(xem Chương 4, 5, 6)
(xem Chương 7, 8, 9)
(xem Chương 10, 11, 12)
(xem Chương 13, 14, 15)
16.
Sau bao nhiêu đồn đoán, rốt cuộc
quân miền Bắc tấn công Banmêthuột. Dưới con mắt của các nhà chiến lược thì đây
là một cuộc tấn công có phần mạo hiểm nếu không muốn nói là tự sát. Bỡi vì quân
đoàn II từ Pleiku đánh thốc xuống, quân đoàn dù và thuỷ quân lục chiến từ Nha
Trang đánh lên. Có là con voi chín ngà cũng không thoát khỏi vòng vây. Nhưng
không hiểu sao người ta vẫn bảo cọng sản chỉ dương đông kích tây để đánh
Pleiku! Đến khi cái buôn làng giàu có nhất Tây nguyên bị đánh chiếm hoàn toàn
thì mọi quyết đưa ra đều đã quá muộn!
Banmêthuột bây giờ giống như thiên
linh cái đã bị điểm trúng huyệt. Chẳng những các quyết định đưa ra đã quá muộn
mà còn quá sai tưởng chừng như u mê lú lẫn. Thay vì phải quyết giành lại cho
bằng được dù phải ném vào đó cả sư đoàn như ở cổ thành Quảng Trị trong mùa hè
đỏ lửa, thì người ta lại quyết định di tản chiến thuật! Nghĩa là tạm thời bỏ
cao nguyên để lui về giữ vùng duyên hải. Năm sau bầu cử tổng thống Mỹ đánh
chiếm lại cũng chưa muộn! Thế là một cuộc di tản quân sự ồ ạt chưa từng có đã
diễn ra!
Để tránh bị truy kích và phục kích,
người ta không đi dường quốc lộ 19 xuống Quy Nhơn mà đi đường tỉnh lộ 7 xuống
Tuy Hòa. Người ta cho rằng như thế là đã đánh lừa được cộng sản.
Cả một quân đoàn với bao nhiêu xe
pháo lính tráng vợ con, cùng cả vạn dân tứ xứ lên lập nghiệp ở cao nguyên, đùn
đẩy chen chúc nhau trên tỉnh lộ có từ hồi Pháp thuộc, đã từ lâu không dùng đến
đầy ổ gà ổ voi nhiều chỗ đứt đoạn.
Lúc đầu có công binh đi mở đường,
thiết giáp đi đoạn hậu, trên cao trực thăng quần đảo. Nhưng khi ra khỏi thành
phố chừng vài mươi cây số, bắt đầu xuyên qua rừng thì bị đánh thọc sườn. B.40
lao thẳng vào xe. Rồi lựu đạn ném như vãi cát. A.K nổ cồng cộc từng tràng. Lửa
và khói mù trời. Tiếng súng nổ. Tiêng thét gào. Tiếng rên xiết kêu la tuyệt
vọng. Một cảnh hoảng loạn chưa từng thấy. Dân hốt hoảng giẫm đạp lên nhau. Lính
vứt súng đi tìm vợ con. Cả một quân đoàn thiện chiến giờ như một con rồng bị
thương đang cố trườn mình ra biển!
Trước đó, cuộc hành quân của chúng
tôi chưa được mấy ngày đã được lệnh khẩn cấp phải quay về. Chúng tôi không kịp
về trại mà phải xuống Pleiku để di tản ngay. Lúc đầu còn đi theo từng trung
đội, sau mạnh ai nấy đi. Chẳng mấy chốc chúng tôi lọt giữa một rừng người hốt
hoảng. Người ta tranh nhau leo lên xe, chẳng cần biết là lính hay dân. Rồi
người ta cướp xe, cán cả lên người bị thương mà đi. Phía trước có cầu bị sập.
Phía sau không cần biết cứ đùn đẩy tới trước. Cả một đám người lúc nhúc loi
nhoi, tới không được, lui cũng không. Pháo địch lại rót tới không thương tiếc!
Máu và thịt tung lên đỏ thắm như xác pháo.
Mình đầy máu me, tôi bị hất tung lên
cao rồi rơi xuống bìa rừng. Bị choáng một lúc. Khi tỉnh lại tôi nhận ra rằng,
nếu cứ nhập vào cái đoàn người vừa đói khát vừa điên dại đó, trước sau gì tôi
cũng bị xéo nát. Tôi tìm tới một gốc cây nghỉ mệt, mặc cho đoàn người xe pháo
tuyệt vọng vẫn cứ bò qua.
Tôi chập chờn trong cái đêm kinh
hoàng nhất của đời mình. Hơn cả lúc cô Sáu tôi chết. Cái khủng khiếp không hẳn
do đạn bom chết chóc mà là một nỗi tuyệt vọng to lớn làm cho cả đầu óc và chân
tay tưởng chừng rũ liệt.
Sáng ra, đoàn người đã đi suốt đêm
bỏ lại con đường đầy những súng ống giày mũ và những xác chết không còn nhận ra
mặt người. Đau xót làm sao là hãy còn những đứa bé xao xác đi tìm cha mẹ. Tôi
định gom chúng lại dẫn đi. Nhưng lúc ấy có nhiều toán du kích xuất hiện. Bọn họ
đi thu nhặt súng. Tôi lại phải nằm xuống giả vờ chết. Mặc cho những đứa bé dãy
dụa khóc la, họ vẫn buộc chúng đi theo họ vào tận rừng sâu. Tôi cố nghỉ là họ
không nỡ đem chúng đi bắn để khỏi phải gào lên!
