1.
Tôi rất thích hai câu thơ này trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều:
Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ
Quán thu phong đứng rũ tà huy
Đọc hai câu này, lúc còn học trung học, tôi cứ nghĩ phải có một cái cầu tên là
cầu Thệ thủy (viết hoa) và một cái quán tên là quán Thu phong (cũng viết hoa).
Cầu và quán đã được nhân cách hóa: ngồi và đứng.
Thực ra thì chẳng có cầu nào là cầu thệ thủy, chẳng có quán nào là quán thu
phong cả. Tôi thấy thấp thoáng trong hai câu thơ kia là hình ảnh một bến đò hiu
hắt dưới bóng nắng chiều rời rã, dòng nước cứ xuôi chảy miên man, không bao giờ
dứt.
Hình ảnh một bến đò xưa cứ ám ảnh mãi trong tôi:
“… Có một thoáng mù sương
Lẩn trong chiều cổ độ”…
(“Có ta và em” – NP phan)
“Cổ độ” là hình ảnh bến đò xưa và dòng sông thời thơ ấu của tôi.
Đã nhiều lần tôi nhủ lòng là phải về thăm lại bến đò xưa. Nhưng cuộc sống cứ
cuốn lấy tôi. Cứ mãi lần lữa, dây dưa.
2.
Tôi có dịp trở lại thăm nhà ngoại sau hơn bốn mươi năm.
Cậu Ba là người em cùng mẹ khác cha với mẹ tôi. Cậu mất đột ngột do đột quỵ lúc
chỉ hơn bảy mươi lăm tuổi. Vợ chồng tôi phải về để tang cậu. Có lẽ đã hơn bốn
mươi năm tôi mới trở lại thăm nhà ngoại. Ngoại đã mất từ lâu, năm nào tôi cũng
không nhớ. Mẹ tôi cũng đã xa anh em chúng tôi hơn một năm khi ngoài tám mươi.
Căn nhà của ngoại ngày xưa bây giờ đã thay đổi quá nhiều, tôi không thể nhận
ra. Con đường đất trước nhà ngoại đang được đổ bê tông. Hai gian nhà tranh đã
được thay bằng hai căn nhà ngói liền nhau với các tiện nghi của cuộc sống hiện
đại ở vùng nông thôn. Những thửa ruộng xung quanh nhà, bây giở đã là khu vườn
rộng, có mấy cây xoài to lớn. Tôi hỏi mợ tôi:
– Con nhớ hồi xưa có hai cây mít ở hai đầu nhà và trước nhà là một cái mương
nước, phải không mợ?
– Đúng rồi, trí nhớ con tốt đó. Hai cây mít đã chết từ sau khi ngoại con mất.
Cái mương nước trước nhà cũng bị lấp sau khi xã làm lại hệ thống thủy lợi.
– À, bến đò Cầu Voi bây giờ còn không hả mợ?
– Không còn bến đò nữa. Mà sao con lại hỏi bến đò Cầu Voi?
Tôi chỉ cười, không nói gì.
Xong việc thì trời đã tối. Vợ chồng tôi phải vội trở về thành phố.
3.
Đó là vào khoảng gần cuối năm 1964.
Năm ấy tôi đang học lớp Tư (tức là lớp Hai bây giờ) trường làng. Mới vào học độ
chừng hai tháng thi tôi phải nghỉ học vì chiến tranh nổ ra trên khắp cả tứ thôn
Đại Điền. Quê tôi đồng khởi, phá ấp chiến lược, thành lập “chính quyền cách
mạng”. Cha mẹ tôi và mọi người vẫn gọi năm ấy là năm “ly sơn”. Trường tiểu học
nơi tôi học đóng cửa. Các thầy giáo cũng đã rời trường.
Vì tuổi còn quá nhỏ, tôi chẳng nhớ gì nhiều. Chỉ nhớ rằng, tôi không phải đi
học mà rong chơi thỏa thích, nào bắt dế, bắn chim, thả diều và rất nhiều trò
chơi vui vô kể. Tối đến, thỉnh thoảng được coi các đoàn văn công diễn ở trụ sở
thôn (Trụ sở sau này bị đánh sập một lần và sau đó bị đốt cháy một lần nữa nên
vẫn thường gọi là “Trụ sở sập” hay “Trụ sở cháy”). Các tiết mục múa hát, cả
diễn kịch có anh lính giải phóng đánh nhau với anh lính cộng hòa. Tôi nhớ có
người đã nhảy lên sân khấu đòi đánh anh lính cộng hòa trong khi vở kịch đang
diễn. Tất cả khán giả là người dân quê tôi.
Đêm đêm, nhất là những đêm trăng sáng, thỉnh thoảng có những “sinh hoạt” gì đó
tôi cũng chẳng biết. Và thỉnh thoảng, có những đoàn quân rất đông người với bao
nhiêu là súng ống đạn dược, kéo về trong một đêm, rồi sáng sớm hôm sau họ lại
lên đường. Chắc là đánh nhau ở đâu đó. Tôi nghe loáng thoáng cha mẹ tôi nói là
bộ đội chủ lực gì gì đó.
