08 October 2016

NHƯ PHONG, GIÓ VẪN THỔI - Phan Nhật Nam

Sinh năm 1943 ở Huế với tên đầu tiên là Phan Ngọc Khuê nhưng trên giấy khai sinh là ngày 28/12/1942 và đổi tên thành Phan Nhật Nam. Học sinh Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, tốt nghiệp khoá 18 trường Võ Bị Quốc gia Đà Lạt, gia nhập binh chủng Nhảy Dù. Nổi tiếng với những bút ký chiến tranh qua các tác phẩm: Dấu Binh Lửa, Dọc Đường Số Một, Ải Trần Gian, Mùa Hè Đỏ Lửa, Dựa Lưng Nỗi Chết, Tù Binh và Hoà Bình. Sau 1975, đã bị tù hơn 14 năm kể cả biệt giam qua các trại tù cải tạo từ Nam ra Bắc. Năm 1994 sang định cư ở Hoa Kỳ theo diện H.O.

Phan Nhật Nam [photo: Uyên Nguyên]

...Tôi đã cùng với người qua những ngày lặng lẽ nơi Nhị Bình, Thạnh Lộc, Hốc Môn, Lái Thiêu trước khi ra khỏi nước gần mười năm trước. Ngày ấy, tôi với “Ông Ba” thường ngồi nơi chái hiên căn nhà tranh lúc đêm đến chụp sẫm tối những đám mía quanh khu vườn, và gió từ sông thổi động những tấm màn chắn ngang liếp cửa sổ. Chúng tôi không nói gì với nhau, tôi vuốt lưng chó Ky, con vật nhỏ nằm im, ngủ thiếp. Ông Ba tháo kính, tắt điếu thuốc, dựa lưng vào tấm phên, tay đặt hờ trên cạnh bàn nước, nhìn ra khoảng tối... Chung quanh đồng ruộng rì rì âm động hoang dã, buồn buồn.
1974. Lời báo động đêm mùa Đông.
Sài Gòn đang trong buổi giới nghiêm do sự kiện lực lượng quân sự cộng sản tấn công Phước Long, và chiếm đóng thị xã để thử sức, dò xem phản ứng của Mỹ cùng Việt Nam Cộng Hòa trước vụ lấn chiếm, thái độ bất chấp ngang ngược về những điều khoản ngưng bắn của Hiệp Định Paris mà họ đã long trọng ký kết trước cộng đồng thế giới. Chính phủ Ford im lặng một cách rất có ý nghĩa và Dinh Độc Lập cố gắng vùng vẫy tuyệt vọng... Sử dụng Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù giải vây thị xã. Nhưng dẫu người lính biệt kích của đơn vị xuất chúng nầy có khả năng tác chiến cao đến bao nhiêu, họ cũng đành thúc thủ trong một thế trận thụ động toàn diện - Những bãi đáp đổ quân bị phục kích, những toán biệt kích không thể nào tấn công vào những vị trí công sự cố thủ do đơn vị cộng sản vừa lấn chiếm được - Những vị trí phải cần đến những đại đơn vị (sư đoàn bộ binh, nhảy dù, thủy quân lục chiến) với vũ khí của chiến tranh trận địa, quy ước, (pháo binh, chiến xa, phi cơ yểm trợ) mới có thể giải quyết. Thế nên, như một điều tất nhiên, người lính biệt kích của Liên Đoàn 81 bị phơi thân trần trụi, tan tác trước hàng rào hỏa lực chực sẵn hung hiểm của đối phương, đơn vị bị xé nát nên từng mảnh nhỏ. Cuộc giải cứu thị xã Phước Long biến thành lần thất trận của một đơn vị kiệt liệt. Hình ảnh Thiếu Tá Vũ Xuân Thông, Tham Mưu Trưởng liên đoàn nét mặt gầm cau, khóc uất trong tay ôm của nữ ký giả Thục Viên (báo Sóng Thần, Sài Gòn) tại sân bay Biên Hòa sau khi được cứu thoát từ Phước Long, hiện thực tình trạng suy sụp không thể giải cứu không chỉ riêng một đơn vị quân đội, nhưng còn là báo hiệu cơn hấp hối cận kề của một quốc gia - Nước Việt Nam Cộng Hòa. Sài Gòn im lặng trong đêm mưa cuối năm. Đêm giới nghiêm, điện tắt, đường phố tối tăm, sũng nước.