Thật may là tôi không bị thương tích
gì. Tôi nhặt một biđông tìm chút nước. Tôi uống một ngụm rồi cứ phía trước mà
đi đại chẳng cân biết đây là nơi nào. Vượt qua những vũng máu, những xác xe
tăng đang còn cháy dở, tôi đến gần một con suối. Lúc ấy tôi nghe một tiếng rên.
Tôi tìm tới, chắc là có người đang bị thương. Nhưng thật bất ngờ, đó là một
người đàn bà với cái bụng to kềnh đang quằn quại vì sắp sinh. Dĩ nhiên là tôi
ngồi xuống bên cạnh, dù tôi không biết sẽ phải giúp đỡ chị ta bằng cách nào.
Tôi chưa dám hỏi nói gì với chị.
Trông chị mệt lã. Mồ hôi chảy ướt cả tóc. Bên cạnh chị, một xác chết nằm sấp,
chiếc mũ sắt che kín mặt anh ta. Tôi thấy đau nhói ngang ngực. Chắc chắn cái
xác ấy là cha của đứa trẻ chưa biết sẽ được sinh ra bằng cách nào!
Dường như cảm nhận có người ngồi bên
cạnh, mắt chị vẫn nhắm, nhưng miệng chị run rẩy thều thào: “Xin đừng bỏ đi! Hãy
làm phước giúp tôi!“. Tôi vội lên tiếng để chị yên lòng: Ờ, có tôi ở lại đây,
chị đừng sợ. Chị mở choàng mắt, ngạc nhiên khi thấy tôi là một người đàn ông.
Chị nói như khóc: Xin anh giúp giùm mẹ con tôi. Tôi gật đầu.
Liền sau đó, chị cong người lên vì
đau. Tôi vội ra sau đỡ lấy người chị. Chị cắn môi đến bật máu để nén tiếng kêu.
Tôi chưa thấy một người đàn bà nào trở dạ trong cảnh đau thương tuyệt vọng như
chị. Tôi rùng mình nghĩ tới mẹ tôi. Cái đêm mà mẹ sinh tôi ra ở bờ sông chắc
cũng trơ trọi, đớn đau và tuyệt vọng như thế này. Tôi thấy thương mẹ tôi quá.
Bao nhiêu giận hờn, ấm ức, giận mẹ giận đời, như cục đá to suốt bao nhiêu năm
chẹn ngang ngực, bỗng chốc tan ra như nước.
Bỗng chị qườ quạng nắm chặt tay tôi.
Chặt đến nỗi tôi tưởng chừng chị sắp bóp nát nó ra. Hai gót chân chị cày trên
đất để tìm chỗ tựa. Người chị như một cánh cung. Chị nín thở rồi bật ra một
tiếng “ối”.
Chị ngã vật ra. Tôi cũng ngã theo.
Ơn trời, chị sinh được một cháu bé.
Khi tôi đỡ đứa bé trên tay, một thằng cu, nó khóc thật lảnh lói. Tôi mừng đến
chảy nước mắt. Cũng là tiếng khóc, nhưng không phải là tiếng khóc của những con
người khốn khổ vừa đi qua, mà tiếng khóc mới, ấm và vui quá chừng. Không hiểu
tiếng khóc đầu tiên của tôi có được như vậy không?
Mẹ của cháu tuy mệt, nhưng nụ cười
đã làm cho khuôn mặt chị trở lại bình thường, không còn méo mó nhăn nhúm nữa.
Chị đỡ lấy con, nhờ tôi đi xuống suối lấy nước. Sau đó, chị chỉ cho tôi một số
việc mà các bà mụ phải làm. Tuy lúng túng vụng về nhưng tôi đã làm những công
việc kỳ lạ đó không một chút ngượng ngập xấu hổ.
Sau đó, để yên cho chị rủ rỉ nựng
con, tôi lặng lẽ đem cái xác của người chồng đến một gốc cây gần đó. Tôi bẻ lá
cây rừng phủ lên người anh, như tôi đã từng lót lá để chôn cô Sáu. Tôi khiêng
đá chặn lên để thú rừng không moi xác anh. Tôi cũng dùng đá khắc tên họ anh lên
cây để may ra sau này chị biết chỗ mà tìm.
Khi mọi việc xong xuôi, ngày cũng
sắp tàn. Tôi đến gần chị và nhận ra khuôn mặt chị đầm đìa nước mắt. Chị nhìn
tôi, nói gân như nấc lên từng tiếng:
– Anh gì ơi! Mẹ con tôi biết lấy gì
đền ơn anh !
– Trông chị hãy còn mệt lắm. Chị ngủ
đi!
– Anh ấy là chồng tôi.
– Tôi cũng đoán vậy.
– Anh ấy bị trúng đạn.
– Anh chị về đâu ?
– Về Nha Trang. Chắc còn xa lắm phải
không?
– Tôi cũng không biết nữa, nhưng sẽ
cố đưa chị về ít ra là tới Tuy Hòa.
