Đậu tiến sĩ triết học lúc còn trẻ (1917) ở Prague với luận án về thực
dụng chủ nghĩa. Khi ra đời Capek (1880-1938) thực tế trong hành động (in
truyện, điều khiển sân khấu ở Czech, giúp đỡ những tổ chức tự do, dân chủ ) và
triết lý trong tác phẩm (phê phán xã hội dựa trên những yếu tố trừu tượng,
truyện – nhìn-từ-ba-phía).
Kịch nổi tiếng của Capek R.V.R nói về một xã hội tương lai trong đó
người máy được sản xuất ra để làm tất cả công việc tay chân. Người máy (robot,
tiếng Ba Lan : làm, đã trở thành tiếng quốc tế) nổi dậy chống lại chủ nhân loài
người của chúng và tiêu diệt họ. Cuối vở kịch người máy nhận chân rằng chúng
cần được phát triển tâm hồn, trước đây vì không có tâm hồn cho nên chúng mới
tiêu hủy loài người .
Capek chết vào ngày Giáng Sinh 1938 vì bệnh tim.
Truyện “Cuộc phán xét cuối cùng” được viết bằng giọng văn giản dị nhưng
đặt một vấn đề triết học rất cao, mỗi người là một cá thể toàn vẹn không ai có
thể xử hắn được, kể cả Thượng Đế. (Nguyễn Văn Sâm)
oOo
Tên đa sát nổi tiếng tàn ác Kugler, bị nhiều lệnh tầm nả và bị nguyên cả đội
cảnh sát, thám tử săn đuổi đã thề không để cho bị tóm. Hắn không bị tóm thật,
ít ra cũng không bị bắt sống. Hành động sát nhân sau cùng của hắn là bắn người
cảnh sát đã cố gắng tóm cổ hắn. Người cảnh sát chết thiệt đó, nhưng trước đấy
đã nả nguyên cả tràng bảy viên đạn vào người Kugler. Trong số bảy viên này có
ba viên chí tử. Cái chết của Kugler đến mau đến nổi hắn không cảm thấy đau đớn.
Và do đó có vẻ như Kugler đã thoát khỏi lưới pháp luật trần thế.
Khi thoát khỏi xác, hồn hắn đáng lý phải ngạc nhiên trước cảnh tượng của thế
giới tiếp theo – thế giới trong không gian, màu xám xịt và đìu hiu tuyệt đối –
đàng này lại không vậy. Một người đã từng bị giam ở hai lục địa, nhìn lên kiếp
kế tiếp, chỉ đơn thuần như một chỗ mới mà thôi. Kugler tính đối đầu, trang bị
chỉ với một chút can đảm, như hắn đã từng có ở thế giới trước.
Rốt cuộc, sự phán xét sau cùng không thể tránh được cũng xét về trường hợp
của Kugler.
Thiên giới luôn ở trong trạng thái khẩn trương. Kugler được mang đến một toà
án đặc biệt có ba quan toà, không như đối với trường hợp của hắn trước đây,
trước một bồi thẩm đoàn. Phòng xử án cũng thiết trí đơn sơ gần giống như phòng
xử dưới trần thế, ngoại trừ một điều: không có thủ tục thề của người chứng. Tuy
nhiên sau này lý do của chuyện đó sẽ trở nên rõ ràng.
Quan toà gồm toàn những vị già nua khả kính, những bộ mặt nghiêm khắc chán
ngắt. Kugler giữ đúng phép với thủ tục buồn nản thông thường : Ferdinand
Kugler, vô nghề nghiệp, sanh ngày đó, tháng đó, chết… Ở điểm này rõ ràng là
Kugler không biết ngày chết của hắn, tức thời hắn ta nhận thấy đó là một thiếu
sót tai hại trong ánh mắt mấy ông quan toà ; tinh thần cộng tác của hắn nguội
lạnh ngay từ đó.
Ông quan toà chủ tọa hỏi :
– Anh thấy mình có tội hay vô tội ?
Kugler trả lời bướng bỉnh :
– Vô tội.
Ông quan toà thở dài.
– Mời người chứng thứ nhứt.
