24 November 2016

CHẠY HAY CHẾT - Nguyễn Đạt Thịnh

Sáng thứ Hai, 14 tháng 11, 2016 dân cư trong thành phố Aleppo nhận được một cái “text message” (một loại thư gửi qua điện thoại) với ba chữ vắn tắt “flee or die” (chạy hay chết). Thời hạn để chạy (flee) là 24 tiếng đồng hồ.
Bức điện thư gửi cho kháng chiến quân Syrian và lực lượng Hồi Giáo IS dài hơn, nguyên văn như sau, "Gửi những người võ trang đang có mặt trong địa phận Đông Bộ Aleppo: Chúng tôi cho các anh 24 tiếng đồng hồ để rời khỏi trú khu các anh đang chiếm đóng; những lãnh tụ hải ngoại của các anh không còn khả năng đưa các anh ra khỏi Aleppo nữa. Bất cứ anh nào cũng có thể bỏ khí giới tại chỗ, rồi được chuyên chở an toàn đến một khu vực khác do chính các anh chọn; chúng tôi bảo đảm sự an toàn của các anh trên lộ trình di chuyển. Sau kỳ hạn 24 giờ quân đội chính phủ sẽ thức hiện một cuộc tấn công chiến lược, sử dụng nhiều vũ khí vô cùng tối tân.

Chiến tranh vẫn tàn khốc ở Syria
Một tình nguyện viên thuộc lực lượng phòng vệ dân sự, được gọi là lực Nón Trắng, đang vác một người đàn ông bị thương sau một đợt oanh kích mới của chiến đấu cơ Syria được Nga hỗ trợ nhắm vào thành phố Aleppo ngày thứ Bảy. Thành phố này hầu như không còn tòa nhà nào không bị trúng đạn hoặc sụp đổ, kể cả các bệnh viện và trường học. (Ameer Alhalbi/ Getty Images)

"Bọn lãnh đạo kháng chiến đang sống trong những khách sạn sang trọng, những lâu đài lộng lẫy không quan tâm đến số phận của những người dân nghèo các anh đang sống tại Đông Bộ Aleppo; chúng chỉ khai thác các anh cho tư lợi của chúng. Chúng tôi cho các anh 24 giờ ân huệ để ra khỏi Aleppo."
Trong lúc lá thư “mở lối thoát” cho cả kháng chiến quân thân Mỹ, lẫn lực lượng IS Hồi Giáo, thì người Nga -đồng minh với chính phủ al-Assad, đưa thêm hàng không mẫu hạm và xe phóng hỏa tiễn vào chiến trường Syria.

Phóng viên Osama Bin Javaid của hãng thông tấn Ả Rập Al Jazeera tường trình, “Chiến trường chuyển động sôi nổi, mọi người tin là cuộc tấn công Aleppo sẽ vô cùng ác liệt."
Thường dân Aleppo đổ ra đường, tay bồng, tay dắt “chạy để không bị giết.”

Chạy để không bị giết.

Dân có 24 tiếng để di tản.

Phóng viên CNN tường trình, "Khiếp đảm trước tối hậu thư chạy hay chết và khốn khổ, đói khát vì tình trạng bị cắt đứt tiếp tế, nhưng nhiều cư dân Aleppo vẫn không chạy; họ không tín nhiệm lời hứa của chính phủ Syria cho họ an toàn rời bỏ Aleppo, đến một địa phương khác, do họ tự ý chọn.”
Giáo viên dạy Anh ngữ Abdulkafi Alhamdo nói với phóng viên truyền thông, "Vợ tôi khiếp sợ, đám học sinh nhỏ còn theo học với tôi cũng khiếp sợ, mọi người khiếp sợ, kể cả tôi. Tôi xin truyền thông nói cho thế giới hiểu lý do khiến chúng tôi dù sợ, nhưng vẫn không di tản. Lý do đó là chúng tôi không muốn di tản.

"Ở lại đây chúng tôi có thể bị giết, nhưng ở chỗ nào mà người Syria không bị giết đâu! Chúng tôi chọn thái độ ở lại đây vì sống tại Aleppo chúng tôi có tự do; chỗ chúng tôi di tản đến, có thể không có tự do."
Tinh thần yêu chuộng tự do của người Aleppo thật là đáng quý và không xa lạ gì với người Việt Nam -chúng ta cũng đã trả giá rất đắt, trả bằng máu, và bằng chính sinh mạng của chúng ta trong cuộc di tản khổng lồ năm 1975, cũng chỉ vì muốn sống tự do.

Nhưng sống cách nào với tình trạng thực phẩm trong thành phố Aleppo đã cạn kiệt sau hơn hai tháng bị đoạn lương thực -không quân Nga đánh cháy rụi 31 chiếc xe vận tải lớn chở tiếp vận vào Aleppo, giết 20 tài xế?

Bashar al-Assad

Những lãnh tụ hải ngoại không còn khả năng đưa các anh ra khỏi Aleppo nữa.