– Anh khổ với chúng tôi quá. Chắc là
Trời Phật đưa anh tới giúp chúng tôi.
– Chị đừng nghĩ ngợi lung tung. Tôi
với anh ấy cùng là lính mà.
Rất may là anh chị đã chuẩn bị cho
đứa con đầu lòng rất chu đáo. Những tã lót và quần áo của cháu bé vẫn còn sạch
sẽ thơm tho. Anh là trung uý và chị là giáo viên tiểu học. Thật tiếc là anh
không còn sống để được thấy đứa con xinh đẹp của mình chào đời.
Đêm hôm đó, tôi đốt một đống lửa bên
cạnh nấm mồ bằng lá của anh. Gần đó vợ con anh đang nằm ngủ. Xa xa vọng lại
tiếng máy bay trinh sát và khu rừng đôi lúc sáng lên dưới ánh hoả châu buồn bã.
Sáng hôm sau chúng tôi lên đường.
Một cuộc hành trình vất vả mà có lẽ suốt đời chị không bao giờ quên được. Cuộc
hành trình giữa những xác chết đã bắt đầu hôi thối. Dù can đảm và chịu đưng đến
mấy cũng có lúc chị phải bật khóc. Chân chị phồng rộp. Nhiều đoạn tôi phải ghé
lưng cõng chị đi. Đứa bé trên lưng chị ngật ngừ vì bị sốt.
Năm ngày sau, chúng tôi cũng bò được
ra khỏi rừng và đến được những xóm làng nghèo nàn thưa thớt. Dù vậy, những
người ở đây cũng đã giúp chúng tôi thoát chết.
Khi tôi đưa được chị đến Tuy Hoà thì
cờ MTGPMN đã tung bay ngạo nghễ. Tôi tìm cách đón xe cho chị về Nha Trang. Đứa
bé đã biết hấp háy nhìn tôi khi tôi đặt một ngón tay lên trán bé để từ biệt.
Chị không nói lên lời, nước mắt lặng lẽ nhỏ xuống mặt con. Tôi chúc chị lên
đường bình yên. Còn tôi, con đường trước mặt chắc chắn là không bình yên một
chút nào.
17.
Giữa những con phố đầy cờ nửa xanh
nửa đỏ, mọi người mệt mỏi trở về sau khi đã cố sức chạy theo quân miền Nam mà
không kịp. Hay đúng hơn là cũng không còn biết chạy đi đâu nữa. Lịch sử đang
viết tiếp những dòng dữ dội. Hết Phan Rang, Phan Thiết, đến Long Khánh, Biên
Hoà rơi rụng như những đồng bạc vô hồn trong tay một con bạc tháu cáy. Sài Gòn
bị bao vây bỡi một số lớn những máy cày giả làm xe tăng. Tổng thống một ngày
Dương văn Minh chỉ kịp ghi cái dấu chấm nhỏ vào lịch sử bằng cách tuyên bố đầu
hàng vô điều kiện!
Dù sao thì cũng đã hoà bình, tuy
rằng con chim bồ câu một cánh thì xanh, một cánh thì đỏ. Từ đây các bà mẹ không
phải đêm đêm ra thắp nhang giữa trời, cầu xin Trời Phật chở che cho con trai
khỏi phải bị hòn tên mũi đạn. Các chị vợ lính khỏi phải ngất xỉu vì nhận giấy
báo tử của chồng. Và lúa chín sẽ có người chờ gặt!
Trở về!
Hai tiếng nghe náo nức làm sao!
Trên đường về làng, nhộn nhịp những
người hồi cư. Vẫn gồng vẫn gánh, vẫn tay xách nách mang, vẫn luộm thuộm rách
rưới như ngày nào bỏ cả nhà cửa ruộng đông mà đi. Sau bao nhiêu năm dấp dúi bên
hông phố chợ, những con người của đồng ruộng cũng chẳng giàu có văn minh hơn
chút nào. Đôi mắt ai cũng mờ đi ít nhiều. Giọng nói còn đục và buồn hơn. Biết
sống làm sao đây khi ruộng đồng cỏ lát cao ngập đầu người. Những đồng lương ít
ỏi của những đứa con đi lính xẻ chia đã không còn nữa. Trên đầu đứa nào cũng
cao lêu nghêu một cái mũ nguỵ quân nguỵ quyền.
Tôi đã gặp các ông hương kiểm, hương
bộ, các ông biện, ông câu… Với cây gậy trong tay các ông run rẩy đi theo con
cháu. Chừng ấy năm chạy loạn, chừng ấy năm sống bụi sống bờ, các ông hãy còn
liu xiu bước đi đã là may. Đem được cái nắm xương về với quê nhà thì con chim
hoà bình màu gì cũng được!
Đã tới làng rồi đây!
Tôi lội qua sông leo lên cái mô đất
bên cầu. Giữa cây cỏ hoang vu, một cây khế đúng là đã mọc trên chỗ cô tôi nằm.
Những bông khế đầu mùa tim tím đang lặng lẽ toả hương. Tôi cứ tưởng mình sẽ
phải khóc nức nở khi được quỳ trên mộ của cô. Nhưng thật lạ, tôi lại thấy lòng
mình rất ấm áp. Như thể tôi đang gặp lại cô. Tôi nói thầm: Con đã về rồi, thưa
Mẹ!