Buổi ra mắt sách Tù Binh và Hòa Bình (có thể là buổi ra mắt sách cuối cùng của sinh hoạt văn học nghệ thuật Miền Nam) tuy được tổ chức trang trọng nơi phòng tiếp tân bề thế của khách sạn Continental diễn ra trong không khí ngột ngạt của tình hình, đêm ẩm ướt thời tiết phiền buồn. Những người tham dự phát biểu cố nói những tiếng lời mạnh mẽ, nhưng hình như không mấy ai tin vào lời nói của mình, những chủ tịch quốc hội, phu nhân tướng lãnh của hệ thống cầm quyền, điều hành vận động công cuộc chiến tranh chính trị Miền Nam.
Riêng một mình ông, Như Phong Lê Văn Tiến nói những tiếng lời rất thật. Và ông thật tin vào lời nói của mình.
Như Phong chống tay vào bục thuyết trình, nhìn thẳng người nghe, ánh mắt long lanh sắc nét sau lớp kính trắng. Ông không nói chuyện văn chương. Ông cũng không trình bày quan điểm chính trị thuận thảo, thích hợp với yêu cầu buổi tiếp tân. Ông nói về sự thật của một hòa bình không hề có và trận chiến đang tiếp diễn. Chúng ta phải làm gì? Như thế nào? Nếu không tất cả sẽ là muộn màng, không phương giải cứu!! Ông bày ra một sự thật khắc nghiệt mà mọi người không ai muốn nghe đến. Bất chấp điều lịch sự hòa hoãn đối với buổi tiếp tân giới thiệu một cuốn sách do cơ sở Đất Sống của Mặc Thu, Chu Tử (những bạn thân của ông) bảo trợ. Lời Như Phong lại trình bày sau khi Chủ Tịch Quốc Hội Trần Văn Lắm phát biểu về một nội dung phấn khởi: “Tình hình chính trị sẽ khả quan nếu như thực hiện một cuộc ngưng bắn thực sự và thành lập được hội đồng hòa giải gồm ba thành phần với điều kiện - Tổng Thống Thiệu, Thủ Tướng Khiêm ra đi.” Chủ Tịch Lắm không nói rõ, nhưng ai cũng hiểu, khi những chức quyền kia không tồn tại thì chính ông sẽ là người lãnh đạo Miền Nam (phía Cộng Hòa - một phe của ba thành phần) theo tinh thần, nội dung hiệp định, phù hợp với Hiến Pháp Đệ Nhị Cộng Hòa. Trong hai nội dung nầy, lẽ tất nhiên, số đông người hiện diện không mấy ai đồng thuận sự thật mà Như Phong vừa nói thẳng ra. Phần riêng cá nhân bản thân, dù rằng vẫn không có ảo tưởng về việc hòa bình sẽ được thực hiện do tôn trọng, thi hành những điều khoản của hiệp định, qua kinh nghiệm chính mình tham dự trực tiếp vào diễn tiến “Tái Lập Hòa Bình tại Việt Nam,” nhưng tôi vẫn không nghĩ tình thế sẽ đi đến chỗ kiệt cùng hoàn toàn như vậy. Cũng bởi, Chủ Tịch Lắm còn hứa hẹn cho tôi chức trưởng quan trọng trong ngành báo chí với khen ngợi nồng nhiệt. Mới qua ba mươi tuổi tôi làm sao có được can đảm trí sáng để tự hình dung ra một tai họa mà bản thân mình sẽ gánh chịu phần khắc nghiệt nhất. Như Phong chấm dứt phần trình bày bằng những câu thơ ngắn... Âm thanh lời thơ tan loãng trong nhịp mưa rơi nặng ngoài hàng hiên. Ông rời bục thuyết trình với bước đi chậm, vẻ mệt mỏi được che giấu mau chóng qua tiếng cười hào sảng cợt đùa. Chẳng lẽ ông anh nầy nói như thế mà đúng hay sao? Tôi nhìn ra đường Tự Do vắng bóng người qua lại, mặt nhựa loang loáng nước mưa, lay lắt ánh đèn vàng đục khi gió thổi động những tàng me. Sài Gòn đêm nay mà sao buồn thế nầy?
Tháng Năm 1975, đêm trước ngày trình diện đi tù, tôi ngồi với Tạ Ký nơi hàng hiên âm u ở Chợ Đũi, SàiGòn điện tắt, trời ủ giông. Tạ Ký gục xuống đầu tóc bạc tơi tả, than câu ai oán giữa kẽ răng ngậm chặt ống tẩu thuốc... Sài Gòn đêm nay buồn quá mầy ơi!Anh đánh lên vai, lưng tôi, xong đánh vào ngực mình. Tôi nhớ lời Như Phong với cảm giác gờn gợn nơi sống lưng. Chỉ là mùa đông trước, không đầy sáu tháng, khoảng nửa năm.
