(xem Chương 4, 5, 6)
(xem Chương 7, 8, 9)
(xem Chương 10, 11, 12)
13.
Đâu phải chiến tranh chỉ đem đến đói
nghèo chết chóc. Chiến tranh còn đem đến cơ hội làm giàu cho một số người. Cơ
hội thì đầy ra đấy nhưng đã dễ mấy ai biết nắm lấy. Chỉ có một ít người mà ngay
cả cha sinh mẹ đẻ cũng không ngờ. Thằng Hậu chó, đúng là một thằng giỏi nắm bắt
thời cơ như thế.
Ngay từ lúc mà mọi người chỉ mong
được ăn cơm trắng không độn, được mặc một cái áo không hở trước hở sau là đã
thấy sướng lắm rồi, thì nó đã biết phải làm gì để được ăn ngon hơn, mặc đẹp
hơn. Cái việc buôn chó của nó chắc gì những người học giỏi tài cao mà nằm nghĩ
ra được. Chỉ cần thấy ông hương kiểm sẵn sàng bỏ ra 300 ký lúa và một cặp gà để
đổi lấy hai con chó nhỏ là nó dã hiểu ra rằng, cái việc làm giàu đâu có khó. Ai
cũng biết chỉ có đi buôn mới giàu nhưng buôn chó mà làm giàu thì chỉ có nó mới
nghĩ ra. Rồi khi mọi người muốn phát điên lên vì phải kiếm cây rào ấp chiến
lược, thì nó đã chẳng ngại gì mà không đi phá rừng để đem cây về bán. Cái vố đó
nó thu vào bằng mấy đời ky cóp của nhà ông tổng Bá. Thay vì tậu ruộng, xây nhà,
vênh vang lên mặt với người trong làng bằng cách vung tiền ra mua chức nọ chức
kia, nó lại đem tiền mua một lúc mấy căn phố ở Quy Nhơn. Thế rồi, trong khi ông
tổng Bá bị bắn, ông hương kiểm và nhiều người giàu có khác cơ nghiệp tan tành
chỉ ngồi mà khóc than, thì nó sắm ô tô, học nói tiếng Anh bập bõm để đi thầu
rác Mỹ. Gọi là rác nhưng trong đó bao nhiêu là cam táo, là sắt thép chì đồng.
Khi Mỹ đổ bộ lên Quy Nhơn quá nhiều và mấy lần Việt cộng chặn xe bắt nộp tiền
chuộc mạng thì nó đếch có dại gì chạy xe vào chỗ chết. Nó bắt nhân tình nhân
ngãi với một con điếm già ở Sài Gòn đứng ra mở bar bán rượu cho lính Mỹ. Giờ nó
chỉ có mỗi một việc là ngồi uống uýtki pha coca thu tiền.
Làng An Định bị đốt, nó chỉ mất có
mỗi cái nhà trước kia là trại nuôi chó. Chẳng việc gì nó phải tiếc thương như
các ông già lẩm cẩm. Tuy vậy, nó cũng không phải là đứa quên gốc gác bản làng.
Khi biết tin dân làng phải bỏ cả nhà cửa ruộng vườn trôi dạt lên phố quận, nó
đã mua đến mấy xe gạo, cả chăn chiếu mùng màn lên phát cho dân. Nó chơi ngon
còn hơn cả chính quyền. Gặp tôi nó rất mừng, tháo ngay chiếc đồng hồ đang đeo
trên tay cho tôi. Nó bảo: được lắm, mày cứ tạm giúp việc cho bác trưởng ấp rồi
tao sẽ có việc cho mày. Mà việc ngon ăn lắm nghe. Nó nháy mắt rồi đi không quên
để lại bao thuốc Salem cho tôi.
Thế đấy, ai chửi Mỹ thì mặc ai, với
nó có Mỹ là có tiền. Nó hơn tôi có vài tuổi nhưng lọc lõi khôn ngoan còn hơn cả
bố tôi. Chẳng học hành gì nhiều mà sau mười năm, nó đã xa cách tôi một trời một
vực. Nhiều người bảo nó gặp thời và chỉ giỏi bợ đít Mỹ. Nhưng một hôm chính nó
đem lên một thằng bác sĩ Mỹ để khám bệnh cho cả làng. Nó còn bảo thằng Mỹ đưa
các ông cụ đang khổ sở vì bệnh thấp khớp hay bệnh tim bệnh gan gì đó vào tận
nhà thương Mỹ để điều trị. Một tuần sau nó đưa các ông cụ về. Cụ nào cũng đi
đứng vững chải cứ như chưa hề biết đến bệnh tật là gì.
Khi việc phát tôn gạo xong, nó nói
với ông ấp trưởng đem tôi xuống Quy Nhơn. Nó cho ông ấy một cây thuốc, một chai
uýtki và không quên nói nhỏ vào tai ông khi nào khoẻ nó sẽ đưa ông xuống bar nó
uống rượu. Lần đầu tiên được ngồi trên xe Huê kỳ chạy vù vù tôi thấy mình bỗng
dưng khác lạ. Cứ như được thay hình đổi dạng trong chớp mắt. Những căn lều xập
xệ của dân di tản cứ lùi xa rồi mất hút. Những tháng năm khổ cực của tôi cũng
đang trôi theo. Tôi nhẹ người khi thoát khỏi cái cảnh ngày nào cũng thấy bao
nhiêu người sống trong sợ hãi tuyệt vọng. Tôi hỏi nó: Mày đem tao xuống để làm
việc gì? Nó cười: Còn làm việc gì nữa! Tao nói thật mày đừng giận nghe. Không
biết có phải vì mày bú sữa chó hay sao mà tao thấy mày rất thật thà. Phải nói
là rất trung thành. Mày sẽ giúp tao giữ tiệm, chỉ có vậy thôi! Nghe nó nói tôi
cảm thấy thật là buồn. Nhưng cái thân phận của tôi đã buộc chặt vào với loài chó
thì còn biết nói gì hơn!
Cái bar của nó nằm giữa một con phố
chính. Mặt trước trang trí như một cái cửa động. Nghĩa là không vuông vức mà
nhiều góc cạnh lồi lõm. Bên trong, trần nhà biến thành vòm động với những miếng
cạt tông làm cho méo mó đi để giả đá. Dấu kín trong các hốc là những ngọn đèn
mờ xanh đỏ. Nó bảo tụi Mỹ thích cái vẻ âm u như vậy. Theo lời nó thì cái bar
Lucky là đẹp nhất thành phố. Phải mời kỹ sư và hoạ sĩ ở tận Sài Gòn ra làm cả
tháng mới xong.
Khi tôi bước vào thì bar chưa có
khách. Một vài cô ả mắt xanh môi đỏ như các hình nhân của ông phó Ba đang ngồi
dũa móng chân. Mụ nhân ngãi của nó già đến nỗi tưởng chừng hai người là mẹ con.
Sau này tôi biết được mụ đã từng là chủ chứa ở Bà Hom bà Quẹo gì đó. Mụ đã khoe
với đàn em rằng, có lần thiếu gái, chính mụ đã tiếp cả một trung đội lính lê
dương. Trước mặt mọi người mụ vẫn má má, con con với thằng Hậu, nhưng khi trong
bar chỉ có hai người thì mụ vít cổ nó xuống hôn lấy hôn để. Thằng tình nhân bất
đắt dĩ phải cố hết sức bình sinh mới thoát khỏi hai cánh tay núc ních của mụ.
Khi tôi hỏi kiếm đâu ra con mụ quỷ quái như thế thì nó bảo, làm cái nghề này mà
không có mấy con mụ đó thì mấy ả ranh kia ai trị cho nổi.