Trong lúc tôi đang lay hoay thắp
nhang cho cô thì có tiếng đạn lên nòng và có tiếng quát :
– Mày là thằng Được chó đẻ phải
không?
Tôi nói:
– Đúng, Lê văn Được là tôi.
– Đi theo tao!
Tôi nói:
– Để tôi thắp cho cô tôi cây nhang
đã!
Nhưng bọn họ túm nắm nhang vừa mới
đốt ném vào bụi.
– Đi ngay! Không nhang khói gì hết.
Đồ chó đẻ mà cũng bày đặt nhang với khói!
Tôi bị dí súng vào lưng bắt phải đi
đến trụ sở Uỷ ban quân quản lúc này đang che tạm trên nền nhà ông Chánh nhạc.
Một người hơn 30 tuổi đầu đội mũ tai bèo, lưng đeo súng colt xô ghế đứng dậy
hỏi tôi:
– Hừ, thằng chó đẻ mày có biết tao
không?
Tôi không trả lời. Thực ra tôi biết.
Nó là thằng Khấu con ông Năm Qườn chăn vịt. Ngày trước ở làng người ta gọi đùa
ông là thiếu tá vì dưới cây sào của ông lúc nào cũng có cả mấy trăm con vịt đẻ.
Bà vợ ông cũng đẻ nhiều như vịt, nhiều đến nỗi ông không nhớ hết tên con. Để
khỏi nhầm, ông gọi kèm với một đặc điểm nào đó. Như Sủng lé, Mận còi, Khấu
thẹo…Một lần đuổi theo mấy con vịt lạc bầy, ông đã bị nước lụt cuốn trôi. Khấu
thẹo thay cha nắm cây sào. Chẳng biết có phải vì lý lịch chăn vịt mấy đời mà
nay nó được chăn dắt dân làng An Định lúc này cũng đang lao nhao chẳng khác gì
một bầy vịt đói.
Múa cây colt trong tay như một viên
thiếu tá thực thụ, nó nói:
– Giải phóng đã từ lâu rồi sao mày
còn ôm chân đế quốc?
Tôi nói:
– Hôm nay mới mùng 10 tháng 5.
– Tao nói từ khi giải phóng Bình
Định kia!
– Nhưng nay cũng đâu đã hết hạn.
– Mày cãi lý với tao hả. Nếu không
gông cổ mày tới đây, đã chắc gì mày chịu trình diện. Mày có biết cái tội của
mày lớn đến chừng nào không?
– Tôi trốn không được thì phải đi
lính vậy thôi. Tôi nào đã bắn chết ai đâu!
– Mày đem chó khui hầm bắt đồng chí
Thảnh và nhiều đồng chí khác mà không bắn giết ai à? Những đồng chí ấy đáng giá
cả trăm cả ngàn người. Lại còn đồng chí Khứ nữa. Mày ác đến độ để lũ chó kéo
xác cho lũ giặc xem.
– Ông ấy cố lết ra miệng cống uồng
quá nhiều nước nên chết. Tôi muốn cứu cũng không được.
– Vậy là mày nói đồng chí ấy ngu?
– Không. Tôi nghe người ta nói bị
thương mà uống nước nhiều nước là chết không kịp ngáp.
Thế là hắn quát:
– Tống cổ nó vào xà lim.
Thực ra đó là cái nhà tắm của cô
Thảnh đã bỏ hoang từ khi có một thằng phải gió nằm trên mái nhìn trộm. Sau bao
nhiêu năm dưới bom đạn chẳng hiểu sao nó vẫn còn! Nó đầy cóc đầy nhái và trên
tường đầy những hình vẽ tục tĩu. Tôi bị trói, một tay quặt ra sau lưng, một tay
vòng sau ót, hai chân không bị cùm nhưng cột vào một khúc cây nên chỉ có trời
mới cứu được. Tôi cố chịu trận suốt đêm.
Sáng hôm sau chúng đem tôi ra trước
dân, thực ra là trước một đám du kích, chỉ lèo tèo vài cụ già ốm yếu. Tôi biết
là mình đang bị đem ra đấu tố. Tôi được cởi trói, nhưng bị bắt quỳ chống hai
tay xuống đất. Tiếng Khấu thẹo:
– Bò tới đây!
Tôi bò tới. Hắn thảy một gói gì hôi
hôi trước mặt bảo ăn đi. Tôi không ăn, cả bọn cùng cười. Hắn chế nhạo:
– Chó mà chê cứt à?
Tôi im lặng vì biết những gì sắp xảy
ra. Đó là sau khi bị làm nhục đủ điều sẽ ăn đấm ăn đá, bị báng súng nện vào
đầu, gậy đập vào lưng và sau cùng là bị quẳng xác xuống sông. Y như chó chết.
Tôi đang chờ đợi cái kết thúc cuộc
đời một cách khôn nạn như thế thì có đứa đến nói nhỏ vào tai Khấu thẹo gì đó.
