Giọng thằng Chương ngân nga “Ở đời người ta lấy đĩ làm vợ, chứ ai lấy vợ
làm đĩ”
Xin đặt sự biết ơn và vinh danh những người phụ nữ miền Nam ở thời hậu
chiến (75-85)
Vùng sáng ấy bất chợt lóe lên, trong bóng tối. Mịn màng , vàng ngọc… không mang
tố chất của những sản phẩm nhân tạo mà ta vẫn động chạm đến hàng ngày. Sự tinh
xảo bởi đôi tay những người thợ thủ công, của kỹ thuật hiện đại đều bị bỏ rơi.
Dù rằng ở thời điểm này, người ta đã ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của con
người trong việc với tới. Nhưng vẫn còn xa… rất xa!
Con bé và cái vai trần. Một bông hồng nhỏ, màu thẫm, được xăm trổ công phu,
phía trên xương vai – như cái hẻm rẽ vào một quá khứ bí ẩn và tối tăm. Nàng chỉ
độ mười mấy. Quá trẻ với nột quá khứ nặng nề có khả năng bẻ ngoặt một đời
người.
Một động tác xoay mình khá nhanh, gần như một sự di hình. Và bóng tối nuốt trọn
nàng….
Sao lại luôn là bóng tối!…Sao lại luôn là nơi không tường tỏ mặt người???
Dạo ấy vào năm 1983. Tôi là thằng con trai lộc ngộc mới tốt nghiệp mười hai
xong, chẳng có một dự định gì lớn lao. Sức học làng nhàng khiến cái mục tiêu mà
bọn học sinh đồng niên mơ ước vươn tới là cổng trường đại học, với tôi quá ư xa
vợi! Cộng thêm cái lí lịch không được mấy trong sạch từ ba tôi, cũng cố thêm
cái niềm tin rằng tôi không thể đi xa hơn nữa trong việc học hành. Sau chuyến
đi thi với thằng bạn nối khố, thực chất là chuyến đi chơi Sài gòn cho biết, tôi
quay trở về Nha Trang và xin được công việc trong một hợp tác xã đóng ghe đánh
cá. Dượng Chín tôi _ Người giới thiệu tôi vào làm, có đóng góp cổ phần trong
đó.
Bỏ qua những năm dài giấy bút, những trò nghịch ngợm và lãng mạn của cuộc đời
học trò, tôi đối diện với cuộc sống thật….
Cái nghề này trong vài ba năm gần đây bỗng dưng trở thành nghề kiếm ăn được. Có
thể do nó bắt nguồn từ việc cung cấp một số lượng ghe thuyền cho những gia đình
Hoa kiều trong việc hồi hương hoặc đến một đất nước khác một cách khá dễ dãi,
gần như trong sự cho phép của chính quyền. Dưới áp lực kinh tế, việc làm ăn
ngày càng khó khăn và những vấn đề xung đột chính trị, từ trước và sau cuộc
chiến Biên giới vào năm 1979, đã đẩy phần đông số người Việt gốc Hoa_ những
người gắn bó số phận mình biết bao đời trên mảnh đất này, cùng chịu đựng những
mất mát, thương đau do chiến tranh gây ra với dân tộc này, đành rời bỏ cái xứ
sở, nơi niềm tin và tình thương đã biến mất theo quá khứ, hiện tại là sự đố kỵ
và tương lai là một chuỗi thù hận khó lường, ra đi. Một vài đứa bạn thân trong
giai đoạn cấp hai, gốc Tàu như thằng A Tỷ, A Mùi ….khăn gói theo gia đình ,
cũng lục tục hồi hương…Tôi còn nhớ đôi mắt ti hí của nó ướt nhèm và mấy hột xí
muội nó dúi vô tay….Lạy trời! Mai mốt không cầm súng bắn mày!
