(xem NÓI TRONG IM LẶNG 2)
Thấy ông B uống nước xong, người ghi lời khai hỏi.
- Ông cho biết lúc xảy ra vụ việc, ông ở trong nhà làm gì.?
Ông B.
- Tôi đang đọc báo. Người ghi lời khai.
- Mọi khi vào giờ đó ông thường ở nhà đọc báo hay còn đi
đâu.? Ông B.
- Tôi ở nhà đọc báo giờ đó, vì là buổi sáng tôi thường hay đọc
báo. Trưởng công an phường nói chen vào.
- Theo bà con nói, thì thường giờ đó ông vẫn đi dạo sáng ở
công viên, rồi ông ngồi cà fe với mấy ông cùng tập thể dục ở công viên đến 10
giờ sáng mới về nhà. Sao hôm đó ông lại ở nhà.?
Ông B muốn nhỏm dậy để nói, nhưng ông chớm trở mình thấy đau
nhói. Bác sĩ bảo ông phải nằm im, gẫy xương sườn là phải vậy. Ông phản bác.
- Không phải hôm nào tôi cũng đi, có hôm đi , hôm không.?
Người ghi lời khai hỏi.
- Ông cho biết tại sao có hôm ông đi, hôm ông không đi.? Ông
B
- Hôm nào trời mưa, trời lạnh, hôm nào người tôi không khỏe.
Những hôm thế tôi không đi được.
Người ghi lời khai cười nhếch mép.
- Hôm đó không mưa, không lạnh. Vậy là ông không được khỏe
nên ông không đi. Thế mà ông vẫn đủ sức để gây sự với người ta đấy thôi. Ông phải
thành thật khai báo thì chúng tôi mới làm rõ sự việc được. Thế hôm đó vì lý do
gì ông ở nhà tại thời điểm đấy.?
Ông B muốn gào lên, nhưng sức ông không có, ông nghiến răng
nói.
- Tôi là người bị hại, các anh hỏi lời khai hay hỏi cung tôi
như là tội phạm đây.? Nhà tôi thì tôi thích ở lúc nào, đi lúc nào cũng được.
Trưởng công an phườn nghiêm mặt nói.
- Ông B này, ông đơn từ, viết lách nhiều. Tưởng ông phải am
hiểu luật. Hiện nay ông chỉ là người bị thương trong vụ xô xát. Chưa khẳng định
được ai là tội phạm trong vụ này, chúng tôi đang điều tra một cách khách quan.
Chưa có kết luận gì cả. Khi làm
rõ rồi thì mới kết luận ai là tội phạm. Giờ mọi người có
liên quan đến vụ việc nầy đều
được hỏi như nhau.
Người ghi lời khai gõ cái đít bút vào lòng bàn tay, nghe đối
đáp giữa ông B và trưởng công phường với vẻ rất khoan khoái. Anh ta nói.
- Tôi thấy anh B là người rất nóng tính, làm việc với chính
quyền đúng trình tự, thủ tục, luật pháp mà anh còn mất bình tĩnh thế này. Không
hiểu ở chỗ khác thì anh thế nào.
Câu nói của người cán bộ cảnh sát ghi lời khai khiến ông B nổi
cáu, ông gắt.
- Chỗ khác là chỗ nào, ý anh muốn nói tôi là người đi gây sự
trước à.? Các anh định vu khống cho tôi à. Tôi là người bị hại, bị đánh mà các
anh coi tôi là tội phạm sao.?
Người ghi lời khai cười nhạt nói.
- Đã giải thích cho anh rồi, chúng tôi phải hỏi mọi việc để
làm rõ, nguyên nhân, động cơ, hành động. Đó là một chuỗi liên kết với nhau. Để
xác định nguyên nhân thì chúng tôi phải hỏi thời điểm, các mối quan hệ và nhiều
thứ nữa. Nếu mà làm dễ thì ai cũng đi làm điều tra, đâu phải thi cử học hành mấy
năm. Rồi phải tập huấn bao năm mới được cầm bút thẩm vấn. Oan sai cho một con
người là vấn đề nghiêm trọng. Cho nên pháp luật ta rất chú trọng chặt chẽ việc
điều tra, có cả pháp lệnh riêng để tránh oan sai.
Trưởng công an phường đế vào.
- Thì ông nói hôm đó ông ở nhà, viết bài gì đó để đưa lên
trang mạng cá nhân. Ông đang viết bài gì thì ông nói ra, đó cũng là cách giải
thích hợp lý. Thế lúc đó ông đang viết cái gì.?
Ông B cảm giác có cái bẫy đang giăng ông vào chuyện viết
lách trên mạng. Ông nói.
- Tôi không viết gì, tôi ở nhà đọc báo.
Cán bộ ghi lời khai nói.
- Mọi hôm ông đi, hôm nay ông ở nhà đọc báo, tất nhiên là
nhiều hôm ông không đi giờ đó vì lý do khác nhau, như mưa, gió lạnh, có bạn đến
nhà. Vậy để cho có thì lý do hôm đó ông ở nhà là gì.?
Ông B nghĩ rằng họ muốn đánh tráo khai thác chuyện ông viết
bài, họ muốn ông khẳng định ông đang viết bài để có căn cứ hỏi tiếp. Nếu ông trả
lời ông đang viết họ sẽ hỏi viết bài gì , họ đòi xem máy tính để biết bài ông
đang viết. Họ sẽ có mật khẩu máy tính ông, mật khẩu truy cập trang của ông. Ông
B nói.
- Hôm đó tôi ốm nằm nhà.?
Ông B khai ốm, vì ông sợ khai ông khỏe. Người ta sẽ gán ông
rằng ông cố ý ở nhà để gây ra mâu thuẫn, là ông có mục đích gây sự từ trước.
Cán bộ ghi lời khai ghi luôn câu trả lời ông B.
Cán bộ điều tra không phải là công an phường tuy rằng được
giới thiệu vậy. Cán bộ tên Cường, thuộc phòng an ninh điều tra của công an
thành phố. Cường là một cán bộ điều tra dày dạn kinh ngiệm và nắm bắt vững tâm
lý đối tượng. Trước khi vào lấy lời khai ông B, Cường đã làm việc với công an
phường về hướng lấy lời khai. Lúc bàn đã xác định mọi khả năng trả lời của ông
B. Câu hỏi của trưởng công an phường là nằm trong kế hoạch đánh lạc hướng đối
tượng. B với bản chất cảnh giác chuyện bài viết, sẽ thoái thác không muốn nhắc
đến. Và trong tâm lý ấy B phải nhận lý do nào đó. Chỉ cần đợi đúng lúc đó hướng
y vào câu trả lời mong muốn để kết luận điều tra như mong đợi. Chuyện hắn ốm sẽ
được lý giải trong hồ sơ, vì sao một người đàn ông xô xát với một người phụ nữ
lại bị chấn thương. Nếu anh ta khỏe làm chỉ có gây thương tích cho phụ nữ. Còn
anh ta đang ốm thì chuyện anh ta bị sao là điều đương nhiên có thể đến. Khối vụ
án chỉ xô xát nhẹ, nhưng người bị ốm, say rượu ngã cái mà chấn thương sọ não chết.
