13 October 2016

TÀI NHÂN CHIÊU CƠ THÁI DIỄM - Thái Quốc Mưu

* THÁI DIỄM:

Thái Diễm (蔡琰) (177–?) tự là Văn Cơ (文姬), tự là Chiêu Cơ (昭姬), do Chiêu Cơ trùng với húy của Tấn Văn Đế là Tư Mã Chiêu (司馬昭), nên người đời sau đổi thành Văn Cơ. Thái Diễm là con của Thái Ung, người Trần Lưu (nay thuộc tỉnh Hà Nam).

Thái Diễm tiếp nối tinh anh của phụ thân bà nên tinh thông bác học, giỏi văn thơ và âm luật, nhưng cuộc đời rất bất hạnh. Năm mười sáu tuổi được gả cho Vệ Trọng Đạo (衛仲道), một người có tiếng tăm trên văn đàn thời đó! Họ Vệ là một gia tộc giàu có, thuộc tầng lớp quý tộc lớn ở Hà Đông.

Tình chồng vợ giữa Thái Diễm với Vệ Trọng Đạo gắn bó chưa bao lâu thì Trọng Đạo qua đời! Sau khi chồng chết, Thái Diễm bị mẹ chồng đuổi về nhà cha mẹ ruột, với lý do “khắc tinh” và không con nối dòng giống.

Khoảng năm 189 Đổng Trác (董卓) lộng quyền, gây náo loạn cung đình, Thái Diễm bị quân Đổng Trác bắt về làm hầu thiếp, nhưng rồi năm 192 bà bị Trác đem gả cho Tả Hiền Vương (左賢王) ở Nam Hung Nô, từ đó Thái Diễm lưu lạc trên vùng Nội Mông ngày nay.

Mười hai năm ở Nam Hung Nô nàng sinh cho Tả Hiền Vương hai người con.

Khi còn là cô gái mới lớn, một hôm Tào Tháo (曹操); 155–220) tự Mạnh Đức (孟德) Tháo vốn là bạn tâm giao của Thái Ung, tìm đến nhà thăm bạn, mới biết thân phụ nàng (Thái Ung) đã bị Vương Doãn bắt hạ ngục và chết trong tù. Còn Thái Diễm bị Đổng Trác đem về làm thiếp một thời gian, rồi đem gả cho Tả Hiền Vương ở xứ Nam Hung Nô. (Vào cuối thời Đông Hán. Tào Tháo trở nên nhà chính trị, quân sự kiệt xuất).

Về cách Thái Diễm đến Nam Hung Nô, so với sách Hậu Hán Thư, ở phần Liệt Nữ truyện, chép có sự khác biệt, như: “Năm Hưng Bình thiên hạ đại loạn, Văn Cơ bị quân Hồ bắt nộp cho Tả Hiền Vương. Hưng Bình (194–195) là niên hiệu đời Hán Hiến Đế, Thái Diễm bị quân Đổng Trác bắt vào năm 192, thời gian ba năm sau đó lưu lạc ra sao không thấy đâu chép. Căn cứ theo sử sách, tháng 11 năm Hưng Bình thứ 2 (195), Lý Thôi, Quách Dĩ bị Tả Hiền Vương của Nam Hung Nô đánh bại, bắt Thái Diễm về làm vợ).

Thương tình người bạn xưa gặp vận không may, Tào Tháo liền sai sứ giả đem vàng ngọc tới Nam Hung Nô chuộc Thái Diễm về nước. Song, Tả Hiền Vương chồng nàng, không cho Thái Diễm đem hai con của nàng theo về Trung Hoa.

Sự việc trên cho ta thấy Tào Tháo là người có thủy có chung với tình bằng hữu.

Được sinh ra trong một gia đình có người cha tinh thông bác học, giỏi âm luật, thạo văn chương, còn là Nhà Thơ có tên tuổi đương thời. Từ nhỏ Thái Diễm đã giỏi cầm kỳ, thi họa. Đặc biệt, từ khi 8 tuổi, biết chơi đàn, 13 tuổi có biệt tài viết được cả hai tay, sang năm 14 tuổi thì viết cả chữ ngược. (chữ viết ngược, phải nhìn từ phía sau tờ giấy mới đọc được).

Tương truyền, khi Thái Ung còn sống, một hôm Tào Tháo đến nhà chơi, Thái Diễm chào hỏi xong rồi trở lại bàn, tiếp tục cầm bút cặm cụi viết viết... Thấy nàng chăm học, Tào Tháo ngỏ ý cùng thân phụ nàng đến xem. Thái Diễm vội vàng đứng lên… Khi xem, Tào Tháo khẽ nhíu mày, bởi thấy nàng đang làm thơ, nhưng những gì nàng đang viết Tháo đều không đọc được, liền đưa mắt nhìn Thân phụ nàng tỏ ý hỏi. Thái Ung mỉm cười bảo Tháo: “Xin Tào huynh, lật tờ giấy lại đọc ở phía sau.”