Lúc đầu mụ nhân ngãi và mấy ả cave
chẳng ai thèm ngó ngàng gì đến tôi. Khi thì thêm nước đá, khi thêm rượu, khi
thêm một cái Sài Gòn tea, tôi lẩn quẩn trong bar như một anh bồi già. Chỉ đến
khi thằng Hậu bảo tôi là em họ chưa vợ thì mụ điếm già kia mới chu miệng liếc
xéo tôi và các ả thì kêu anh Ba, anh Ba dễ thương quá hén.
Suốt ngày mụ con con má má ngọt xớt
với mấy ả. Mụ khen ả này sửa cái mũi quá đẹp, ả kia bơm ngực coi đã con mắt
quá. Mụ chê ả nọ quá kẹo không chịu mua váy mới. Mụ ôm hôn các ả bảo ráng đi
con, bữa nay đầu tháng ráng moi cho được nhiều đô. Nhưng các con chớ dại đổi
hết tiền của má. Má mà biết được thì các con sống không nổi với má đâu. Còn các
ả thì bá vai choàng cổ rồi sà vào lòng mấy thằng Mỹ mặt non choẹt hay già khú
kêu ‘ai lấp diu “. Có đến hơn hai chục ả làm cái nghề chẳng tốn một giọt mồ hôi
nào. Ả nào cũng đẹp, cũng xếch xy. Tụi Mỹ cao to ôm các ả vào lòng như ta ôm
một con chó Nhựt hay một con mèo.
Tụi Mỹ, nếu dưới cái nhìn của các
ông già ở làng An Định thì trên đời này không có ai ngu bằng. Ai đời một ly trà
nguội ngắt mà phải trả đến 70 đồng, tức là cả chục giạ lúa. Mà đâu phải một hai
ly gì cho cam. Những ngày đầu tháng có đứa trả đến mấy trăm ly. Thực ra ly trà
vàng vàng giống màu rượu uýt ky pha coca, gọi là Sài Gòn tea, thằng Mỹ biết là
láo quá đi chứ nhưng nó vẫn vui vẻ trả tiền vì nếu không thì chẳng có ả nào
chịu ngồi với nó. Và muốn được ngồi lâu, được kề môi áp má thì phải chi từ vài
chục đến cả trăm tích kê. Đôi khi gặp ả có bùa ngải là có bao nhiêu đô trong
túi đều móc ra hết. Ly trà nhạt thếch lúc ấy lên đến cả ngàn đô. Bảo sao các ả
không chịu làm nghề gì khác ngoài nghề bán bar và chủ ăn chia đến những bốn
phần bảo sao thằng Hậu không giàu!
Nhưng bar không phải là nhà thổ và
tụi Mỹ đến đây cũng không như đến nhà thổ. Chúng đến bar để được nói dù các ả
không hiểu hay hiểu rất ít, để được khóc vì nhớ mẹ, nhớ cha, để được vuốt ve
đôi chút vì nhớ vợ con hay nhớ người yêu. Mặc dù trong bar nhạc lúc nào cũng
xập xình và ca sĩ thường kêu dé dé như bị ai bóp cổ, nhưng rất ít khi tụi Mỹ hò
hét nhảy nhót. Nếu có đứa nào say sưa đập phá là tụi MP tóm về trại ngay. Bọn
chúng sợ MP còn hơn dân mình sợ cảnh sát.
Sau những ngày lội sình, những cuộc
hành quân, hay những trận càn bị phục kích đứa nào sống sót trở về mà không rúc
vào bar. Những lúc ấy trông chúng thật tội nghiệp. Chúng để mặc cho các ả xoa
đầu xoa cổ, bẹo tai bẹo mũi. Chúng gục đầu vào lòng các ả khóc rấm rứt như một
đứa trẻ lên năm. Đối với chúng giờ đây, một nơi cách xa đến nửa vòng trái đất,
các ả là quê nhà, là mẹ, là vợ, là người yêu! Và lúc đó mụ nhân ngãi già của
thằng Hậu cũng bước ra khỏi quầy kẹp một gã sồn sồn nào đó mà dỗ dành. Cái tài
nựng nịu của mụ thì khỏi phải chê. Mụ kéo cái đầu hói của gã áp sát vào hai cái
bầu ngực khổng lồ của mụ, xoè hai cánh tay to bệu ra ôm gã như muốn nâng lên,
rồi mụ đưa năm móng tay chuốt nhọn ra cào trên lưng trên cổ, thỉnh thoảng ngửa
mặt gã ra hun đánh chụt một cái. Như thế, thằng Mỹ to như con bò mộng làm gì mà
chẳng mê tơi. Nó cứ tưởng là đang ở trong vòng tay của vợ mình. Cũng không hẳn
chỉ có những gã già nua cục mịch là mê mẩn mụ. Khi các ả đã có đủ cặp thì một
thằng mặt búng ra sữa không tìm được ai cũng sẵn sàng để mụ ôm vào lòng và
tưởng mụ là người tình bé bỏng ở quê nhà.
Các ả cùng làm một nghề mà cả nước
ai cũng chê, cùng ăn uống ngủ nghê với nhau, lẽ ra phải thương nhau như chị em,
nhưng thực ra là châm chọc và tranh giành nhau một cách ngấm ngầm. Đương nhiên
làm nghề này là phải đẹp. Nhưng đẹp vẫn chưa đủ. Phải biết cách moi tiền, phải
làm cho thằng Mỹ trút hết cả ví mà vẫn vui vẻ. Cái bí quyết ấy các ả đều biết
là nhờ ngải. Có ngải dù xấu cũng thành đẹp. Ngải làm cho thằng Mỹ đút tiền vào
ngực của ả mà như gửi tiền vào nhà băng để lấy lãi. Ngải tinh tường ở chỗ là
biết rõ đứa nào có nhiều tiền. Một bọn ba bốn đứa cùng vào bar, cả đám cùng ùa
đến níu kéo, nếu ả nào có ngải linh thì chọn được một thằng nhiều tiền nhất,
sẵn sàng xé cả chục cái tích kê một lần. Còn ả nào không có hay ngải hết linh
thì dù có đẹp như hoa hậu, xếch xy như nữ tài tử xi nê cũng chẳng có đứa nào
chịu xé cho cái tích kê nào, có khi nó uống quịt phải bỏ tiền túi ra đền, nếu
không con mụ chửi như tát nước vào mặt
Xem ra các ả cũng chẳng sung sướng
gì mấy. Ngoài tiền chuộc ngải, tiền kiếm bùa Miên, các ả còn phải nuôi cha mẹ,
anh em chạy loạn, phải nuôi chồng hờ là bọn macô. Ít lâu sau hết thời đành kiếm
một thằng Mỹ già nào đó làm chồng. Khi về nước nó lại sang tay cho đứa khác.
Các chủ bar thì chỉ muốn cái con bò
sữa là lính Mỹ ấy là của riêng mình. Bọn họ chơi nhau đủ kiểu. Mà cái đòn phép
tàn độc nhất là yểm bùa. Một buổi sáng, thằng Hậu và con mụ cho bồi lục tung
hết cả bàn ghế, cứ tưởng là tìm cờ xí truyền đơn của Việt cọng. Hai đứa xem xét
từng cây đinh đóng vào ghế, từng mảnh giấy nhỏ, từng cái bóng đèn con. Một hồi
chúng tìm được một mảnh giấy vẽ ngoằn ngoèo những hình vẽ trông như những con
trùn đỏ, những mũi tên dấu dưới bàn thờ ông địa. Đúng là bị yểm bùa rồi! Hèn
nào đang nườm nượp khách bỗng trở nên vắng hẳn, trong khi các bar bên cạnh Mỹ
đen Mỹ trắng cứ kìn kìn chui vào. Mụ nắm chặt mảnh giấy nghiến răng thề sẽ trù
yếm lại cho tàn mạt, cho lụn bại phải cuốn xéo đi.