Cái này là vô tình chứ không phải mong muốn, vì người tham gia có khi là bà
già, trẻ con thì không thể xác định chỉ xô xát chân tay mà có khả năng giết người
được. Hậu quả đó là khách quan, ngoài mong muốn.
Nhưng đó là việc sau, giờ phải hỏi tiếp. Đạt thắng lợi bước
đầu, Cường chăm chú hỏi tiếp các câu hỏi.
- Vậy ông trình bày sự việc, thì một thanh niên đã bóp cổ và
bóp gẫy xương sườn ông. Lúc đó có ai nhìn thấy thanh niên đó bóp cổ và bóp sườn
ông không.?
Ông B
- Có vợ tôi và bà Chinh. Cán bộ điều tra.
- Vợ ông thì do là thân nhân ông lời khai không thuyết phục
làm nhân chứng. Cũng như bà Chinh là người xô xát với ông, bà ấy khai anh thanh
niên kia can ra thôi, không làm gì ông cả. Chúng tôi chỉ ghi nhưng cũng không
cho là lời khai thuyết phục. Để khẳng định còn phải có những thứ khác bổ sung
khách quan. Vậy ông cho biết, ông và người thanh niên kia có quen biết hay thù
oán gì không.?
Ông B nói.
- Tôi không quen anh ta, cũng không có thù oán gì.
Cán bộ điều tra giọng rất chân tình như muốn giúp ông.
- Anh thanh niên đó là cháu nhà Dũng Hạnh, ông và nhà Dũng Hạnh
có thù oán gì không.? Có thể họ nhân cơ hội này để tấn công ông chẳng hạn.
Nhà Dũng Hạnh là cán bộ công chức, họ chẳng có thù oán gì với
ông. Xưa nay cũng nhìn nhau khi ra vào ngõ , nhưng có nói chuyện gì đâu mà có
hiềm khích. Nhà đó cũng không để ý chuyện xóm ngõ bao giờ. Ông B trả lời.
- Tôi với nhà Dũng Hạnh không có thù oán gì.? Cán bộ điều
tra hỏi .
- Vậy anh ta thấy ông cãi nhau với bà Chinh, liền xông tới
bóp cổ và bẻ gẫy xương sườn ông luôn. Anh ta lúc đó có nói gì không, ví dụ chửi
ông hay mắng ông là đánh phụ nữ, bà già chẳng hạn.
Ông B nhíu mày nhớ lại, ồng trả lời.
- Không, anh ta lao thẳng đến bóp cổ, rồi bấm gãy xương sườn.
Anh ta không nói gì trước đó.
Cán bộ điều tra.
- Vậy lúc đó ông có nói gì không.?
Ông B
- Tôi bị bất ngờ, không kịp nói, bị chẹn cổ rồi còn nói gì nữa.
Cán bộ điều tra hỏi.
- Sau khi bị tấn công, ông có bị ngã xuống không.?
Ông B
- Có , tôi có ngã xuống. Cán bộ điều tra.
- Khi ngã xuống, thì ông đau quá không biết gì, ngay cả việc
người ta đưa ông đi viện
Ông B
- Vâng, tôi ngã xuống, đau nhói xương sườn, tôi lịm đi không
biết gì nữa.
Cán bộ điều tra có vẻ gần kết thúc các câu hỏi, anh ta ghi mấy
câu gần cuối của trang giấy cuối cùng. Ngẩng đầu lên anh ta hỏi.
- Tôi hỏi câu cuối, ông khẳng định không quen biết, thù oán
gì với anh thanh niên tấn công ông cũng như nhà Dũng Hạnh là chú của thanh niên
đó.?
Ông B gật đầu. Biên bản kết thúc, đọc lại cho ông nghe. Ông
nhờ bà lấy cho cái kính để ông xem lại. Rồi ông ký. Các cảnh sát chào ông rồi
ra về.
Ra viện được nửa tháng, ông B không thấy động tĩnh của chính
quyền về vụ ông bị tấn công. Ông làm đơn lên tòa, viện kiểm sát. Phải 45 ngay
sau ông mới nhận được thông báo trả lời. Thông báo nói rằng vụ việc mà ông khiếu
nại không đủ cơ sở để khới tố ra tòa. Còn viện kiểm sát quận thì trả lời rõ
hơn. Họ nói không có người tấn công ông, không có thủ phạm nên không thể khởi tố.
Họ gửi kèm ông kết luận điều tra của cơ quan công an. Ông đọc có đoạn.
'' ....Vụ việc này do mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt hàng xóm, việc ông B bị chấn thương xương sườn
non số ...là do ông B xô xát trong tình trạng đang ốm. Nên khi đẩy bà Chính ra,
ông B đứng không vững trượt chân ngã vào cạnh bếp lò mới chấn thương. Việc ông
B khai bị người Nguyễn M. Tiến , cháu của hàng xóm ông B là nhà Dũng Hạnh tấn
công là không có cơ sở. Không có nhân chứng xác nhận, cũng như qua xác minh anh
T là người tư cách đạo đức tốt, không có đánh lộn gì với ai bao giờ. Cũng khớp
với lời khai ông B là ông không có thù oán hay quen biết gì với anh hay thù oán
gì với nhà Dũng Hạnh....nguyên nhân chính dẫn đến ông Trần Văn B bị chấn thương
nhẹ ở mạng sườn là do lỗi của ông trong khi xô xát với bà Chinh. Bà Nguyễn Thị
Chinh là vợ liệt sĩ, gia đình neo đơn, bà Chinh 68 tuổi, nặng 47 kg, cao 1,52cm, thể trạng gầy
gò yếu đuối, tuổi cao. Trong khi ông B là đàn ông, trẻ tuổi hơn, nặng 65 kg. Việc
cho rằng bà Chinh đẩy ông B ngã là không có cơ sở.
