22 October 2016

DI CHỨNG (1) - Trương Đình Phượng

Vũ chầm chậm quay lại nhìn Phương. Đêm loang máu. Một thứ máu nghẹn đặc và khăm khắm. Trên khuôn mặt Phương từng giọt lệ nhểu xuống gò má xanh xao, như những giọt ký ức đã bị người ta vắt kiệt hồng cầu.
Phương nói:
– Anh Vũ, anh đừng làm như thế, đừng bắt em phải rời bỏ nơi này, Vũ ơi. Em yêu anh, dù đã xảy ra bao nhiêu chuyện nhưng em không trách anh Vũ ạ. Tất cả là do số phận nghiệt cay đã trút xuống cuộc đời bất hạnh của chúng ta.
Vũ cúi đầu, giọng buồn thảm:
– Phương đi đi, hãy xem như với em tôi đã chết lâu rồi. Tôi còn có thể làm gì với một mảnh hồn nhơ nhớp đây?
Phương nhìn Vũ, đôi mắt ngập tràn thương yêu và thống khổ. Đêm sền sệt thêm.
– Em xin anh đừng nói thế. Trong cái thế giới mà con người chỉ biết chà đạp lên nhau, lợi dụng rút tỉa từng lồng xương ống máu của nhau mà nuốt nhai một cách ngon ngọt rồi phũ phàng dìm hãm nhau vào mê lộ niềm tin ruỗng mục, liệu chúng ta có thể giữ mình được không anh?

Vũ ôm mặt khóc nức nở, tiếng khóc như muốn dày xéo cho nát vụn màn đêm tăm tối đang vây bủa hai người.
– Đời là ao tù, tôi và Phương rốt lại chỉ là những con cá sặc bùn, cố quẫy đuôi ngoi lên thì sống, cam phận thì tự đốt cháy mình bằng sự hèn hạ tầm thường. Tại tôi, tại tôi tất cả, lẽ ra tôi không nên lôi em vào trò chơi ác nghiệt này. Vì tôi em đã phải cam chịu sống trong cái căn nhà lòe loẹt thứ phù điêu giả dối nhằm che đậy cái thứ đạo đức suy lầy và những con người suốt đời leo lét sống trong di chứng dòng tộc.
Con phố ngột thở. Vài sợi gió uể oải rê những mảnh lá vàng lê trên con đường tăm tối. Phương ôm Vũ vào lòng, bàn tay nàng đặt lên bờ vai đang rung lên từng chặp..
oOo
Những ngày mưa mùa thu bắt đầu. Khu thị trấn chìm trong màn nước uẩn đục. Ở nơi đây đời sống người dân trôi qua khá bình lặng. Nhà ông Hội nằm ở cuối con phố. Bao năm nay gia đình ấy dường như sống khép kín. Những người sống trong căn nhà có giàn hoa thiên lý, khoảng sân gạch bám đầy rêu như chứng tỏ đã trải qua những năm tháng thăng trầm biến thiên dâu bể ấy rất ít khi tiếp xúc với người xung quanh. Ông chồng thì lúc nào cũng âm trầm như lão giáo già trái tính lầm lầm lỳ lỳ suốt ngày. Bà vợ đúng chuẩn là một người phụ nữ còn vương nặng mùi lễ giáo Á Đông từ ngàn vạn năm, từ buổi tinh mơ cho tới tận ngày tàn bà ta cứ vật vờ như một cái bóng trên triền dốc đời. Chỉ trừ khoảng thời gian đi chợ mua sắm đồ ăn thức uống, chưa bao giờ người ta thấy người đàn bà ấy bước chân ra khỏi cổng. Ông Hội chỉ có duy nhất một người con là Vũ. Dường như kế thừa tư duy sống của cha mẹ, chàng là một người đàn ông khá lập dị. Với cuộc sống muôn màu muôn vẻ xung quanh chàng chỉ nhìn bằng ánh mắt dửng dưng.
Phương về làm dâu nhà ông Hội đã gần tháng nay nhưng nàng vẫn chưa thích nghi nổi với phong cách sống của gia đình chồng. Mùa thu gió heo may chỉ gợi chút lạnh lưng chừng nhưng với Phương cái lạnh lẽo của tình cảm trong gia đình này khiến nàng có cảm giác như đang sống trong hầm mộ. Ở đây mỗi người chỉ như những cái bóng hững hờ trôi qua nhau. Từ khi cưới nhau về sự vồ vập, những lời nói nồng nàn của Vũ chừng như cũng bỏ con người chàng ra đi. Gần tháng trôi qua vợ chồng Phương chưa một lần đầu ấp gối ôm. Hầu như đêm nào nàng cũng một mình bầu bạn với cô đơn và bóng tối. Từ hôm cưới tới giờ Vũ liên tục vắng nhà.
Cũng như đêm nay, đã khuya mà Vũ vẫn chưa về. Phương nằm im mặc bóng tối nuốt chửng thân xác và tâm hồn. Tĩnh lặng bao trùm căn phòng. Có tiếng động. Cánh cửa buồng hé mở. Một người khẽ lách vào. Phương nghiêng người nhìn ra. Ánh đèn ngủ nhờ nhờ chiếu lên khuôn mặt người đó. Không phải là Vũ. Khuôn mặt gầy gầy, mái tóc lốm đốm phong sương. Là ông Hội, cha đẻ của Vũ. Nửa đêm cha chồng vào phòng mình làm gì? Hay là ông ấy đi lộn phòng. Phương ngồi dậy, cô chưa kịp mở miệng ông Hội đã giơ tay ra hiệu bảo cô im lặng. Có chuyện gì hệ trọng chăng? Ông bước nhanh lại giường, nói trong hơi thở gấp gáp.
– Phương, thằng Vũ, nó là thằng bất lực. Con, con chiều cha. Đây là bí mật của riêng chúng mình. Đảm bảo cha không tiết lộ ra ngoài.
Phương giật nảy mình lắp bắp.
– Cha, cha nói gì? Cha bị ma nhập sao?
– Không, không có ma quỷ gì ở đây hết. Con biết không, mười tám tuổi cha cưới mẹ thằng Vũ, chưa đầy tuần thì cha phải xung quân. Hai mươi năm trường chinh chiến, hòa bình lập lại cha về thì mẹ thằng Vũ đã là người phụ nữ gần năm mươi tuổi. Con, con hiểu ý cha không?
Phương lắc đầu. Làm sao cô hiểu được thâm ý của ông ta.
Ông Hội ghé ngồi sát Phương, hơi thở dồn dập.
– Cha, cha cần biết cái cảm giác cùng một người con gái còn trinh. Con, con thương cha, đi con!
Phương lui nhanh vào góc giường ôm chặt chiếc chăn ngủ, thu mình như con thú ngây thơ.
