Lão Ngô kéo cao cái cùm, len
trong đám trúc ngổn ngang, đến chỗ Trần, lấm lét nhìn quanh rồi thì thầm vào
tai:
-Chú Trần bị kỷ luật, vào lại
biệt giam!
Nói xong, lão ngồi xuống, vừa
gom mớ dăm bào trúc, vừa nhéo vào ngón chân út của Trần, Trần cúi xuống nhìn
thì thấy lão nhét vào đống Trúc chưa bào của Trần một gói nhỏ, xong, lão ôm một
ôm trúc đã bào, khó khăn len qua các tù nhân đang ngồi cắm cúi bào trúc, đến
cho vào đống đã bào xong ở cuối sân. Vừa đi, vừa kéo lê chiếc cùm kêu lẻng kẻng.
Trần cúi xuống chân, nắn
cái gói nhỏ rồi cho vào túi. Đường tán, chừng mười tán đường. Chắc là lão biết
bị kỷ luật đồng nghĩa với cắt thăm nuôi nên giúp Trần. Lão không có thăm nuôi,
kiếm đâu ra đường mà cho, Trần thấy thương lão!
Từ hôm chuyển từ trại
huyện xuống, Trần bị đưa ngay vào biệt giam, nằm trong đó đúng một năm hai
tháng, trận đau bụng đi kiết tháng trước giúp anh được ra ngoài, vào nhà A. Ăn
cháo mấy ngày, anh phục hồi dần, rồi được cùng bạn tù cạo trúc. Trại nhận cạo
và cưa trúc cho các HTX mành trúc xuất khẩu. Công việc so ra khá nhẹ nhàng. Ngồi
trên chiếc ghế thấp, duỗi thẳng chân, kẹp đầu cây trúc vào ngón cái và ngón trỏ
chân, một tay nắm phần gốc, một tay cạo. Dao được làm bằng thép, lấy nơi ba lô
của lính, phải mài thật bén, càng bén càng tốt. Trần không biết lấy ở đâu ra mà
nhiều thép ba lô thế, người nào cũng có hai ba cái dao! Ngày đầu được cùng anh
em cạo trúc, một bạn tù cho anh hai cái, hắn ta là một tay anh chị ở ga Tháp
Chàm, lãnh án hai mươi năm vì tội cướp phòng tài chính! Thời hắn bị bắt chưa có
ngân hàng và kho bạc, mọi tiền nong đều do phòng tài chính nắm giữ.
Tin vào lại biệt giam
làm Trần lo lắng băn khoăn, lão Ngô không cho biết kỷ luật vì sao!
Lão Ngô bị án chung
thân. Trước khi vào tù, lão là trưởng trạm vật tư. Can tội giết vợ, tham ô và hủ
hóa.
Từ ngày có án, một chân
lão bị đeo thường xuyên chiếc cùm nhỏ, nặng chừng một ký. Là cán bộ từ miền Bắc
vào, tuổi cao và ở trại cũng đã lâu nên được cán bộ trại cho làm tạp vụ, tự do
đi lại nơi này nơi kia, có khi được làm các công việc giấy tờ dùm cán bộ, gần
gũi cán bộ trại nên tin mà lão cho Trần biết chắc chắn là chính xác.
oOo
Lão Ngô từng ở biệt
giam với Trần trước khi ra tòa lãnh án chung thân.
Ngày lão chuyển vào
phòng ở cùng Trần, các bạn tù trong biệt giam gõ tường bảo với Trần là “cẩn thận,
ăng ten”. Trần ngại ngần nên chỉ trò chuyện cầm chừng. Đến bữa cơm, lão như thủ
thân thủ phận không có thăm nuôi, bảo Trần:
- Chú chia cơm đi.
Nhìn lão, Trần ước chừng
mình chỉ bằng con lão nên lung túng không biết xưng hô thế nào cho phải, anh
bèn gọi bằng chú:
- Chú Ngô chia đi, tôi
sao cũng được.
Lão lấy muỗng ém ém lên
ơ cơm rồi vạch một đường chia ra làm hai rất thành thạo, xúc cẩn thận một bên
vào chiếc tô nhựa rồi lấy chén nước muối ngồi ăn. Trần cũng lấy tô của mình xúc
đúng bốn muỗng như mọi khi rồi đẩy ơ cơm về phía lão:
- Chú Ngô ăn thêm cơm
đi, tôi chỉ ăn chừng này, với lại ăn chung thức ăn với nhau cho vui, còn thì ăn
mà hết thì cùng ăn nước muối.
