29 November 2016

TIẾNG CHIỀU LAM - Nguyễn Thanh Văn

Trích từ tiểu thuyết “CỎ LAU và GIÓ” (chưa thuận tiện để ra mắt) … Cũng có thể đọc như một truyện ngắn độc lập – dành tặng anh PHAN HOÀNG QUÝ cùng mỗi trái tim lạ chi thăng trầm dông bão vẫn đập thật dịu dàng khi chiều đã lam…

MỞ

- Bạch thầy, có một vị sư trẻ xin gặp thầy… Dạ, con có hỏi rồi, pháp danh là Trí Tâm… thượng tọa Trí Tâm.
Đang lo e quấy rầy thầy trụ trì, chú tiểu chợt chúm chím cười.
- Đặt bàn dưới gốc ngọc lan, mời khách ngồi… Đừng bày bàn cờ chi. Đây không phải bạn cờ tướng của thầy.

Mùi trà sen phảng phất trong không khí. Chú tiểu khoanh tay, lùi lại một bước. Khách ngồi thẳng lưng, đặt hai tay lên gối, trên khuôn mặt bình thản nãy giờ lộ hẳn vẻ tôn kính.
- Đói bụng không? – sư trụ trì hỏi, không chút văn vẻ – ăn tí bánh in. Thứ bánh bình tinh ni ngậm trong miệng là tự tan. Nhắm với trà sen lành lắm.
Sư trẻ cũng không tí khách sáo, nhón một cái bánh xinh xắn vàng nhạt, đưa sát mũi, gật gù hồi lâu.
- Được gần thầy, tâm lập tức an lành, không cần viện tới bánh và trà. Từ dạo theo khóa Phật học năm kỉa năm kia, có duyên lớn nghe thầy giảng, tới nay chỉ diện kiến thầy đúng ba lần.
- Tui có nghe tin tức về thầy. Mô Phật, toàn là tin lành. Thời buổi ni, tự giác tu hành đã khó, xử lý việc đời không ảnh hưởng chuyện đạo hầu như bất khả. Thầy còn trẻ mà có cách xử thế để đời tâm phục, tiếng lành đồn xa là làm được chuyện khó đó.
- Bạch thầy, cũng chỉ tiếp xúc giới hạn với Phật tử trong khuôn hội, với quý tăng ni càng giới hạn hơn… e không xứng với lời khen của thầy.
Bộ mặt an nhiên của vị sư già càng lúc càng thư thái. Việc gặp lại một đồng đạo trẻ từng cùng sinh hoạt Phật sự, trao đổi các đề mục Phật pháp có chiều tâm đắc hình như gây được ấn tượng đặc biệt với bậc cao tăng. Đặt nhẹ tách trà xuống chiếc khay gỗ, sư trụ trì nói:
- Phật tử là đời, đa phần tăng ni thực tế cũng là đời. Bá nhơn bá tánh. Biết ứng xử đúng đắn, đấy là biết đạo. Đời giúp hưng được đạo, nương theo mà ích mình, độ người; mà đời lại có thể làm người tu hành tập nhiễm, ô danh cho đạo.
- Mô Phật – sư trẻ chắp tay trước ngực, giọng đầy kính cẩn – đệ tử không dám quên.
Đó là một chiều đặc biệt cho nhiều người. Lần đầu tiên sư trụ trì, vốn có thời khắc biểu sinh hoạt gần như không thay đổi, khoái hoạt khoát tay dặn các thầy dùng cơm trước, bản thân tiếp tục đàm đạo với khách.
Nhìn thẳng mắt khách, sư cụ từ tốn nhớ lại:
- Câu hỏi năm trước của thầy rằng sự đời dồn dập, vô lường, dù ngộ là hư ảo cả, nhưng tâm thường vọng động co dãn, đối phó… rứa giữ tâm ra răng để quy về được chốn cũ, đạo lực không hư hao, không mất mát… tui vẫn còn nhớ.
Khách khẽ cúi đầu, thưa:
- Đệ tử còn nhớ gợi ý của thầy rằng chốn cũ tâm xưa là ở đâu, có thực có một nơi cố định để quy về. Bao nhiêu năm xa thầy, ý khơi mở chẳng dám quên. Nay mơ hồ thấy, bèn quay lại, xin được gặp thầy.
Y như lời đã được sắp sẵn từ lâu, sư cụ có câu trả lời ngay, giọng vẫn đều đều:
- Mô Phật. Thấy ra chỗ mơ hồ là bắt đầu kiến đạo, nhìn ra dáng cổng. Hành giả men theo trực cảm mơ mơ hồ hồ đó mà mở được cổng. Cái cuối đường vốn ở ngay đầu đường đón kẻ đã đủ căn cơ. Bình tâm, bình tâm!