Mụ đe nẹt các ả, đòi kêu lính bắt
hết bọn bồi. Mụ rít lên: con nào, thằng nào đem bùa bỏ vào nhà tao, nói mau? đồ
bạc ác, ăn cây nào rào cây nấy chớ. Sao tiền Mẽo tiền đô biết kiếm ở đây mà
nghe lời của bọn rắn độc yểm bùa để cùng chết đói nhăn răng ra à? Những cuộc
chiến khi dữ dội, khi ngấm ngầm làm cho các bar thù nhau như quốc gia thù cộng
sản!
Bên cạnh bar Lucky có một căn phố
dành riêng cho các ả. Tại đây, các ả ngủ nghê tắm táp… các ả làm đủ trò nhưng
không được dắt Mỹ về. Ả nào muốn đi đêm thì cứ việc tới khách sạn. Thường thì
cửa đóng suốt. Các ả ngủ đến tận trưa, khi bọn đầu bếp đem cơm đến mới chịu mở
cửa. Gần như suốt cả buổi chiều các ả đến tiệm làm tóc để thợ chải cho tóc dựng
lên, phun keo cho bết lại, rồi mang cả cái đầu cao vồng như nồi cơm điện đi tới
bar.
Có lần thằng Hậu bảo tôi qua đó lôi
mấy ả dậy để khai báo gì đó với cảnh sát. Một cảnh tượng chẳng đẹp chút nào so
với vẻ kênh kiệu như một bà hoàng khi các ả đến bar. Quần áo chăn màn, đồ lót
vứt tứ tung. Các ả gần như trần truồng nằm ngủ mê mệt. Trắng lôm lốp cứ như mấy
con heo cạo lông chờ mổ bụng. Các ả không thèm mắc cỡ khi thấy tôi, cứ nằm ườn
ra đó nói dấm dẳn: Về đi, muốn khai gì qua đây khai. Có tí tẹo chứ nhiều nhỡi
gì mà bắt khai hoài. Cả bọn cùng cười hăng hắc.
Nhưng một lúc sau các ả ăn mặc tươm
tất, ké né đi qua như những gái nhà lành. Một điều dạ hai điều thưa cứ như nói
với bố chồng. Ai cững biết rõ là các ả sợ cái mũ Việt cộng chụp lên đầu! Việt
cộng thì không chịu làm cái nghề này nhưng rất biết lợi dụng các ả. Khi thì một
lá cờ xanh đỏ, khi thì trái lựu đạn, nếu không bị nổ tung thì bar cũng bị đóng
cửa, chủ bị bắt, thế là cơ nghiệp tan tành. Cho nên tuy tiền vào như nước nhưng
thằng Hậu lúc nào như cũng đang ngồi trên thùng thuốc nổ. Phải nhờ đến an ninh
quân đội, cảnh sát chìm mới đủ sức thanh lọc được Việt cộng trà trộn.
Người làng An Định nghe thằng Hậu
làm chủ bar cứ tưởng nó ngủ ả này đến hết ả khác, không thua gì hoàng đế Bảo
Đại. Nhưng nó bảo chuyện làm ăn mà bậy bạ như thế thì có nước dẹp tiệm. Ngoài
mụ điếm già đôi lúc nhớ lại thời oanh liệt chọc phá nó chút đỉnh cho đỡ buồn,
bọn cave chẳng đứa nào dám giỡn mặt. Cũng chẳng có đứa nào dám âm mưu giựt nó
làm chồng. Có mà đi đời nhà ma với con mụ ấy. Nhưng với tôi thì nhiều ả sấn
tới. Các ả thích cái vẻ nhà quê khờ khạo, thà cặp bồ với tôi còn hơn mấy gã ma
cô lúc nào cũng vòi tiền, không có nó đánh cho sưng mặt.
Thế rồi thằng Hậu nói sao đó mà cả
tiệm coi tôi như của lạ. Mụ điếm già cứ liếc xéo về phía tôi cười tủm tỉm. Các
ả cũng ý tứ nheo mắt hùa theo. Làm như cái mũi của tôi bỗng dưng dài ra!
Mụ nhân ngãi của thằng Hậu một hôm
đến sớm. Lúc ấy khoảng 8 giờ. Tôi vừa ăn sáng xong chưa kịp dọn dẹp. Mụ đi lên
đi xuống như đang tìm bùa yểm. Buổi sáng chưa mở máy lạnh nên không khí trong
bar rất nóng. Mụ đi vào nhà tắm mở nước nghe rào rào. Tôi đang loay hoay với
mấy cái chén dĩa thì nghe mụ gọi: “Được ơi! Tìm cho má cái khăn!” tôi hỏi khăn
nào thì mụ nói khăn nào cũng được. Tôi đem một cái khăn Mỹ đang treo trên dây
cho mụ. Mụ hé cửa chìa tay ra. Nhưng thay vì cầm lấy khăn thì mụ chụp lấy cổ
tay tôi lôi vào. Như một con mãng xà kéo con mồi vào hang.
Tôi chưa kịp chống đỡ thì mụ đã vật
tôi nằm xuống sàn gạch. Hai cái vú to bè như hai cái bao cát chống đạn đè xuống
ngực tôi. Cái màu trắng lôm lốp như tôi thấy hôm nào, giờ lại trắng hơn nhưng
bềnh bệch cùng với mùi nước hoa gắt gắt chua chua làm cho tôi vừa ngộp thở vừa
buồn nôn. Với tất cả đòn phép lão luyện trong nghề mụ đã làm được cái điều mụ
muốn làm. Như cái lần bị bắt lên quận, nỗi sợ hãi đã làm cho tôi phọt ra nhanh
chóng khiến mụ chưng hửng. Mụ đẩy tôi qua một bên cầm vòi nước xả tồ tồ. Trước
khi ra ngoài, mụ nói: “Lần đầu hả? Mới bóc tem hèn gì! Thôi để bữa khác má đền
cho!”
Trời ạ! Nghe “má đền cho! “ tôi sợ
còn hơn bị bắt lại vào tù. Cái cảm giác như bị mộc đè khiến tôi kinh hoàng,
chắc cũng giống các cô gái bị Tây hãm hiếp. Từ đó, tôi thấy những ngày trong
bar sao mà nhớp nhơ hạ tiện. Dù sao tôi cũng là một thằng đàn ông, chẳng lẽ cứ
để một mụ điếm già kẹp vào nách! Tôi không nói những điều suy nghĩ của tôi cho
thằng Hậu. Tôi chỉ nói, tao không ghét gì mầy nhưng tao muốn đi khỏi nơi đây.
Nó cười bảo: Trông cái mặt hí hửng của con mụ là tao biết đã có gì rồi. Con
trai mà sợ gì. Nhưng mày không muốn ở nữa thì cũng được. Có điều, tuổi của mày
là tuổi quân dịch. Mày đi đâu mà không bị tóm. Bây giờ thiếu cân thiếu ký, đuôi
què mẻ sứt gì cũng tóm hết. Thà đăng lình. Để tao coi. Rồi sẽ tìm một chỗ lẩn
quẩn đâu đây. Bây giờ mà ra chiến trường là toi mạng!
Một tuần sau, nó đem một thằng Mỹ
đến gặp tôi. Nó nói xì xồ vừa bằng miệng vừa bằng tay. Thăng Mỹ kêu Dét, Dét !
rồi vỗ vai tôi nói Ô kê ! Thằng Mỹ đi rồi, nó nói với tôi: Mày sẽ làm lính chó,
tức là quân khuyển. Mà quân khuyển của Mỹ nghe. Nó ô kê rồi. Thứ hai đây trình
diện.
Tôi cũng ô kê. Làm lính chó cũng
được, đâu có sao! Chó với tôi từ lâu đã là bè bạn mà!
14.