Nói xong, Trần đẩy chén
thịt ngâm nước mắm về phía lão. Lão tròn mắt ngạc nhiên:
- Chú ăn ít thế!
Trần chỉ ăn bốn muỗng một
bữa, xúc ngang cả độn, Trần tập cho bao tử quen dần bởi anh nghĩ là tội “phản
cách mạng” của mình chí ít cũng mười năm trở lên, lại nữa trại ít tù chính tri,
phần nhiều là hình sự. Nếu cỡ đó thì phải chuyển đi trại Bộ. Trại Bộ là các trại
tù do Bộ Nội Vụ quản lý. Trần biết nếu chuyển đi xa thì anh không hy vọng gì mẹ
anh đi thăm nuôi được, tập thiếu thốn cho quen!
Buổi sáng, khi tù
phục vụ đưa nước sôi đến, Ngô lấy nước vào, Trần lấy hai cái bánh tráng mì bẻ vụn
vào chiếc thau nhựa, cho nước sôi vào, lấy cái quạt đậy lại cho bánh nỡ ra rồi
mời lão Ngô cùng ăn sáng. Lão lại lần nữa ngạc nhiên:
- Chú Trần ăn đi, tôi
không có thăm nuôi nên không ăn sáng quen rồi!
- Mẹ tôi thường thăm một
trăm cái bánh tráng mì, ăn hai người cũng đủ tháng mà chú Ngô. Tôi ở trong này
với ai cũng vậy, toàn dân “mồ côi” và cùng ăn chung.
Trần múc một chén rồi đẩy
cái thau về phía Lão, lão với lấy cái tô nhựa nhưng Trần bảo:
- Tôi thế này là vừa,
chú Ngô ăn luôn trong thau cho khỏi rửa thêm cái tô.
- Chú Trần này, không
biết chú bao nhiêu tuổi, nhưng cứ gọi tôi bằng anh cho thân mật. Tôi không có
con trai, con gái tôi cũng ba mươi rồi, nó có chồng có con ngoài Bắc!
- Tôi còn thua cô ấy
hai tuổi mà chú!
- Chậc, chú cứ gọi tôi
bằng anh cho tình cảm, tôi thích thế. Từ ngày vào tù, chưa ai cho tôi ăn chung,
chưa ai tốt với tôi như chú. Chú có nghe tên thằng Túc chung vụ vượt biên với
thằng Bá không?
Vụ vượt biên này rúng động
cả tỉnh Thuận Hải. (*) Hai ghe gần một trăm hai chục người, bị bắt ngoài Vạn
Giã, Tuy Hòa. Bá là chủ mấy chiếc xe đò, giàu có tiếng ở Vân Sơn, móc nồi với
Túc là xã đội trưởng du kích, móc nối thêm hai chủ ghe. Vừa đúng lúc tập kết đủ
người, lên ghe xong thì công an biên phòng xuất hiện. Trên ghe có mấy du kích
mang theo súng, bắn trả công an biên phòng rồi cho nổ máy chạy bừa ra khơi,
không kịp lấy dầu chôn từ trước. Hôm sau thì hết dầu, lênh đênh rôi tấp vào Vạn
Giã.
Hôm công an Tuy Hòa di
lý vào ban đêm, biệt giam bị náo động, một phòng nhốt thêm hai người, có phòng
ba người…Năm người trong căn phòng bốn mét vuông. Chỉ có cách ngồi bó gối mà ngủ!
- Có nghe tên nhưng
chưa ở chung với nó, mà sao anh Ngô?
- Nó thăm nuôi cả núi đồ
ăn, mỗi lần đồ vào là chật phòng, nhưng nó bần ghê gớm! Dạo đó tôi bị ghẻ đầy
người. ở ngoài đang đầy đủ, vào trong này thiếu thốn mọi thứ, tôi thèm, cái gì
cũng thèm, nhất là đường. Có hôm nó vừa nhận thăm nuôi, nó ăn như gấu những thức
ăn mà gia đình gởi ăn liền: Xôi, thịt gà, bánh mì thịt…Tôi thèm quá, xin nó miếng
bánh mì nhưng nó im lặng, ngồi ăn như không nghe thấy gì. Đến lúc soạn đồ để
đưa ra ngoài phòng, thấy nó cầm bị đường cát chừng hai ký lô. Tôi chịu hết nổi,
nói với nó:
- Tôi thèm đường
quá, chú Túc cho tôi xin một muỗng!
