08 October 2016

NHỮNG THÁNG NĂM CUỒNG NỘ (Chương 10, 11, 12) - Khuất Đẩu

(xem Chương 1, 2, 3)
(xem Chương 4, 5, 6)
(xem Chương 7, 8, 9)

10.
Dù có hồi hộp lo sợ đến mấy thì cái ngày tiếp thu không mong đợi ấy cũng tới. Nhưng chẳng có Tây trắng Tây đen, chẳng có súng ngắn súng dài. Cũng không có đốt nhà hãm hiếp như ông Khứ và cô Thảnh nói. Chỉ có độc một cây cơ màu vàng ba sọc đỏ ai đó lặng lẽ đem cắm trước Uỷ ban. Mấy ngày sau cũng chính ông Tư Alô chõ miệng vào loa mời đồng bào đi dự mitting mừng Ngô thủ tướng.
Lại thấy những chiếc áo dài đen lâu nay cất kỹ được các ông hương bộ, hương kiểm, chánh phó lý rụt rè đem ra mặc. Ông phó Ba không còn hài hước chọc cười thiên hạ nữa mà cố tình làm mặt nghiêm tuyên bố: Bảo Đại vẫn còn làm vua và Ngô chí sĩ sẽ thay ngài lo việc nước. Còn ông, cái nhiệm vụ đầu tiên là cầu đảo cho cả làng được bình yên sau cái vụ cướp chính quyền của Việt Minh Cộng Sản.

Ông bèn cho những người mới hôm nào là dân quân du kích dọn dẹp sân đình và đến nhà ông Khứ đòi lại cái án thờ. Đây là cái án được các thợ Bắc chạm trổ rất tinh xảo mà trước đây làng đã phải mua đến mấy trăm bạc. Ông Khứ, hồi đó, sau khi đã hất các bài vị xuống đất, liền âm thầm đem về nhà mình để các vị thần bá láp kia không còn chỗ mà về nữa. Bây giờ người ta mới biết rằng ông tuy không tin có thần thánh gì nhưng vẫn tin có ông bà tổ tiên và cái việc mời các cụ về ngồi lên cái chỗ sang trọng như thế là một việc làm chính đáng.
Đã mấy đời làm nghề phù thuỷ, cho nên việc cúng tế tẩy trừ đối với ông phó dù bị ngăn cấm trong suốt chín năm vẫn rất quen thuộc. Không biết tự bao giờ và đặt ai làm, người ta thấy hai hình nhân, một nam và một nữ được ông đem đặt bên cạnh cái án thờ. Hình nhân nam mặt mày bậm trợn, mồm lún phún râu, còn hình nhân nữ thì má phấn môi son nhưng hai hàng chân mày xếch ngược, mắt trắng dã trông rất dễ sợ.
Ông tổng Bá mặc áo thụng xanh đứng ra làm chủ tế. Sau khi khấn một tràng dài, ông lạy ba lạy rồi nhường quyền trừ ma tróc quỷ cho ông phó Ba, nay được gọi là trưởng thôn. Ông phó Ba liền vung tay bắt quyết, miệng đọc thần chú, rồi lấy roi dâu đánh lên mình mỗi hình nhân mười roi. Lần đầu tiên tôi được nghe những tiếng lạ lùng: An mani á dư hồng! An mani á dư hồng! được lập đi lập lại mãi. Sau đó người ta đem hai hình nhân bỏ vào bè chuối thả xuống sông, coi như đã xua đuổi hết tà ma ra khỏi làng! Cô Sáu bảo hai cái hình nhân đó là ông Khứ và cô Thảnh.
Như vậy thằng địa chủ Bá lại được thưa gửi bằng ông, đồng chí thủ ngữ Đực lại bị gọi bằng thằng. Mọi sự lại như cũ!
Lúc này những ai có thân nhân ở Nha Trang hay Sài Gòn lại khá lên như một con bệnh vừa được cứu sống và cho uống thuốc bổ. Chỉ cần đi vào đó một bận là khi trở về có cả đồng hồ, xe đạp. Thằng Khánh được bịt cả răng vàng, lúc nào cười cũng sáng lên như có chớp.
Vì được miễn thuế, nên những nhà nhiều ruộng chỉ trong một vụ mùa là lúa đã đầy nhà. Hai mươi mẫu ruộng đã từng làm cho ông tổng Bá chết dở sống dở, giờ lại mạnh mẽ nâng ông dậy. Những kẻ trước đây không thèm làm nô lệ cho ông giờ rón ra rón rén đến xin được làm rẽ. Người ta bảo thà làm nô lệ mà có hột cơm ăn, còn hơn làm chủ mà bữa nào cũng phải húp bột mì vừa chua vừa loãng như nước mũi! Cũng có người lo sợ rằng hai cái hình nhân mà ông phù thủy Ba làm phép đẩy ra biển kia biết có linh nghiệm hay không. Chỉ mười mấy tháng nữa thôi hai cái hình nhân ấy mà sống lại thì ông tổng Bá sẽ bị đập chết và những người có liên quan thì biết sống ở đâu !
Nhưng mà thôi, sống được ngày nào thì cứ sống. Trước đây phải dấu đút ăn trộm ăn lén, giờ đây muốn ăn gì cứ ăn, muốn mặc gì cứ mặc, muốn mua gì cứ mua! Và thực là lạ lùng, cái thứ mà mọi người rất muốn mua lại là chó! Những con mực, những con vàng, những con vện, những con đốm… chúng mày ở đâu? Cái cơn nhớ ấy bùng lên dữ dội khi thằng Hậu con ông hương mục (coi việc chăn nuôi trâu bò trong làng) đem về từ Sài Gòn hai con chó Nhựt một đực một cái. Người ta kéo đến xem vòng trong vòng ngoài còn hơn cả xem Sơn Đông mãi võ. Nhiều người tranh nhau mua. Ông hương kiểm đã phải mất một cặp gà và 300 ký lúa mới đổi được. Thấy quá hời, thằng Hậu lại đi vào Sài Gòn và trở thành một anh buôn chó có tiếng. Một năm sau nó sắm được xe, cất được nhà, cưới được vợ mặc dù mang cái tên khó nghe là Hậu chó.
Như thế trong làng có hai đứa nhờ chó mà sống được và ăn nên làm ra. Nó là chủ trại nuôi, bán chó còn tôi thì làm công. Những con chó nó đem về từ miền nam không phải xinh xẻo như hai con chó Nhựt, mà là những con ốm đói, ghẻ lở, lẽ ra phải chui vào nồi rựa mận. Con nào cũng nằm buồn rầu ủ ê không buồn sủa lấy một tiếng. Công việc của tôi là đem ra sông tắm rửa từng con một, rồi ve uốt dỗ dành để nó chịu ăn. Đối với ai khác thì đó là một công việc hết sức dơ bẩn và cực nhọc. Nhưng với tôi lại là một niềm vui. Dường như cái dòng sữa chó trong tôi đang thức dậy và lũ chó cũng nhận ra rằng, tôi với chúng cũng là đồng loại chỉ khác là biết nói tiếng người.
Lũ chó được tôi chăm sóc chẳng mấy chốc đã trở nên phổng phao xinh đẹp. Chúng lại còn biết làm vài trò đơn giản như đứng hai chân sau, co hai chân trước như một đứa trẻ biết vòng tay để chào mừng. Cái việc đưa một chân ra để bông dua thì dễ quá, chỉ một vài miếng thịt mỡ là tập được ngay. Nhìn lũ chó sởn sơ béo tốt, thằng Hậu đã phải khen: Mày đúng là thằng chó đẻ, giỏi thiệt!
Tuy nhiên cái công việc bán chó ấy cũng không phát được lâu. Chỉ một năm sau là nhà nào cũng có chó. Những con chó cái đã đẻ ra hàng loạt con chó con. Người ta không mua nữa mà là xin, cùng lắm thì đổi một con gà. Đó là chưa kể cái nguồn chó trong nam đã bị những người Bắc di cư tóm vào các quán thịt cầy mọc lên nhan nhản. Thằng Hậu dẹp trại nuôi chó xoay ra nuôi gà đá. Cái món này thì nó không cho tôi đụng vào. Nó bảo, cái máu chó của mày làm cho lũ gà chạy biến. Vào độ mà chạy là có nước bán nhà!
Lúc này tôi mười bảy tuổi. Đêm nằm trở giấc đã muốn ôm một ai đó vào lòng. Những khi ngồi trước gương cho thợ cắt tóc, tôi lại nhớ tới lời cô Sáu “trông mày cũng lịch sự trai “. Tôi chỉ mỉm cười một mình vì ngoài chị Thảo chưa có ai thèm nắm lấy tay tôi. Nhớ lại hồi cả làng đêm nào cũng kéo nhau ra sân đình tập nhảy Xôn-đố-mì, một điệu nhảy của Trung Quốc anh em. Cứ một trai một gái đâu mặt vào nhau, hết đá chân phải lại đá chân trái, điệu nhảy mà ông phó Ba gọi là Tao-đá-mày. Đưá nào cũng bắt được cặp chỉ có tôi là không. Tụi con gái chẳng đứa nào chịu. Chúng nó bảo tôi hôi mùi chó! Bây giờ làm cái nghề nuôi dạy chó, chắc không khi nào tôi lấy được vợ!
