Mùa Vu Lan này, có chút thời gian thư thả, tôi lại kệ sách lấy xuống hai
cuốn sách cũ ngồi đọc. Đó là hai cuốn hồi kí tù: Ánh sáng và bóng tối
của nhà văn Hoàng Liên và Đại học máu của nhà văn Hà Thúc Sinh. Mặc dù
đã hơn hai mươi năm trôi qua, khi đọc lại hai tác phẩm với nội dung phơi trần
sự thật về chế độ lao tù Cộng sản từng gây nhiều chấn động lúc xuất hiện lần
đầu, tôi vẫn thấy có cái gì rất mới hiển hiện trên từng trang sách. Hai mươi
năm lẻ, từ khi hai cuốn sách ra đời, là thời gian khá dài để hàn gắn nhiều vết
thương, ngoại trừ vết thương của những người tù trong cuộc mà tôi biết họ phải
gánh chịu cho đến chặng cuối con đường họ đi. Nhưng, dù sao chăng nữa, tôi
chẳng thể nào chối bỏ được giá trị văn học cũng như lịch sử của hai cuốn sách,
cảm xúc cũ mới cứ thế tràn về lây lan tâm khảm tôi.
Điều khá hiển nhiên, khi đọc hai cuốn sách này cùng lúc, là sự tương phản trong
phong cách văn học, trong thể cách trần thuật và nhất là trong tâm cảnh được
thể hiện của tác giả. Chính vì thế hiệu ứng của mỗi cuốn sách nơi người đọc
không giống nhau. Đều nói về các trại giam tù “cải tạo”, đều nói về sự đối xử
tàn bạo của chế độ tù, đều nói về những sự kiện nghịch lí, thậm chí phi lí, phi
nhân của đời sống tù nhân cải tạo, nhưng một bên là sự chịu đựng thầm lặng, cố
hết sức nuốt xuống tất cả mọi tủi hận đắng cay, cố bám víu lấy hi vọng, vẫn tìm
ra cái đẹp—chiếc lá đu đủ nửa vàng nửa xanh nổi đường gân trông đẹp đẽ như một
bức tranh, người tù trân trọng ghim nó lên tường căn xà lim bẩn thỉu rồi lui
lại ngắm nhìn—trong lúc chờ đợi ngày về; còn một bên là sự phẫn nộ, không, đúng
hơn, là cơn uất hận bốc cháy bừng bừng và uất khí không có chỗ tiêu tán quay
vào xâu xé tâm tư, thể xác người tù đến độ cả tâm tư lẫn thể xác hắn rách bươm.
Thú thật, trong lúc đọc cuốn Ánh sáng và bóng tối, thần thái tôi khá
là nhẹ nhàng, thanh thản; còn với cuốn Đại học máu, từ trang đầu đến
trang cuối, lúc nào những sợi dây thần kinh trong não bộ tôi cũng căng thẳng
tưởng chừng như sắp đứt.
Tuy thế, sau khi gấp lại hai cuốn sách, tôi thấy sự tương phản đó chỉ có
tính cách phiến diện. Nó mỏng manh như lớp băng mới đóng trên mặt nước hồ một
ngày chớm đông nơi xứ tuyết. Đồng ý, mỗi tình huống, mỗi nhân cách, mỗi cảnh
ngộ, mỗi khác, nhưng vẫn có cái gì sâu sắc, nhất quán hơn, thắt chặt hai cuốn
sách vào nhau. Sự thật là bên dưới lớp vỏ ngoài có vẻ như khác biệt, các hồi kí
tù đều mang chung một biểu tượng chắc nịch: đời sống là một thảm kịch không lối
thoát. Trong đời sống tù, thảm kịch ấy được khuếch đại lên nhiều nghìn lần,
trong một chiều kích thu nhỏ nhiều nghìn lần, và chúng ta nhìn vào, chứng kiến
tấn bi kịch phi lí phơi bày một cách khốc liệt, đậm đặc, dưới dạng thể trần
trụi, dơ bẩn nhất. Cái xấu và cái ác thi nhau lấn át cái đẹp và cái tốt lành.
Kì thực, đời sống chúng ta đang sống là một nghịch lí hết thuốc chữa, một nghịch
lí chung cuộc, nói theo ngôn ngữ của nhà văn Milan Kundera.
