Nhân dịp nói chuyện Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej, tôi
muốn chia sẻ vài trải nghiệm và cảm nhận của cá nhân tôi về người Thái. Tôi có
một thời gian dài hợp tác nghiên cứu với các đồng nghiệp Thái Lan, và họ thậm
chí coi tôi là ... người Thái. Trong những chuyến công tác bên Âu châu, thỉnh
thoảng tôi đi chung với đoàn Thái Lan.
Tình cảm con người thay đổi theo thời gian, đúng như câu
"chẳng ai tắm một dòng sông 2 lần." Tôi nghĩ hầu hết người tị nạn thời
thập niên 1980s chắc không ưa Thái Lan. Tôi cũng thế. Hàng trăm ngàn người mình
chết trên đường vượt biên, một số là do cướp biển. Nhìn cái cảnh đồng hương
mình sống sót khi nhập trại tị nạn tôi có thời gian căm thù Thái Lan. Nhưng thời
gian rồi cũng làm nguôi ngoai trước những bức xúc thời cuộc. Bình tâm nghĩ lại
sẽ thấy người tị nạn mang ơn các nước như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật
Tân. Nếu không có những nước này cung cấp trại tạm cư tị nạn thì làm gì chúng
ta có ngày nay. Việt Nam mình có bao giờ dung chấp người tị nạn đâu? Chưa bao
giờ. Người Duy Ngô Nhĩ mới qua biên giới thì Việt Nam đã trả về cho Tàu -- thật
là ác ôn. Nhìn như thế sẽ thấy chính quyền Thái Lan tử tế hơn và văn minh hơn
mình nghĩ.
Sau này, từ đầu năm 2000 trở đi, tôi hay đi nói chuyện bên
Thái Lan. Tôi đi từ Bangkok sang Chiang Mai, qua Phuket đến Pattaya. Nói chung
là đi nhiều nơi, có khi còn về thăm trại tị nạn nữa, nhưng bây giờ là những dãy
nhà dân rồi, không nhận ra nơi mình đang ở đâ trước đây. Tuy nhiên, những chuyến
đi đó chủ yếu là "cưỡi ngựa xem hoa", vì chỗ nào cũng chỉ vài ngày.
Nhưng mấy năm trước, qua một đồng nghiệp Thái thân thiết (người mà anh ta xem
tôi như là anh ruột), tôi có thời gian hơn 1 tháng ở thành phố Khon Kaen, giống
như Cần Thơ mình. Tôi đến đó với tư cách là một visiting professor. Nói là làm
việc cho Đại học Khon Kaen (KKU), chứ trong thực tế tôi bay đi về Việt Nam nói
chuyện trong các hội thảo hoài, và Trường cho tôi cái tự do đó. Thời gian ở KK
là một trong những thời gian đẹp của đời mình, vì được sống lại suốt 1 tháng trời
ở vùng Đông Nam Á, dù sao cũng là quê mình.
Nhưng cái thời gian đó cũng làm tôi trăn trở mãi đến ngày
hôm nay. Tôi thấy Thái Lan giàu quá. Không chỉ giàu về kinh tế vốn đã đi trước
VN mình cả nửa thế kỉ, nhưng giàu về tình cảm và đạo đức xã hội.
Ngày đầu tiên tôi đến nhận phòng trọ đã là một ngạc nhiên.
Trường cho tôi ở một nơi gần Khoa Y để tiện đi lại, nên họ kiếm nhà trọ sạch sẽ
và mới. Cô tiếp viên nói tiếng Anh như gió, nhưng bà mẹ thì chỉ cười vì không
rành tiếng Anh. Tôi vào nhận phòng, hài lòng ngay, vì phòng rất rộng, thoáng, sạch
sẽ và mới, view nhìn ra sân vườn rất đẹp. (Cái vườn có nhiều cây trái này, chiều
nào tôi cũng bắt võng nằm nhìn trời và mơ mộng). Tôi tìm hoài trong phòng mà
không thấy cái safe (tủ để tiền và đồ tương đối đắt tiền). Tôi xuống gặp cô tiếp
viên phàn nàn là sao không có cái safe. Cô ấy hơi ngạc nhiên, rồi nói "Oh,
ở đây đâu cần cái đó"! Tôi kinh ngạc tưởng mình nghe lầm, và lặp lại là
tôi cần cái safe chứ. Nhưng cô ấy chỉ tay ra cái hàng xe Honda và xe đạp, rồi
nói "Ông thấy đó, đâu có xe nào có khoá đâu. Ở đây không có chuyện ăn trộm
xe, cũng chẳng ai vào phòng ông lấy đồ." Rồi như để trấn an, cô ấy chỉ một
ông người Mĩ đi ngang, nói: "Đấy, cái ông doctor đó ở đây 3 tháng rồi, đâu
có safe gì đâu." Tôi thấy mình đúng là đến từ nơi kém văn minh, nên cái gì
cũng nghĩ đến khả năng bị ăn trộm. Ôi, sao xứ người ta hiền lành thế!
