Giới thiệu: Chính sách toàn cầu hóa kinh tế trong
giai đoạn phát triển từ năm 1972 đến nay tròn 44 năm và đang được điều chỉnh.
Thế giới đang điều chỉnh bằng cách trở lại thời kỳ bảo thủ (protectionism) dù vẫn
phải bảo thủ trong nội dung toàn cầu hóa, bởi vì các mối tương quan và phụ thuộc
về kinh tế quốc tế đã phát triển đến mức không thể hoàn toàn trở lại như thời kỳ
trước Thế chiến Thứ hai. Dù dưới mức độ nào, đối với các nước đang phát triển
đây là một khó khăn vì sự phát triển của các nước này phụ thuộc vào toàn cầu
hóa và toàn cầu hóa đem lại cho họ nhiều mối lợi hơn các nước tiên tiến. Riêng
với Việt Nam, ngoài lý do kinh tế còn có lý do chính trị vì Việt Nam giống như
Trung Cộng đều đặt dưới sự cai trị bởi đảng CS độc tài.
Với chiến thắng của
Donald Trump và sự yếu kém của các quốc gia thuộc khối ASEAN, khả năng Việt Nam
sẽ bị “Phần Lan Hóa” ngày càng rõ hơn. Một cách vắn tắt, “Phần Lan hóa”
(Finlandization), có nghĩa “để trở nên Phần Lan”, là một khái niệm chính trị để
chỉ ảnh hưởng của một cường quốc trên các chính sách đối nội, đối ngoại và quốc
phòng của một quốc gia láng giềng nhỏ, bị cô lập, không phải là thành viên của
một liên minh quân sự và không nhận được sự bảo vệ của các cường quốc. Khái niệm
này bắt nguồn từ chính sách của chính phủ Phần Lan chấp nhận các chính sách của
Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh từ năm 1947 đến năm 1990 để đáp ứng với
thực tế chính trị thời bấy giờ. Bài viết Hiểm họa Trung Cộng và bài học “Phần
Lan hóa” (Finlandization) này được viết vào tháng 8, 2014, nay xin giới thiệu lần
nữa khi các điều kiện chính trị đang diễn ra theo chiều hướng đã được bàn, đồng
thời đây cũng là một đóng góp về kiến thức và lý luận cho những người Việt quan
tâm đến tương lai đất nước.
Trong bài viết Việt Nam đối diện với việc “Phần Lan hóa” từ
Trung Quốc (Vietnam Faces ‘Finlandization’ from China) cuối tháng Năm, 2014
trên báo Asiasentinel, David Brown, một cựu nhân viên ngoại giao Mỹ, viết: “Như
vậy, trong khi Washington dường như đã sẵn sàng vẽ một lằn ranh quanh Nhật Bản,
Hàn Quốc và cũng có thể Singapore và eo biển Malacca, Hải quân Hoa Kỳ đang từ bỏ
việc đương đầu tại một khoảng xa cách từ bờ biển Việt Nam.” Tác giả viết tiếp
“Điều đó có thể được hiểu rằng, Mỹ đang dự định chấp nhận nhìn Việt Nam bị “Phần
Lan hoá”.
Tháng 9 năm 2010, trong một bài viết trên tờ Wall Street,
Andrew Krepinevich, Chủ tịch Trung tâm Định ước Ngân sách và Chiến lược (the
Center for Strategic and Budgetary Assessments) cũng cảnh báo Trung Cộng đang
tiến hành “Phần Lan hóa” Thái Bình Dương: “Liên Xô chưa bao giờ thành công “Phần
Lan hóa” Châu Âu. Nhưng sự đe dọa vừa trở lại từ phía Trung Cộng, quốc gia này
đang cố gắng “Phần Lan hóa” Tây Thái Bình Dương. Cách phát triển quân sự của một
quốc gia mở ra cánh cửa cho thấy ý định của nó, và Trung Cộng rõ ràng đang tìm
kiếm để gây hiệu quả tuần tự nhưng quyết định vào cán cân quân sự Mỹ-Trung. Mục
đích của Trung Cộng là ngăn chận Mỹ trong việc bảo vệ các quyền lợi lâu dài
trong khu vực – và để lôi kéo các đồng minh dân chủ của Mỹ vào quỹ đạo của nó.”