– Sao, sao cha có thể nói những lời lẽ như vây. Cha là một quân nhân về hưu, năm mươi năm tuổi Đảng. Con xin cha, cha đừng làm con sợ.
– Con có biết cái lý tưởng khốn khiếp kia đã cướp đi của cha cái gì không? Làm người nhu cầu sinh lý là tất yếu, vậy mà ở cái tuổi hừng hực sức trai cha đã phải cống hiến mình cho tổ quốc. Dân tộc hòa bình, nhân dân ngập chìm trong hạnh phúc tự do, bao nhiêu kẻ hả hê với niềm vui chiến thắng. Còn ta, sức trẻ rời bỏ ta ra đi. Mái tóc thanh xuân không còn, chỉ còn lại màu sương gió và những vết hằn đạn bom trên mảnh xác tiều tụy. Ông văng tục. Đéo mẹ, cái lý tưởng thối tha…
Phương đưa ánh mắt sợ hãi nhìn bố chồng. Lúc này ông ta chẳng khác gì con thú hoang khát mồi. Ông thở gấp hơn. Càng lúc càng áp sát nàng. Phương càng thu mình lại. Những giọt lệ tái tê nhục tủi đã tràn ngập khóe mi nàng, sắp tuôn trào ra.
– Đừng sợ, không việc gì đâu con à. Sự quẫn bách sinh lý phải được giải quyết nếu không con người sẽ nổ tung, con hiểu không. Thằng Vũ không thể đáp ứng được con, ta là cha nó, ta sẽ làm thay nó. Ông Hội nhìn Phương hau háu như con hổ nhìn miếng thịt, giọng cực kỳ dâm dật.
Phương vẫn kiên quyết:
– Không, cha không được làm thế. Như vậy là trái đạo làm người. Con xin cha đừng làm như vậy.
Ông Hội cười:
– Đạo gì? Lý gì? Đói thì ăn, mệt thì nghỉ, ham muốn thì giải tỏa. Có gì sai sao?
Phương gằn giọng:
– Nếu cha không dừng hành động mất nhân tính này lại con sẽ hét toáng lên cho mọi người biết.
Toàn thân ông Hội giần giật, có vẻ như lửa dục đã thiêu đốt tâm trí ông tới mức đỉnh điểm. Ông rít lên:
– Con kêu đi, hét thật to vào xem có ai nghe không? Thằng Vũ thì không ở nhà, còn mẹ chồng con, dù có bom nổ bên tai giờ này bà ấy cũng đếch nghe được.
Ánh mắt Phương ngập ngụa nỗi kinh hãi và oán hận. Nàng tung chăn định lao xuống khỏi giường.
Ông Hội nhanh như cắt chồm lên người Phương. Giãy đạp. Phương cố đẩy ông ta ra. Đã thủ sẵn ông Hội chùm luôn chiếc khăn tẩm thuốc mê vào mặt Phương. Đêm mùa đông. Từng đợt gió rít như tiếng ma kêu quỷ hờn…
Trong dòng họ Trịnh, như một định số cứ mỗi đời lại có một gã đàn ông bất lực. Nhưng có vẻ như trời không muốn dòng họ này tuyệt tự tuyệt tôn, nên chưa bao giờ hậu nhân nhà ấy sinh con độc đinh. Ông Hưởng bố ông Hội sinh được ba gái, hai trai. Đứa em ông Hội là ông Hồng là kẻ bất lực. Tới đời ông Hội, chỉ sinh mỗi thằng con trai là Vũ. Cái nguyên nhân mạt hạng ấy bắt nguốn từ di chứng chiến tranh. Ông nghĩ vậy, nên ông căm thù lý tưởng thời trai trẻ của mình. Bao nhiêu lần ông tìm đủ mọi cách chạy chữa nhưng rốt lại kết quả chỉ như hạt cát ném vào đại dương.
Từ hôm Phương về làm dâu, không hiểu sao ông cứ có linh cảm đây chính là người phụ nữ tạo hóa sinh ra dành cho ông. Không phải ai khác mà chính Phương, nàng sẽ giúp ông sinh một đứa con trai. Đứa con trai ấy sẽ là người đàn ông tràn trề sinh lực. Nó sẽ duy trì nòi giống cho cái dòng họ Trịnh. Đêm nay chính là đêm trời tạo cho ông cơ hội ngàn vàng.
Phương nằm ngập mình trong nước mắt. Đêm sặc sủa mùi tanh tưởi. Trí nghĩ nàng trống rỗng như vực sâu hun hút. Bây giờ nàng đã hiểu vì sao suốt ba năm yêu nhau Vũ luôn tìm cách “chối từ” nàng.
Sau cuộc chơi thú vật ông Hội vội vã bỏ đi, để mặc Phương nằm lại giữa mênh mông cay đắng, khổ hờn. Trái tim nàng như ngàn mũi kim châm, vạn mạch máu như ứ nghẽn nỗi thê lương. Vũ ơi, tại sao em lại sa vào địa ngục trần gian này. Kiếp trước em làm gì nên tội sao hả Vũ? Nàng cười, tiếng cười buốt nhói. Tôi sẽ ngậm hờn nuốt tủi mà sống trong cái căn nhà này để xem các người còn dày vò hành hạ tôi đến mức nào nữa. Phương cắn chặt môi, tưởng chừng bật máu.
Một luồng gió rít mạnh, chốt cửa sổ bị giật bung ra. Cái lạnh như cắt da cắt thịt tràn vào ngập phòng. Phương bước nhanh tới chốt lại cửa. Nàng khững lại. Bàn tay chưa kịp đưa lên đã buông thõng xuống. Ngoài kia, dưới làn mưa tầm tã, trong ánh điện đường uẩn đục, một bóng người mờ ảo hiện ra nơi vỉa hè. Đôi mắt rờn rợn của người ấy đang nhìn về hướng ngôi nhà chồng nàng.
Toàn thân người đó bao trùm trong chiếc áo mưa. Khuôn mặt cũng bị che kín, chỉ lòi ra hai con ngươi như mắt loài cú. Một tiếng sét đinh tai. Lằn chớp rạch ngang trời. Mưa mau hơn. Gió hú gầm gào. Phương cố căng mắt nhìn xuyên qua màn mưa. Bóng người ấy đã không còn.
Suốt tuần sau đó, mỗi lần giáp mặt nhau cả Phương và ông Hội đều cố lảng tránh ánh nhìn của đối phương. Chỉ có những lúc ngồi ăn cơm cả hai luôn tỏ ra bình thường.
Đêm đó, trời lại mưa. Gần tuần nay Vũ đi công tác tận Sơn La.
Phương vừa thiu thiu giấc, ông Hội đã mò tới. Lẻn vào thật nhanh, chốt cửa lại. Ông bước nhanh tới giường Phương. Bàn tay thô ráp của ông chầm chậm rờ rẫm trên khuôn mặt Phương, từ từ xuống cổ, xuống ngực… Phương choàng giấc.
