08 October 2016

CHUYỆN NGƯỢC ĐỜI - Nguyễn Đạt Thịnh


Ngay sau khi chấm dứt hòa đàm với Nga về chiến tranh Syria, ngày hôm sau, thứ Ba mùng 4 tháng Mười 2016, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Brussels, thuyết trình về tình hình chiến trường, và chính sách Syria của Hoa Kỳ tại trụ sở NATO -Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.
Kerry nói, “Tôi muốn trình bày thật minh bạch để không ai có thể hiểu lầm là Hoa Kỳ muốn bỏ rơi người Syrians, chúng tôi vẫn bênh vực người Syrians và vẫn tiếp tục mưu cầu hòa bình; chúng tôi sẽ làm mọi cách để tạo ra những cuộc ngưng bắn thật sự và có thể thực hiện được, chúng tôi sẽ áp dụng mọi biện pháp, kể cả biện pháp cấm không cho máy bay chiến đấu của cả Nga lẫn Syria được cất cánh tại một số địa phương.”
Chuyện ngược đời không phải là kế hoạch mưu cầu hòa bình của ngoại trưởng Mỹ, được thực hiện bằng những phương tiện quân sự, như hỏa tiễn và súng phòng không để thi hành lệnh cấm bay; cũng không phải là việc khu trục cơ Mỹ có thể sẽ tấn công những phi cơ quân sự của Nga và Syria vi phạm vùng cấm bay. Mà ngược đời là thời điểm trễ tràng Kerry “khám phá” ra kế hoạch này.


Máy bay Nga chặn đánh đoàn công voa tiếp tế cho Aleppo


Tình hình trở thành căng thẳng hơn, nhưng Nga vẫn giữ liên hệ với Mỹ trên bình diện quân sự để tránh những va chạm đáng tiếc khi không lực đôi bên đều hoạt động trên không phận Syria -với danh nghĩa là để tấn công quân khủng bố IS.

Kerry đòi Nga và chính phủ Assad chấp nhận để những đoàn công voa tiếp tế nhân đạo được an toàn đem thực phẩm và y dược đến cho hàng triệu thường dân còn kẹt lại trong lãnh thổ Syria. Hôm 9/21/2016, một đoàn công voa tiếp tế bị phi cơ Nga tấn công, giết 20 người, và phá hủy 18 xe vận tải cỡ lớn, chở tiếp tế cho thành phố Aleppo.

Kerry kêu gọi Nga và Syria bảo đảm an ninh cho hệ thống đường tiếp vận dân sự, và có thái độ hợp tác với Hoa Kỳ trong những kế hoạch ngưng bắn. Ông nói, "Người Nga biết là ngưng bắn có thể thể hiện một cách công bằng và hợp lý."

Biết mà không làm vì Nga chưa muốn ngưng bắn, chưa thấy đủ thuận lợi chính trị để chính phủ Assad có đủ quyền lực trên lãnh thổ Syria như những năm tháng trước chiến tranh.

Tham vọng lớn hơn của Nga là một cuộc thương thuyết đình chiến rầm rộ như cuộc hòa đàm Paris về chiến tranh Việt Nam để Nga tìm lại được vang bóng một siêu cường mà Mỹ phải cầu cạnh để có hòa bình.
Kerry cáo buộc Nga cố ý kéo dài chiến tranh; ông nói, “Hoa Kỳ chúng tôi tin tưởng việc chúng tôi đang làm tại Syria là chính nghĩa, và chúng tôi tố giác thái độ của Nga nhắm mắt làm ngơ để quân đội Assad dùng bom hóa học, bom thùng giết thường dân Syria. Cả chính thể Assad lẫn chính phủ Nga đều đang có thái độ chủ chiến, đều mưu tìm thắng thế quân sự bằng cách oanh tạc vào những khu dân sự, tấn công bệnh viện, giết trẻ thơ vô tội.”