...đề nghị xử lý hành chính các đối tượng tham gia xô xát ở
địa phương, đồng thời cũng đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp giáo dục
tinh thần công dân chấp hành tốt trật tự trị an công cộng, không gây mâu thuẫn
nội bộ trong đời sống tại địa bàn... ''
Ông B lặng người, tím tái vì giận dữ. Không ngờ người ta có
thể đổi trắng thay đen đến vậy. Ông ngồi miên man suy nghĩ tìm lý lẽ để gửi đơn
kiện đến nơi, đến chốn vụ này.
Mấy ngày liền ông ngồi uống rượu. Bình rượu thuốc ngâm chống
đau xương cốt, thảng lắm ông mới mang ra dùng. Chỉ dịp lễ, tết, giỗ lạt gì ông
mới rót ra vài chén nhấp nháp. Bình rượu để trong xó bếp, nơi ít ai chạm đến. Nay được ông bê lên giữa nhà, chốc ông
nghiêng bình san ra một chén. Ông thấy kiện đến đâu rồi cũng chỉ bế tắc, người
ta ở trên tòa, đọc hồ sơ. Biết gì hơn mà hiểu được vụ ông. Họ chỉ đọc cái biên
bản điều tra, kết luận của công an. Họ chỉ căn cứ vào lời khai trong đó, suy diễn
của công an trong đó. Họ tin người của họ, cùng chính quyền với nhau, tin gì
người dân đen như ông.
Không khí nặng nề diễn ra trong gia đình thời gian gần đây
khiến bà B như người sống trên mây, bà bắt đầu quên bẵng nhiều thứ. Bà B biết
chồng đang đầy uất ức , nên bà chẳng dám nói chuyện gì với ông. Bà lặng lẽ như
cái bóng. Hai ông bà lấy nhau muộn, có con lại càng muộn. Được đúng cô con gái
là bác sĩ bảo bà chỉ đẻ được lần này, lần sau đẻ sẽ rất nguy hiểm cho cả mẹ lẫn
con. Bà mong sao con bé không bị ảnh hưởng đến chuyện này, chỉ tháng nữa thôi
là con bé vào kỳ thi đại học. Bà B chăm chút ban thờ tổ tiên hơn, hàng sáng bà
thắp hương khấn tôt tiên phù hộ cho gia đình bà được yên ấm như những năm nào
trước đây. Bà hồi tưởng lại thời kỳ thanh bình, nghèo mà yên ấm. Hai vợ chồng
đi làm, lĩnh lương theo chế độ tem phiếu. Ngày ấy ai cũng thanh bạch, không có
người quá giàu như bây giờ. Người có của hồi ấy chỉ là đám dân buôn bán, phe phẩy.
Đám đó có tiền cũng lén lút tiêu pha vụng trộm. Chẳng như bây giờ đám nhà giàu
toàn là quan chức, lãnh đạo, vừa có tiền vừa có thế lực. Chúng ăn tiêu ngông
ngênh, sa đọa chẳng hề phải che dấu gì. Chính bọn chúng đã khiến xã hội càng
ngày càng băng hoại đạo đức hơn. Bà thương chồng là người ngay thẳng, sống
trong thời buổi đảo điên này, bà thương đứa con gái nhỏ bé trong sáng của bà
nay mai phải bươn chải giữa cuộc đời đầy nghịch cảnh, phi lý và đầy cạm bẫy
này. Giá như ông đừng ngay thẳng quá, cứ mặc kệ cuộc đời, thiên hạ sống sao
mình sống vậy thì đâu đến nỗi. Cả cái xã hội thế này, mình có nói thì cũng như
húc đầu vào đá. Thiệt thân cho gia đình mình trước thôi. Bà láng máng hiểu cái
việc chồng bà bị đánh không phải là ngẫu nhiên, tình cờ. Không biết ông ấy có
biết thế không. Còn bà đã vài lần thấy người ta úp mở là bọn phản động sẽ bị trừng
trị không bằng cách này hay cách khác đến vài lần rồi. Người ta nói ở quán xôi
buổi sáng, ở hàng tạp hóa buổi chiều. Bà biết họ nói để cho bà nghe.
Bà B cũng chẳng dám nói với chồng, trường của bà họp hội đồng
giáo viên. Người ta đã bóng gió nói về các thế lực thù địch đang lợi dụng quyền
tự do ngôn luận, lợi dụng internet để tung những luận điệu chống phá chế độ.
Nhà trường đã nhắc nhở các giáo viên phải giữ vững đường lối của đảng và nhà nước
trong giảng dạy, nếu nhà ai có người trót sa vào những việc làm sai phạm đã
nêu. Giáo viên đó phải có trách nhiệm nhắc nhở người thân chấm dứt việc đó. Vì
nếu không, các học sinh và phụ huynh học sinh biết giáo viên đang dạy cho con
mình có chồng, vợ là những phần tử phản động chống phá chế độ. Liệu họ có tin
tưởng cho con em mình tiếp thu kiến thức của những giáo viên như thế không.? Bà
giám hiệu còn nói thêm là ở trường ta đã có lác đác kiến nghị của phụ huynh học
sinh ý kiến về trường hợp có giáo viên gia cảnh như vậy. Nhưng trường thấy ý kiến
mới chỉ là vài cá nhân, nên qua buổi họp này nhắc nhở trước để các giáo viên chủ
động giải quyết việc nhà.
Không phải ngẫu nhiên nhưng người hàng xóm ngày càng nhìn
ông bà với con mắt khó chịu. Rồi họ để xe trước lối đi nhà ông bà. Ông bà B
cũng nín nhịn xuề xòa cho qua chuyện, bỗng nhiên thêm cái chuyện bà Chinh nhóm
bếp lò trước cửa nhà ông bà. Rồi thằng cháu nhà Dũng Hạnh ở đâu đến đây ở , sau
cái vụ nó đánh ông đấy, nhà Dũng Hạnh chẳng có nửa lời phân bua. Họ bảo vì ông
bà mà thằng cháu đang ở nhờ xin việc phải bỏ về quê. Họ còn nói ông xuyên tạc
chính sách quen rồi, giờ lại vu khống cháu nhà họ ra pháp luật nữa.
Sáng nay có hai người bạn đến thăm ông. họ là những người bạn
đọc trung thành của ông qua trang blog. Lúc họ ra lấy xe ra về, có hai thanh
niên mặt mũi hằm hè giơ điện thoại lên chụp ảnh họ và chụp cả biển số xe. Một
người bạn đọc lại gần hỏi hai thanh niên.
- Các anh cho tôi hỏi, chúng tôi có quen các anh không. Hoặc
chúng tôi làm gì mà các anh chụp hình chúng tôi như vậy.?
