Ngày 28-3-1985, trong kỳ Đại hội Ca nhạc Đấu tranh tại thủ đô Hoa Kỳ –
Washington D.C nhằm yểm trợ công cuộc bài trừ hải tặc và bảo vệ thuyền nhân, có
sự góp mặt của các nhạc sĩ Hà Thúc Sinh, Nguyệt Ánh, Việt Dzũng, Châu Đình An,
Huỳnh Công Ánh và Phan Ni Tấn. Những người bạn này tôi đều quen biết, riêng
Huỳnh Công Ánh lần đầu tiên tôi mới gặp mặt. Từ đó, Huỳnh Công Ánh và tôi thỉnh
thoảng vẫn gặp nhau, hát với nhau những ca khúc đấu tranh trên cùng một sân
khấu.
Năm 1986, qua bài viết xuất sắc của nhà thơ Cao Đông Khánh về cuộc vượt ngục
ly kỳ của nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh làm nhiều bạn tù xôn xao, riêng tôi càng cảm
phục anh hơn.
Huỳnh Công Ánh là nhà thơ kiêm nhạc sĩ đấu tranh. Thơ về tình yêu của Huỳnh
Công Ánh khác biệt với ý thức đấu tranh trong âm nhạc của anh. Về nghệ thuật âm
nhạc, chữ nghĩa của nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh khi hát lên người ta nghe như tiếng
gọi bi tráng bắt đầu từ những ca khúc do anh sáng tác khởi đi từ trong tù.
Miền Nam Việt Nam sụp đổ vào cuối tháng Tư 1975. Hàng triệu người bỏ nước ra
đi, trong khi các giới chức “ngụy quân, ngụy quyền” lại đi ngược vào trong các
trại tù cải tạo. Trải qua nhiều năm tháng trong lao lung u uất, lúc nhận ra
mình bị lừa thì đã quá muộn. Dù sao cũng có người may mắn được thả về, có người
đi không bao giờ trở lại. Người về để lại dấu chân ươm vết máu, trong khi người
ở lại không may trở thành phân bón cho giải đất hoang vu, còm cõi trên quê
hương của mình. Nhạc Huỳnh Công Ánh xuất hiện trong bối cảnh đó. Những người
bạn tù trong trại cải tạo đã được nghe những bài hát của anh như một lời tâm
nguyện, một niềm cảm xúc can đảm trước bạo lực, một loại nghệ thuật của đam mê,
một tâm thức sáng tạo bắt nguồn từ một trái tim bi thảm biết hát. Lời ca tiếng
nhạc phơi trải tâm trạng tù binh miền Nam sau chiến tranh như một chứng từ nhằm
tố cáo chế độ bạo quyền Cộng sản khát máu.
Ca khúc “Vì Đâu Anh Buông Súng”, sáng tác đầu tiên trong tù của Huỳnh Công
Ánh là một câu hỏi đầy bi phẫn:
Vì đâu anh buông súng? Chẳng phải vì anh là người chiến bại trước kẻ
thù. Ngoài chiến trường xa đang còn say đánh giặc. Chợt lệnh buông hàng, lệnh
tủi nhục ngàn thu. Vì đâu anh buông súng? Lúc mà lòng anh là viên đạn đã lên
nòng. Họng súng tự do đang còn loang máu giặc…
Cứ thế, những bài ca tranh đấu trong tù lần lượt ra đời: “Khúc Quanh Lịch Sử,
Vùng Lên, Khi Anh Về, Tiếng Mẹ Gọi…”.
Huỳnh Công Ánh là một nghệ sĩ tài hoa, một ngưòi tù tiết tháo. Trong ca khúc
“Người Tù Khổ Sai Không Bản Án” lời ca khắc họa một hình ảnh văn học thời hậu
chiến, đẹp mà buồn:
Tôi là người tù khổ sai không bản án. Đã bao năm qua trong cay đắng nhọc
nhằn. Đêm từng đêm trăm nghìn giọt ăn năn. Về đào xoáy từng vũng hồn chai đá…
Mỗi độ xuân về, giữa muôn hoa đua nở, chim xanh đua hót có tiếng người ca
ngợi mùa xuân nơi địa đầu giới tuyến::
Nơi tuyến đầu ngăn giặc ngoại xâm. Anh đứng giữa rừng sâu mai vàng đua
nở. Nỗi rung động khua đều trong nhịp thở. Em ơi, đất nước mình có phải đều là
xuân…
Từ trong lao lý âm u, những bài ca quật khởi của Huỳnh Công Ánh gợi lên ý
chí can trường nối kết những tấm lòng trong đêm tối đòi lại bình minh.
