12 November 2016

MUA KIẾN THỨC KỸ THUẬT - Nguyễn Đạt Thịnh

Nhu cầu lớn nhất của nước Tầu hiện nay là kiến thức kỹ thuật; cũng vì thiếu kiến thức kỹ thuật mà chiếc xe hơi “Made in China” không được chuộng bằng chén, dĩa, quần áo, hay đôi giầy sản phẩm của Tầu mặc dù mọi thứ -chiếc xe hay đôi giầy- đều rẻ hơn sản phẩm Tây Phương. Rẻ là yếu tố duy nhất giúp hàng Tầu “giết” sản phẩm của mọi quốc gia.
Hiện nay Tầu đang sản xuất 1/4 nhu yếu phẩm của toàn thế giới; nói cách khác mỗi trăm bạc người Nhật, người Mỹ hay người Pháp tiêu ra, $25 chạy về Bắc Kinh; nhưng chính phủ Trung Cộng thấy “phần chia mãnh hổ” đó vẫn chưa đủ, họ muốn nhiều hơn.

Họ muốn hải lực của họ hùng mạnh hơn, với những chiếc hàng không mẫu hạm tối tân chứ không bệ rạc như chiếc Liaoning già lão, không có khả năng đối đầu với hải lực Mỹ, và họ cũng có thể đạt mức họ muốn, nếu họ khắc phục được nhược điểm thiếu kiến thức kỹ thuật.

Phân tách dài dòng như vậy là dụng ý nhấn mạnh nhu cầu “mua kiến thức kỹ thuật” của Trung Cộng; hơn ai hết, người Tầu ý thức rất rõ là họ cần kiến thức kỹ thuật đến mức tối đa, và tối cấp bách.

Từ 31 năm nay chiếc Liaoning già lão vẫn là chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Cộng

Người Tầu khéo tay, giỏi bắt chước, nhưng lại vấp vào cái trở ngại đi sau các nước Âu, Mỹ vài chục năm về kiến thức kỹ thuật, mặc dù hiện nay họ cũng đã trang bị rất tối tân cho những xưởng máy của họ.
Một xưởng ráp xe của người Tầu, ráp lắp toàn bằng máy.

Họ đang giải quyết khuyết điểm đó bằng hai cách: học hỏi, và mua kiến thức kỹ thuật để thực hiện kế hoạch Made in China 2025 -tối tân hóa sản phẩm do Trung Quốc làm ra sau năm 2025. Họ tự kỳ hạn cho họ trong 9 năm nữa, kỹ nghệ của họ sẽ không thua kém Âu, Mỹ.
Việc mua kiến thức được thực hiện bằng cách mua toàn bộ những hãng xưởng kỹ thuật của Mỹ và của Âu Châu, rồi gửi người qua đó thực tập tại chỗ mọi việc -học hỏi từ cách điều hành của nhân viên giám đốc cơ xưởng, đến cách làm việc của từng người thợ.
Một trong những hãng họ vừa mua là Aixtron -một hãng high-tech của Đức; và câu chuyện mua bán này là cả một giai thoại về thủ đoạn gian thương khá ngộ nghĩnh.

Hãng Aixtron

Trước hết, xin giới thiệu qua về công ty Aixtron; không giống mọi công ty khác Aixtron -một loại “đại học spin-off” - được tổ chức để thực hiện những khám phá khoa học, những phát minh công nghệ được nghiên cứu tại các trường đại học, kiện toàn những khám phá tài tử đó, những phát minh hời hợt đó thành sản phẩm mới đắc dụng cho nhân loại.

Trong hầu hết các quốc gia trên thế giới tự do, các trường đại học nối dài kiểu spin-off, đều có thể yêu cầu chính phủ công nhận và cấp phát quyền sở hữu trí tuệ (IP, Intellectual property) trên công nghệ được họ phát triển trong phòng thí nghiệm. Những IP này thường dựa trên các bằng sáng chế, hoặc trong trường hợp đặc biệt, các bản quyền. Do đó, việc mua, hay bán các hãng spin-off như một công ty phải bao gồm cả việc chuyển nhượng các IP cho người mua, hoặc đưa ra các giấy phép trên IP về quyền sở hữu trí tuệ.

Tổ chức theo công thức spin-off đó, nên Aixtron là một trong những hãng công kỹ nghệ tiền tiến, sử dụng vài trăm kỹ sư thượng thặng, nặng về nghiên cứu và thực nghiệm hơn là sản xuất.