Cái ông vua Bảo Đại có lẽ là ông vua bấp bênh nhất trong lịch sử. Năm bốn lăm, khi trao ấn kiếm cho Cách mạng, ông nói cứng “thà làm dân của một nước độc lập, còn hơn làm vua của một nước nô lệ“. Thế rồi nghe đâu công dân Vĩnh Thụy trốn qua Pháp và lại làm vua nước Nam tại Pháp. Những năm ấy nghe nói ông chỉ đi săn và đi nhảy đầm. Mọi việc trong nước đã có Thủ tướng lo. Chẳng biết ông Ngô Đình Diệm làm thế nào mà bỗng dưng được suy tôn lên làm Tổng thống, còn ông bị truất phế rơi xuống làm dân. Cuộc đời như thế người ta gọi là lên voi xuống chó.
Để mừng quốc khánh và suy tôn Tổng thống, người ta bày ra cái cảnh lần đầu tiên thi xe hoa. Mỗi thôn một xe cùng thi tài ở sân vận động của xã. Các vị chức sắc ở thôn An Định vò đầu bức tóc nghĩ mãi mới ra được cái xe hoa như thế này. Hai cái xe đạp tháo ghiđông để có bốn bánh xe. Một cái khung hình chữ nhật bọc vải trắng vẽ những cảnh sơn thuỷ và mai lan cúc trúc. Trên cao là cái tháp nhỏ có hình Ngô tổng thống mặc quốc phục khăn đóng áo dài. Chung quanh kết cờ ba sọc, tối đến có đèn chớp nháy. Vậy là đẹp, là có ý nghĩa. Nhưng xe đạp đâu có chạy được nếu không có người đạp. Chẳng lẽ cho thanh niên chạy trước kéo hay đi sau đẩy? luộm thuộm quá coi không được. Các vị cãi nhau suốt.
Đang lúc lúc lúng túng không biết cho xe chạy bằng cách nào thì ông hương kiểm bỗng nói: sao không cho chó kéo? Mọi người ngớ ra một lúc rồi cùng ồ lên: Phải! Phải! Để chó kéo coi ngộ à! nhưng một con kéo sao nổi mà nhiều con chạy loạn xạ thì ngã mẹ nó chiếc xe còn gì!
Rốt cuộc, người ta lại nhớ đến tôi, rằng chỉ có tôi với cái miệng từng ngậm vú chó mới có thể dạy được chúng kéo cái xe để giật giải. Dĩ nhiên là tôi không chối từ cái vinh dự có một không hai ấy. Tám con chó đực béo tốt nhất làng đã được chọn. Chúng là những con chó đã được tôi chăm sóc ở trại thằng Hậu ngày nào, nên khi gặp lại tôi chúng rít lên ư ử, ngoáy tít đuôi mừng rỡ. Cứ tưởng cái việc tập chạy thành hàng chỉ một buổi là xong. Không ngờ, người và chó cùng mệt phờ ra mà chẳng tập được gì. Chẳng con nào chịu con nào. Chúng cứ gầm gừ suốt, sểnh ra là chúng cắn nhau!
Đã ba ngày rồi mà chúng vẫn cứ ăng ẳng sủa nhặng cả lên. Cho mấy đứa nhỏ cầm gậy lùa vào hàng, chúng lại càng lộn xộn. Cứ cái nước này thì đành phải cho bò mà kéo như bên Trung Lương. Nhưng rất may, có thằng Hậu đến xem và mách nước. Nó nói: Bây giờ tao thấy mày cũng ngu như chó! Có đến Tết mày cũng chẳng dạy được nó chạy thành hàng. Lũ chó đực với nhau mà mày không biết à? Chúng cắn nhau miết. Hãy kiếm bốn con chó cái tới đây. Cứ một đực một cái cặp với nhau, tao bảo đảm với mày là chạy tới chỗ nào cũng được.
Thằng Hậu đúng là Hậu chó. Bốn con chó cái đến là bốn con chó đực trở nên ngoan hiền dễ bảo. Chỉ nội trong ngày hôm sau là đã có thể kéo chiếc xe không chạy khắp làng.
Ngày Quốc khánh đến. Bảy chiếc xe hoa đủ kiểu và đủ màu sắc của bảy thôn làm cho buổi lễ đông vui hơn bao giờ hết. Thôn Trung Lương, ý chừng lấy câu “dĩ nông vi bản” nên đem cả một cỗ xe bò với mấy chàng nông dân mặc quần áo bà ba đen vác cuốc và mấy cô thôn nữ đánh má hồng tô môi đỏ tay cầm liềm. Các cô nàng mắc cỡ thẹn đỏ mặt, nhưng mắt vẫn long lanh vì biết rằng có nhiều người đang nhìn mình. Thế nào sau cái lễ này cũng được nhiều người đi hỏi làm vợ. Thôn An Dân, một chiếc ghe với những tay chèo đang hò bá trạo. Thôn Kim Bình với hai con rồng chầu cái mặt nguyệt ở giữa có ảnh Tổng thống. Thôn Kim Đức là một chiếc máy bay có hai phi công đi chân đất. Bọn trẻ con tinh quái núp dưới hai cánh lẩy roi quất vào hai chân khiến máy bay nghiêng ngửa như sắp thả bom. Nhưng lạ nhất, vui nhất là thôn An Định với tám con chó vừa đực vừa cái đeo luc lạc kêu rỏn rẻng. Đi đầu là tôi được ông Hồng lính Tây cho đội mũ kêpi mặc áo đeo ngù vàng, hông đeo kiếm giả cứ như sĩ quan của trường võ bị nào đó bên Pháp. Làng An định được hoan hô nhiệt liệt. Người ta suýt giẫm đạp lên nhau vì chen lấn để xem cho rõ. Khi giải nhất được trao cho làng thì tôi một lần nữa lại được các vị chức sắc công kênh như các vị cán bộ ngày nào.
Nhưng có lẽ vì ganh ghét, một ai đó đã mách lẻo với ngài quận trưởng rằng, để chó kéo xe có hình Tổng thống là phạm thượng! Các vị chức sắc chưa kịp uống rượu mừng đã phải hớt hơ hớt hải kéo nhau lên quận để giải bày với ngài cái lòng trung thành khuyển mã của họ đối với Tổng thống. Ông phó Ba cho dù có tài trừ ma bắt quỷ cũng đành phải uốn lưỡi đến bảy lần và đi bằng hai đầu gối mới gỡ được cái tội đáng chém. Quận trưởng là một người Huế. Ngài nói: răng mà dỡn mặt rựa ? Thôi tha cho, cậu Cẩn mà biết được thì chẳng còn chỗ mà đội mũ mô! Sau này người ta nói, ngài quận trưởng sợ chính cái đầu của ngài chứ không phải đầu của ông thôn trưởng.
Sau cái lần chết hụt ấy, ông phó Ba giờ là thôn trưởng thề rằng chẳng dại gì bày ra cái trò ngu ngốc như vừa rồi. Ông thì sợ cụp râu, nhưng tôi có lẽ mặt đang vênh lên vì trong bộ đồ sĩ quan giả ấy, tôi được mọi người xuýt xoa khen đẹp. Cô Sáu tôi rất hảnh diện. Trong cái tết năm ấy, bên cạnh những luống cải đầy hoa, bà vừa nói vừa cười: sắp đi hỏi vợ được rồi đấy, con à!
Nhưng, Khi Ngô Đình Diệm đã chắc ngôi Tổng thống thì cũng là lúc chiến dịch “TỐ CỘNG” bắt đầu. Trước tiên, ngài nhổ toẹt vào cái hiệp định Giơneo. Ngài bảo ngài không ký nên chẳng việc gì phải thi hành. Ngoài kia Cọng sản muốn làm gì thì mặc Cọng sản. Miền Nam là của ngài, gốc rễ của nó còn là ngài nhổ sạch.
Lại rầm rập những cuộc biểu tình hoan hô Ngô Tổng thống và đả đảo Cọng sản. Lại những đêm học tập mà ông Khứ và cô Thảnh được nhắc tới như những tên Việt gian ôm chân Tầu cộng. Thằng thủ ngữ Đực và hai chị em bà Dĩa bị điệu ra trước đình y như vợ chồng ông tổng Bá và cụ cử Vân. Tôi cũng bị lôi ra như là tòng phạm. Bọn tôi bị trói giật cánh khủyu, đem lên quận.
Chúng tôi bị quẳng vào nhà giam đã chật cứng người. Chưa bao giờ tôi phải chịu cái cảnh hôi thối ngột ngạt như lúc này. Mùi cứt đái, mùi đờm dãi, mùi hơi người dai dẳng và đặc quánh. Chỉ vài phút sau là tôi nghe da thịt mình cũng hôi hám y như họ. Cả bọn hệt như những con chó mà thằng Hậu đã mua về. Chúng tôi nằm vật lên nhau, chẳng một ai lên tiếng thở than. Nỗi sợ hãi to lớn đã bóp nghẹt cổ họng mọi người.
Sáng hôm sau người ta lùa chúng tôi ra sân để hỏi tên tuổi quê quán. Tuy ngồi trong nắng, nhưng được hít thở khí trời, nên dù sợ xanh mặt nhưng xem ra cũng còn có chút tươi tỉnh để mà thưa gửi, chứ không đến nỗi phải đái trong quần. Người ta lùa đàn ông một bên, đàn bà một bên. Giữa, lúc nào cũng có người cầm súng sẵn sàng nhả đạn. Bốn góc là bốn cây tiểu liên và tám con mắt đăm đăm. Một buổi sáng dài lê thê với những tiếng quát nạt, tiếng chửi thề xen lẫn tiếng dạ run rẩy. Nắng lên cao, nhiều người vừa đói vừa sợ gục xuống. “Đù mẹ, giả chết hả? Con kia tên gì? Thằng kia tên gì? Xong rồi! Qua bên kia. Đù mẹ, Cộng sản gì nhiều quá! “
Đến lượt tôi người ta hỏi
– Tên gì?