Khách lại chắp tay ngay ngực, môi thoáng rung lên:
- Mô Phật!
Khách chợt đăm đăm nhìn sư trụ trì, thoáng môi lại rung y như muốn đặt câu hỏi gì, rồi lại thôi.
- Tui đang chờ được lĩnh ý thầy đây.
Đáp lời bậc bề trên, vị khách trẻ lúng túng thưa:
- Không dám, đệ tử không dám… Đợi một dịp nào đủ duyên xin nhắc thầy chuyện cũ.
Một tiếng cười đầy khoái hoạt bất ngờ động cả chiều lặng lẽ. Ánh mắt hóm hỉnh của người già dừng khá lâu trên khuôn mặt người trẻ – trìu mến, độ lượng, phảng phất tình phụ tử thế gian.
- Tui biết ý thầy… Nay cũng là duyên, tui sẽ kể câu chuyện lỡ hứa năm xưa quan hệ tới việc bước đầu tu đạo của tui. Cái ký ức cũ kĩ ni e không hệ trọng chi nữa với kẻ tu hành, với người kể lẫn người nghe…
CHUYỆN DÀNH CHO NGƯỜI HỮU DUYÊN

Sau cơn lụt lớn năm đó, xã tui thiệt hại nặng, không ít người không có cả cái ăn hàng ngày. Ngoài những gia đình khá giả lâu nay, hoặc có con cái là viên chức, buôn bán ở xa chu cấp, dân làng phần đông lâm cảnh khốn khó. Cha tui bèn quyết định gởi con trai đầu, tui gọi bằng anh Cả, lên Đà Lạt cho vào tu ở một ngôi chùa có người quen giới thiệu. Dù anh Cả khóc lóc và người bạn gái đã nặng lời thề thốt dọa sẽ quyên sinh, cha không đổi ý định. Hóa ra cái chi cha tính toán đều đúng. Sư cụ ở Đà Lạt gửi lời khen thiện hạnh của đệ tử, xem là đệ tử ruột. Ở làng rốt cục chẳng có ai tự hại thân mình. Hai năm sau, đích thân cha khăn gói vào viếng chùa, thăm con. Tận mắt thấy con trai khỏe mạnh, an lành, lại được nhà chùa chăm sóc chu đáo, cha rất hài lòng. Chuyến đi về cha đem theo không biết bao nhiêu là áo ấm, khăn quàng len làm quà cho bà con lối xóm. Năm sau, cha hỏi qua ý tui rồi quyết gửi luôn tui cho sư cụ, tiện có anh kềm cặp.

Chuyến đi của tui yên thắm hơn nhiều. Tuổi tui còn nhỏ, ở làng không có ai đòi quyên sinh. Mẹ cũng không tới nỗi thống thiết như độ tiễn con trai cả. Tin anh Cả, năm đó là một đại đức, được tỉnh hội phân công làm trụ trì chùa thay sư ông vừa viên tịch làm nức lòng cha mẹ và lối xóm. Từ nay, cha được ngẩng cao đầu ở chốn giỗ chạp đông người, gia đình không ai giữ chức tước trong xã hội, không có thành viên đỗ đạt cử nhân, tiến sĩ, cũng không làm ăn thành đạt có nhà máy xay, xe khách… thì nay có công đóng góp cho đời một chức sắc tôn giáo, đứng đầu một ngôi chùa ở một vùng mộ đạo nổi tiếng. Mô Phật, những làng quê Việt trông kín kẽ, trầm lặng vẫn âm ĩ khát khao thoát khỏi thân phận bé nhỏ, vô danh bằng mọi giá.
Sư trụ trì – anh Cả của tui – vốn là một người sáng dạ, hoạt bát. Khi vào chùa may mắn được đích thân sư cụ đời trước dìu dắt, dạy thêm tiếng Hán, cộng chút vốn ngoại ngữ thời trung học, nên phụ thầy được nhiều việc khó như chép kinh, giao tiếp. Có thể nói, anh Cả là một ngôi sao sáng trong nhóm tu sĩ trẻ địa phương. Việc phổ biến giáo lý cần khả năng ăn nói, nắm tâm lý đạo hữu và thanh niên vốn là mặt mạnh thời trai trẻ hoạt động Gia đình Phật tử và Hướng đạo của anh Cả. Tui nương tấm gương tinh tấn và uy tín bậc sư huynh mà tu học. Chuyện Phật sự trôi chảy, chùa được nhiều tiếng tốt. Tui càng thêm phần ngưỡng mộ anh Cả khi em trai vô ý nhắc chuyện cũ, vẫn phong độ khoan hòa, bình thản, thậm chí lộ vẻ mừng nghe người quê xưa vẫn được an lành.