Trong chính luận Tranh chấp Mỹ-Trung, một cảnh giác cho lòng
yêu nước trên talawas năm 2010, người viết cũng có bàn tổng quát về trường hợp
các quốc gia độn như Thổ Nhĩ Kỳ và Phần Lan. Để có thể tồn tại trong thời kỳ
Chiến tranh Lạnh các nước này đã phải áp dụng nhiều chiến lược đối ngoại và đối
nội khác nhau. Trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ chủ trương cứng rắn chống Liên Xô, đứng hẳn
về phía Tây phương, Phần Lan chủ trương các chính sách đối ngoại và đối nội nhượng
bộ Liên Xô. Người viết cũng đã phân tích chọn lựa của Thổ Nhĩ Kỳ trong chính luận
Hiểm họa Trung Cộng và bài học Thổ Nhĩ Kỳ cách đây hai năm và lần này bàn đến
trường hợp Phần Lan.
Với chủ trương bành trướng Nga Hoàng của Vladimir Putin và
ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc cực đoan Đại Hán của Tập Cận Bình đang cháy rộng,
khái niệm “Phần Lan hóa” lại lần nữa được nhắc nhở khá nhiều: “Phần Lan hóa”
Ukraine, “Phần Lan hóa” Đài Loan và cả khả năng “Phần Lan hóa” Việt Nam.
Trước khi bàn đến việc liệu Việt Nam có thể sẽ bị “Phần Lan
hóa” với sự thỏa thuận ngầm của Mỹ như David Brown phân tích hay thực tế đã bị
“Phần Lan hóa” sau mật ước Thành Đô, cần tìm hiểu các điều kiện địa lý chính trị,
lịch sử và quốc phòng của Phần Lan trong quan hệ với Liên Xô trước và sau Thế chiến
thứ hai cũng như sự ra đời của khái niệm này.
“Phần Lan hóa” là gì?
“Phần Lan hóa” (Finlandization) có nghĩa “để trở nên Phần
Lan” là một khái niệm chính trị để chỉ ảnh hưởng của một cường quốc trên các
chính sách đối nội, đối ngoại và quốc phòng của một quốc gia láng giềng nhỏ, bị
cô lập, không phải là thành viên của một liên minh quân sự và không nhận được sự
bảo vệ của các cường quốc. Khái niệm vẫn còn nhiều tranh cãi, mang nặng cảm
tính này bắt nguồn từ chính sách của chính phủ Phần Lan trong thời kỳ Chiến
tranh Lạnh từ năm 1947 đến năm 1990 để đáp ứng với thực tế chính trị và bảo vệ
được chủ quyền đất nước, hay vắn tắt là để tồn tại.
Phần Lan trước Thế chiến Thứ hai
Năm 2013 dân số Phần Lan có 5.5 triệu, tuy nhiên trong giai
đoạn “Phần Lan hóa” trong những năm 1940 quốc gia này chỉ có khoảng 4 triệu
dân, đa số sống ở các khu vực miền nam, nhiều nhất tại thủ đô Helsinki và vùng
phụ cận. Vì là một nước quá nhỏ chia sẻ biên giới với các nước lớn nên Phần Lan
cũng gặp nhiều lận đận. Suốt 600 năm, Phần Lan bị Thụy Điển đô hộ. Các viên chức
Thụy Điển được cử đến cai trị Phần Lan. Dù đương đầu với hiểm họa bị đồng hóa,
Phần Lan vẫn giữ được bản sắc văn hóa, ngôn ngữ và tiếng nói riêng. Khi phong
trào cải cách tôn giáo của Martin Luther lan rộng đến Thụy Điển và Phần Lan,
Tân Ước được dịch sang tiếng Phần Lan và đóng vai trò quan trọng trong đời sống
tinh thần của người dân. Sau chiến tranh giữa Nga và Thụy Điển vào cuối thế kỷ
17, Nga chiếm Phần Lan.
Năm 1912, vua Nga, Alexander I nâng cấp Phần Lan từ hàng tự
trị lên cấp quốc gia đặt thủ đô tại Helsinki. Cũng vào thời điểm đó tinh thần
quốc gia Phần Lan do Tiến sĩ Johan Vilhelm Snellman nuôi dưỡng, bắt đầu phát
triển mạnh. Để chống lại chính sách đồng hóa của Nga Hoàng, Johan Vilhelm
Snellman kêu gọi người dân Phần Lan tuyệt đối không dùng tiếng Nga.