Một người thanh niên gằn giọng đầy khiêu khích.
- Tôi chụp ảnh mấy cái nhà này không được à.? Mẹ cái bọn phản
động lắm chuyện. Ông B lật đật ra ngăn can, ông vội đẩy hai người bạn ra về.
Hai gã thanh niên chụp ảnh nhìn ông bằng con mắt khinh miệt. Nhìn thái độ của
hai gã sẵn sàng gây sự, ông chợt nhận ra bộ dạng của chúng giống y như thằng Tiến cháu nhà Dũng Hạnh đã đánh
ông. Ông B đã hiểu vì sao ông bị đánh, vì sao có chuyện hàng xóm gây sự với nhà
ông, rồi vì sao đơn kiện của ông không được giải quyết. Và vì sao công an người
ta kết luận vụ án như vậy. Ông hình dung
nếu mình kiện tiếp sẽ bị khép tội vu khống. Ông lạnh người nhận ra pháp luật đã
không còn trên đất nước này nữa. Pháp luật nằm trong tay người cầm quyền và họ
kết luận ông đúng hay ông sai là quyền của họ. Pháp luật là công cụ để bảo vệ
những kẻ cầm quyền, đó là mục đích cao nhất của cái hệ thống pháp luật nhà nước
này.
Có tiếng ai gọi ngoài cửa.
- Ông bà B có nhà không đấy.?
Nghe như tiếng bà Lan, bạn giáo viên cùng trường vợ ông. Bà
Lan đi với chồng, hai người xách túi hoa quả vào nhà vồn vã hỏi thăm.
- Thế nào ông đã khỏe chưa, khổ, tuổi già xương cốt yếu lắm.
Chả biết có chuyện gì mà nông nỗi thế này, nghe loáng thoáng từ mấy hôm trước.
Giờ hai vợ chồng mới đi được thăm ông. Có chút hoa quả biếu ông đây.
Bà B đỡ túi quả để trên bàn, bà đi pha nước mời khách. Bà Lan làm giáo viên kiêm công đoàn, cùng dạy
với bà mấy chục năm nay. Thân thiết nhau như chỗ chị em. Hai nhà thường qua lại,
nên cả hai ông chồng cũng thân thiết nhau. Chồng bà Lan có sửa xe máy ở nhà, cuộc
sống cũng khá giả. Ông Tú chồng bà Lan cũng ham đọc sách báo, nghe thời sự đâm
ra lại hợp với ông B. Hai ông mà nói chuyện thì cả ngày không chán. Cái nghề sửa
xe hay ở chỗ khi sửa phải nói chuyện với khách để họ đỡ sốt ruột. Khách thì đủ
loại người, ông Tú rành việc đời hơn ông B là vậy.
Pha ấm trà để trên bàn. Bà B nói.
- Lâu hai bác đến chơi, ông nhà tôi cũng đang nhiều chuyện
nghĩ. Hai bác ăn cơm , uống với nhà tôi chén rượu nhé.
Vốn chỗ thân quen, ông Tú gật đầu tắp lự. Hai bà liền kéo
nhau đi chợ mua đồ nấu ăn, để hai ông chồng ở nhà tâm sự.
Nghe ông B kể sự tình câu chuyện ông bị đánh và nguyên nhân
mà ông B đoán. Ông Tú trầm ngâm một lúc rồi ồn tồn nói.
- Thôi ông ạ.! Nguyên nhân thì mình cũng đoán được rồi. Mình
nhìn thẳng ra thì mình chả làm gì được họ. Pháp luật trong tay, họ bảo sao là
thế. Mình không sao là may rồi. Thời buổi nhiễu nhương này, người quân tử đành
phải giữ mình trước. Mình đã không làm gì a dua theo những điều xấu đã là tốt rồi.
Ông B lắc đầu chua chát.
- Tôi không nghĩ chúng nó lại tệ thế.! Không nghĩ chúng nó lại
dùng những thủ đoạn như vậy để đối xử với người dân. Tôi nói những điều đúng
đang xảy ra, có phải xuyên tạc hay bêu xấu gì ai đâu.?
Ông Tú vỗ đùi bộp một cái, cắt ngang.
- Đấy, vấn đề nó ở chỗ ông nói sự thật. Họ không bằng lòng,
không xử ông về mặt pháp luật. Mà họ dùng luật rừng, luật xã hội đen, luật của
maphia ông biết chưa.? Nếu ông nói sai, họ đã dùng luật bắt ông bỏ tù vì tội
nói xấu chế độ rồi. Ông đừng tưởng ông nói là có lý lẽ hết, chưa biết chừng họ
đang theo dõi các bài viết của ông. Họ tìm cách ép buộc nhân chứng trong bài
ông bảo ông viết không đúng. Vì dụ ông viết về dân này bị mất đất, thích thì
chúng nó trả đất mặc cả với người dân ấy là ông tố sai. Thế là ông ra tòa lãnh
án, ai cãi được hộ ông.
Đến giờ uống thuốc, ông B lại đầu giường lấy cái túi nilong
thuốc ra vài viên bỏ vào mồm. Ông Tú nhanh nhẹn đưa ông cốc nước trắng để ông uống
trôi thuốc. Ông Tú định dìu ông B lên giường, nhưng ông B khoát tay ngăn.
- Tôi khỏe rồi mà anh, thuốc thì còn phải uống thêm cho có
canxi. Chứ mình mẩy hết đau rồi ông à. Ta ra bàn ngồi uống trà tiếp thôi ông.
Hai ông già ngồi nhìn nhau, mỗi người một niềm suy nghĩ. Ông
Tú vò mái tóc điểm bạc nói.
- Chưa kể là họ còn hại đến người thân của mình. Ông biết đồng
chí với nhau chúng nó còn ám hại, tiêm thuốc độc, đi săn bắn súng cướp cò...rồi
con cái bị điều chuyển công tác vùng núi. Không được cân nhắc đã thế còn bị trù
dập các kiểu.Hoàn cảnh như vậy nhiều lắm, bọn này nó không từ cái gì mà không
dám làm.
Bỗng ông Tú hạ giọng thầm thì.