Trước câu hỏi không có lời giải đáp đó, ông giáo Alhamdo nhún vai trong thái độ bất cần, rồi nói, "Chẳng phải chỉ riêng thực phẩm và thuốc men mới hết, Aleppo cạn kiệt mọi thứ nhu yếu phẩm để sống còn; nhưng cũng đành chịu thôi."

Thảm cảnh “chạy hay chết” đã đến với người Việt Nam 42 năm trước, với rất nhiều điểm tương đồng, như, người tị nạn Việt Nam cũng chọn hướng tự do, dân chủ trong lúc chạy; Quân Khu I, Quân Khu II bị Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bỏ trống (vì tuân lệnh Mỹ?), người Việt miền Trung, và miền Cao Nguyên chạy về hướng Nam -hướng tự do; không ai chạy ngược lên hướng Bắc, hướng yên bình, không còn tiếng súng.

Một tương đồng khác là thái độ của người Mỹ phủi tay, muốn chấm dứt chiến tranh năm đó -năm 1975- và năm nay 2016. Không những chỉ phủi tay bước ra khỏi chiến trường, mà người Mỹ còn giúp Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, và giúp Việt Cộng đánh chiếm Nam Việt năm 1975.

Chính phủ Mỹ giải thích là Quốc Hội trói tay họ, cúp ngân khoản viện trợ đến mức Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tác chiến với những khẩu súng thiếu đạn, những chiếc khu trục thiếu bom, thiếu xăng; đến ngay cả lương lính VNCH cũng chỉ được Quốc Hội Mỹ chuẩn thuận cho nửa đầu của năm 1975; nói cách khác Nam Việt sẽ không có tiền phát lương cho lính, nếu chiến tranh kéo dài thêm ba tháng nữa.
Đối với Hoa Kỳ, thì lịch sử của họ đang lập lại, cảnh tháo chạy năm 1975 đang tái diễn: trên chiến trường người Nga cũng đang tăng cường cho quân đội al-Assad, như ngày xưa họ và Trung Cộng tăng cường cho quân cộng sản Bắc Việt, trong lúc Mỹ tháo chạy; hàng ngày bom nổ và bom hóa học được thả xuống Aleppo giết chết những người không chạy kịp hoặc không chịu chạy.

Tối hậu thư “chạy hay chết” đã bảo thẳng những kháng chiến quân Syrians thân Mỹ là “những lãnh tụ hải ngoại của các anh không còn khả năng đưa các anh ra khỏi Aleppo nữa,” câu nói đáng buồn ở điểm nó mô tả đúng thế bó tay của tổng tư lệnh Obama -ông chỉ còn làm tổng tư lệnh thêm 50 ngày nữa; suốt 50 ngày đó ông bị cả Thượng lẫn Hạ Viện quốc hội Cộng Hòa trói tay, trói chân nhốt trong Tòa Bạch Ốc.

Tổng thống Syria cũng không buồn ngó tới ông để ông còn hy vọng thương thuyết, xin một lối thoát cho những người kháng chiến quân Syria sắp lãnh tháng lương cuối cùng của CIA Mỹ.

Ông cũng tự biết Assad không còn quan tâm đến ông nữa, vì vị tân tổng thống Hoa Kỳ vừa đắc cử đã gọi Assad là người bạn đồng minh.

Obama đang quan tâm đến legacy của ông -ông cần bảo vệ cái di sản ông để lại cho Hoa Kỳ sau tám năm cầm quyền. Ông sẽ viết hồi ký, quyển sách kể lại những thành công, và thất bại của ông trong vị trí “nhà lãnh tụ nhiều quyền năng nhất thế giới."

Quyển hồi ký đó không thể mỏng hơn 500 trang; trong đó ông dành cho Aleppo mấy chục trang, và dành cho lá tối hậu thư “flee or die” mấy trang?

Tác giả bài báo nhỏ này muốn viết một lời khen ông, như hắn thường khen chiến lược “không để lính Mỹ chạm gót giầy xuống chiến trường,” nhưng lần này, khen một bại tướng đang khoanh tay, thúc thủ trước tối hậu thư của địch, quả không phải là việc dễ làm.

Aleppo của ông, cũng hơi giống Ô Giang của Hạng Võ, nhưng dựa theo câu Vương bất quá Hạng, để khen “Tôn Tử không hơn Obama” thì cũng nhàm và nhảm.

Tôi đề nghị ông viết quyển Ba Lần Vấp Ngã kể lại ba thất bại chính trị, kinh tế và chiến tranh lớn nhất trong tám năm ông cầm quyền; trong ba lần vấp ngã đó cái nhục tối hậu thư “chạy hay chết” là một.
Quyển sách ông viết sẽ được hậu thế học hỏi để một Aleppo khác không tái diễn cuộc tháo chạy tại Việt Nam.


Nguyễn Đạt Thịnh