Cách Mạng CS Nga 1917 bùng nổ, Phần Lan tuyên bố độc lập.
Tuy nhiên bị ảnh hưởng chính trị Nga, cánh tả trong chính phủ Phần Lan rất mạnh
và thực hiện một cuộc đảo chánh. Quân chính phủ do tướng Gustaf Mannerheim chỉ
huy phản công và đánh bại quân phiến loạn. Phần Lan chính thức trở thành nước Cộng
Hòa năm 1919 với K.J. Ståhlberg là tổng thống đầu tiên. Biên giới giữa Nga và
Phần Lan được công nhận theo hiệp ước biên giới Tartu ký kết năm 1920. Quan hệ
giữa Phần Lan và Liên Xô rất căng thẳng, và quan hệ giữa Phần Lan và Đức cũng
không tốt đẹp gì hơn.
Tháng Tám, 1939, Hitler và Stalin ký thỏa hiệp không xâm phạm
nhau trong đó có điều khoản Hitler đồng ý nhường Phần Lan cho Stalin. Khi Phần
Lan từ chối việc cho phép Liên Xô xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Phần
Lan, Stalin tấn công Phần Lan vào tháng 11, 1939. Chiến tranh Mùa Đông (Winter
War) bùng nổ. Tuy Phần Lan thua nhưng đã gây thiệt hại trầm trọng cho phía Liên
Xô. Sau Chiến tranh Mùa Đông (1939) là Chiến tranh Tiếp Tục (Continuation War)
(1941-1944). Trong thời gian này Phần Lan đứng về phía Đức và đem quân tấn công
Liên Xô để chiếm lại các phần đất bị mất trong Chiến tranh Mùa Đông và nhiều phần
đất khác của Liên Xô. Chính Anh Quốc cũng đã tuyên chiến với Phần Lan năm 1941.
Năm 1944, Phần Lan ký hiệp ước đình chiến với Liên Xô.
Phần Lan sau Thế chiến Thứ hai
Tại hội nghị Paris năm 1946, Đồng Minh ân xá cho Phần Lan và
các nước đã đứng về phía phe Trục như Romania, Bulgaria, Hungary và cho phép
các nước này trở thành hội viên Liên Hiệp Quốc. Phần Lan và Liên Xô ký các hiệp
ước hòa bình lần nữa vào những năm 1947 và 1948. Trong giai đoạn này Phần Lan
quá yếu về khả năng quân sự so với Liên Xô nên đã buộc phải nhường vùng đất
phía nam cho Liên Xô. Đứng trước sự phân cực đang hình thành trong sinh hoạt
chính trị thế giới, Phần Lan đối diện với một thực tế chính trị thế giới hoàn
toàn bất lợi. Đức Quốc Xã, đối trọng với Liên Xô sụp đổ, không có đồng minh
quân sự, bị cô lập về địa lý chính trị, các quốc gia trong vùng Đông Âu lần lượt
trở thành chư hầu CS của Liên Xô, các quốc gia vùng Baltic như Estonia, Latvia,
Lithuania đều bị sáp nhập hẳn vào Liên Xô. Ưu tiên hàng đầu của chính phủ Phần
Lan, vì thế, bằng mọi giá để khỏi bị trở thành một “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa”
trong Liên Bang Xô Viết.
Quá sợ Liên Xô nuốt sống như trường hợp các nước vùng
Balkan, Phần Lan lấy lòng Liên Xô bằng cách từ chối viện trợ Mỹ trong kế hoạch
viện trợ kinh tế Marshall. Tuy vậy, Phần Lan ngấm ngầm thiết lập quan hệ kinh tế
với Anh, Mỹ và các chính phủ Anh, Mỹ cũng tìm cách yểm trợ Phần Lan để hy vọng
nuôi dưỡng chế độ dân chủ non trẻ tại quốc gia nhỏ ở Bắc Âu này. Chính sách “Phần
Lan hóa” ra đời.
Nội dung của “Phần Lan hóa”
- Về đối ngoại. Phần Lan theo đuổi một chính sách đối
ngoại rất mềm dẻo, nhân nhượng, không làm mất lòng Liên Xô, trung lập. Liên Xô
trong thực tế không xem Phần Lan như là một nước Trung Lập đúng nghĩa mà luôn
xem quốc gia này phụ thuộc vào các chính sách đối ngoại phát xuất từ điện
Kremlin. Chẳng hạn, khi đại sứ Phần Lan Max Jakobson được đề cử vào chức vụ Tổng
Thư Ký Liên Hiệp Quốc, Liên Xô chẳng những không ủng hộ mà còn dùng quyền phủ
quyết để bác bỏ vì không muốn thấy một chính khách Phần Lan đóng vai trò quan
trọng trong tổ chức chính trị thế giới.