Trại biệt kích Mỹ nằm sát biển. Bốn
bề từng từng dây kẽm gai. Bốn cái tháp canh ban đêm có đèn pha tự động quay bốn
hướng. Mỹ không xây lô cốt bằng bê tông kiên cố như Pháp. Nó dùng bao đựng cát
làm tường. Đạn bắn bao nhiêu cứ việc găm vào. Đánh giặc như Mỹ thật là sang. Từ
tôn ván, từ búa kiềm, từ thùng đựng nước đá cho đến cả tăm xỉa răng, giấy chùi
đít cũng đem qua từ Mỹ. Tại Việt Nam nó chỉ mua có mỗi đá cây để xếp trong lô
cốt cho đỡ nóng. Và đương nhiên là cần những ả bán bar, không có các ả chắc là
chúng đã đòi về hết.
Tuy là trại biệt kích Mỹ nhưng lính
Mỹ ít hơn Việt. Mà Việt chính gốc cũng ít hơn Nùng. Sậm đen, to cao, cỡ như bọn
tôi chúng vật như nhái. Biệt đội quân khuyển chừng hai chục người và mười con
chó. Đây là những con chó đặc chủng. Có tên chó cha, chó mẹ, có ngày sinh tháng
đẻ, có tên trường lớp và tên thầy. Rồi ngày chó vào lính, đơn vị, chiến công,
quân hàm. Có con mang lon đại uý.
Tôi không phải như mấy đứa trong
làng đi lính cọng hoà. Khỏi phải tập dậm ghẹ, tập chạy tập bò. Chỉ tập tháo ráp
và tập bắn. Nhưng chúng tôi cực hơn vì phải chịu trận với chó. Đây là những
ngày mà nhiều đứa phải bỏ cuộc vì bị tra tấn bỡi những hàm răng sắc nhọn, những
cái táp như hàm cá mập, những cú lao vào như cả một khúc gỗ từ trên dốc lao
xuống.
Để tránh thương tích, chúng tôi được
trang bị nào găng da, nào áo giáp. Hai tay và chân được nịt chặt như những đòn
bánh tét. Và với thân mình được gói kín như thế, bài tập đầu tiên là giả làm
Việt cộng để cho những con chó cao to và hung hãn như những con sư tử táp vào
tay, đớp vào chân, tộng vào ngực. Khi bọn tôi ngã nhào xuống đất, chúng lập tức
cắn vào quần áo lôi đi. Cái hay là chúng không cắn vào cổ, nếu không chúng tôi
đã tiêu ma từ lâu rồi. Sau những bài tập như thế, chúng tôi ê ẩm cả người. Đứa
nào cũng nằm vật ra thở dốc. Chẳng đứa nào đứng dậy nổi để mang khay đi nhận
phần ăn.
Bài tập thứ hai đỡ hơn. Không phải
giả VC cho nó cắn mà tập cầm dây da chạy theo nó để tìm V.C. Sức nó chạy như
ngựa, chạy theo không kịp nó lôi ngã như voi kéo gỗ. Sau buổi tập, mặt mũi chân
tay đứa nào cũng trầy trụa đầy đất cát. Có đứa ngã gãy răng.
Sau cùng là học chăm sóc. Thực ra là
học hầu hạ nó! Học tắm táp, học chải lông. Học lo cho nó ngủ, học dẫn đi chơi,
ngay cả cách dẫn nó đi ỉa cũng phải học. Nhưng bài học quan trọng nhất là phải
học cách bảo vệ nó khi Việt cộng liều mạng tấn công như ném lựu đạn hay ôm cả
mìn lao vào.
Có lẽ nhờ cái dòng sữa chó đã chảy
sẵn trong tôi, nên dù với chó Tây tôi cũng không sợ vãi đái ra. Tôi thấy thích
những con chó Tây hơn chó ta vì nó đẹp, thông minh và rất có kỷ luật. Mặc dù
tôi rất nhỏ con và không biết tiếng Mỹ, tôi cũng làm quen được với nó khá dễ
dàng. Có lẽ tại tôi yêu nó nên nó cũng yêu lại tôi. Một khi đã thân quen, tôi
và nó rất hiểu ý nhau. Tôi thường nhìn vào mắt nó và nó cũng nhìn sững vào mắt
tôi. Nếu tôi khẽ liếc về bên phải là nó chạy ngay về bên phải, liếc trái là
chạy về trái. Nếu nó làm gì quá quắt, tôi chỉ cần lắc đầu là nó xìtốp ngay.
Bọn Mỹ không ngờ tôi làm chủ bọn chó
nhanh như vậy. Sau khi đã tếch qua tếch lại nhiều lần, bọn chúng khen tôi là
năm bờ oan và giao cho tôi chăm sóc con Giêm. Đó là một con chó Đức thuần chủng
từ bao nhiêu đời. Trong huyết quản không có một tí tẹo nào chó Anh hay chó
Pháp. Con Giêm cao to như một con bò nghé, nhưng nó mạnh mẽ và săn chắc hơn.
Cái ngực của nó như đá tảng, bốn chân thuôn đẹp như chân hươu. Nói đến chiến
công của nó thì cũng phải hết cả trang giấy này. Chỉ biết là nó có hàng chục
cái huy chương và nó đang mang cấp bực đại uý, còn tôi chỉ là binh nhì!
Công việc của bọn tôi cứ đều đều nếu
không phải ra trận. Sáng đem nó đi ỉa đái, tập thể dục, ăn sáng bằng thức ăn
đóng hộp gọi là đót min (mà nhiều đứa bên biệt kích tưởng là thịt chó đóng
hộp). Trưa ăn thịt bò Mỹ tươi và có cả đồ tráng miệng. Xong, đi ngủ. Có cả nhạc
cho dễ ngủ! Con nào không chịu ngủ thì có xương nilon gặm cho đỡ buồn. Chiều
dắt đi dạo như một nhà quý tộc. Rồi tắm táp chải chuốt chờ bữa tối. Trước khi
đi ngủ còn xem phim hoạt hình! Đời chó mà như thế thì đời người cũng ít ai bằng!
Kẻ hầu hạ trung thành và tận tuỵ là bọn quân khuyển chúng tôi. Nếu không có
cuộc chiến tranh dai nhách chết tiệt này, nếu không bị ruồng bắt như bắt chó
thì chẳng đứa nào chịu làm cái nghề không chút vẻ vang này cho dù là lãnh tiền
đô.
Nhưng dù có giàu sang và yêu chó như
nước Mỹ thì cũng chẳng ai chịu bỏ công, bỏ của ra để huấn luyện những con chó
khơi khơi như thế, nếu nó không có một cái mũi biết đánh hơi cọng sản. Trong
những trận càn, khi lực lượng của địch bị quét sạch trên mặt đất, người ta đem
chó tới để theo cái mũi của chúng mà dò tìm những địa đạo, những hầm bí mật.
Chẳng có ai biết được dưới những luống khoai bụi chuối hay ao hồ sông suối có
những kẻ đang dấu mặt như con sâu rút mình trong cái kén để chờ cơ hội phản
công. Cũng chẳng ai ngờ được rằng dưới chân mình đang đứng, dưới chỗ mình đang
ngồi hay dưới cái ang nước cũ kỹ với cái gáo dừa úp hờ kia là cả một căn hầm
nuôi dấu cán bộ cốt cán. Chỉ có chó vơi cái mũi trời cho tinh nhạy hơn cả rađa
là biết được ngay chỗ nào có kẻ địch đang lẫn trốn. Dù ngụy trang khéo léo đến
đâu chó cũng tìm ra được. Ngụy trang chỉ có thể qua được mắt người chứ không
thể qua được mũi chó, nhất là cái mũi ấy được đào tạo qua trường lớp và được
thử thách qua nhiều trận chiến. Vì vậy, Việt cộng rất ghét bọn quân khuyển
chúng tôi. Từ xa, chúng tôi đã bị bắn nheo cu. Đến gần chúng tôi bị ném lựu
đạn, bị nổ tung vì bom cảm tử. Chó thì có hàm răng vô địch, bộ binh có carbin,
còn chúng tôi chẳng có gì để tự vệ ngoài một sợi dây da buộc vào cổ chó!