Việc Mỹ chấm dứt hòa đàm ngày thứ Hai 10/3/2016, và cuộc thuyết trình của ngoại trưởng Kerry với các quốc gia thành viên NATO ngay ngày hôm sau, cho thấy Mỹ đang thay đổi thái độ tại Syria: họ mưu cầu hòa bình trên chiến thắng. Tiến sĩ Nobel Hòa Bình Obama không đi vào con đường nhục nhã của tiến sĩ Nobel Hòa Bình Henry Kissinger.

Kerry nói, “Những quốc gia thật sự mưu cầu hòa bình không hành sử như Nga đang ầu ơ, đẩy đưa trên bàn hòa đàm.”

Nga lên tiếng, cũng ngay ngày thứ Ba 10/4/2016 -hãng thông tấn Nga Interfax loan tin phát ngôn viên Dmitry Peskov của chính phủ Nga tuyên bố, mặc dù không đồng ý với Mỹ về những vấn đề Syria, nhưng Nga vẫn muốn giữ tình trạng giao hảo tốt giữa Nga và Mỹ trên những địa hạt khác. Ngoài tình trạng giao hảo tốt đó, Nga còn không muốn Hoa Kỳ nỗ lực quân sự lớn hơn, không muốn Hoa Kỳ gửi những toán biệt kích sử dụng loại hỏa tiễn phòng không stinger vào chiến trường Syria như Mỹ đã làm trong trận chiến tranh 10 năm (1979-1989) tại A Phú Hãn, giúp quân kháng chiến đánh bại quân Nga.


Peskov nói, “Lập trường cố hữu của Nga vẫn là duy trì mọi liên lạc với Mỹ; nhiều lần chúng tôi đã khẳng định là chúng tôi muốn có liên hệ tốt với Hoa Kỳ.”

Nga vẫn lẻo lự trong kỹ thuật lúc đánh, lúc đàm, mưu cầu đoạt được những thắng lợi trên bàn hòa đàm mà họ không đủ sức chiếm đoạt trên chiến trường.

Nhiều lần Kerry tỏ vẻ chán nản với kỹ thuật 'đả đả, đàm đàm' của Nga, mặc dù 43 năm trước bị kỹ thuật này thuyết phục, anh trung úy 29 tuổi John Kerry tưởng là Việt Cộng và Nga, Tầu có chính nghĩa trong chiến tranh Việt Nam, lầm lẫn này khiến anh có thái độ chống chiến tranh, ném trả huy chương lên thềm Quốc Hội Mỹ.


Tờ The Wall Street Journal viết về thái độ cảnh tỉnh của Kerry qua việc ông đề nghị võ trang những loại vũ khí phòng không, và chống pháo cho những lực lượng kháng chiến chống nhà độc tài al-Assad; việc cung cấp vũ khí mới có thể qua trung gian của Turkey và Saudi Arabia.

Thái độ tỉnh ngộ của Kerry không chỉ trễ tràng vì 43 năm dĩ vãng, mà còn trễ tràng với một tháng còn lại của chính sách Obama; sau ngày bầu cử mùng 8 tháng sau, mọi quyết định trọng đại như võ trang hỏa tiễn Stinger cho quân kháng chiến Syria sẽ trở thành tế nhị hơn, khó thực hiện hơn, dù Donald Trump hay Hillary Clinton vào Bạch Cung.


Chuyện ngược đời không phải là chuyện tăng cường khả năng quân sự cho kháng chiến quân để mưu cầu hòa bình, mà là chuyện trễ tràng của ông Ngoại Kerry. Chiến tranh Syria đã bước vào năm thứ 6, mà chân lý hòa bình bằng sức mạnh chỉ đến với ông vào những tháng cuối cùng ông còn ngồi ghế ông Ngoại.
Ông hiểu chậm, hành động trễ đến 5 năm trời -1,825 ngày- mỗi ngày vài chục thường dân Syria chết vì bom, đạn.
Chuyện buồn của Syria hôm nay cũng có cùng một nguyên nhân với chuyện khổ đau của Việt Nam nửa thế kỷ trước: chuyện một số người Mỹ chậm hiểu.


Nguyễn Đạt Thịnh