Vượt biên! Cái danh từ này bỗng dưng khá thịnh hành vào thời kỳ đó. Bọn nhóc tì
cải biên bài hát “ Ngày mai anh lên đường “ của nhạc sĩ Trần Tiến , hát rân
đường “ Vượt biên sang Hoa kỳ, là tương lai huy hoàng….”. Sáng ra thấy dăm ba
cái nhà trống hoác trong dãy phố. Những khuôn mặt quen thuộc biến mất. Đám
người chạy ra , chạy vô hôi của trước khi các vị chức trách phường khóm tới dán
giấy niêm phong….Xóm dưới đồn dấy lên “ Ghe nhà ông Bê mới đi tối qua…” Ngoài
bãi biển , một vùng cát bị khuấy lên , dép guốc, mì gói, quần áo quẳng lại ….Có
đêm có tới năm ba chiếc ghe đón người ra đi. Cuộc sống bế tắc đã đẩy hàng trăm,
hàng ngàn gia đình đánh đổi mạng sống của mình, mạo hiểm để tìm một vùng đất
khác sinh sống. Đêm hòa bình nhưng thỉnh thoảng lại có tiếng súng nổ lẹt đẹt ở
đồn biên phòng. Những chiếc ghe chở đầy người biến mất trong đêm. Tin tức quay
về có khi dăm tháng, một tháng … được tàu nước ngoài vớt, đang ở trại tị nạn
Philipine. Cũng có chiếc rất lâu, lâu đến nỗi gia đình thân nhân lo lắng, khóc
khô nước mắt và rồi quên lãng….vẫn không có chút tin tức. Những người trong gia
đình bèn lấy ngày ra đi của họ làm ngày đám giỗ. Có chiếc rất nhanh …vài
ngày…ngoài biển người ta vớt lên những xác người. Đám đông đổ xô hiếu kỳ đi
coi, đi nhận dạng thân nhân. Những người chết đuối có cái chết rất lạ. Những tư
thế rất khó hiểu. Những thi thể cúng đờ, sự chống chọi đến tuyệt vọng…. và nước
nhầy bịt kín hốc mũi. Da lạnh, trơn tuột như loài cá. Mi mắt không bao giờ nhắm
kín, chỉ khép hờ hờ….Những mảnh ván thuyền vỡ nát, dạt vào bờ cát, chõng chơ
như bộ xương …Đám nhặng xanh đậu kín!….
Mai lại có người vào văn phòng đặt làm chiếc ghe mới!…
Cơ sở đặt trên một miếng đất bồi, tả ngạn con sông Cái, lưng tựa vào núi
Sạn. Một vùng đất đẹp, còn hoang sơ, với cánh đồng lác chạy dài và hàng dừa rũ
mình , che chắn cái nắng cho con đường nhỏ. Xóm đạo với hơn vài chục căn nhà
đứng dựa vào chân núi. Một dãy những túp chòi tạm bợ , được dựng bằng những thứ
phế liệu chiến tranh kéo dài đến tận rìa sông, chấp chứa những mảnh đời trôi
dạt, đầy thương tích, rã rời sau cuộc chiến. Một ngôi nhà thờ đá, với cây thập
giá cổ kính, phảng phất nét buồn mỗi buổi chiều, lúc ánh sáng trở nên quá mong
manh và nhạy cảm. Và khi va phải thanh âm đục trầm của những tiếng chuông .
Chúng vỡ ra như kim tuyến, lan truyền như sóng, lay động vạn vật, khiến cái lô
cốt sứt sẹo, đầy vết đạn, đứng ở đầu con đường đất cũng không còn vẻ chai sạn
và tự kỷ vẫn có. Trong những khoảng khắc hiếm hoi của ngày, nó mang dáng dấp
đáng thương của một người tàn phế,,,,,
Sau mấy tháng làm việc nơi đây, nàng là tâm điểm cho sự chú ý không chỉ riêng
tôi, mà còn những thằng trai trẻ cùng tuổi trong cái tổ bốc vác_ bốn mạng này.
_ Con nhỏ dễ thương ghê mậy! Thắng _ gã tóc xoăn, da đen , lai Mỹ, trầm trồ. Nó
lớn hơn tôi một tuổi, vóc to cao, lanh lợi.
_ Nhỏ gì , đáng tuổi chị Hai mày à! Thằng Chương chen vào. Gã đẹp trai. Cặp mắt
to, sống mũi cao, chỉ tội lúc trước bị tai nạn gì đó phải mổ chân, nên đi cà
nhắc. _ Nhưng phải công nhận có cái dáng đẹp. Nó chép miệng, đứng chống tay ,
ngó cái bóng xa xa, miệng nhênh nhếch, khó ưa.