Đối diện với Kugler hiện ra một người vô cùng thanh nhã, trang nghiêm, có
râu, mặc trang phục xanh rắc những ngôi sao bằng vàng.
Khi ông ta vào các quan toà đứng dậy. Ngay cả Kugler cũng đứng dậy, miễn
cưỡng nhưng tự động. Chỉ khi cái ông thanh nhã đó an tọa, mấy ông quan toà mới
ngồi xuống.
“Nhân chứng” ông toà chủ tọa nói : “Thượng Đế toàn năng, toà này thỉnh Ngài
tới đây để nghe Ngài cho biết về trường hợp của Kugler Ferdinand. Vì Ngài là sự
thật tối thượng , Ngài không cần phải thề. Tuy nhiên để cho cuộc xử được dễ
dàng, chúng tôi chỉ xin Ngài cho biết những điều cần thiết hơn là đi vào chi
tiết – trừ phi những điều này có giá trị cho cuộc xử.
Và anh, Kugler, anh không được ngắt lời nhân chứng – ông ta biết hết cả mọi
sự, do đó anh đừng tìm cách chối, vô ích.”
Bây giờ, xin nhân chứng vui lòng bắt đầu.
Nói như thế xong, ông toà chủ tọa lấy mắt kiếng ra rồi ngồi dựa thoải mái vô
cái băng ghế trước mặt, rõ ràng là trong tư thế sửa soạn đón nhận những điều
nói thật dài của nhân chứng. Ông toà già nhất trong nhóm co rút mình lại, ngủ.
Thiên thần giữ sổ sách mở quyển sổ sách đời…
Thượng Đế, nhân chứng, ho nhẹ và bắt đầu:
– Vâng, Kugler Ferdinand, con một người nhân công, là một đứa hư hỏng cứng
đầu cứng cổ ngay từ lúc còn nhỏ tý. Nó rất thương mẹ nó, nhưng không thể chứng
tỏ được điều đó khiến nó trở thành bất trị và hay gây sự.
Bạn trẻ, anh làm phiền tất cả mọi người ! Anh có nhớ anh đã cắn ngón tay cái
của cha anh khi ông ta đánh vào đít của anh không ? Lúc đó anh ăn cắp một cái
bông hồng trong vườn của ông thơ ký văn khố.
– Bông hồng đó để tặng Irma, con gái lão thâu thuế.
– Ta biết, lúc đó Irma bảy tuổi. Anh có biết về sau cô ta như thế nào không
?
– Không, tôi không biết.
– Cô ta thành hôn với Oscar, đứa con trai ông chủ xưởng. Nhưng cô ta bị sang
bệnh phong tình rồi chết vì sanh non.
Anh còn nhớ Rydy Zaruba chứ ?
– Anh ta sau này ra sao vậy ?
– Coi nào, anh ta gia nhập hải quân, rồi mất vì một tai nạn ở Bombay. Anh và
hắn trước đó là hai đứa hư hỏng nhất ở thành phố anh ở. Kugler Ferdinand đã
trộm cắp khi chưa đẩy mười tuổi, và là một thằng nói láo quen nết, lại chơi với
bạn hư hỏng ; già Griblle chẳng hạn, thằng ghiền rượu và lười biếng, chỉ sống
bằng của Phước thiện. Tuy nhiên Kugler chia xẻ nhiều thức ăn của nó cho
Griblle.
Ông quan toà chủ tịch giơ tay ra hiệu như là phần lớn những chuyện này không
cần thiết, nhưng Kugler đã hỏi một cách ngập ngừng :
– Và…chuyện gì đã xảy ra cho cô con gái của ông ta ?
– Mary à ? Thượng Đế hỏi. Cô ta hạ giá trị của mình một cách không ngờ. Cô
lấy chồng lúc 14 tuổi, lúc 20 tuổi cô mất, khi hấp hối cô vẫn còn nhớ đến anh.
Lúc anh 14 tuổi anh gần như một thằng ghiền rượu và thường bỏ nhà đi hoang.