- Mà tôi nghe bà xã nói, ở trường các bà ấy ý. Người ta đang
nói là có phụ huynh học sinh đã viết đơn phản ánh với nhà trường là - Có những
giáo viên đang dạy trong trường có chồng là thành phần phản động, xuyên tạc chống
phá chế độ - Họ còn nói rằng - Đề nghị nhà trường xem xét một giáo viên mà có
người thân như thế, liệu có đứng trên bục giảng được không, khi mà chính gia
đình mình đang có người phạm pháp thường xuyên. Làm sao là tấm gương cho học
sinh nói theo, để phụ huynh chúng tôi yên tâm gửi gắm con cái. Trong khi ngày
đêm chúng tôi gia sức công tác góp phần cho đất nước ổn định, phát triển.
Ông Tú vỗ nhẹ vai ông B.
- Đấy, ông nghĩ làm sao mà có phụ huynh biết cảnh nhà ông.
Trừ khi có ai đó nói,nhưng mình hỏi thì phụ huynh đó sẽ giải thích là - tôi
tình cờ được một người bạn gửi cho bài viết , tôi đọc thấy căm phẫn vì nội dung
xuyên tạc. Qua tìm hiểu tôi biết tác giả là ông Trần Văn B, chồng của giáo
viên...đang giảng dạy ở trường.... phuuuu.
Ông Tú thở dài rồi lắc đầu nói tiếp.
- Chúng nó tai mắt khắp nơi ông ạ. Đó là cái chúng nó gọi là
'' thế trận an ninh nhân dân''. Mỗi người dân là một người công an. Ông thì có
thể chịu đựng được, nhưng ông nghĩ cho bà nhà xem. Về nhà chồng bị đánh thế này
có đau đớn không.? Rồi đến chỗ làm lại bị người ta xầm xì, dị nghị, khiếu nại nữa.
Chắc bà không dám nói với ông.?
Ông B ôm đầu não nề.
- Không! Bà ấy chẳng nói gì. Chúng nó đốn mạt thế. Sao chúng
mất tính người đến mức độ vậy.? Chả lẽ cấp trên của chúng cũng đồng tình sao.?
Ông Tú khoa tay trước mặt ông B như muốn ông B tỉnh cơn mê.
- Cấp trên nó không bảo, bố chúng nó dám. Cấp trên nó bảo bằng
văn bản hẳn hoi. Nó nói trên báo chí là '' phải chủ động sáng tạo ngăn ngừa các
đối tượng tuyên truyền chống phá nhà nước''. Ông biết quốc có quốc pháp, có luật
lệ. Mọi việc cứ theo luật mà làm. Tại sao là phải '' sáng tạo ngăn ngừa ''. Những
người thi hành luật mà sáng tạo ra các biện pháp thì có nghĩa làm gì còn luật nữa.
Đã là sáng tạo thì có nghĩa được quyền làm vượt cả luật cho phép rồi còn gì. Có
nghĩa là chúng nó bất chấp luật rồi. Ông kiện cáo cũng chỉ thế thôi. Ích gì
đâu.
Ông B gầm lên.
- Chúng nó đốn mạt thế ! Tôi càng phải vạch rõ bộ mặt của
chúng đến cùng.
Ông Tú cười xót xa.
- Ông vạch nó đến cùng. Ông tưởng nó không chơi ông đến cùng
sao.? Ông tưởng nó đánh ông, nó cho bà B thôi việc là thôi sao. Còn con ông nữa
đấy ! - Ông Tú quát to dằn cái chén nước xuống bàn- Chúng nó không từ cái chuyện
đi xe quệt con ông ngã đâu. Nó cho hai thằng bám theo con ông. Rồi đoạn đường vắng
nó giả vờ trêu gái nó du cái con ông ngã. Mà ngã xe thì khó mà lường lắm, tôi
làm nghề sửa xe bao năm. Sửa bao cái xe bị tại nạn, nghe người ta kể thì đúng
là mạng người mong manh lắm. Chỗ thân tình bao năm nay, tôi coi con ông cũng
như con tôi. Mong ông nghĩ cho nó với.
- Tôi ..tôi..tôi sẽ giết đứa nào động đến con tôi- Ông B gầm
lên lần nữa. Ông định đứng dậy như muốn đi đâu, thì ông Tú giữ lại khuyên.
- Thôi, tôi quá lời. Ông đừng giận. Ông có giết nó thì con
mình cũng bị rồi. Giờ chúng nó đâu thiếu người, thiếu tiền. Chúng nó có thiếu
là thiếu anh hùng, liệt sĩ thôi. Giờ có thằng cảnh sát giao thông đuổi theo xe
tải để đòi tiền hối lộ. Bị ngã chết nó phong làm anh hùng, liệt sĩ. Rồi nó truy
tặng tùm lum trên báo chí, truyền hình. Cái dân tộc này quen thương cảm những
anh hùng hy sinh từ chiến tranh, ngấm vào ý thức rồi. Nay biên chế công an đến
hơn nửa triệu người mà mười năm may ra mới có thằng chết lãng nhách như thằng cảnh
sát giao thông kia. Chúng nó đông quân thế, cũng mong có thằng nào chết để nó
phong làm anh hùng , lấy thiện cảm của nhân dân lắm ông ạ. Nó còn mong hơn mình
ấy chứ.
Hai bà đã đi chợ về. Hai ông không nói tiếp câu chuyện dang
dở nữa. Những người đàn bà vào bếp thực hiện việc làm các món ăn. Còn hai người
đàn ông tóc hoa râm ngồi tự lự mở ti vi xem thể thao. Không biết họ có tập
trung xem được không, sau câu chuyện vừa
nói với nhau vừa rồi.
Thành nghe điện thấy cấp dưới báo cáo.
- Thưa anh, hai bố con nhà nó đang sắp đi đâu. Thấy đứa con
dắt xe ra, lão ấy đang khóa cửa.
Thành hạ lệnh.
- Đi theo xem đi đâu, lúc về giữa đường dọa cho nó một trận.
Người ta bảo bị đòn ăn canh cua chóng lành vết thương. Cua ở
chợ bây giờ cũng hiếm, thời nay người ta dùng hóa chất thuốc sâu, phân bón khiến
của ngoài đồng chả sống nổi. Hôm qua bà B nhờ người ở đâu mua cho được ít cua đồng.