Những chuyện này tôi sẽ kể thêm sau khi có dịp.
Tôi cứ suốt ngày rong chơi trong gần một năm học.
Khi bắt đầu vào năm học tiếp theo, trường học vẫn chưa được mở lại.
Không thể để con phải nghỉ học, cha tôi đã bàn với bác Hai tôi, bằng cách nào
đó phải cho lũ trẻ đi học trở lại. Lũ trẻ ở đây là tôi và chị Sáu (con của bác
Hai), lớn hơn tôi một tuổi.
Tôi có người chú họ ở Phú Ân Nam, bên kia sông Cái. Dạo ấy, vùng này còn tương
đối an ninh (như cách nói của người lớn). Nhà chú tôi ở gần cầu Ông Bộ, ngay
bên đường quốc lộ 1, trên đường về thị xã. Chú tôi làm nghề thợ mộc, có nhà
cửa, cơ ngơi làm ăn khá rộng rãi, đàng hoàng. Bên kia cầu Ông Bộ là thôn Võ
Cạnh thuộc xã Vĩnh Trung, quận Vĩnh Xương.
Thôn Võ Cạnh nổi tiếng vì nó gắn liền với câu ca dao về các đặc sản của “Xứ
trầm hương”:
Yến sào Hòn Nội
Vịt lội Ninh Hòa
Tôm hùm Bình Ba
Nai khô Diên Khánh
Cá tràu Võ Cạnh
Sò huyết Thủy Triều
Đời anh cay đắng đã nhiều
Về đây ngọt sớm ngon chiều với anh
Trong sáu đặc sản trên đây, có hai món bây giờ có lẽ đã “tuyệt tích giang hồ”
là nai khô Diên Khánh và cá tràu Võ Cạnh.
Võ Cạnh còn nổi tiếng với tấm bia Võ Cạnh. Bia Võ Cạnh được Viện Viễn Đông bác
cổ phát hiện tại làng Võ Cạnh và đưa về Hà Nội năm 1910. Đây là tấm bia cổ duy
nhất còn lại của vương quốc Champa xưa, khắc bằng chữ Sanskrit, là tấm bia cổ
nhất vùng Đông Nam Á, có giá trị lịch sử lớn.
Đó là những gì về Võ Cạnh tôi biết về sau này.
Cha mẹ tôi đã gửi tôi và chị Sáu ở trọ nhà chú Năm và học ở Trường Tiểu học Võ
Cạnh, nằm phía bên kia cầu Ông Bộ, cách nhà chú chỉ khoảng vài trăm mét.
Trường Tiểu học Võ Cạnh nằm bên cạnh đình Võ Cạnh, một ngôi đình cổ, uy nghi.
Đó là một ngôi trường nhỏ, nằm sát bên đường quốc lộ, một dãy nhà hình chữ L,
có khoảng năm sáu phòng gì đó, tường xây, lợp ngói. Tôi và chị tôi vào học lớp
Ba (cũng là lớp Ba hiện nay) mặc dù chưa học xong lớp Tư. Tôi nhớ lớp học có
khoảng bốn chục học sinh mà bây giờ tôi chẳng nhớ ra ai cả, trừ một bạn có học chung
với tôi ở bậc trung học mấy năm sau đó.
Ở trọ nhà chú Năm, tôi và chị tôi chỉ lo ăn học, chẳng phải làm việc gì vì còn
quá nhỏ. Nhà chú cũng có mấy đứa con cùng trang lứa với chúng tôi nên vui chơi
thỏa thích, nhất là vào chập tối, lúc ăn cơm xong (vì ban ngày phải đi học cả
ngày).
Những đêm sáng trăng, chúng tôi chơi đủ trò chơi từ u mọi, cút bắt, bịt mắt bắt
dê… Có một dạo, tôi bị “quáng gà”, chắc là do ăn uống thiều chất, với lại tôi
cũng rất kén ăn. Ban đêm tôi chẳng nhìn thấy gì, không chơi được trò chơi gì,
tức muốn phát khóc. Sau một thời gian ngắn, chừng hơn tháng gì đó, thì cũng tự
khỏi, không biết làm sao.
Nhiều đêm, nhớ nhà, nhớ cha mẹ và các em, tôi cứ nằm khóc rưng rức mà chẳng có
ai dỗ dành.
4.
sông Cái ngăn giữa hai thôn Phú Ân Nam (thuộc xã Diên An) và Phú Ân Bắc (thuộc
xã Diên Phú). Lúc ấy, từ bên này sang bên kia hoặc ngược lại, phương tiện duy
nhất là đi đò. Từ Phú Ân Nam, gần nhà chú tôi, có một con đường nhỏ chạy giữa
cánh đồng lúa của làng, dẫn đến một bến sông. Bên kia sông là bến đò Cầu Voi.
Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì nó nằm gần bên một chiếc “cầu tre lắt lẻo” tên
là Cầu Voi (Không hiểu sao lại gọi là Cầu Voi), bắc ngang một nhánh sông nhỏ. Ở
đó, thường có một chiếc nhỏ đò chờ đưa khách qua sông.
Thường thì cứ vào cuối buồi chiều cuối tuần (có khi hai tuần), tôi và chị tôi
xin phép chú thím, dắt díu nhau về thăm nhà. Hai đứa bé, một lên tám, một lên
chín tuổi lôi thôi lếch thếch đi bộ quãng đường dài sáu cây số. Chị đi trước,
em lẽo đẽo theo sau, nhiều lúc đi theo không kịp chị, cứ vừa đi vừa khóc, cố
chạy theo cho kịp chị để còn lên đò qua sông.
Chị Ngôi là người chèo đò đưa chúng tôi qua lại trên dòng sông Cái. Bây giờ tôi
cũng không hình dung ra được khuôn mặt chị, chỉ nhớ là chị còn trẻ, hơn chúng
tôi độ gần mười tuổi, hay đội chiếc nón lá. Hôm nào chị bận việc gì đó không
chèo đò thì có cha chị (tôi đoán vậy) chèo thay. Mấy mươi năm rồi, không biết
bây giờ chị thế nào, gia đình, chồng con ra sao, sinh sống nơi đâu?
Tôi nhớ có hôm hai chị em về đến cánh đồng gần nhà thì súng bỗng nổ vang, đạn
bay “chíu chíu” trên đầu, đạn cối nổ ngay trước mặt, chớp lửa nhoáng nhoàng.
Phía bên này và phía bên kia từ trong các khu vườn nhà dân thi nhau nã đạn về
phía nhau. Chị em tôi nháo nhào chạy dưới hai làn đạn, chạy cả xuống ruộng bùn,
vừa chạy vừa la khóc. May mà cũng về được đến nhà không sao cả.
Trong thời gian tôi học lớp Ba tại Trường Tiểu học Võ Cạnh, chiến tranh vẫn
diễn ra ở tứ thôn Đại Điền và ở nhiều nơi khác.
Sau gần một năm thì “chính quyền cách mạng” ở tứ thôn Đại Điền giải tán. Phía
“quốc gia” tấn công ác liệt để giành lại vùng tứ thôn Đại Điền. Phong trào “ly
sơn” tan rã, cán bộ, du kích rút hết lên núi.
Hết năm học, tình hình tạm yên. Cha tôi đưa chúng tôi về quê. Chúng tôi giã từ
chú thím và các em, giã từ thầy cô và các bạn học trường Võ Cạnh trong tiếc
nuối bùi ngùi.
Tôi về lại Trường Tiểu học Đại Điền Đông, học lên lớp Nhì.
Đó là vào khoảng tháng 9 năm 1966, năm Bính Ngọ.
Năm sau và những năm sau nữa, khói lửa chiến tranh lại tiếp tục bùng lên dữ
dội.
5.
Trời đã về chiều nhưng nắng vẫn còn gay gắt.
Từ nhà ngoại, tôi chạy xe dọc theo xóm thôn bên bờ bắc sông Cái. Nhà cửa khang
trang, ruộng đồng tươi tốt. Đi mãi một lúc thì đến Cầu Voi. Chiếc cầu tre năm
nào được thay bằng chiếc cầu bê tông kiên cố.
Bến đò Cầu Voi năm nào đâu rồi?
Tối hỏi một chị bán hàng gần cầu:
– Xin lỗi chị, chị có biết bến đò Cầu Voi chỗ nào không?
– Em không biết bến đò nào cả, chỉ biết Cầu Voi này thôi. À, có khi anh hỏi bà
bác kia kìa, bác ấy lớn tuổi chắc là biết.
Tôi tiến tới người phụ nữ lớn tuổi, chắc cũng xấp xỉ tám mươi, trông còn khá
khỏe mạnh, lễ phép hỏi:
– Thím cho cháu hỏi, thím có biết bến đò Cầu Voi hồi xưa bây giờ ở đâu không ạ?
Thím nhìn tôi từ đầu đến chân rồi hỏi lại:
– Cháu người vùng này hay ở đâu? Muốn tìm nhà bà con ở đây à?
– Dạ, quê cháu bên Đại Điền. Hồi nhỏ, cháu trọ học bên Phú Ân Nam, hàng tuần
hay đi về thăm nhà, qua bến đò Cầu Voi này. Cũng đã lâu lắm rồi, chắc cũng gần
năm mươi năm. Cháu chỉ muốn thăm lại bến đò ngày xưa thôi ạ.
Thím cười giòn giã:
– Bến đò Cầu Voi đã bỏ lâu rồi cháu ạ. Nó nằm ở chỗ kia kìa.
Theo tay bà thím chỉ, tôi thấy hai ba ngôi nhà cây cối um tùm, không có lối nào
dẫn xuống bến sông.
Nhìn sang bên kia sông, tôi cũng không thấy dấu vết gì ngoài hàng tre xanh
mướt.
Bến đò xưa, từ lâu đã không còn nữa.
Tôi cám ơn chị bán hàng và người thím, rồi thẫn thờ nhìn ra dòng sông.
Chiều đã xuống. Nắng tắt dần.
Trong lòng tôi là một khoảng trống mênh mang.
Tháng 10/2016
NP phan