1991_ Những lần vui không thật,
Sáng đầu năm 1991, Đằng Giao ngừng xe Honda, chạy nhanh vào nhà tôi, hốt hoảng. Ông đi đi, đừng xuống dưới tôi, ông Ba vừa bị bắt lại. Trước nhà tôi, công an nó rình từ chiều hôm qua. Tôi không kịp hỏi câu thứ hai, lên lầu lấy chiếc sac marin nhà binh đã để sẵn áo quần và những cuốn sách cần thiết mà tôi luôn chuẩn bị cho những lần vượt biên kể từ ngày ra tù hai năm trước, thẩy lên ngang bình xăng xe Honda 67, hướng về phía xa lộ Biên Hòa chạy biến như một tên trẻ tuổi hung hãn. Đến chiều tối khi đã yên ổn nơi chỗ tạm trú kín đáo ở làng Đại Học Thủ Đức, ngồi trước bàn thờ Phật trên căn gác vắng im, tính lại sự việc xẩy ra trong ngày, bỗng dưng tôi bật lời than não nề không ngăn giữ... Vào cảnh nầy mà bị tù thêm lần nữa thì thật là khốn nạn. Biết có chịu nổi không đây? Muỗi vo ve bay dầy theo bóng tối ngột ngạt của căn phòng châm chích lên cánh tay, nhưng tôi không buồn đuổi bởi có liền liên tưởng... Ông Ba giờ nầy hẳn đã vào cachot...  Từ “kinh nghiệm” đã có về ngày đầu tiên mỗi khi vào phòng kiên giam của chế độ tù cộng sản (cho dẫu chỉ là lần chuyển đến phòng kiêm giam của một trại mới), nên tôi hiểu tận đủ tình cảnh của phận tù “ngày vào cùm” - cũng là dịp con người bị đọa đày thân xác, khủng bố tinh thần không thương xót, nếu đã biết thương xót thì đâu còn nhốt người vô cachot anh ơi... Những ý nghĩ rời rạc đến đây chững lại với so sánh: Ông Ba hình như lớn hơn Ông Cả (anh Doãn Quốc Sỹ, sinh năm 1923) một tuổi, bằng tuổi mẹ mình, tuổi Nhâm Tuất... Tôi ngồi im trong bóng đêm, đầu gục xuống cánh tay - cách ngồi từng áp dụng suốt gần mười năm ở những hầm giam ngoài Bắc - ngồi miết qua hết đêm. Thỉnh thoảng ngẩng đầu lên nhìn xuyên bóng tối, tưởng tượng nét mặt tượng Phật trầm ngâm dưới chấm đèn mờ đỏ từ đầu chân hương chạy điện... Chỉ vì những chữ viết mà còn người bị đối xử tàn tệ như thế sao? Ông Ba cũng chịu gần bằng số năm tù như mình chứ đâu ít, mà chỉ bị thuần kiên giam, biệt giam!! Cảm giác mừng vui hào hứng vì chạy thoát được lần vây bắt buổi sáng không còn nữa, bây giờ chỉ còn lại phần nặng nhọc do cảm ứng “được hạnh phúc khi người khác khổ đau - lại là người thân thiết, thương kính” - Phản ứng có thật khi đứng trước Đại Lộ Kinh Hoàng của Quảng Trị, trước cửa vào An Lộc, nơi ngã ba Xa Cam, năm 1972. Phản ứng “có lỗi” ngày Chủ Nhật 16 tháng Ba di tản Pleiku; cách tự xét mình “phạm tội” khi thấy bàn chân đỏ bầm của đứa bé chết trên tay người mẹ thò ra dưới lớp áo dài bên đường Đèo Hải Vân ngày 25 của tháng Ba thắt nghẹn, cuối xuân 1975. Không hiểu ông còn khôi hài được nữa hay không, lạ thật, sao trời cứ bắt người như thế hoạn nạn, ông Ba lại lớn hơn mình đến hai mươi tuổi mới khổ hơn nữa?! Tôi tự giải thoát tình cảnh khắc khoải bằng cách thức lúng túng vụng về tội nghiệp để qua đêm. Vừa thương thân vừa thương người... Ông Ba ơi!!
