Anh có thể cho em biết, tại sao những người đến được nước
Mỹ, sau vài năm họ trở nên “cuồng” nước Mỹ không? Em có vài người bà con đang ở
Mỹ, dường như tư duy họ thay đổi hoàn toàn, em họ của em là đứa nhút nhát,
nhưng giờ nói chuyện qua Viber, nó đã trở nên mạnh mẽ hơn, ngày xưa chuyện gì
nó cũng nhờ em đứng ra giải quyết, còn bây giờ, hầu như chuyện gì nó cũng chủ động,
thật ra nước Mỹ có điều gì khiến cho mọi người đều “yêu” nước Mỹ đến như vậy?
Inbox của tôi hôm nay nhận được một tin nhắn của một đứa em
từ Sài Gòn, nói là đứa em nhưng thật ra tuổi tác thì cách tôi đến... 22 tuổi,
đang làm Graphic Designer cho một công ty quảng cáo. Câu hỏi của đứa em này tuy
đơn giản, nhưng để trả lời quả thật không đơn giản chút nào, thôi thì trả lời tới
đâu hay tới đó.
Trước hết nói về học vấn, các bạn bè của tôi, những người đến
Hoa kỳ từ giữa thập niên 80, họ cũng học hành đến nơi đến chốn nhờ những chương
trình tài trợ học phí của chính phủ (Financial aid), nếu người nào thiếu may mắn
không đủ điều kiện xin tài trợ học phí, thì vẫn có những ngân hàng, công ty tài
chánh cho sinh viên vay nợ học với lãi suất thấp, nói chung chỉ cần muốn đi học
thì có nhiều phương tiện để đến trường, vấn đề là có quyết tâm học hay không
thôi.
Tại Hoa kỳ, vào đại học không phải là chuyện to tát gì cả,
ai cũng vào được, chỉ cần có bằng trung học, hoặc nếu từ nước ngoài thì phải học
một năm chương trình GED (general education degree) ở College, tuổi nào cũng học
được, tuy nhiên để tốt nghiệp ra trường thì đó là cả một vấn đề, muốn ra trường
phải trải qua nhiều Examination (thi trắc nghiệm), đôi khi chọn luận án ra trường
sẽ khiến cho bản thân mất ăn mất ngủ. Nó khác với nền giáo dục ở Việt Nam, vào
đại học thì khó, nhưng ra đại học thì dễ như trở bàn tay.
Nước mỹ khuyến khích mọi tầng lớp dân chúng đi học, nước Mỹ
có đủ các chương trình dành cho mọi tầng lớp, và các bạn không cần phải tự mình
đi kiếm, khi các bạn bước chân vào trường, nhà trường sẽ có counselor (cố vấn),
họ xem hồ sơ của các bạn, sẽ biết rõ các bạn có đủ điều kiện xin tài trợ của
chính phủ không, nếu không thì sẽ có những chương trình tài trợ tư nhân, hay
vay mượn, và họ hướng dẫn các bạn điền đơn gởi đi và hoàn toàn không có một...
lệ phí nào.
Đó là về học vấn, còn ra xã hội làm việc, dù làm việc cho tư
nhân hay chính phủ (ngoại trừ ngành quốc phòng), các bạn sẽ phải trải qua từ ít
nhất một lần phỏng vấn cho đến nhiều lần, tùy theo vị trí các bạn xin việc, khi
phỏng vấn, họ (thường được gọi là human resources) sẽ hỏi về chuyên môn của các
bạn, kinh nghiệm, từng làm ở đâu, tại sao nghỉ việc, đôi khi họ còn trắc nghiệm
chuyên môn của các bạn, để xem tốc độ làm việc, sự cẩn thận và quyền biến của
các bạn đến mức độ nào. Có những công ty không cho phép người phỏng vấn có quyền
nhận người làm việc, họ chỉ có nhiệm vụ phỏng vấn, và đưa hồ sơ phỏng vấn cho
người xếp xem duyệt, và người xếp chỉ căn cứ hồ sơ phỏng vấn để quyết định, hoặc
sẽ đích thân người xếp phỏng vấn nếu cảm thấy hồ sơ của bạn có thể vào làm việc.
