24 November 2016

MIẾNG ĂN - Cao Xuân Huy

Tôi đã giữ được bao nhiêu năm, nhưng rồi cuối cùng, vẫn bị vướng vào một điều nhục nhã: miếng ăn.
Tôi là một thằng vô sản chuyên chính, vì cả ba bốn năm nay tôi luôn luôn là con bà phước, không bao giờ tôi có quà cáp, đồ ăn thức uống gì được gửi đến hoặc được đem đến tiếp tế từ những người thân ở ngoài đời.
Ngoài tiêu chuẩn ăn uống hằng ngày của trại cấp phát, tôi phải tự “mưu sinh” để được bồi dưỡng bằng những con cóc, con nhái, con rắn, con chuột ở ngoài ruộng, ngoài bìa rừng trong những lúc đi lao động, chỉ có những con vật nào không nhúc nhích hoặc nằm ngửa mới thoát khỏi cái mồm của tôi, hoặc tôi đã tự “cải thiện” bằng rau má, rau tàu bay, cây và bắp chuối rừng… Tóm lại, vừa tiêu chuẩn của trại, vừa kiếm chác thêm, tôi đã cầm cự được với cái đói trong nhiều năm nay.

Nhưng, nếu sự đói khổ, thiếu thốn được chia sẻ, phân phối đồng đều cho mọi người trong cùng một hoàn cảnh, tức là mọi thằng tù đều vô sản như nhau, không có cách biệt nào của kẻ thiếu người thừa, thì sự thiếu thốn được cảm thấy nhẹ hơn, ít hơn. Ðằng này, tuy cùng một hoàn cảnh tù tội như nhau nhưng có những thằng vô sản như tôi, mà cũng lại có những thằng tư bản, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm luôn luôn đầy đủ, đầy đủ đến độ thừa thãi, thì sự thiếu thốn của những thằng vô sản không thể nào cảm thấy nhẹ nhàng, dễ khắc phục được. Hằng ngày nhìn người khác ăn uống thoải mái, mức độ thèm thuồng của tôi được tăng lên theo cấp số nhân, quay quắt hơn, bất ổn hơn.

Vào những ngày cuối năm, trời lạnh, thường thì vào buổi tối, sau khi học tập chính trị bằng cách nghe đọc báo, sau khi kiểm điểm công tác lao động trong ngày, và sau khi điểm danh tối là đến giờ ngủ, giờ sung sướng, thoải mái nhất trong sinh hoạt mỗi ngày của chúng tôi, giờ mà mọi người chờ đợi trong ngày để nghỉ ngơi, để dưỡng sức, thì chính lúc này mới lại là lúc tôi bị hành hạ nhiều nhất. Trước khi ngủ, những tay bạn tù nằm cạnh, nằm quanh ít ra cũng có miếng đường, thìa bột cho vào mồm làm ấm dạ dày, có điếu thuốc “thẳng”, có “bi” thuốc lào làm đê mê đầu óc trước khi sống lại những cảnh no đủ, ấm cúng và hạnh phúc trong giấc mơ. Còn tôi, vì là thành phần bần cố nông cốt cán nên thay vì có miếng gì đó nhét vào mồm giống như người ta, tôi chỉ có đủ khả năng “làm” luôn một lon gô đầy nước lạnh để đánh lừa dạ dày.
Vì đánh lừa dạ dày bằng nước, cộng với trời lạnh bên ngoài nên nước trong người tôi được thải ra thật nhanh qua ngả tiểu tiện. Vì phải ra ngoài trời lạnh đi đái nên nhiệt độ trong người giảm xuống cũng thật nhanh, đắp một cái chăn cũ không đủ ấm nên lạnh. Vì lạnh không ngủ được nên cái đói kéo đến hành hạ. Vì đói mà không có gì ăn nên lại phải uống nước để đánh lừa dạ dày. Vì làm đầy dạ dày bằng nước nên đi đái. Vì đi đái ngoài trời nên lạnh. Vì lạnh nên ngủ không được. Vì ngủ không được nên đói. Vì đói nên phải uống nước… Cái vòng luẩn quẩn đói, uống, đái, lạnh, mất ngủ, đói, uống, đái, lanh, mất ngủ, đói… cứ như vậy quần tôi cho hết đêm. Cái đói và cái rét là một “đôi bạn chân tình”, vậy mà tôi còn bị cái đói hành hạ trong mùa rét nơi rừng núi miền Trung thì quả là đến nơi đến chốn. Ðể chống lại cái vòng luân hồi quái ác diễn ra hằng đêm như vậy, những thằng bạn tù bần cố nông như tôi đã tổ chức “đi bay”. Những chuyến “bay đêm” thật hấp dẫn, vừa kích thích lòng mạo hiểm, vừa có những chiến lợi phẩm có giá trị thiết thực cho dạ dày. Những củ khoai, củ sắn sống nhai nghe ròn tan trong những cái chăn trùm kín mít, những tiếng cười khúc khích hả hê cũng “ròn tan” thỏa mãn cho dạ dày cứ xoáy mãi, xoáy mãi vào tai tôi từng đêm, từng đêm.