- Về đối nội. Loại trừ các thành phần lãnh đạo quốc
gia có khuynh hướng chống Liên Xô và ủng hộ các thành phần thân Liên Xô. Theo
tài liệu của CIA, Liên Xô duy trì mối quan hệ mật thiết với các chính khách
thân Liên Xô đứng đầu là Tổng thống Juho Kusti Paasikivi (1870-1956) và sau đó
là Tổng thống Urho Kekkonen (1900-1986). Liên Xô có quyền phủ quyết các chính
sách của Phần Lan và can dự vào nội bộ Phần Lan qua trung gian đảng CS Phần
Lan, Liên Đoàn Dân Chủ Nhân Dân, Quốc Hội Phần Lan với đa số thuộc cánh tả.
- Về văn hóa giáo dục. Để vừa lòng Liên Xô, Phần Lan
áp dụng chính sách tự kiểm duyệt, tự kiểm soát và thân Liên Xô. Chính phủ Phần
Lan ngăn chận các phương tiện truyền thông có cái nhìn tiêu cực về Liên Xô.
Trên 1700 cuốn sách có nội dung chống Liên Xô trước đó bị xếp vào thể loại
“sách bị cấm”. Các phim ảnh không có lợi cho Liên Xô như The Manchurian
Candidate, One Day in the Life of Ivan Denisovich v.v. đều không được phép chiếu.
- Về quốc phòng. Hiệp ước Hữu Nghị Hợp Tác Phần
Lan-Liên Xô năm 1948 (Finno-Soviet Pact of Friendship, Cooperation and Mutual
Assistance) quy định Phần Lan phải có trách nhiệm chống lại các lực lượng thù địch
của Liên Xô khi các lực lượng này tấn công Liên Xô ngang qua ngả Phần Lan và nếu
cần sẽ kêu gọi sự giúp đỡ quân sự của Liên Xô. Phần Lan không được liên minh
quân sự với một quốc gia thứ ba. Điều này do Liên Xô đặt ra để giới hạn Phần
Lan gia nhập NATO giống như trường hợp Đan Mạch và Na Uy. Trước đó, trong hiệp
ước ký kết giữa hai nước, Phần Lan đã nhường 10 phần trăm lãnh thổ cho Liên Xô.
Nhắc đến “Phần Lan hóa” không thể bỏ qua vai trò của Tổng thống
Phần Lan Urho Kekkonen, người lèo lái chính sách này trong suốt 26 năm làm tổng
thống. Những người phê bình Urho Kekkonen cho rằng ông ta là con cờ của Liên Xô
trong khi những người ủng hộ xem ông như là một trong những anh hùng của Phần
Lan vì đã bảo vệ được chủ quyền Phần Lan trong một hoàn cảnh chính trị thế giới
vô cùng khó khăn.
Công tâm mà nói, trong suốt dòng lịch sử, lãnh thổ Phần Lan
là bãi chiến trường cho các tham vọng bành trướng của Thụy Điển và sau đó là
Nga Hoàng. Sau Thế chiến thứ hai, hầu hết các quốc gia vùng Baltic và Balkan đều
nằm trong quỹ đạo Liên Bang Sô Viết. Lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ của quốc gia
này đều bị xóa bỏ. Ý thức được điều đó, mục tiêu hàng đầu của Kekkonen là bảo vệ
chủ quyền Phần Lan, bảo vệ nền Cộng Hòa Phần Lan bằng mọi giá, không thể để Phần
Lan trở thành một xứ tự trị như thời Nga Hoàng hay một “Cộng hòa Xã hội Chủ
nghĩa” của Stalin. Mặc dù nhân nhượng Liên Xô rất nhiều trong các lãnh vực
chính trị, quốc phòng Phần Lan cũng có lợi về kinh tế vì Liên Xô là quốc gia nhập
cảng lớn nhất sản phẩm của Phần Lan. Sự sụp đổ của Liên Xô đã gây ra những suy
thoái kinh tế trầm trọng tại Phần Lan. Sau giai đoạn phục hồi, Phần Lan đã phát
triển một cách vượt bực. Ngày nay Phần Lan hội nhập cao vào nền kinh tế thế giới
và là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới.