Sau bao nhiêu cuộc chỉnh lý và đảo
chánh, Nguyễn văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ kết hợp thành một liên danh đắc cử
Tổng thống và phó Tổng thống. Báo chí gọi đây là một cuộc hôn nhân chính trị.
Vì “cưỡng hôn” nên cơm không lành canh không ngọt là chuyện đương nhiên. Dù
vậy, dưới sức ép của viện trợ Mỹ, hai người cũng mạnh tay hơn với cọng sản.
Khắp bốn vùng chiến thuật nổ ra những cuộc hành quân liên miên để tái chiếm
những vùng đã bị mất. Những toán biệt kích được thả dù xuống miền Bắc để đánh
thẳng vào hậu phương địch. Bọn họ được huấn luyện đặc biệt. Trước tiên phải là
người gốc Bắc. Bọn họ phải học làm việc, học đi đứng nói năng y như người miền
Bắc. Ngoài ra họ còn phải học cách sống một mình trong rừng sâu khi bị lạc. Sau
khi thuần thục họ được thả phía sau lưng địch để phá cầu đường, kho đạn, tàu
thuyền. Mỗi lần đi gọi là nháy sô coi như không có ngày về nên họ được lãnh
tiên tử rất lớn. Vì vậy, nếu anh nào bỏ xác ngoài đó thì thôi, anh nào trở về
coi như được sống lại. Rủng rẻng trong túi nhiều tiền, họ ăn chơi cho bõ những
ngày phải đối mặt với cái chết. Gái ghiếc là chuyện thường tình. Họ còn chơi cả
thuốc phiện trắng. Tôi có quen một tay người Nùng. Anh ta lấy bớt thuốc ra rồi
đổ cái thứ bột chết người ấy vào xe đầu lại. Anh ta cho tôi một điếu hút thử.
Tôi chẳng thấy Tiên Phật nào cả, chỉ thấy ngây ngây dại dại, cả đêm cứ tưởng đã
ngủ rồi mà thật ra là thức trắng. Sau đó ít lâu, anh ta chết vì bị mục xương
chứ không phải vì nhảy sô.
Những cuộc bình định tái chiếm nông
thôn đã kéo theo bước chân của bọn tôi. Những thôn làng không người ở xác xơ,
những ngôi nhà bị đốt cháy, những cánh đồng cỏ dại cao lút đầu. Cứ tưởng là
những vùng đất chết. Nhưng dưói cái cây kia là một họng súng đang hướng cái đầu
ruồi về phía bọn tôi. Con đường đất buồn bã đầy rác rơm cũng đang dấu kín những
hầm chông. Và ở đâu đó trong lùm tre, những đôi mắt chỉ huy của cán bộ vẫn
không ngừng quan sát. Nhưng cái mùi hơi người mà chúng tôi chẳng nhận được gì
thì lũ chó đã đánh hơi như khi bụng đói mà ta nghe mùi chiên xào! Thế là hộc
hộc, vừa sủa chúng vừa lao tới, chúng tôi cũng phải lao theo. Cái mũi chúng như
một máy dò mìn, rà rà hết bờ cây này, bụi cỏ nọ, sau cùng là rít lên báo hiệu
cái nơi cần phải tìm. Miệng hầm chẳng khó khăn gì đã được tìm ra. Những con
người xanh xao lốp ngốp bò lên. Nếu không chịu lên thì lựu đạn cay thả xuống,
và nếu chống trả thì hàng chục trái lựu đạn ném xuống không thương tiếc!
Có một lần chúng tôi bị đánh liều
mạng. Bắt được hơi người, con Giêm quá hăng lao tới. Bất ngờ mảng cỏ được nâng
lên và một trái lưụ đạn ném thẳng vào trước mũi nó. Tôi vội đá trái lựu đạn
văng ra xa và nằm đè lên mình nó. Cả hai thoát chết trong gang tấc. Tôi bị
thương nhẹ ở vai, nhưng con chó không hề hấn gì. Lần đó tôi được bọn Mỹ thưỡng
cho một món tiền. Không ngờ câu chuyện đó đến tai thằng Mậu, con ông tổng Bá.
Nó đến trại tìm thăm tôi. Nó cứ tưởng tôi không biết hai anh em nó đã trùm mền
đánh tôi một trân tơi bời. Nó nói: “Tao tưởng con mụ Thảnh và lão Khứ nhồi nhét
mày thành một thằng cọng sản như thằng thủ ngữ Đực rồi chớ. Không ngờ mầy cũng
ngon lắm. Thế nào Việt cộng nó cũng treo giải cho ai lấy đầu mầy. Nó đã treo
giải đầu tao rồi đó. Đầu tao nó treo là phải. Nè, mầy coi đây! “. Rồi nó lấy
trong bọc ra khoe với tôi mười mấy cái tai cắt được của cọng sản. Những cái tai
khô quéo quắt như nấm tai mèo với những sợi lông trắng trông rất dễ sợ. Nó đưa
cho tôi cầm nhưng tôi rụt tay lại. Nó cười: “ Mầy sợ à? Tao thề trước mộ ông
tao là phải cắt đủ 100 cái, tức là phải giết đủ 100 thằng. Chừng đó tao sẽ đem
đốt trước mộ ông tao như ngày xưa người ta cắt đầu kẻ thù để tế cho người chết.
Mầy tin tao làm được chớ? Chiến tranh còn dài quá mà!”
Sau đó ít lâu tôi nghe nó bị Việt
cộng bắt được trong một lần phục kích. Nó bị mổ bụng moi gan và cái gan ấy bị
cắt nhỏ đúng 100 miếng. Không biết để ăn cho hả giận hay để tế cho những người
đã bị nó cắt tai. Cứ cái kiểu trả thù như thế, rồi con nó lớn lên sẽ trả thù
cho cha nó như thế nào? Nghĩ tới mà rùng mình!
Cứ tưởng những cuộc bình định đã đẩy
dần cọng sản về tận núi rừng. Không ngờ họ lặng lẽ xâm nhập thành phố. Tết Mậu Thân,
như thường lệ hai bên ngưng chiến để đồng bào ăn Tết. Phố xá chật kín người.
Người ta tạm quên chiến tranh để chúc mừng nhau đã sống thêm được một tuổi. Đêm
giao thừa pháo nổ không ngừng. Càng chết chóc, càng lo sợ người ta càng đốt
pháo. Lẫn trong tiếng pháo là tiếng súng của những người lính xa nhà. Đạn bắn
chỉ thiên vẽ những đường lửa đỏ trên nền trời đêm. Ai cũng muốn xua đi cái năm
cũ đầy máu lửa để đón một năm mới may ra có được hòa bình.
Quá nửa đêm tiếng pháo thưa dần
nhưng tiếng súng lại vang lên dòn dã. Những người lính có chút hơi men cọng với
nỗi buồn càng bắn dữ hơn. Nhưng lẫn trong tiếng tạch tạch có cả tiếng nổ của
B.40 và tiếng A.K đanh gọn. Nhiều người đang ngơ ngác hỏi nhau thì có tiếng máy
bay u u trên cao và những trái hoả châu sáng rực cả thành phố.
Đến lúc này ai cũng biết là bị Việt
cộng tấn công. Họ đánh vào tiểu khu, vào toà tỉnh trưởng và đài phát thanh. Té
ra họ cạo trọc đầu giả nhà sư, mặc quần áo đẹp giả trai gái đi hái lộc. Họ dấu
súng trong áo cà sa, dấu cờ và truyền đơn trong áo dài. Họ đã làm được cái điều
rất khó làm trong binh pháp là gây bất ngờ.
Lúc đầu quân cộng hoà bị choáng.
Nhưng sáng ra các đơn vị liên lạc được và yểm trợ lẫn nhau, bắt đầu phản công.