Nhạc Huỳnh Công Ánh, tự nó là một bản hợp xướng nặng về tình tự dân tộc.
Đành rằng có những bài được diễn tả bằng những nét chấm phá nhẹ nhàng, trầm
lắng nhưng làm người nghe dao động, ray rứt vì lời ca rất sắc về ý thức chính
trị. Nghe nhạc của Huỳnh Công Ánh do chính tác giả hát với cây đàn guitar giản
dị, tôi nhận thấy sự hòa trộn giữa chiến tranh và ngục tù đã luồn vào trong máu
anh lòng đam mê nhiệt tình trong âm nhạc. Vẫn một giọng ca trầm thống, một cốt
cách, một phong thái, Huỳnh Công Anh coi âm nhạc như một người bạn cùng chí
hướng đấu tranh cho tự do, dân chủ, hòa bình.
Đọc hồi ký Vượt Tù, Vượt Biển của Huỳnh Công Ánh, tôi lại nhớ những
năm tháng trong tù cải tạo của tôi trên núi rừng cao nguyên lạnh giá. Mặc dù
chúng tôi, những người lính Việt Nam Cộng Hòa cùng đi tù Cộng sản, cùng vượt
ngục, vượt biển, nhưng so với cuộc đời tù của Huỳnh Công Ánh thì tù binh như
tôi còn may mắn hơn nhiều.
Tôi đi tù suốt hai năm chỉ quanh quẩn trong một trại tù nằm sâu trong một
đồn điền cũ của người Pháp ở miệt Tây Bắc Trường Sơn, rồi vượt ngục, trong khi
Huỳnh Công Ánh đì tù trải dài từ Nam ra Bắc suốt sáu năm mới vượt tù.
Đoạn viết về cuộc vượt ngục của Huỳnh Công Ánh trong tập hồi ký này, người
đọc cảm thấy vừa thú vị vừa hồi hộp, lo âu cho cái kiểu trốn trại hoàn toàn
không giống ai của anh. Sau ngày mất nước, Huỳnh Công Ánh ra trình diện học tập
dưới hình thù của một cựu Đại úy Sư Đoàn 22 Bộ Binh, nhưng lúc trốn khỏi trại
tù Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh, thì Năm Nhớt (tên trong tù của Huynh Công Ánh) lại trá hình
thành người lính bộ đội Bắc Việt trong bộ đồ xanh màu cứt ngựa, với nón cối,
dép râu và đeo sắc- cốt (sacoche) kè kè bên hông.
Cộng sản thống trị đất nước bằng bạo lực vô thần. Sự dối trá đã trở thành
nếp sống quá quen thuộc của cái gọi là xã hội chủ nghĩa, cho nên dưới chế độ
sắt máu, từ quan quyền đến dân đen đều không tin nhau, luôn luôn cảnh giác, đề
phòng, thủ thế trước đối phương. Vậy mà trong thời gian toan tính vượt tù đó,
trong hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm đó, có hai nhân vật: Trần Thị Hoa, cô gái Hà
Tĩnh đã hết lòng cung ứng tất cả những gì Huỳnh Công Ánh cần và Nguyễn Đình
Chiến, người tù hình sự đã tận tình giúp đỡ Huỳnh Công Ánh trốn trại. Điều này
nói lên tính nhân bản giữa người với người, không chỉ sống cho mình, mà con
biết sống, biết giúp đỡ và hy sinh cho người khác.
Ở đoạn này, trang 137, Huỳnh Công Ánh viết rất hay, thật thấm thía vì nhân
đạo:
“Tôi trân quý vô cùng sự hy sinh thầm lặng của cô Hoa. Tôi nghĩ bất cứ
ai trong hoàn cảnh như tôi cũng không làm sao khỏi cảm động và thương cô. Chữ
“thương” ở đây không nhất thiết là tình cảm trai gái, và dù có cũng không có gì
là lạ, mà là thương cái tình con người, thương sự hy sinh mà không hề đòi hỏi
gì khác. Tôi là một người tù đói khổ, tương lai chẳng biết ra sao. Thế mà cô
chọn tôi, sẵn sàng chờ tới ngày tôi được thả. Nếu tôi không xúc động, tôi không
phải là người bình thường.”