– Dạ Lê Văn Được
– Cha?
– Dạ không biết.
– Mẹ?
– Dạ cũng không !
– Thằng này ngộ, ở dưới đất chui lên à?
– Dạ ở dưới sông!
– Bộ muốn giỡn mặt tao hả?
– Dạ bị thả trôi sông!
– Ai thả?
– Dạ không biết!
Đến lúc này người ta đá tôi một cái.
– Đù mẹ, cái gì cũng không biết mà biết theo Cộng sản!
Đến lượt bà Dĩa.
– À, con mụ này, có phải mẹ thằng nhỏ kia không?
– Dạ không
– Tên gì ?
– Dạ Lê thị Dĩa.
– Em là Chén hả ?
– Dạ
– A, chén dĩa mà cũng biết làm Cộng sản, ngộ quá hén.
Đến lượt thủ ngữ Đực.
– Thằng này coi bộ giống Cộng sản quá. Đù mẹ, tên gì ?
– Đực.
– Cái gì Đực?
– Thủ ngữ.
– Thủ ngữ là cái quái gì?
– Không biết
– Thế ai đặt tên cho mày?
– Không biết
– Con hoang hả?
– Ừ !
– Mày không biết nói dạ à?
– Ừ !
– Mày theo Cọng sản từ bao giờ?
– Không theo Cọng sản. Chỉ theo lão Khứ và con mụ Thảnh.
– Thằng đó con đó ở đâu?
– Ở ngoài Bắc
– Đi tập kết rồi hả?
– Ừ!
– Sao mày không đi?
– Tụi nó không cho đi
– Vậy theo tụi nó làm gì?
– Để được chia nhà chia ruộng
– Ngon hả, được mấy cái?
– Không có cái nào
– Vậy còn theo nữa không?
– Chửi cha nó chớ theo.
– Ừ, thằng này nói nghe được đó. Cho mày điếu thuốc đây.
Nó cầm lấy điếu thuốc ngửa mặt lên trời hít lấy hít để. Thế là nó tưởng sắp được tha, mặt đã bắt đầu vênh lên. Nhưng nhiều ngày sau, nó vẫn bị giam, ăn ngủ lẫn lộn cùng với cứt đái. Lại thêm nỗi nhớ vợ khiến nó nổi điên la hét suốt đêm. Người ta lôi cổ nó ra đánh cho mấy bạt tai. Nó liền đánh lại. Người ta tộng nó vào thùng tônô đem phơi nắng. Nó ú ớ ít lâu rồi im bặt. Ai cũng tưởng nó chết khô trong đó. Nhưng tối đến, cái thùng sắt lạnh làm cho nó tỉnh lại. Nghe nó thều thào xin nước, một người lính đùa dai bảo không có nước chỉ có rượu thôi uống không? Nó nói, thiệt hả? Đúng là Quốc gia chơi ngon hơn Cộng sản. Câu chuyện của nó cứ như chuyện tiếu lâm, ở cái nhà tù này ai cũng biết.
Tiếp theo là những ngày dài tơi tả, những đêm dài bần dập vì bị tra khảo. Những đá, những đạp, những thụi, những bịch, những tiếng thét chói tai, những tiếng kêu ằng ặc không lúc nào ngớt ở phòng bên cạnh. Người nào bị gọi cũng cúm rúm co ro.
Không một ai ưỡn ngực hiên ngang trước quân thù như cô Thảnh và ông Khứ thường bảo. Đến khi thả về người nào cũng máu me xệch xạc. Những ai chưa bị gọi, tuy thể xác còn lành lặn, nhưng tinh thần đã bị tra khảo tàn tạ. Mỗi cú đá cú đạp ở sát vách bên kia cứ dội thẳng vào đầu, vào ngực của những người đang chờ đợi trong tuyệt vọng ở phía bên này. Thà bị đánh chết giấc mê man không biết gì, chứ ngồi mà chờ đến lượt mình thì cứ như bị tra khảo gấp đôi, gấp ba lần. Nhiều người chưa bị gọi mà mắt đã trợn ngược như bị trúng gió. Nhiều người không ngớt rì rầm Cứu khổ cứu nạn Quan thế âm Bồ tát. Tôi thì rất lạ. Nỗi sợ hãi làm cho tôi xuất ra một thứ nước nhầy nhầy. Chao ôi! Lúc đó chúng tôi chẳng phải là người, mà khổ thay cũng chẳng phải là con vật. Chúng tôi là những thứ rác rưởi mà người ta muốn dọn sạch mà chưa có cách gì dọn được!
Trong khi đó ở bên ngoài, cái chiến dịch Tố Cọng càng dữ dội ác liệt hơn khi người ta tìm thấy trong các ngôi mộ liệt sĩ ở Qui Nhơn không phải là những hài cốt quy tập từ các chiến trường mà là những hòm đầy lưụ đạn, những khẩu súng tháo rời. Rồi những kho muối, kho gạo cất dấu trong núi rừng.
Lại bầm dập! Lại tả tơi!
Bây giờ, không đấm đá thụi bịch, mà là nước xà phòng đổ vào miệng, điện dí vào chỗ kín để truy tróc tận gốc rễ những bí thư, những huyện uỷ, tỉnh uỷ…Đau quá! Khiếp hãi quá! Đành phải khai! Nhưng cái đám đàn ông đàn bà lơ ngơ láo ngáo này, có ai biết gì đâu mà khai! Thì đành khai bậy! Đầu óc đảo điên, cứ nhớ được tên ai là khai tên đó. Khai bạn khai bè, khai anh khai em. Khai luôn cả cha mẹ! Cứ một người phải khai ít nhất hai ba tên. Số người bị băt vì thế tăng lên gấp đôi, gấp ba. Rồi những người ấy bị đánh đau cũng phải khai ra những ai chợt nhớ. Thế là một trại không đủ. Hai trại rồi ba trại cũng không đủ. Người ta phải dùng dây thép gai quây ra ở bãi Trường thi lùa bọn họ vào như trâu bò. Dạo ấy có làng bị bắt đến một nửa, nhất là làng kiểu mẫu như làng An Định. Ngoài cái bè lũ bốn tên trong đó có tôi, còn có các bà vợ của bộ đội, vợ cán bộ không đủ tiêu chuẩn đi tập kết, những đại biểu nông dân, phụ nữ, những anh dân quân hung hăng…
Lệnh trên đưa xuống là phải tìm cho ra những tên Cộng sản gộc đang thay tên đổi họ còn ở lại để đòi Tổng tuyển cử. Nếu không bí thư thì cũng là chủ tịch, nên đồng chí thủ ngữ Đực dù chỉ làm chủ tịch có hai đêm cũng đúng phóc là gộc rồi! Mà gộc bự nữa vì là chủ tịch của Toà án nhân dân. Thế là gã lập tức được đưa ngay lên tỉnh, có xe chạy trước mở đường và xe chạy sau hộ tống. Gã không bị tống vào xà lim mà được cho ở vila, được hút thuốc thơm và được uống rượu Tây, cho xứng với chức danh của gã. Ngài tỉnh trưởng nghĩ rằng đây là một con cá lớn, biết đâu còn có cả một bầy, nên ngài đã ân cần dụ dỗ. Chính ngài đã đưa tay ra bắt và vỗ vai thân mật như bạn lâu ngày mới gặp nhau. Vì thế gã đã khai thêm chị em bà Dĩa và tôi cho đủ một bộ tứ.
Tin rằng sắp hốt trọn ổ cả một “Toà án nhân dân“, ngài tỉnh trưởng vui còn hơn bắt được vàng. Nhưng khi nhìn thấy hai chị em bà Dĩa, chỉ là hai mụ nhà quê đang run rẩy nép vào nhau như hai con chó đói và tôi hỉ mũi chưa sạch, thì ngài lắc đầu bảo: Bỏ mẹ! Ngữ này mà gộc à? rồi ngài ra lệnh thả bọn tôi ra chỉ giữ lại đồng chí thủ ngữ Đực, chắc là để đùa chơi giải buồn.
Khi về đến làng nhiều người không dám nhìn chúng tôi. Chỉ có lũ nhỏ chạy theo hỏi “Mày bị thiến rồi hả Chó Đẻ“. Tôi lầm lũi bước đi không buồn giận gì chúng. Được đi trên dường làng, được về với bến sông và sắp gặp lại cô Sáu, tôi thấy cuộc đời vẫn còn cho tôi quá nhiều ưu ái. Những ngày qua chắc là cô buồn lo rất nhiều. Hôm bị trói giật cánh khuỷu lôi đi, tôi nghe cô kêu tên tôi ai oán như bà phó lý kêu tên cậu Phú. Sắp gần đến chỗ rẽ qua cầu, hai chị em bà Dĩa nép vào một bụi cây bên đường. Hai bà không quên những cái tát của cô khi dám nhận là đã sinh tôi ra. Ở trong tù, tôi có hỏi hai bà sao dám vu oan giá hoạ cho người khác thì hai bà đều bảo là do ông Khứ và cô Thảnh sắp đặt. Và cũng như thằng thủ ngữ Đực, được hứa sẽ cho thứ này thứ nọ, còn hứa đem ra Bắc để gặp cụ Hồ!