– Bố, con xin bố.
– Suỵt, nói nhỏ thôi. Bà ấy vừa mới ngủ. Con đừng sợ, ta không làm gì đâu.
Ông thở dài:
– Ta biết ta có lỗi với con và thằng Vũ, nhưng ta, thật lòng ta không cưỡng lại được. Tuổi trẻ ta đã quá nhiều đau khổ. Ta hy sinh tất cả vì lý tưởng bây giờ ta muốn có được cái mà ta nên có. Dòng họ này, bị nguyền rủa con biết không. Nếu như ta không có thêm một thằng con trai thì dòng Trịnh Văn này đến đời ta là tuyệt tự. Vì ta vì thằng Vũ, vì cả tương lai cái dòng tộc này con hãy sinh cho ta một kẻ nối dõi. Ta cầu xin con.
– Bố, như thế là loạn luân. Con lạy bố. Có tội với trời, với tổ tiên bố ơi!
– Tội, tội cái gì. Cái lão trời chết tiệt kia mới là kẻ có tội. Tại sao lão lại giáng xuống dòng họ Trịnh Văn cái định lệ khốn kiếp ấy…
Màn đêm thăm thẳm. Bóng người bí ẩn bên kia đường, đôi mắt loài cú hiện về trong tâm trí Phương. Người đó thật ra là ai?
Đêm nay ông Hội đã nói với nàng rất nhiều điều. Có lúc nàng thấy lòng nàng xiêu đổ. Một người đàn bà đang hừng hực sinh khí như nàng liệu có thể cam chịu sống bên cạnh một người chồng mất khả năng sinh lý? Ham muốn không được giải quyết sẽ khiến con người ta nổ tung? Nàng không biết điều ông Hội nói có thật sự xảy ra không, nhưng những ngày gần đây nàng bỗng cảm thấy thân thể mình bức bối vô cùng. Hằng đêm nàng phải tự đưa tay cào cấu hai bầu ngực, lắm lúc tưởng chừng đứt da toác thịt mới ngăn được dòng dung nham trong người nàng tạm lắng. Nhưng nếu nàng chấp nhận đề nghị của ông Hội thì đó là điều trời tru đất diệt. Xã hội bất dung.
Bà Nghĩa thẫn thờ ngồi bên cửa nhìn ra ngoài trời. Những chuyện xảy ra giữa ông Hội và Phương thời gian gần đây bà biết hết. Nhưng bà nín nhịn, bà chọn sự im lặng bởi bà biết phận bà. Gía như bà sinh cho ông ấy thêm một thằng con trai, thì ông ấy đâu đến nỗi. Cái định mệnh dòng họ nó như bóng ma ám ảnh suốt mười mấy đời, đã tạo ra vết hằn qua lớn trong tư tưởng ông Hội. Cái phong tục cổ hủ nối dài hậu thế của dân tộc này đã bóp nghẹt phận số của những người phụ nữ như bà. Qua bao năm trường chiến tranh, dành lại hòa bình độc lập người ta chỉ giải phóng được thể xác con người chứ không thể tẩy não ý thức hệ cho cái xã hội này. Những định kiến, tục lệ đã bám vào trí não như loài ký sinh trùng không thuốc diệt trừ.
Mấy đêm nay, bà lại gặp giấc mơ ấy, giấc mơ về loài thú không chân. Sau ngày ông Hội tòng quân đêm nào bà cũng bị giấc mơ ấy hành hạ, nó chỉ chấm dứt từ khi ông ấy về. Đã gần ba mươi năm trôi qua, bà cứ nghĩ nó đã hoàn toàn biến mất, không hiểu sao bây giờ nó trở lại.
Đêm trăng tròn. Không gian nồng nặc mùi máu tanh.Từng đợt gió như ma rú. Một loài thú không chân lơ lửng trên không gian. Đôi mắt như hai hòn lửa, chất đầy thù hận.
Bà vẫn nhớ như in buổi chiều mùa thu năm đó. Lá vàng như những bựng máu phủ ngập những con đường. Một ông lão ăn mày vào ăn xin nhà bà. Khi bà đưa ra bát gạo cho ông ta, bất ngờ ông ta cầm lấy tay bà run run nói:
– Thưa bà, bà là chủ nhà này?
Bà vội rụt tay lại, ngạc nhiên:
– Dĩ nhiên tôi là chủ nhà này. Vì cớ gì ông lại hỏi lạ lùng như vây?
– Chồng bà hiện đang ở chiến trường, thưa bà?
– Phải thì sao không phải thì sao? Gạo tôi đã cho rồi, ông đi đi kẻo mẹ chồng tôi về lại sinh lắm phiền toái. Giọng bà hơi khó chịu.
– Thưa bà, ông ta vẫn dai dẳng, nếu chồng bà trở về vợ chồng bà phải từ bỏ căn nhà này.
– Kỳ quái, ông nói vậy là sao? Bà hơi gắt.
Ông ta vẫn bình thản và chậm rãi:
– Căn nhà này có oan hồn ma nữ thưa bà, oan hồn từ xa xưa. Trước đây tôi có nghiên cứu thuật âm dương, vừa vào nhìn qua tôi đã biết. Không chỉ căn nhà này mà cả cái dòng họ nhà chồng bà bị oan hồn đeo đẳng, thưa bà. Ông ta khẳng định. Có phải đêm đêm bà vẫn thường mơ thấy một loài thú không chân?
Bà giật nảy mình:
– Sao ông biết vậy?
– Thôi thế là đúng rồi. Ông thở hắt ra. Thôi chào bà, tôi không dám tiết lộ nhiều hơn, tôi biết bà là người phụ nữ tốt nên tôi có lời khuyên bà vậy thôi. Căn nhà này không ở được thưa bà. Nếu như bà không tin tôi cũng đành chịu, nhưng tôi xin nói cho bà biết thêm điều này. Nội trong năm nay vào chừng tháng mười một âm lịch nhà bà sẽ có tang.
Ông ta quay lưng bước nhanh ra cổng. Bà đứng đờ đẫn trăm mối nghi ngờ. Sực tỉnh bà chạy theo định hỏi ông ta thêm một số việc nhưng bóng ông ta đã khuất tự bao giờ.
Tháng mười một năm đó, mẹ chồng bà qua đời…
Bảy năm sau ông Hội về.