Trở lại với quan hệ Trung Cộng và CS Việt Nam trong cái nhìn
so sánh giữa Liên Xô và Phần Lan.
Trung Cộng sau Thiên An Môn
Chính sách đối ngoại của Trung Cộng trong thời gian năm 1990
nhằm mục đích thoát khỏi sự cô lập quốc tế và ổn định chính trị nội bộ sau biến
cố Thiên An Môn. Những thành tựu kinh tế của chính sách bốn hiện đại hóa từ đầu
thập niên 1980 đã đạt một số thành tích đáng kể nhưng tất cả đều rất mong manh,
yếu kém. Các cường quốc dân chủ vẫn còn trừng phạt kinh tế sau khi Đặng Tiểu
Bình ra lệnh tàn sát nhiều ngàn sinh viên Trung Quốc yêu dân chủ tại Thiên An
Môn đầu tháng 6, 1989.
Như hầu hết các quốc gia CS, kế hoạch chung của cả nước luôn
chế ngự và đồng thời duy trì tính cân đối của các chính sách đối ngoại cũng như
đối nội trong mỗi thời kỳ. Để thoát khỏi sự cô lập và phục hồi vị trí của Trung
Cộng trong bang giao quốc tế , Đặng Tiểu Bình theo đuổi chính sách đối ngoại mềm
dẻo trong đàm phán biên giới với hàng loạt các nước lân bang trong đó có Việt
Nam. Chính sách của ho Đặng được gọi là chính sách 20 nét chữ “bình tĩnh quan
sát, giữ vững trận địa, bình tĩnh ứng phó, giấu mình chờ thời” (lengjing
guancha, chenzhuo yingfu, wenzhu zhenjiao, taoguang yanghui, yousuo zuowei).
Sự sụp đổ của hệ thống Liên Xô làm Trung Cộng không còn lo
ngại vòng vây Liên Xô từ hướng Việt Nam nhưng lại có mối lo mới nguy hiểm và
hùng mạnh hơn nhiều, đó là Mỹ. Như người viết đã trình bày trong các bài trước,
thời điểm năm 1990 đối tượng cạnh tranh của Trung Cộng là Mỹ và Nhật chứ không
phải Liên Xô hay chư hầu của nó là CSVN và mục tiêu bành trướng của họ Đặng
không chỉ giới hạn ở các cù lao trên biển, vài ngọn núi đất ở Hà Giang mà cả
Thái Bình Dương. Và để giới hạn sự đe dọa của Mỹ, Trung Cộng đã làm hòa với
CSVN. Hai bên đã mở các cuộc đàm phán vào năm 1991 và đạt đến thỏa hiệp vào năm
1993 sau mật ước Thành Đô.
Việt Nam sau Liên Xô
Sau khi hệ thống CS tại châu Âu sụp đổ, nền kinh tế của các
nước CS còn lại của khối COMECON trong đó có Lào, Cu Ba và CSVN trở thành đàn
gà mất mẹ. Trong bài bình luận nhân dịp kỷ niệm 20 năm bức tường Bá Linh đổ, tạp
chí The Economist nhận xét chung rằng khi chế độ thực dân ra đi, các nước cựu
thuộc địa ít ra còn hưởng được các phương pháp quản trị, hệ thống tư pháp và
nhiều trường hợp cả ngôn ngữ nhưng chế độ CS ra đi không để lại gì ngoài nghèo
đói, ngục tù và lạc hậu.
Số phận của đảng CSVN như chỉ mành treo chuông. Trong giờ
phút sinh tử đó, lãnh đạo CSVN xem dấu hiệu hòa hoãn của Đặng Tiểu Bình như chiếc
phao giữa biển. Họ vui mừng bám lấy. Dĩ nhiên, với bản chất thâm độc, đầu óc
tính toán của lãnh đạo Trung Cộng, món lễ vật của đàn em CSVN dâng lên trong
ngày quy phục thiên triều lần nữa phải là một lễ vật đắt giá. Món nợ máu xương
từ năm 1979 trở về trước hẳn được Đặng Tiểu Bình đòi cả vốn lẫn lời.