Từ ngày ông Khứ đi tập kết, cô tôi lại bán mía bên cầu. Dù lúc này có chất mía thành đống cao như cái nhà cũng chẳng ai thèm hỏi tới. Lúc tôi về tới bên này cầu, nghe bọn trẻ con kêu chó đẻ, cô liền ném cây liềm xuống đất chạy qua. Tôi lao tới ôm lấy đôi vai gầy guộc của cô. Tôi khóc thành tiếng và cô cũng vừa khóc vừa hỏi tôi: con có bị đánh nhiều không? Tôi nói: chưa, con chưa bị đánh, nhưng con sợ lắm. Buổi tối hôm ấy bà phó lý tới thăm đem cho một bát cháo gà. Chưa bao giờ tôi được ăn một bát cháo ngon đến thế. Hai bà hỏi tôi đủ thứ chuyện trong tù. Tính ra tôi đã ở tù hai mươi bốn ngày và nếu nói như cụ đồ Ngân, nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại, thì tôi đã trải qua mấy chục cái thiên thu!
Nhớ lại những ngày trong tù, tôi thấy rùng mình. Nhưng tôi cũng nhận ra tôi đang trưởng thành. Những gì tôi đã thấy, đã nghe, đã chịu đựng chỉ là màn giáo đầu của vở tuồng đời dài lê thê mà số phận đã sắp đặt, không chỉ của riêng tôi mà của cả những người dân ở vùng Nam Ngãi Bình Phú.
11.
Chiến dịch Tố Cộng vẫn tiêp diễn. Đây là cơ hội cho những mối tư thù, những hơn thua ganh ghét ở xóm làng. Hồi chín năm ai cũng sợ cái mũ phản động, liên quan. Giờ đây người ta còn sợ hơn nếu phải đội cái mũ thân Cộng. Chỉ cần giành nhau một cái măng tre ở góc vườn, hay buồng chuối mà gốc ở bên này ngọn ở bên kia là hai bên đã có thể chụp cái mũ khốn nạn lên đầu của nhau. Nói chi đến chuyện được vợ hay mất vợ. Kẻ thua cuộc vì tình có đủ cách để tống kẻ thắng vào tù. Chỉ cần đem một miếng vải đỏ có gắn ngôi sao dắt đâu đó đằng sau nhà, rồi đi tố cáo là coi như cái giường tân hôn sẽ đầm đìa nước mắt. Mặc dù tiếng chuông chùa Thiên An vẫn không ngừng ngân nga, nhưng cái không khí sân si thù hận vẫn không dịu đi một chút nào. Gần một nửa làng bị bắt thì nửa kia coi như kẻ thù.
Ông tổng Bá sau 14 tháng vẫn thấy cái đầu mình hãy còn nằm trên cổ, như cá mắc cạn bỗng gặp con nước về, cái chiến dịch Tố Cộng đã nâng ông lên cái chỗ còn cao hơn ngày trước. Bây giờ ông là thân hào nhân sĩ, tuy không nhận một chức gì, nhưng cái uy quyền vẫn bao trùm lên đám chức dịch. Đám con cháu nhà ông, trừ cậu Khánh đã bị điên thật, coi việc trả thù như một mệnh lệnh của lòng hiếu thảo. Bọn nhỏ thì hết lên mả nhà ông Chánh nhạc đái ỉa, lại đứng trước ngõ nhà ông Khứ chửi rủa tục tĩu. Bọn lớn hơn như thằng Mậu thằng Tài, thì lùng tìm hai chị em bà Dĩa đến nỗi cả hai phải trốn lên An Khê làm rẫy cùng với Thượng. Bà năm hàng xáo, người đã lỡ phun một bãi nước trầu vào mặt ông tổng Bá thì trốn biệt xuống cõi âm sau một cơn đau không lấy gì làm nặng lắm. Còn tôi, trong một đêm đi nghe máy hát đã bị chúng trùm mền đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Cô tôi phải nhờ bà biện Ngữ sắc cho mấy ấm thuốc võ. Thuốc đắng đến tê người, trong uống ngoài thoa, phải mất cả tuần mới đi lại được.
Làng nào cũng có những cuộc trả thù như thế. Ngày trước ai đứng ra đấu tố địa chủ thì giờ này không nằm trong tù cũng nằm trong nhà thương. Có nơi nửa đêm người ta đốt nhà có người đi tập kết. Bà vợ ông Khứ sợ quá phải bỏ cả ruộng vườn bồng con về tá túc với cha mẹ ở An Đông.
Tối đến, các chị vợ có chồng đi tập kết phải đến trụ sở thôn mà ngủ. Không chăn chiếu, không mùng màn, bọn trẻ con bị muỗi cắn suốt đêm khóc ngằn ngặt. Những gã dân quân tự vệ lấy cớ canh chừng thỉnh thoảng lại quét đèn pin vào những chỗ hớ hênh. Giống như ngày trước bị gắn vào ngực cái thành phần địa chủ, bây giờ bọn họ bị gắn cái thành phần thân cọng, chẳng còn ai dám lui tới hỏi han. Họ sống âm thầm như cái bóng, trông họ xanh xao ốm yếu nhưng lòng họ lại mạnh mẽ hướng về phương Bắc. Có thể nói hồn của họ ở ngoài kia mà xác ở trong này.
Một hôm cả làng bỗng giựt mình khi nghe tin thằng thủ ngữ Đực sẽ bị đem bắn ở đông cây Sanh. Khi ngài tỉnh trưởng giữ nó ở lại, ai cũng tưởng ngài đùa chơi rồi cũng sẽ thả nó ra. Chắc ngài cũng biết quá rõ cái ngữ như nó thì cọng sản gộc thế nào được. Nhưng thả nó ra thì chiến dịch Tố Cộng coi như thất bại à? Phải có cái mà trình lên Tổng thống chứ! Thế là người ta đem rượu ra cho nó uống. Có rượu thì tội lệ gì nó cũng nhận tuốt. Còn đánh nó thì đừng hòng, chẳng những nó đánh lại mà còn dũng cảm chịu chết chứ không khai. Vì vậy nó bị đưa ra Toà với đủ tội danh nào giết cụ cử Vân, nào chôn sống một tiến sĩ ở Chánh Danh, nào dân biểu quốc hội, nào chánh án Toà án nhân dân… Phải mất một buổi sáng mới đọc hết bản cáo trạng của nó. Sau cùng người ta kết án tử hình, chỉ khác là đem về làng bắn chứ không đút đầu vào máy chém.
Hôm đưa nó về làng có cả một đoàn xe đi hộ tống. Người ta phải xốc nách nó lôi ra khỏi xe vì nỗi sợ chết đã làm hai chân nó sụm xuống. Một đàn ruồi nhặng tranh nhau bám theo sau. Đáy quần của nó ướt sũng. Nó bị cột vào cọc, mà phải cột nhiều bận vì nó không tài nào đứng nổi. Người ta bịt mắt nó mặc dù đôi mắt đã sưng húp gần như không thấy gì.
Ngài quận trưởng đọc lệnh xử bắn, sau khi Tổng thống đã bác đơn ân xá. Ngài nói, nó phải chết để trả thù cho những người vô tội đã chết dưới bàn tay Cọng sản. Mười hai viên đạn dễ dàng ghim hết vào người nó. Ngày mai các nhựt trình ở Sài Gòn sẽ loan tin cho cả nước biết một tên Cọng sản gộc nằm vùng đã bị bắt và đền tội.
Nhưng ngoài dân làng An Định, nào ai biết đó là cái gã không cha không mẹ, sống bằng nghề đòi nợ thuê, bẻ bí trộm gà, đương nhiên là cả trộm chó nữa. Để có thành tích chống Cộng, người ta đã thổi phồng gã lên với đủ các chức vị oai phong, vô tình biến gã thành một anh hùng. Vì vậy, mười mấy năm sau, tên của gã được dùng để đặt tên cho cây cầu bê tông bắc qua Trung Lương. Có điều người ta đổi chữ Đực thành ra chữ Đức. Cầu anh Đức nghe cũng hay hay nhưng chẳng ai biết anh Đức là anh nào!
Cái chết của thủ ngữ Đực không ngờ đã làm dịu bớt những hận thù không đáng có. Người ta thấy rằng ai cũng có thể bị bắn. Ai cũng có thể bị gắn lên ngực cái chức bí thư tỉnh uỷ, huyện uỷ…và đoàng ! Người ta thôi bới móc chụp mũ lên nhau nữa. Ai lo phận nấy, gầm mặt xuống mà kiếm hạt lúa củ khoai. Dân đen tự bao đời chẳng là dân đen! Cô Sáu bỗng dưng thở dài nói ra một câu như vậy.
Có lẽ ở các nơi cũng có những thủ ngữ Đực bị chém hay bị bắn như thế. Người ta tin là đã giết hết những tên Cộng sản gộc rồi, nên thả bớt những người dân vô tội. Tổng thống là người có đạo, nên ngoài việc cai trị dân còn có bổn phận mở mang nước Chúa. Ngoài những người theo đạo vì yêu hàm râu của Chúa hơn hàm râu của Bác, còn có cả những người buộc lòng phải đặt cây thánh giá lên bàn thờ nhà mình để khỏi bị chụp cái mũ Cộng sản lên đầu. Hai chị em bà Dĩa nhờ theo đạo mà đã ung dung trở về làng.