Tào Tháo làm theo rồi vô cùng kinh ngạc, buột miệng khen: “Tiểu nhi đây, đúng là kẻ kỳ tài trong thiên hạ! Sau nầy, tiếng tăm sẽ lừng lẫy.” (Đọc thêm: Trước 4/75, ở Mỹ Tho ông chủ tiệm bánh ngọt Nguyên Nguyên trên đường Nguyễn Huệ, người Triều Châu cũng có biệt tài viết ngược Hán văn. Còn ở ấp An Bình, Xã An Qui, Quận Thạnh Phú, Tỉnh Bến Tre, có ông Bộ Nho (chức danh Chánh Lục Bộ*, tên Nho, gọi tắt là Bộ Nho), có biệt tài cùng lúc viết cả hai tay, một tay viết Hán văn, một tay viết Pháp văn. Ông Bộ Nho là em của ông Lê Văn Chánh (tức Hội Đồng Chánh, Hội Đồng Tỉnh Bến Tre, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa). Năm 1952, (thời còn thuộc Pháp), Thiếu Tá Võ Văn Mưu, mới nhận chức Quận Trưởng Quận Thạnh Phú, nghe tiếng ông Bộ Nho viết cả hai tay cùng lúc, muốn kiểm chứng hư thực, Thiếu Tá Mưu cho mời ông Bộ Nho lên Quận đường, viết trước mặt để ông Thiếu Tá kiểm chứng tin đồn). Chánh Lục Bộ là một chức danh cấp xã thời thuộc Pháp. (Khoảng đầu năm 1956, nền Đệ Nhất Cộng Hòa, đổi thành Ủy Viên Hộ Tịch. Thời điểm 1956 có thể tác giả nhớ không chính xác),

Tác phẩm của Thái Diễm nay còn lại hai bài BI PHẪN THI (悲憤詩), trong đó một bài theo thể ngũ ngôn, một bài thể Sở Từ. Ngoài ra còn có một thiên "Hồ Già Thập Bát Phách” (胡笳十八拍) tương truyền cũng là của nàng.

Bi Phẫn Thi, gồm hai bài, dưới đây là bài thứ nhất, tất cả có 108 câu, gồm ba đoạn. Đoạn thứ nhất kể về việc Văn Cơ (Thái Diễm) bị quân của Đổng Trác bắt đi. Đoạn thứ hai kể thời gian nàng ở Nam Hung Nô và cảnh chia tay trở về và đoạn thứ ba tả cảnh nàng thăm lại nhà cũ nhưng không còn ai trên đời. Bài thơ này được coi là một kiệt tác thi ca đương thời, cùng với Tiêu Trọng Khanh Thê (焦仲卿妻) được coi là hai viên ngọc sáng trong thể loại thơ tự sự thời loạc lạc đó.

Tác phẩm BI PHẪN THI (悲憤詩) (Bài thơ buồn thảm và tức giận)
của Thái Diễm.

悲憤詩 

漢季失權柄,
董卓亂天常。
志欲圖篡弒,
先害諸賢良。
逼迫遷舊邦,
擁主以自彊。
海內興義師,
欲共討不祥。
卓眾來東下,
金甲耀日光。
平土人脆弱,
來兵皆胡羌。
獵野圍城邑,
所向悉破亡。
斬截無孑遺,
尸骸相撐拒。
馬邊懸男頭,
馬後載婦女。
長驅西入關,
迥路險且阻。
還顧邈冥冥,
肝脾為爛腐。
所略有萬計,
不得令屯聚。
或有骨肉俱,
欲言不敢語。
失意幾微間,
輒言「斃降虜,
要當以亭刃,
我曹不活汝。」
豈敢惜性命,
不堪其詈罵。
或便加棰杖,
毒痛參並下。
旦則號泣行,
夜則悲吟坐,
欲死不能得,
欲生無一可。
彼蒼者何辜,
乃遭此厄禍?

邊荒與華異,
人俗少義理。
處所多霜雪,
胡風春夏起。
翩翩吹我衣,
肅肅入我耳。
感時念父母,
哀嘆無終已。
有客從外來,
聞之常歡喜。
迎問其消息,
輒復非鄉里。
邂逅徼時願,
骨肉來迎己。
己得自解免,
當復棄兒子。
天屬綴人心,
念別無會期。
存亡永乖隔,
不忍與之辭。
兒前抱我頸,
問母欲何之?
人言母當去,
豈復有還時?
「阿母常仁惻,
念何更不慈?
我尚未成人,
奈何不顧思!」
見此崩五內,
恍惚生狂痴。
號泣手撫摩,
當發復回疑。
兼有同時輩,
相送告離別。
慕我獨得歸,
哀叫聲摧裂。
馬為立踟躕,
車為不轉轍。
觀者皆歔欷,
行路亦嗚咽。

去去割情戀,
遄征日遐邁。
悠悠三千里,
何時復交會?
念我出腹子,
胸臆為摧敗。
既至家人盡,
又復無中外。
城郭為山林,
庭宇生荊艾。
白骨不知誰,
縱橫莫覆蓋。
出門無人聲,
豺狼號且吠。
煢煢對孤景,
怛吒靡肝肺。
登高遠眺望,
神魂忽飛逝。
奄若壽命盡,
旁人相寬大。
為復彊視息,
雖生何聊賴?
托命於新人,
竭心自勖勵。
流離成鄙賤,
常恐復捐廢。
人生幾何時,
懷憂終年歲!