Thấy không gian im lặng, tôi liếc qua thằng Liêm tổ phó, thấy hắn ngồi ngây mặt
ra. Tròng mắt trắng cứng đơ như mắt con cá nục suông. Cục yết hầu nơi cần cổ
chạy lên, chạy xuống liên tục. Mấy sợi cơ nhỏ trên má giật giật. Người hắn căng
cứng như cái cây khô nỏ, như thể đợi chờ một tiếng đánh tách khe khẽ là thấy
hắn gãy gập, gục xuống…..
Anh Tư, tổ trưởng_ Tay bộ đội K phục viên, hai lần đi vượt biên không lọt, nãy
giờ cũng đăm về phía con đường, quay người lại. Tấm lưng trần có vết sẹo AK trổ
ra to bằng miệng cái ly, đỏ sẩm, hằn học trên lớp da cháy sạm. Phun bãi nước
bọt xuống đám cỏ gấu dưới chân, anh có vẻ trãi đời:
_ Con đĩ!…Bày đặt ra vẻ. Loại này tao thử cả trăm con rồi!
Con mắt của ba thằng bọn tôi như đứng tròng. Nhũng con ngươi dội ngược lên
đỉnh…..
Từ “ Đĩ” nói về một hạng người phụ nữ.
Tôi nhớ mấy câu thơ trong Kim Vân Kiều của thi hào Nguyễn Du:
Tiếc thay một đoa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về
Một cơn mưa gió nặng nề
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương….
Trong “ Khải hoàn môn” của Erich Maria Remarque, qua bản dịch của dịch giả Cao
Xuân Hạo.
“….Bà Rolande vẫy tay ra hiệu cho hai cô đến săn sóc ông khách đang ngủ gà, ngủ
gật trên chiếc ghế dài. Mấy người ban nãy đều ồn ào. Bây giờ trong phòng không
còn ông khách nào nữa. Mấy cô gái rỗi rãi đều xong ra chơi trò trượt trên sàn
đánh bóng như trẻ con đùa nghịch trên sân băng. Hai cô phi nước đại cầm tay một
cô thứ ba ngồi xổm lôi cô ta trượt suốt chiều dài căn phòng. Tóc họ xổ tung ra,
vú họ phơi trần trong gió, vai họ bóng lộn lên và những bộ trang phục bằng lụa
may rất ngắn không còn che được chút gì trên thân thể họ nữa. Họ reo lên vì vui
thích, và đột nhiên, tiệm Orisis, dường như đã biến thành một hình ảnh cổ điển
của cảnh điền viên tươi vui và trong trắng….”
…..
Sự ẩm mốc, mùi mồ hôi chua loét của căn phòng không lôi được tôi ra ngoài sự
háo hức. Gã ma cô, tóc tai bờm xờm trong bộ đồ trận của lính chế độ trước, ngồi
dưới ngọn đèn vàng rít thuốc liên tục, Nãy giờ gã không nói tiếng nào. Ba gã đã
“xong việc” đang đứng túm tụm phía ngoài, hút thuốc và tán chuyện, thỉnh thoảng
lại có một tràng cười khả ố và mấy tiếng tục tĩu. Bên trong, tiếng càu nhàu và
ken két của mấy miếng ván sàn, thể hiện sự “ xông trận” khá mãnh liệt của thằng
Liêm. Thằng “ đánh’ lâu gớm! Đúng ‘ cơ điên”! Gần nửa gói thuốc, tôi nhũn chí
và có ý định bỏ về. Nhưng rồi những thanh âm im bặt và bóng người xuất hiện nơi
cửa. Người hắn loang loáng mồ hôi. Cái cười méo xẹo, thỏa mãn một cách đau khổ.
“ Tới phiên mày đó!” Giọng nó như bị rút lưỡi.