Sau chín năm kháng chiến cơ cực và sau những năm tố cọng, cuộc sống đã có ít nhiều thay đổi. Những người có nhiều ruộng đã bắt đầu xây nhà. Các ông tổng Bá, phó Ba, hương kiểm, hương mục… cho người ra sông xúc cát đúc gạch táplô. Chỉ sau ít tháng đã thấy tường quét vôi vàng, mái lợp ngói đỏ. Một cái biển chữ số 1960 màu đỏ được gắn trịnh trọng trước nhà như một con triện xác định cái năm tháng đáng nhớ của cả một đời người. Những ai chưa xây được nhà thì cố sắm xe đạp. Và chuông xe đạp cùng với chuông càrem kêu leng keng khắp đường làng. Sau bao nhiêu năm nghe lời thầy giảng bài, giờ tôi mới chứng nghiệm được rằng, nước đá đúng là cứng như đá nhưng lại tan ra dưới ánh mặt trời. Bọn con trai cùng lứa tuổi tôi đã đi hỏi vợ. Những đám cưới đi qua cầu thường dừng lại khá lâu để thợ chụp hình làm kỷ niệm. Các sòng xóc dĩa, bầu cua chật cứng đàn bà trẻ con chen nhau chơi trò đỏ đen. Thỉnh thoảng một chiếc ghe con, chẳng phải câu đêm cũng chẳng phải thả lưới, lượn lờ dưới gậm cầu. Khi thằng Mậu, khi thằng Tài, cũng có lúc ông phó Ba ngó trước trông sau bước xuống rồi mất tăm ở một khúc sông vắng nào đó. Cô Sáu bảo đó là ghe đổ tiêm la, còn bà vợ ông thì gào lên cho cả làng cùng biết là ông đi chơi đĩ!
Nhưng cái sắc màu thanh bình chỉ vừa mới phớt qua xóm làng đã bị cái bóng ma cọng sản làm cho u tối. Những chiếc xe đò đã bị giật mìn, cờ búa liềm đã được treo ở chỗ nọ chỗ kia và Tổng thống suýt bị bắn chết ở Banmêthuột. Những đám mây đen của chiến tranh đã kéo tới và cái hơi lạnh chết chóc của nó đã thổi tới mọi nhà.
Lệnh tổng động viên được Tổng thống lập tức ban hành. Bọn con trai cả nước được các cổng quân trường mở rộng cửa đón chào. Bài hát đi quân dịch là thương nòi giống suốt ngày vang lên ra rả. Xe GMC đến tận đầu làng đón bọn chúng tôi lên quận khám tuyển.
Trừ những đứa thiếu cân như tôi, bị què hay chột như thằng Thịnh, còn tất cả đều phải đi quân dịch. Những cặp vợ chồng mới cưới vừa bén hơi nhau đã sụt sùi nước mắt chia ly. Và chưa đầy mười hôm, hai con vợ thằng Hùng và thằng Vĩ đã phải khóc chồng. Hai đứa đó vừa mới tới Dục Mỹ chưa bắn viên đạn nào đã bị pháo kích toi mạng. Mới hôm nào, bọn chúng trong phòng khám còn nghịch đo cái ấy lẫn nhau, giờ đã không bao giờ trở về làng nữa!
Lại nghi ngờ! Lại bắt bớ! cọng sản đâu chỉ ở miền Bắc mà ở cả miền Trung và miền Nam. Không chỉ ở trên núi trên rừng mà ở ngay trong làng trong xóm. Phải tách chúng ra và phải phát súng cho dân đánh lại chúng. Thế là người ta biến mỗi làng thành một pháo đài.
Cũng như trước kia, mọi người phải đi phá thành đào đường để chống giặc Pháp, giờ phải lên núi chặt cây để rào làng chống Cộng. Nói thì dễ, nhưng đi cả ngày trời mới tới được núi, mà núi toàn là núi trọc, thì kiếm đâu ra cây bằng bắp chân dài ba thước! Mà cũng đâu chỉ một vài cây! Cứ tính theo nhân khẩu, nghĩa là mới khóc oe oe cũng phải kiếm cho ra cây để rào đủ mười thước! So ra cái khổ nộp cây còn hơn cả cái khổ nộp thuế nông nghiệp. Ngày trước, địa chủ phú nông lo sợ bao nhiêu thì giờ các anh bần cố nông lo sợ bấy nhiêu! Nghe nói Mỹ viên trợ cho mỗi nhà 70 ngàn nhưng tiền chưa thấy mà Cộng sản đã tới rồi nên phải cấp tốc rào làng. Phải vay, phải mượn, phải cầm cố hay bán cả ruộng vườn.
Lúc này mới thấy cái tài của thằng Hậu chó. Nó dẹp ngay cái trại gà, dông tuốt lên An Khê thuê Thượng chặt cây đóng bè thả về làng. Cái bến sông ở địa đầu thôn Trung Lương bỗng chốc trở thành một cái chợ cây, kẻ mua người bán còn tấp nập hơn cả những phiên chợ Tết. Không chỉ mỗi làng An Định cần cây mà cả xã, cả huyện. Cây về bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Nó làm ăn phát đạt đến nỗi phải thuê cả chục người vác cây, trong đó có tôi. Khi ấp chiến lược hoàn thành, không ai tính được là nó đã thu vào bao nhiêu tiền. Trừ nhà ông tổng Bá, còn nhà nào cũng phải nợ nó, nếu không nợ tiền thì cũng nợ lúa. Nó chỉ trong một vài tháng đã trở thành một đại địa chủ vì nhiều người phải cầm thế hay bán hẳn ruộng cho nó. Bây giờ tiếng nói của nó còn mạnh hơn cả tiếng nói của ông tổng Bá. Nó còn chơi ngon, ngã một lúc hai con bò và mấy con heo để khánh thành ấp chiến lược. Ấp An Định là ấp duy nhất được ngài quận trưởng vinh dự tới cắt băng khánh thành. Trước các vị hào lý khăn đóng áo dài, trước đám dân quân tự vệ, trước hai hàng thanh niên nam nữ cọng hoà, ngài quận trửơng đã trao cho nó cái bằng khen có hai con rồng chầu lá cờ ba sọc do chính tay ngài tỉnh trưởng ký tặng.
Rồi cũng giống như thời ông Khứ, người ta liền diễn tập cho ngài quận trưởng và các vị quan khách xem dân làng An Định chiến đấu chống Cộng sản. Đám dân quân và thanh niên nam nữ cọng hoà lập tức nép vào các hàng rào chiến lược. Những thân cây rừng vót nhọn chỉa ra hai bên như những cái lưng của con kỳ đà khổng lồ. Kẻ súng người dao lăm lăm trong tay. Tất cả sẵn sàng chờ cọng sản. Thế rồi một đứa bé từ dưới sông hớt hãi chạy lên miệng la to: Cọp về làng! Cọp về làng! Tiếp theo là một bọn cởi trần mặt bôi đầy lọ nghẹ từ các soi bắp chui ra, bọn chúng chưa kịp leo qua rào đã bị đám dân quân và thanh niên thanh nữ cọng hoà trói chặt. Một hồi trống dài báo tin thắng trận và cũng là lúc buổi diễn tập kết thúc để mọi người vào tiệc. Trong rượu thịt mọi người chếnh choáng tâng bốc lẫn nhau. Ngài quận trưởng hết lời khen ngợi tài tổ chức của quân, dân, chính, làng An Định. Ông thôn trưởng Văn văn Ba hứa suốt đời tận tuỵ trung thành với Ngô Tổng thống và ngài quận trưởng.
Nhưng ấp chiến lược thực ra giống như một cái một cái rông nhốt bò. Cái hàng rào như kỳ đà xù lưng trông có vẻ hung dữ là thế, nhưng đứa trẻ nào chẳng leo qua được huống hồ là cọng sản. Dân quân tự vệ, kẻ có súng, người thì không. Mà súng thì cũ rích từ đời nảo đời nao, bắn được một phát lại phải dùng cây thông nòng. Tối đến, cả bọn đi rảo một vòng rồi về uống rượu hay nói chuyện gái. Thế thì Việt cộng có muốn vào cứ việc ngang nhiên mà vào, việc gì phải leo trèo cho khổ thân!
Mặc dù vậy, tiếp theo An Định là các thôn các xã khác cùng hoàn thành. Rồi cả huyện cả tỉnh và cả nước cùng hoàn thành. Cố vấn Mỹ đi đến ấp nào cũng đều đưa lên một ngón tay cái. Tổng thống vốn thấp, chân ngắn, cực chẳng đã ngài mới đi kinh lý cùng với quan cố vấn vì cái sải chân của nó dài gấp đôi, khiến ngài bước theo muốn hụt hơi. Đã có tướng ngũ đoản lại có thêm nốt ruồi son trên mặt, nên mọi người đều tin rằng ngài có tướng quý nhân và trường thọ. Nhờ Chúa mà ngài đã có thể bình định xong cái nạn Cọng sản. Dĩ nhiên chẳng ai dám nói cho ngài biết rằng, ấp chiến lược vừa khánh thành hôm trước thì hôm sau ở cái làng An Định xa xôi này, ông tổng Bá đã bị giết.
Đó là một buổi sáng. Như biết được cái thói quen dậy sớm tắm sông của ông, một người có lẽ cũng không xa lạ gì đứng trên bờ kêu tên cho ông ngẩng mặt lên. Ông có hơi bất ngờ vì nghe gọi và càng bất ngờ hơn khi thấy một họng súng đen ngòm chỉa thẳng vào mặt. Ông chưa kịp la lên thì một tiếng nổ đã rền vang trên mặt sông. Ông ngã xuống trong nước và trôi vật vờ cho đến khi một người đứng nhá (cất vó) kinh hoàng khi thấy xác ông tấp vào.
Hai ngày sau, bà vợ ông thôn trưởng đã chết giấc khi thấy cái bản án tử hình Văn văn Ba gắn trước cửa.