Trong hàng ngũ những kẻ “bay đêm”, có loại lương thiện và ít mạo hiểm là những người khoanh vùng mục tiêu ở những nơi “oanh kích tự do” là những vạt sắn, vồng khoai quanh trại. Tuy là vùng “oanh kích tự do” nhưng đôi khi những tay “phi công” loại này cũng có người “gãy cánh đại bàng”, bị đem ra “vặt lông” trước “tòa án nhân dân” hoặc “cắt tiết” ngay tại chỗ tùy theo mức độ buồn vui của cán bộ trại nằm phục kích. Có loại rất “sịn” là những tay chỉ chấm một vài mục tiêu cố định nằm sâu trong lòng địch, những “cứ điểm trọng yếu”, những “căn cứ chiến lược” của địch là nhà kho, nhà bếp của cán bộ trại. Loại “phi công” này dễ bị “bắn rơi” hơn nhưng oai hùng hơn và được sự thán phục của đám bạn tù. Còn một loại hèn nhát và vô liêm sỉ, không cần biết một điều gì khác ngoài cái dạ dày của mình, chuyên “bay” loanh quanh những mục tiêu gần nhưng an toàn tuyệt đối trong vùng đất của mình, là những ba lô, túi, sắc, của đám bạn tù tư bản nằm chung trong lán.
Theo nội quy và những điều quy định của trại là ai làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, không làm thì không ăn… Tôi có một quan niệm và thái độ rất đứng đắn và sòng phẳng với nội quy, tuy tôi có đổi vế của điều lệ, tôi chỉ lao động ở mức độ tương ứng với số lượng calories tôi nhận được hằng ngày theo tiêu chuẩn của trại cấp phát – dĩ nhiên không kể số lượng thực phẩm mà tôi đã “cải thiện linh tinh” được – cho nên tôi luôn luôn bị phê bình mỗi tối khi kiểm điểm công tác trong ngày, và luôn luôn được “bêu dương” trong mọi lần bình bầu những người lao động tốt vào mỗi cuối tuần. Ðược “bêu dương” là một thành tích mà tôi vẫn ngầm hãnh diện vì nó thuộc vào tội “hộ” chứ không phải là tội “hình” như những chàng “phi công” bị gãy cánh. Cho nên đói thì đói, tôi không gia nhập vào một “phi đoàn” nào, tức là tôi không thuộc vào một nhóm “phi công” nào hết.
“Miếng ăn là miếng nhục, dù có thiếu thốn đến đâu đi chăng nữa, dù có thèm thuồng đến đâu đi chăng nữa, miếng ăn vẫn không thể nào làm nhục con người của mình được. Ðừng bao giờ để cho người ta khinh mình, chửi mắng mình vì miếng ăn”. Tôi đã tự ra lệnh như vậy và tôi đã thi hành lệnh này một cách triệt để và nghiêm túc trong suốt mấy năm trời nay. Lệnh này được tôi đặt ra từ những ngày Sài Gòn chưa mất, những thằng tù chúng tôi vẫn còn trong tư thế hiên ngang của những thằng tù binh, tiêu chuẩn lương thực 7 lạng gạo mỗi ngày – của đáng tội, thời gian ở nhà binh, tiêu chuẩn 700 gram gạo mỗi ngày bị ăn xén ăn bớt chúng tôi ăn vẫn còn không hết, vậy mà 7 lạng gạo trong tù dù có bị cân thiếu, có bị mối mọt, chúng tôi cũng không thể nào bị đói đến độ…
Trong một buổi sáng tập thể dục, cán bộ trại đã thông báo một chuyện vừa xảy đêm hôm trước, “thau cơm của chó đã bị ăn cắp hết sạch”. Ai ăn cắp? Có thể là đám tù chúng tôi – dĩ nhiên là nếu thau cơm của chó bị đánh cắp thì còn ai ngoài đám tù – cũng có thể là thau cơm của chó đã không bị mất cắp. Ai mà biết chuyện này có thật hay không, ngoại trừ mấy người cán bộ đưa tin và người ăn cắp nếu có. Tuy nhiên, dù có hay không, dù đúng hay sai, vấn đề miếng ăn phải được cảnh giác và bắt buộc phải được đặt vào vị trí đi song song với danh dự của con người, nhất là danh dự của những thằng vừa bị ngã ngựa như chúng tôi, tuy là tù binh nhưng lại nhìn bọn cai tù chỉ là một lũ người bị khinh miệt một cách đáng thương. Vật chất không phải là cứu cánh của đời người. Ít ra, lúc này, ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn.