Hội nghị bí mật tại khách sạn Kim Ngưu, Thành Đô, thủ phủ tỉnh
Tứ Xuyên diễn ra trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 giữa phía Việt Nam gồm
Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh và phía Trung Quốc gồm Giang Trạch Dân
và Lý Bằng thực chất là lễ cam kết một loại “công hàm” khác, trầm trọng hơn nhiều
so với “công hàm Phạm Văn Đồng”. Chiều ngày 7 tháng 11 năm 1991 tại Nhà khách
Chính phủ Điếu Ngư Đài Bắc Kinh, Giang Trạch Dân tuyên bố “Nhưng chúng tôi hy vọng
giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể khôi phục mối quan hệ mật thiết giữa hai Đảng
và hai nước do những người lãnh đạo thuộc thế hệ lão thành xây dựng nên.” Họ
Giang muốn nhắc nhở lãnh đạo CSVN về thời kỳ mà đảng CSVN thở bằng bình oxygen
Trung Cộng trong các thập niên 1950, 1960.
Trung Cộng muốn Việt Nam những gì Liên Xô muốn Phần Lan
và nhiều hơn nữa:
– Giống như Liên Xô áp dụng với Phần Lan, Việt Nam phải
“trung lập” trên danh nghĩa. Phần Lan luôn tuyên bố trung lập và Liên Xô ủng hộ
vị trí trung lập của Phần Lan nhưng thực chất có quyền phủ quyết hầu hết các
chính sách đối ngoại của Phần Lan. CSVN cũng thế. Họ luôn tuyên bố “quan hệ hợp
tác bình đẳng cùng có lợi” với mọi quốc gia trên thế giới nhưng thực chất chỉ
“hợp tác” với sự đồng ý của Trung Cộng. Bất cứ khi nào có dấu hiệu làm trái ý,
Trung Cộng sẽ dùng mọi biện pháp hèn hạ nhất để trừng phạt như trường hợp giàn
khoan HD981 vừa qua, bất chấp dư luận thế giới khinh khi.
– Giống như Liên Xô áp dụng với Phần Lan, các chính sách an
ninh quốc phòng của Việt Nam không được đi ngược với chính sách quốc phòng của
Trung Cộng, không được độc lập trong toàn bộ chiến lược an ninh châu Á của
Trung Cộng. Để thỏa mãn Trung Cộng, Việt Nam theo đuổi một chính sách quốc
phòng “ba không” tự sát: (1) không tham gia các liên minh quân sự, (2) không là
đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, (3) không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ
quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Các điều khoản
này tương tự các điều khoản của hiệp ước mà Phần Lan phải ký với Liên Xô năm
1948.
– Giống như Liên Xô đã cướp đất của Phần Lan, CSVN đã chấp
nhận vị trí đặc quyền, đặc lợi của Trung Cộng trong Biển Đông. Như đã viết, khi
thỏa hiệp bán nước Thành Đô vừa ký kết xong, ngày 25 tháng 2 năm 1992, Quốc vụ
viện Trung Cộng thông qua “Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp” quy định lãnh hải rộng
12 hải lý, áp dụng cho cả bốn quần đảo ở Biển Đông trong đó có quần đảo Tây Sa
(Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Ba tháng sau đó, Trung Cộng ký hợp đồng khai
thác dầu khí với công ty năng lượng Crestone, cho phép công ty này thăm dò khai
thác dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam và hứa sẽ bảo vệ công ty Creston bằng
võ lực. Ngoài ra, Trung Cộng còn ra lịnh cấm đánh cá, thành lập các đơn vị hành
chánh cấp huyện tại Hoàng Sa và Trường Sa.
– Giống như Liên Xô đã áp lực với lãnh đạo Phần Lan, Việt
Nam cũng thực hiện các chính sách tự kiểm duyệt các tin tức gây mất lòng Trung
Cộng, giới hạn các phim ảnh, sách báo có nội dung tiêu cực về chế độ CS tại
Trung Quốc, ngăn chận mọi ý kiến, phản ứng dù rất ôn hòa của người dân trước
các hành động gây hấn, xâm lược lộ liễu của Trung Cộng. Tháng Sáu vừa qua, các
báo VnExpress, Thanh Niên, Người Lao Động, Tiền Phong, Giáo Dục đã phải đồng loạt
lấy xuống các hình ảnh và tin tức liên quan đến ngày kỷ niệm Tàn Sát Thiên An
Môn. TS Nguyễn Quang A, một trong những thành viên chủ trương Diễn đàn Xã hội
Dân sự phát biểu với RFA: “Điều đó chứng tỏ rằng những thế lực trong Đảng Cộng
sản Việt Nam còn gắn rất chặt với Trung Quốc. Tôi tin chắc chắn là họ nghe theo
lệnh của Bắc Kinh để họ làm như vậy.”