Người dân ở đây rất dễ mến, hiểu theo nghĩa họ chẳng làm tiền
những người nước ngoài như tôi. Lúc nào họ cũng cười. Chiều tối nào tôi cũng dạo
quanh một vòng khu phố chung quanh đại học, và món tôi thích là xoài, xà lách
đu đủ, và một lon bia. Ngồi nhâm nhi nhìn người qua lại cũng vui. Tôi không biết
một chữ Thái nào, và ít người bán hàng biết tiếng Anh (có người biết tiếng Anh,
nhưng ít). Vì thế liên lạc nhau tất cả chỉ là chỉ dùng tay thôi. Tôi cố ý làm
"thí nghiệm" trong tuần đầu, đi thử nhiều chỗ, xem họ có lấy thêm tiền
hay "hét giá" không. Không hề. Chỗ nào cũng bán với giá y chang nhau.
Tiền thối không thiếu một cent nào. Có chỗ thấy tôi đến thường xuyên còn làm
cho dĩa xà lách đu đủ nhiều hơn dĩa bình thường nữa chứ!
Sau này tôi mới biết là có khoảng 100 du học sinh VN đang học
masters và PhD ở đây. Mấy em ấy nghe tin tôi là visiting prof người Việt, nên đến
làm quen. Hoá ra, đa số các em này đều đã đọc blog của tôi và họ đang áp dụng
những gì tôi chỉ trên blg để theo học ở đây. Mấy em này có hẳn hội du học sinh.
Một hôm các em ấy tổ chức hội thảo mời tôi đến nói chuyện về khoa học. Có cả Gs
Phùng Đắc Cam đang công tác bên đó cũng đến dự. Buổi nói chuyện hết sức hào hứng
và mấy em ấy có nhiều trăn trở, so sánh ...
Thế là tôi có thêm bạn, chiều nào đám đàn ông cũng kéo nhau
đi ... nhậu. Chỗ đó có nhiều nhà hàng lộ thiên chuyên bán món thịt nướng. Thực
khách trả một số tiền cố định, rồi tự mình đi lấy hải sản, thịt thà, rau cải,
v.v. nướng và tự phục vụ. Tôi không thấy bảng hiệu về hạn chế số thực phẩm có
thể ăn. Chúng tôi thường hay kéo nhau ra những quán này để nhâm nhi. Thoạt đầu,
mấy em ấy sợ tôi say xỉn, nhưng sau này thấy tôi có thể "tiếp chuyện"
đến 9-10 giờ đêm, nên thầy trò chẳng còn ai giữ kẽ nữa.
Văn phòng tạm thời của tôi nằm trong một bệnh viện của Trường.
Ngày đầu tiên đến nơi nhận nhiệm sở, tất cả thủ tục hành chính, máy tính, nối mạng,
email, chìa khoá, v.v. và v.v. chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ. Tôi chẳng làm gì cả,
ngoài điền mấy cái form, và có người đến giúp tôi kết nối mạng. Các bạn thử tưởng
tượng với một campus lớn rộng hơn 3 triệu m^2 (gấp 30 lần diện tích trường ĐH
Tôn Đức Thắng), mà ở bất cứ building nào cũng có wireless access. Và, không cần
nói thêm rằng chất lượng wireless của họ y chang như trường UNSW bên Úc. Xem thử
cái thư viện, nó lớn gần như một đại học Hoa Sen. Cơ sở vật chất ở đây quá tốt.