Nó nhìn tôi rồi mở
bị đường, lấy cái muỗng. Tôi mừng lắm, nhưng chú biết sao không? Nó trở cái cán
muỗng, múc cho tôi một cái, tôi thèm quá nên dơ cả hai tay, hứng lấy rồi cho tất
vào mồm. Trời, ngọt ơi là ngọt!
oOo
Ăn cơm trưa xong,
một cán bộ trại đến nói gì đó với nhà trưởng, nhà trưởng đến nói với Trần “chuẩn
bị đồ đạc”. cả phòng xì xào mặc dù đã quá quen với những lần chuyển phòng, chuyển
trại như vây. Đã cuồi tháng nên đồ thăm nuôi chẳng còn gì, mười tán đường lão Ngô
cho sáng nay là “tài sản” quý nhất. Anh đang xếp mùng mền, mấy cái chén, cái
ca…vào giỏ lác thì Kiệt đi ngang lén thả vào giỏ một gói nhỏ, Trần nhìn qua
đoán là thuốc tây, loại vitamin tổng hợp. Kiệt là kỷ sư nông nghiệp trước 1975,
được lưu dụng ở trung tâm bông vải, bị tội tham ô cùng nhiều người khác. Kiệt lớn
hơn Trần, ít nói chuyện với ai, nhưng lại mến và thường chuyện trò với anh.
Người dẫn anh trở
vào biệt giam không phải là cán bộ mà là Hòa, tù phục vụ biệt giam. Trần đã ở
biệt giam khá lâu nên thành người quen. Khi đi ngang cột cờ, khuất tầm mắt cán
bộ, vừa đi hắn vừa cằn nhằn trong họng:
- Nói tiếng nước
ngoài chi vậy?!
- Có nói đâu?!
- Có người báo!
Nội quy trại, điều
thứ hai là: Không được nói tiếng Dân Tộc hoặc tiếng Nước Ngoài trong trại. Trần
cố nhớ nhưng chưa nhớ ra được. Trước đây ở ngoài đời cũng như khi vào tù, anh
không nói tiếng nước ngoài bao giờ bởi ngoại ngữ anh không khá, thế thì…thôi
đúng rồi, Kiệt, hôm trước Kiệt vừa ngồi cạo trúc vừa kể cho anh nghe chuyện gia
đình mình, khi nói đến ba mẹ anh chia tay nhau, Kiệt đã dùng từ “break up”. Chỉ
có thế mà cũng có người nghe, báo cáo!
Cửa phòng đóng lại
sau lưng cùng tiếng khóa lách cách.
Chung phòng với
Trần là một người trạc tuổi anh, tên Toàn, đội trưởng xây dựng của Trung Tâm
Bông Vải, cùng vụ với Kiệt. Tiếng gõ tường liên tục “thăm hỏi”, nhưng hắn ngồi
yên không trả lời, thấy hắn dè chừng anh cũng tảng lờ không chú ý.
Khác với Trần, hắn
thích nằm trên bệ, anh lau qua rồi trải chiếu ở phần dưới. Anh hỏi Toàn:
-Ai vừa ở với anh
Toàn vậy?
-Thằng chó con.
“Chó con” là Cao
Gia Kiên, chừng mười ba tuổi, hắn cùng anh ruột mình là Cao Gia Phú mười sáu tuổi.
Cả hai chờ lúc mẹ đi vắng, trói ông bà nội vào giường rồi phá khóa tủ“cướp” tiền.
Ông nội “chó con” là người Quảng Đông. Chàng thanh niên gốc Hoa này đến Phan
Rang làm phu bốc vác, rồi sau thầu vệ sinh chợ. Khi lập gia đình thì đã là triệu
phú. Năm 1975, hai đứa con gái di tản theo chồng, con trai út, cha của Kiên và
Phú đi cải tạo vì ghiền ma túy ở Sông Lũy, ông mất sạch vì bị đánh tư sản. Cơn
đột quy cùng nỗi buồn làm ông suy sụp, đã vây, hai thằng cháu nội còn hành hạ
ông. May còn có con dâu thảo sớm hôm…
“Vụ cướp” xảy ra
buổi sáng thì chiều lại hai “tên cướp” bị bắt khi đang ăn bánh căng ở bến xe.