Cái bóng ma vô hình đã thực sự lởn vởn khắp mọi nhà. Nó đến lúc nào không ai biết, nó đi lúc nào cùng chẳng ai hay. Nhưng trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái, trên trời dưới đất đâu đâu cũng có nó. Từ đây, mọi người lại co rúm như làng đang có dịch!
Trai tráng trong làng còn sót lại đứa nào cũng vội vàng đăng lính để nhận một ít tiền thưởng. Ra trận, sống chết chưa biết thế nào, nhưng còn hơn chui rúc trong ấp chiến lược cứ như trâu bò. Sáng nào cũng tập họp điểm danh vì sợ buổi tối cọng sản mò về bắt lên núi. Rồi suốt đêm đi canh đi tuần, lỡ vướng phải mìn, nhẹ thì mất một giò, nặng thì banh xác. Vả lại dẫu có đi xa con vợ nhà quê, nhưng được đi đó đi đây, mỗi lần xuống phố thấy bao nhiêu là gái mắt đen da trắng quần áo lượt là cũng đã con mắt. Những đứa đi trước về phép kể cho nghe đủ thứ chuyện, mà chuyện nào cũng mê ly nghe thèm rõ dãi. Trong làng chỉ còn lại những đứa quặt quẹo, những nông dân vừa kéo cày vừa kéo cả gánh nặng gia đình, những người già hai mắt trũng sâu vì mất ngủ và các chị vợ lính. Các chị nhớ chồng thì ít mà nhớ măngđa thì nhiều. Đến nhờ tôi viết thư, chẳng còn ai chê tôi hôi mùi chó nữa. Có nàng lại còn bảo tôi dẽ thương hơn cái anh chồng ưa nạt nộ của mình.
Ông phó Ba tức ông thôn trưởng từ khi trông thấy cái bản án tử hình đã không còn thiết tha gì nữa đến cái chức trưởng thôn. Đã mấy lần ông xin từ chức, nhưng ngài quận trưởng bảo dẫu có từ chức thì cọng sản nó cũng không tha. Như ngài, đã lỡ cỡi lưng cọp thì đành chiến đấu tới cùng. Với lại ta có biết bao nhiêu súng đạn, làm thế nào mà thua cọng sản được. Nói rồi ngài cho ông một khẩu súng lục, bảo tối lên phố ngủ, lại có dịp xa con vợ già …hơ hơ, đấy, sướng thế, việc quái gì mà sợ!
Chẳng riêng gì ông phó Ba mà những người có máu mặt trong làng, cứ trời chạng vạng là kéo nhau lên phố. Ấp chiến lược gần như trống không chẳng còn ai canh giữ. Thỉnh thoảng cọng sản từ bên kia sông đánh trống khua mõ kêu tên Văn văn Ba ra chửi. Bà vợ ông phó Ba và những người có chồng đi phố ngủ giờ lại lo sợ khốn khổ y như các bà vợ cán bộ và bộ đội đi tập kết trước đây.
12.
Trên đời này, cái việc xem tướng là dễ nói cho người ta nghe nhất, mà cái sai cũng nhiều nhất. Ngài Tổng thống mới đó được khen là quý tướng đã bị quân đảo chánh bắn chết cùng với em trai trên một chiếc xe thiết giáp. Nền cọng hoà do ngài thiét lập coi như mất cái đầu. Những cuộc chỉnh lý vì thế diễn ra liên miên, hết Dương Văn Minh đến Nguyễn Khánh. Hết Nguyễn Khánh đến Nguyễn Cao Kỳ. Chẳng ai ngồi yên trên cái ghế tổng thống. Nhiều người bảo hai anh em ông Diệm chết oan mà lại chết nhằm ngày thiêng, nên hễ ai mon men leo lên, chưa kịp ngồi nóng đít đã bị lắc cho ngã nhào.
Nhưng đó là ở Sài Gòn, còn ở làng An Định thì chẳng ai thèm tranh cái ghế trưởng thôn. Ông Văn văn Ba vẫn cứ nhấp nha nhấp nhỏm, tối lên phố ngủ và để cho bớt sợ đã chui vào mùng một bà hàng vải nào đó. Bà vợ mây lần định lên xé xác con quỷ cái đó ra. Nhưng ông phó Ba thề sống thề chết rằng chỉ chui vào đồn cảnh sát mà ngủ chứ chẳng chui vào nhà ai. Cái cục ghen của bà vì thế cứ to ra, ấm ức mãi không tiêu được. Mấy tháng sau, trước khi mất bà bảo con kêu ba mày lại. Cứ tưởng bà trăn trối điều gì, không ngờ bà đem hết sức tàn, tát cho ông mấy cái rồi mới chịu nhắm mắt.
Các vị tướng lãnh cứ mãi lo đảo chánh và chống đảo chánh, gần như chẳng còn ai ngó ngàng gì đến những vùng nông thôn xa hút như làng An Định. Ngài quận trưởng tuy nói chiến đấu đến cùng nhưng cũng chỉ lẩn quẩn ở trên phố. Ông phó Ba thì chỉ giỏi trừ ma tróc quỷ. Nước lã và roi dâu chỉ phù phép được mấy mụ đàn bà mắc đàng dưới chứ làm sao đuổi được cọng sản. Vì thế họ không thèm co rút trong núi nữa. Một ngày nào đó họ làm lễ ly sơn, quyết rời bỏ núi rừng để lấn chiếm đồng bằng.
Trước tiên họ cô lập những đồn bót lẻ tẻ, cắt đứt liên lạc rồi tiêu diệt. Sau đó họ gom dân lại, phá ấp chiến lược, đốt trụ sở. Họ khua mõ đánh trông suốt đêm làm cho dân ở những làng bên cạnh phải hốt hoảng gồng gánh đồ đoàng dắt díu nhau chạy đến những làng còn treo cờ ba sọc. Chẳng mấy chốc, con sông chảy qua làng đã trở thành ranh giới giữa cộng hòa và cộng sản.
Đến lúc này quận mới diều xuông một đại đội địa phương quân và tiểu khu yểm trợ cho một khẩu đội pháo đóng ở gò Na. Cô cháu tôi phải rời bỏ cái chòi tranh cũ nát qua bên này sông nếu không muốn đạn bắn cho tan xác.
Phía bên kia cộng sản cứ tối đến là đốt lửa đánh trống khua thùng thiết. Những ngọn đuốc lập loè trong đêm giống như ma trơi trong những tối trời mưa. Phía bên này thỉnh thoảng rót qua vài quả đại bác giữa đồng không mông quạnh. Cuộc chiến cứ nhì nhằng như thế, chẳng bên nào dám vượt qua sông.
Ngài thiếu tá quận trưởng vì thế phải đổi đi chỗ khác. Quận trưởng mới là một đại uý trẻ. Ngay ngày đầu nhậm chức ông đã một mình lái xe jeep xuống thẳng trận tuyến. Không cần cận vệ, chỉ mặc có mỗi áo giáp, ông cầm súng đi băng băng qua bên kia sông. Ông xem xét địa hình một hồi rồi quýêt định kéo quân qua đóng giữa đồng. Ông cho đặt mìn cờlaymo khắp nơi. Ông bảo giữa đồng cát trắng xoá này cọng sản có giỏi thì cứ mò vào. Chỉ cần bấm một phát là chết như rạ, chưa nói tới đại liên sẽ quét ngã như sung rụng.
Những ngày sau ông cho quân đi lùng sục các làng. Ông bảo cứ nằm yên thì trước sau gì cũng bị chúng làm thịt. Chi bằng ra tay trước. Nhưng suốt một ngày chỉ bắt được vài cụ già run rẩy mắt hấp him gần như bị mù. Ông đành bảo lính cho ăn rồi thả họ ra. Hôm sau, lính bắt được hai tên CS mặt non choẹt. Vừa định đem về quận thì bị một đám đàn bà con nít vây chặt. Đàn bà thì cố giựt súng, con nít thì cắn vào tay. Những tên lính ngơ ngác đành phi bắn chỉ thiên. Nghe súng nổ họ dạt ra một chút rồi lại sấn tới. Đang lùng nhùng như chơi trò giật cờ thì liên tiếp mấy quả đại bác rơi sau lưng họ. Cả bọn hoảng hốt xô nhau chạy.
Cái sự dũng cảm và cái máu ngang tàng của đại uý quận trưởng thế mà được việc. Cộng sản không còn dám rấn tới. Ranh giới giữa cộng sản và cộng hoà được đẩy dần xuống chân núi. Dân lại lũ lượt trở về. Những lá cờ ba sọc lại tung bay rực rỡ. Chính đại tá tỉnh trưởng xuống tận đồng cây Sanh để trao mề đai và gắn lon thiếu tá.
Cuộc đời binh nghiệp của ông tưởng đang lên như diều gặp gió, không ngờ lại đứt dây giữa chừng! Một hôm, trên đường về quận, vẫn một mình một xe với cây tiểu liên gác trong lòng, ông đã phải trả giá cho lòng dũng cảm thiếu cẩn thận của mình. Lúc xe qua gò Na, từ trong những bụi duối một thời là hang ổ của Năm Quầng, Sáu Quẳng, một trái B.40 vọt ra làm nổ tung chiếc xe định mệnh. Ông chết đi, những thôn làng vừa được tái chiếm đã ngã rạp theo như lúa ngã ngoài đồng. Bao nhiêu ấp trưởng, ấp phó lần lượt bỏ trụ sở. Đêm đêm cộng sản lại nổi lửa đốt hết ấp chiến lược này đến ấp chiến lược khác. Dân chạy loạn tới đâu cọng sản tràn theo tới đó.