Ngày thứ Sáu 5/20/2016 ban giám đốc Aixtron công bố việc hãng đang thảo luận với tổ chức đầu tư Fujian Grand Chip Investment Fund (GCI) của Trung Quốc để bán Aixtron với giá 670 triệu Euro ($750 triệu Mỹ kim). GCI là công ty lập ra với 100% tiền vốn là của Sanan Optoelectronics Co., Ltd.. Chi tiết này làm mọi người lo ngại vì cuối năm ngoái hãng điện tử này đã đặt mua 50 bộ MOCVD của Aixtron để rồi bốn tháng sau hủy bỏ khế ước, chỉ mua có ba bộ.

MOCVD là những chữ viết tắt của Metal-Organic Chemical Vapour Deposition, kỹ thuật để tráng một lớp mỏng của các nguyên tử trên một tấm bảng dẫn. Sử dụng MOCVD có thể tráng nhiều lớp, mỗi lớp có độ dày chính xác, để tạo ra một loại vật liệu có đặc tính quang học và điện cụ thể.

Aixtron MOCVD

Tổ chức kinh tài Bloomberg ghi nhận đòn “hủy khế ước” của Sanan Optoelectronics gây suy sụp tài chánh cho Aixtron, công ty mất giá 43% ngay lập tức trong ngày loan báo hủy khế ước, ngày 12/20/2015. Hãng Aixtron còn bị các cổ phần viên kiện vì tạo hy vọng tài chánh hão cho họ.

Liên hệ giữa Sanan Opto với Fujian Grand Chip Investment Fund, khiến mọi người thấy rõ là việc đặt mua 50 bộ máy MOCVD, rồi hủy khế ước chỉ là cách đánh sụm Aixtron để rồi vài tháng sau có thể trả giá rẻ, mua một công ty kỹ thuật tiền tiến mà họ đang cần.

Có thể nhiều người gốc Việt chưa quên thủ đoạn “làm giá chim cút” tại Nam Việt trong thập niên 1960; chim cút nhỏ như con gà ri, ăn cũng hơi ngon, nhưng giá bán rẻ hơn con gà giò; nói cách khác, chim cút không có một giá trị thương mại nào đáng kể cả.

Vậy mà người Tầu vẫn tìm ra thủ đoạn để bán chim cút với một giá rất đắt; con gà mái tơ 2 kí lô giá khoảng 50 đồng, con gà giò đ.25, thì con cút chỉ bán được với giá trên dưới đ.10; nhưng một vài tiệm thuốc Bắc lại mua trứng cút với giá đ.30 mỗi chục trứng.

Cút đẻ đều hơn gà, ngày nào cũng đẻ, nuôi vài chục con cút trong nhà là mỗi ngày kiếm được vài trăm, lợi tức cao hơn lương cô giáo hay thầy ký.

Cút đẻ đều hơn gà, ngày nào cũng đẻ

Nhà nhà rủ nhau nuôi cút; giá cút đang từ đ.10 một con, vọt lên đ.40, rồi đ.50, đắt nhưng không đắt vì là vốn đầu tư, một, hai tháng lấy lại. Trứng bán bao nhiêu, tiệm thuốc Bắc cũng mua hết; chỉ cút là khan hiếm, tìm không ra, vì những trại nuôi cút của Tầu Chợ Lớn đã bán hết vài chục triệu con vào ngày N.

Ngày N+1, tiệm thuốc Bắc thôi không mua trứng cút nữa; tuần sau quý bà nội trợ cũng thôi không mua hột gà nữa; những dĩa ôm lết, ốp la đều làm bằng trứng cút. Tuần sau nữa, thực đơn bữa ăn chiều đã có món cút nướng, cút xào.

Nửa thế kỷ trước, thủ đoạn gian thương giúp người Việt gốc Hoa làm giầu trên sự thật thà của dân Nam Việt, nhưng tuần vừa rồi chính phủ Đức phủ quyết, không cho bán hãng Aixtron cho người Tầu nữa.
Thủ đoạn gian thương của Sanan Optoelectronics có dự phần nào trong quyết định của chính phủ Đức không? Và việc mua bán bất thành này có tạo một ảnh hưởng dây chuyền khiến Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc tìm mua kiến thức kỹ thuật không?


Nguyễn Đạt Thịnh