Thế kỉ XX thường được mệnh danh là thời hiện đại với tất cả những phát triển
tột bực của khoa học, kĩ thuật; của tư tưởng, học thuật, nghệ thuật các ngành.
Nhưng tôi tự hỏi những bứt phá đó đã đem lại gì cho con người ngoài hai cuộc
thế chiến, một Lò Thiêu và hàng chục những xung đột đẫm máu lớn nhỏ khác trên
thế giới khiến “đống xương Vô Định” không thể gọi là đã “cao bằng đầu” nữa mà
phải gọi là đã “cao bằng đỉnh ngọn Everest.” Hãy nhìn vào nước Nga, riêng nước
Nga thôi, dưới thời Sô-viết, từ triều đại Lenin, sang triều đại Stalin cho đến
thời điểm gần đây, có bao nhiêu người chết vì bị bắt bớ, giam hãm, tù đày, thủ
tiêu? Khó có thể tìm ra con số chính xác, nhưng từ kết tính phỏng định dựa trên
những tài liệu khả tín do sử gia Nga Roy Medvedev công bố năm 1988 thì người ta
biết có khoảng 40 triệu công dân Nga bị bắt giam và 50 phần trăm những người bị
bắt ấy, tức 20 triệu, không bao giờ thấy mặt trở về nhà. Nếu cộng con số đó với
số người thiệt mạng trong thế chiến II, gồm 16 triệu lính và 11 triệu dân, thì
chỉ trong khoảng thời gian già nửa thế kỉ, nước Nga thiệt mất 47 triệu công
dân! Nếu mỗi ngày 1.000 người Nga bị đem ra hành quyết, đều đặn ngày này qua
ngày khác, thì phải mất 130 năm mới giết hết chừng đó con người! Quả là kinh
khiếp!
Nhắc đến thế chiến II, tôi không khỏi thắc mắc là hai ba trăm năm nữa, khi
nhìn lại quá khứ, liệu các sử gia lúc đó đã hết điên đầu chưa với câu hỏi tại
sao nước Đức, một quốc gia từng cống hiến cho nhân loại những bậc vĩ nhân như
Goethe, Bach, Beethoven, Planck . . . lại có thể đẻ ra một con quái vật như
Adolph Hitler. Và, chắc họ lại càng điên đầu hơn với hành động điên cuồng không
thể giải thích nổi từ bất kì góc độ nào của một con quái vật khác tên Pol Pot.
Có lẽ họ chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm rồi nhìn nhau gọi thế kỉ XX là một thế kỉ
điên khùng. Chưa bao giờ thế giới lại có quá nhiều những Johann Moritz của “Giờ
thứ 25” như thế!
Con người không va chạm với con người khác mà với những thế lực điên khùng,
những thế lực vô hình nhưng vô cùng mạnh mẽ. Con người cảm thấy như tê cứng,
bất lực trước những thế lực đó. Chúng chế ngự, kiểm soát, toả chiết mọi hành vi
và tư tưởng của hắn. Chúng phủ trùm lên đời sống hắn. Franz Kafka đã nhìn ra
viễn ảnh đen tối này từ những năm đầu của thế kỉ XX và chí ít nó được biểu hiện
trong ba tác phẩm tiểu thuyết Amerika, Vụ xử án và Toà lâu
đài của ông. Viễn ảnh đó tái hiện, một cách hiện thực hơn, rõ rệt hơn qua
ẩn dụ, trong những tác phẩm của nhà văn người Anh George Orwell như cuốn 1984
(viết năm 1948) và Trại súc vật. Đừng bảo chúng ta không được cảnh
báo. Khả năng tiên tri không hẳn chỉ thi ca mới có, nó còn hiện hữu trong tiểu
thuyết.
Ánh sáng và bóng tối—Đại học máu. Những nhan đề sách nghe sao bi
thương quá. Bi phẫn nữa. Bi thương và bi phẫn như đoạn sử vừa qua trang của dân
tộc.
Đã qua nhưng không thể quên. Bởi nếu chúng ta quên nó, nó sẽ tái diễn với
mức độ điên cuồng hơn.