Cha anh chết vì phiền muộn lo âu. Mẹ anh mù loà vì khóc lóc. Gia đình anh mất
phẩm giá vì anh. Cô chị anh, cô chị đẹp đẽ Matha của anh không bao giờ lấy
chồng được, không một chàng trẻ tuổi nào lai vãng hay gọi đến nhà của một thằng
ăn cắp. Cô ta vẫn còn sống đơn độc trong sự nghèo khổ, may thuê vá mướn đêm nào
cũng khuya lơ khuya lắc. Sự thiếu thốn đã làm cô ta mất sức, những khách hàng
của cô đã làm cho lòng tự cao của cô bị thương tổn.
– Bây giờ thì chị tôi đang làm gì ?
– Chính giây phút nầy, cô ta đang mua chỉ ở tiệm Wolfe. Anh còn nhớ tiệm này
chớ ? Một lần, khi anh sáu tuổi anh mua một cục đạn chai màu ở đó. Cũng trong
ngày hôm đó anh làm mất tiêu không tìm thấy được. Anh có nhớ là anh đã khóc
giãy, giận dữ như thế nào không ?
Kugler hỏi một cách nóng nảy :
– Cục đạn đó sao vậy ?
– Ừ ! Nó lăn xuống rãnh, chui nằm dưới một ống cống.
Sau ba mươi năm, bây giờ nó vẫn còn ở đó.
Chính lúc này đây, dưới trần đang mưa, và cục đạn của anh đang lạnh lẽo
trong đó.
Kugler cúi đầu xuống, hắn bị điều tiết lộ đó hạ đo ván.
Nhưng ông toà chủ tọa đã sửa lại mắt kiếng ngay ngắn trên sóng mũi và nói
ngọt ngào :
– Nhân chứng ! Chúng ta nên trở về xử vụ án. Anh ta có bị cáo buộc về tội
giết người không ?
Với câu hỏi này nhân chứng gật đầu.
– Anh ta giết chín người cả thảy. Lần đầu tiên trong một cuộc đấu khẩu, và
chính trong lúc ngồi tù về cái tội nầy mà anh trở nên hoàn toàn hư hỏng. Nạn
nhân thứ hai là cô tình nhân không chung thủy của anh. Vì tội này anh ta bị xử
tử hình, nhưng đã trốn thoát. Người thứ ba là một ông già mà anh ta đã cướp
giựt. Người thứ tư là một người gác đêm.
– Bộ ông ta chết sao ? Kugler hỏi.
– Ông ta chết sau ba ngày chịu đựng đau đớn vô cùng tận, Thượng Đế đáp, để
lại sáu đứa con. Nạn nhân thứ năm và thứ sáu là một cặp vợ chồng già. Anh ta
giết họ bằng một cái rìu mà chỉ tìm được có mười sáu đồng, mặc dù họ có hai
mươi ngàn dấu ở chỗ khác.
Kugler nhảy dựng lên. Ở đâu vậy ?
– Trong cái nệm rơm, Thượng Đế nói, trong một cái túi vải dấu trong nệm đó
là chỗ họ dấu, tất cả số tiền họ dành dụm được từ lòng tham lam và chắc mót từ
đồng từ cắc. Người thứ bảy anh ta giết ở Mỹ, một người đồng hương với anh ta,
một người di cư chưa thích ứng với hoàn cảnh mới, không bạn bè thân thuộc.
“Thì ra tiền đó ở trong nệm” Kugler lẩm bẩm trong sự ngạc nhiên tột độ.
– Vâng, Thượng Đế tiếp, người thứ tám chỉ là một người tình cờ Kugler gặp
phải trong khi cố gắng trốn chạy cảnh sát. Lúc này thì Kugler đã bị sưng vỏ
xương và đã điên cuồng vì đau đớn. Bạn trẻ, anh đã chịu đựng kinh khủng. Người
thứ chín cũng là người chót là người cảnh sát đã giết Kugler đúng ngay lúc
Kugler bắn ông ta.
– Tại sao bị cáo phạm tội giết người ? Ông toà chủ tọa hỏi.