Bạn có quyền đòi hỏi mức lương bạn muốn, và giải thích lý do tại sao đòi lương
cao, còn thuyết phục được hay không là một chuyện khác. Riêng các công ty quốc
phòng đòi hỏi các bạn phải có quốc tịch Hoa kỳ, không có án hình sự, và khi được
nhận làm việc, nếu các bạn có ý du lịch ra nước ngoài các bạn phải thông báo, đến
nước nào, và sau khi đi du lịch về các bạn sẽ được phỏng vấn là đến quốc gia đó
các bạn đi nhưng nơi nào, gặp gỡ những ai, vì đây là qui tắc bảo mật liên hệ đến
công việc các bạn đang làm. (Ví dụ như NASA, các công ty sản xuất vũ khí, quân
dụng, lò nguyên tử hạt nhân v.v..)
Nếu chán cảnh đi làm công chức, các bạn có thể mở văn phòng,
dịch vụ hoặc cơ sở buôn bán ở địa phương của các bạn, chỉ đơn giản là các bạn
xuống văn phòng quận, hạt điền mẫu đơn để đăng ký tên (khỏi trùng với cơ sở
khác), đóng lệ phí (tại nơi tôi ở lệ phí là 23 Mỹ kim), thời gian đăng ký không
tới 5 phút, sau đó các bạn phải đi đăng báo tối thiểu một tuần lễ (trang rao vặt
của tờ báo tốn khoảng 35 Mỹ kim một tuần), rồi đến thành phố nào mà bạn muốn mở,
xin môn bài (Business License) lệ phí tùy theo thành phố, tùy theo dịch vụ của
các bạn là gì. Nếu là nhà hàng, chợ búa các bạn phải theo học lớp gọi là Food
License để hiểu rõ luật lệ, qui định cho ngành thực phẩm.
Và tất nhiên mọi người ra xã hội làm việc đều phải đóng thuế,
từ thuế lợi tức hàng tháng, hàng năm, cho đến thuế bảo hành xe cộ, thuế đất đai
nếu các bạn sở hữu căn nhà và thuế buôn bán. Tiền thuế bạn đóng sẽ được báo cáo
đầy đủ và cho bạn biết tiền thuế bạn đóng sẽ được chính phủ sử dụng vào việc
gì, ví dụ thuế bảo hành xe hàng năm, cơ quan nha lộ vận (DMV), sẽ dùng tiền thuế
đó trả lương cho những nhân viên phục vụ cho bạn, đóng góp vào ngân sách xây dựng
hạ tầng cơ sở đường phố của địa phương, và đóng góp vào những chương trình thiện
nguyện dành cho người thiếu may mắn. Hay thuế lợi tức của bạn, sẽ có bao nhiêu
đóng cho tiểu bang, bao nhiêu đóng cho liên bang, và bao nhiêu sẽ đóng vào quĩ
hưu trí cho chính bạn. Các bản báo cáo này sẽ đến tận tay bạn hàng tháng hoặc
hàng năm. Và nếu bạn làm việc liên tục trên 10 năm, sở xã hội có trách nhiệm gởi
thư báo cho bạn biết, tiền hưu trí của các bạn ở tuổi nghỉ hưu hàng tháng là
bao nhiêu, hoặc nếu bạn nghỉ hưu sớm thì bao nhiêu.