Xin nhắc lại, đây chỉ là đại học vùng như ĐH Cần Thơ thôi (nhưng hình như đứng
hạng 4 của Thái Lan).
Tôi nể phục kỉ luật của sinh viên Thái. Như tôi nói, KKU là
một trường rất lớn, chiếm nguyên một khu rừng đẹp, với diện tích hơn 3.3 triệu
m^2 (tức khoảng 350 ha). Trường có khoảng 40 ngàn sinh viên. Mỗi ngày có hơn 10
ngàn xe hơi của sinh viên ra vào Trường. Điều kì diệu là với lưu lượng xe đó mà
không hề có một tiếng kèn! Chiều chiều, tôi đứng trên lầu 10 nhìn xuống thấy xe
ra rất trật tự. Chỉ có 1 anh bảo vệ duy nhất điều phối giao thông của Trường.
Ở đó một thời gian tôi mới biết người Thái có tôn ti trật tự
trong sự kính trọng. Vua là người được kính trọng số 1. Kế đến là nhà sư, thứ
hai. Sau hay ngang hàng nhà sư là thầy giáo, kể cả giáo sư đại học. Cách họ chấp
tay chào cũng thể hiện trật tự này: chào vua là phải chấp tay cao hơn đầu, chào
sư và thầy là chấp tay ngang trán (?), còn chào người bạn bình thường thì chấp
tay ngang cằm. Có thể tôi nhớ sai, các bạn biết có thể chỉnh sửa cho.
Sự kính trọng dành cho người thầy rất ấn tượng. Cứ mỗi lần
tôi đi thang máy, vì chức danh của tôi là thầy, nên các em sinh viên và bác sĩ
đều nhường tôi vào trước. Mấy ngày đầu tôi không quen, nên nhường mấy em nữ đi
trước, nhưng họ nhất định bảo tôi phải vào trước. Sau này, anh bạn đồng nghiệp
giải thích tôi mới biết đó là đặc quyền của thầy. Ngày nào tôi cũng có lịch
trình làm việc, và lịch trình cho biết tôi sẽ gặp ai, bao lâu, về vấn đề gì.
Ngày thì tư vấn cho một em nghiên cứu sinh, ngày thì bàn về đề cương nghiên cứu
với một giáo sư, có ngày chỉ "tán dóc" với một em sinh viên ngưỡng mộ
mình qua mấy bài giảng (nhưng phải nói sinh viên loại này cực kì thông minh).
Ai cũng nói tiếng Anh thông thạo, do đó tôi hoàn toàn thấy mình là người trong
"bộ lạc". Có khi tôi tự hỏi biết bao giờ VN mình sẽ có một thế hệ
sinh viên như vầy.
Ở đó một tháng, nhưng tuần nào cũng gặp sếp lớn của Trường.
Tuần thì đàm đạo với hiệu trưởng, tuần thì khoa trưởng, tuần thì phó khoa, v.v.
Ai cũng niềm nở tiếp tôi mà không hề phân biệt "yếu tố nước ngoài"
hay người Thái. Chắc chỉ là ngoại giao để tỏ lòng hiểu khách thôi. Tôi thấy ai
cũng có tầm nhìn chiến lược, và cạnh tranh ghê gớm. Họ còn cho tôi xem báo cáo
chiến lược và xin ý kiến. Những báo cáo về bibliometrics được cập nhật hàng
tháng, và họ theo dõi các "đối thủ" như Chiang Mai, Songkhla rất sát.
Dù biết tôi là người Việt, nhưng họ không hề giấu giếm ý đồ sang Việt Nam thu
hút các sinh viên và nghiên cứu sinh giỏi.
Một lần, anh hiệu phó chỉ tôi mấy căn nhà giống như biệt thự
trong khuôn viên rừng, và hỏi "anh muốn có 1 cái không". Tôi mỉm cười
nói "nhìn thấy lí tưởng quá, ở đó chắc ngày nào cũng holiday cả." Anh
ta cười lớn, rồi nói tôi tưởng tượng phong phú quá; đó là nhà của các giáo sư.
Anh ấy nói ngày nào tôi nghỉ hưu thì về đây để ở cho thoải mái. Ở đây giáo sư
có đặc quyền nhà cửa và con cái đi học nếu họ làm nghiên cứu tốt; nếu không thì
sẽ bị giảm đặc quyền. Do đó, nhìn chủ nhà của các căn biệt thự này chúng ta biết
đây là những người giỏi và còn tồn tại!