Bi Phẫn Thi

Hán quý thất quyền bính,
Đổng Trác loạn thiên thường.
Chí dục đồ thoán thí,
Tiên hại chư hiền lương.
Bức bách thiên cựu bang,
Ủng chúa dĩ tự cương.
Hải nội hưng nghĩa sư,
Dục cộng thảo bất tường.
Trác chúng lai đông hạ,
Kim giáp diệu nhật quang.
Bình thổ nhân thuý nhược,
Lai binh giai Hồ, Khương.
Liệp dã, vi thành ấp,
Sở hướng tất phá vong.
Trảm tiệt vô quyết di,
Thi hài tương sanh cự.
Mã biên huyền nam đầu,
Mã hậu tải phụ nữ.
Trường khu tây nhập quan,
Quýnh lộ hiểm thả trở.
Hoàn cố mạc minh minh,
Can tỳ vi lạn hủ.
Sở lược hữu vạn kế,
Bất đắc linh truân tụ.
Hoặc hữu cốt nhục câu,
Dục ngôn bất cảm ngữ.
Thất ý kỷ vi gian,
Triếp ngôn “Tễ hàng lỗ,
Yếu đương dĩ đình nhận,
Ngã tào bất hoạt nhữ.”
Khởi cảm tích tính mệnh,
Bất kham kỳ lị mạ.
Hoặc tiện gia truỳ trượng,
Độc thống tham tịnh hạ.
Đán tắc hiệu khấp hành,
Dạ tắc bi ngâm toạ,
Dục tử bất năng đắc,
Dục sinh vô nhất khả.
Bỉ thương giả hà cô,
Nãi tao thử ách hoạ?

Biên hoang dữ Hoa dị,
Nhân tục thiểu nghĩa lý.
Xứ sở đa sương tuyết,
Hồ phong xuân hạ khởi.
Phiên phiên xuy ngã y,
Túc túc nhập ngã nhĩ.
Cảm thì niệm phụ mẫu,
Ai thán vô chung dĩ.
Hữu khách tòng ngoại lai,
Văn chi thường hoan hỉ.
Nghênh vấn kỳ tiêu tức,
Triếp phục phi hương lý.
Giải cấu kiêu thì nguyện,
Cốt nhục lai nghênh kỷ.
Kỷ đắc tự giải miễn,
Đương phục khí nhi tử.
Thiên thuộc chuế nhân tâm,
Niệm biệt vô hội kỳ.
Tồn vong vĩnh quai cách,
Bất nhẫn dữ chi từ.
Nhi tiền bão ngã cảnh,
Vấn mẫu dục hà chi?
“Nhân ngôn mẫu đương khứ,
Khởi phục hữu hoàn thì?
A mẫu thường nhân trắc,
Niệm hà cánh bất từ?
Ngã thượng vị thành nhân,
Nại hà bất cố tư!”
Kiến thử băng ngũ nội,
Hoảng dịch sinh cuồng si.
Hiệu khấp thủ phủ ma,
Đương phát phục hồi nghi.
Kiêm hữu đồng thì bối,
Tương tống cáo ly biệt.
Mộ ngã độc đắc quy,
Ai khiếu thanh tồi liệt.
Mã vi lập trì trù,
Xa vi bất chuyển triệt.
Quan giả giai hư hy,
Hành lộ diệc ô yết.

Khứ khứ cát tình luyến,
Thuyên chinh nhật hà mại.
Du du tam thiên lý,
Hà thì phục giao hội?
Niệm ngã xuất phúc tử,
Hung ức vi tồi bại.
Ký chí gia nhân tận,
Hựu phục vô trung ngoại.
Thành quách vi sơn lâm,
Đình vũ sinh kinh ngải.
Bạch cốt bất tri thuỳ,
Tung hoành mạc phúc cái.
Xuất môn vô nhân thanh,
Sài lang hiệu thả phệ.
Quỳnh quỳnh đối cô cảnh,
Đát tra mỹ can phế.
Đăng cao viễn diểu vọng,
Thần hồn hốt phi thệ.
Yểm nhược thọ mệnh tận,
Bàng nhân tương khoan đại.
Vi phục cưỡng thị tức,
Tuy sinh hà liêu lại?
Thác mệnh ư tân nhân,
Kiệt tâm tự úc lệ.
Lưu ly thành bỉ tiện,
Thường khủng phục quyên phế.
Nhân sinh kỷ hà thì,
Hoài ưu chung niên tuế!