Nhưng, giữ không cho bị nhục vì miếng ăn không phải là một chuyện dễ làm trong một chế độ trại tù mà cán bộ luôn luôn bóp chặt dạ dày, luôn luôn dùng miếng ăn để chi phối tinh thần, để bắt đám tù lúc nào đầu óc cũng chỉ nghĩ đến làm cách nào để kiếm chác một thứ gì hầu nhét cho dầy dạ dày. Nếu bị đói một ngày, hai ngày, một tuần, hai tuần, người ta có thể cưỡng chống nổi một cách dễ dàng sự cám dỗ của miếng ăn, nhưng nếu, cái đói, cái thèm đeo đẳng hành hạ con người hết ngày này tháng nọ, năm nào, tháng nào, ngày nào, giờ nào cái đói cũng bám chặt lấy dạ dày, cái thèm lúc nào cũng bám chặt lấy đầu óc, đến nỗi một cục muối bỏ vào miệng ngậm cũng còn thấy ngọt, thì chuyện giữ nổi cho mình không bị nhục vì miếng ăn thì quả là một vấn đề lớn.
Lòng cương quyết của tôi về miếng ăn đã nhiều lần bị chao đảo. Tôi đã cố gắng tránh né tất cả mọi bữa ăn “hàm thụ” của bạn tù trong những lúc rảnh rỗi. Tôi cũng đã cố gắng từ chối lời mời tham dự vào những “chuyến bay” của đám bạn bè “phi công”. Ðôi khi tôi cũng được mời ăn “liên hoan” trong chăn, nhưng vì quan niệm phải sòng phẳng, có làm mới có ăn, nên tôi đã không cho phép được tham dự những bữa “liên hoan”, và thực tế cũng không ai muốn mời một thằng chỉ “liên hoan” mà không bao giờ chịu “đi bay”, nên cuối cùng, những tiếng nhai, những tiếng cười “ròn tan” trong chăn lại cứ xoáy mãi, xoáy mãi vào tai tôi từng đêm, từng đêm.
Nhưng tất cả chỉ có vậy thôi thì tôi đã không có gì để kể. Ngày thăm nuôi vừa rồi là ngày giáp Tết. Ai cũng háo hức ra gặp thân nhân, rồi sau đó là gồng, là gánh, là ôm, là vác những túi, những xách, những bao bố đựng đầy những thứ mà đã mấy năm rồi tôi chưa được một lần nếm lại, nào là bánh chưng, nào là bánh tét, nào là đường là đậu, nào là thịt là cá, nào là gà ram, nào là lạp xưởng, nào là thuốc lào, thuốc rê, thuốc thẳng, nào là kẹo, bánh, mứt – tình cảm gia đình được đánh giá, được cân đo bằng sức nặng của những túi quà thăm nuôi mà – và vì là ngày Tết nên số lượng quà cáp không bị giới hạn. Ngày thăm nuôi giáp Tết này được coi như một ngày hội lớn, một ngày nhộn nhịp thật là nhộn nhịp, một ngày ăn uống ê hề thật là ê hề. Chỗ này ngong ngóng nghe loa gọi tên ra thăm nuôi, chỗ kia ơi ới gọi nhau mời mọc.