Cuối tuần nào cũng được anh bạn chở ra ngoài thành phố, về
các miền quê. Đó là yêu cầu của tôi, vì tôi nghĩ về miền quê mới biết
"trái tim" của Thái Lan, chứ ở thành phố thì chỗ nào cũng giống giống
nhau. Ui chao, những xa lộ 6 lane được xay dựng hơn 40 năm trước, với xe ngược
xuôi làm tôi có ấn tượng tốt về sự phát triển của Thái Lan. Vào các làng quê
còn thấy họ văn minh hơn mình nhiều. Đường vào những làng quê có khi đẹp như
mơ, vì hai bên đường cây cỏ xanh rì.
Điều quan trọng là ở làng quê Thái Lan, người ta xây nhà cửa
có thứ tự, chứ không phải muốn xây thế nào thì xây như ở miền quê VN. Do đó,
nhìn từ xa, chúng ta thấy những làng quê xanh và đẹp vì sự thứ tự của nhà cửa.
Nhà nào cũng có một chiếc xe hơi, thường là xe Toyata pickup, nhưng có nhiều
nhà có 2 chiếc, một pickup và một xe du lịch. Nhìn ánh mắt người dân, tôi thấy
họ hạnh phúc. Hạnh phúc là phải, vì đa số họ làm ruộng chỉ 1 mùa, còn lại là
làm nghề truyền thống. Nhưng các làng nghề truyền thống là có tổ chức chứ không
phải "trăm hoa đua nở". Do đó, người dân quê có việc làm quanh năm. Tất
cả những phát triển này là từ thời vua Bhumibol Adulyadej.
Một hôm chúng tôi đi Lào theo lời mời của một bác sĩ bên
Lào, trước đây là sinh viên của KKU. Đến hải quan ở biên giới là thấy ngay thế
giới văn minh và thế giới kém văn minh. Vì tôi cầm passport Úc, nên phải qua di
trú Thái Lan đóng dấu ra ngoài. Thủ tục bên Thái Lan không đầy 1 phút. Đến khi
qua vượt cầu qua Lào thì hoàn toàn khác. Anh chàng sĩ quan di trú Lào cầm
passport của tôi lật đi lật lại, không nói gì. Khoảng 2 phút sau, anh ta nói gì
đó mà tôi không hiểu. Anh bác sĩ Lào nói lại một tràng. Hai bên có vẻ căng thẳng,
tôi bèn hỏi có vấn đề gì, anh bác sĩ nói "để tôi xứ lí". Hoá ra, họ
đang mặc cả. Tay sĩ quan di trú đòi tôi phải đóng 30 USD (nếu tôi nhớ không lầm),
còn anh bác sĩ Lào thì đòi đúng luật, tức chỉ 5 USD hay gì đó. Hai bên giằng
co, chẳng ai chịu ai. Anh bác sĩ rút điện thoại gọi [có lẽ là] cấp trên của anh
sĩ quan kia, và cuối cùng thì tôi cũng được cho vào Lào nhưng với cái giá 10 USD.
Nhìn cảnh đó tôi không thể không nghĩ đến mấy cửa khẩu Việt Nam, vì họ cũng vòi
vĩnh tiền y như mấy anh Lào này. Tôi thở dài ngao ngán nghĩ "sao mà họ giống
nhau thế"!
Khi qua Lào, lúc đó còn nghèo lắm, đường xá ổ gà tùm lum. Ăn
một tô phở trong một quán nổi tiếng của người Việt ở Vientiane, no nê xong, đến
phiên làm việc. Bà khoa trưởng y khoa Lào, nói tiếng Anh và tiếng Pháp như gió,
chợt hỏi tôi một câu là Trường Vientiane có nhiều đại học trên thế giới như Mĩ,
Úc, Anh đến giúp đỡ, bà hỏi tôi tôi nên chọn ai. Tôi không cần suy nghĩ dù chỉ
2 giây, tôi nói: Bà chọn Mĩ dùm tôi. Bà hỏi thêm, nếu Lào phải tìm mô hình phát
triển đại học, Lào nên theo Việt Nam hay Thái Lan. Câu này hơi khó, tôi nghĩ thầm
trong đầu và suy nghĩ xem bà có ý gì. Tôi không trả lời trực tiếp, mà nói bâng
quơ: Bà chọn chỗ nào có nhiều ánh sáng mà làm theo. Bà cười lớn.