Một đêm tháng ba nhưng còn buồn hơn cả đêm tháng mười. Lính đã rút đi không còn ai lảng vảng bên những cô gái chưa chồng. Ấp trưởng ấp phó và một vài anh dân quân tự vệ cũng theo chân họ hoăc là lên phố hoặc đến ngủ ở các làng gần quốc lộ. Những đứa bé đã được bà nội hay bà ngoại kéo vô nhà bắt phải đi ngủ sớm. Chỉ còn những chị vợ bộ đội chờ chồng trong mỏi mòn. Chó không sủa, gà không gáy. Giống như những đêm mà cán bộ bỏ làng đi tập kết. Trong cái yên lặng đến nguội lạnh ấy, ông Khứ và cô Thảnh đến thăm từng nhà. Họ chào hỏi ngọt ngào. Họ hỏi thăm trong bao nhiêu năm qua sống ra sao. Họ xin lỗi đã không giữ trọn lời hứa là trở về sau hai năm. Họ bảo vợ xa chồng, cha mẹ xa con, ông bà xa cháu là do đế quốc Mỹ. Nhiệm vụ của họ và của cả toàn dân lúc này rất nặng nề vì phải chiến đấu với kẻ thù hùng mạnh và nguy hiểm hơn. Nhưng họ bảo nhất định thắng. Nhất định phải đánh cho Mỹ cút đánh cho nguỵ nhào!
Sáng hôm sau cái tin ông Khứ về làng đã làm cho mọi người thấy như sắp sống lại cái thời chín năm. Lại đào hầm, lại vót chông, lại đi dân công tải đạn, lại biểu tình hoan hô đả đảo và nhất định là phải có khả năng ! Thế là cả nhà ông phó Ba thuê hẳn một chiếc xe chở tất cả đồ đoàng lên phố. Bà hàng vải sau khi bà phó Ba mất đã có thể đường hoàng giúp đỡ con cháu ông một cách nhiệt tình. Bà cho hẳn một cái nhà kho để các cháu ăn ngủ được thoải mái. Còn ông thì bà rất muốn cái miệng tiếu lâm ở bên cạnh để giúp bà đỡ buồn. Các ông hương kiểm, hương mục, chánh tuần, phó tuần cũng dọn sạch đồ lên phố chỉ chừa lại cái nhà không. Các ông vẫn chưa đi hẳn vì hãy còn đồng ruộng trâu bò. Nhà ông tổng Bá thì chính ông đã phải trả nợ máu bằng chính máu của mình rồi. Bà tổng sau cái chết oan nghiệt của chồng, giờ già sọm lú lẫn. Thằng Mậu, thằng Tài đã đi lính biệt kích. Chỉ còn cậu Khánh dở điên dở khùng, lúc nào cũng mang trên lưng mấy cái xương đầu chó mà tụi dân quân gặm xong quẳng đi. Thỉnh thoảng cậu lại bày ra giữa cầu, thắp nhang khấn vái rồi đọc văn tế do chính cậu làm.
Gần một nửa làng bỏ đi. Rất nhiều nhà bỏ không, ai muốn vào ở cũng được, nhưng cô Sáu vẫn cứ về lại cái chòi của mình. Cô bảo ở đó quen rồi, có sông nước bên cạnh làm việc gì cũng dễ. Bây giờ cô lại đi mót lúa, chẳng đầu cơ tích trử thứ gì nên cũng chẳng phải lo ông Khứ tịch thu. Khi thằng thủ ngữ Đực chết thì chỉ còn mỗi một mình tôi là nghèo trơ khất và vẫn bị gọi bằng thằng. Cái tên thằng Chó Đẻ chắc vẫn còn theo tôi cho đến tận già.
Khi ông Khứ và cô Thảnh về thăm làng thì cũng có nghĩa là các làng khác cán bộ đi tập kết đã trở về. Lực lượng cọng sản mạnh lên trông thấy. Họ thành lập MTGPMN, cờ của họ bây giờ là nửa xanh nửa đỏ. Họ lại đánh trống, khua chiêng, gõ thùng thiết. Các ấp chiến lược liên tục bị đốt cháy. Dân chạy loạn kéo nhau đi kìn kìn. Họ dồn đuổi quân cọng hoà chỉ còn giữ được các thị trấn và tình lỵ.
Một đêm sau khi ông Khứ và cô Thảnh về chừng mười ngày thì toàn bộ hàng rào chiến lược của làng An Định bị đốt cháy. Thực ra, cũng như các cây cọc phòng không, chỉ loè chơi trước các máy chụp hình và máy quay phim chứ giết được ai, giữ được cái gì. Đó là chưa kể sau khi ông Diệm bị giết, ấp chiến lược đổi thành ấp tân sinh thì cũng chẳng còn vị tướng nào thèm ngó đến nữa. Nắng mưa, cả trâu bò và con người làm cho nó xiêu vẹo nghiêng ngã, nhiều đoạn người ta lấy trộm gần hết. Nên cọng sản đốt là để biểu dương lực lượng chứ đâu phải đốt mới vào được. Chỉ tiếc bao nhiêu tiền của công sức mồ hôi chỉ để làm giàu cho thằng Hậu và cọng sản đốt coi chơi. Cây khô gặp lửa cháy còn nhanh hơn cả nhà ông tổng Bá bị Tây đốt. Lửa rùng rùng, hung dữ và tàn nhẫn như khi lửa tràn qua cánh đồng đang mùa lúa chín. Lửa khói trùm cả làng khiến nhiều người hốt hoảng chạy ra sông như những con chuột khi cháy nhà.
Đã đến lúc người ta đành bỏ rơi cái làng này. Từ trên cao máy bay phát lệnh di tản. Mọi người phải rời bỏ nhà cửa ruộng vườn trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Sau đó sẽ oanh kích tự do. Ai không đi coi như theo Việt cộng! Mọi người nhốn nháo thu dọn đồ đạc. Tiếng heo gà kêu, tiếng trẻ con khóc. Tiếng gọi cha gọi mẹ xao xác. Không làm sao nói hết được cảnh hỗn loạn của dân làng. Mà tội nghiệp thay, những người còn lại đều là những người nghèo. Tài sản của họ chỉ có cái xoong méo và mấy cái quần áo rách. Họ buồn bã rời làng, lếch thếch đi về phía cái quầng sáng của ánh đèn phố quận.
Trong cảnh nhốn nháo ấy cô Sáu tôi vẫn ra sông đãi mớ lúa vừa mót được. Cô bảo, ai chạy đâu thì chạy, tao cứ ở đây. Cộng sản cũng là người chứ có phải ma quỷ gì đâu mà sợ. Khi thấy tôi có ý muốn đi, cô bảo, ừ mày cũng nên chạy đi. Không chừng lên trên đó biết đâu mày lại tìm được mẹ. Nhưng tôi lòng dạ nào mà để cô ở lại một mình. Vả lại lên đó biết lấy gì mà sống. Trong khi ở đây lúa chín tràn bờ chưa ai gặt, cá lội đầy sông, rau cỏ đầy vườn. Cứ nghĩ tới đó thì dù ngày mai hay ngày mốt có oanh kích tự do cũng đâu có gì đáng sợ. Con sông đó, đồng ruộng kia, chỗ nào trốn núp mà không được.
Thế là cả làng chỉ có cô cháu tôi và cậu Khánh điên là ở lại. Khi thấy tôi, cậu nói : Ta là Tổng thống, mi là Thủ tướng. Này nữ công dân kia nghe ta ra lệnh: Hãy nấu cơm cho ta ăn! Dù không có lệnh, cô Sáu tôi vãn vui vẻ nhóm lửa nấu cơm. Tôi xuống sông bắt cá còn cậu thì ngồi trên cầu nói lảm nhảm như đang đọc thơ. Một lúc sau, cơm vừa chín tới, cá rô nướng thơm lừng, cô Sáu bày mâm bát ra giữa cầu lúc này không còn ai qua lại cho Tổng thống và Thủ tướng cùng ăn. Cô tôi ngồi hầu bên cạnh. Không phải cô tôi đùa, cũng không phải nghĩ mình quá nghèo nên không dám ngồi cùng mâm với cậu là con nhà giàu. Cô tôi hầu thực sự vì đối với cô, cậu Khánh, thầy Hiên, cụ cử Vân là những người cô quý trọng dù điên hay tỉnh. Những người có chữ trước hết là những người đạo đức, những người được sinh ra để dạy điều hay lẽ phải cho người khác. Và chuyện đỡ bát xới cơm, rẽ cái xương con cá cho cậu ăn đâu phải lúc nào cũng làm được. Cô tôi sẽ rất vui nếu ngày nào cũng được nấu cơm cho cậu ăn.
Nhưng đó là bữa cơm duy nhất mà người khách kỳ lạ cùng ăn với tôi trong đời. Ăn xong, cậu lịch sự cảm ơn nữ công dân, dặn thủ tướng phải chăm sóc cho bà rồi vác mấy cái xương đầu chó đi về phía cuối làng. Cô Sáu nói, cậu ấy giả bộ điên đó. Người khôn như thế mà điên à? Ngẫm nghĩ một lúc cô lại nói, mà cũng mong cho cậu điên thật. Cha mẹ bị hành hạ như thế không điên sao được! Sau đó ít lâu nghe nói cậu chết trôi, đúng cái bến sông cha cậu bị bắn.