Tối mịt và một khối gì đó nhão nhoẹt. Không hình thù gì rõ rệt! Một vệt xỉ mũi
trăng trắng vắt qua một đống giẻ rối nùi. Vệt xỉ mũi bất động với hình hài con
người. Cả trăm loại mùi mồ hôi. Mùi mồ hôi mới chồng lên mùi mồ hôi cũ, được
tưới lên bằng mùi dầu khuynh diệp cho đến khi nó sền sệt, bùn lầy, phì phọp
trong hơi thở. Nơi tận cùng của thế giới .Tôi đứng trân trối, nhìn vào cái thân
người nằm úp mặt vào vách, sức trẻ tiêu tán. …
Rồi cái vệt trăng trắng ấy chợt ngồi dậy, giọng nói có chút mệt mỏi” Cởi đồ ra
đi anh! À … Còn thuốc không cho tui một điếu!” . Tôi làm theo lời nàng và ngồi
bên cạnh đợi nàng hút thuốc. Nàng hít những hơi dài, ém thật sâu như gã nghiện,
rồi phả mạnh vào vùng tối trước mặt. Không gian đầy ứ những thứ lưu cửu như bức
tường chắn vô hình làm khói thuốc bật lại vào cả mặt tôi. Chúng tôi ngồi cạnh
nhau, hít được hơi thở của nhau, da thịt cọ vào nhau, nhưng lạnh ngắt, chẳng có
một thứ cảm giác gì. “ Anh bao nhiêu rồi?” _” Mười tám” Tôi thành thật. “_ Biết
ngay mà!” Một làn khói chậm, như hơi thở dài, trì trệ …”_ Thôi nằm xuống đi”
.Nàng dúi điếu thuốc hút dở xuống sàn gỗ, rồi đẩy ngửa người tôi ra sau…Thú
thật trong đám bốn thằng, tôi là thằng thanh niên to khỏe nhất . Tôi tự tin đến
mức cứ nằm đó mặc cho nàng làm gì thì làm. Tôi không nghĩ là cái thân hình gầy
nhom với cặp vú thõng, nhọn hoắc, thoắt qua , thoắt lại; thỉnh thoảng lại chọc
vào mắt một cách đau điếng…lại tiềm ẩn một sức mạnh kinh ngạc như vậy. Nàng vừa
qua tay 3 thằng rồi mà !…..Nhưng đó không phải là nhục dục, đó là sự điên
khùng. Đó không phải là sự ngọt ngào, giây phút lãng mạn, sự run rẩy tận hưởng
như tôi tưởng tượng, đó là sự chiếm đoạt và thù hận. Nàng cào cấu, ghì xiết tôi
như thể giết được tôi bằng chuyện đó…Rồi việc cũng xong, nàng gần như xỉu đi,
thiêm thiếp. Tơi tả và bầm dập, ngạc nhiên nhiều hơn, nàng cướp mất sự hiểu
biết ngây thơ của tôi về đàn bà, biến tôi thành một gã đàn ông trong sự cuồng
phẫn và thịnh nộ của mình…..
Anh Tư nhăn răng cười, đón tôi ở ngoài cửa:
_ Sao lần đầu vui không chú mầy?
Tôi cũng vờ chửi đổng cho qua chuyện:
_ Má…Con nhỏ nó làm chuyện đó như thù ai….
Mà nàng thù hận cái gì cơ chứ?????
. Sự việc để lại một ấn tượng khó phai và đen tối, nhưng tôi xem đó như một
tai nạn, một thứ đường quá lửa, để biến thành thứ nước làm màu kho cá, đắng
nghét. và cố nhiên, nó cũng chẳng dễ dàng ngay lập tức biến tôi thành một gã
đàn ông cục súc , có cái nhìn tật nguyền với cuộc sống. Bởi nó không đủ khả
năng .Có thể, tôi quá trẻ. Quá trẻ để lướt qua tất cả và thách thức với những
trãi nghiệm còn ở phía trước.