Trên đường về Thái Lan, trời tối, chúng tôi ghé ngang qua tỉnh
Udon Thani ăn uống. Đây là một tỉnh miền trung, có thể nói là " khỉ ho cò
gáy " của Thái Lan (không biết nói vậy có đúng?) Chúng tôi lang thang tìm
nhà hàng ăn uống. Anh bạn tôi rút điện thoại hỏi một đồng nghiệp địa phương để
tìm địa điểm thích hợp. Sau cùng thì cũng đến một nhà hàng gần bờ hồ, rất hay.
Tôi không ngờ nhà hàng vùng khỉ ho cò gáy này mà văn minh ghê. Từ phong cách phục
vụ đến món ăn, đến cái khăn trải bàn, tất cả đều toát lên một sự trang trọng
bình dân. Tôi trầm trồ trong lòng hoài, ở VN làm sao có một quán như thế nào ở
Cần Thơ, chứ chưa nói gì đến Rạch Giá quê tôi. Nói như vậy không có nghĩa là
"đứng núi này trông núi nọ" hay "sân cỏ của nhà hàng xóm lúc nào
cũng xanh hơn sân cỏ nhà mình", mà chỉ đưa ra một nhận xét về quá trình
phát triển mà thôi.
Tôi nghĩ trong thực tế và ở diện rộng hơn, Thái Lan chắc chắn
có nhiều vấn đề tiêu cực như các nước đang phát triển khác, mà có lẽ tôi chưa
nhìn thấy hết. Tham nhũng là một vấn đề ở bên đó. Bất bình đẳng về kinh tế giữa
người giàu và người nghèo. Báo chí cũng phàn nàn về tình trạng đạo đức xuống cấp.
Chính trị bất ổn, nhưng hình như chẳng ai quan tâm. Về khoa học, họ đang bức
xúc vì đang thua Mã Lai, và họ sợ Việt Nam sẽ qua mặt (có lẽ họ lo xa). Nhưng
nói chung Thái Lan vẫn là địa điểm có nhiều lợi thế hơn VN khi nói về cạnh
tranh trên thị trường toàn cầu. Du lịch sang Thái Lan có nhiều điểm hay hơn Việt
Nam mình. Ở Thái Lan, không có hay hiếm thấy tình trạng chặt chém du khách. Gạo
Thái Lan xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới và đặc biệt là các nước giàu có,
nhưng gạo Việt Nam chỉ đến các nước nghèo. Ngay cả người Việt ở nước ngoài cũng
thấy tin tưởng vào hàng hoá Thái Lan hơn là hàng hoá của Việt Nam.
Nói tóm lại, như các bạn thấy, tôi có nhiều kỉ niệm với đất
nước và con người Thái Lan. Giáo dục đại học Thái Lan cách xa giáo dục đại học
Việt Nam, vì họ hội nhập quá lâu và quá sâu vào thế giới tự do. Ở Thái Lan, các
đại học bệnh viện có thể tổ chức hội nghị, workshop, seminar, v.v. mà chẳng cần
xin phép ai. Họ muốn mời ai thì họ mời, bất kể người đó đến từ Mĩ hay Úc hay Việt
Nam. Ở ĐH Mahidol, hơn 1/5 giáo sư và giảng viên là người nước ngoài. Họ cũng
phân biệt giáo sư nước ngoài và nội địa, hiểu theo nghĩa giáo sư nước ngoài hưởng
lương cao hơn giáo sư trong nước. Tôi thấy Thái Lan đã đi trước Việt Nam rất
xa, không chỉ về kinh tế mà về văn hoá. Đạo Phật của Thái Lan là quốc giáo, còn
Đạo Phật ở Việt Nam đã biến thái và biến chất, bị chính trị hoá phần lớn. Tụt hậu
về kinh tế thì còn bắt kịp vài chục năm, nhưng suy thoái về đạo đức và văn hoá
thì cần đến nhiều thế hệ mới phục hồi được, chứ chưa nói theo kịp người ta.