 Hán mạt mất quyền bính,
Đổng Trác loạn dưới trên.
Chí hòng cướp ngôi báu,
Trước tiên giết kẻ hiền.
Bức bách về kinh cũ,
Ép vua phải theo mình.
Thiên hạ cờ nghĩa dấy,
Cùng nhau dẹp nhiễu nhương.
Quân Trác tới Trần, Dĩnh,
Ánh giáp toả hào quang.
Trung Nguyên người sức yếu,
Lính tới rặt Hồ, Khương.
Bắt thôn, vây thành ấp,
Mỗi chốn đều tan hoang.
Giết sạch không để sót,
Khắp nơi xác vãi vương.
Treo đầu quanh mình ngựa,
Phụ nữ chở sau xe.
Ruổi rong qua Hàm Cốc,
Hiểm trở vây bốn bề.
Ngoảnh lại xa mờ mịt,
Ruột gan đã nát lìa.
Bị bắt người có vạn,
Họp nhau chẳng cách gì.
Có kẻ là thân thích,
Cũng không thể sẻ chia.
Một chút gì trái ý,
Tức thì “Kẻ hàng kia,
Mũi dao này có muốn,
Chúng tao toại cho rồi.”
Há đâu tiếc tính mệnh,
Thoá mạ chẳng cam lời.
Có kẻ chịu gậy gộc,
Khổ hận giáng xuống người.
Sớm đi thê thảm khóc,
Tối rên, chỉ biết ngồi.
Muốn chết mà không được,
Muốn sống chẳng đường thôi.
Ta nào gây tội lỗi,
Sao đày đoạ hỡi trời?

Hoang thảo phong tục khác,
Đạo lý chẳng giống ai.
Một nơi nhiều sương tuyết,
Gió Hồ suốt năm dài.
Phiêu phiêu phất tà áo,
Lồng lộng thổi vào tai.
Những khi nhớ phụ mẫu,
Kêu than mãi khôn nguôi.
Có khách từ ngoài tới,
Được hay, xiết mừng vui.
Ra đón thăm tin tức,
Quê lại chẳng cùng nơi.
Bỗng có người thân thích,
Phái sứ giả đón về.
Khi được toàn nguyện vọng,
Lại khó bỏ hài nhi.
Máu mủ liền khúc ruột,
Tái ngộ không hẹn kỳ.
Sống chết đều xa cách,
Sao nỡ nói chia ly.
Hài nhi ôm lấy cổ,
Hỏi mẹ thực muốn đi?
“Người bảo là như vậy,
Mai kia có trở về?
Thường ngày mẹ yêu mến,
Sao nay chẳng nhân từ?
Hài nhi còn nhỏ tuổi,
Nỡ chẳng đoái hoài ư!”
Nhìn lòng như tan nát,
Hoảng hốt như cuồng si.
Khóc gào, tay xoa xuýt,
Lâm hành thực lâm ly.
Người xưa cùng bọn tới,
Ra đưa tiễn trở về.
Ngưỡng mộ ta may mắn,
Than thở xiết sầu bi.
Chân ngựa chần chừ đứng,
Bánh xe chẳng chuyển di.
Ngậm ngùi người đưa tiễn,
Sùi sụt kẻ ra đi.

Càng đi càng xa cách,
Mỗi ngày một phân ly.
Dằng dặc ba ngàn dặm,
Gặp nhau biết có khi?
Nhớ con đứt ruột đẻ,
Lòng đau tựa đứt lìa.
Về nhà, người đâu bóng,
Vắng tanh khắp trong ngoài.
Thành quách hoá rừng rú,
Khắp sân ngải mọc đầy.
Xương trắng nào biết ai,
Ngang dọc không gì đậy.
Lắng tiếng người chẳng thấy,
Chỉ độc tiếng sài lang.
Người cô trong cảnh độc,
Sầu uất nát tâm can.
Lên cao phóng tầm mắt,
Hồn phách tựa lìa tan.
Chợt như là đã chết,
Người theo phải chấn an.
Mới nhìn và thở lại,
Dẫu sống như chẳng còn?
Thân nay gửi người mới,
Gắng giữ lấy tinh thần.
Lưu lạc nên rẻ rúng,
Thường sợ lại gian nan.
Đời người có là mấy,
Ưu hoài suốt trăm năm.

***

* THÁI UNG THÂN PHỤ CỦA THÁI DIỂM:

Thái Ung (蔡邕 132-192) tự Bá Giai (伯喈), người quận Trần Lưu, Hà Nam (nay là huyện Kỷ, Hà Nam) Trung Quốc, là danh sĩ, thời Hán Hoàn Đế. Cha mất sớm, thờ mẹ chí hiếu. Mẹ qua đời, ông được người chú đem về nuôi dưỡng. Rất được mọi người thương yêu, quý mến.