Bằng biện pháp kiên cường bất bạo động, bất hợp tác, hợp cùng vận động áp lực của các tổ chức nhân quyền, báo chí thế giới, nên cuối cùng, khoảng cuối mùa Hè năm 1992, nhà cầm quyền cộng sản phải thả ông ra sau nhiều lần đình hoãn, hứa hẹn. Tôi lên nhà Đằng Giao để gặp ông, mường tượng một con người tan tác, hư hao vì cảnh khổ. Nhưng sự thật lại khác hẳn. Từ chân cầu thang, đã nghe tiếng cười hào sảng, thống khoái với lời nói tự tin. Chúng nó (kẻ giam giữ) hỏi tôi: Ông nhịn đói như thế mà không hề gì à? Tôi trả lời: Tôi có phép đấy!! Tôi bước lên, phòng ngủ trước 1975 của Chu Tử, một khuôn mặt rực sáng thanh thản hiện ra nơi cuối phòng giữa những bức tranh sơn mài lộng lẫy của Đằng Giao. Ông Ba đón tôi bằng cách nói khẳng định mạnh mẽ hằng có... Nầy, đừng viết ấm ớ gì nhá, chúng nó lại “tó” cho nữa thì khổ thân. Anh bắt chước tôi không được đâu, đã ở dưới nhà quê kia thì ở yên đấy, hôm nào tôi, ông bà Sỹ với vợ chồng cậu Giao về thăm cậu.
Thoáng ngỡ ngàng vì tình cảnh vượt ra ngoài dự tính, tôi vụng về phân bua: Ông Ba bị giam, em không vào thăm được?
- Cậu vào thăm thế nào được, tưởng dễ gặp tôi lắm à... mà chắc gì tôi chịu tiếp! Mấy tên ngoài Bắc vào đòi gặp, tôi cóc nói tiếng nào. Ông cười rộng, đắc ý với cách ứng xử của mình.
- Ông Ba nói thế chứ khi họ đòi lên “làm việc” thì mình cũng phải trả lời các câu hỏi của họ chứ. Tôi đẩy đưa câu chuyện.
Ông giả vờ vụt quắc mắt, nghiêm mặt, xem như một cách xúc phạm, không tin lời ông nói. Anh chẳng biết gì cả, tôi vừa nói với cậu Giao là tôi “có phép” mà... Đây nầy, ông đưa ra một tờ giấy viết tay. Đây, tôi đọc cho cả hai cậu và cô Thủy (vợ Đằng Giao) cùng nghe...Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đơn xin phép tĩnh tâm và nhịn ăn. Tôi ký tên dưới đây, Lê Văn Tiến sinh 1923 tại Nam Định làm đơn nầy để xin ban lãnh đạo trại giam cho tôi được Tĩnh Tâm (nhấn mạnh chữ tĩnh tâm) để cầu nguyện cho Tổ Quốc và Dân Tộc... Thời gian tĩnh tâm là bẩy tuần, bốn mươi chín ngày...” Ông ngừng đọc, đưa mắt lên nhìn chúng tôi, hóm hỉnh. Đúng bốn mươi chín ngày đấy nhá. Bốn mươi chín ngày, tớ vào thiền. Vào đại thiền.
Bữa ăn hội ngộ vẫn có nguyên cách sống động vui hòa của sinh hoạt xưa cũ nơi căn phòng nầy trước 1975, ngày Ông Chu còn với chúng tôi, nhưng sau buổi trà, khi tôi đứng lên đội chiếc mũ vải, khoác xắc mang lưng chuẩn bị về Lái Thiêu thì Ông Ba nghiêm mặt, ân cần, cậu ở một mình, có gì thì tìm cách báo cho vợ chồng cậu Giao hay liền, có vàng hay tiền bạc gì nên gởi cô Thủy để có cái mà thăm nuôi. Tôi cũng thế, chưa hẳn yên đâu, khi nào ra khỏi nhà thì không nên đến thẳng đây vội, tới gần đây thì phải trông chừng từ đằng xa. Khi về, nếu thấy đứa nào theo mình thì tránh qua đường khác, và đi luôn đến nơi khác. Trong túi vải phải có vài gói mì ăn liền, để nhỡ nó vớ phải dọc đường thì cũng có cái ăn cầm hơi. Cậu không thể áp dụng cái “phép” của tôi được đâu.
Tôi đặt tay lên cánh tay khô gầy, da nâu xạm. Em về nghe ông Ba, hôm nào em đón ông Ba và ông Cả lên nhà em chơi. Chẳng cần cậu mời, tôi sẽ đến, mà không chừng tôi mời cậu qua nhà tôi, cũng sẽ ở trên vùng của cậu. Nhưng tôi không như cậu, tôi sẽ trồng bông, trồng lan, trồng hồng bán ra nước ngoài, chứ không bán lu, bán chén bát nhà quê như cậu. Ông trở lại cách thế náo hoạt cười vui.