Trong số những đạo hữu, Phật tử – đa phần là những nam nữ huynh trưởng Gia đình Phật tử lứa tuổi đôi mươi – có lòng hâm mộ sư trụ trì, có một cô thiếu nữ người Sài Gòn, thân nhân của một gia đình siêng năng viếng chùa. Tên cô là Hélène Phượng. Hélène Phượng là một cô gái lai, cha Pháp, mẹ Việt đang được cha bảo lãnh sang Pháp. Hélène Phượng nét mặt đoan trang, tính nết khiêm tốn, nhỏ nhẹ, ai cũng có lòng yêu mến. Đến bà cụ lo việc nấu nướng cho mấy thầy vốn hay có chuyện cà khịa với ông từ chùa đã lẩm cẩm toàn về chuyện vặt cũng thành dễ tính khi có mặt khách Sài Gòn. Càng dễ mủi lòng khi biết chuyện ý cô không đành xa quê, rời xứ ngoại.
Thú thiệt lúc đó tui còn nhỏ dại, chưa rõ việc đời. Lại nhận ra nét gần gũi giữa Hélène Phượng với người suýt trở thành chị dâu mình ở quê cũ, càng có tâm bịn rịn. Về phía anh Cả, vẫn bình thường. Lúc mô sư trụ trì cũng ứng xử bình đẳng, thân thiện với mọi người. Cô gái tỏ ra mến người mến cảnh. Thỉnh thoảng sư có lời khen lòng mộ đạo của khách vãng lai.
Khung cảnh rừng tuyệt đẹp. Chùa chỉ cách các bản làng của người Lạt mấy ngọn đồi. Thiên nhiên tĩnh mịch, tâm thế người tu hành vốn thiên về tịch tịnh, có khi không tránh được hôn trầm, u uẩn. Mỗi lúc Phật tử rời chùa, cảnh sắc càng hoang liêu. Việc chư tăng, đạo hữu trong chùa có ý chào mừng quý khách thập phương thuần thành viếng chùa, lễ Phật tưởng không có chi lạ.
Một buổi chiều, Hélène Phượng ngồi hóng mát ở một góc chùa, chỗ anh Cả thường dừng lại sau khi kinh hành một vòng quanh đồi. Lần đó sư trụ trì và tín nữ nán lại lâu hơn những lần trước. Tui đã quen cảnh cô chăm chút cái ăn, thuốc bổ, có khi nán lại sau thời kinh để gặp thầy, nên không thấy chi khác.
Lúc tui ra mời cơm chiều, ngạc nhiên thấy Hélène Phượng đang khóc, mắt ửng đỏ. Sư tỏ ra bình thản, vòng tay trước ngực, dáng đường bệ hẳn.
- Ừ, đến giờ… tiện thì dùng cơm với nhà chùa. Không thì xuống đồi kẻo muộn!
Có vẻ như chủ nhân không có ý lưu khách. Sư quay lại giải thích với tôi:
- Nữ đạo hữu đây sắp đi Pháp. Ngày kia đã xa quê hương…
Cô gái hình như không kềm chế được, nấc lên.
- Đi là ở, ở là đi. Chớ quá cảm xúc e không hay cho sức khỏe.
Hélène Phượng chắp tay “Mô Phật” rồi lập tức xuống đồi. Sư cũng quay về chùa, dáng hơi hấp tấp. Suốt hai ngày tiếp đó không nghe nói chuyện anh em riêng tư như thường lệ. Bản thân tui lúc đó cũng se lòng xót cho người con gái có phẩm hạnh, sắp có chuyến đi xa không ưng ý. Ở đất Sài Gòn xô bồ lại hướng về chốn núi đồi hoang dại. Cũng là sự lạ, được đặt chân tới Ba Lê hoa lệ mà lắm kẻ ước ao lại tỏ ra ưu phiền, bất quyết.
Nửa đêm hôm đó khi ra chánh điện kiểm tra đèn hương, tui giật mình thấy anh Cả vẫn đang tọa thiền. Cửa lớn mở toang, gió đồi lộng lên, đèn đuốc tắt sạch. Ánh trăng hạ tuần phả chút ánh sáng hư ảo soi dáng hành giả như như bất động, mặt mũi căng thẳng, hốc hác hơn người thường.
Tiếp theo là tai họa vô lường…
Tin sư trụ trì chùa Lộc Uyển mất tích náo động cả xứ. Lại có tin chính quyền ngày đó cất công theo dõi từ lâu, biết rõ các sư sãi có hoạt động ngầm chống chính quyền, bất phục nền Đệ Nhất Cộng Hòa, thậm chí cả tin đồn có thể sư Lộc Uyển nằm trong số tu sĩ bỏ chùa lên bưng biền theo phía bên kia. Thôi, chẳng thiếu tin mô. Rồi tới tin sư trụ trì bỏ theo một tiểu thư Sài Gòn, gia đình cô gái cho làm thủ tục đi Tây, kèm điều kiện bỏ chùa, hoàn tục. Có người còn nỡ tung tin sư bỏ trốn với toàn bộ số tiền công đức do Phật tử địa phương đóng góp để xây chùa mới. Còn may, cả cha mẹ tui đều đã khuất bóng, không phải khóc con, khóc cho niềm tự hào của cả họ tộc.
Việc điều tra của chính quyền cho thấy không có một công dân nào mang giấy tờ tên anh Cả tui trong danh sách rời Việt Nam vào thời gian đó. Mở rộng cuộc điều tra, họ còn cho biết gia đình cha mẹ Hélène Phượng ở Ba Lê xác nhận con gái của họ đến Pháp một mình, tình trạng bình thường. Ban chấp hành khuôn hội cũng yêu cầu tỉnh hội có thông báo xác nhận khuôn hội trực tiếp quản lý số quỹ dành tu sửa chùa và không có chuyện sư trụ trì giữ tiền hay mang theo. Rứa là dư luận lại xoay về giả thuyết anh Cả có liên quan hoạt động chính trị. Khi tui về thăm quê, các bậc chức sắc trong họ hàng cũng nghiêng về ý kiến tương tự. Đã lường trước mọi chuyện, tui giữ im lặng. Mô Phật, mô Phật…
Rồi tui được các thầy trên sắp xếp chuyện chuyển chùa. Tạm cho là đi trong danh dự, vì đa phần Phật tử còn luyến tiếc sư trụ trì cũ, không còn dư luận dị nghị chi. Có người còn nói mong ngày dân tộc được hòa bình có dịp gặp lại thầy.
Dòng đời cứ xuôi chảy, tui cũng không quay lại chốn cũ. Người mới, chuyện mới, chắc thiên hạ cũng mau quên. Chính bản thân tui, cố gượng cơn đau, quên đi tất cả. Nhưng, mô Phật, những thước phim đau thương mê sảng, nửa hư nửa thực thỉnh thoảng vẫn hiện về.
***
Hôm sau đó, do có việc ở nhà một Phật tử làng bên, tui phải nán lại qua đêm ở chùa địa phương. Nhớ có chuyện cần về và cũng tránh cho đạo hữu phục vụ phiền toái, tui rời chùa sớm. Từ đó về chùa nhà, phải đi bộ bọc qua hai ngọn đồi, mất non hai tiếng. Lưng ngọn đồi cao nhất là khu nghĩa địa của cả mấy xã lân cận, nghe đồn ma quỷ đi về hàng đêm. Lại từng xảy ra một vụ cướp từ năm trước. Nghĩ mình là người tu hành, không có của cải, không mần chi nên tội, tui động viên mình lên đường, dù không rõ sao có cảm giác e sợ, nôn nao trong lòng.
Khi ở lưng chừng đồi nhìn lên, thấy một bức tường vàng đã loang lổ màu của ngôi nhà gọi là Lầu Ông, nghe đồn là nhà bỏ hoang cả trăm năm của một vị quan to triều Nguyễn về hưu, người nói của một nhà buôn bất đắc chí người Hoa, giã từ cuộc chơi, về ở ẩn mấy năm thì mất. Nhìn cảnh phế tích, chợt nhớ lời anh Cả dạy sớm hôm về quy luật vô thường và cái giả tạm của vạn pháp, lòng đang bồi hồi thì tui giật mình nghe tiếng bước chân khá hấp tấp. Từ ngã ba cách non trăm thước hơn, bóng một phụ nữ ăn mặc tân thời đột ngột xuất hiện, rẽ nhanh lên đỉnh đồi. Mặt trời chưa lên, nhưng trên đồi cao ánh sáng đã lờ mờ. Người đàn bà không nhìn thấy tui, hoặc đang có công chuyện không kịp để ý. Việc du khách và người địa phương ghé thăm Lầu Ông chụp hình, ngắm cảnh không phải hiếm, nhưng ít ai đi vào giờ này. Đang phân vân bước vừa tự cười chuyện phân tâm vì chuyện không đâu, thì bất ngờ tui nghe tiếng động đã đến gần, tiếng rẽ cành cây, sương rụng ào ào. Sợ thót người, e gặp thú dữ, tui nhảy phắt lên một gờ đá, bám cành cây, đu lên bọng cây lớn trước mặt. Băng qua đám cây lúp xúp, dáng một người đàn ông mặc đồ bộ, tay nách túi vải, đội nón nỉ đi tắt lên phía Lầu Ông. Người thế gian đang hẹn hò nhau, tui nghĩ, khi thấy giữa chừng con dốc đồi, người phụ nữ quay lại, nhìn phía sau một lát, rồi tiếp tục đi, bước nhanh hẳn.
Bao năm sau tui còn quay quắt tự hỏi cái gì sẽ xảy ra nếu tui quay lại về chùa – mà đó chính là điều tui định làm thiệt – nếu không thình lình nhận ra người đàn ông mặc đồ bộ kia chính là anh Cả của tui. Và liệu chính tui đã phạm một sai sót chết người khi không cất tiếng gọi anh vào sát na hệ trọng đó!
Chỉ biết khi người đàn ông – bấy giờ tui đã chắc mười mươi là anh trai của mình – tiến gần tui cách chỉ dăm bảy thước thì tia nắng đầu tiên rọi thẳng lên đỉnh đồi, phả màu sáng nhợt nhạt tận chỗ núp của tui, và hiển hiện trước mặt là dáng đi, cung cách che mặt, nheo mắt cho đến cái rùn vai quá đỗi thân thuộc. Vuột tay, suýt rơi xuống đất, nhưng tui quyết định bước theo hai người. Vì răng, định mần chi, là đúng hay sai, tui không rõ.
Khi tui đến góc sân ngôi nhà cổ, người run rẩy vì lạnh, thì còn kịp thấy anh Cả đang hấp tấp qua sân và bóng Hélène Phượng – mô Phật, chính là Hélène Phượng – đi qua một khung cửa sổ không còn cánh cửa. Đến bậc thềm, anh Cả chợt quay lại, nhìn quanh, nhìn cả về hướng tui, vừa vụt đứng lên, không muốn che giấu nhân thân như một hành động tuyệt vọng, muốn cứu vãn một tai họa vô lường mà chính tui không thực hiểu và cơ hồ bất lực.
Trong tâm trạng rối bời và có phần hoảng sợ, tui lần mò đi qua phía hậu viên, lần này lén lút dưới đám tán cây, cỏ dại quá đầu người. Cánh cổng sau đã sụm xuống, một bên trụ đá đổ hẳn. Bọc quanh rào là một con đường đất đá lổm ngổm, rộng chừng vài ba mét, chỉ vừa làn xe hơi. Sát gờ đá đã mòn cùng thời gian là vực sâu. Tui đi đi lại lại, người ướt sũng sương đêm, mơ hồ nỗi sợ hãi không diễn tả nổi. Một cảm giác nặng nề như người mang tội lớn, để mặc anh trai đang mắc đại nạn mà không ứng cứu.
Hơn một tiếng sau, Hélène Phượng bước ra chỗ cửa hông, vòng lại ra cổng chính. Cô mở dù, nghiêng nghiêng che mặt, lần xuống đồi. Phải nửa giờ sau, khi bụng dạ tui đã như lửa đốt, mới thấy bóng anh Cả bước ra, lúc này mặc đồ tu như thường ngày. Anh Cả chọn đi lối cửa sau, ngẫu nhiên đúng phía tui đang núp. Tất cả nét mặt, dáng điệu trầm ngâm, khó hiểu của người anh trong mấy phút ngắn ngủi của ngày định mệnh đó nằm lại mãi trong ký ức đứa em trai cũng bất hạnh không kém. Kể cả hành động tuyệt vọng cuối cùng ngay dưới ánh mặt trời cũng xảy ra trước mắt tui.
Vẫn nách túi vải trên vai, anh Cả lần xuống thềm. Ở bậc thềm cuối, anh Cả ngần ngừ ngoái lại, đứng im một lát, đầu cúi gằm. Tôi tròn mắt, nhìn người đàn ông thân thiết nhất đời, người cha tinh thần trong bước đầy học đạo của tui, thất thểu đi từng bước chậm. Lần đầu tiên suốt thời gian chung sống, tui thấy người anh vốn tinh tấn, hoạt bát trong trạng thái bất định dường đó, vừa dợm quay phải lại quay ngoắt qua trái. Đến được cổng, anh chợt lạng người, bám vào trụ cổng, khuôn mặt hốc hác, đầy những vết nhăn và tuồng như dị dạng. Trong một cử chỉ bất ngờ, đầu anh Cả gục xuống, úp mặt vào trụ cổng, lắc lia lịa. Một cái rùng mình nữa bứt người ra khỏi chỗ trụ, anh Cả vụt bước lên mấy bước về phía lối đi vòng ra cổng trước. Cái tay nải chợt xoay vòng, dây xoắn cả áo cà sa làm bước chân loạng choạng. Bụng dạ tui mềm đi, tràn ngập tình thương xót xa, bất lực, suýt kêu thành tiếng.
Bỗng nhiên, ngoài tất cả dự liệu, anh Cả chạy tràn qua đường, tháo tay nải, quẳng mạnh xuống vực. Vừa đúng lúc ngỡ anh dợm bước rời mép vực thì sự cố xảy ra. Hình như vướng phải gờ đá, người lảo đảo, lạng hẳn một bên.
- Anh Cả! Anh Cả!
Anh Cả giật bắn người, rùn hẳn vai, nhưng không quay lại – có vẻ như anh không nghe rõ tiếng em trai. Cái bóng áo nâu phấp phới trên vạt trời xanh một tích tắc rồi vút thẳng xuống vực.
***.

Thời gian qua bao lâu không rõ. Trong kinh nói thời gian dài ở thế gian chỉ bằng khoảng khắc ở cõi trên.

- Mô Phật, vì răng sau đó thầy lại không…
Có vẻ như đã biết trước câu hỏi, sư trụ trì không bắt khách đợi lâu.
- Tui biết để như rứa hay hơn cho anh Cả, cho khuôn hội, cho tất cả ai khác. Cũng chuyện cộng nghiệp, biệt nghiệp cả. Mô Phật!
Giọng người kể chuyện ẩn nhẫn hẳn:
- Có cái chi đó trong tâm tưởng tui dừng lại mãi mãi phút giây đó, khi bóng vạt áo cà sa phất phới giữa trời, nói lời vĩnh quyết với cuộc đời và đam mê hư ảo… lời nhắn gửi muộn màng thống thiết của anh Cả.
Trong mê lộ tuyệt vọng, anh Cả vẫn là người thầy tinh thần của tui. Và giờ đây…
Bờ vai gầy gò run nhè nhẹ, tương phản với bộ mặt đã sạm khô như tạc bằng gỗ nâu, vị cao tăng tiếp tục câu chuyện:
- Tui tin rằng anh Cả đã nghe được tiếng kêu của em trai, cũng là đệ tử ruột của mình và tự chọn lựa hình phạt cho mình… và như rứa anh ta vẫn là bậc thầy của ta – đôi mắt chợt nhắm nghiền, và tựa như sư ông không để ý việc đột ngột thay đổi cách xưng hô của mình – Tợ như anh Cả đã đi đến cùng đường, cả ngõ sáng và tối cho em trai đồng thể nghiệm. Và tợ như anh ta vội vã muốn cáo một lỗi tày trời, một tai vạ lớn đến không phải cho mình, mà cho đứa em trai bé dại, dễ tổn thương, người mà tiếng kêu tuyệt vọng đã vô tình cắt mất đường về, đặt dấu chấm hết cho sự tồn sinh của mình.
- Và thầy sợ dư luận khen chê của thế gian làm lệch đi ý nghĩa kỷ niệm cuối cùng của anh em thầy…
Nhà sư trẻ giật bắn mình khi nhìn thấy cái nhíu mày như đau đớn của người đối diện sau lời phản biện không kềm chế của mình.
- Có một cõi vô cùng trong mọi thứ vô cùng, nơi cái cực tốt và cực xấu không có bộ mặt riêng. Đó không phải pháp trong thế gian phân biệt. Nơi đó chúng sinh chọn lựa lần cuối để siêu vượt hoặc quay trở lại… Nơi đó và chỉ ở cảnh giới đó, cái xấu và cái tốt chỉ là những đam mê, những sức mạnh thuần khiết không tương ứng với tiêu chí, tên gọi, định lượng thế gian.
Vị sư già nói, rành mạch từng tiếng một vừa như đang cố tải một nội lực bí ẩn nào đó cho người hữu duyên. Bên kia bàn hai bàn tay chắp lại của sư trẻ run khẽ.
VĨ THANH

Tui không rõ cuộc sống tu tập của mình rồi sẽ ra răng nếu không có duyên được gặp thầy.

Thời điểm đó quý thầy quyết định chuyển tui về ở tạm chùa tỉnh hội. Nhân có một số sư sãi từ miền Trung vào viếng đồng đạo, trong đó có thầy vốn là bạn của sư trụ trì chùa Lộc Uyển năm xưa mà sự đời bỗng duyên theo một dòng nước mới, tinh tấn hơn, thiện hảo hơn. Chắc nghe chuyện răng đó, thầy ngỏ ý xin tôi về cùng tận một vùng núi đồi Nam Trung Phần. Tui lặng lẽ xách khăn gói theo thầy, không lời thắc mắc. Với tui lúc đó, chỉ hai con đường: nhanh chóng cầu sư học Đạo, hoặc quay về quê cũ, nhắm mắt chấp nhận viễn cảnh vô lường.
Chùa mới cũng ở vùng đồi, nhưng là đồi cát, trồng toàn dừa và dương liễu. Khung cảnh nửa lạ nửa quen, nắng gió và sóng biển nhắc tui nhớ quê cũ và cha mẹ xưa. Tui được quanh quẩn bên thầy, lo ấm trà lúc tinh mơ, quét sân chùa, chẻ củi, tưới bông. Trong tình thương thầy dành cho đệ tử có cái cứng cỏi của người cha, chút mềm mại của mẹ hiền, sự nghiêm khắc mà công bằng của bậc sư phụ. Tóm lại, hình ảnh thầy mau chóng lấp đầy khoảng trống vắng ghê sợ mà anh Cả để lại. Nhớ mỗi lúc tui đến gần, khuôn mặt thầy dãn ra, phảng phất nụ cười hiền, có ý che chở. Lòng tui chùng xuống mỗi lúc nhìn thầy, mái tóc bạc phơ phơ và tấm lưng còng theo năm tháng.
Một lần đang đi, thầy lảo đảo ngồi xuống thềm, thở dốc. Tui lật đật khuỵu người, loay hoay nắn tay thầy, không biết có chuyện chi, bật khóc. Thầy lặng lẽ nhìn tôi một lát, giọng chậm rãi:
- Thơ thiền thường nhắc hoa nở lại rụng, mắt thế gian cũng nhìn ra hoa rụng rồi lại nở… Cuộc sống mãi trôi theo quy luật tuần hoàn. Nếu có căn tu, không muốn nhận, phúc lành vẫn tới. Nếu xao lãng, khinh thường là chuyện nhỏ, có khi tai họa khó lường.
Cảm nhận trong mấy câu ngắn ngủi lời dặn cuối cùng của sư phụ, tui ôm choàng tấm thân gầy gò của thầy, thổn thức mãi. Thầy cười khà, vuốt ve đầu đệ tử, vỗ về:
- Trước khi thầy đi, nếu con còn muốn về thăm quê cũ thắp hương cho cha mẹ, thầy sẽ cho phép. Kẻ tu hành theo Phật đạo xem bốn phương là thân thích của mình, nhưng có lòng quyến luyến chút tình máu mủ thế gian cũng không hẳn là điều sai trái chi.
Nhớ tới cha mẹ đời trước đã đi xa, tui rươm rướm nước mắt thưa với thầy:
- Bạch thầy, chuyện gia đình lòng con chừ đã yên. Nay chùa là nhà, thầy là cha, đồng đạo là anh em ruột thịt, xin thầy chớ lo nghĩ.
Đó là một chiều trôi chậm nhất trong đời tui. Không một tiếng nói thêm, không một cử chỉ thừa. Thầy đang ở cùng tui từng sát na, từng tia chớp ngắn ngủi. Lòng thương yêu lẫn chút bùi ngùi của thầy nhẹ nhõm, an tịnh và mát rượi, rưới lên tâm hồn tui chờ đón, mở rộng. Sau này, bao nhiêu lần gặp chuyện lớn nhỏ, phức tạp tới mô hễ quay về với buổi chiều năm xưa, cảm giác bàn tay thầy mơn man trìu mến, tưởng tới lời dạy hệ trọng của bậc thầy, lòng tui mạnh mẽ lên, sung mãn không ngờ, như tiếp được nguồn suối ngọt ngào vô ưu vô úy.
Còn nhớ một lần thầy căn dặn dậy sớm cùng thầy đi lễ xa, nhưng tui ngủ một giấc say tới sáng. Đêm mơ thấy thời còn bé dại, rong chơi cùng anh Cả và chị gái. Chiều đồng quê ríu rít tiếng chim chiền chiện, mải vui trò đuổi bắt cùng bạn lối xóm dọc bờ sông mát rười rượi. Lác đác mấy bụi sim tim tím, vài khóm bông trang màu gạch và bông thọ vàng. Một cánh diều chơi vơi suốt trọn giấc mơ. Anh Cả và người bạn gái ngồi trên bờ đê nói chuyện. Đầu anh Cả cạo trọc, ngọ ngoạy lúc say chuyện làm chị bạn cười ngất. Tiếng cười trong trẻo trộn vào tiếng chim chiền chiện ríu ra ríu rít nghe thân thương lạ lùng. Rồi chị gái bỗng xuất hiện, tay dắt một em bé. Em bé mũm mĩm, má phơn phớt hồng, hai mắt tròn xoe y như con búp bê, cứ chực buông tay người lớn để ù chạy. Rồi em vụt chạy thật, la hét, chỉ trỏ đầy kích động: em đang đuổi theo cánh diều trên kia, ngót tận trời. Một chiếc hài xinh xinh chợt văng ra, lăn lông lốc xuống bờ đê. Tiếng em bé gào to, giọng lạc hẳn đi: “Anh Tí ơi! Anh Tí ơi! Nhặt giúp em, kẻo mẹ mắng chết!”.
Tôi nhào ngay xuống mép sông, vội vàng quờ tay nhặt hài. Chiếc hài trắng hồng nhẹ hẫng, lượn lờ trên mặt nước, ngỡ trong tầm tay, nhưng không rõ vì răng tui quờ quạng hoài không chạm được. Lại cố lên, gượng lần nữa, hàng chục lần nữa… Tiếng gào đuối dần, trở thành tiếng năn nỉ ngậm ngùi đàng sau: “Anh ơi, ráng cứu em! Em van anh!”.
Tôi cố trụ hai đầu gối, rướn người lần cuối, chạm được vào chiếc hài, rồi chới với rớt ùm xuống nước.
Trong phút vật lộn quyết liệt, tuyệt vọng, tui vẫn gượng chụp được và quẳng ngược chiếc hài sũng nước lên bờ. Chiếc hài đã rúm ró và nhờn nhợt hệt như da ếch.
Khi trồi được đầu lên, vừa may mắn thoát chết, tui kịp chứng kiến cảnh lạ lùng đó: trên cánh đồng vẫn líu lo tiếng chim chiền chiện, em bé đang nhảy nhót, kích động với chiếc giày ướt trong tay, cách đó không xa chị gái nghiêng đầu, mái tóc phủ đầy lưng, đang khe khẽ hát một điệu buồn chi đó và xa xa, dáng anh Cả với cái đầu trọc lóc lúi húi chuyện trò cùng bạn gái. Không một ai chú ý tới thế giới chung quanh, không một ai màng tới sinh mệnh của tui. KHÔNG! KHÔNG! KHÔNG! Tui hét lên, đau đớn, bàng hoàng, phẫn nộ… và tỉnh giấc. Nhìn thấy tay nải chuẩn bị cho chuyến đi đặt sẵn trên chiếc ghế tựa kê cạnh giường, biết thầy đã đi rồi, tui bật khóc nức nở, lòng tràn đầy ân hận.
Chiều hôm sau thầy về, vẫn bình thản, lặng lẽ như thường ngày. Giọng gọi học trò thắp đèn, pha trà vẫn nhỏ nhẹ, dịu hiền. Lúc tới giờ ngủ, tui còn bần thần, ngồi ở mép giường. Chợt nghe bước chân thầy tới gần, chưa kịp đứng dậy thì nghe tiếng thầy, giọng vui:
- Con đã nhặt được chiếc hài giúp người trong tiền kiếp chưa?
***
Bên kia bàn, khách rùn mình lại, nói khẽ:
- Đệ tử ước chi được một ngày, một giờ bên bậc chân sư!
Lần thứ hai trong câu chuyện vang lên tiếng cười khoái hoạt, khỏe khoắn bất ngờ của sư thầy Vô Ưu làm sự nặng nề của câu chuyện buồn thương của dĩ vãng như vợi hẳn.
- Ngay trong một đời người cũng có tiền kiếp và những tiền kiếp – giọng vị sư già nhẹ tênh – cái chi ta đã làm, đã gieo rồi vụt quên đi, cái đó chính là tiền kiếp. Cái mà ta quên không có nghĩa là không tồn tại và không có thực!
- Bạch thầy – sư Trí Tâm cúi đầu thật thấp – chiếc hài, xác lá, cánh hoa tàn đều đáng cứu vớt, nhưng cái cần cứu vớt đầu tiên là sinh mệnh của chính mình…
Vị sư già yên lặng, từ tốn nhắm mắt lại.
Rời khuôn mặt của bậc thầy đã hoàn toàn lặng lẽ trước mắt, lắng lại những diệu âm như chưa từng được nói, nên không bao giờ mất mát, hư hao, vị sư trẻ quay mặt về phía thung lũng sâu bên dưới đồi, nơi những làn khói xa nhạt dần, vẫn nấn ná một màu lam của những hồn thoát tục.

Nguyễn Thanh Văn