Chỉ trong một ngày là cộng sản bị đánh bật ra ngoài. Họ cố rút đi trong đêm,
nhưng một số bị kẹt lại do không rành đường. Họ đành chui rúc trong các ống
cống, các mương nước thải chờ đêm tối thoát ra. Phần nhiều họ đã chết vì bị
thương mất nhiều máu. Lúc này lũ chó của cả trại được tung ra và chúng cắn áo
kéo họ ra như những con mèo tha chuột. Người nào cũng cởi trần chỉ mặc một cái
quần đùi, ngang hông lủng lẳng một cục cơm vắt.
Kinh ngạc làm sao, trong số ấy có
xác của ông Khứ. Ông ta bị thương nằm kẹt giữa hai bức vách của hai căn nhà nằm
sát một con mương. Ông cố trườn ra mép nước, gục đầu xuống uống một hơi rồi
chết. Tôi làm sao quên được ông với cái mũi khoằm và cái miệng dẩu. Mái tóc lúc
nào cũng cắt xiên qua bên phải như vừa bị ai lấy dao đè ra chặt. Ông ta trắng
hơn, mập hơn, nằm đó với cục cơm vắt bị thiu và cái bụng chương lên vì uống quá
nhiều nước. Vậy là sau bao nhiêu năm thét gào, hết ra Bắc lại vào Nam giờ bị
kéo ra công viên để cho mọi người nói cười chỉ trỏ. Thật chẳng ra làm sao!
Việt cộng không chỉ tấn công thành
phố Quy Nhơn mà khắp cả nước. Báo đăng họ đánh vào cả toà đại sứ Mỹ. Tại Huế họ
cố thủ đến những cả tháng mới chịu rút ra. Bên nào cũng hô chiến thắng, nhưng
nếu tính cả hai bên tròng cái Tết Mậu Thân điên cuồng ấy chắc cũng đến vài vạn
người. Thật không ai hiểu được vì sao cái dân tộc này lại hận thù và giết nhau
đến thế. Có người bảo do dân Hời trù yểm. Những ngọn tháp còn đứng mãi kia như
những lời nguyền.
Sau tết Mậu Thân dường như người ta
nhìn vào đâu cũng thấy Cộng sản. Đây là thời cơ cho cái mũ thân cọng chụp lên
đầu bất cứ ai nếu người ta muốn. Và thằng Hậu đã bị chụp cho một cái mũ khổng
lồ là làm kinh tài cho Việt cộng!
Một buổi chiều trong ngày lễ Phục
sinh, cả chục cảnh sát ụp vào bar lôi nó đi trước sự ngơ ngác của các ả cave và
bọn lính Mỹ. Bar Lucky bị lục lọi, bị niêm phong. Mụ nhân ngãi già của nó vơ
vội ít quần áo tư trang nhét vào vali bay tuốt vào Sài Gòn chẳng bao giờ dám
trở lại. Các ả cave nháo nhác cố bám vào những thằng lính Mỹ. Lúc này chỉ mong
được nó nhận làm vợ hờ để khỏi bị vạ lây. Bọn Mỹ khi hiểu ra có đứa khoái chí
hét lên: Ai lấp V.C Hâu !
Như thế là cơ nghiệp của nó cũng đã
tan tành! Nó đã khôn hơn các ông tổng Bá, ông hương kiểm khi nó bỏ làng mà đi.
Nhưng nó không đủ khôn lanh để bỏ cái miền đất mà một đưá bé mới sinh ra cũng
bị kết tội là cọng sản như cái ở cái vùng Nam, Ngãi, Bình, Phú này. Nếu nó ở
Nha Trang hay Sài Gòn, chưa dễ ai chụp được lên đầu nó cái gì. Đã vậy nó lại
còn mua cả mấy xe gạo, vải vóc thuốc men lên phát cho dân nên dễ bị nghi ngờ là
tiếp tế cho cọng sản. Nó cũng tưởng quen biết nhiều, gái trong bar toàn là gái
tuyển, chẳng mấy chốc nó sẽ đánh bạt hết những cái bar lép nhép kia để trở
thành ông trùm của cả một con phố ăn chơi. Nó đâu biết rằng từ lâu nó đã ở
trong tầm ngắm của những thế lực trùm hết cả miền Trung.
Toàn bộ tài sản của nó bị tịch biên.
Nó bị quẳng ra ngoài Côn đảo như một tay cộng sản thứ thiệt.
Các ông già ở làng An Định thở dài
bảo giàu sớm quá là không bền, xưa nay vẫn vậy! Nghĩ đến cách ăn ở có trước có
sau của nó các ông đều cảm thấy ngậm ngùi. Lúc này có muốn gửi cho nó một hộp
sữa hay một gói thuốc cũng không cách gì gửi được. Cái tin nó bị bắt làm cho
tôi bàng hoàng không ngủ được đến mấy đêm. Cứ y như hồi tôi thấy ông cử Vân nằm
chết trần truồng trên đất lạnh. Một đằng thì tán gia bại sản vì tư thù ganh
ghét. Một đằng thì gục ngã vì hận thù giai cấp. Cả hai đối nghịch nhau, nhưng
lại giống nhau vì cái mục đích triệt hạ con người.
Lúc này tôi thấy nhớ làm sao cái ngã
ba Trung Lương. Cô cháu tôi đã sống những ngày thật êm đẹp. Chúng tôi đói
nghèo, có bị khinh khi đôi chút, nhưng trời mây sông nước là của chúng tôi. Nhớ
những tối đầy sao, những đêm trăng mát lạnh. Nhớ những lúc cô cháu xuôi thuyền
trên sông. Nhớ bữa cơm cuối cùng ngồi ăn với cậu Khánh điên ở trên cầu. Tôi
cũng không làm sao quên được cái chết oan ức của cô. Giờ này không biết cái mô
đất bên cầu có còn không hay là đã bị nước lụt cuốn trôi.
Tôi cũng thấy nhớ chị Thảo, nhớ cái
đêm mưa chị thiếp ngủ trong lòng tôi, nhớ mùi thịt da thơm ấm của chị. Tôi
thường đi rảo khắp thành phố để mong được gặp chị. Biết bao người con gái hao
hao giống chị đã từng làm tôi nôn nao muốn khóc. Nhưng đến gần lại không phải
là chị. Bây giờ chắc là chị đã đi lấy chồng và theo chồng ở một nơi nào đó rất
xa.
Chiến tranh vẫn cứ tiếp diễn và leo
thang ra tận ngoài Bắc. Cuộc hoà đàm Paris suốt một năm trời mà chỉ có thoã
thuận được một cái bàn hình bầu dục. Cộng sản lại pháo kích vào thành phố và
cộng hoà vẫn nối tiếp những trận càn. Đám quân khuyển đi theo sục sạo đến thở
không ra hơi.
Một ngày đầu tháng sáu, cuộc càn
quét đi qua các làng An Định, Trung Lương. Mới có năm năm mà cái làng cũ đã
không còn nhìn ra. Bao nhiêu nhà nếu không bị đốt thì cũng ngã nghiêng xiêu
vẹo. Cỏ cây lau lách mọc đầy như rừng. Cây cầu gỗ do ông tổng Bá bỏ tiền ra bắc
đã bị sập. Căn lều của cô tôi dĩ nhiên là cũng không còn. Cánh đồng cây Sanh
qua bao mùa lụt cát trải rộng đến tận bờ tường chùa Thiên An. Người ta tin
chẳng có hầm hố gì dưới những lớp cát ấy nên không dẫn chó qua sông. Tôi cũng
không thể giao chó cho ai, nên đành đứng bên này nhìn qua. Cái mô đất chỗ cô
tôi nằm hãy còn lại bên đầu cầu. Trong đám cỏ cây rậm rạp dường như có một cây
khế đang ra bông. Chắc xương thịt của cô đã theo cây khế đó mà ngoi lên nhìn
tôi.
