huệ có thói quen mỗi lần hành
lạc thường bắt người đàn bà cởi trần truồng nằm dưới nền đất rồi Huệ lấy rượu
đổ khắp thân mình, Huệ lại vạch miệng đổ rượu cho đến khi đối phương say ngất
ngư, lúc bấy giờ Huệ cởi hết áo quần đứng nhìn con mồi cười sảng khoái…
Mỗi lần Huệ hành lạc kéo dài cả tiếng đồng hồ, thõa mãn Huệ nằm lăn ra ngủ.Huệ
ngủ thường hay ngáy.Tiếng nói của Huệ như chuông vỡ , cái uy khiến kẻ khác run
sợ. Nhưng tiếng ngáy của Huệ lại ri rí như tiếng cú rúc trong đêm trường tăm
tối.
Những thôn nữ sau khi đã bị Huệ chiếm đoạt sự trong trắng sẽ bị tiệt luôn đường
sống, những kẻ dưới trướng Huệ lôi con mồi ra một nơi kín đáo bóp cổ cho đến
chết rồi cắt nhỏ ra từng phần đào đất chôn chặt, sau đó san phẳng, người ngoài
nhìn vào không thể phát hiện ra chỗ đó vừa bị đào xới.
Thủ đoạn đó của Huệ được bọn hạ nhân giấu nhẻm như mèo giấu cứt lại thêm những
hành vi “ tự vẽ mặt anh hùng” của Huệ càng khiến nhân dân bốn cõi nhìn Huệ như
một vị thánh sống. Trong quân của Huệ có tay Trương Thoại làm người chăm voi
cho Huệ vốn là bạn tri giao của Du, thi thoảng hai người vẫn biên thư thăm hỏi
nhau. Qua lời kể của Thoại, Du nắm bắt khá rõ về con người của Huệ.
Thoại còn tiết lộ với Du, không chỉ là kẻ dâm ô mà Huệ còn là tay khát máu. Năm
1777 Huệ đem quân đánh thành Gia Định nhân dân trong thành nguyện trung thành
với chúa Nguyễn nhất quyết thà chết không đầu hàng. Huệ điên tiết ra lệnh cho
quân lính chôn sống hai mươi hộ dân tổng cộng hơn một trăm nhân mạng hòng đe
dọa dân chúng trong thành. Sự việc này lịch sử không hề nhắc đến!
Những điều ấy Du giữ kín trong lòng. Du biết Huệ là kẻ có tài kinh bang tế thế
nhưng bản thân Huệ xuất thân hèn kém, giống như con cú phút chốc biến thành
phượng hoàng từ kẻ tay trắng bỗng đâu quyền hành đầy tay, dĩ nhiên những thói
xấu tiềm ẩn lâu ngày sẽ theo đà mà bộc lộ.
Ngày mai Du sẽ trở lại Thăng Long, ngoài mục đích gặp lại người con gái năm xưa
Du còn muốn xem sự tình ngoài đó hiện nay thế nào.
Ăn cơm chiều xong Du cho người sang mời Khản. Nghe bảo Du có chuyện quan trọng
về Thăng Long cần bàn, Khản không kịp thay đồ tất tả đi theo người nhà Du.
-Chuyến này em định cùng anh ra Thăng Long xem xem sự tình ngoài đó thế nào.
Theo ý em chỉ cần hai anh em mình đi là đủ, chớ nên mang theo người hầu lỡ có
sự việc gì xảy ra thêm rối.
Khản nhấp ngụm trà, nói:
-Chú nói cũng phải. Hiện nay Huệ như thế nào chúng ta chưa nắm rõ tốt nhất chớ
nên đánh rắn động cỏ.
Du đáp:
-Tính anh cương trực hay hành động nóng vội, lần này anh phải thật bình tĩnh có
chuyện gì cũng từ từ tính toán.
Khản cười ha hả:
-Chú cứ làm như anh là trẻ mục đồng không bằng. Rứa nhé để anh về thu xếp, chú
ngủ sớm đi, mai anh em mình lên đường.
Khản ra về. Du cầm mãi chén trà trên tay, nhìn vào bóng tối. Từ phía dòng Lam
vẳng lên điệu “giặm kể” buồn da diết. Du buột miệng thốt:
-Mai ta lại phải rời mảnh đất thân thương này rồi!
Làn gió lạnh phớt qua sân. Tiếng dế ngoài thềm xoi xói…
!
Thăng Long thành qua cơn binh biến phờ phạc như người phụ nữ bị hiếp dâm. Những
ngôi nhà kiến trúc cầu kỳ nay cửa lủng ngói nát. Nét mặt dân chúng người nào
người nấy lấm la lấm lét như tù mới được tha.
