“Người mình thường hay than, ‘Khó như mẹ chồng’.
Nhưng đó là mấy bà mẹ chồng người Việt Nam, chứ chưa ai nếm mùi mẹ chồng người
ngoại quốc như chị đâu, em à”. Chị Hương nói một hơi...
Tôi cười: “Mẹ chồng người Mỹ mà khó à? Em cứ tưởng người Mỹ mà lâu lâu gặp thì
mình cứ ‘How are you?’ là xong ngay, vả lại thời buổi bây giờ đâu có ở chung
đâu mà khổ, hở chị?”.
* Thưở ban đầu
Chị lấy chồng năm 1997. Chồng chị, anh Peter Ryoji Brown, là người Mỹ lai Nhật.
Ba anh người Mỹ, mẹ người Nhật. Ban đầu chị để ý anh ở nét đẹp lai nửa Âu nửa
Á. Khi hò hẹn, chị thích anh ở những điểm tốt mà người Mỹ và Nhật có được. Kiên
nhẫn, tiết kiệm, dịu dàng, lo xa... của người châu Á. Óc cầu tiến, không gia
trưởng, giúp đỡ vợ... của người Tây Âu. Chị tưởng rằng mình may mắn, nhưng có
ai ngờ...
Khi chuẩn bị đám cưới thì anh nói: “Mẹ anh phản đối. Mẹ vui khi biết anh lấy vợ
người châu Á, nhưng đến chừng biết em là người Việt Nam thì Mẹ không đồng ý”.
Chị hỏi lý do. Anh kể: “Người chồng đầu tiên của Mẹ anh là người Việt Nam,
nhưng sau năm năm chung sống thì hai người ly dị. Mẹ cứ nhắc hoài, ‘Đó là sai lầm
lớn nhất trong đời Mẹ’. Mẹ nói: ‘Quen ông ấy, Mẹ đọc sách báo tìm hiểu về dân tộc
và con người Việt Nam, Mẹ phục người Việt Nam lắm, họ anh hùng, chịu khó, cần
cù, thông minh, đầy những đức tính tốt. Mẹ thương ổng cũng vì những điểm này.
Thế mà khi lấy về hơn hai năm thì việc làm không suôn sẻ như trước, ông ta chán
đời lao vào cờ bạc, rượu chè. Mẹ khuyên can dữ lắm, động viên chồng đứng lên
làm lại. Ông ta có cố gắng, nhưng không may lại thất bại. Thế là ngựa quen đường
cũ, ông lại rượu chè ngày đêm, về đòi tiền vợ. Mẹ không đưa, ổng đánh. Có lần về
hạch tiền, Mẹ khóc đòi ly dị, thì ổng lớn tiếng, ‘Tôi thách bà, có đưa tiền
không thì bảo?’, rồi ông ta tát tai Mẹ một cú như trời giáng. Sau này Mẹ hay
nói với các con, Mẹ nhớ hoài cái tát tai đó. Giọt nước cuối cùng làm tràn ly.
Và Mẹ ly dị. Người Việt Nam cho rằng người Tàu, người Nhật trọng nam kinh
nữ, nhưng chính họ mới là những kẻ vũ phu nhất. Họ anh hùng trong chiến tranh,
nhưng hèn nhát khi đối đầu với thất bại. Họ có thể đấu tranh đến cùng cho lý tưởng,
nhưng lại mau bỏ cuộc buông xuôi khi sự đời không như ý. Hôm nay họ có thể bất
khuất trước cái chết, nhưng ngày mai lại đầu hàng trước rượu chè, bài bạc...’”.
* Thuyết phục và thử thách
Anh Peter vì thương chị nên cố gắng thuyết phục Mẹ. Anh bảo: “Mẹ không thể vì một
người mà quơ đũa cả nắm, đâu phải người Việt Nam nào cũng như ông ấy”. Mẹ nói:
“Chẳng thà con lấy vợ Mỹ”, vì Ba anh - ông Michael Brown, chồng sau của Mẹ, người
Mỹ, rất tốt và thương yêu Mẹ. Mất gần cả tháng năn nỉ ỉ ôi thì Mẹ nhượng bộ,
nhưng với một điều kiện...
“Điều kiện gì vậy chị?”. Tôi tò mò hỏi ngay.
“Hết ý kiến”. Chị Hương lắc đầu. “Tại ảnh là con một, lại là trai, nên Mẹ ra điều
kiện là chị phải sanh cháu trai cho bả, còn không thì anh phải bỏ chị, lấy vợ
khác. Em coi, có bà mẹ chồng mà ác nhơn vậy không chứ. Nhưng tại anh chị thương
nhau quá, nên cũng nhắm mắt đồng ý đại, cứ làm đám cưới rồi tính sau”.