Hắn bực bội chửi thề, rút súng bắn lên trời mấy phát. Hắn chỉ thẳng vào mặt
tôi, nói:
– Tội của mày đáng băm vằm ra trăm
mảnh chứ không phải chỉ có mỗi lá gan như của thằng Mậu thôi đâu. Trước đây thì
mày đã nát xương với tao rồi. Nhưng nay hoà bình thì để Trên xử. Mày đã hại các
cụ lớn thì hãy để phần cho các cụ trị mày. Thôi đưa nó lên Huyện.Đồ chó đẻ!
Bọn chúng không bắt tôi phải đi theo
kíểu chó. Nhưng hai tay bị trói, lại có cả tiểu đội du kích áp tải, nên dọc
đường đi, mọi người nhìn tôi thương hại như nhìn một tử tội trên đường ra pháp
trường.
Tại Uỷ ban quân quản huyện, tôi được
đối xử nhân đạo hơn. Người ta cho tôi ăn, dĩ nhiên là cơm độn. Rồi người ta đưa
giấy bút bảo tôi kê khai những tên biệt kích Mỹ. Tôi nào nhớ hết. Vả lại tôi
cũng chỉ nhớ mang máng một vài đứa. Tôi định viết hai chữ: không biết, nhưng
nhớ lại hồi bị giam ở quận, nếu không khai bậy vài tên sẽ bị đánh nhừ đòn, nên
tôi phịa ra cả một danh sách dài với những tên Mỹ và Nùng mà dù có thắp đuốc
đến năm 2000 cũng không tìm ra được.
Có danh sách ấy người ta coi tôi như
thằng thủ ngữ Đực dạo nào. Nghĩa là từ tôi sẽ phăng ra bọn biệt kích mà người
ta tin là còn được cài lại để chống phá Cách mạng. Tôi được phép mua thuốc hút,
được mua bia nếu muốn. Cứ như tiêu chuẩn của cán bộ cao cấp. Nhưng rồi tôi phát
hoảng khi nhớ lại rằng, cũng chính vì thế mà thằng thủ ngữ Đực đã bị đem ra bắn
bỏ ở đồng cây Sanh!
Cũng may là người ta có quá nhiều
việc phải làm, nào đổi tiền, nào cải tạo công thương nghiệp, nguỵ quân nguỵ
quyền… nên người ta quên mất cái danh sách bậy bạ của tôi. Sau đó, người ta đưa
tôi đi cải tạo mặc dù tôi không phải là sĩ quan. Tôi bị ghép vào tội ác ôn gây
nợ máu với nhân dân. Cái danh sách ở làng An Định đi học tập, chẳng những tên
tôi đứng đầu mà còn gạch đít màu đỏ đến những hai lần.
Đến trại K….
Một tháng sau, người ta rà soát lý
lịch thấy tôi chỉ là một thằng lính chó nên đuổi về. Nhưng vừa về tới làng thì
Khấu thẹo bảo tôi bỏ trốn, lại thộp cổ đưa đi. Lại đuổi về. Rồi lại bị áp giải
đưa lên. Đá qua đá lại như thế, sau cùng người ta ném tôi vào chung với bọn ma
cô đĩ điếm, bọn anh chị cướp giật trước đây.
Có vào đây mới biết địa ngục là có
thật. Nó ở ngay trên cái trần gian này chứ không cần phải xuống tận âm phủ.
Chẳng biết do ai đồn thổi mà chúng tưởng tôi đã từng làm chủ bar nên rất giàu.
Có đứa còn bảo tôi đi biệt kích Mỹ đã từng nhảy sô ra Bắc nên tiền tử và tiền
thưởng để đâu cho hết. Cứ sau khi cán bộ quản giáo vừa quay lưng là chúng lôi
tôi ra tẩm quất bằng những cái lên gối muốn ói máu, những cái thúc cùi chỏ đến
nghẹn thở. Rồi chúng bắt tôi uống một thứ nước quỷ quái gì đó, nửa như nước đái
bò nửa như nước rửa thớt để tôi nôn thốc nôn tháo ra. Không thấy gì, chúng lại
bắt tôi uống một thứ nước khác đau thắt ruột, rồi bắt một đứa ngồi xem tôi ỉa
có hột xoàn hay không. Chúng hành hạ tôi suốt cả tháng trời đến nỗi chỉ còn là
cái xác khô nằm trong xó. Cán bộ tưởng tôi chết cho đem đi chôn. Bọn chúng
không thèm đào lỗ, chỉ quăng tôi xuống suối. Có một người mò cá vớt được, cho
tôi uống nước gừng và quế. Nhờ đó tôi sống lại được, một mình bò về trại.
Mãi sau này chúng mới biết tôi là
đứa không mẹ không cha, mới sinh đã bị đem thả trôi sông, đi lính chỉ là lính
chó! Từ đó, chúng coi tôi như cùng một giuộc, nghĩa là cùng bị cuộc đời chó má
chà lên đạp xuống không biết bao nhiêu lần. Chẳng những chúng thôi hành hạ mà
còn cho chác, khi miếng đường khi điếu thuốc. Chúng còn bảo khi ra tù chúng sẽ
bày cho mánh làm ăn!