Từ hồi mẹ chồng chết chỉ còn mình bà trơ trọi trong căn nhà năm gian. Hằng đêm bà không sao ngủ nổi. Đêm nào bà cũng trằn trọc tới tận gần sáng. Hết đi ra lại đi vào. Có những đêm bà vừa chợp mắt đã bị đánh thức bởi những âm thanh kỳ lạ. Vội vàng bước ra sân, nhìn quanh. Chỉ màn đêm thẳm sâu. Tiếng cành lá cọ vào nhau, tiếng côn trùng ri rỉ khóc, lập lòe những ánh sáng đom đóm, không gian rùng rợn lạnh người. Bà quay vào. Ngọn đèn Hoa Kỳ leo lắt và bà lặng lẽ nhìn nhau. Lấy chồng từ năm hai mươi tuổi, mới ở với nhau ba ngày ông Hội đã phải tòng quân. Từ đó bà sống trong cảnh vò võ đợi chồng. Mẹ chồng chết bà càng cô đơn, quạnh quẽ.
Đêm đó, trời rét căm căm. Bà đang ngồi mông lung suy nghĩ, chợt tiếng bước chân vang gấp gáp ngoài sân. Giật bắn mình, bà hỏi dồn:
– Ai, ai đó.
Tiếng một người đàn ông:
– Xin hỏi đây có phải nhà bà Nghĩa vợ ông Hội không?
– Đúng rồi, ông là ai?
– Tôi, tôi là Hội đây mà.
Bà chạy lại mở toang của ra. Đúng là chồng bà. Ôm chầm lấy ông, bà khóc vùi như mưa.
Ông vuốt nhẹ lưng bà an ủi:
– Vào nhà đã em, đừng khóc, tôi biết em khổ sở vì tôi nhiều.
Bà kể một thôi một hồi về những năm tháng ông đi xa. Những ngày khắc khoải chờ mong. Những lần nghe tiếng súng nổ bà lại như thấy trái tim mình vỡ ra. Bà lo lắng cho ông, không biết ở nơi bom rơi đạn lạc ông có yên bình không.
Chờ cho bà dứt lời ông hỏi:
– Vì sao mẹ chết?
Bà ngậm ngùi nói:
– Mẹ mất sau một cơn ốm đột ngột. Em có mời thấy thuốc về chạy chữa nhưng họ nói bệnh đã xâm nhiễm vào nội tạng anh ạ!
– Thế mẹ bị bệnh gì?
– Thầy thuốc cũng không biết. Họ nói mẹ không có mạch tượng. Mà ký lạ lắm anh, suốt ba ngày đổ bệnh người mẹ lạnh toát như ngâm trong hầm băng vậy!
Ông im lặng, một lát ông lảng sang chuyện khác.
– Thôi có gì mai nói tiếp, từ nay vợ chồng mình còn dài thời gian mà. Anh đi tắm cái đã, người bẩn quá.
Bà vội vàng xuống bếp lui hui nấu nồi nước ấm cho ông tắm.
Ngồi trong nhà chờ ông tắm, lâu quá, sốt ruột, bà đi ra xem. Bước gần tới nơi bà sững lại. Có tiếng nói chuyện, tiếng ông Hội và một ai đó. Chừng như là một người đàn bà.
Ông Hội nói:
– Lạy bà, chuyện đã qua lâu rồi, cầu xin bà tha thứ cho cái dòng tộc khốn khổ này.
Người đàn bà kia cười khùng khục, như có cái gì nghẹn ngang nơi cổ:
– Không bao giờ, mày hiểu không? Tao sẽ còn hành hạ cái dòng họ này cho đến trăm ngàn thế hệ sau để bù đắp lại những đớn đau mà tao phải chịu.
Im lặng. Tất cả chìm vào tiếng gió đêm thê thiết.
Ông Hội từ nhà tắm đi ra, thấy bà ông hỏi:
– Đêm lạnh lắm, em ra đây làm gì?
Bà không trả lời câu hỏi của ông:
– Ai vậy anh?
– Ai là ai? Em hỏi gì lạ vậy Nghĩa?
– Rõ ràng em có nghe tiếng anh nói chuyện với ai trong nhà tắm cơ mà?
Ông bật cười:
– Rõ vớ vẩn, làm gì có ai. Xa nhau lâu ngày em đâm ra tưởng tượng phong phú thật.
Suốt đêm đó nằm bên ông nhưng tâm trí bà cứ bảngg lảng ở đâu đâu. Bao nhiêu chuyện lạ lùng trong cái căn nhà này khiến bà vừa tò mò vừa lo sợ. Là cô gái xứ Bắc, ông gặp bà trong một chuyến xe đò, phải mặt nhau rồi nảy sinh tình cảm, bà mời ông ghé qua nhà chơi, chưa đầy tháng ông đã gợi chuyện kết hôn. Trai gái thời chiến tương lai mịt mờ, ưng ý là quyết đinh luôn nào có thời gian nghĩ ngợi tìm hiểu gì. Thấy ông là một chàng trai chân chất thật thà bố mẹ bà cũng chả ý kiến gì, vui vẻ thuận theo lựa chọn của con. Từ ngày cưới nhau về, ông đi, ở nhà chăm mẹ chồng, chưa bao giờ mẹ chồng bà tâm sự chút gì về chuyện trong gia đình dòng tộc với bà.
Sáng hôm sau, bà đem chuyện ông ăn mày kể với ông Hội, nghe xong ông chỉ cười.
– Em mê tín quá. Nhà này làm gì có ma quỷ gì. Căn nhà này được xây hơn trăm năm rồi, đã qua ít nhất ba thế hệ, có thấy gì khác lạ đâu.
Rốt lại ông vẫn quyết định không di chuyển đi. Cuối năm sau bà sinh Vũ.
Đêm bà chuyển dạ, trời mưa như trút. Sấm chớp rạch nát màn trời. Khoảng ba giờ sáng, ông Hội đã ngủ say, đứa trẻ bú xong chìm vào giấc nồng. Bỗng bà nghe có tiếng khóc từ đâu vọng tới. Tiếng khóc thê thiết và rùng rợn vô cùng, tiếng khóc của một người đàn bà. Kèm theo là tiếng mèo kêu. Những tiếng kêu như nhuốm máu, lan dần trong đêm trường u tịch. Bà hốt hoảng ôm chặt đứa bé vào lòng. Hai mắt bà trợn trừng nhìn lên trần nhà. Một làn gió tanh tưởi xộc vào cửa. Bà quay người nhìn ra. Con thú không chân, đang tiến dần về phía bà. Bà muốn hét lên mà miệng cứng đờ. Đến sát chỗ bà, nó đưa ánh mắt căm hờn nhìn bà, rồi quay sang đứa trẻ. Bất ngờ chiếc lưỡi đỏ khé của nó thè ra liếm vào mặt đứa bé. Bà ngất đi. Bà tỉnh dậy. Không gian nực nồng mùi chết. Mồ hôi đầm đìa. Bà nhìn quanh. Chả có con thú không chân nào hết. Chỉ là ác mộng…
Tiếng khóc thê lương đã im bặt, nhưng chừng như nơi xa xăm nào đó tiếng mèo ma quái vẫn còn văng vẳng.