Đêm hôm đó là một đêm rất dài. Dù không nói ra nhưng tôi và cô Sáu đều hồi hộp. Không biết hết hai mươi bốn giờ thì cuộc sống sẽ ra sao. Cảnh vật yên lặng đến rợn người. Những con chó con gà bị bỏ sót lại cũng im thin thít. Ai cũng bảo năm 2000 là tận thế. Chẳng biết đêm ấy có giống như đêm nay? Tôi có cảm tưởng mọi người đều chết hết, cả quốc gia và cọng sản, chỉ còn lại hai cô cháu tôi sót lại ở cái bến sông này. Đáng lẽ phải mừng vì được sống sót, tôi lại thấy kinh hoàng vì được sống. Dường như khi còn lại một mình, tôi phải gánh chịu cả bao nhiêu khổ đau bất hạnh của những người đã chết.
Hôm sau đúng 12 giờ là đủ hai mươi bốn tiếng. Cô tôi chẳng buồn nấu cơm và tôi cũng không thấy đói. Trời trong xanh không một chiếc máy bay. Cũng không có tiếng đại bác xé gió mà đi nghe chíu chíu. Chẳng có vẻ gì là một cuộc oanh tạc hay pháo kích sắp xảy ra. Trọn cả một buổi chiếu chúng tôi sống bình yên như những cây cau cây chuối, như đồng lúa chín đang gục đầu chờ người gặt. Bỗng dưng tất cả trở nên thanh bình êm ả. Không cộng sản, không quốc gia, chỉ có đất trời, cây cỏ, đồng lúa và những con người tầm thường như chúng tôi. Cuộc đời như thế dản dị quá, đáng sống quá!
Những ngày hôm sau vẫn bình yên. Chỉ có lúa mỏi mòn chờ người gặt. Cô tôi cứ đi mãi giữa ruộng đồng. Mùi thơm của lúa như rủ rê mời mọc cô. Những gié lúa níu lấy chân cô. Lúa đòi được đem về nhà. Nhưng một mình cô làm sao gặt hết bao nhiêu ruộng. Với một người cả đời đi nhặt từng hạt thóc như cô, thì cái cảnh cả một đồng lúa chín rục không người gặt làm cho cô hết sức đau lòng.
Một buổi sáng, sau khi tìm được một cây liềm tốt cô tôi liền đi gặt một mình. Cô bảo được bao nhiêu cũng được, chẳng lẽ bỏ cả cho lên mạ. Với lại cô cũng muốn kiếm rạ đánh một ít tranh để lợp lại cái chòi đã quá dột. Tôi lóng ngóng vì chưa được gặt bao giờ. Cô bảo đợi cô gặt xong sẽ vác giúp cô đem về chòi. Trong khi chờ đợi, tôi đi bắt cá ở một con mương cạn nước gần đó. Cá không ai bắt nên rât nhiều. Tôi bắt mê mãi. Cô gặt cũng mê mãi. Có lẽ trong bao nhiêu năm chưa bao giờ chúng tôi thấy hạnh phúc như lúc này.
Đúng lúc ấy một chiếc máy bay trực thăng bay tới, cái cánh quạt to lớn của nó quay tít ở trên trời. Tiếng kêu to và chậm của nó chỉ làm cho người ta khó chịu chứ không làm người ta sợ. Tôi ngửa mặt lên nhìn định đưa tay ra vẫy, nhưng một đường sáng vừa đỏ như lửa mà cũng vừa trắng như bạc phóng thẳng xuống cánh đồng. Trong tiếng nổ phành phạch, tôi chỉ nghe một tiếng rẹt rẹt như muối nổ trong nồi rang. Không hiểu là cái gì nhưng tôi cũng vội vàng ngã nhào xuông bùn. Thế rồi nó bay đi, tiếng phành phạch nhỏ dần.
Tôi lên tiếng gọi cô để khoe mớ cá vừa bắt được. Nhưng tôi chẳng nghe tiêng cô ừ hử và cũng chẳng thấy bóng dáng cô đâu. Chẳng lẽ máy bay trực thăng như chim đại bàng đã tha cô đi mất. Tôi tìm đến chỗ cô gặt. Cô nằm co quắp trên ruộng lúa như đang ngủ. Tôi lay cô dậy. Một giòng máu ứa ra từ trên ngực. Thôi thế là hết rồi, cô tôi đã chết!
Tôi nhớ lúc đó tôi không khóc. Tôi chỉ ngồi ôm cô trong lòng. Tôi vuốt mái tóc đã chớm bạc của cô, vuốt đôi mắt mờ đục có một con mắt chột. Tôi cũng vuốt lại quần áo cô. Lúc này tôi mới thấy những miếng vá, những chỗ sắp bục ra. Dường như suốt bao nhiêu năm tôi chưa thấy cô mặc quần áo mới bao giờ. Một lúc sau nước mắt tôi mới lặng lẽ rơi trên áo cô. Tôi khóc không thành tiếng. Rồi khóc nức nở và sau cùng tôi gào lên giữa cánh đồng: Mẹ ơi !
Tôi gọi Mẹ ơi là phải thôi vì còn ai trên đời này thương tôi như cô. Tôi gọi Mẹ ơi vì đó là tiếng kêu đã nén trong lồng ngực tôi suốt bao nhiêu năm. Tôi cõng xác cô về lều. Suốt ngày và suốt đêm hôm đó tôi ngồi bên cạnh cô. Bắt chước người trong xóm khi có người chết, tôi cũng nấu cơm, luộc trứng (may mà có một cái trứng) rồi vắt để trên đầu cô.
Sáng hôm sau tôi chọn một mô đất cao ở bên cầu để đào huyệt. Tôi đào mãi đên chiều mới xong. Không có hòm, tôi phải dùng rơm và lá cây để lót cho cô nằm. Thật khổ tâm khi phải xúc đất đổ thẳng trên mình cô. Đất rơi lộp bộp làm cho tim tôi đau nhói. Trước đó, tôi đã muốn cạy đại môt vài cánh cửa trong những căn nhà bỏ hoang, để che chắn cho cô. Nhưng nghĩ tới tính cô không tham của ai, tôi không dám. Không chừng cô đội mồ lên để mắng cho tôi một trận.
Tôi ở lại đốt lửa đủ ba hôm rồi lạy cô ba lạy rời khỏi làng. Đến bây giờ tôi mới hiểu được thế nào là vành đai trắng. Dọc đường đi, các thôn làng nằm thiêm thiếp không một bóng người. Một vài con chó đói, vài con gà hốt hoảng chui vào bụi khi trông thấy tôi. Đây là nơi đất chết, muốn trút bao nhiêu bom bao nhiêu đạn cũng được. Cứ thấy có cái gì động đậy là bắn. Cô Sáu tôi đã là nạn nhân đầu tiên của vùng đất khốn khổ này!
Đến cái trạm gác đầu tiên ở gần đường quốc lộ, tôi nghe lính ra lệnh dừng lại, đưa tay lên. Tôi răm rắp làm theo. Bọn họ trói thúc tôi rồi giải lên quận. Nếu không có ông ấp trưởng Ba lúc đó đang chờ nhận gạo phát cho dân đứng ra bảo lãnh thì tôi đã bị nhốt vào trại giam. Sẵn đó ông bảo tôi làm giùm sổ sách. Ít lâu sau ông muốn đưa tôi lên làm ấp phó, nhưng tôi chẳng dại gì mà nhận cái bản án tử hình đang chờ sẵn.
Dân di tản của làng An Định và các làng khác tấp vào hai bên đường quốc lộ như rác rưởi dạt vào bờ trong mùa nước lụt. Họ xúm xít chen chúc nhau trong những mái lều làm bằng thùng đồ hộp, mỏi mệt, lờ khờ như những con dế bị trẻ con ngắt mất râu. Các ông hương, ông lý, chánh phó tuần gặp nhau chỉ còn biết giương cặp mắt mất ngủ ra mà nhìn. Chẳng ai buồn chào hỏi như những khi gặp nhau ở đình làng. Cái thời các ông khăn áo chỉnh tề ngồi vuốt râu ở chiếu trên đã xa hun hút. Trông cái cảnh các ông chìa cái bị ra đựng gạo mới tội nghiệp làm sao. Cứ như những người ăn xin! Quận phát cho mỗi nhà mười tấm tôn, nhưng cây gỗ không có nên cũng chẳng biết đến khi nào mới dựng nổi một cái nhà. Các chị vợ lính vì chưa có địa chỉ nên chẳng nhận được thư chồng. Với đứa con quặt quẹo trên tay, các chị đã chẳng làm được gì. Có bao nhiêu tiền đều đổ hết vào tiền thuốc.
Trong khi đó dân ở phố nhiều người giàu lên bất ngờ. Gạo mắm, chén bát, thau chậu, những vật dụng tối thiểu của cả ngàn người. Muốn bán giá nào chẳng được. Những đồng bạc hiếm hoi của dân di tản rơi dần vào túi họ. Biết kêu ai, trách ai!
Tôi không mẹ không cha, không vợ không con, lúc này lại đỡ khổ. Những đứa khác nếu không cõng mẹ cõng cha đi nhà thương thì cũng nhếch nhác với vợ đau con ốm. Trông đứa nào cũng già khú, ốm tong ốm teo. Nhiều đứa trốn quanh trốn quất ở làng, giờ dạt lên phố, chịu không nổi cái cảnh đêm đêm bị ruồng bắt cũng đành đi lính xây dựng nông thôn hay nghĩa quân. Chưa khi nào, từ lúc lập làng cho đến giờ, dân An Định lại phiêu dạt tứ tán như lúc này.

Hoà bình! Thống nhất! Ai chẳng muốn. Nhưng cái cuộc chiến dai nhách như kẹo cao su này thì biết đến bao giờ!
(còn tiếp)

Khuất Đẩu