Bà dặn hai bố con sáng nay đi khám lại chỗ xương ở bệnh viện về xong thì ghé qua chợ mua mớ rau rút về nấu
canh cua khoai sọ rau rút. Khoai sọ có sẵn ở nhà. Trưa bà ở trường về sẽ nấu
cho cả nhà ăn. Hai bố con ở chợ ra , ông B đứng đợi con lấy xe ở bãi gửi xe. Bỗng
ông nhìn thấy hai tên thanh niên ngồi xe máy đội mũ lưỡi trai mà không đội mũ bảo
hiểm đang nhìn ông chằm chằm. Mặt chúng đeo khẩu trang. Ông thấy lạ tự hỏi nếu chúng
là người cẩn thận sợ môi trường ô nhiễm thì tại sao chúng không đội mũ bảo hiểm
mà đội mũ lưỡi trai mềm.? Ông nhìn tiếp và phát hiện ra đó là hai tên đã đứng cửa
nhà ông chụp ảnh và gây sự với khách đến nhà ông. Ông B nhận ra chúng đang theo
dõi mình. Bọn nó đi theo dõi làm gì nhỉ, ông có đi khám bệnh chứ có đi phát
truyền đơn hay làm gì mờ ám đâu đâu.?
Lát sau ông nhận được câu trả lời cho mình. Khi hai bố con vừa
qua đoạn rẽ, cô con gái bật xi nhan xin đường, cô sắp rẽ còn cẩn thận ngoái lại
nhìn đằng sau. Cô chớm sang làn đường khi thấy an toàn, bỗng hai thanh niên đi
trên chiếc xe mô tô màu đen lao thốc tới,
tên ngồi sau đạp vào bánh trước của cô khiến cô giật mình loạng choạng. Hai bố
con suýt ngã xuống đường. Hai tên phanh kít xe lại chửi.
- Đm chúng mày đi không nhìn đường à, sang đường kiểu đấy có
ngày chết mẹ chúng mày.
Cô con gái định dừng xe lại đôi co, phân trần. Ông B ngăn
con lại, ông nhìn sâu vào ánh mắt của chúng. Tên ngồi sau còn giơ điện thoại chụp
hai bố con ông đang đứng ngẩn ngơ giữa đường. Ông hiểu chúng là ai. Trong đầu
ông vang vang câu nói của ông Tú - còn đứa con gái chưa chắc chúng nó tha đâu -
.Ông B mím môi lắc đầu cười chua chát.
Âm binh là tên của lũ ma quỷ, thời trịnh trị , ánh sáng của
công bằng, bác ái chiếu rọi nhân gian. Lũ âm binh không có đất sống phải chui
vào bóng tối. Khi mà thời loạn
lạc, không có kỷ cương, tham tàn, lừa gạt tràn lan khắp nhân
gian. Lúc đó là lúc mà âm binh xuất hiện kiếm ăn, chúng len vào lòng những con
người bình thường và điều khiển họ. Âm binh thường được chỉ huy bằng những tên
phù thủy độc ác đầy quyền phép. Những tên phù thủy sai khiến lũ âm binh đi bóc
lột, vơ vét của cải trong
nhân dân. Âm binh được phái đi trả thù những ai chống lại thầy
của chúng là tên phù thủy. Những tên phù thủy của ngày hôm nay đầy phép màu, chỉ
cần chúng hạ bút ký, chúng gật đầu hay lắc đầu là trong một đêm đến sáng hôm
sau chúng có được cả một tòa biệt thự, được hàng tỷ đồng ở đâu chạy vào túi
chúng. Nhờ phép mầu ấy chúng điều khiển được âm binh tung hoành khắp các hàng
cùng, ngõ hẻm để trấn áp bất kỳ ai lật tẩy phép màu của chúng....
Ông B đứng trước ban thờ tổ tiên, trong làm khói nhang lởn vởn
bay cùng ý nghĩ mông lung của ông. Ông thấy người mình rũ xuống vì kiệt sức, dường
như ai đó rút hết gân trong người ông một cách từ từ. Ông rời ban thờ ra ghế
salon nằm vật xuống.
Có người gõ cửa, thì ra là cảnh sát khu vực. Họ đến đưa giấy
triệu tập của công an quận lên làm việc về việc có người khiếu nại ông vu cáo họ.
Cảnh sát khu vực nói giấy triệu tập này là bắt buộc phải đến, nếu không đi sẽ
cưỡng chế theo luật. Ông B ho sù sụ, cầm tờ giấy triệu tập ra ngõ gọi xe ôm lên
công an quận. Ở quận người ta thông báo cho ông biết, có đơn của anh Nguyễn M
Tiến trình bày sự việc xô xát giữa ông và bà Chinh, anh Tiến chỉ đứng can nhưng
ông B vẫn cố lao vào bà Chinh, bị bà Chinh tránh ra khiến ông B ngã chấn
thương. Ông B khai xuyên tạc với cơ quan công an là bị anh Tiến đánh. Tuy cơ
quan công an đã làm việc nghiêm túc, khẩn trương đến nơi đến chốn xác định anh
Tiến không có hành vi như ông B nói. Nhưng anh Tiến đề nghị ông B phải có chịu
trách nhiệm bồi thường về thiệt hại danh dự cũng như thời gian, vật chất mà anh
Tiến phải làm việc với cơ quan pháp luật.
Trung tá công an quận đẩy tờ đơn cho ông B.
- Ông xem đơn người ta khiếu nại đi, nếu ông có ý kiến gì
thì giấy bút đây ông viết ra. Chuyện đơn từ liên quan đến pháp luật chúng tôi
phải làm rõ. Trước là muốn nghe nguyện vọng hai bên, sau đó xem xét cân nhắc
theo pháp luật. Nếu nhẹ có thể hòa giải dân sự là tốt nhất. Còn không thì phải
đưa ra tòa giải quyết.
Ông B đọc tờ đơn, ngơ ngác nói.
- Tôi là người bị đánh, nó là người phạm tội. Giờ tôi phải
xin gì nó đây.? Công an quận lạnh lùng.
- Việc ông bị đánh, nhân chứng, vật chứng đã làm rõ thế nào.
Cả viện kiểm sát , tòa án đều khẳng định thống nhất với cơ quan điều tra là ông
tự ngã khi xô đẩy với bà Chinh. Không có ai làm chứng là ông bị đánh. Nhưng
chuyện ông bảo người ta đánh ông thì giấy trắng mực đen ông khai, ông ký đây.
Giờ ông không có bằng chứng gì nói người ta đánh ông, thì ông phải làm đơn xin
rút lời khai và tùy thuộc vào thái độ người bị ông tố cáo họ có muốn làm to
chuyện không. Nếu họ không nghe thì vẫn phải đưa ra pháp luật xử lý theo luật.
Người công an quận tạm ngừng nói nhìn ông uy hiếp rồi gằn giọng
nhấn mạnh.
- Ông nên nhớ pháp luật làm việc trên chứng cớ. Không tùy tiện
bừa bãi nhé, có chứng cớ gì thì ông đưa ra.
Anh ta xuống giọng nói tình cảm.