Tôi biết thân tôi, một thằng không bao giờ nhận được thư nhà chứ đừng nói là quà cáp hay thăm nuôi, nên tôi đã phải trốn lên phòng đọc sách để ngồi cho vắng, để tránh xa cái ê hề, cái nhộn nhịp của một ngày thăm nuôi gần Tết. Tôi không ngong ngóng vì biết chắc chẳng có ai thăm nuôi. Tôi không lượn qua lượn lại để người ta thấy mặt người ta thương hại người ta bố thí cho một lời mời, vì không bao giờ tôi có gì để mời lại họ, có qua có lại mới toại lòng nhau chứ. Và chắc chắn cũng chẳng có ai thèm mời tôi vì tôi thường xuyên từ chối lời mời của họ, mất công mang ơn, mất công nghe kể lể. Nhưng nếu đèn nhà ai nấy sáng thì cái đói đã không quay quắt tôi bao nhiêu, đằng này, thể theo lời đề nghị của đa số trại viên – dĩ nhiên là những tay có thăm nuôi – tiêu chuẩn ăn của những ngày thăm nuôi giảm xuống còn một nửa, nửa còn lại để dành để thêm thắt cho những ngày sau, mà mỗi mâm ăn vẫn phải chia đều cho đủ phần sáu người. Với đủ tiêu chuẩn lương thực trong ngày đã không thể làm đầy dạ dày, vậy mà tôi chỉ có được một nửa tiêu chuẩn trong bụng ngồi bên cạnh những kệ sách thu hoạch năm tấn, mười tấn mỗi hếch ta, chủ nghĩa bách chiến bách thắng, sỏi đá cũng thành cơm… để trốn cái thèm thuồng, cái đói khát. Tôi ngồi mặc đói, mặc lạnh để tránh phải nhìn cảnh những thằng bạn tù lăng xăng nấu nướng, phủ phê ăn uống. Tôi không muốn ai thương hại tôi, tôi không muốn phải thấy những cặp mắt “thương xót”, tôi không muốn nhận của bố thí – nếu có – từ lòng thương hại của những kẻ đã thừa mứa.
Tôi cứ ngồi một mình chịu đói, chịu lạnh như vậy cho đến khi kiểng điểm danh đêm tôi mới trở về lán. Ðêm này, đêm của ngày thăm nuôi nên chỉ có điểm danh mà không có kiểm điểm công tác, không có đọc báo để học tập, nên từ lúc điểm danh đến lúc ngủ thời gian còn lại kể cũng khá dài. Mọi người lại quây quần ăn uống. Tôi không thể ra ngoài vì trời đã quá lạnh, đành phải về chỗ nằm.
Cứ hai cái chiếu rộng một thước là ba người nằm. Khốn khổ cho tôi là tôi lại nằm giữa hai tay tư bản gộc. Hai tay tư bản này nấu một nồi chè lớn, mời bạn bè cùng giai cấp đến ăn. Tôi phải nằm co chân lên cho họ có chỗ ngồi. Chăn trùm kín đầu, mắt nhắm nghiền nhưng nào tôi có ngủ được, tất cả mọi tiếng động chui vào tai tôi rõ mồn một, kể cả những tiếng động nhỏ nhất. Tiếng khoắng môi múc chè, tiếng húp chè xùm xụp, tiếng kéo thuốc lào xòng xọc, tiếng nói cười tràn đầy thỏa mãn.
Tiệc tan, mọi người giải tán, hai tay tư bản cạnh tôi vừa dọn dẹp vừa nói với nhau.
– Còn một tô, mày ăn nốt đi.
– No thấy mẹ rồi còn ăn gì nổi nữa. Mày ăn đi.
– Tao cũng ăn hết nổi rồi, mà đổ đi thì uổng. Hay mình chia đôi.
– Ðổ đi. Chỉ cần húp thêm một miếng nữa là tao ọc ra hết.
Người tôi run lên bần bật, tôi mím môi, bạnh hàm, nghiến chặt răng, nuốt liên tục mà sao nước dãi cứ ứa ra, đầy mồm rồi trào ra mép. Với một sự cố gắng vượt bực, tôi vẫn không thể kềm giữ nổi nước dãi, nước mắt tôi cũng tự động ứa ra, không hiểu tại sao. Ðưa tay quẹt mồm và dụi mắt liên tục vẫn không ăn thua gì. Trời ơi, tôi bất lực rồi, tôi không còn kiểm soát được tôi nữa rồi. Tôi thua cuộc rồi. Tôi lẩm nhẩm, cầu xin trong đầu: “Mời tao đi, mời tao một tiếng, một tiếng thôi. Hãy mời tao một tiếng để cho tao từ chối. Có được mời và tiếng từ chối được phát ra thành tiếng, nước dãi tao mới hết chảy. Mời tao đi, mời đi, một tiếng thôi”. Nhưng chẳng ai mời tôi tiếng nào. Hai người cứ chỉ mời qua mời lại, rồi cuối cùng đem đổ.
Tai tôi nóng bừng lên, đầu tôi như vỡ tung ra hàng trăm nghìn mảnh. Tôi hét to lên một tiếng, và tôi không còn biết mình là ai, tôi không còn biết mình đã làm những gì nữa.
Cho đến tận bây giờ, mọi người có mặt trong lán, kể cả hai nạn nhân vẫn không biết lý do tại sao lại bị một trận đòn thù đến nỗi phải đi nằm trạm xá, và tôi, bị cùm để được ăn một cái Tết trong xà lim.

Cao Xuân Huy