Thời gian thấm thoát trôi, năm Vũ bảy tuổi, bà Nghĩa không còn khả năng làm mẹ. Ông Hội bắt đầu tỏ thái độ lạnh nhạt với bà. Một đêm sau khi con ngủ say bà đánh liều bước ra nhà ngoài, tính nói rõ mọi chuyện với chồng. Ông Hội đang ngồi trầm tư bên bàn, ngồi xuống chiếc ghế đối diện nhỏ giọng bà nói:
– Anh Hội, em về làm dâu nhà này đã gần ba mươi năm, chưa một lần em mở lời thắc mắc hay đòi hỏi điều gì, hai mươi năm anh đi lính một mình em khắc khoải chờ đợi, em tự nguyện chấp nhận làm một người vọng phu. Anh về, em luôn làm tròn bổn phận người vợ người mẹ. Em không hiểu vì lý do gì thời gian gần đây anh lại tỏ thái độ hững hờ với em như vậy? Đêm nay em hi vọng vợ chồng mình sẽ nói chuyện thẳng thắn với nhau.
– Nghĩa à, xin bà hãy thứ lỗi cho tôi. Tuy là vợ chồng nhưng có những điều tôi không thể tâm sự thật lòng với bà. Ông nhìn ra ngoài giọng xa vắng. Di huấn dòng họ bắt buộc tôi phải giấu bà, bà đừng trách tôi, rồi một ngày nào đó tôi sẽ nói rõ tất cả cho bà. Hiện tại tôi chỉ có thể nói cho bà điều này, dòng họ Trịnh trải qua bao thế hệ, mỗi đời chỉ sinh được hai đứa con trai và một trong hai sẽ là kẻ không có khả năng làm cha. Đến đời tôi chỉ sinh mỗi thằng Vũ, bây giờ bà đã hết tuổi sinh đẻ, tôi lo sợ nếu thằng Vũ nó mắc phải căn bệnh quái ác đó thì dòng họ Trịnh sẽ phải chấm dứt ở đời tôi.
Bà im lặng. Ngọn đèn dầu trên bàn lắt lay như chực tắt. Khoảng sân trước mặt phủ đầy bóng tối. Từ đâu một con cú mèo bay đến đậu trên cành xoan trước nhà rúc lên từng hồi thê thiết. Con chó đang nằm bên cửa chợt gầm gừ mấy tiếng rồi lao ngay vào nhà, chui xuống gầm bàn, miệng vẫn ư ử.
– Tôi xin lỗi ông, tôi đã không làm tròn bổn phận làm dâu. Bà nghẹn giọng nói. Gía như tôi sinh thêm cho ông một vài thằng con trai nữa thì đâu đến nỗi.
– Đừng, bà đừng nói vậy. Tất cả là do mệnh số bà ạ. Nếu chiến tranh không xảy ra, tôi không phải tòng quân biết đâu số phận vợ chồng mình đã khác. Nhưng thôi bà ạ, dù sao cũng không thể làm khác được, Tổ quốc lâm nguy cầm súng đánh giặc là nghĩa vụ của kẻ làm trai mà bà.
Đưa tay quệt nước mắt bà nói:
– Vậy bây giờ ông tính thế nào. Bà cúi đầu. Tôi xin nghe lời ông.
Ông nâng ly trà nhấp một ngụm chép miệng nói:
– Tôi muốn thế này, hi vọng bà vì tôi vì tương lai dòng họ này mà chấp nhận.
– Vâng, ông cứ nói bất cứ điều gì tôi cũng đồng ý với ông.
…Ông Hội đã vào nhà trong bà vẫn ngồi trầm lặng trên ghế, bà còn biết làm gì hơn, với một người phụ nữ sống trong vòng lễ giáo hà khắc của một xã hội mà sự mê tín cũng như nguyên tắc duy trì nói giống như chiếc đinh vạn năng đóng vào tâm não, bà không có cái quyền lựa chọn.
Một ngọn gió thốc vào nhà, ngọn đèn dầu chao đảo, con chó dưới gầm bàn gầm gừ dữ hơn. Con cú mèo rúc liên hồi. Âm thanh rờn rợn lan xa hòa vào tiếng gió đùa lá càng thêm ghê sợ. Bà rùng mình, nhìn ra, bóng một người phụ nữ mờ mờ khuất nhanh ngoài cổng…
Xã hội Việt nam bước vào giai đoạn trở mình mạnh mẽ chưa từng thấy. Từ Nam chí Bắc các vùng miền thi nhau đô thị hóa. Ông Hội quyết định phá dỡ căn nhà gỗ năm gian và xây lên ngôi nhà bằng bê tông cốt thép. Nghe đâu trong thời gian tốp thợ đến tháo gỡ nhà xảy ra một số chuyện kỳ quái, mà nhiều năm sau người ta còn bàn tán. Chiều hôm đó sau mấy ngày làm việc cật lực hạ đổ hết khung nhà, tốp thợ tiến hành đào phần nền móng. Nhát cuốc đầu tiên vừa bổ xuống một vòi nước đã phun lên. Là một thứ nước đổ lừ như máu, tanh hôi khủng khiếp. Tay thợ bổ nhát cuốc mặt cắt không ra máu, đứng chết trân, run lẩy bẩy, lắp bắp:
– Ôí cha mẹ ơi, có ma …
Bao nhiêu ánh mắt đổ dồn vào đó. Ai cũng khiếp đảm kinh hồn. Gã thợ cả dè dặt nói với ông Hội :
– Thưa ông, làm sao lại có chuyện lạ lùng như vậy ? Chúng, chúng tôi nên dừng lại hay tiếp tục đây ?
Ông Hội bước lại, sau một lát xem xét ông cười nói :
– Chả có gì lạ lùng đâu, các anh cứ tiếp tục đi. Ở đây có mạch nước ngầm thôi mà. Chắc là từ xưa có một dòng sông naò đó chảy qua đây, phù sa của dòng sông ấy màu đỏ, vậy thôi. Trên thế giới này có không ít những dòng sông có nước đỏ đấy thôi, các anh chưa từng đi đây đó nên các anh không biết, chứ tôi thì tôi nghe nói nhiều rồi.
Tuy bán tín bán nghi nhưng thấy chủ nhà không có ý kiến tạm ngừng công việc nên tốp thợ tiếp tục. Qủa nhiên từ lúc đó không có gì đáng ngại xảy ra nữa. Dòng nước kia vẫn rỉ ra nhưng đã là thứ nước màu trong. Rồi một buổi chiều nọ, lại thêm một chuyện quái lạ, một người thợ khác đào phải một chiếc quan tài. Trời đang sáng bỗng tối tăm mù mịt. Mây đen kéo đầy. Ngay lập tức người thợ cả gọi ông chủ ra. Lần này ông ta trầm tư khá lâu, mới nói :
– Chuyện này, lạ kỳ thật. Nhưng không sao đâu, các anh cứ để yên chiếc quan tài dưới ấy cho tôi. Chỉ có điều, ông hạ giọng, mong các anh không được tiết lộ chuyện này ra ngoài. Nếu các anh hứa đảm bảo giữ kín tôi sẽ tăng gấp ba tiền công.