“Thiệt tình”, chị Hương thở dài. “Đúng là ‘Con sâu làm rầu nồi canh’. Ông ‘sâu’
Việt Nam nào hồi đó quậy cho đã, giờ thì chị nhảy vô lãnh đủ nồi canh chua
loét”.
* Nỗi lo của chồng
Nghĩ cũng tội cho ông xã chị. Anh Peter kể chị nghe nhiều về Mẹ anh lắm, anh chỉ
mong là cơm sẽ lành, canh sẽ ngọt trong gia đình. Anh bảo: “Mẹ anh là mẫu người
phụ nữ vừa cổ điển, vừa tân thời. Bà luôn gìn giữ những nét văn hóa tốt đẹp của
người Nhật, đồng thời vẫn cố gắng học hỏi các điều hay của nước ngoài”. Chị bảo
anh cho một ví dụ. Anh nói ngay: “Từ lâu lắm rồi, người phụ nữ Nhật sau khi kết
hôn thì không được giữ họ của mình nữa. Một cặp vợ chồng phải lựa chọn một
họ duy nhất cho hai người, và theo phong tục Nhật Bản, thì đó phải là họ của
người đàn ông. Phụ nữ Nhật luôn luôn bị xếp hạng thứ yếu trong kinh doanh, học
thuật, chính trị, nói chung là trong mọi lĩnh vực, và phải làm hầu hết công việc
nội trợ và nuôi dạy con cái. Từ nhiều thập niên qua, ngày càng nhiều phụ nữ Nhật
muốn có sự bình quyền, nên họ đã sử dụng tên họ thời con gái làm bí danh trong
công việc. Mẹ anh là một trong những người đó. Khi lấy ba anh, Mẹ đã quyết định
giữ họ của Mẹ - Nishimoto. Ba anh là người Mỹ, và ông không đặt nặng vấn đề này.
Ông thường bảo: ‘Cái họ không quan trọng. Quan trọng là ở trái tim. Cho dù có
thay đổi tên họ, nhưng có ích lợi gì chăng? Cái họ mới có thể làm người vợ
không thay đổi tình yêu hay không?’. Và Mẹ anh rất thích những người chồng có
được suy nghĩ như vậy”.
Kể xong rồi thì anh căn dặn chị: “Trên đời này, chỉ có hai người phụ nữ mà anh
yêu thương nhất, đó là Mẹ và em. Thôi thì thương anh, em cố gắng vừa cổ điển, lại
vừa tân thời cho Mẹ vui”. Chị cười phá lên: “Chèn ơi , anh muốn em trở thành
con tắc kè hay sao chứ? Khi nào Mẹ anh xanh thì em cũng xanh, còn lúc nào Mẹ đỏ
thì em phải ráng đỏ theo à?”. Ảnh cũng cười: “Thôi mà, ráng chút đi honey, anh
sẽ thương nhiều...”.
* Gian truân khổ ải
Chị nhớ người mình có câu:
Dạy con từ thưở còn thơ
Dạy vợ từ thưở bơ vơ mới về...
Nhưng với chị, thì phải đổi là “Dạy dâu từ thưở bơ vơ mới về” mới đúng. Ngay từ
những ngày đầu gặp mặt là bà Taiko Nishimoto - Mẹ chồng chị, đã làm khó dễ chị
đủ điều. Chưa bao giờ bả cười với chị một lần. Tuy không ở chung, nhưng bà
Taiko gọi phone cho chồng chị gần như mỗi ngày. Hai người luôn luôn nói với
nhau bằng tiếng Nhật. Có lần chị nói lẩy là: “Hai mẹ con anh cố tình nói tiếng
Nhật để nói xấu em chứ gì?”. Peter đáp: “Không đâu. Từ nhỏ Mẹ anh đã ra nội quy
là người trong nhà, trong họ hàng đều phải nói với nhau bằng tiếng Nhật, dù rằng
anh sinh ra tại Mỹ. Mẹ bảo đó là một trong các phương cách để bảo tồn văn hoá đất
nước”. Nhưng chị để ý rằng có vài lần sau khi cúp phone, anh Peter cứ trầm
ngâm. Chị hỏi thì anh bảo: “Không có gì”, nhưng linh tính cho chị biết là có.