Tôi cố gắng cải tạo thật tốt, nghĩa
là cố gắng giữ đúng nội quy của trại. Sáng nhận một củ khoai nhỏ bằng ngón tay
để đánh thức cái dạ dày đã ngủ yên. Rồi vác rựa vào rừng để chặt cây hay vác
cuốc xuống ruộng tuỳ theo đội. Trưa về, đúng một chén cơm trộn bo bo và một
phần tư con mắm thối. Chiều lại đi vào rừng, lại xuống ruộng. Lại một chén khô
rốc gọi là cơm và một phần tư cái xác thối gọi là mắm. Tối xem TV để thấy cả
nước đang hăng say xây dựng XHCN!
Sau cùng đến giờ ngủ. Cứ tưởng với
cái thân xác đói khát mệt rũ người ra, đứa nào cũng sẽ ngủ như chết. Nhưng
trong đêm tối đủ thứ tiếng động lịch kịch. Tiếng rên, tiếng khóc, đôi khi tiếng
thét như một đường gươm. Tôi co quắp người bịt tai lại như con trút. Có những
cảnh cưỡng dâm khủng khiếp như trong cái buồng tắm của bar thằng Hậu!
Mặc dù năm nào tổng kết, tôi cũng
được coi là tiến bộ, được đề nghị cho ra trại. Nhưng địa phương vẫn cứ bảo là
tôi cần phải cải tạo nữa, không chịu nhận. Sau nhiều lần như vậy, quản giáo đâm
gắt: cái làng An Định chết tiệt, có giỏi thì lên đây mà cải tạo. Nhờ vậy tôi
được cho về sau đúng 5 năm giáo dưỡng! Nếu tính ra thiên thu thì biết mấy ngàn
cái thiên thu trong một đời người!
Khi về đến làng, việc trước nhất của
tôi là đến thăm mộ cô Sáu. Lần này thì tôi khóc nức nở như một đứa bé bị lạc
mất mẹ. Đến những mười lăm năm kể từ ngày cô mất, giờ tôi mới được bình yên
ngồi bên cạnh mộ cô, thực ra là ngồi trên chỗ cô nằm mà chỉ có mỗi cây khế thay
cho bia mộ. Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày sống bên cô. Những lần đi mót lúa,
đi mua mía và cái áo mới cổ vuông. Đó là những ngày êm đẹp nhất. Tôi thiếu cơm,
thiếu áo nhưng không bao giờ cảm thấy thiếu Mẹ.
Cái chòi của cô đương nhiên không
còn. Cái rẻo đất ấy người ta cũng không cho làm nhà. Tôi được anh Cộng trưởng
tràng ngày nào giờ là trưởng ban thôn cho ở tạm trong nhà kho của HTX. Rồi tôi
được giao cho việc giữ sổ sách, mỗi ngày được 10 điểm, quy ra thóc là được 500
g.
Mọi việc có vẻ êm xuôi như thế là
nhờ Khấu thẹo không còn ngồi trên cái ghế chủ tịch nữa. Anh ta sau mấy năm được
cho đi học bồi dưỡng nhưng không qua được cái bổ túc công nông cấp 1 bèn chửi
đổng: Đù mẹ, thà làm thằng chăn vịt sướng hơn làm thằng cán bộ. Anh ta lại tậu
một bầy vịt và dưới cây sào của anh, bầy vịt ngoan ngoản để cho anh đếm dẽ dàng
hơn là làm mấy con tính cọng trừ nhân chia.
Đời sống ở HTX so ra cũng chẳng khác
gì mấy ở trại giáo dưỡng. Cũng sáng đánh kẻng ra đồng. Trưa đánh kẻng về, chiều
lại đánh kẻng ra. Lúa thóc đến mùa được đưa hết vào những cái kho to đùng mới
cất trên các gò đầy mồ mả. Ban quản trị HTX nắm hết tất cả soi ruộng trong
làng, trở thành một đại địa chủ còn to gấp trăm lần ông tổng Bá. Chỉ khác một
điều là anh có thể cầm cuốc đứng nhơi nhơi cho hết giờ rồi về. Và tối đến anh
có thể đi ăn trộm!
Cứ đem theo một cái bao cát rồi nằm
sấp trên bờ ruộng mà trườn đi. Chân thì đạp tay thì tuốt. Tuốt, tuốt mãi cho
đến khi đầy bao hay chảy máu tay thì thôi. Năm Quầng, Sáu Quẳng mà có sống lại
cũng phải cúi đầu bái phục! Ở trại giáo dưỡng tội ăn cắp của tập thể là bị bỏ
đói, nhiều lần thì bị cùm chân. Nhưng ở làng thì chẳng ai làm gì anh vì gần như
cả làng cùng đi ăn trộm như thế. Biết bỏ đói ai, cùm ai bây giờ! Với lại cũng
phải làm ngơ cho người ta sống chứ. Một hạt lúa bây giờ cõng đủ thứ trên lưng.
Nào quỹ này quỹ nọ, nào phải mua nông cụ, nào tái sản xuất, nào xây dựng kênh
mương và phải nuôi mấy chục người trong Ban quản trị nên công điểm tụt dần mỗi
ngày công chưa được vài lạng.