Chiều lãng đãng và nắng đã úa. Những con gió từ phía biển thổi lên làm mặt sông
gợn nước lăn tăn, hắt những tia sáng vàng ruộm lên bãi lác xanh ngút ngàn, trãi
dài bên bờ. Một khoảng khắc thiên nhiên vung vãi một cách hoang phí tất cả tài
sản chúng dành dụm được trong ngày cho mỗi một việc là làm đẹp cho mình, làm
đẹp cho đồng loại. Những tia ánh xạ bắt dính vào những hình hài gãy khúc của
đám thực vật đen đúa quá quen thuộc thường ngày, nhúng nó trong những phông màu
khó tưởng tượng là nó sẽ có ,để làm nổi bật lên những đường nét của nghệ thuật
, gợi dậy những xúc cảm , đầy quyến rũ và mơ màng. Chuông nhà thờ đổ từng tiếng
một lay động không gian và những con sóng màu xanh của đồng lác lại gợn lên,
thi nhau đổ cuộn về một nơi nào đó phía chân trời vô định. Trên con đường đất
nhỏ, nơi cái lô cốt sứt sẹo đứng án ngữ, lại xuất hiện bóng người. Dáng người
gầy, chiếc nón cũ , bộ đồ vải hoa bạc màu. Mái tóc cắt ngắn, lòa xòa. Cái màu
trắng lẻ loi, thấp thoáng giữa ngọn sóng trùng ngộp của đám lá liễu và cái lô
cốt già nua đứng nơi đỉnh dốc đem đến những suy tưởng không còn giá trị với
thực tại. Nếu cái hình ảnh này xuất hiện khoảng chục năm về trước, chắc cuộc
chiến đã xoay theo một chiều hướng khác. Và những gã đang rình rập chực để giết
nhau ở cả hai bên , hẳn đã phải buông súng để ngắm nhìn và tư lự, tự hỏi về cái
điều mà mình đang dấn thân vào….. Cái hình ảnh lãng mạn quá, hòa bình quá!
Nhưng trong một kết cuộc phân định và sau gần chục năm, một khoảng thời gian đủ
cho một thế hệ như bọn con nít chúng tôi trưởng thành, đứng chiêm nghiệm một
tác phẩm như khát vọng những thế hệ đi trước như buộc phải đứng một tòa án mà
lương tâm bị chất vấn liên tục, sự hối phẩn thổi bùng, một dư vị chua chát bao
trùm và đối đầu với một nghịch lý dường như không có câu trả lời.
Tôi không đủ can đảm đứng nhìn cái hình ảnh ấy thêm lần nào nữa. Tôi thở dài,
ngao ngán quay đi…..
Nàng hơn tôi khoảng tám tuổi. Tầm hai lăm, hai sáu. Vào khoảng tuổi đó, lúc
chiến tranh chấm dứt nàng cũng tầm mười tám. Lấy chồng sớm. Chồng nàng, tay
thương phế binh cụt một giò, mỗi tối , vẫn đứng gác bên ngoài. Nghe nói đâu
trước đây, trung úy, biệt động quân thì phải. Hai vợ chồng quê gốc đâu miệt
ngoài, trôi dạt theo con sóng tản cư và tấp vào đây, cuối cái xóm đạo này.
Không thấy con cái gì cả. Chẳng gốc, chẳng gác. Chẳng có mối quan hệ anh Bảy,
Chị Tám nào,,,, Cái áo cũ rũ một cái còn ra cái này cái nọ. Không con chí, con
rận, cũng còn hơi người….Đây tuyệt nhiên không có gì.
_ Con nhỏ thiệt gặp trúng thằng chồng khốn nạn! Trong phút nghỉ tay, một thằng
nào đó trong nhóm, buột miệng. Gặp như tao, tao giết mẹ thằng chồng cho rồi.
Thằng Chương cười ruồi, ngâm nga”_ Ở đời người ta lấy đĩ làm vợ, ai lấy vợ cho
vợ làm đĩ …
Những cái đầu đâm ra nghĩ ngợi….
Đến lượt anh Tư, lãnh tụ của cả nhóm:
_ Vậy người ta sống bằng cái gì tụi mầy. Tụi mầy còn tay, còn chân, còn kiếm
được công ăn việc làm. Gia đình nó như vậy , thằng chồng thương phế binh cụt
què, con vợ bệnh hoạn….Lần sau có đi, tránh giùm chỗ đó ra! Má… mà nghĩ cũng
khốn nạn….