Tự nhiên vớ được miếng hời tốp thợ hùa nhau thề thốt. Rồi đó, mấy tay thợ vùi đất xuống cỗ quan tài. Bầu trời vừa đen kịt đã lại trở nên sáng tỏ. Từ lúc đó vừa làm việc mọi người vừa nơm nớp lo sợ nhưng vì tiền nên họ đành nhắm mắt bất chấp.
Sau ba tháng thi công ngôi nhà bằng ba gian cuối cùng cũng hoàn thành.
Ba năm sau người ta làm con đường nhựa chảy qua trước nhà ông Hội. Từ một nơi thưa thớt khu vực ấy dần trở nên đông đúc, người ta kéo nhau tới xây nhà, lập cửa hàng quán xá.
Thời gian dần trôi đám thợ kia cũng dần quên bẵng đi những chuyện kinh dị xảy ra ngày nào. Duy có một tay thợ trong một buổi nhậu với bạn bè, có người cao hứng bảo ai có chuyện gì thú vị kể hầu anh em cho vui cuộc rượu. Trong cơn túy lúy gã thợ ấy quên béng lời hứa hôm nào với ông Hội, vung vít trời mây kể lại những sự việc quái đản ấy, gã lại còn thêm tương thêm ớt cho câu chuyện ly kỳ hơn. Rồi một đồn trăm trăm đồn nghìn chả mấy chốc cả cái thị trấn nhỏ ai ai cũng biết chuyện. Tuần sau đó, một đêm đang nằm ngủ cùng vỡ gã thợ kia bỗng vùng dậy hò hét rồi chạy vào bếp xách con dao lao ra sân, miệng quát tháo:
– Mày lại đây, lại đây. Ông không sợ mày đâu, ông nói ra thì đã sao nào.
Chị vợ hốt hoảng chạy ra theo. Khuôn mặt anh chồng bỗng trở đáng sợ
vô cùng. Hai mắt trắng dã, miệng sùi bọt, da mặt co giật liên hồi. Bất ngờ hai chân gã khụy xuống, hai tay đưa lên trời trong tư thế cúng tế. Hãi quá chị ta lao tới cầm lấy tay chồng, lạnh toát. Gã đã tắt thở. Máu trào ra hai khóe mắt. Răng cắn chặt lấy lưỡi. Trong đôi mắt vẫn còn ánh lên sự kinh sợ tột độ…Nghe đâu hôm người ta đi chôn gã thợ hồ kia khi chuẩn bị hạ quan tài bỗng từ dưới huyệt một con rắn hai đầu lao lên khiến mấy tay đang giữ quan tài sợ vỡ mật, buông luôn bốn đầu sợi dây chạy chối chết. Đám đông cũng la hoảng chạy toán loạn. Con rắn lạ trườn một vòng quanh huyệt táng nhểu ra một thứ nước sền sệt. Ngóc cổ lên hướng về phía Bắc gật gật đầu như đang tấu lạy một nhân vật siêu nhiên nào đó, miệng phát ra một loạt âm thanh kỳ dị. Trời bỗng nổi giông tố, mưa ào ào đổ xuống. Lát sau mưa tạnh mọi người đứng trú nơi nhà canh nghĩa trang vội vàng kéo nhau chạy lại huyệt mộ xem. Con rắn đã biến mất. Cỗ quan tài không biết làm thế nào đã được hạ xuống đáy, nằm ngay ngắn. Điều quái lạ là trên bề mặt quan tài tự nhiên hiển lên hình một đôi mắt to cỡ hai bàn tay… Mọi người hối thúc nhau đắp mộ cho nhanh. Nghi lễ cúng bái cũng diễn ra qua loa rồi ai nấy nhanh chóng rời khu nghĩa địa.
Từ sau hôm xảy ra cái chết ghê rợn của gã thợ xây kia, cả khu phố chẳng ai còn dám truyền rỉ tai nhau về những bí ẩn xoay quanh gia đình ông Hội. Chị vợ gã thợ xây kia ít lâu sau cũng hóa điên bỏ quê hương đi biệt xứ…
Thời gian lãnh đạm trôi qua kéo theo bao sự việc chìm dần vào quá vãng, những năm sau đó cuộc sống gia đình ông Hội diễn ra khá êm đềm, trong con mắt người ngoài nhìn vào. Hơn mười năm ròng rã ông Hội tìm tới những mối quan hệ bên ngoài, phận làm vợ bà Nghĩa chỉ biết ngậm đắng nuốt cay, thầm cầu nguyện trời cao phù họ cho dòng họ Trịnh có thêm đứa con trai nối dõi, nhưng khát khao vẫn như muối bỏ biển.
Vũ bước sang tuổi mười bảy, trở thành một chàng trai to cao vạm vỡ. Ở trường cấp ba cũng như ở nhà Vũ được rất nhiều cô gái trao gửi ánh mắt tình tứ thế nhưng chàng ta luôn tỏ ra lạnh cảm trước mọi nối quan hệ gái trai. Sự khép nép của chàng khiến bạn bè cũng như mọi người xung quanh xem chàng như một gã quái nhân. Ngoài thời gian đi học Vũ hầu như không rời nhà nửa bước.
Năm Vũ mười tám tuổi, còn gần tháng nữa chàng sẽ bước vào cổng trường đại học. Hôm ấy trong buổi liên hoan cuối năm Vũ uống hơi nhiều, rượu vào đã khiến Vũ mất đi sự e dè cố hữu, chàng đánh liều thổ lộ lời yêu với một cô bạn cùng lớp. Cô bạn ấy cũng đã yêu thầm chàng từ lâu. Họ nhận lời nhau và hứa hẹn sẽ quyết tâm nối giữ sợi dây tình cảm cho tới ngày rời trường đại học.
Mấy ngày sau Vũ dẫn cô bạn gái về nhà ra mắt bố mẹ. Ông bà Hội, Nghĩa dường như không tin đó là sự thật. Trong thâm tâm cả hai vợ chồng đều thầm hi vọng có lẽ phận số đã thay chấm dứt đày đọa đối với gia đình mình. Phải chăng Vũ, đứa con trai duy nhất của ông bà không mắc phải căn bệnh truyền đời kia ?