Có một lần anh hỏi: “Phụ nữ Việt Nam luôn luôn phục vụ, hầu hạ chồng phải không
em?”. Chị hỏi lại: “Tại sao anh nói vậy?”. Ảnh đáp: “Mẹ nói là đàn ông Việt Nam
là chúa gia trưởng, bởi vậy đàn bà Việt nam từ bao đời đã ngấm sâu vô máu sự nhẫn
nhục, phục tùng và cam chịu. Mẹ muốn em phải phục vụ anh như ngày xưa ông chồng
cũ đã bắt Mẹ vậy”. Chị bực mình gắt lên: “Mẹ anh khôn vừa thôi, phong tục cổ hủ
của người Á Đông, sao Mẹ không giữ để hầu hạ chồng mình đi, mà lại bắt con dâu
phải giữ kia chứ?”. Anh Peter thở dài...
Chưa hết, anh Peter bảo chị phải học làm sushi sao cho thiệt ngon để làm vui
lòng Mẹ. Chị nói: “Thì mình cứ đi mua đem tặng Mẹ, nói là em làm, có sao đâu”. Ảnh
cản: “Không được, Mẹ mà biết ra là từ mình luôn đó, người Nhật ghét nhất là nói
dối. Thôi em ráng học đi, rồi hôm nào sang thăm Mẹ, em làm cho Mẹ vui”. Thương
chồng nên chị học, nhưng khổ nổi chị không thích, mà cũng không ăn được món
sushi, cá sống nó tanh làm sao ấy!
Giọng chị Hương đều đều: “Sinh nhật bà Taiko, anh chị đến thăm, và chị trổ tài
làm sushi trước mặt Mẹ chồng. Ôi thôi, bả chê đủ điều. Nào là ‘Thế mà ai bảo là
phụ nữ Việt Nam đảm đang, nấu ăn khéo? Có mỗi món cá sống cuốn mà làm còn không
xong thì còn nấu được thứ gì?’. Ba chồng chị, ông Michael, xen vô vài câu bênh
chị, bả gạt ngay, ‘Ông để tôi dạy my daughter-in-law’. Chị tức quá, bỏ ngang bữa
tiệc sinh nhật, bước ra cửa đi về. Bả còn nói với theo: ‘Cô còn một cơ hội thôi
đấy: Tôi đợi thằng cháu nội của tôi!’. Chị tức sôi gan. Anh Peter chạy theo chị.
Tiếng bà Taiko: ‘Stop, Ryoji! She is your wife. I am your MOM, you hear that?’.
Và thế là ảnh ở lại, chị về...”.
* Cũng may Trời thương
Chị giận không thèm nói chuyện với chồng cả một tuần. Peter cứ năn nỉ: “Người
Nhật anh được dạy từ lúc nhỏ là ‘Vợ thì có thể nhiều , còn Mẹ thì chỉ một’, hơn
nữa hôm đó là sinh nhật Mẹ, nên anh đành phải ở lại, mong em hiểu cho anh”. Chị
lớn tiếng: “Thế thì anh chọn đi, tôi hay Mẹ anh?”. Ảnh gần khóc: “Anh chọn cả
hai”. Lại thấy thương. Thế là làm lành. Và “cái đêm hôm ấy đêm gì?”. Ông Trời
có mắt, nên chị có bầu thằng cu, chứ nếu không may là con gái, thì có lẽ bả bắt
anh chị ly dị rồi...
Anh Peter mừng rỡ báo tin cho Mẹ. Dĩ nhiên là bả vui lắm. Thế là ngày nào Mẹ
cũng gọi, kêu chồng chị mua thuốc thang đủ loại cho chị uống, mà toàn là thuốc
cổ truyền của Nhật. Chị không uống, chồng chị cũng “dạ, dạ” cho Mẹ vui, nhưng
không ép chị. Chưa hề bao giờ bà Taiko nói chuyện qua phone hỏi thăm chị lấy một
tiếng. Chị tủi thân lắm, có bầu mà cứ khóc. Rồi thì bé John chào đời...
* Tức nước vỡ bờ
Bà Taiko không hề đến thăm chị ở nhà thương. Khi chị về nhà, bà đến thăm thường
xuyên, nhưng vẫn cứ lạnh nhạt với chị. Hễ bước vào nhà là bà và Peter nói với
nhau bằng tiếng Nhật, rồi bả cứ ẵm riết thằng cháu trai mà hôn hít, không thèm
cám ơn người đã mang nặng đẻ đau đứa cháu đích tôn cho bà lấy một lời. Ngày lại,
ngày qua, nằm trên giường dưỡng sức, chị suy nghĩ nhiều và hận lắm. Hận Mẹ chồng,
hận người đàn ông Việt Nam nào đó mà chị chưa hề gặp mặt, hận luôn cả những hủ
tục của người châu Á gồm cả Việt Nam và Nhật Bản. Chị cay đắng nhận ra rằng,
“Ngay cả ở nước Mỹ tự do này mà vẫn còn có những nàng dâu đau khổ, nhưng nỗi
lòng này biết tỏ cùng ai?”.