Ông là người có dị tướng, học cao, thông minh, biết nhiều, thấy xa, hiểu rộng. Thời niên thiếu, bái Thái Phó Hồ Quảng lạm thầy. Giỏi âm nhạc, kinh thuật và từ chương, thiên văn, âm luật, tiếng tăm vang dội khắp nơi, người người ái mộ. Giới sĩ tử cùng thời tìm đến kết giao có hàng vạn người.

Vốn chẳng thích chốn quan trường, khi Hán Hoàn Đế chiếu chỉ cho Thái Thú Trần Lưu, truyền ông về Lạc Dương, ông buộc phải lên đường, trên đường đi ông cáo ốm, xin quay về.

Năm 168, Hán Hoàn Đế Lưu Chí băng hà, không có con, Đậu Thái Hậu bèn cho Lưu Hoằng, là con Giải Độc Đình Hầu Lưu Thường (刘苌), là cháu 5 đời của Hán Chương Đế lên nối ngôi vua, xưng là Hán Linh Đế (汉灵帝), tự Lưu Hoằng 156-189).

Sau khi lên ngôi, Hán Linh Đế phong Mẹ là Đổng phu nhân (董夫人) làm Hoàng Thái Hậu. Hán Linh Đế là vị vua thứ 12 của Nhà Đông Hán, và là Hoàng Đế thứ 27 của Hán trào. Linh Đế có người con thứ là Lưu Khai (刘开). Lưu Khai sinh Lưu Thục (劉淑), Lưu Thục sinh Lưu Thường, Lưu Thường sinh Lưu Hoằng).

Còn Hán Chương Đế, tục danh là Lưu Đát (劉炟), sinh vào tháng 2 năm 57, là con thứ 5 của Hán Minh Đế Lưu Trang. Mẹ là Giả quý nhân (贾贵人). Khi còn nhỏ, Hán Minh Đế đã giao Hán Chương Đế Lưu Đát cho người vợ đang sủng ái là Mã quý nhân nuôi nấng, cực kỳ yêu thương.

Năm 170, Hán Linh Đế, cho triệu Thái Ung vào cung làm việc cùng Tư Đồ Kiều Huyền, được Kiều Huyền trọng dụng. Ít lâu sau ông lần lượt được phong làm Hà Nam Bình Trưởng, Triệu Bái Lang Trung, Hiệu Thư Đông Quán rồi tiếp tục thăng Nghị Lang.

Thời Đông Hán thực hiện chế độ Tam Hỗ, nghĩa là hai nhà thông gia của hai châu không được làm quan tại nơi cư trú của nhau. Do các nhà thế tộc có nhiều quan hệ họ hàng nên quy định này gây khó khăn cho việc bổ nhiệm quan chức, khiến một số nơi như U châu và Ký châu không đủ quan lại. Vì vậy Thái Ung bèn làm sớ trình lên Hán Linh Đế bỏ chế độ Tam Hỗ. Nhưng Hán Linh Đế không chấp thuận.

Thời đó, Hán Linh Đế buông lỏng kỷ cương, không dùng người tài. Đổng Thái Hậu và những người trong hoàng tộc cùng ăn chơi xa xỉ. Đổng Thái Hậu đã giục con bán quan chức thu tiền. Năm 178, ông cho áp dụng chính sách mua bán quan chức. Chức Tam công bán 10 triệu, tước hầu bán 5 triệu. Tào Tung cha Tào Tháo đã bỏ tiền ra mua được chức Thái úy trong dịp này.

Do vua cho mua quan bán chức, những người mua được chức quan lại bóc lột của dân nặng nề để thu lại tiền bỏ ra. Triều đình thu sưu cao thuế nặng nên đời sống nhân dân rất nghèo khó, cực khổ.

Ít lâu sau ông lại dâng sớ lên Hán Linh Đế xin cải thiện tình hình chính trị đang xuống. Sớ của ông có 7 điểm:

1. Cẩn trọng giữ mình trong sạch
2. Bổ nhiệm rộng rãi người có tài đức,
3. Mở rộng ngôn luận cho bề tôi trung kiên được can gián, khen thưởng người dám    nói thẳng
4. Tăng cường sát hạch quan lại.
5. Xóa bỏ những kẻ tiểu nhân trong hàng ngũ bộ máy chánh quyền.
6. Bổ nhiệm, bãi miễn quan lại phải dựa trên công trạng mà có thưởng phạt rõ ràng
7. Xem xét nhân sự những người trong cung thái tử, không dùng những người mạo nhận là "Tuyên Lăng Hiếu Tử" không có thực tài, buộc họ về quê làm ruộng.

Sớ của Thái Ung thống thiết dài vài ngàn chữ, được Linh Đế coi trọng. Linh Đế chuyển những người giúp việc cho Thái Tử không có thực tài sang làm Thái Tử Xá Nhân Vu Úy - chức nhỏ ở địa phương. Vì việc này, nhiều người bị động chạm quyền lợi nên thù hằn Thái Ung.