Nhưng khi đưa tôi ra đến đường, Đằng Giao nói nhỏ: Ông Ba trông thế chứ yếu lắm, ông cố làm vui để chúng ta khỏi lo. Bẩy mươi tuổi mà cảnh tù như thế, người bằng thép cũng phải rã ra. Tính thêm cái hạn tù nầy là ông ấy với anh bằng một cỡ đấy. Tôi biết. Tôi trả lời tiếng nhỏ, lên xe, lướt mắt nhìn qua bên kia đường, nơi hành lang Thương Xá Tam Đa, không bóng dáng những người thường ngày ngồi ở những chiếc đòn thấp của quán hàng cà phê. Thôi chứ mấy anh, mười bốn năm tù không đủ cho các anh hài lòng hay sao? Từ trong nhà Đằng Giao nói với: Ông đi xe cẩn thận nghe. Giọng bạn không vui. Lòng tôi cũng nặng phần ủ dột. Quảng đường mười mấy cây số về Lái Thiêu sao đêm nay quá dài. Qua cầu sắt An Lộc (tên cũ của cầu An Phú Đông), thấy thấp thoáng những cô gái còn rất trẻ đứng đón khách, những tay lái xe vận tải hạng nặng chạy đường xa lộ Đại Hàn, vòng đai Sài Gòn. Khoảng tuổi các cô độ chừng sinh sau 1968, năm trận chiến lớn đã tận lực xẩy ra nơi đây. Gần ba mươi năm, cảnh sống chỉ đổi thay về hình thức theo thời gian - để con người và nỗi khổ mãi mãi không thôi. 
Căn nhà vuông vức với hàng hiên rộng, mái lợp lá gồi, không cửa chính lẫn cửa sổ. Bốn chiếc võng cột thẳng góc theo những chiếc cột cái, bốn người nằm duỗi đong đưa, lớn tiếng chuyện trò. Ông Ba mở đầu để hai người nằm đối cạnh nghe được.Các ông thấy hắn ta kinh khủng chưa, cả một vườn hồng của tôi chết tiệt, không còn được một bông!! Thì em đã nói rồi, cái tay em nó “hậu đậu” mà, sờ cái gì vỡ cái ấy, đã nói là chỉ cuốc đất, gánh nước thôi chứ không “hái hoa, bắt bướm” được, ông Ba nhờ tưới hoa thì em làm, nhưng không bảo đảm. Thế thì hồng chết nào phải lỗi tại “thằng nhỏ” ông Ba. Tôi phân trần với anh Sỹ và Đằng Giao đang lắng nghe câu chuyện. Có tiếng Thủy gọi từ bếp: Ông Ba có cái bát nào lớn lớn để đựng thịt gà không đây? Cô hỏi hắn ta ấy, chắc làm vỡ của tôi hết rồi, chiều hôm qua hắn nấu bếp. Thế mà cũng là nhà văn, anh phải là nhà “văng” mới phải. Ông hạ giọng vì tôi nằm kế bên. Anh Sỹ từ phía đối diện cười vui: Thế nhưng Phan Nhật Nam cũng giúp anh được khối việc đấy, cậu ấy tưới hoa không biết như thế nào mà sen mọc vào đến gầm giường ông cơ mà!! Ấy là sen tự động bò từ ngoài ao vào đấy chứ, hắn ta có phải tưới sen đâu. Hắn mà tưới sen thì ắt sen cũng tàn luôn. Chán mớ đời. Ông Ba cười vui rung chiếc võng.
Bữa ăn dọn trên nền gạch, thức ăn bày lên giấy báo. Thủy phân trần: Cháu cố tìm mấy cái dĩa mà chẳng thấy cái nào, thôi ông Ba và bác Sỹ ăn theo kiểu dã chiến. Anh Sỹ thật thà: Thế Phan Nhật Nam làm vỡ hết bát rồi đấy hở? Hắn ta không làm vỡ, nhưng quăng tất cả xuống giếng.Tôi nhặt lên để trên nhà ông Ba (người chủ đất, bạn của anh chị Doãn Quốc Sỹ). Ông Ba nói thế chứ em chỉ đánh rơi cái dĩa nhôm, mười mấy năm đi tù chuyên ở kiên giam, nên đâu biết việc chén bát, bếp núc như mấy cha đi lao động bên ngoài với anh em. Bữa ăn tiếp tục theo những câu chuyện về lan, cụ thể với những giò lan rung rinh đẹp như tranh vẽ treo ở góc vườn, nơi ít bóng nắng nhất. Nầy, đừng động đến mấy giò lan của tôi nhá, còn phải có cái để trình làng với bà con chứ. Ông Ba răn đe tôi để chuyển qua một đề tài khác.