Có một hôm chị bệnh. Bà Taiko phone cho biết là bà sẽ tạt qua thăm thằng cháu nội
và cho nó mấy món quà. Anh Peter nói là anh phải chở chị đi bác sĩ. Bà nói:
“Sao, phụ nữ Việt Nam giỏi giang lắm mà, bao người trong chiến tranh một tay
nuôi chồng, nuôi con, vậy mà không tự đi bác sĩ một mình được à?”. Rồi bà bảo
chồng chị ở nhà để bà qua thăm John, kêu chị tự lái xe đi một mình đi. Khi nghe
anh Peter kể lại, chị tức điên lên được. Chị nói to với chồng: “Mấy năm nay,
tôi nghe lời anh, ráng ‘cổ điển’ mà chiều Mẹ anh. Giờ thì tôi ‘tân thời’ cho
anh và Mẹ anh biết. Tôi làm tắc kè bao lâu đủ rồi. Mẹ anh muốn xanh thì tôi phải
xanh sao? Rồi lúc bả đỏ thì tôi phải đỏ kia à? Giờ thì hễ bả trắng là tôi đen,
còn bả đen thì tôi trắng”. Rồi chị đùng đùng lái xe đi, mặc cho ảnh chạy theo gọi
ơi ới kêu chị lại.
* Dâu kỵ Mẹ, cháu chẳng thương bà
John ngày càng lớn. Từ nhỏ, cháu đã sớm nhận ra ngay là bà nội không thích Mẹ.
Mỗi dịp đầu năm, Christmas, Lễ Tạ Ơn, sinh nhật... chị không muốn qua thăm gia
đình chồng nữa. Anh Peter chở John đi thôi, chị ở nhà. Mà cứ về là John kể bô
bô những gì bà nội nói không tốt về Mẹ nó. John nói được tiếng Mỹ, tiếng Việt
và tiếng Nhật. Cháu khôn trước tuổi, và biết khi nào, những gì nên nói với Mẹ,
với Ba, với bà nội, và bằng thứ tiếng nào. John kể: “Hễ con bênh Mẹ là Nội la
con. Giờ con không thích Nội nữa. Con nói Daddy là mai mốt con không qua nhà Nội
nữa đâu. Con thấy Daddy buồn...”. Chị cũng thấy lòng phân vân. Mẹ chị mất từ
khi chị còn nhỏ. Chỉ có mỗi bà mẹ chồng, mà cứ cơm không lành, canh không ngọt,
khổ cả đời chị một kiếp làm dâu.
* Giọt nước tràn ly
Tháng 12 năm ngoái là sinh nhật bà Taiko 70 tuổi. Ông bà làm tiệc rất lớn đãi mọi
người, vì người Nhật cho rằng ai sống đến bảy mươi là người ấy đã làm nhiều việc
phước đức mới được như vậy. Chị ráng vui vẻ cùng chồng con sang mừng tuổi Mẹ.
Chị đi mua tất cả những thứ gì mà anh Peter biết là Mẹ thích. Khi tặng, chị đưa
bằng cả hai tay, “For you, Happy Birthday, Mom”. Chị biết là chị đã làm hết sức.
Bả cười nhẹ, nói gọn lỏn, “Thank you”, rồi quay sang mở những món quà khác của
bạn bè, mà không hề ngó ngàng gì đến gói quà mà chị đã tốn cả ngày trời đi lựa.
Chưa hết, bà sắp xếp cho mọi người ngồi ở bàn trên, cả bạn bè, họ hàng, anh
Peter, và... cả thằng John, mới 9 tuổi. Còn chị, bà để chị ngồi bàn sau bếp với
đám trẻ con, toàn là bọn con gái. John đòi chị lên ngồi cùng với cháu. Chị lắc
đầu bảo: “Con cứ lên ngồi với Nội, vì con là con trai. Mẹ về”. Chị bỏ về ngang
buổi tiệc, văng vẳng phía sau tiếng con khóc...
Tới nhà, cứ nằm trên giường mà chị không sao ngủ được. Chị quyết định sẽ nói với
chồng rằng, “Một là mình ly dị, còn hai thì em thề sẽ không nhìn mặt Mẹ anh nữa”.