Năm 176, Hán trào có nhiều điềm tai dị xảy ra, khiến vua Linh Đế lo lắng. Linh Đế triệu Thái Ung cùng các đại thần Mã Nhật Đê, Dương Tứ, Trường Hoa, Đan Cấu cùng hoạn quan Tào Tiết, Vương Phủ vào hỏi nguyên nhân. Linh Đế ban đặc chiếu cho Thái Ung, kiến giải những chuyện tai dị vì ông là người có học thức sâu rộng.

Thái Ung cảm động, tự mình soạn một bản tấu, thẳng thắn vạch ra những điểm chưa tốt của nền chính trị lúc đó, ông cho rằng do xây cất cung thất quá nhiều gây tốn kém, có nhiều tiểu nhân đắc chí làm quan lớn, tham nhũng nhiều; nên ông đề nghị bãi miễn những người nầy, bổ nhiệm người tài đức.

Việc cải tổ của Thái Ung đụng chạm tới nhiều người, nên ngày càng có thêm nhiều người thù ghét ông. Trong đó, có bọn Dương Cầu, Tào Tiết thù oán ông. Chúng bèn chủ mưu kết hợp cùng đám hoạn quan làm hại ông.

Ít lâu sau, hoạn quan Trình Hoàng sai người trình bản tấu trình, kể tội Thái Ung đang có ý định cùng chú là Thái Chất muốn trả thù Tư Đồ Lưu Lân vì nhờ một việc riêng tư không được. Thái Ung dâng biểu phân trần nhưng không được chấp nhận, ông bị tống giam vì "kết oán với người làm việc công, hãm hại đại thần", chuẩn bị mang xử tử.

Việc nhà vua khép tội Thái Ung rất nhiều người không phục. Trung Thường Thị Lã Cường tâu Hán Linh Đế rằng Thái Ung vô tội và xin tha cho ông. Linh Đế xem lại án nhưng chỉ tha cho ông tội chết nhưng lại đày ông đi Sóc Phương ở biên cương phía bắc, vĩnh viễn không cho trở về.

Dương Cầu chủ mưu giết ông, bèn thuê thích khách đuổi theo để giết ông. Nhưng thích khách biết ông là người thẳng thắn chính trực nên không cam tâm hạ thủ. Dương Cầu thấy ý định không thành bèn hối lộ cho quan địa phương nhờ hãm hại ông, nhưng viên quan này cũng không làm theo còn báo cho ông biết để đề phòng. Do được những người ngay thẳng giúp đỡ, Thái Ung giữ được tính mạng, đến sống tại hai địa danh.

Lâu sau, Thái Ung dâng thư lên Hán Linh Đế xin được trở về quê để viết nốt bộ sách Hậu Hán Ký mà trước đây khi ở Đông Quán ông đang cùng Lư Thực, Hàn Thuyết soạn chưa xong. Linh Đế thấy ông có tài, bèn nhân kỳ đại xá năm 177 cho ông được trở về quê.

Thái Thú Vương Trí thấy ông được tha bèn bày tiệc đãi ông. Vương Trí vốn là em trai hoạn quan Vương Phủ trong triều, ngày thường kiêu ngạo, vì vậy Thái Ung coi thường. Vương Trí tức giận quát mắng Thái Ung, ông liền phẩy tay áo bỏ về.

Vương Trí bèn viết thư về triều nói rằng Thái Ung bất mãn trong lúc bị lưu đày, thường phỉ báng triều đình. Thái Ung biết mình đã gây thù oán với nhiều đại thần trong triều, không thể dâng thư biện bạch mà còn có thể bị bức hại, nên ông không trở về quê nữa mà đi sang vùng Ngô Việt (Triết Giang). Cuộc sống lưu lạc của Thái Ung kéo cũng dài 12 năm như cuộc lưu lạc trên xứ người của Thái Diễm, con gái ông.

Năm 189, Hán Linh Đế mất, con là Hán Thiếu Đế lên thay. Đổng Trác vào triều cầm quyền, phế Thiếu Đế lập Hiến Đế. Để thu phục nhân tâm, Đổng Trác cho gọi Thái Ung về kinh phong chức. Thái Ung bị hại nhiều lần trên quan trường nên dâng sớ cáo ốm. Đổng Trác nổi giận hạ lệnh sẽ tru di cả họ Thái Ung, ép ông phải trở về. Thái Ung bèn trở về Lạc Dương.

Đổng Trác rất quý trọng Thái Ung, chỉ trong 3 ngày đã phong ông làm các chức Tế Tửu, Thị Ngự Sử, Thượng Thư, rồi Thị Trung.

Đến năm 190, chư hầu do Viên Thiệu cầm đầu nổi lên thảo phạt Đổng Trác vì tội giết vua Thiếu Đế. Cùng lúc, thủ hạ của Đổng Trác muốn tôn Trác làm Thượng phụ. Đổng Trác bèn hỏi Thái Ung. Ông khuyên Đổng Trác chưa nên xưng hiệu vì thiên hạ đang rối ren không phục. Đổng Trác nghe theo ông.

Thái Ung biết Đổng Trác trọng dụng ông, nhưng họ Đổng tàn bạo chuyên quyền, mất lòng người, ông sẽ bị liên lụy khi Đổng Trác diệt vong. Ông định bỏ trốn đến Ký châu. Nhưng em ông là Thái Cốc khuyên rằng ông có tướng mạo khác thường, rất dễ bị nhận diện. Vì vậy Thái Ung bèn thôi ý định bỏ trốn.

Năm 192, Đổng Trác bị tư đồ Vương Doãn và tướng Lã Bố giết chết. Thái Ung lại tỏ ra buồn bã. Tư đồ Vương Doãn bèn sai bắt Thái Ung hạ ngục. Thái úy Mã Nhật Đê thấy vậy vội nói với Vương Doãn rằng Thái Ung là người có tư cách và tài năng, nên để ông sống để viết nốt sử thư Nhà Hán. Nhưng Vương Doãn không đồng tình, dẫn gương Tư Mã Thiên viết Sử ký phỉ báng triều đình, vì vậy quyết không tha cho Thái Ung. Năm 192 Thái Ung chết trong ngục tù Vương Doãn. Thọ 60 tuổi dương lịch, 61 tuổi âm lịch.

Sử sách không chép rõ, khi chết, Thái Ung có bao nhiêu người con. Duy trong bộ Chánh sử Tam Quốc Chí, của Trần Thọ, chỉ chép về một người con gái của ông tên Thái Diễm. Sau, Thái Diễm là một trong 11 người của nền văn học Kiến An Thập Nhất Tài Danh. Và được truyền thuyết dân gian gọi là Tài Nhân Chiêu Cơ (tên tự của Thái Diễm)

* CỐ UNG, NGƯỜI HỌC TRÒ CỦA THÁI UNG:

Cố Ung tự là Nguyên Thán (元歎), người ở Ngô Quận, đất Ngô. Tổ 5 đời của ông là Cố Phụng làm Thái Thú Dĩnh Xuyên, trào Đông Hán.

Cố Ung thời trẻ theo học danh sĩ Thái Ung, được Thái Ung khen ngợi. Ông nổi tiếng ở Giang Đông nhờ giỏi chữ nghĩa và đánh đàn.

Năm 199, Cố Ung được quan địa phương tiến cử với Tôn Sách. Tôn Sách cho ông làm Huyện trưởng huyện Hợp Phì. Sau đó ông đổi sang làm Huyện Trưởng các huyện: Lâu, Khúc A, Thượng Ngu, đều có thành tích cai trị.

Lãnh thổ của Tôn Sách cai trị, gồm 6 quận thuộc Dương Châu (Lư Giang, Ngô Quận, Cối Kê, Đan Dương, Dự Chương, Lư Lăng), nhưng với triều đình Đông Hán ở Hứa Xương do Tào Tháo nắm thực quyền chỉ thừa nhận Tôn Sách làm thái thú Cối Kê. Tôn Sách tự mình quản lý cả 6 quận nên phong Cố Ung làm chức "Thừa" ở quận Cối Kê thay Tôn Sách quản lý địa hạt. Ông có công quét sạch giặc cướp lớn nhỏ trong quận, nhờ đó nhân dân được an cư lạc nghiệp.

Tôn Sách mất, Cố Ung phò trợ Tôn Quyền. Tôn Quyền được Tào Tháo phong làm Thảo Lỗ Tướng Quân. Sau mấy năm làm Cối Kê thừa, Cố Ung được Tôn Quyền phong làm Tả Tư Mã.

Họ Cố là dòng họ lớn và danh giá ở Giang Đông. Để tranh thủ họ Cố, Tôn Quyền gả con gái Tôn Sách cho con trai trưởng của Cố Ung. Khi Cố Ung đón mẹ đến kinh, thì Tôn Quyền đích thân đến chào mừng.

Năm 220, Tào Phi (con Tào Tháo) cướp ngôi Nhà Hán lập ra Nhà Ngụy. Tôn Quyền có mâu thuẫn với Lưu Bị (vì việc Ngô chiếm Kinh châu giết Quan Vũ) nên quay sang hàng Tào Ngụy, được phong vương. Tôn Quyền lập quốc đặt niên hiệu Hoàng Vũ, phong Cố Ung làm Đại Lý (phụ trách tư pháp), Phụng Thường (tế lễ và quản lý tông thất) rồi Thượng Thư Lệnh (người trông coi mọi công việc hành chính) của Ngô vương. Có lẽ, chức Thượng Thư Lệnh, sau nầy theo thế chế chánh trị mới, gọi là “Đặc Ủy Trưởng Hành Chánh” chăng (?)

Cố Ung được Tôn Quyền phong làm Dương Toại Hương Hầu, sau đó thăng làm Lễ Lăng Hầu.

Năm 225, Thừa tướng Tôn Thiệu qua đời. Tôn Quyền phong Cố Ung làm Thừa Tướng.