Còn đói hơn hồi chín năm. Và để có
cái áo cho con, cái quần cho vợ, trai tráng trong làng kéo nhau đi buôn. Ngày
xưa, chợ là của đàn bà, bây giờ chợ là của đàn ông. Bỡi vì chẳng những phải
biết khiêng biết vác mà còn phải biết chạy. Chạy và chạy. Nếu chạy không giỏi
thì bị quản lý thị trường và thuế vụ tịch thu! Bây giờ có hàng ngàn ông Khứ
đang ngày đêm chực chờ rình rập ở các bến xe, các con tàu, các sân ga, các ngõ
vào thành phố…
Ham vui và cũng đi một lần cho biết
Sài Gòn, tôi đã theo bọn họ thử làm con buôn! Với 20 ký gạo buột trên lưng, ăn
ngủ nằm ngồi cũng không được rời ra, trông cứ như một cái bướu. Bọn họ, kẻ thì
mang giỏ gà, kẻ thì mang heo con. Buồn cười nhất là cái anh bán heo. Anh ta
mang hai con heo trên lưng cứ như Phạm Công mang hai con ra trận. Cốt Đột thấy
thương quá bèn cắt cho cái đầu rồi bãi binh. Nhưng thuế vụ thì không. Anh ta bị
rượt chạy mà không trốn vào đâu được vì hai con heo cứ mãi kêu ét ét !
Cả bọn trốn vào các nhà gần ga. Khi
con tàu mệt nhọc bò tới, có cả trăm con người với đủ thứ lỉnh kỉnh trên lưng
cùng đè nó ra mà leo lên. Bọn trên tàu sập cửa, bọn dưới đất liền phá cửa. Một
cuộc hỗn chiến như du kích tập đánh xáp lá cà. Kẻ lên được thì chết ngộp trong
hơi người, hơi heo gà mắm muối. Kẻ chưa lên thì cố đu theo như những con nhái.
Trên mui đương nhiên là đặc kín người. Thỉnh thoảng có kẻ ngủ quên hay qua cầu
bị gạt rơi xuống!
Xe qua Vân Canh như đi vào một cuộc
phục kích của thổ phỉ. Một cơn mưa cây và than trút vào các toa. Ai không tránh
được thì đành ôm cái đầu máu hay cái tay gãy! Xe qua Suối Dầu là mưa chuối cây.
Xe vào Phan Thiết là mắm muối, là cá khô…
Phì phò, è ạch mãi đến hai ngày đêm,
con tàu mới lết nổi tới Sài Gòn. Cái thành phố khổng lồ gần như đang bị bao vây
sống lây lất nhờ bọn con buôn đem những thứ không ăn được như lốp xe, vải vóc,
thuốc trừ sâu… đổi lấy những thứ ăn được. Một cuộc bán buôn chụp giựt diễn ra
dưới sự bố ráp của đủ thứ lực lượng. Tu huýt kêu toét toét…Mặc kệ! Đạn bắn chỉ
thiên kêu chóc chóc! Cũng mặc kệ! Bị rượt đuổi như chuột…Mặc kệ tuốt! Vừa chạy
vừa bán. Vừa trốn vừa bán. Đang té ngã cũng cứ bán.
Tôi bị đạp ngã nhào. Chưa kịp ngồi
dậy đã bị đè nghiến. Chỉ nghe một tiếng rẹt, cái cục gạo dính chặt suốt mấy
ngày trên lưng bỗng biến mất. Khi tôi đưng lên được thì một gã đeo băng đỏ quát
vào mặt: Cút xéo đi, đồ con buôn!
Cái cảnh ấy ngày nào cũng diễn ra
dưới ánh nắng mặt trời nóng bỏng và buồn bã của phương nam.
Thế rồi, bỗng dưng bức tường Bá Linh
kiên cố là thế lại sụp đổ. Các nước Đông Âu rơi rụng y hệt như những thành phố
Miền Nam năm 75. Liên xô thành trì Cách mạng vô sản thế giới cũng tan rã theo
như tuyết tan trên sông Vônga.
Cả nước bàng hoàng!
Người ta không còn thách thức: Ai
thắng ai ! nữa, mà làm một cuộc Đổi Mới là trả ruộng lại cho dân! Thực ta là
chia và tôi cũng được đúng 475 thước. Bây giờ, tôi có nhiều cục đất để ném chó
ỉa và không còn bị gọi bằng thằng như trước nữa.
Nhưng bấy nhiêu ruộng đất đó cũng
chỉ đổi đời bằng tiếng gọi ông chứ nghèo vẫn hoàn nghèo. Tôi dành 75 thước cất
một cái nhà chỉ lờn hơn cái lều cô Sáu tôi một chút, còn lại suốt năm cặm cụi
trên mảnh đất đó như con gà bươi mãi trên cát.
Những nhà khác được chia nhiều hơn
vì có đông nhân khẩu. Nhưng cũng lại đông hơn những cái miệng há ra đòi ăn như
những con chim tu hú trong các tổ chim sáo! Và cũng chẳng hơn gì tôi, cũng lại
nghèo, có khi còn thê thảm hơn vì ốm đau phải đem cầm thế, bán lần bán hồi rồi
cũng lại trắng tay.
Một ngày tháng ba, một chiếc xe kêu
lạch cạch chở một chiếc quan tài về làng. Mọi người nhấp nhỏm kéo ra xem. Té
ra, đó là thằng Hậu. Nó không mặc áo đại tang, nhưng trông nét mặt buồn rũ ra,
ai cũng biết người nằm trong hòm là cha nó.