Nhưng chờ mãi không thấy chồng và con về. Cuối cùng sốt ruột, chị gọi cell anh,
không ai bắt. Linh tính có chuyện chẳng lành, chị cứ nằm cầu nguyện. Gần nửa
đêm , Peter gọi, cho biết là anh và ba đang ở bệnh viện, vì Mẹ anh bị nhồi máu
cơ tim. Anh nhờ chị đến đón con, vì cháu còn đang ở nhà bà nội với ông chú. Chị
lo lắng lái xe đến chở con về. John kể: “Khi Mẹ bỏ về, con khóc và chạy lên
phòng trên, con nói to với Nội, ‘Grandma, you're not nice to Mommy. I don't
love you anymore’. Tự nhiên Nội quay lại nhìn con, rồi Nội té xuống đất. Ai nấy
xúm lại đỡ Nội, con sợ quá chừng. Daddy và Grandpa vô nhà thương với Nội, Daddy
nói con ở nhà chờ Mẹ tới đón”.
* Tan biến mọi giận hờn
Tự dưng lúc ấy, chị quên hết mọi chuyện. Không còn nhớ gương mặt lạnh lùng của
bà mẹ chồng mà chị từng ghét cay ghét đắng. Không còn nhớ hai tiếng “Thank you”
khô khốc từ miệng bà. Sáng hôm sau, chị chở con vô bệnh viện. Bà vừa trải qua
ca mổ tim. Bác sĩ bảo: “Rất may là người nhà đã chở bà vô kịp lúc, nếu không
thì...”.
Anh Peter túc trực ở bệnh viện đêm ngày. Khi tỉnh lại, đôi mắt bà đờ đẫn, mỏi mệt.
Bà ráng gượng cười với chồng, với con. Chợt nhìn thấy chị, một thoáng ngạc
nhiên trên nét mặt, rồi bỗng dưng chị thấy mắt bà hoe đỏ. Hai mắt chị cay cay.
Chị bước tới nắm tay bà, cái nắm tay lần đầu tiên sau 13 năm làm dâu. Chị lúng
túng, chỉ mở miệng nói được một tiếng duy nhất “Mom”. Gian phòng bệnh viện im
phăng phắc. Ông Michael mĩm cười. Anh Peter chảy nước mắt. Tiếng bé John vỗ
tay: “Grandma, Mommy, I love both of you!”.
* Gia đình đầm ấm
Ngày rời bệnh viện, cả gia đình đến đón Mẹ. Bà yếu hơn trước nhiều, nhưng vẫn
khá tỉnh táo. Bước vô nhà, ngồi vào ghế, Mẹ gọi chị lại và nói: “Helen, I'm
sorry, forgive me”. Chị ôm bà và khóc. Hôm đó cả nhà dùng bữa cơm tối thật vui.
Bà bảo chị không cần làm món sushi cho bà nữa, khi nào khoẻ hẳn, bà sẽ làm cho
cả nhà ăn. Thường thì vốn liếng tiếng Anh của chị cũng đủ xài thôi, nhưng không
hiểu sao lúc đó, chị lại muốn nói với bà vài câu tiếng Nhật mà anh Peter đã từng
dạy, vậy mà chị quên sạch ráo. Chị buột miệng: “Taiko, Mom. I ... Japanese...”.
Anh Peter hiểu ý nên anh hỏi: “Em muốn nói gì?”. Chị bảo: “Em mong Mẹ hiểu rằng
dân tộc nào cũng người tốt, kẻ xấu. Nhưng dù là người Việt Nam hay Nhật Bản, thì
trái tim con người vẫn luôn luôn còn chỗ để yêu thương và xóa bỏ những hiểu lầm”.
Mẹ nghe anh dịch lại bằng tiếng Nhật, bà gật đầu. Rồi Mẹ cười, nụ cười dành
riêng cho chị, mà mãi 13 năm chị mới có được...
Tôi có xin phép chị Hương chụp một bức ảnh gia đình chị. Chị hỏi chồng. Anh
Peter hỏi Mẹ. Bà Taiko cười: “Thôi, tôi già rồi, và tôi có lỗi với con dâu tôi.
Đừng đăng hình tôi lên báo, kẻo mọi người lại hiểu lầm là người Nhật nào cũng xấu
như tôi”. Bà lại cười, lần này tôi thấy nụ cười của bà sao giống hệt nụ cười của
Ngoại tôi khi xưa. Ngoại già và mất rồi, người Việt Nam, nhưng cũng khó tính
không thua gì bà Taiko đâu đấy.
Hoàng Thanh
(Ghi theo lời kể của chị Helen Hương Phạm)
(Ghi theo lời kể của chị Helen Hương Phạm)