Cố Ung hiểu cá tính của Tôn Quyền nên thường không ra mặt phản đối như Trương Chiêu mà lựa lời nói khéo léo hơn, nhưng cũng không a dua lấy lòng. Khi thấy Tôn Quyền làm điều không phải, ông không can ngăn trước mặt quần thần mà viết biểu dâng lên. Tôn Quyền nhận ra sai sót bèn sửa chữa, nhưng vẫn giữ được thể diện Ngô vương, không bị mất mặt với các quan.

Cố Ung là người trầm tĩnh, ngầm giúp người khác không kể công lao của mình. Có những người tài được ông tiến cử mà họ không biết, bề ngoài mọi người nghĩ rằng đó là sự anh minh cất nhắc của Tôn Quyền.

Tuy cách làm việc của Cố Ung khác với Trương Chiêu (hòa nhã hơn Chiêu), nhưng ông có những chủ kiến trong công việc cũng giống Trương Chiêu.

Công Tôn Uyên ở Liêu Đông thuộc nước Tào Ngụy tới đặt quan hệ với Đông Ngô, Tôn Quyền muốn sai sứ đi phong chức cho Uyên để lôi kéo cùng đánh Ngụy. Trương Chiêu quyết liệt phản đối và Cố Ung cũng có chung ý kiến với Trương Chiêu. Tôn Quyền không nghe, kết quả Công Tôn Uyên trở mặt giết hai sứ thần Đông Ngô.

Tôn Quyền thích rượu, họp các quan uống thật say. Cả Trương Chiêu và Cố Ung đều không đồng tình. Nhưng trong khi Trương Chiêu bỏ ra xe đi về và lộ vẻ tức giận thì Cố Ung vẫn ngồi ngay ngắn không nói năng bừa bãi như những người khác. Ông là người không bao giờ uống rượu, tác phong chững chạc, quần áo luôn nghiêm chỉnh. Điều đó làm Tôn Quyền nhận ra dụng ý can ngăn của ông. Sự nghiêm nghị của ông khiến Tôn Quyền e ngại.

Tôn Quyền thích dùng hình phạt nặng với nhân dân. Trương Chiêu ra sức phản đối. Tôn Quyền không muốn nghe, hỏi ý kiến ông. Cố Ung nói rằng:

- “Pháp lệnh dường như đã quá nhiều rồi. Hình phạt dường như cũng quá nhiều rồi. Tôi cũng nghe trăm họ kêu ca như Trương Chiêu.”

Tôn Quyền bèn sai người sửa pháp luật, giảm bớt hình phạt.

Tôn Quyền muốn đề bạt ai, thường sai họ tới nhà Cố Ung để ông xem thử. Nếu Cố Ung ưng ai thường nói chuyện vui vẻ và giữ người đó ở lại ăn cơm; nếu thấy không làm được thì nói ít và không giữ lại ăn cơm. Tôn Quyền biết cách xử thế của ông, thường hỏi người định đề bạt xem có được Cố Ung mời lại ăn cơm không. Nếu người đó tâu có thì lập tức được bổ nhiệm, còn không thì Tôn Quyền xem lại ý định của mình.

Cố Ung thường đi vào dân gian để tìm hiểu những chỗ tốt và chưa tốt trong chính sách cai trị. Khi có việc, Tôn Quyền thường trực tiếp gặp ông bàn bạc. Ông có việc cần tâu cũng trực tiếp gặp Tôn Quyền không sai ai khác đi thay. Cố Ung làm thừa tướng rất ăn ý và được lòng Tôn Quyền và dân gian thán phục, tôn trọng.

Năm 243, Cố Ung qua đời, thọ 76 tuổi. Ông làm thừa tướng Đông Ngô tất cả 19 năm, là người ở ngôi vị thừa tướng lâu nhất trong cả 3 nước thời Tam Quốc.

Cố Ung chết, Tôn Quyền cử Lục Tốn lên thay ông.

Sau cùng xin thưa, tôi cố gắng đọc, tham khảo nhiều sách để đối chứng, tuy nhiên khó tránh khỏi sai sót… Rất mong được sự góp ý của tất cả quý bạn đọc. Mong thay!

Atlanta, 22/8/2016
Thái Quốc Mưu
__________________

Tài liệu tham khảo có trích đoạn:

- Bộ chánh sử Tam Quốc Chí của Trần Thọ.
- Bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung.
- Chuyện Quan Trường, Nhà xuất bản Thanh Niên.
- Các đời đế vương Trung Hoa của Nguyễn Khắc Thuần. Nxb. Giáo dục, 2003.
- Bách Khoa Toàn Thư, Nhà xuất bản Văn Hóa & Thông Tin.
- Ngô Tuyển, Chu Quý, Trịnh Hiểu, Thái Hoàng, Nhà xuất bản Thanh niên 2006,
- Các Tể Tướng Trung Quốc của Chu Thiệu Hầu.
- Từ điển Văn học, bộ mới.