Trưa nắng đổ ngoài hiên, anh Sỹ lên nhà trên của ông chủ đất, nhường võng cho Thủy; ông Ba tháo kính, bình yên ngủ thiêm thiếp. Tôi đi vào ngăn kín đáo nhất của căn nhà.Một bàn thờ đơn giản trên tấm gỗ đóng thẳng góc với bức vách. Hình những người đã chết yên lặng. Có tấm ảnh một người còn trẻ nhìn nghiêng, mặt hơi cúi xuống - Nhà văn Hoàng Đạo, người lập thuyết của Tự Lực Văn Đoàn đầu thế kỷ. Hóa ra ông Ba cũng chỉ sống-với-những- người-đã-chết như mình chỉ có tấm ảnh của bà già đi đâu cũng mang theo.
Tôi nói thầm vì thấy những chân hương còn mới - Thói quen của chính tôi khi ra khỏi nhà, hoặc khi vừa về đến nhà. Mẹ mình cũng chết trẻ như những người nầy. Chỉ người sống còn lại chịu đựng đủ thôi.
Đêm ấy, sau khi anh chị Doãn Quốc Sỹ, vợ chồng Giao-Thủy trở về Sài Gòn từ chiều tối, tôi ở lại ngồi cùng ông Ba cho đến khuya. Ông chụp cho tôi tấm ảnh với chó Ky. Con chó nhỏ run rẩy vì cảm xúc khi được người bồng bế, vuốt ve, bày tỏ lòng vui mừng bằng cách nằm ngã ngửa, hai chân đạp loạn. Coi chừng hắn tè ra đấy, chỉ có cái tội là hay tè bậy chứ ngoan và khôn ra phết, mỗi khi tôi đi Sài Gòn là hắn cứ ra nằm ngoài cầu đợi tiếng xe tôi về. Có nó cũng vui. Ông đưa tay bế chó Ky từ dưới đất. Con vật kêu ư ử xa xót, cong kín người trong lòng chủ, lông gáy dựng đứng. Ky, ngoan nào, làm gì thế này. Ông Ba vỗ vỗ lưng chó.
- Ông Ba biết mình sống đây là giữa những người chết không? Tôi thì thầm giải thích.
- Cậu nói gì tôi không rõ. Ngọn đèn điện ở chái hiên loáng sáng mặt kính trắng.
Tôi chỉ đám mía cuối căn vườn. Đầu năm 1968, tại đây, nơi góc vườn mía nầy, đơn vị tôi, Tiểu Đoàn 2 Dù đụng nặng. Bạn tôi, Nguyễn Ngọc Khiêm chết tại đây. Mỗi sáng đưa quân đi là thế nào cũng có người chết. Con Ky nó vừa thấy ma đấy.
- Thì ma cũng là người thôi, cậu nói vớ vẩn bỏ xừ đi. Thôi đi ngủ. Trước khi vào phòng ngủ, ông ngừng ở ngăn nhà ngang đốt nén hương. Động tác lặng lẽ, chậm rãi, thắm thiết, đơn độc.
Qua thế kỷ hai-mươi. Bi kịch vẫn không có hồi kết.
Cuối tháng 12, năm 2001. Như một điều xếp đặt cố ý, tin ông Ba mất không đến từ những người bạn ở Washington DC mà tôi đã dò hỏi suốt một tuần liền. Anh Nguyễn Ngọc Bích, Ngô Vương Toại đều đi vắng, Phạm Trần bị tai nạn không ra khỏi nhà được, Uyên Thao vào nhà thương... Cuối cùng, tin dữ lại đến từ Giao-Thủy bên kia nửa vòng trái đất với những chi tiết trước, sau cái chết - Ông Ba không muốn làm một điều gì về cái chết của mình. Tóm lại là Nothing. Thư Email của vợ chồng bạn chấm dứt ngắn ngủi như bản văn vô hồn trên mặt máy computer. Vài ngày sau đọc những bài báo của Nguyễn Ngọc Linh, Trọng Kim trên tờ Ngày Nay, tôi vẫn không tìm được điều gì khác hơn từ những người vốn có liên hệ với ông thuở trước. Bởi, ông sống ngoài, khác cuộc sống thường hằng của mỗi chúng ta - Như Phong sống từ, với sự Không - Như cơn gió vô hồi ông chọn làm danh hiệu. Chỉ là cơn gió thổi qua.
