Mặc dù được xem là một trong những gương mặt lãnh đạo uy quyền nhất thế
giới, quyền lực của tổng thống Mỹ không phải là vô hạn định. Đó là nhờ Hoa Kỳ
có một thể chế chính trị phân quyền gồm ba ngành hành pháp, lập pháp, và tư
pháp hỗ trợ cho nhau theo mô thức “kiểm soát và cân bằng” (check and balance),
và tổng thống chính là người đứng đầu của ngành hành pháp.
Theo hiến pháp Mỹ, tổng thống là nhân vật đứng đầu cơ quan hành pháp, cũng là
nguyên thủ quốc gia đồng thời là tổng tư lệnh quân đội. Vai trò của ngành hành
pháp là thi hành pháp luật. Do đó, trách nhiệm của tổng thống là lãnh đạo quốc
gia đi theo đúng những điều luật đã ghi trong hiến pháp và các luật liên bang.
Ngành hành pháp dưới quyền lãnh đạo của tổng thống có khoảng bốn triệu nhân
viên, trong đó có cả quân đội. Trong một hệ thống chính trị phân quyền, hai cơ
quan lập pháp và tư pháp giữ quyền kiểm soát và cân bằng quyền hạn của tổng
thống. Ví dụ như trong quyền bổ nhiệm nhân sự, tổng thống được quyền bổ nhiệm
các chức vụ trong nội các, đại sứ, chánh án trong tối cao pháp viện, và một số
vị trí trong chính quyền liên bang. Tuy nhiên, các chức vụ này đều phải được
Thượng Viện chấp thuận.
Tuy tổng thống không nằm trong ngành lập pháp, nhưng ông vẫn đóng vai trò quan
trọng trong việc điều chỉnh một số điều luật, đặc biệt là lúc đảng chính trị
của tổng thống chiếm đa số tại lưỡng viện Quốc Hội. Một trong những quyền hạn
về mặt lập pháp của tổng thống là quyền phủ quyết. Tất cả các dự luật sau khi
được thông qua tại Thượng Viện phải cần được tổng thống ký thì mới chính thức
trở thành đạo luật. Nếu tổng thống phủ quyết, thì dự luật bị trả về cho Thượng
Viện. Quốc Hội muốn vượt qua quyền phủ quyết của tổng thống cho một dự luật,
cần phải có sự biểu quyết với hai phần ba số phiếu áp đảo và điều này sẽ trở
nên rất khó khăn và tạo thêm sự căng thẳng giữa hai cơ quan ngành pháp và lập
pháp.
Về mặt quân sự, tuy Quốc Hội có quyền tuyên chiến, nhưng việc lãnh đạo quân đội
sẽ hoàn toàn thuộc về tổng thống. Trong vị trí là Tổng Tư Lệnh quân đội, tổng
thống có quyền hạn tối cao chỉ huy quân đội và đưa ra những chiến lược quân sự
cần thiết. Ngược lại, Quốc Hội có khả năng giới hạn quyền này của tổng thống
qua việc kiểm soát ngân sách quân sự. Bên cạnh đó, tổng thống cũng là người
hướng dẫn đường lối ngoại giao cho quốc gia. Do đó, tổng thống thường phải chịu
trách nhiệm cho chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ của mình.
Nơi ở và làm việc của tổng thống là Tòa Bạch Ốc. Có lẽ ai cũng đã biết chiếc
phi cơ dành riêng cho tổng thống được gọi là Air Force One, ngoài ra, tổng
thống còn có thể sử dụng máy bay trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến được đặt
tên là Marine One. Tương tự như vậy đối với Navy One, Army One, hay Coast Guard
One khi tổng thống sử dụng những phương tiện này. Lương tổng thống tính đến năm
2014 là 400,000 Mỹ kim. Tổng thống đầu tiên George Washington được trả lương
25,000 Mỹ kim tương đương với khoảng 566,000 Mỹ kim hiện giờ. Ngoài mức lương
chính ra, tổng thống còn được thêm 50,000 Mỹ kim tiêu xài, 100,000 Mỹ kim cho việc
di chuyển và 19,000 Mỹ kim dành vào các việc giải trí. Tổng thống vẫn phải đóng
thuế hàng năm như bất kỳ công dân nào khác tại Hoa Kỳ.
Để bảo vệ an ninh cho tổng thống, một đội mật vụ (secret service) có trọng
trách phải theo sát và bao chung quanh tổng thống mỗi khi tổng thống xuất hiện
trước quần chúng. Trước năm 1997, tất cả những vị tổng thống tiền nhiệm và gia
đình đều được bảo vệ an ninh cho đến khi tổng thống qua đời. Luật đã được sửa
đổi năm 1997 và những tổng thống sau này chỉ được bảo vệ trong vòng mười năm
sau khi mãn nhiệm. Tổng thống Bill Clinton là người cuối cùng được hưởng quy
định bảo vệ suốt đời. Tuy nhiên, vấn đề khủng bố trong những năm gần đây khiến
Quốc Hội đang xem xét lại việc bảo vệ an ninh suốt đời cho các vị tổng thống
tiền nhiệm vì hầu hết các cựu tổng thống sau khi rời Bạch Cung vẫn tiếp tục
hoạt động khá mạnh mẽ trong các lãnh vực khác như ngoại giao, nhân quyền, xã
hội, v.v.