Tự dưng, tôi lại nghĩ về gia đình tôi. Cũng như những gia đình miền nam ở những
năm đầu 80. Sự khó khăn về cái ăn , cái mặc bắt đầu lần mò vào từng ngôi nhà,
vơ vét chút mảnh tài sản cuối cùng mà gia đình còn có được. Cái xe Honda là cái
tài sản cuối cùng của cả nhà vừa mới được bán hôm qua. Cái nhà gần như trống
hoác, công cuộc vô sản hóa đã thành công , …. Tôi cám thấy ân hận trong cuộc
tranh cãi quá đà với ba tôi về đề tài đồ Mỹ tốt hơn hay đồ Liên Xô tốt hơn. Ba
tôi cứ khăng khăng là đồ Mỹ tốt nhất, nhưng khi tôi vặn lại, tốt vậy tại sao
thua, thì ông không trả lời được…Câu chuyện đã đến chỗ gay gắt, đến nỗi ông tức
mình, quát tôi _ “ Đồ mất dạy!”…Sáng nay ông không nhìn mặt tôi, khi tôi đi
làm. Nhưng khi thấy ông lầm lũi , vác cái cuốc ra miếng đất trồng khoai mì
trước nhà, tôi mới thấy hối lỗi…Ông như một người thua cuộc, Không hẳn thua
cuộc do một cuộc chiến, ông đã đóng góp gần nữa đời người, mà cuộc sống hiện
tại còn truất phế những đặc quyền của một người đàn ông gia trưởng, chặt đứt sự
ăn sâu của một nền giáo dục phong kiến kéo dài…Lòng tự trọng đã giết ông một
phần , phần còn lại là do những thứ trước đây tưởng chừng vụn vặt như miếng
cơm, manh áo nay biến thành những thứ quá căn bản, mà sự chu cấp của ông gần
như bất lực , với 5 miệng ăn. Vị thế của ông trong gia đình đã biến mất, và
được thay bằng hình ảnh của người phụ nữ, má tôi. Một thể chế mẫu hệ lên ngôi,
ít nhất là trong từng gia đình nhỏ, ở miền nam, thời hậu chiến. Những người đàn
bà tiếp quản vai trò của người đàn ông, giờ trong vị trí yếm thế, một cách bản
năng và khá độc đoán…
Nhưng trong thực tế, khi nhìn hình ảnh của những bà chỉ thạo nội trợ, những phu
nhân quần là, áo lượt ngày trước …giờ phải tất bật chạy tới, chạy lui khuân
từng bao hàng, né bọn quản lý thị trường rượt chạy như vịt hoặc cặp kè cái túi
xách, miệng liên tục hỏi những anh lính đi K mới về.”_ Có gì bán không anh?”
kiếm từng đồng bạc về nuôi đàn con nheo nhóc và ông chồng hoặc đang cải tạo
hoặc vất va, vất vưởng không công ăn việc làm… Dưới cái nắng ngập ngụa, những
giọt mồ hôi ròng ròng, thân hình tơ tướp bị nhồi lên, nhồi xuống từ chuyến xe
lửa đông nghẹt ….cũng gợi lên một xúc cảm và một thứ tình cảm để bấu víu, cái
dành những người mẹ, người chị…..Cố nhiên kéo theo cùng với nó cũng có khá
nhiều bi kịch và đổ vỡ…..
…. Tôi lôi hắn dậy bằng một tay, tay kia quai ra sau, chuẩn bị cho một cú
đấm nữa. Đôi mắt hắn đã lạc đi, miệng méo xệch…Một người nào đó giằng tay tôi ra
“ _ Mày đánh chết nó sao mậy?” . Tôi dúi hắn chúi luôn vào một bụi cây. Cây
nạng gỗ theo quán tính văng vào con mương gần đó. Tiếng mấy người đàn bà lao
xao “ _ Coi con nhỏ có bị sao không?”; “ _ Thằng ác nhơn, nó đập con nhỏ quá
trời!” Đám người túm tụm lại xem càng lúc càng đông…. Tôi quay qua tìm nàng.