Đầu năm 1997, nhân lần lên DC thăm người quen cùng với C, cũng là dịp để chúng tôi cố gắng hòa giải những xung khắc kéo dài từ nhiều năm trước. Gặp được Ông Ba lần đầu tiên kể từ ngày qua Mỹ. Ông cười vui, sống động, và lần đầu tiên ngỏ ý lấn sâu vào đời sống riêng tư của cá nhân tôi khi gặp nhân cách mực thước, nghiêm trang của C. Thằng cha nầy phải bị đánh đòn!! Ông phê bình tôi với Ngô Vương Toại nhân lúc C. đang chuyện vui cùng chị Trần Thị Thức, vợ anh Đoàn Viết Hoạt (hàm ý đổ vỡ giữa hai chúng tôi là do phần lỗi của tôi đối với người ân nghĩa xứng đáng kia). Nhân lúc phía đàn bà đang bận chuyện, Toại thấp giọng: Ông nói cậu Nam có lỗi, nhưng anh ấy chỉ lỗi với một người. Còn ông lỗi nặng lắm.
- Anh nói tôi lỗi gì? Ông Ba hỏi gấp.
- Toại cất ống tẩu, nói chắc từng tiếng: Ông là người có lòng, có lực, có mưu mà mấy năm kia ở Sài Gòn mặc cho mấy ông tướng gây bao nhiêu điều đáng trách, để đến nay cơ sự như thế nầy, cả đám thân sơ thất sở. Ông Hoạt kia biết bao giờ mới được ra? Toại chỉ về phía chị Thức.
Ông Ba nói lãng, giọng đùa mỉa: Tôi chỉ cho chữ, còn các anh cầm quyền kia phải chịu trách nhiệm về quyết định của họ chứ. Tôi chỉ ngang cán bộ xã thôi, quyền hành gì, anh nói quá. Và ông chuyển qua vấn đề văn bút hải ngoại với cách hài hước. Này, nay tôi giới thiệu cho các anh một tay làm chủ tịch văn bút rất có hạng. Hắn ta có tác phẩm, có giải thưởng quốc tế, làm báo chuyên nghiệp, viết văn lâu năm, tiếng Tây, tiếng Mỹ nói như gió. Tôi và Toại đồng hỏi dồn: Ai vậy ông Ba? Là tui!
Ông Ba thương kính,
Ông đã đi hết một đời người. Cuộc sống ngoại hạng, bão táp với thái độ thản nhiên của một đạo gia bản lĩnh. Và điều quý nhất - Ông không hề có cơ tâm, lời nói, hoặc hành vi mang tính ác độc - Ông sống cùng người (kể cả những đối phương đã gây cho ông bao điều bi lụy - chỉ trừ cái chết mà ông đã thoát được bao phen bởi một ơn che chở mầu nhiệm rất cụ thể) với tâm chất một hiền nhân-quân tử.
Và ông cũng là nạn nhân đầu tiên của tất cả mọi chế độ, những kẻ cầm quyền.
Bởi tất cả những kẻ cầm quyền đông-tây, kim-cổ xưa nay chỉ mua chuộc người bằng hai khuyến dụ: Lợi và danh chứ không có gì hơn. Cũng không có gì khác. Đặc biệt những “Kẻ Sĩ”, yếu tố “công danh” vượt trội quan trọng một cách đáng kể. Xong, kẻ cầm quyền kia xử dụng những “bầy tôi” để nên “công nghiệp.” Hitler sẽ chỉ là một anh thợ sơn lu loa vô hại nếu không có Heinrich Himmler, Rudolf Hess... thực hiện tối đa kỹ thuật vận động quần chúng để biến con người nhiều khuyết điểm, mồm miệng nầy nên người “cứu rỗi” của cả dân tộc - với kết quả cuối cùng đẩy dân tộc kiên cường kia vào thảm họa vô lường sau 1954. Ở Việt Nam, dân tộc phương Đông với thói quen đã nên thành một bản năng thứ hai “trọng đạo quân, sư” - Người thủ lãnh đã luôn đồng nghĩa với phẩm tính của Chân-Thiện-Mỹ. Thế nên, một gã thô lậu, ác hiểm như Lê Duẩn qua những “kẻ sĩ được cộng sản hóa của đất Bắc” đã biến thành một nhân vật “huyền thoại Anh Ba” suốt tập hồi ký Thời Dựng Đảng đăng dài hạn trên trang nhất báo Nhân Dân ở chỗ trang trọng nhất. Chữ nghĩa của đám văn lại nầy đã vô cùng kiến hiệu đến nỗi Indira Gandhi phải trầm trồ khen ngợi ngày Duẩn đến thăm Ấn Độ - Nhân vật đã tạo nên chiến thắng thần kỳ 1975 ở Nam Việt Nam. Hoặc cái xác chết nằm ở ngôi mồ Ba Đình nơi Hà Nội luôn “sống mãi trong sự nghiệp chúng ta” do không phải chỉ chất hóa học bơm vào trong khối thịt da hư rữa kia, nhưng từ một hệ thống sách, chuyện, phim ảnh, bài hát, tài liệu giáo khoa, đồ chơi con trẻ... được bày ra suốt hơn nửa thế kỷ (từ thập niên 40) nên xác chết ấy đã trở thành hiển thánh tác động không riêng lên tâm lý, thân xác của người mà cả lá, hoa, con vật. Đàn cá kia còn vui với ai? Thơm cho ai nữa hở hoa nhài!! Thơ tố hữu khóc than về cái chết hồ chí minh.(Người viết không viết hoa những danh tự vì chỉ là giả danh- không là tên riêng của con người).