Lục soát hết An Định, xuống An Dân
rồi qua Trung Lương. Một ngày dài, chó và người đều mệt lã. Lúc này mà V.C tấn
công chắc là bọn tôi tiêu đời. Đúng lúc ấy cái mũi của đại uý Giêm phát hiện
trong bụi tre gai có hơi người. Nó giằng dây xích lao tới. Nhờ nó người ta lần
ra được một ống thông hơi làm bằng gốc tre dấu rất khéo và tìm được miệng hầm
nằm dưới một lớp lá tre khô. Người ta bảo lên khỏi hầm. Nhưng chẳng ai chịu lên
và người ta thả xuống một trái lựu đạn cay. Thế là trong lớp khói cay xè đến
ngột thở, cả chục V.C lớp ngớp bò ra.
Thật không ngờ, cô Thảnh trắng bệch
như con mụ nhân ngãi của thằng Hậu, mặt đầy nước mắt nước mũi vẫn cố hét lên:
Đả đảo đế quốc Mỹ! Và khi thấy tôi đang cố giữ không cho con chó Giêm muốn bứt
dây để lao tới, cô phun vào mặt tôi một bãi nước bọt, rít qua hai hàm răng: đồ
chó đẻ ! Thật khác xa với lúc cô cầm tay tôi dắt đến trước mặt ông tổng Bá để
chỉ cho ông ta thấy cái tội ác bằng xương bằng thịt do ông gây ra. Và cũng
chính vì cô đem tôi ra để làm nhục ông mà tụi thằng Mậu, thằng Tài đã đánh tôi
một trận để trả thù. Nếu còn sống và nếu gặp cô ở đây chắc là nó không tha cái
tai của cô!
Cùng với các đồng chí, cô bị đưa về
tiểu khu, bị đưa qua an ninh quân đội để khai thác và sau cùng chắc chắn cô bị
đưa ra Côn đảo. Ở đó cô sẽ gặp thằng Hậu đang đội cái mũ thân cọng. Chẳng lẽ
hai người là đồng chí?!
Dưới sức ép của nhiều phía, cuối
cùng cái hiệp định Paris cũng được bốn bên ký kết. Mỹ và Đồng minh sẽ rút nửa
triệu quân ra khỏi miền Nam. Mỹ rút. Bao nhiêu súng ống đạn dược, tàu bay tàu
bò, Mỹ giao hết cho Miền Nam. Nhưng với những con chó thì Mỹ đem về. Bọn lính quân
khuyển chúng tôi, mười mấy đứa được đưa sang bộ binh.
Thôi nhé, vĩnh biệt đại uý Giêm! Bái
bai !
15.
Tôi được đưa lên Pleiku. Thành phố
nhỏ như một tổ chim. Không dường ngang phố dọc. Không nhà cửa nhiều tầng. Con
phố chính không quá 100 mét. Chỉ có một vài hiệu buôn, một vài quán ăn và quán
càphê. Nhưng ngoại ô là cả một vùng đất đỏ mênh mông với những con đường vàng
rực hoa quỳ. Những buổi sớm sương trắng bềnh bồng và những cô gái Thượng xinh
xẻo mang gùi trên lưng đi từng hàng dài. Không bị pháo kích, không bị đặt mìn.
Chỉ có cái lạnh hiu hiu và bầu trời như xuống thấp hơn ở đồng bằng. Mặc dù
chiến sự đang đến hồi ác liệt nhưng nơi đây thật thanh thoát và bình yên.
Đơn vị của tôi đóng cách thành phố
hơn 5 cây số. Nếu không có những bao cát, những hàng rào dây kẽm gai và nhất là
không phải leo lên cái tháp canh mỗi tuần vài bận thì tôi đã tưởng mình được đi
chơi sau những ngày ngột ngạt ở trong bar thằng Hậu.
Trung đội tôi có một lao công đào
binh. Anh ta tên Hiển, lớn hơn tôi vài tuổi. Anh sống lặng lẽ, ít nói, nên
chẳng ai biết nhiều về anh. Chỉ biết anh đã đào ngũ đến lần thứ ba! Tha mãi
không xong người ta đưa anh vào quân lao rồi đưa lên đây. Không cấp bậc, không
súng, không lương. Anh phải làm những công việc nặng nhọc như tù khổ sai. Rất
may, trung uý trung đội trưởng không vì thế mà hành hạ anh. Ông bảo chết nhiều
quá, ai không sợ. Thỉnh thoảng ông có cho anh chút tiền tiêu vặt và chúng tôi
thường san sẻ thuốc lá cho anh. Anh bị phạt một năm, chịu đựng được hơn năm
tháng.
Bỗng một hôm điểm danh không có anh.
Mọi người ai cũng nghĩ là anh lại trốn. Không ngờ anh treo cổ trong nhà tắm!
Cái chết của anh làm cho tôi ngẩn
ngơ. Thà bị bắn gục ở ngoài mặt trận, chứ đút đầu vào thòng lọng sao nó cay
đắng quá. Đâu phải anh không muốn sống. Nhưng cái cuộc chiến tranh này nó kéo
dài quá lâu. Nó cày nát biết bao phận người. Những người vô tội như cô Sáu tôi,
cả những người không ai ưa như ông Khứ, thằng Mậu hay ngơ ngáo như thằng thủ
ngữ Đực….Tất cả ngã xuống và rồi sẽ ngã xuống cho đến bao giờ? Cái hiệp định Paris
ồn ào kia chỉ làm lợi duy nhất cho những nhà buôn sơn. Khắp nơi người ta đua
nhau vẽ cờ trên mái nhà, trên các bức tường mặt phố. Người ta chuẩn bị một cuộc
giành dân lấn đất. Chỉ có vậy thôi. Đã ai nhường nhịn ai đâu. Cái bào thai hoà
bình chắc cững phải đẻ non thôi, làm sao mà sống được!
Ngoài cổng lúc ấy lao nhao có người
đàn bà hỏi thăm ai đó. Ai cũng tưởng là vợ anh ta đến tìm. Sao mà anh ta linh
thiêng đến thế! Biết ăn nói làm sao với người đàn bà tội nghiệp này! Tôi định
đi ra gặp chị, nếu cần san sẻ một ít tiền dành dụm để giúp chị. Nhưng không
phải là vợ anh ta. Tôi quay vào, bỗng nghe kêu giật ngược :
– Được ơi, phải em Được đó không?
Tôi sững sờ quay lại. Thì ra chị
Thảo. Tôi cũng kêu lên:
– Dạ, chính em là Được đây.
Nếu không có nhiều người chắc là tôi
đã chạy ra ôm chầm lấy chị.
– Thực không ngờ là em ở đây!
– Em cũng không ngờ là được gặp chị.
Em trai của chị ở đơn vị nào?
– Pháo binh, ở đâu dưới Pleiku.
Tôi xin phép trung úy đưa chị đi.
Chúng tôi tìm đến đơn vị cậu ta thì được biết pháo đội đã được điều đi nơi
khác. Ngày mai chị mới đến chỗ của cậu em. Chị đành phải nghỉ lại ở Pleiku.
Tôi đưa chị loanh quanh đi dạo phố.
Chị nói, con phố gì mà nhỏ quá. Cứ như đi dạo ở làng An Định. Chị hỏi thăm tôi
cái làng quê bé xíu nà chị đã từng sống ở đó đến hơn chín năm. Cái cầu tre mỏng
mảnh gần trường học mà chúng tôi thường run rẩy bò qua, cái lớp học đầy cóc
nhái và rắn rít giữa những hàng tre. Và những con người đã từng cay nghiệt hành
hạ nhau ở làng An Định. Những ông tổng Bá, ông Khứ, cô Thảnh…Khi biết những
người một thời rất đáng sợ với trẻ con ấy, kẻ đã chết, người bị bắt…chị thở dài
nói:
– Thật tội nghiệp! Chẳng biết sao họ
thù nhau đến thế? Rồi họ được gì? Cho đến giờ chị vẫn còn run khi nhớ lại tiếng
nói the thé của cô Thảnh!