Bên cạnh trách nhiệm đóng thuế, chính phủ luôn khuyến khích
mọi người, mọi giới đóng góp vào các chương trình từ thiện xã hội, dù trong hay
ngoài nước, và chính phủ luôn khấu trừ thuế cho những đóng góp này, ngay tại
trường học, từ tiều học cho đến đại học, các trẻ em hay sinh viên đều được khuyến
khích tham gia các sinh hoạt xã hội cộng đồng, và họ được cộng thêm tín chỉ cho
những công việc này khi tốt nghiệp, đây người Mỹ gọi là Payback (đáp trả cho xã
hội). Càng giàu, càng nổi tiếng thì sự đóng góp lại càng phải nhiều hơn, nếu
không đóng góp hoặc không chứng minh được sự đóng góp, thì cá nhân hoặc công ty
đó sẽ đón nhận những chỉ trích gay gắt từ công chúng, dẫn đến những hệ quả bị tẩy
chay hoặc bị hủy các hợp đồng. Đó là lý do tại sao các bạn thấy nhiều minh tinh
tài tử Hoa kỳ hoặc các đại công ty, hàng năm đều báo cáo những đóng góp của họ
cho công việc từ thiện xã hội.
Bạn muốn mua nhà, ngoại trừ bạn để dành một số tiền lớn
không muốn mang nợ nần trả hết một lần, nhưng người Mỹ ít khi làm vậy dù họ có
khả năng trả một lần. Đa phần đều mượn nợ ngân hàng, thứ nhất là việc trả tiền
nợ nhà, họ được khấu trừ vào thuế lợi tức của họ, thứ hai là dùng tiền thặng dư
đó đầu tư vào nơi khác như làm ăn, cổ phiếu hay tài chánh vẫn có lợi nhiều hơn.
Nếu muốn mua nhà trả góp, nguyên tắc của ngân hàng rất rõ
ràng, điều đầu tiên là tín dụng cá nhân của bạn, thứ hai là khả năng chi trả
hàng tháng của bạn và thứ ba là số tiền đầu bỏ xuống (down payment).
Nếu tính dụng của bạn tốt (trên 700 điểm FICO), bạn mua nhà
lần đầu, chính phủ luôn có tài trợ cho bạn với phân lời thấp và bạn chỉ bỏ số
tiền đầu khoảng 3% - 5% trị giá của căn nhà, nhưng bạn phải có mức lương gấp 3
lần số tiền nhà trả hàng tháng (ví dụ món nợ 30 năm các bạn trả $2,000 một
tháng, thì lương các bạn phải là $6,000) vì ngoại trừ tiền góp cho ngôi nhà,
ngân hàng luôn tính đến chi phí hàng tháng mà bạn còn phải chi trả như điện, nước,
rác, xe cộ, bảo hiểm, chi phí gia đình v.v..
Nếu tính dụng của bạn xấu ( dưới 620 điểm FICO), ngân hàng
đòi hỏi các bạn phải trả tiền đầu là 20%, đồng thời chứng minh lợi tức cũng giống
như tôi nói ở trên.
Bên Mỹ mượn nợ ngân hàng không khó, quan trọng là bạn chứng
minh được khả năng trả nợ, từ mua xe, mua nhà cho đến mượn tiền làm ăn, v.v….
Và khi bạn không có khả năng trả nợ, vì thất nghiệp, vì thất
bại trong làm ăn, các bạn vẫn còn cơ hội, khai phá sản là giải pháp để các bạn
có thể làm lại từ đầu, nhưng trong 7 năm các bạn sẽ không thể mượn nợ của bất cứ
công ty tài chánh nào, và có nhiều ngân hàng lớn cũng không cho bạn mở tài khoản.
Đương nhiên việc khai phá sản sẽ không bao gồm tiền thuế nếu bạn thiếu, và nếu
không trả thuế bạn sẽ bị phạt vạ rất nặng thậm chí còn phải ở tù nếu khai gian
với sở thuế.
Luật lệ của nước Mỹ được đặt ra để bảo vệ quyền lợi của công
chúng dưới bản hiến pháp của Hoa Kỳ, chính phủ không thể dựa vào luật lệ để vi
phạm quyền căn bản trong hiếp pháp. Ví dụ quyền tự do ngôn luận, được xem là
tuyệt đối, bạn có thể chửi mắng bất cứ ai kể cả tổng thống, không ai bắt bạn vì
lý do này, còn có kiện bạn vì phỉ báng hay không là quyền của người đó, cảnh
sát không xen vào vì đó là kiện tụng dân sự, bất kể cá nhân người kiện là tổng
thống.
Bên cạnh đó là quyền sở hữu súng đạn, dù đã xảy nhiều vụ bắn
trong nhiều năm nay, chính phủ có thể đặt ra những luật lệ gắt gao để kiểm soát
súng đạn, nhưng dân chúng Hoa kỳ, kể cả cá nhân của tôi cũng không đồng ý hủy bỏ
điều này trong hiến pháp, vì quyền sở hữu súng đạn đồng nghĩa với quyền tự bảo
vệ cho bản thân và gia đình trước bạo lực, nhất là trong những trường hợp khi cảnh
sát chưa tới kịp, hay trong những khu biệt lập khó liên lạc với bên ngoài, nếu
không có những vũ khí hợp lệ, làm sao người dân đối phó kịp với những kẻ xấu có
súng đạn mua lậu? Các bạn có thể nhìn điều này qua lăng kính quyền lợi của các
công ty chế tạo súng đạn, nhưng cá nhân tôi hay nhiều công dân Hoa kỳ khác, thì
nhìn nhận sự việc hoàn toàn khác với các bạn, chúng tôi nhìn sự việc qua lăng
kính của quyền sinh tồn của cá nhân và gia đình nhiều hơn là quyền lợi như các
bạn đang sống ở Việt Nam.
Chính phủ muốn tăng thuế, muốn đặt thêm luật lệ, tất cả đều
phải thông qua lá phiếu của công dân có quốc tịch, không phải ban ngành nào muốn
đặt ra luật lệ thì đặt, và những công dân có quốc tịch đều bình đẳng giống
nhau, không phân biệt gì cả, người có quốc tịch sau 5 năm định cư ở Hoa kỳ, thì
quyền lợi của họ không khác gì những gia đình Mỹ trắng đã có mặt ở đây từ 200
năm trước. Có khác chăng chỉ là chiếc ghế tổng thống theo qui định phải là người
sinh ra tại Hoa kỳ.
Như tôi nói, luật lệ của Hoa Kỳ đặt ra là để bảo vệ cho công
dân, chứ không phải bảo vệ cho chế độ, ví dụ bạn là người thuê nhà, thì ngay cả
chủ nhà cũng không được phép bước vào căn hộ mà bạn đã thuê, nếu không có sự đồng
ý của bạn, cảnh sát cũng vậy, họ không được tự ý vô nhà của bạn mà không có sự
đồng ý của bạn, trừ phi họ có trát tòa cho phép, hoặc họ chỉ được xông vào
trong trường hợp khẩn cấp cứu người. Nhưng ngay cả khi khẩn cấp cứu người, cảnh
sát vẫn có khả năng bị kiện vì gây hư hại tài sản của công dân.
Tại Hoa kỳ quyền lực của cảnh sát, NSA, FBI hay CIA rất mạnh,
nhưng vẫn không mạnh bằng giới luật gia, khả năng bị kiện tụng của họ cũng rất
cao, do đó họ có những qui định rất gắt gao khi muốn sử dụng vũ lực, các luật
sư luôn trở thành “hung thần” của cảnh sát và nhân viên công lực, bởi vì họ biết,
đến chung cuộc, quyết định số mạng của họ là các luật sư và quan tòa, chính phủ
không thể can thiệp vào.
Nhiều bạn nhìn thấy các cuộc biểu tình bạo động ở Hoa kỳ,
thì vội cho rằng cảnh sát có quyền đàn áp và kẻ gây bạo lực sẽ ở tù, thì các bạn
chưa hiểu rõ về Hoa kỳ.
Đúng, về nguyên tắc bạn có thể biểu tình bất cứ giờ phút
nào, ở đâu mà không bị cảnh sát hay chính phủ bắt bớ, vì đó là quyền tự do ngôn
luận tuyệt đối trong hiến pháp.
Nhưng nếu bạn gây bạo động, đốt phá thì cảnh sát có có quyền
bắt giữ bạn và truy tố ra tòa, nhưng trên thực tế, cảnh sát cũng sẽ xem vào sự
việc, đánh giá trước khi truy tố.
Nếu động cơ của các vụ bạo động xuất phát từ các hoạt động tội
ác đường phố như hôi của, đốt phá, đánh đập người khác bị thương, đương nhiên cảnh
sát sẽ tỏ thái độ cứng rắn, bắt giữ, bắn hạ hay truy tố ra tòa với mức án thật
nặng.
Còn nếu động cơ các vụ biểu tình bạo động về chính trị (phản
đối chính sách của chính phủ, hay đạo luật nào đó được thông qua), môi trường
(bảo vệ sinh thái rừng, biển, hoặc phản đối những công ty, chính sách gây hại đến
môi trường) hay dân quyền bị vi phạm, tôi đảm bảo với các bạn rằng 80% đều được
trả tự do không hề bị truy tố, trừ phi cá nhân đó gây tổn hại cho thân thể người
khác, còn nếu không họ chỉ bị kiện về phá hoại tài sản của người khác về dân sự,
bồi thường chứ không bị tù đày. 20% còn lại nếu có bị truy tố, thông thường bản
án rất nhẹ, chỉ là làm việc cộng đồng từ 1 tuần lễ cho đến 6 tháng tùy theo mức
độ và cũng không bị kết án tù.
Quyền tự do chính trị được tôn trọng tuyệt đối tại Hoa kỳ, đất
nước này không có chế độ lưỡng đảng hay độc đảng, bất cứ công dân nào cũng có
quyền lập đảng, chỉ cần họ xin đủ chữ ký của những người ủng hộ theo qui định
và đóng lệ phí, thì có quyền lập đảng chính trị, đương nhiên sau khi lập đảng,
có thuyết phục được quần chúng tham gia vào đảng hay không lại là một chuyện
khác, nhưng luật lệ cho phép họ làm điều đó.
Hoa Kỳ có đến 50 tiểu bang, ngoại trừ những luật lệ chung của
liên bang, mỗi tiểu bang đều có luật lệ phù hợp với văn hóa, địa phương riêng,
giống như 50 quốc gia nhỏ trong một quốc gia lớn, chuyện bạo động xảy ra ở
Texas, mà tôi ở California, thì cũng giống như các bạn ở Sài Gòn hay Hà Nội mà
chuyện xảy ra ở Thái Lan hay Malaysia, nên đừng nghĩ rằng chúng tôi mỗi ngày sống
trong bạo động và súng đạn nhé.
Nước Mỹ của chúng tôi mỗi ngày có đến cả trăm triệu chiếc xe
chạy ngoài đường, hàng ngàn công ty công nghiệp nặng, đáng lý chúng tôi phải sống
trong không khí ô nhiễm kinh khủng, nhưng tại sao chúng tôi lại có bầu không
khí sạch sẽ hơn Việt Nam và những nơi khác? Đơn giản là vì chính phủ của chúng
tôi có những qui định rõ ràng, những chiếc xe nào chạy quá 3 năm, đều phải được
được đi Smoke check (kiểm tra độ khói xe), nếu mức độ khói xe vượt quá qui định,
thì sẽ không được phép đăng bộ để lưu hành ở ngoài phố, chủ xe phải sửa chữa để
đúng qui định. (việc đăng bộ xe là hàng năm, chung với thuế bảo hành xe), ngoài
ra chính phủ khuyến khích dân chúng chạy xe mới cho an toàn, và giảm mức độ ô
nhiễm, nên trói buộc các hãng xe phải thu gọn chi phí sản xuất, nhằm giảm giá
xe xuống, và các ngân hàng tài trợ mua xe cũng có chính sách dễ dãi hơn cho người
mua xe trả góp.
Bên cạnh đó, hầu hết các thành phố ở Hoa kỳ đều qui định, chủ
nhân một khu đất, cơ sở thương mại hay một căn nhà, đều phải trồng tối thiểu
12% cây xanh trên tổng diện tích, riêng nơi tôi ở, năm nay có thể đòi hỏi lên đến
từ 16% đến 20% cho những khu mới xây cất, mục đích là để tạo thêm không khí
tươi sạch cho thành phố.
Các công ty công nghiệp nặng, cứ mỗi 3 tháng đều được giới
chức chính phủ xuống thanh sát một lần để kiểm tra mức độ ô nhiễm, công ty nào
bị phát hiện vi phạm chỉ số ô nhiễm theo qui định, nhẹ thì bị phạt, còn nặng có
thể bị khởi kiện đến sạt nghiệp, thậm chí chủ nhân hay ban giám đốc, có thể bị
truy tố và ở tù.
Nước Mỹ luôn đòi hỏi sự thay đổi, cứ nhìn các cuộc bầu cử
thì các bạn cũng đã thấy, tôi không cần giải thích thêm, ngay cả trong cuộc sống
xã hội, những công ty từ cấp trung đến cấp lớn cũng vậy, mỗi ban giám đốc điều
hành họ chỉ ký hợp đồng 5 năm là tối đa, nếu công ty có lời đúng dự tính và mọi
việc minh bạch, thì họ có thể ký thêm với ban giám đốc điều hành, còn bình thường
sau 5 năm họ thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo điều hành, thứ nhất là ngăn chặn
tình trạng ở lâu sẽ sinh ra những tiêu cực, phe đảng hay đưa người thân vào vị
trí quan trọng để củng có quyền điều hành, thứ hai là sự thay đổi để công ty
không bị tụt hậu.
Nước Mỹ có tham nhũng không? Tôi khẳng định với các bạn là
có, nhưng mức độ tham nhũng rất thấp, và nạn tham nhũng không ảnh hưởng trực tiếp
đến đời sống của người dân.
Nước Mỹ có mang nợ không? Khẳng định là có, mà còn mang nợ
cao nhất thế giới, nhưng khả năng trả nợ cũng cao nhất thế giới, do đó nhiều quốc
gia xếp hàng chờ cho... nước Mỹ vay thêm nợ.
Nếu các bạn cho rằng nước Mỹ hiếu chiến, luôn gây chiến
tranh ở khắp nơi, tuy nhiên các bạn cứ suy nghĩ thêm, nếu thế giới này không có
nước Mỹ, liệu những nước nhỏ, có khả năng tồn tại với các nước lớn như Trung Quốc
và Nga hay không? Và nước Mỹ chưa bao giờ chiếm đất của quốc gia nào để tuyên bố
là lãnh thổ của Hoa kỳ, như Trung Quốc đã làm với Tây Tạng, Nội Mông, hay Nga
đã từng làm với Georgia, Chechya hay Ukraine.
Và trên đây chính là những lý do tại sao chúng tôi yêu quê
hương thứ hai này nhiều hơn là quê hương gốc, vì chính nước Mỹ đã có những cơ
chế minh bạch, rõ ràng, bảo vệ quyền lợi tối đa của người dân, tạo cơ hội đồng
đều cho mọi sắc dân, nên khi đến Mỹ được vài năm, hàng triệu người trên thế giới
đã xem bản thân là công dân của đất nước này, sẵn sàng trả giá để bảo vệ cho đất
nước này, bảo vệ cho giá trị quyền sống con người, những điều mà các bạn sẽ
không bao giờ nhìn thấy ở Việt Nam hay Trung Quốc, nếu những quốc gia này còn
dưới sự cai trị của chủ nghĩa Cộng Sản.
Trần Nhật Phong