Đọc lại hai cuốn sách, tôi không thấy chán ghét hay khinh bỉ ai nữa. Tất cả
đều là nạn nhân, nạn nhân của những thế lực điên khùng trong một kỉ nguyên điên
khùng. Giờ đây, tôi rút ra từ hai tập sách rất quý này một điều mà trong tiếng
Anh người ta gọi là “human spirit.”
Human spirit. Bạn có thể dịch cụm từ này sang tiếng Việt là tinh
thần, hoặc khí thế, hoặc sự can trường của con người. Tất cả đều đúng nghĩa.
Đúng nghĩa nhưng chưa đủ nghĩa, theo tôi.
Khi điểm một cuốn sách (hay một cuốn phim) xuất sắc, thuật lại chuyện con
người hay nhóm người nào đó, bằng tất cả lòng can đảm cộng với sức mạnh tinh
thần cũng như thể xác của mình, vượt qua mọi nghịch cảnh để đạt đến ước nguyện
sau cùng (hoặc giả cũng có thể hắn ta bỏ mình sau những cố gắng tuyệt vọng), nhà
điểm sách (hay điểm phim) thường buông một câu kết luận có tính ước lệ đại loại
như cuốn sách (hay cuốn phim) này đã nói lên được cái “human spirit.”
Ngay trong lời nhà xuất bản in ở bìa sau cuốn Một ngày trong đời của Ivan
Denisovich của nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn, một tác phẩm tiểu
thuyết nhưng nội dung không khác lắm so với hai cuốn hồi kí của hai nhà văn
Việt Nam, tôi cũng thấy nhắc đến cụm từ “human spirit” này. Với tôi, “human
spirit” không hẳn chỉ đơn thuần là tinh thần, khí thế hay sự can trường
của con người, nó còn là biểu hiệu cho “lòng khao khát muốn sống và được sống
như con người”.
Sống như con người có dễ không? Tôi nghĩ nó không dễ chút nào. Không ai biết
điều đó rõ hơn nhà thơ Boris Pasternak của nước Nga. Chương cuối trong tác phẩm
tiểu thuyết Dr. Zhivago của ông là 24 bài thơ bất hủ, mà câu cuối
trong bài thơ Hamlet là một châm ngôn: “Sống cho trọn kiếp nào
phải trò trẻ con.” Yurii, bản thân chàng đã phải trải qua biết bao cảnh
khổ—hết cách mạng đến nội chiến—nhưng cuối cùng khi về lại Moskva thì chàng mất
hết. Ngôi nhà xưa không còn và vợ con chàng đã di tản ra nước ngoài trước đó.
Còn Lara thì sao? Nào ai biết được chuyện gì xảy đến cho nàng sau khi nàng bị
ép buộc đi theo lão già Komarovski khốn khiếp và sau đó, cùng với đứa con gái
nhỏ, lê lết hết trại giam này đến trại giam kia nơi vùng Siberia tuyết giá? Họ
là những con người sống giữa một kỉ nguyên điên khùng và bởi thế mặc dù ước
nguyện duy nhất của họ chỉ là xin được sống như con người, một ước nguyện cực
kì giản dị và chính đáng, nhưng chẳng ai thèm đoái hoài, chẳng ai thèm quan
tâm. Họ cất tiếng kêu nhưng ai là kẻ lắng nghe tiếng kêu của họ khi chung quanh
là bốn bức tường kín như bưng của căn xà lim chật hẹp, nằm im lìm thoi thóp bên
trong hàng rào kẽm gai chất chồng lớp lớp với những họng súng đen ngòm từ trên
tháp canh lăm lăm chĩa xuống và xa hơn nữa, ngoài kia là núi rừng trùng điệp.
Chỉ còn tiếng thở dài giữa đêm dài yên ắng đến rùng rợn của một kỉ nguyên tối
đen bi thảm, tiếng thở dài thay lời cầu nguyện cho linh hồn nào đó vừa từ giã
cõi đời.
Tôi nhìn thấy hình ảnh của “Dr. Zhivago”, của người tù Ivan Denisovich
Shukhov—ảm đạm, thê lương trong buổi hoàng hôn đen xám của nhân loại—xuyên qua
hai cuốn hồi kí tù của hai nhà văn Việt Nam: Hoàng Liên trong Ánh sáng và
bóng tối, và Hà Thúc Sinh trong Đại học máu.
Trịnh Y Thư