Con phố không đủ dài cho những hồi
ức của chúng tôi. Đi mãi cũng chán, chúng tôi ghé vào quán ăn uống qua loa, rồi
đi tìm nhà nghỉ. Đó là một khách sạn nhỏ ở một con phố cũng nhỏ chỉ vừa đúng
năm căn nhà. Chủ là một người đàn bà kiêm luôn bồi phòng. Bà không hỏi nói gì
chỉ lặng lẽ đưa cho tôi một chìa khoá, chỉ tay lên gác. Tôi đưa hai ngón tay.
Bà hơi nghi ngờ nhưng cũng đưa thêm một chiếc nữa.
Nhận phòng xong chị đi tắm. Tôi ngồi
hút thuốc ở ban công. Mới hơn 8 giơ tối mà phố xá đã im lìm. Môt vài chiếc xe
jeep chạy vụt qua. Đâu đây tiếng máy điện nổ rì rầm. Mới ngày nào mà đã hai
mươi năm. Quả thực, nếu chị không kêu đúng tên thì dù có gặp ở ngoài đường tôi
cũng không thể nhận ra. Tôi không nói chị đẹp hơn hay già hơn, nhưng so với
người con gái đã có lần ngủ quên trong lòng tôi thật khác xa. Ngày ấy chị như
chị ruột tôi, còn bây giờ qua cái vẻ hồ đồ của người chủ khách sạn, tôi lúng
túng hiểu ra rằng chúng tôi chỉ là hai người đàn ông và đàn bà.
Tôi định đi xuống phố một lát. Nhưng
cửa phòng chị sịch mở và chị tươi tắn đến bên cạnh tôi. Rất tự nhiên, chị đặt
tay lên vai tôi, hơi ngửa mặt ra một chút để nhìn cho rõ. Chị nói :
– Em không khác trước là mấy. Em có
biết tại sao chị nhận ra em không ?
– Dạ không.
– Tại vì em quá bé và có một cặp mắt
rất sáng.
– Như mắt chó!
– Đừng nói bậy. Để chị nghĩ coi. Mắt
bồ câu thì là mắt con gái. À, phải rồi, như mắt con chồn đèn ấy. Rất tinh khôn
mà cũng rất buồn. Không thể nào quên được!
Hai chị em cùng cười. Thấy tôi cứ
mãi đốt thuốc, chị nói :
– Em hút thuốc hơi nhiều đấy!
– Dạ em cũng định bỏ mà chưa bỏ
được. Đời lính buồn quá chị à.
– Ơ, chị quên chưa hỏi em. Vợ con ra
sao rồi?
– Em chưa có gì hết.
– Thật à?
– Dạ thật.
– Thế cũng có một cô em nào nhớ tới
em chứ?
– Cũng không.
– Em dấu chị.
– Không, thật mà. Chỉ có một người
em nhớ tới, luôn luôn nhớ tới nhưng ở rất xa.
– Ở dâu mà xa?
– Ở trong chuyện ngày xưa.
– Thôi đừng đùa nữa!
Lẽ ra tôi cũng hỏi chuyện chồng con
của chị nhưng không hỏi. Thực ra là không dám hỏi. Không hiểu tại sao tôi lại
sợ. Có lẽ tại tôi không muốn cái hình ảnh năm xưa bỗng chốc nhòa đi khi biết về
chồng con của chị. Nhưng nếu cứ đứng mãi ở ban công, cứ hỏi nói vẩn vơ thế nào
cũng có lúc chị tự nói ra, nên tôi khuyên chị đi ngủ sớm để sáng mai đủ sức đi
xe. Chị nghe lời vào phòng. Tôi chúc chị ngủ ngon, nhưng chị nói:
– Chắc chưa ngủ được đâu. Lạ phòng
chị hơi sợ. Vào nói chuyện chút nữa đã. Em còn phải kể cho chị nghe trong bao
nhiêu năm qua em đã sống ra sao, phải vậy không ?
– Dạ.
Tôi vào phòng chị. Cũng một căn
phòng nhỏ như phòng tôi. Một chiếc giường nhỏ, một cái bàn, một cái ghế. Chúng
tôi phải ngồi trên sàn, tựa lưng vào vách. Y như hồi nào chúng tôi ngồi co ro
trong lớp vì đi học quá sớm. Chỉ khác lúc này trời không mưa, đèn sáng và hai
người đã trải qua những năm tháng giông bão của cuộc chiến tranh.
Chúng tôi lại nói tiếp về những ngày
còn bé, về cái lớp học chập chờn ma quái trong đêm, những con đường trơn như
thoa mỡ, những con đom đóm lập loè, những cọng cam thảo tẩm mật ong….Đêm cao
nguyên mát lạnh. Về khua sương giăng trắng. Tiếng máy điện rì rầm nghe rõ hơn
và xa xa vọng lại tiếng pháo 155 ly.
Có một lúc gần như hết chuyện để nói
cho nhau nghe. Chúng tôi ngồi lặng ngắm những con thạch sùng đuổi nhau trên
trần nhà. Chúng bò ngược mà vẫn nhanh nhẹn như những đứa trẻ chạy chơi trên
đất. Thế rồi tôi mơ hồ nghe có tiếng gọi:
– Được à .
– Dạ.
Một bàn tay, đúng là bàn tay của chị
chứ đâu phải ai khác nhưng rất lạ bất chợt nắm lấy tay tôi. Nếu bảo một cái cây
bị gió thổi rạp cũng chưa chắc đã nhanh bằng. Phải nói là một trái chín đang
rụng. Tôi ngã vào lòng chị.
Phải như tôi ngủ thiếp đi như ngày
trước chị ngủ thiếp trong lòng tôi. Phải như một trái hoả châu rơi ngoài cửa
sổ. Ừ, phải như vậy thì mọi sự đã không xảy ra. Đằng này chúng tôi như hai thỏi
nước đá trong một cái cốc. Chúng tôi đã tan ra và hoà trộn vào nhau.
…Cho đến khi bừng tỉnh và nhận ra đã
làm cái điều không nên làm thì trời đã sáng. Chị giục tôi nhanh chóng trả
phòng.
Chúng tôi ngồi uống càphê ở một quán
cóc. Chị tránh không nhìn tôi. Tôi cũng không dám nhìn chị. Nhưng tôi vẫn thấy
đôi mắt long lanh ấy, đôi môi nóng bỏng ấy, làn da tươi mát ấy…. Chị đã hào
sảng ban cho không một chút dè sẻn. Từ dưới đáy cuộc đời, tôi bỗng dưng được
chị nâng lên và cả hai trong một phút giây đã cùng bay lượn trên đỉnh trời cao
nguyên lồng lộng.
Uống càphê xong chị đón một chiếc xe
ôm ra bến xe. Tôi rất nuốn đưa chị đi nhưng chị bảo đừng. Chị nói thế nào về
trại em cũng bị phạt. Chị bảo anh xe ôm siết ga lao nhanh. Tôi đứng trông theo,
bâng khuâng mãi không biết là mộng hay thực.
Về đến đơn vị, chúng tôi được lệnh
hành quân ngay. Có tin quân miền Bắc tập trung một lực lượng lớn ở Ngã ba biên
giới. B.52 không còn ném bom rải thảm nữa nên chẳng việc gì họ phải sợ. Tổng
thống Mỹ Nixon phải rời Nhà Trắng vì nghe lén. Tổng thống Ford đang nằn nì xin
quốc hội chi thêm 700 triệu đô. Trong khi đó, tổng thống Thiệu thề không cho
cộng sản về Sài Gòn ăn phở!
Dường như lịch sử đang lao vào một
khúc quanh nghiệt ngã. Không biết bọn chúng tôi có phải rơi tòm xuống vực? !
(còn tiếp)
Khuất Đẩu