Hồn Lá Úa (ảnh: Lưu Na)
Năm xưa, cũng có đến hơn mười năm xưa, nhân sự kiện một nhạc sĩ (nay đã quá
cố) chọn con đường trở về quê nhà sinh sống, đã chịu nhiều búa rìu của dư luận
ngoài này (cả vì ác ý lẫn nhã ý), tôi có tham dự cuộc thị phi ấy với đôi điều
bù lu bù loa về “Trở về và Ra đi“. Rằng khi ra đi ai cũng muốn trở về, vì đó
là quê nhà, dù biết rằng sự lựa chọn quê nhà hay quê người trong hoàn cảnh đất
nước còn dưới sự thống trị của nhà cầm quyền CS không phải dễ dàng gì.
Nay, sắp đến lúc phải đối diện với sự lựa chọn “buốt lòng”: Trở về hay vẫn
cứ Ra Đi, dường như hoàn cảnh không còn như ngày xưa nữa.
Năm xưa, đơn giản chỉ có: quê nhà hay quê người. Tất nhiên, đơn giản cũng chỉ
là một cách nói, vì chính ngay khái niệm quê nhà hay quê người vốn không hề đơn
giản.
Quê nhà ư? Còn có thể gọi là quê nhà được không khi những thuộc tính tất yếu
của quê nhà là sự bình an (cả thể xác lẫn tâm hồn) nay ở nơi gọi là quê nhà đã
không còn nữa. Cả sự quen thuộc, mùi đất, mùi nước, mùi người cũng vắng bóng.
Thay vào đó là những bất trắc không phải đến từ số phận con người (như lẽ ra nó
phải thế) mà đến từ chính những con người cầm quyền đang bằng mọi giá giữ lấy quyền
lực. Đất, Nước, Người không còn là Đất, Nước, Người quen thuộc, hiền hòa, bao
bọc từ truyền thống nhiều ngàn năm dù đã trải qua rất nhiều những bể dâu, nhưng
cuộc bể dâu hiện nay chưa từng xuất hiện trong lịch sử.
Đã thế, ngày nay, người ở quê nhà có nhiều kẻ lại chọn việc ra đi thay vì ở
lại. Lẽ tất nhiên, để có chọn lựa như thế, hẳn họ phải có điều kiện. Những điều
kiện ấy ở đâu mà họ có, với một số người, nhiều phần đến từ chính sự bất trắc
mà họ đang nhẫn tâm gieo rắc xuống đồng bào mình, từ quyền lực cai trị mà họ
nắm trong tay, từ đặc lợi mà với tư cách kẻ thống trị họ mặc nhiên thừa hưởng.
Sự bất trắc ở quê nhà còn là mối đe dọa Bắc thuộc một lần cuối cùng và mãi
mãi trong lịch sử với sự toa rập của kẻ cầm quyền trong nước hiện nay để đánh
đổi lấy sự an toàn quyền lực cho bản thân và gia đình. Tưởng tượng phải sống
chung với một chủng tộc phương Bắc đến đất nước mình với phong thái người chủ
đất cũ nghênh ngang đi ra đi vào như mọi thứ vốn là của mình nay châu đã về
hiệp phố. Chỉ tưởng tượng không thôi đã cảm thấy máu đang trào ra khỏi mắt.
Quê nhà mình đấy ư?
Có người trong nước* hình tượng hóa hóa tình cảnh quê nhà hiện nay như một
nồi nước sôi sùng sục, thế nên những kẻ có điều kiện ai cũng muốn mở nắp nhẩy
ra. Kẻ ở lại đa phần là không có điều kiện để ra đi hay không muốn ra đi vì ra
đi lúc này là phản bội lại đồng bào, phản bội lại quê nhà, một quê nhà đích
thực với những thuộc tính đích thực.
Vậy thì với những kẻ đã ra đi, đã rời khỏi quê nhà năm xưa vì nhiều lý do
khác nhau, nay có tìm thấy những lý do nào – của riêng mình – để trở về hay
không?
Với những người từng manh nha ý nghĩ trong đầu rằng rồi đây, khi đến tuổi về
cõi, sẽ trở về quê nhà để được chôn nắm xương tàn thay vì dật dờ hồn viễn xứ,
liệu sẽ bình tâm ngồi nghĩ lại và thêm một lần trăn trở ở hay về hay không?
Ở ư? Còn đồng bào mình, còn anh em ruột thịt của mình đang ngày đêm rên xiết
vì gông cùm, vì bạo lực, vì môi trường sống đang ngày càng ô nhiễm, vì nhân tai
tiếp tay với thiên tai nhấn chìm quê nhà trong biển nước. Liệu có an lòng mà
nhắm mắt bình an nơi xứ người?
Về ư? Quê nhà ấy giờ đã trở thành nồi nước sôi người ta nhẩy ra còn không
kịp hà cớ gì lại nhắm mắt quay về? Có điên không đấy? nghĩ là trở về để chia
sẻ, để cùng chịu đựng sự khốn khó, liệu có ích lợi thiết thực nào không?
Lựa chọn nào cũng khó. Lựa chọn nào cũng buốt lòng. Nhưng lòng ai?
Lòng mình? Lòng dân? Lòng nước? hay Lòng đất?
Hay chỉ là những lời nói đầu môi chót lưỡi của kẻ đứng từ xa he hé mở nắp
nồi nước sôi quê nhà?
T.Vấn
(*) NS Tuấn Khanh: Trở về, đi tới