Cuộc tình của Vũ và cô gái ấy không duy trì được lâu, ra thủ đô học chừng nửa năm sau Vũ và người yêu chia tay. Hôm Vũ về nghỉ không thấy chàng dẫn bạn gái về cùng như mọi lần ông Hội cảm thấy mọi chuyện có vẻ không ổn. Sau mấy lần bị dò hỏi gắt gao Vũ ngậm ngùi kể nguyên nhân với cha. Trải qua những ngày tháng sinh viên ban đầu cả hai còn ở trọ riêng lẻ nhưng rồi trượt theo trào lưu của giới trẻ thời hiện đại gần tháng trước Vũ và bạn gái quyết định sống thử với nhau. Ăn chung mâm ngủ chung giường cái gì đến cũng phải đến, tuổi trẻ hừng hực sự tò mò và ham muốn, hai người bất chấp mọi hậu quả làm chuyện vợ chồng. Thế nhưng vừa vào cuộc Vũ đã thất bại thảm hại… Ngay hôm sau cô gái ấy ngoảnh mặt quay lưng với Vũ.
Nghe con nói xong ông Hội ngồi chết trân, như vậy là cái định mệnh khốn nạn kia vẫn không hề buông tha dòng họ của ông. Ông nắm chặt tay đấm mạnh xuống bàn. Vũ hoảng hốt nói :
– Kìa bố, con xin lỗi, thật sự là con không cố ý làm làm việc sai quấy đó. Bố, bố tha thứ cho con.
Ông Hội cười chua chát :
– Bố không trách con vì cái chuyện và con bé ấy làm . Con yên tâm. Chỉ có điều Vũ ạ…Ông thở dài, ngẩng nhìn lên trần nhà, một lát cúi xuống như đã quyết tâm ông nói :
– Bây giờ con đã mười tám tuổi bố thấy cần phải nói rõ cho con biết một bí mật hệ trọng của gia tộc mình.
Vũ chăm chú nhìn cha, nói :
– Vâng, con xin lắng nghe, có gì bố cứ nói đi.
Ông kể cho Vũ nghe về cái di chứng của dòng họ, nhưng những chuyện bí ẩn phía sau thì ông dấu nhẹm. Nghe xong Vũ ngồi đờ đẫn như kẻ mất hồn. Thì ra là như vậy, căn bệnh ấy là căn bệnh di truyền nhiều thế hệ của dòng họ chàng. Thế mà bao lâu nay, chàng luôn nghĩ những bất ổn của sinh lý trong cơ thể chàng là do một căn nguyên nào đó xảy ra từ khi chàng còn nhỏ…
Giọng ông Hội vẫn chầm chậm lướt qua tâm tư rối bời của Vũ :
– Bố đã luôn hi vọng cái điều tồi tệ xấu xa kia không xảy ra với con, thế nhưng thật không thể ngờ tai họa vẫn không chịu buông tha gia tộc này. Bây giờ, Vũ ạ, ông bật khóc, bố cầu xin con một điều, con hãy vì bố vì gia đình này mà chấp thuận được không.
Vũ choàng tỉnh dòng suy tư, vội vàng cầm tay cha, chàng nói mau :
– Kìa bố, bố đừng vậy mà, có chuyện gì bố từ từ bình tĩnh hãy nói.
Giọng ông Hội chùng đi, phảng phất như làn gió đêm ngoài kia :
– Bố cầu xin con, dù muốn hay không, con phải hứa với bố sau khi tốt nghiệp đại học bằng mọi giá con phải tìm được một cô vợ. Từ nay đến lúc đó bố sẽ cất công đi khắp mọi nơi mọi miền tìm kiếm bằng được liều thuốc chữa căn bệnh của con. Con hãy tin tưởng vào bố, tất cả tương lai cái dòng họ này nhờ vào con.
– Vâng thưa bố, con hứa với bố.
Vũ vừa nói vừa nhìn ra ngoài sân. Trong trái tim chàng trăm ngàn ý nghĩ đang thi nhau vò xé. Từ khi biết suy nghĩ chàng đã sống giữa mọi người như một kẻ quái đản. Vì sự không toàn vẹn của cơ thể mình chàng đã tách rời mình ra khỏi thế giới muôn màu muôn vẻ tươi vui của thiên hạ và chìm vào thế giới cô độc của riêng chàng. Biết bao ngày chàng thầm cầu mong cái sự khiếm khuyết kia sẽ chấm dứt vào một ngày nào đó, nó chỉ là sự cố tạm thời đơn thuần của cơ con thể con người, chàng có ngờ đâu…
Câu chuyện diễn ra giữa cha con Vũ đêm đó đã đeo đẳng chàng suốt năm năm đại học. Và những hi vọng về một liều thuốc kỳ diệu có thể chữa khỏi căn bệnh của chàng theo thời gian vẫn chỉ như hạt cát giữa lòng đại dương bao la. Sau lần chia tay cô người yêu cùng quê Vũ lại trở về kiếp sống lạc loài giữa vườn tình ái nhân gian. Những khuôn mặt yêu kiều, những ánh mắt long lanh hút hồn của bao cô gái lặng lờ trôi qua tâm trí Vũ như dòng nước mưa trôi qua ngọn đồi trọc chả để lại vết tích gì. Chàng sống u trầm như cái bóng giữa chợ đời, không hội hè, không hò hẹn. Chàng lao đầu vào học cho quên đi bao nhiêu u uất tủi hờn. Có những đêm nằm cô đơn trong căn phòng trọ lạnh vắng chàng nằm gục đầu xuống gối khóc bằng tất cả sự thống khổ, có nhiều lúc chàng nghĩ tới cái chết, chàng thấy bản thân mình sống trên cõi đời chả khác gì một loài quái thai thừa thãi. Nhưng nghĩ tới cha mẹ, tới dòng họ chàng bỏ ý định giải thoát cho riêng mình. Những sợi tơ khát vọng mỏng tang về một ngày mai sáng lạng hé mở lối thoát cho dòng tộc đã níu kéo chàng lay lắt sống. Rồi chàng gặp Phương, như định số của tạo hóa, chính nàng đã dẫn chàng thoát khỏi vùng sa mạc hoang vu tăm tối. Đưa chàng trở lại với thế giới con người. Nhưng cũng từ đó, cuộc đời của cả hai người đã bị xô đẩy vào một dòng xoáy đầy sóng dữ, bi thương, cay đắng…
Nhật ký của Phương
Ngày …tháng …năm
Vậy là mình đã rời cha mẹ, quê hương, rời xa những kỷ niệm một thời hồn nhiên trong trắng để bước vào ngưỡng cửa của những tháng năm sống tự lập nơi thủ đô. Cánh cổng trường đại học liệu có thật sự là nơi giúp mình hoàn thành những khát khao hoài bão tuổi trẻ một cách suôn sẻ hay sẽ là nơi mình phải oằn mình giành giật sự thành công từ những giọt mồ hôi và nước mắt? Một cô gái tỉnh lẻ lần đầu tiên bước ra xã hội như mình, với bao nhiêu lạ lẫm có lẽ những ngày tháng sắp tới sẽ là chuỗi ngày không hề đơn giản. Nhưng dù có bất cứ điều gì xảy ra cũng phải cố gắng hết mình nha Phương?