-Người ta đang ở nhờ xin việc làm, vì ông mà họ bị liên lụy
phải về quê, mất cả công việc nữa đấy. Chưa chắc ông xin họ đã cho ông đâu. Giờ
ông làm đơn rút lời khai và xin lỗi anh Tiến. Chúng tôi sẽ gặp anh ấy vận động
hòa giải, việc này nếu không ai
cố chấp làm căng thì chắc cũng xong. Đấy ông xem đơn họ đi,
muốn kiện tiếp hay muốn hòa giải thì giấy bút đây viết luôn ý kiến. Ông ngồi
đây viết tôi sang kia có tí việc.
Trung tá đi ra cửa gọi một cậu công an trẻ.
- Xem bác ấy cần gì thì giúp bác ấy, mời bác ấy ấm trà đi.
Cậu công an trẻ mang vào ấm trà đặt lên bàn, rồi đi ra hành
lang mở điện thoại chơi. Mình ông B ngồi trước tờ giấy trắng. Ông đắn đo, ông
tư lự. Một lúc nghĩ, ông viết đơn xin rút lời khai.
Trung tá công an quận cầm tờ khai gật gù.
- Thôi dĩ hòa vi quý bác ạ. Bác có lời thế này, chúng tôi
thuyết phục cậu ấy rút đơn cũng dễ. Cứ kiện cáo nhau mãi làm cái gì cơ chứ. Còn
bao việc phải làm mà bác. Thôi bác cứ về nhé.
Thành cầm tờ đơn xin rút lời khai, đọc phần nội dung phía cuối
có đoạn ông B khai tuổi già, mắt kém nhìn nhầm. Mong anh Tiến và cơ quan công
an châm chước bỏ qua. Thành gật gù xếp tờ đơn vào trong cặp, đứng dậy bắt tay
trung tá.
- Cám ơn anh, thế này là tốt rồi. Nếu ông ta biết nghĩ thì
thôi, còn không biết sửa đổi thì lại phiền anh làm việc với ông ta vì anh Tiến
không chấp nhận hòa giải.
Trung tá công an quận gương mặt khắc khổ, trung tá đã gần tuổi
về hưu. Nắm lại bàn tay của Thành, trung tá nói.
- Vâng mong là không có gì . Tôi năm sau là về hưu, tôi cả
bà xã mấy năm gần đây hay đi chùa. Đầu óc giờ cũng không còn minh mẫn tập trung
như trước nữa. Tuổi già mà anh.
Trung tá cười thành tiếng vỗ vai Thành. Tiếng cười không rõ
là vui hay buồn.
Cả đàn gà nhao nhác chạy sát chân ông B. Bọn gà mái già thì
bạo dạn, bọn gà con cũng không biết sợ là gì, bọn choai choai thì cứ bộ tịch
làm dáng e dè. Riêng con gà trống khảnh ăn, mổ gắp hạt thóc lên rồi lại nhả xuống
cục tác gọi đàn. Hóa ra ông cũng mát tay chăn nuôi, xóm giềng ai cũng khen ông
nuôi khéo, chỉ gần năm là đã có cả đàn gà từ một con gà trông và hai con gà mái
lúc đầu. Lần nào bà B mang lương hưu về cho ông là bà lại có vài chục trứng và
một, hai con gà mang lên hai mẹ con ăn. Ngày ngày nhìn đàn gà cẫn mẫn kiếm ăn
ngoài bờ ao, bờ ruộng và mảnh vườn. Bới bới tìm tìm thật sinh động , vui mắt.
Ông B còn nuôi một con chó đen tuyền làm bạn. Giống chó kiến bé tí nhưng trung
thành, khôn ngoan. Không lúc nào nó rời mắt khỏi ông. Khi ông ngồi trầm tư, nó
cũng nằm yên bên cạnh. Ông chớm xỏ dép là nó đã bật dậy đứng trước cửa chờ ông
đi đâu để đi theo.
Làng quê thường ngày vắng vẻ, thanh niên đi ra thành phố học
hoặc làm. Chỉ có trẻ con và các bậc bố mẹ ở lại quê . Trẻ con ngày đi học, bố mẹ
ngày đi làm đồng ruộng hoặc việc quanh quanh. Chỉ có vài ông bà già ở nhà trông
nhà, chăm gà vịt. Không có tiếng người nói xôn xao, tiếng động cơ ầm ĩ như ở
thành phố. Chỉ có tiếng của chim chóc trên cây, đàn gà dưới đất và con chó hiên
nhà thỉnh thoảng sủa dọa đàn gà mon men vào nhà nghịch ngợm. Không có máy tính,
không có internet. Báo giấy cũng không về đến đây. Tin tức thảng lắm xem thời sự
trên ti vi, những bản tin vô hồn, trung trung và nhạt nhẽo như nhau. Mới đầu về
ông còn thèm có người nói chuyện, thèm muốn biết thông tin về xã hội, đời sống.
Dần dần ông cũng quen đi, ông bắt đầu thuộc với tiếng con chim gì hót trên cây
sấu, khế ngoài vườn.
Hôm ở quận về , ông kể cho ông Tú nghe chuyện bị người ta
khiếu nại ngược lại là ông vu cáo. Ông phải làm đơn xin người ta tha cho. Ông
Tú phân tích rồi nói với ông là như thế chưa xong, vì mọi việc vẫn treo đó. Biết
đâu lúc nào đó người ta nói bên kia họ không đồng ý hòa giải, kiện cáo ông, lôi
ông ra tòa. Tất nhiên thì tội như này không tù, nhưng cứ phải dăm lần bảy lượt
lên công an đã rồi mới ra tòa. Nếu cứ thế thì vợ ông sao mà yên lòng được, con
ông sao mà yên tâm học được. Hai ông nói chuyện rất lâu , cặn kẽ mọi điều và đều
đi đến quyết định là ông B nên về quê tránh thời gian để người ta thấy yên
không kiện cáo, cho con bé yên tâm thi cử
và vợ ông thôi bị điều tiếng ở trường. Bà cũng chỉ còn vài năm nữa là về
hưu. Chứ giờ bà đi làm, con đi học. Mình ông ở nhà thì không biết chuyện gì xảy
ra, hàng xóm thì ra khỏi cửa là thái độ hăm hè với ông. Ngồi trong nhà ông còn bị hun khói không
yên nữa là ra đường. Rồi cứ có vài người theo dõi trước cửa ai ra vào nhà ông
là xông tới chụp ảnh, cà khịa. Tin đồn ông là phản động, đang bị theo dõi, sắp
bắt ngày một ngày hai lan mọi nơi khiến ai cũng e dè. Chỉ có ông về quê xa lánh
mọi thứ thì mọi thứ tự chấm dứt. Đúng là từ khi ông về đây, bà B về thăm ngày
càng thấy vui vẻ. Bà còn bảo mấy nhà hàng xóm nhìn gà bà mang quê ra, khen ông
nuôi gà ngon quá. Họ còn muốn đặt mua của ông gà và trứng, vì họ biết ông là
người tử tế , gà của ông là gà sạch ,không có thuốc tăng trọng độc hại như bọn
gà bọn bất nhân ngoài chợ.