Điều kiện căn bản để có thể ứng cử tổng thống là phải đủ 35 tuổi, là công dân
sinh ra tại Hoa Kỳ và phải cư ngụ tại Hoa Kỳ ít nhất 14 năm. Nhiệm kỳ của tổng
thống là bốn năm và tổng thống chỉ được nắm quyền trong hai nhiệm kỳ liên tục
dựa theo Tu Chính Án 22 có hiệu lực từ năm 1951. Trước đó, việc giữ hai nhiệm
kỳ chỉ là một tiền lệ do tổng thống George Washington đặt ra và được hầu hết
các tổng thống sau đó theo chân nhưng không phải là luật chính thức. Tổng thống
Franklin D. Roosevelt là người duy nhất thắng cử tổng cộng bốn lần. Ông lãnh
đạo Hoa Kỳ từ năm 1933, vượt qua giai đoạn Đại Khủng Hoảng và Đệ Nhị Thế Chiến,
cho đến khi ông qua đời vào tháng Tư năm 1945, vài tháng sau khi nhậm chức
nhiệm kỳ thứ tư.
Khác với những quốc gia có hệ thống bầu tổng thống trực tiếp, tổng thống Hoa Kỳ
được bầu một cách gián tiếp. Mặc dù mọi công dân đều bỏ phiếu bầu tổng thống,
nhưng tổng thống tại Hoa Kỳ thắng cử là dựa trên số phiếu của cử tri đoàn
(electoral college) thay vì tổng số phiếu bầu của cử tri. Số lượng cử tri đoàn
tùy vào số lượng dân biểu và thượng nghị sĩ liên bang của một tiểu bang. Ví dụ,
tiểu bang California có 55 phiếu cử tri đoàn vì có 53 dân biểu liên bang (U.S
Congress Member) và hai thượng nghị sĩ liên bang (U.S Senator). Những tiểu bang
bé nhỏ như South Dakota chỉ có 3 phiếu cử tri đoàn vì chỉ có một dân biểu liên
bang và hai thượng nghị sĩ liên bang. Số lượng dân biểu liên bang của một tiểu
bang tùy theo dân số của tiểu bang đó. Như vậy, tiểu bang nào càng đông dân thì
càng có thế mạnh về mặt số phiếu bầu trong cử tri đoàn.
Trong cuộc tranh cử tổng thống, kết quả được tính theo từng tiểu bang; ứng cử
viên nào có số phiếu cử tri cao hơn sẽ thắng được số phiếu cử tri đoàn của tiểu
bang đó, và người với số phiếu cử tri đoàn cao hơn sẽ trở thành tổng thống.
Trong năm 2000, tuy phó tổng thống Al Gore có số phiếu phổ thông cao hơn
(popular vote), có nghĩa là nhiều người dân bầu cho ông hơn, nhưng ông vẫn thua
tổng thống George W. Bush vì bị thua phiếu của cử tri đoàn. Chính vì điều này
mà trong một cuộc vận động tranh cử tổng thống, các ứng cử viên dồn nhiều nỗ
lực vận động phiếu tại các tiểu bang đông dân như California, Texas, New York,
Florida, v.v. để có thể thắng được nhiều phiếu cử tri đoàn hơn. Trong trường
hợp các ứng cử viên tổng thống có phiếu cử tri đoàn bằng nhau, Hạ Viện sẽ bầu
chọn tổng thống và Thượng viện sẽ chọn ra phó tổng thống. Tổng thống Barack
Obama là tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, cũng là vị tổng thống da màu đầu tiên
trong lịch sử Hoa Kỳ.
Với hệ thống dân chủ tại Hoa Kỳ, tổng thống có thể bị cách chức khi phạm các
tội liên quan đến phản quốc, tham nhũng, hay những tội nghiêm trọng khác. Trong
trường hợp này, Hạ Viện sẽ có quyền buộc tội tổng thống và Thượng Viện sẽ xét
xử tổng thống. Trong lịch sử Hoa Kỳ, có hai tổng thống bị Hạ Viện luận tội là
Andrew Johnson và Bill Clinton, nhưng cả hai đều vượt qua được. Riêng đối với
tổng thống Richard Nixon về vụ Watergate, ông đã từ chức trước khi bị Hạ Viện
luận tội. Đây chính là nét son của xã hội dân chủ – ngay chính tổng thống vẫn
bị xét xử theo pháp luật khi phạm những sai lầm nghiêm trọng.
Với chức vụ cao nhất trong chính quyền Hoa Kỳ, tổng thống được xem là người có
quyền lực nhất, nhưng hệ thống phân quyền tại Hoa Kỳ đã chia đều quyền lực của
ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm tạo được sự hài hòa và cân bằng
quyền lực, giúp Hoa Kỳ đứng vững cho đến ngày nay.
Tạ Đức Trí