Nhưng khi Kẻ Sĩ giữ đúng phẩm cách cao quý của mình - bứt thoát khỏi lợi - danh thì họ lập tức trở thành nạn nhân không thương tiếc - Nạn nhân đầu tiên của tất cả mọi chế độ. Những kẻ cầm quyền. Khái Hưng, Nhượng Tống, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm... trước 1945. Và sau năm tháng kể trên, suốt hai miền Nam-Bắc, của hai chế độ, cộng sản lẫn cộng hòa với Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán... ngoài Bắc, Tạ Chí Diệp, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Trần Điền, Phan Ngô... trong Nam. Cái chết bi tráng của Nhất Linh (1963), lần chết lặng lẽ phẫn nộ của Tam Ích Lê Nguyên Tiệp (1972) là điển hình về bế tắc không cơ may giải quyết của những kẻ sĩ không thể tồn tại cùng với chế độ, xã hội mà các ông đã chọn lựa. Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường sau 1975 khi đi ra khỏi nước mới nói được tiếng lời uất ức đắng cay đối với những người cầm quyền qua một chủ nghĩa mà các vị đã quyết định phục vụ từ thuở thanh xuân. Nguyễn Mạnh Côn, Hồ Hữu Tường phải nhận những cái chết bi thảm hờn oan nơi trại Z 30D của công an cộng sản miền Nam. Bùi Giáng còn có thể làm gì hơn ngoài cách tự phá thân bằng những cơn điên tỉnh rực sáng thần trí.
Nhưng Như Phong Lê Văn Tiến có cách vượt thoát của riêng ông. Ông Hóa Không tất cả. Ông đã qua được cơn bão táp năm 1963 với chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa; ông tháo gỡ được những mắc xích ràng buộc của chế độ quân nhân cầm quyền nơi Miền Nam trong những năm 1965, 66, 67... Chế độ mà ông đã thổi vào đó một sức sống chính danh cho những người lãnh đạo mặc áo lính. Và cuối cùng, ông tự chọn mình một quyết định hiểm nghèo với vị thế “người tù nguy hiểm nhất của chế độ” - suốt giai đoạn hai đợt cầm tù sau 30 tháng Tư, 1975 - Trong mười bốn năm Như Phong Lê Văn Tiến luôn ở biệt giam, chịu tình trạng kiên giam.
Trong tự khai lý lịch của bản thỉnh nguyện kể ở đoạn trên, Ông Ba khai “không có” về yếu tố gia cảnh. Ông vẫn là người đàn ông không gia đình cho đến ngày nhắm mắt vĩnh viễn. Bởi Ông Ba cũng, “Bui chỉ có một niềm riêng với Nước” - Như Nguyễn Trãi đã nói một lần tâm thức u uẩn ở Côn Sơn. Chỉ khác, Ức Trai chịu thêm phần đau thương di lụy vì án tội ba họ bị hành hình. Phải chăng, Như Phong đã hiểu nghĩa đoạn trường từ đau đớn của người xưa.
Vĩnh biệt Ông Ba... Mong sẽ có một ngày tôi được đặt lên bàn thờ Ông một hoa hồng để đền bù vườn hồng đã làm hư của Ông Ba.
20 ngày sau khi Như Phong đi theo cơn gió miên viễn, vô hồi. 

Phan Nhật Nam
(Minnesota, 8 tháng 1, 2002)