Trong làng, gần như ai cũng mang ơn
nó nên hỏi thăm rối rít. Câu chuyện của nó đúng là có một kết thúc quá buồn.
Bao nhiêu tài trí, khôn lanh, chỉ trong một buổi sáng đã không gỡ nỗi cái mũ
kinh tài cho Việt cọng. Sau 75, một cái mũ khác to hơn, nặng hơn, cái mũ làm
tay sai cho giặc, làm nhục phụ nữ Việt Nam anh hùng (mở bar chứa gái), đã đưa
nó tới cái vùng ma thiêng nước độc gọi là kinh tế mới. Ở đó với hai bàn tay
không, với vợ con đau ốm, nó thực sự quỵ xuống.
Cũng có lần nó được một vài người
quen cũ thương tình cho đi vượt biên. Chiếc thuyền mỏng manh như một cái mo cau
cố sức trườn tới hải phận quốc tế. Rất nhiều tàu đi qua, có tàu to như cái xóm
Miễu, ban đêm đèn thắp sáng choang. Nhưng chẳng tàu nào chịu dừng, mặc cho nó
và những người trên tàu tung mũ nón, kêu gào đến khản cổ. Mãi mấy ngày sau mới
có một tàu thả ca nô xuống. Nhưng khi lên tàu, hóa ra là tàu Liên xô! Bọn nó bị
đưa vào Đà Nẵng, rồi bị tống giam vì tội phản quốc.
Ra tù, vợ con nó trôi dạt chẳng biết
đi đâu, chỉ còn mỗi ông già nằm thoi thóp mong thấy mặt con rồi mới chết. Có lẽ
linh cảm cái tai nạn tán gia bại sản, nên trong những ngày mà nó rủng rỉnh tiền
bạc, ông cụ đã dành dụm ky cóp những đồng tiền ăn quà, mua được mấy chỉ vàng.
Nhờ vậy, nó mới đủ tiền thuê một chiếc xe than đưa xác ông cụ về quê.
Sau đám tang nó ở lại làng một vài
ngày. Nó có đến nhà tôi một lần, ăn một bữa cơm không độn bo bo và uống một
chút rượu mía thay cho rượu úyt ky pha coca. Tôi quá nghèo chẳng biết lấy gì
giúp đỡ nó.
KẾT.
Bây giờ đã là năm 2000.
Mặt trời vẫn mọc. Nắng vẫn vàng như
mật ong. Trời vẫn xanh màu xanh muôn thuở. Chẳng có gì là đã đến ngày tận thế.
Chúa cũng chỉ hù dọa mà thôi.
Dù sao được sống đến cái năm mà cả
thế giới hồi hộp đón chờ cũng thật là hạnh phúc. Các ông già đã được con cháu
lần lượt khiêng qua bên kia sông. Tôi tròn sáu mươi tuổi. Cũng sắp được lên lão
làng.
Từ một đứa bé bị thả trôi sông, trải
qua sáu mươi năm, trở thành một ông già thật là dài. Những tháng năm cuồng nộ
đã đi qua đời tôi như một bầy ngựa điên. Nhiều lúc tôi tưởng đã bị chúng giẫm
đạp cho nát tan. Tôi bị tung lên, bị quật xuống, bị đá qua bên này, bị đạp qua
bên nọ.
Nhưng cuộc đời dù khốc liệt đến đâu
vẫn có cách san sẻ riêng của nó. Tôi kể ra đây câu chuyện cuối cùng để kết thúc
những trang hồi ký buồn nhiều hơn vui này.
Một buổi chiều, trời cũng đẹp như
chiều hôm nay. Đó là lần giỗ thứ ba mươi lăm của cô Sáu tôi. Đám giỗ ngay tại
cái mô đất bên cầu. Bên cạnh cây khế giờ đã xum xuê hoa trái, tôi đặt một đĩa
cơm vắt và muối rang, là hai thứ mà cô tôi thích vì cho rằng đó là những thứ
quý nhất trên đời.
Tôi đang lâm râm khấn khứa, bỗng có
cảm giác nóng ran một bên má. Tôi quay lại. Đứng trên cầu là một người đàn bà
đang lặng nhìn tôi. Hai hàng nước mắt sáng lên trong nắng cùng những sợi tóc
bạc.
Tôi kêu lên thảng thốt :
– Chị Thảo! Có phải chị Thảo không?
Chị gật đầu.
Tôi sụp lạy. Vừa lạy cô tôi, vừa lạy
tạ đất trời.
Khi tôi ngẩng đầu lên, một người con
trai cao lớn ở đâu đến đứng sau lưng chị. Tôi nghe tiếng nói như từ trong mơ
hay từ một cõi trời nào đưa lại:
– Chào cha đi con!
Lần này thì tôi khóc.
Đứa con trai ôm lấy tôi, áp cái đầu
đang muốn nổ tung vì bất ngờ vào cái ngực vững chải của nó. Một lúc sau nó mới
ngửa mặt tôi ra, hôn lên cái trán đã bắt đầu nhăn nheo thay cho một lời chào.
Viết xong lần thứ nhất năm 2004
Lần thứ hai năm 2009
Lần thứ ba hiệu đính năm 1011
Khuất Đẩu