Hơn một năm rưỡi rồi mà chưa ra tòa lãnh án vì cả hai còn quá nhỏ. Thằng anh được
đi lao động tự giác, theo các tù nhân khác đi trồng rau muống, rau dền…”Chó
con” trước đây cũng đươc ở ngoài, đi lại thoải mái. Mấy tháng trước, hắn lẻn
vào nhà y tá trại, ăn cắp hai ký thịt heo và túi thuốc Đông y, toàn là Xuyên
Tâm Liên, Tăng lực…cho ai cũng không dám lấy, hắn bèn luộc hai kg thịt định rủ
anh cùng ăn một trận cho đã thèm, nhưng đang luộc thì bị phát hiện, vào lại biệt
giam.
oOo
Ở trong tù, ngoài
hình phạt tháng, năm, tòa gọi gắn với tội mà tù nhân đã phạm, còn có những
hình phạt khác của trại giam như: Cắt thăm nuôi, ăn cháo lỏng, còng hai tay ra sau
lưng, cùm một chân và cùm hai chân với loại cùm 4 kg…
Trần đã từng bị ăn cháo
lỏng kèm theo cắt thăm nuôi trong thời gian hỏi cung, cháo là nước gạo lấy từ
khi cơm mới sôi, hai ngày ăn cháo lỏng là kiệt sức, chỉ nằm mà tơ tưởng tới
chén cơm độn!
Hình phạt còng
hai tay ra sau lưng thì nhẹ nhàng nhưng khó chịu, bình thường ngứa đâu gãi đó
theo phản xạ, ít khi ta để ý, nhưng khi hai tay bị còng, chỗ nào trên cơ thể
cũng ngứa, bạn tù gãi cho vài lần, còn thì cứ uốn éo như con sâu, đêm đến không
tài nào ngủ được!
Trần nằm nghe tiếng
gõ cạch cạch từ phòng bên trong lúc Toàn đứng dậy móc mùng. Hắn chỉ móc hai mối
dây phía bên ngoài, hai mối trong không móc mà buông xuống thành một bức màn
che giữa Trần và hắn. Trần thấy lạ nhưng hắn ít nói nên anh không hỏi, anh phe
phẩy chiếc quạt, cố đoán ai đã báo cáo mình…
Nửa đêm Trần nghe
tiếng Toàn trở mình rồi rón rén ngồi dậy, hắn ngồi thật lâu, Trần nghe tiếng gì
như tiếng bóc bị giấy bóng, lát sau nghe tiếng nhai nhóp nhép thật khẽ, anh cố
ngủ lại nhưng không tài nào ngủ được, trong đầu anh hiên rõ hình ảnh chiếc miệng
Toàn đang nhai, anh đoán là chuối ép ngào đường, miếng chuối vàng lườm, mềm,
cùng tiếng nhai rõ hơn, anh cảm thấy được cả vị ngọt của chuối!
Cơn thèm làm nước
miếng trong miệng Trần ứa ra. Anh còn nguyên mười tán đường lão Ngô cho lúc
sáng, lại còn vitamin tổng hợp chưa dùng, anh định để dành đến khi nào quá kiệt
quệ sẽ dùng, Trần nghỉ vẫn vơ để quên đi tiếng nhóp nhép của Toàn nhưng anh bất
lực, tiếng nhóp nhép càng nghe rõ hơn!
Anh không nghỉ đến
chuyện xin Toàn, chưa bao giờ anh xin một cái gì, của bất cứ ai từ ngày vào tù.
Thấy nhiều bạn tù thèm ăn và cái ăn trở thành nỗi nhục nhả, hèn hạ, với cả
những tay anh chị lẫy lừng ngoài đời làm anh tự hứa là sẽ không bao giờ xin ai.
Cái thèm thuồng và quyết tâm không mở miệng xin Toàn một miếng chuối thì anh khống
chế được, nhưng nước miếng trong miệng thì cứ ứa ra, lý trí anh không tài nào
ngăn được, nó làm anh phải nuốt liên hồi!
Nằm chịu đựng cái
thèm tra tấn như thế đến gần nữa đêm…
Tự nhiên Trần nghỉ
đến lão Ngô và các bạn tù mà thương họ, cảm thương cái thèm bản năng, rất người,
ai cũng trải qua khi rơi vào hoàn cảnh này.
Sài gòn. Tháng 7. 2015.
Trạch An – Trần Hữu Hội
(*) Thuận Hải: Gồm ba tỉnh ghép lại: Ninh Thuân-Bình
Thuận và Hàm thuận.