Một năm trôi qua trong yên bình, thỉnh thoảng ông về thành
phố mua bán gì đó, đảo qua nhà một hôm rồi lại về quê ngay vì còn cho gia cầm
ăn uống, chăm sóc chúng. Con ông đã thi đỗ đại học sư phạm, nó sẽ tiếp nghề của
mẹ. Vì là con em giáo viên trong trường, công tác lâu năm đều có thành tích tốt.
Nhà trường sẽ vì mẹ cháu ưu tiên nhận cháu khi tốt nghiệp xong, lúc đó bà B
cũng vừa về hưu. Trong viễn cảnh về một tương lai gia đình yên ổn, mỗi lần ở
thành phố ra, đi qua vườn hoa trước cửa dinh thủ tướng. Ông B cúi đầu không dám
nhìn những người dân oan gầy còm, xơ xác đang trải chiếu nằm vỉa hè kêu oan vì
mất đất.
Không phải riêng mình ông B cúi đầu. Có nhiều người viết như
ông đã từng nhắm mắt để khỏi nhìn những cảnh trái ngang. Có người viết ra sự thật
rồi lại chỉnh sửa năm bảy lần đến khi sự thật thành một điều mơ hồ. Những người
về hưu tự do như ông còn bị những thủ đoạn nham hiểm như vậy. Thử hỏi những người
còn đang làm việc, đang có nhiều mắc mớ gia đình, họ còn phải đè nén mình đến
đâu. Đất nước của ông tuy nhỏ nhưng là đất nước mà những người viết báo, viết
blog bị đi tù con số không hề nhỏ. Và đương nhiên những sự thật không được phơi
bày với công chúng cũng không hề nhỏ. Mỗi người viết ra sự thật đều phải đắn đo
cái giá của mình phải trả, mỗi lần như thế, sự thật cứ vơi dần đi.
Tiến vào phòng sếp Thành, thấy sếp Thành vừa gập tập hồ sơ
Nguyễn Văn B lại. Tiến hỏi.
- Xong vụ lão B rồi hả anh.
Mẹ kiếp cái thằng già, còn chưa lãnh hết đòn đâu. Em còn định cho phân
vào nhà nó cho nó ngửi cơ.
Thành quắc mắt.
- Mày ăn nói linh tinh, công an sao đi làm chuyện bậy bạ như
thế. Nói thế ai nghe thấy mang tiếng cả ngành ra. Mày không giữ cho mày thì giữ
cho ông cụ nhà mày. Cụ sắp lên tướng rồi đấy. Đi xác minh vụ biểu tình hôm trước
ở ngoài tượng đài luôn đi.
Tiến chìa cái giấy kê tiền chi phí , nhăn nhở cười nói.
- Sếp duyệt để em có tí ti đi cho phấn khởi.
Ngôi nhà của Thành xây đã xong, con bé nhà Thành bỏ ý định học
hành chính. Theo lời khuyên của bố thi vào ngành cảnh sát. Thành nói ngành công
an thiếu gì việc hành chính như giấy tờ, thi vào trường cảnh sát có ưu tiên điểm
của bố trong ngành. Dễ trúng, dễ xin việc. Nói mãi con bé cũng nghe khi Thành hứa
ra trường xin cho nó làm hành chính ở công an quận nhà Thành. Mẹ nó buôn bán đều
đều. Thành mỉm cười nghĩ hay là gạ vợ đẻ thêm thằng bé nữa nhỉ.? Tuổi này còn đẻ
được, vài năm nữa thì sức khỏe không cho phép được.
Hoàn cảnh gia đình tốt cũng là một yếu tố quan trọng để cân
nhắc làm lãnh đạo. Thành châm điếu thuốc nhả khói mơ màng. Sau vụ ông B này tốt
đẹp, kỳ tới đây chắc chắn Thành được cất nhắc lên cao hơn. À ! Thành thốt lên một
tiếng, vớ điện thoại bấm số.
- Bác Tú à, chiều nay em làm về, bác rảnh em và bác đi nhậu
một bữa. Lâu bận quá chưa có dịp ghé qua thăm bác. Còn phải cám ơn bác đã
khuyên bạn mình làm điều đúng. Bác giúp chúng em đỡ vất vả bao phần.
Đầu dây bên kia ông Tú thoái thác chiều bận. Ông đặt điện
thoại xuống chửi.
- Tao vì bạn tao, vì gì chúng mày. Đời này chưa đến lúc đối
chọi được thì phải nhịn giữ thân thôi. Rồi có lúc trời quả báo hết.
Gửi hồ sơ Trần Văn B lên cấp trên xin ý kiến duyệt. Thành ngồi
lại trong căn phòng làm việc, dựa hẳn lưng vào ghế. Trong đầu Thành lần lượt hiện
lên những tên C, tên A....những phần tử phức tạp hơn ông B nhiều. Bọn chúng có
quan hệ với bọn phản động bên ngoài, lại ngoan cố và nhiều thủ đoạn. Hiện nay
chúng đang có móc nối với đám dân oan và đám tôn giáo chặt chẽ. Báo cáo cho thấy
ngày chúng càng công khai đi lại, tụ tập với nhau. Thêm cái đám trí thức bất
mãn dây dưa vào khiến tình hình càng phức tạp.
Trước khi cấp trên có chủ trương xử lý bọn này. Phải chủ động
nắm thông tin qua những cơ sở, cài người vào hàng ngũ của chúng để nắm thông
tin, cần thiết làm nhân tố phân hóa nội bộ. Nhưng đó là việc sau khi có chủ
trương, chẳng dại gì cầm đèn chạy trước ô tô. Cứ cho người ém trước nắm tình
hình nội bộ của chúng đã. Khi cấp trên có lệnh thì mình đã vào có chủ động.
Thành mở tủ lấy ra một bìa hồ sơ mới, nắn nót ghi tên hiệu hồ
sơ....
Berlin- Ngày 25 tháng Chạp năm Quý Tị.
Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió)