Trong thời Chiến Tranh Lạnh, mỗi lần dân Mỹ đi bầu tổng thống người ta lại chú
ý coi Cộng sản Liên xô sẽ “ủng hộ ứng cử viên nào!” Năm 1968, ứng cử viên
Richard Nixon đã sai Henry Kissinger đến gặp Anatoly Dobrynin, đại sứ Nga ở
Washington để yêu cầu chính phủ Nga “trung lập,” đừng làm gì gây ảnh hưởng trên
cuộc tranh cử. Để làm quà cho Dobrynin, Kissinger báo trước nếu đắc cử, ông
Nixon sẽ rút quân Mỹ khỏi Việt Nam, dù sau đó cộng sản có thắng cũng chấp nhận.
Năm nay, chính phủ Nga có vẻ muốn gây ảnh hưởng trong cuộc bàu cử. Một cố vấn củaVladimir
Putin mới nói với phóng viên đài CNN rằng nếu bà Hillary Clinton thắng, “sẽ
có chiến tranh!” Trước đó, Nga đã đưa hỏa tiễn Iskander-M đến Aliningrad, phía
Bắc Ba Lan và Lithuania; có khả năng gắn bom nguyên tử bắn tới các thành
phố lớn ở Âu châu. Trong khi đó, đài truyền hình NTV của chính phủ Nga bảo dân
chúng hãy lo tìm chỗ tránh bom ngay gần nhà mình nhất, nếu cần thì có thể chạy
tới ngay.
Các nước Châu Á, ngay cả Trung Cộng, không nước nào có vẻ muốn
gây ảnh hưởng trên tâm lý cử tri Mỹ năm nay. Chính quyền Bắc Kinh tất nhiên giữ
miệng kín bưng; nhưng ngay cả dư luận dân chúng nước Tàu cũng phân vân trước cuộc
tranh cử ở Mỹ. Vì cả giữa hai ứng cử viên đều chống Trung Cộng, họ không biết
ai đắc cử thì lợi cho mình hơn! Dân lên mạng internet ở Trung Quốc tỏ ra rất
vui khi thấy trong cuộc tranh luận lần thứ nhì giữa Donald Trump và Hillary
Clinton, cái tên “China” chỉ được nói tới bốn lần – cuộc tranh luận đầu nói 12
lần. Bớt nói tới, tức là bớt chửi!
Trong số các đồng minh của Mỹ ở Châu Á, dân Nhật Bản chú ý đến
vụ bàu cử ở Mỹ hơn. Và họ rất lo ngại về ông Donald Trump. Trong khi tranh cử
sơ bộ, ông Trump đả kích nước Nhật nhiều lần về “tội” bán quá nhiều hàng sang Mỹ
và mua quá ít. Trong cuộc tranh luận đầu tiên, ông Trump lại nhắc đến Nhật Bản
khi nói đến chính sách ngoại giao của ông. Ông chủ trương các nước đồng minh
không trả tiền thì không được bảo vệ. Điều này ông đã từng nói, dọa sẽ không bảo
vệ các nước miền Baltic nếu quân Nga tấn công, vì các nước này không đóng đủ tiền
cho minh ước NATO. Ông Trump cũng từng đề nghị Nhật Bản, Nam Hàn, phải làm bom
nguyên tử để tự bảo vệ, không nên để dân Mỹ phải chịu! Trong lần tranh luận đầu,
ông Trump nói, “chúng ta không thể bảo vệ Nhật Bản, một quái vật khổng lồ (a
behemoth), đang bán cho chúng ta hàng triệu chiếc xe hơi!” Nghe những lời tuyên
bố đó, dân Nhật nghiêng về phía bà Clinton cũng dễ hiểu.
Một nước nhỏ nhất Châu Á lại theo dõi cuộc tranh cử ở Mỹ rất
kỹ là Singapore. Điều khiến chính quyền và năm triệu dân chúng hòn đảo này lo lắng
là số phận thỏa hiệp Mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương, TPP (Trans-Pacific
Partnership). Ông Trump chống TPP; cũng như chống các thỏa ước tự do mậu dịch
khác. Bà Clinton cổ động cho TPP khi còn làm ngoại trưởng, nay cũng chống vì đa
số đảng Dân Chủ vẫn chống. Nếu dân Singapore lo lắng tương lai TPP thì chắc dân
Nhật, Malaysia, Brunei, Úc, Tân Tây Lan và Việt Nam, cũng lo như vậy.
Nhưng điều khiến dân Singapore lo lắng hơn cả vụ TPP, là
chính sách Mỹ sẽ thay đổi ra sao trong việc đối đầu với Trung Cộng ở vùng biển
Đông Nam Á, nếu ông Trump đắc cử? Nước Mỹ hiện sử dụng một quân cảng ở
Singapore, và quốc gia nhỏ xíu này được chính quyền Obama đặt lên tầm quan trọng
ngang với Úc và Nhật Bản, một điều khiến Bắc Kinh đã tỏ ra tức giận. Nếu ông
Trump nhìn các vấn đề ngoại giao theo lối tính toán lời lỗ khi kinh doanh, thì
ông có thấy Singapore đáng bảo vệ hay không? Ông Miles Yu, giáo sư về lịch sử
ngoại giao tại Học viện Hải quân Mỹ (US Naval Academy) ở Annapolis, Maryland,
cho rằng bà Clinton sẽ gây khó khăn cho Bắc Kinh hơn ông Trump.
Nhưng liệu giới lãnh đạo Bắc Kinh có muốn ông Donald Trump
lên làm tổng thống Mỹ hay không? Không ai biết. Họ ghét bà Hillary Clinton, điều
này chắc chắn. Nhưng họ biết rõ về bà cựu ngoại trưởng Mỹ, biết bà muốn gì và
suy nghĩ thế nào, sau 21 năm nằm trong chính quyền và quốc hội Mỹ. Có thể nói
bà Clinton là ứng cử viên tổng thống được quốc tế biết rõ nhiều nhất, so với
các cựu tổng thống Ronald Reagan, Bill Clinton và George W. Bush, cũng như
Barack Obama, trước khi họ nhậm chức. Còn Donald Trump, ông hoàn toàn là một ẩn
số. Nếu bà Clinton thất cử, nhiều người ở Bắc Kinh sẽ mở rượu mừng, nhưng sau
đó họ sẽ bù đầu tìm hiểu xem ông Trump sắp làm gì!
Năm 2013, sau khi bà Clinton rời chức ngoại trưởng, tạp chí
Hoàn cầu Thời báo (Global Times) của Trung Cộng đã viết rằng bà là “nhà
chính trị Mỹ đáng ghét nhất;” đối với các công dân mạng ở Trung Quốc. Năm 1995,
với tư cách đệ nhất phu nhân Mỹ đến dự hội nghị thế giới về phụ nữ tại Bắc
Kinh, bà Clinton đã lớn tiếng đả kích chính quyền Trung Cộng xâm phạm nhân quyền;
sau đó báo và đài của họ không còn loan báo bất cứ tin tức nào về bà nữa. Trong
một thông điệp bị tiết lộ vào tháng Chín năm 2015, bà Clinton đã chỉ trích chủ
tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “vô liêm sỉ” (shameless), vì trong khi ông ta tổ
chức một cuộc tiếp tân về “quyền tự do của phụ nữ” tại trụ sở Liên Hiệp Quốc,
thì chính quyền Trung Cộng đang bắt giữ năm phụ nữ Trung Hoa biểu tình ôn hòa tại
Bắc Kinh, chỉ để biểu dương cùng những quyền tự do đó!
Năm 2008, bà Clinton đang giành nhau với ông Obama trong đảng
Dân Chủ, bà đã đề nghị tổng thống George W. Bush hãy ra lệnh tẩy chay Thế vận hội
ở Bắc Kinh. Năm 2010, bà Clinton là chính khách Mỹ đầu tiên lên tiếng, ngay tại
Hà Nội, rằng quyền tự do hàng hải trong vùng Biển Đông là “quyền lợi quốc gia”
của chính phủ Mỹ. Cộng sản Trung Hoa coi bà là người chủ chốt tạo ra chính sách
“chuyển trục sang Châu Á” của chính quyền Obama.
Trong số những emails mới bị WikiLeaks tiết lộ, có một bài
diễn văn bà Clinton đọc cho các nhân viên ngân hàng Mỹ, do Goldman Sachs tổ chức
vào năm 2013, trong đó bà kể những cuộc đối đầu với giới lãnh đạo Trung Cộng
trong thời gian còn làm ngoại trưởng. Bà từng nói với các viên chức ngoại giao
Trung Cộng rằng, nếu Bắc Kinh đòi làm chủ cả vùng Biển Đông Nam Á, thì chính phủ
Mỹ cũng có thể tuyên bố cả Thái Bình Dương là “Biển của nước Mỹ!” Bắc Kinh chỉ
dựa trên những di vật như đồ gốm, thuyến đánh cá từ thời xa xưa để lại, trong
khi nước Mỹ có chứng cớ là những chiến dịch quân sự thời thế chiến thứ hai:
“Chúng tôi đã giải phóng Thái Bình Dương! Chúng tôi đã bảo vệ Thái Bình Dương!
Chúng tôi có thể gọi đó là Biển Hoa Kỳ, từ bở biển California sang tận
Philippines!” Khi nhà ngoại giao Trung Cộng đáp lại rằng nước Tàu có thể đòi
Hawaii thuộc về mình, bà Clinton trả lời: “Xin lỗi, Nước Mỹ đã mua Hawaii! Có
giấy tờ làm chứng!”
Trong bài diễn văn (có trả tiền) tại hãng Goldman Sachs, bà
Clinton nói với cử tọa rằng Trung Cộng muốn làm chủ cả vùng biển Đông Nam Á. Bà
nói người Trung Hoa tha hồ đòi chủ quyền, đó là quyền của họ, nhưng nước Mỹ phải
đẩy lùi họ. Nếu không bị ai đẩy lùi, Trung Cộng sẽ có thể “thắt họng” con đường
chuyên chở 48% hàng hóa trao đổi trên thế giới, cũng như “chặn họng” các nước
chung quanh vùng này.
Bà Clinton cũng tiết lộ rằng trong giới lãnh đạo nước Trung
Hoa, các tướng lãnh là những người ủng hộ thái độ gây hấn của Bắc Hàn mạnh nhất,
chính họ ảnh hưởng trên cả đảng cộng sản. Bà cho biết đã nói thẳng với Bắc Kinh
rằng nếu họ không ngăn cản Bắc Hàn, thì nước Mỹ sẽ không thể bất động. Chính phủ
Mỹ sẽ “đặt chung quanh nước Tàu một hàng rào hỏa tiễn phòng thủ.” Và “sẽ đưa
nhiều chiến hạm tới vùng biển chung quanh.” Lời đe dọa này đã thể hiện trong
năm 2016, khi Nam Hàn đón nhận hệ thống phòng thủ không phận (THAAD) và các cuộc
tập trận chung với Nhật Bản và Nam Hàn.
Với tất cả những gì Bắc Kinh biết về thái độ của Hillary
Clinton trong quá khứ, họ biết bà sẽ là một tổng thống Mỹ cứng rắn đối với
Trung Cộng. Nhưng không chắc họ sẽ vui mừng nếu ông Donald Trump đắc cử. Bởi vì
họ không biết thực sự ông ta chủ trương thế nào. Hầu hết những lời ông chỉ
trích Bắc Kinh đều dựa trên chủ trương chống tự do mậu dịch. Ông Trump đã tỏ ra
ngưỡng mộ tổng thống Nga Putin, coi là một nhà lãnh đạo “mạnh” hơn ông Obama.
Liệu ông ta có khen tài ông Tập Cận Bình vì ông này cũng thâu tóm gần hết quyền
hành vào trong tay sau ba năm tại chức hay không? Tập Cận Bình không thể đánh
cá “ủng hộ” ông Trump được, vì đó là một con người khó đoán trước. Vì thế Bắc
Kinh sẽ không muốn nói và làm gì ảnh hưởng tới cuộc tranh cử ở Mỹ. Vladimir
Putin thì khác hẳn, ông muốn nhúng tay vào tất cả mọi nơi trên thế giới, nếu có
thể!
Ngô
Nhân Dụng