Nàng ngồi thu lu trong bụi, nhỏ thó như con thú bị thương. Đôi mắt dáo dác,
hoảng loạn, Khuôn mặt đầy những vết sưng vù, tím bầm. Tôi đưa tay kéo nàng ra
ngoài, nhưng vừa chực đứng dậy, nàng đã khuỵu xuống. Khuôn mặt nhăn nhó vì đau.
Chắc cái chân bị sao rồi! “ Kiếm chiếc xich lô đưa đi bệnh viện đi.” Một người
nào đó nói. _” Ở ngoài xóm…” Tôi bế xốc nàng lên. Người nàng gọn bân và nhẹ
tênh. Mắt nhắm nghiền. Những sợi tóc lòa xòa bết lại trên trán. Mùi dầu khuynh
diệp phảng phất và sự tiếp xúc da thịt, thứ mà tôi cảm nhận được suốt quãng
đường là một làn da lạnh ngắt….làn da của một cái chết tự đâu lâu lắm rồi!…..
Tôi quay trở lại tìm hắn. Khó mà nói, tôi cảm thấy căm hận hắn như thế nào. Tôi
nhặt lấy một khúc cây ven đường, nhưng rồi lại quẳng nó đi. Tôi nghĩ tự tôi có
thể giết được hắn với đôi tay trần thế này. Bàn tay tôi bóp chặt lại, gồng cứng
trong hai nắm đấm với tất cả sức trẻ và tôi tưởng tượng ra cái cổ họng dài
ngoẵng, nhớp nhúa của hắn, nằm gọn trong ấy. Cả cặp mắt hắn lồi ra, trắng dã,
trợn ngược…
Đám đông đã tản. Chiếc xe đạp cà tàng ai đó đã tử tế dựng lại bên vệ đường,
cùng cái chân gỗ chõng chơ gác bên trên. Tôi đưa mắt tìm hắn và đỗi lâu mới tìm
ra. Tôi đi về phía hắn, những bước chân chắc nịch. Hắn ngồi đó, rũ xuống trên
mố cây cầu, mặt quay về cánh đồng lác. Trông già xọm và yếu đuối. Tôi nắm cổ áo
hắn , rít lên_ “ Đ, má , sao loại như mày khốn nạn dữ vậy mày?” Hắn không phản
ứng gì, Cái áo rằn ri trật xuống một bên, để lộ nửa tấm lưng trần, chi chít
những vết sẹo to nhỏ. Khốn nạn! Tôi chưa bao giờ thấy một thân người mang đầy
những thương tích như vậy. Những vết sẹo như những con rết màu đỏ thẩm, dài
ngoằng, với hàng trăm cái chân, móc chặt trên sự sống mong manh là tấm da người
này. Cái này chồng lên cái kia, xoắn vào nhau, rối nùi. Chúng xiết vào nhau
khiến cả tấm lưng vẹo vọ, một cách khốn khổ mỗi khi có một cử động nho nhỏ nào
đó. Khuôn mặt hắn đẫm nước mắt. Những giọt nước mắt liên tục trào ra, đánh
thành một dòng chảy ri rỉ giữa dám bụi đất bám trên gò má, tưới đẫm cả đám râu
ria xồm xoàm, đọng giọt nhiễu nhão. Hắn đang khóc. …Cái dòng chữ “ Xa quê, nhớ
mẹ” xăm bằng mực tàu, đập vào mắt tôi, khi hắn đưa mu bàn tay lên chùi nước
mắt.
Khó mà nói được cảm xúc trong tôi thế nào. Một sự trống rỗng đến lạ lùng! Sự
căm hận mới bùng phát lúc nãy, bỗng tan biến. Tôi bước đến ngồi xuống bên hắn.
Chỉ thấy một sự đồng cảm dâng ngập, làm sống mũi cay cay…. Mặc hắn cứ khóc, tôi
ngồi đó đăm mắt vào bức màn sẫm của hoàng hôn đang phủ xuống. Phía ấy, những
con sóng của cánh đồng lác bạt ngàn cái này nối tiếp cái kia, xuất hiện, ruổi
nhau chạy như không dứt và rồi tan vỡ . Ở những thế hệ khác nhau nhưng chừng
như chúng tôi cùng mệt mỏi như nhau và không mong tìm kiếm cái gì hơn….