Du và Khản ghé vào quán nước bên đường. Du hỏi bà cụ chủ quán:
-Nghe nói từ khi Nguyễn Huệ đem quân ra dẹp loạn đời sống dân chúng ổn định lên
nhiều phải không cụ?
Bà cụ nhìn quanh dò xét hạ giọng nói:
-Hình như hai bác là người Nghệ?
Khản đáp:
-Đúng vậy.
Bà cụ nói:
-Chả giấu gì các bác từ khi Huệ ra đây làm bao nhiêu việc thất đức khiến nhân
dân oán hận nhưng quân Huệ như beo như cọp nên dân chúng ai cũng sợ chả dám lên
tiếng. Vua Lê thì ngu hèn Huệ nói gì cũng nghe. Trăm quan có mắt như mù.
Du liếc mắt ra hiệu với Khản, lấy tiền trả tiền nước chào bà cụ rồi hai anh em
vội vã đi tìm nhà trọ. Chiều buông nhanh, thành Thăng Long run rẩy như người
mới ốm dậy.
Đêm. Kinh thành Thăng Long tĩnh lặng. Có vẻ như qua cơn binh biến sự nhiệt náo
của vùng đất này đã bị bóp nghẹt thay vào đó là sự đìu hiu, hoang phế.
Chỉ có nơi nhà thổ không khí mua hoa bán nguyệt vẫn diễn ra rôm rả như thường.
Thời đại nào cũng vậy, chuyện nhục dục luôn là món ăn khoái khẩu của loài
người. Cái nghèo khổ, túng quẩn hay cuộc sống luôn bị cái chết rình rập không
khiến người ta quan tâm bằng nhục cảm thể xác.
Du và Khản chậm rãi tiến về phía khu phố “Bình Khang”. Mấy năm nay Thăng Long
thành kỹ viện thi nhọc mọc. Mỗi kỹ viện ra sau càng được xây dựng kỳ công hơn,
từ lối trạm trổ tinh vi đến lối trang trí lòe loẹt với mục đích chèo kéo khách
làng chơi.
Hai bên đường những cô gái trạc tuổi đôi mươi ăn mặc hở hang, uốn éo chào mời.
Khản nắm chặt tay, nghiến giọng:
-Hủ bại quá đi mất, nhà Lê đến thời mạt vận rồi. Ngay giữa chốn kinh thành mà ô
uế thế này thử hỏi sao mà dân không loạn nước không nhơ.
Du nói khẽ:
-Anh bình tĩnh, hãy nhớ chúng ta đi chuyến này tránh được rắc rối từng nào hay
chừng đó.
Khản vẫn còn hậm hực:
-Thật sự ta đã thờ nhầm chúa.
Hai người thận trọng đi đến Tĩnh Nguyệt Lầu. Du muốn rẽ qua thăm người năm cũ.
Lần này ra Bắc theo chủ ý của Du nên Khản hoàn toàn chấp nhận nghe theo chỉ đạo
của Du.
Hai người lấy phong thái đạo mạo bước vào, ngay lập tức năm sáu cô nàng môi
hồng má thắm chạy lại xun xoe:
-Ôi hai vị đại quan nhân, lâu quá mới thấy hai vị ghé chơi, khiến tụi em nhớ
quá giời.
-Ấy ấy, mày tham vừa thôi chứ, để vị này cho tao.
Thôi thì trăm câu ngàn câu ong ve . Khản cau mày khó chịu. Du day day áo Khản.
Khẽ cười nói:
-Xin các nàng cho hỏi hiện nay nàng Nguyệt Cầm có còn ở đây nữa chăng?
Mấy cô nàng liếc mắt nhìn Du lại nhìn Khản. Một cô nói:
-Không ngờ hai vị cũng là tay trăng gió không phải dạng vừa. Nguyệt Cầm cô
nương hiện tại vẫn là “món đồ quý” ở chốn này, tuy nhiên hôm nay hai vị đến
muộn mất rồi. Đêm nay Nguyệt Cầm cô nương đang bận tiếp một vị khách vô cùng
quan trọng, một vị anh hùng uy vũ bốn phương.
Một ý nghĩ chạy nhanh qua đầu Du, lẽ nào kẻ đó là Huệ chăng.
Ngay lập tức Du nắm tay Khản chạy nhanh lên lầu, mấy cô ả không ngăn kịp la oai
oái. Đã gần mười năm nhưng Du vẫn còn nhớ rõ căn phòng năm xưa. Cẩn trọng hai
người tiến sát lại. Phía trong tiếng một người đàn ông, giọng như sấm rền:
-Nàng hãy chiều ta đêm nay, đảm bảo rồi đây ta sẽ trao cho nàng cuộc sống phú
quý đầy đủ.
Tiếng người đàn bà run rẩy, van vỉ:
-Xin ngài hãy tha cho thiếp, nếu Ngọc Hân công nương mà biết thì cái mạng hèn
của tiện thiếp có khác gì con sâu con kiến, chết không đất dung.
Cộp tiếng chén dằn xuống mặt bàn:
-Khốn nạn, ả là cái quái gì, ngay cả chuyện làm cho đàn ông sướng khoái ả cũng
chả biết, thì mang danh công chúa thật uổng quá.
Du ghé mắt nhìn qua khe cửa. Một gã đàn ông uy phong lẫm liệt đang ngồi rót
rượu uống như voi, đích xác là Huệ.
Người đàn bà vẻ đẹp chim sa cá lặn tay ôm chiếc đàn Nguyệt ngồi co rúm dáng điệu
sợ sệt. Người đó chính là ý trung nhân trong mộng của Du.
Huệ đứng dậy tiến về phía người đẹp. Bàn tay thô bạo chộp lấy bờ vai nàng. Nàng
run lên:
-Ngài say quá rồi, ngài về nghỉ ngơi đi mai tiện thiếp xin hầu đàn tiếp.
-Ta chưa bao giờ sayrượu, nàng nên biết Huệ này chỉ say một thứ mà thôi, đó là
giang san Đại Việt này. Từ khi ta sinh ra trên cõi đời này đến nay thiên hạ
luôn nhìn Huệ này bằng ánh mắt khinh thường, ngay cả anh em của ta cũng xem nhẹ
ta, ta thề phải làm nên nghiệp lớn cho chúng nhân mở mắt mà nhìn Huệ này đầy
ngưỡng mộ. Nhưng đêm nay, ha ha, ta mới phát hiện ra ta còn say một thứ nữa, đó
chính là sắc đẹp có một không hai của nàng.
Người đẹp hoảng hốt đứng dậy, thoát khỏi bàn tay của Huệ. Huệ lao đến như con
hổ khát mồi.
-Nàng đừng cố cưỡng, hãy ngoan ngoãn chiều ta, thuận ta thì sống nhược bằng
nghịch ta thì chỉ có nước chết mà thôi.
Sự dồn ép của Huệ đẩy người đẹp lui dần đến sát chân tường. Nàng nhìn Huệ đầy
căm hận. Huệ cười sảng khoái:
-Ta nói rồi,cái gì mà Huệ này muốn nhất quyết dành cho bằng được.
Bên ngoài hai bàn tay Du nắm chặt tưởng chừng gãy từng khớp xương, toàn thân Du
run lên vì phẫn uất, Khản đứng bên bầu máu cũng sôi lên sùng sục. Khản cảm thấy
tởm lởm thay cho một kẻ được thiên hạ tôn xưng là đấng anh hùng đội trời đạp đất.
Hai bàn tay thô của Huệ ôm chầm lấy người đẹp, sự quẫy đạp của nàng thành vô
dụng dưới sức mạnh beo cọp của Huệ. Huệ nắm tóc nàng kéo lê lại giường, vật
nàng xuống, Huệ chộp lấy bình rượu trên bàn, đổ vào miệng nàng:
-Uống đi, uống với ta nào, say rồi hành lạc mới thống khoái.
Du nghiến răng nghiến lợi nói thầm “Qủa đúng như lời đồn của thiên hạ, hắn là
một tay bệnh hoạn”.
Khản đưa tay sờ thanh gươm bên hông, bụng bảo dạ:
-Đêm nay ta thề băm vằm tên khốn nạn này, bây giờ ta mới hiểu vì sao hắn lại
dựng Lê Chiêu Thống lên làm vua. Hắn muốn cho một kẻ nhu nhược hèn yếu hờ hững
ngồi ngôi cao để dễ bề thay triều đổi ngôi khi cần, không ngờ mưu kế của ngươi
thâm độc đến vậy.
Bên trong người đẹp đã bị Huệ nhồi rượu say khướt, tấm áo trên mình nàng đã bị
Huệ xé rách lộ ra bầu ngực căng đầy. Hai hàm răng Du cắn vào nhau bật cả máu.
Khản đưa chân đá văng hai cánh cửa, nhảy vào phòng, chỉa mũi gươm vào Huệ thét
lên:
-Hồ Thơm, ngươi là tên chó chết.Một kẻ dâm loàn, tàn bạo như ngươi không xứng
đáng được muôn dân ca ngợi.
Huệ quay lại, hai mắt đỏ ngầu, hai con tròng vằn lên từng tia máu:
-Mi là ai?
Khản dõng dạc:
-Ta là Nguyễn Khản.
Huệ cười ngạo mạn:
-Thì ra là con cò hen Ngàn Hống.
Khản lao về phía Huệ quyết tâm một đường kiếm lấy mạng Huệ, Huệ lách người rút
nhanh thanh gươm bên mình, vung lên gạt kiếm Khản.
Xoay tay đâm thốc vào ngực Khản, máu phún ra, Khản gục xuống, máu trào ra như
suối.
Đúng lúc đó rượu cũng vừa ngấm sâu vào nội tạng Huệ, Huệ gục luôn xuống bàn,
ngáy ri rí. Du liều thân lao vào phòng, nhìn nhanh ý trung nhân rồi mau chóng
xốc lấy Khản tẩu thoát.
Lịch sử ghi chép rằng “Bấy giờ có cựu tham tụng Nguyễn Khản ở Nghệ An ra khuyên
Đoan Vương “nên sai tướng đóng giữ kinh thành. Còn chúa thì rước xa giá vua Lê
đi Sơn Tây, không chế miền thượng du để toan tính việc cử sự sau này. Vả lại ở
bãi Tự Nhiên (Thường Tín, HàĐông) kíp thả cầu phao để chặn thủy sư của giặc.
Hai bên bờ sông đóng đồn quân theo lối “vẩy sộp” để đề phòng có sự xô xát xung
đột. Lại xin chiêu dụ bọn giặc thủy như Trương Dao và Ba Bá, ban thêm quan tước
cho chúng, khiến chúng chặn đánh phía sau quân Thủy Tây Sơn. Huệ và Chỉnh đã
nêu danh nghĩa phò Lê, nhưng khi vào kinh thành không gặp được Lê hoàng thì
tiến hay lùi cũng đều bất lợi. Một khi giặc mỏi mệt, hết lương ăn, tình thế tất
không ở lâu được. Bấy giờ ta kíp viết thư phi báo cho các hào mục Thanh Hóa và
Nghệ An khiến họ chận đánh đường về của Tây Sơn thì dù không bắt được Huệ,
Chỉnh, chúng cũng bị thiệt hại nặng. Chứ nếu giao chiến với chúng thì kiêu binh
(của ta) quyết không thể dùng được. Nếu thua một trận hết sạch như chùi, việc
nước tất hỏng mất “. Chúa toan nghe theo mưu chước của Khản, nhưng các quân họp
lại, làm ầm lên, cho rằng Khản đưa giặc đến, rồi chực giết Khản.”
Nguyễn Khản phải xin đi Sơn Tây, Hưng Hóa chiêu dụ nghĩa sĩ, được một tuần quân
ứng mộ khá đông ông giao cho em là tri phủ Nguyễn Trứ điều khiển tại Mỹ Lương.
Ông được lệnh chúa triệu hồi, vừa về thì bị cảm bệnh, ông qua đời ngày 17/9Â.L.
(1786)”
Cái chết của Khản là do chính tay Huệ giết lịch sử đã không ghi chép lại.
Du trở lại quê nhà. Sau khi an táng anh xong, hai năm sau Du về ở tại quê vợ
Quỳnh Côi, Thái Bình , và sống một cuộc sống khép kín.
Ngày qua ngày Du giam mình trong nhà, không đi đâu, đêm đêm Du chong đèn tận
khuya mài mực viết nên những bài thơ gan ruột, nỗi nhớ thương người con gái năm
xưa luôn hiện về dày xéo tâm hồn Du.
Có hôm người nô bộc bưng bữa sáng vào phòng cho Du, Du hỏi:
-Bên ngoài trời trong hay xám?
Người nô bộc nói:
-Dạ trời quang đẹp lắm ạ.
Du xua tay bảo người nô bộc đi ra, thở dài tự nhủ:
-Trời quang đẹp sao? Nhưng sao xã hội vẫn còn tăm tối ?
Bao giờ thì đời sáng đây?
Năm 1802 Nguyễn Ánh tiêu diệt nhà Tây Sơn lập nên triều Nguyễn sau nhiều lần
thoái thác Du chấp nhận ra làm quan, trải qua nhiều vị trí khác nhau, được cử
đi xứ nhà Thanh, tuy nhiên trong thâm tâm Du không hề muốn vướng bận cân đai áo
mũ. Lòng Du lúc nào cũng đau đáu nhớ về người con gái năm xưa. Và trong tâm
khảm Du hình ảnh những số phận con người khốn khổ không lúc nào nguôi.
Du bị bệnh dịch chết ngày mồng 10 tháng 8 âm lịch (16 tháng 9 năm Canh Thìn
(1820) lúc 54 tuổi.
Nghe nói trước lúc trút hơi thở cuối cùng Du hỏi người nhà:
-Chân tay ta lạnh chưa?
Người nhà đáp:
-Dạ sắp lạnh rồi.
Du lại hỏi:
-Hôm nay trời ra sao?
Người nhà đáp:
-Dạ trời quang đẹp ạ.
Du bảo mở cửa ra, bên ngoài lá bắt đầu rơi, mưa lác đác. Du thở dài:
-Cuối cùng trời vẫn xám!
Du nhắm mắt, nét mặt dường như vẫn còn đượm nỗi đau đời !
Trương Đình Phượng