Trong cách hành văn giản dị của Huỳnh Công Ánh, tình bạn trên đường chinh
chiến, nhất là sau này trong các trại tù cải tạo, thật sự cần thiết. Họ là
những mảnh vụn của cuộc đời gom lại để sinh tồn. Tôi nói sinh tồn chớ không
phải sinh sát. Trong những ngày tháng lao động khổ sai, bệnh tật, đói khát
triền miên trên rừng núi, tù cải tạo phải chịu nhiều thử thách qua nhiều năm,
trong khi cán bộ quản chế nhà tù lại tàn bạo với kẻ thua trận. Cho nên không
phải ai cũng biết gìn giữ nhân cách, sĩ khí như xưa. Để chứng tỏ mình lao động
tốt, học tập tốt hầu sớm được thả về, nhiều khi họ đã dùng thủ đoạn, mánh khoé
hiểm độc để hại nhau, như Trung tá Hiền là một điển hình trong trại tù cải tạo.
Vì vậy, sinh tồn từ trong xiềng xích, từ dưới gót của đôi dép râu, tự nhiên cái
tình của bạn đồng tù nó nói lên cho cái gì có giá trị đẹp đẽ như sát cánh,
nương tựa, che chở, giúp đỡ và bảo vệ cho nhau.
Mang một tựa đề tiêu biểu Vượt Tù, Vượt Biển, tập hồi ký của nhà
văn Bình Định Huỳnh Công Ánh được hình thành bằng một bút pháp bình dị, khoáng
đạt, hào sảng và bi tráng. Câu chuyện kể về cuộc đời thăng trầm của tác giả từ
lúc đi tù Cộng sản, vượt tù, vượt biển ra tới hải ngoại là một chứng từ sống,
dĩ nhiên vì là một câu chuyện thực nên Huỳnh Công Ánh không thể hư cấu. Qua đó,
tác giả với lập trường kiên định, vạch rõ quan điểm chính trị vững vàng, gợi
lên lý tưởng hòa bình cao đẹp, biểu lộ lòng nhân ái sâu sắc, đồng thời không
quên vạch trần tội ác của chế độ Cộng sản áp đặt trên số phận người dân miền
Nam và tù binh Việt Nam Cộng Hòa sau ba mươi năm chiến tranh. Điều này cho ta
thấy tập hồi ký có một giá trị của một trước tác nghệ thuật.
Huỳnh Công Ánh sinh năm 1946 tại làng Phú Kim, quận Phù Cát, tỉnh Bình
Định.Theo học các trường La San Kim Phước – Kontum, La san Bá Ninh – Nha Trang,
La san Hiền Vương – Sài Gòn và Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Năm 1968 nhập
ngũ trường Bộ binh Sĩ quan Thủ Đức khóa 3/68, ra trường phục vụ tại Sư đoàn 22
Bộ Binh, cấp bậc cuối cùng là Đại úy. Sau 1975 tù cải tạo từ Nam ra Bắc. Vượt
ngục cuối năm 1980 rồi vượt biên. Định cư tại Hoa Kỳ1981.
Năm 1985 Huỳnh Công Ánh sáng lập Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam,
Phong Trào Hưng Ca Việt Nam, Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Tự Do. Năm 2012 sáng lập
tổ chức Liên Kết Văn Nghệ Sĩ, Thanh Niên, Sinh Viên, Việt Nam Tự Do.
Huỳnh Công Ánh là tác giả của các băng nhạc Uất Hận Ca (1981), Tiếng Mẹ Gọi
(1985), Lên Đường (với Phong Trào Hưng Ca Việt Nam 1988), Thắp Lửa Tự Do (với
PTHCVN 1989), Hưng Ca Hành Khúc (với PTHCVN), Quê Hương và Tình Ca, Những Trái
Tim Rực Lửa (tập nhạc 1987), Hạnh Ngộ Bên Trời (thơ 2005), Quẳng Gánh Lao Đao,
Giữ Nụ Cười (thơ 2010), Ơn Nghĩa Trùng Trùng (thơ 2013), Cát Bụi Lăn Trầm (thơ
2016), Vượt Ngục, Vượt Biển (hồi ký 2016).
Ngoài hoạt động văn nghệ, Huỳnh Công Ánh còn thành công về kinh tế và xã
hội, được tưởng thưởng nhiều huy chương của quốc hội Hoa Kỳ, Đại Học Harvard,
đài CSB tại Hoa Kỳ.
Sau 41 năm mất nước, 6 năm đi tù rồi vượt tù, vượt biển đến thế giới tự do,
Hưỳnh Công Ánh đã có những đóng góp lớn lao vào nền nghệ thuật âm nhạc, vào đời
sống kinh tế, xã hội và hoạt động chính trị. Sự nghiệp văn học của anh đã thành
hình và thành công khởi đi từ trong lao tù Cộng sản ra tới hải ngoại, đã tạo nên
tên tuổi mà mọi người đều biết: nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh.
Phan Ni Tấn
Toronto, Canada
tháng 9-2016