Bẵng đi một thời gian, câu chuyện cũng bị quên lãng. Thỉnh thoảng tôi vẫn
thấy gã thương phế binh chở nàng đi về trên chiếc xe đạp cà tàng, nhưng tôi
luôn tránh mặt. Những câu mẫu chuyện với bọn thanh niên trong tổ, mỗi lúc liên
quan đến hai con người ấy, đều bị tôi phá bĩnh hoặc tìm cách lái câu chuyện
sang hướng khác. Có lần, tôi có vào một quán giải khát gần đó, để uống nước.
Vừa kéo ghế định ngồi xuống, thì nghe mấy người đàn bà ngồi trước tán chuyện_
Một câu chuyện loáng thoáng dính dáng đến nàng…Không đợi người đàn bà nói đến
câu thứ hai, tôi tức tốc bật dậy, trả luôn tiền nước, bước ra ngoài với vẻ hằn
học, mà con nhỏ bán quán cũng sững người, ngạc nhiên…Tôi có cảm giác như đang
chạy trốn một cái gì .
Hắn đi phía trước tôi và tôi nhận ra ngay . Không quá xa để không thể không
thấy cái tấm lưng xiêu vẹo, cái áo trận lệch hẳn một bên về phía cái chân còn
lành lặn và cũng gần đủ để nghe tiếng gãy khúc cộc cộc của cái pédal , khi nó
bắt đầu mất dần lực nhấn và chuyển sang nửa cung tròn của quán tính. Tôi định
bụng giữ nguyên khoảng cách, hết quãng đường này, đến chỗ cái lô cốt, là ai đi
đường nấy. Những con tính đơn giản nảy sẵn trong đầu!
….Nhưng tôi đối diện với hắn. Gần đến nỗi hai khuôn mặt gần chạm vào nhau. Hoặc
hắn đã đợi tôi trước vì tôi thấy khuôn mặt hắn ráo hoảnh, đôi mắt tự tin đến lạ
lùng. Tôi bối rối và cũng không ngờ một thân thể tàn tật như hắn lại làm một
góc cua 180 độ trên chiếc xe đạp một cách khéo léo và xuất hiện đột ngột trước
mặt như một con ma. Thoáng tái người đi qua khá nhanh, tôi ghìm cái cơ thể cứng
ngắc của gã bốc vác trong sự chờ đợi.
_ Qua cám ơn em! Hắn chỉ nói độc mỗi câu, rồi quay xe đi.
Ơn trời tôi chỉ cần câu nói đơn giản như vậy…
….
Bận sau này, tôi không còn gặp hắn và nàng . Người ta bảo hắn đã vượt biên hay
đi Mỹ trong diện HO rồi. Thời gian đi qua, bọn thanh niên trong tổ chẳng còn ai
nhớ đến chuyện ấy. Anh Tư cưới vợ, đi làm chỗ khác. Thằng Thắng đi Mỹ diện con
lai. Hôm chia tay nó nhắc đến chuyện “ Con đĩ”, nhưng chẳng có đứa nào còn hào
hứng. Còn tôi, thỉnh thoảng một mình trong ánh nhập nhoạng của hoàng hôn, đối
diện với cánh đồng lác bạt ngàn tôi lại nhớ đến nàng và gã. Cầu mong cho gia
đình họ ở một phương trời nào đó, có một cuộc sống an vui, sung túc và lãng
quên đi quá khứ …hoặc mạnh mẽ dẫm lên nó, để sống, như hành động mà gã đã làm trong
lần sau này gặp tôi.
Ở một nút giao nghiệt ngã, nơi người ta gọi là hoàn cảnh, tại một thời điểm
nhất định có những số phận được chặt vào nhau một cách ngẫu nghiên dưới những
tác động cũng hoàn toàn ngẫu nhiên và khi bước qua thời điểm đó, đôi lúc cái hệ
quả duy nhất ta có chỉ là cái nhìn chín chắn hơn về những thứ đã xảy ra. Có
thể, nàng đã biến tôi thành một người đàn ông, trên quan điểm ấy!
NhaTrang, 25 tháng 5 năm 2016
Vũ Khuê