– Bên cạnh các điểm giống nhau nêu trên, một điểm khác biệt
có tính quyết định đối với tương lai của dân tộc Việt Nam: Trung Cộng quyết tâm
bảo vệ đảng CSVN. Làm gì thì làm, nói gì thì nói, lãnh đạo CSTQ cũng biết hiện
nay chỉ còn năm đảng cầm quyền mang nhãn hiệu búa liềm. Nắm giữ Việt Nam về mặt
lý luận tư tưởng không chỉ để bảo vệ cơ chế mà còn tránh sự sụp đổ dây chuyền
trong trường hợp cách mạng dân chủ tại Việt Nam diễn ra trước. Và do đó, bị “Phần
Lan hóa” trong quỹ đạo Trung Cộng cũng có nghĩa ngày nào Trung Cộng còn do đảng
CS cai trị ngày đó nhân dân Việt Nam lại cũng sẽ tiếp tục chịu đựng dưới ách chủ
nghĩa độc tài toàn trị Lê Nin không có Mác. Tổng thống Phần Lan Urho Kekkonen
phải khuất phục Liên Xô chỉ vì để bảo vệ chế độ cộng hòa và chủ quyền đất nước,
lãnh đạo CSVN bám vào chiếc phao Trung Cộng chỉ vì quyền lực và quyền lợi riêng
của đảng CS.
Những phân tích trên cho thấy có khả năng cao Việt Nam đã bị
“Phần Lan hóa” qua mật ước Thành Đô. Và Việt Nam, như một dân tộc, chỉ có thể tự
thoát khỏi quỹ đạo Trung Cộng tức tránh khỏi nạn bị “Phần Lan hóa” bằng (1) dân
chủ trước Trung Cộng, (2) đoàn kết dân tộc để vượt thoát và thăng tiến, (3) chủ
động chiến lược hóa vị trí quốc gia trong tranh chấp Thái Bình Dương, (4) sát
cánh với láng giềng cùng hoàn cảnh và tham gia các liên minh tin cậy như đã
trình bày trong chính luận Để thắng được Trung Cộng.
Trần Trung Đạo
Tham khảo:
– “Finlandization” in Action: Helsinki’s Experience with
Moscow”, Directorate of Intelligence Report. CIA
– Adrew (Andrew) F. Krepinevich, The Wall Street Journal(,) Sept 11, 2010
– David Brown, Asia Sentinel, May 22(,) 2014
– Finland, a country study, Library of Congress , Eric Solsten and Sandra W. Meditz, December 1988
– Mart Laar,The Power of Freedom – Central and Eastern Europe After 1945, Unitas Foundation, 2010
– Challenges for the U.S.(,) Robert S. Ross, Allen S. Whiting and Harry Harding, The NBR Analysis, 1990
– Regime Insecurity and International Cooperation, M. Taylor Fravel, International Security, Vol. 30, No. 2 (Fall 2005), pp. 46–83 © by the President and Fellows of Harvard College
– Korean Reunification Would Cast Off China’s Shadow , Mark P. Barry, World Policy
– Wikipedia.org The Molotov–Ribbentrop Pact
– Wikipedia.org on Finland
– Adrew (Andrew) F. Krepinevich, The Wall Street Journal(,) Sept 11, 2010
– David Brown, Asia Sentinel, May 22(,) 2014
– Finland, a country study, Library of Congress , Eric Solsten and Sandra W. Meditz, December 1988
– Mart Laar,The Power of Freedom – Central and Eastern Europe After 1945, Unitas Foundation, 2010
– Challenges for the U.S.(,) Robert S. Ross, Allen S. Whiting and Harry Harding, The NBR Analysis, 1990
– Regime Insecurity and International Cooperation, M. Taylor Fravel, International Security, Vol. 30, No. 2 (Fall 2005), pp. 46–83 © by the President and Fellows of Harvard College
– Korean Reunification Would Cast Off China’s Shadow , Mark P. Barry, World Policy
– Wikipedia.org The Molotov–Ribbentrop Pact
– Wikipedia.org on Finland