Ngày …tháng …năm
Ba tháng đã trôi qua thật nhanh. Thành phố lòng người thật giả khôn lường, mình vẫn không dám mở rộng lòng mình trong những mối quan hệ với những người xung quanh. Nhớ nhà quá, không biết bây giờ cha mẹ ở quê đang ra sao? Những đêm dài hiu quạnh mẹ có thao thức nhớ mình không? Càng nghĩ càng thấy thương bố mẹ quá. Lâu lắm không nhận được tin tức gì của bọn bạn, nhớ tụi nó kinh khủng, nhớ những chiều tan học tụ tập nhau leo núi hái sim, nhớ những ngày dầm mưa đi học nhóm, nhớ những đêm trăng ngồi dưới giàn hoa thiên lý nhà con Hương, cười nói rôm rả, cùng tâm sự về những ước mơ xa vời.
Thời gian đi qua lạnh cảm vô tình quá. Phải chăng xa nhau là hết, bọn bạn bây giờ mỗi đứa một nơi, có còn luyến lưu những năm tháng học trò ẩm ương mà tràn đầy niềm hạnh phúc ấy không?
Ngày… tháng … năm
Gần một năm rồi. Lâu lắm mình không về thăm cha mẹ. Cuộc sống nơi thành phố sa hoa này đã khiến trái tim quê mùa của mình đổi thay rồi chăng? Có lẽ không phải. Những buổi chiều buốt tím, những đêm thăm thẳm buồn mình vẫn da diết niềm thương nhớ. Bao đêm trong giấc ngủ mình vẫn mơ về triền sông quê, bóng mẹ cõng hoàng hôn những chiều se sắt gió. Bóng cha vò võ những đêm đông bên chiếc bàn cũ kỹ, mái tóc lốm đốm màu tháng năm xuôi ngược, tiếng thở dài tê tái hòa trong khói thuốc lào. Mình thèm được nghe tiếng gà gáy len trong làn sương những buổi sáng mùa đông, tiếng mẹ lọc cọc trong căn bếp nghèo chuẩn bị bữa cơm đạm bạc cho cha con mình. Vất vả đấy nhưng mẹ vẫn luôn tươi cười, và mỗi lần lui cui làm việc mẹ lại hát. Những bài hát của mẹ chả có nội dung gì rõ rệt nhưng mỗi lần mình nghe, luôn khiến tâm hồn mình bình yên…
Ngày …tháng …năm
Mình đã xin làm phụ bàn ở một quán cà phê. Cần phải kiếm tiền để lo việc học hành, mình không muốn bố mẹ phải vì mình nhiều quá. Lo cho mấy đứa em ở nhà cũng đủ mệt rồi.
Khi nghe mình nói sẽ đi làm ở quán cà phê con bạn cùng lớp khuyên mình không nên. Nó nói môi trường ấy phức tạp lắm. Mình thì mình nghĩ khác. Ừ thì có thể sẽ có nhiều vấn đề xảy ra nhưng có hề gì, tốt xấu hay không phụ thuộc ở nơi mình cả mà.
Gần một tháng đi làm tiếp xúc với nhiều hệ người mình tự thấy mình đã tự tin ra nhiều. Có những vị khách rất lịch thiệp, tử tế nhưng cũng có những kẻ cậy vào đồng tiền mà tỏ thái độ hách dịch lắm. Vì cha mẹ, vì tương lai của mình mình nín nhịn hết. Họ chửi, họ quát thì cũng có chết đâu, miễn sao mình làm việc tốt cuối tháng nhận đồng lương xứng đáng là được.
Ngày… tháng … năm
Những ngày này có một vấn đề khiến mình suy nghĩ lung tung lắm. Ở môi trường đại học này, người ta quan hệ yêu đương nhăng nhít quá, mình thì lơ ngơ như vịt. Con bạn nói, mình tuy là gái tỉnh lẻ nhưng sở hữu một vẻ đẹp thiên thần, xung quanh mình có rất nhiều anh chàng muốn tự nguyện chết lắm đấy. Mình cười bảo nó, gớm cỡ tao có gì mà khiến mấy cha xiêu đổ, gái thành phố vừa xinh lại vừa ăn chơi mới hợp gu mấy cha, ai thèm để ý gái quê như tao.
Nó nhìn mình xì một tiếng, rồi mày xem, tao đố mày trong năm năm đại học mà thoát khỏi tình trường đó.
Nó nói gì kệ nó, mình tự hứa với bản thân sẽ luôn cố giữ vững lập trường. Yêu đương vào mệt lắm, không những mất thời gian mà còn gây ảnh hưởng nhiều thứ. Mình không muốn sa vào vũng lầy, đã có bao nhiêu sự thương tâm xảy ra chỉ vì tình yêu sinh viên.
Hơn một năm qua mình luôn sống khép cửa trái tim trong phương châm ấy, nhưng gần đây hình như tâm tư mình đã có cái gì đó khác lạ. Một buổi sáng nọ, giờ giải lao mình đang đứng nơi lan can nhìn trời ngó mây, khi đưa ánh mắt nhìn sang hành lang lớp bên cạnh mình bỗng chú ý tới một anh chàng. Chàng ta khá đẹp trai, nhưng trông vẻ mặt lại u trầm thế nào ấy. Trong khi mọi người cười nói rôm rả thì chàng ta lại đứng nhìn vào cõi thinh không, ánh mắt xa xăm và buồn não.
Đúng lúc mình đang say sưa nhìn chàng thì chàng bất ngờ quay đầu lại, mình giật thót tim, nhưng thật may chàng ta không tỏ vẻ gì khác lạ, lặng lẽ đi vào lớp. Ngày hôm sau tiếp chàng vẫn đứng nơi lan can ấy, vẫn đôi mắt buồn thăm thẳm như chất chứa bao niềm tâm sự khó nói. Mình cũng chả hiểu vì sao mình lại quan tâm đến chàng trai đó như vậy.
Sáng hôm ấy, một sự việc xảy ra đã khiến tâm tư mình biến động. Chàng trai ấy tự dưng chăm chú nhìn mình, khi mình quay sang, chàng hé một nụ cười, nụ cười như muốn xuyên thấu tâm hồn mình.

Những đêm vừa qua hình bóng chàng trai ấy đã lẻn vào giấc mơ của mình. Mình thấy hắn cầm tay mình bước trên con đường ngan ngát hương hoa sữa, cái thứ hoa khiến cho mùa thu hà nội trở nên bình yên và lãng mạn vô cùng…Có lẽ nào mình đã bắt đầu yêu?
(còn tiếp)

Trương Đình Phượng