– Như những lý do của người khác thôi, Thượng Đế đáp, giận quá hay cần tiền
bạc, cả chủ tâm hay tình cờ. Có lần thì giết chơi vậy thôi, có lần thì cần
thiết. Tuy nhiên, anh ta rất hào sảng và thường hay giúp đỡ người khác. Anh ta
tử tế với phụ nữ, nhẹ nhàng với thú vật và giữ chữ tín.
Tôi có cần nói lên những hành động tốt của anh ta không nhỉ ?
– Cám ơn lắm, ông toà chủ tọa đáp, nhưng điều đó không cần thiết. Bị cáo có
điều gì nói để tự biện hộ không ?
– Không. Kugler đáp với sự dửng dưng hoàn toàn.
Toà nghị án, ông toà chủ tọa tuyên bố, rồi cả ba ông đi vào chỉ còn lại
Thượng Đế và Kugler trong phòng xử.
– Họ là ai vậy ? Kugler hỏi hất đầu về phía những người vừa đi vào đó.
Thượng Đế đáp:
– Cũng là người như anh vậy. Họ là quan toà ở hạ giới, cho nên bây giờ họ
làm quan toà ở đây.
Kugler cắn móng tay. Tôi nghĩ rằng…tôi muốn nói, tôi không bao giờ nghĩ tới
chuyện này. Nhưng tôi thấy ngài phán xét mới phải, bởi vì…
– Bởi vì ta là Thượng Đế, người trang nghiêm tiếp lời hắn ta, nhưng bởi vì
vậy, anh không thấy sao ? Vì ta biết tất cả mọi sự, ta không thể phán xét được.
Không được mà.
Ờ ! Này, anh biết ai tố cáo anh lần này không ?
– Không, tôi không biết, Kugler ngạc nhiên.
– Lucy, cô gái hầu bàn đó. Cô ta hành động vì ghen tuông.
– Xin lỗi Ngài, Kugler đánh liều, nhưng Ngài đã bỏ quên cái thằng hỏng nên
thân, vô tích sự Feddy mà tôi bắn ở Chicago.
– Không đâu, Thượng Đế đáp. Nó lành sau đó và tới bây giờ vẫn còn sống. Tôi
biết nó là một tên điềm chỉ, nhưng mà nó là một người rất tốt và rất mực yêu
thích trẻ con. Anh đừng nghĩ rằng một người nào đó là hoàn toàn vô tích sự.
– Nhưng mà tôi vẫn không hiểu tại sao Ngài lại không làm ông toà ? Kugler
nói một cách ngập ngừng.
– Bởi vì điều hiểu biết của ta vô cùng vô tận. Nếu ông toà biết tất cả mọi
chuyện, ta nhấn mạnh, tất cả mọi chuyện, thì các ổng cũng hiểu tất cả mọi
chuyện. Họ sẽ thương tâm. Họ sẽ không ngồi xử được.
Tôi cũng vậy nữa, không xử được. Như chuyện nầy, họ chỉ biết về tội lỗi của
người, ta biết tất cả về người, toàn diện, toàn thể Kugler. Và đó là lý do tại
sao ta không thể phán quyết.
– Nhưng tại sao họ…những người đã từng phán quyết ở hạ giới, lại phán quyết
?
– Bởi vì người thuộc về người. Như ngươi thấy đó, ta chỉ là nhân chứng thôi,
án được người quyết định, ngay cả trên thượng giới. Tin ta đi, Kugler, đó là
cách phải vậy thôi. Con người không đáng được những phán quyết thiêng liêng.
Con người chỉ đáng được phán quyết bởi những người khác.
Lúc đó thì ba ông toà đã trở lại sau khi nghị án. Bằng một giọng nặng nề,
ông toà chủ tọa tuyên án:
Vi phạm tội giết người gia trọng, ngộ sát, cướp của, khinh thường luật pháp,
mang vũ khí bất hợp pháp, và ăn cắp một cái bông hồng.
Kugler Ferdinand bị xử chung thân trong địa ngục.
Án lệnh được thi hành tức khắc.
Trường hợp kế tiếp. Torranca Frank. Bị cáo có mặt ở toà không ?
Karel Capek
Nguyễn Văn Sâm dịch